Quy trình xử lý kỷ luật đảng trong quân đội

Kỷ luật là đặc trưng, yêu cầu và là sức mạnh của Quân đội. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 xác định, tăng cường công tác quản lý kỷ luật, bảo đảm an toàn là khâu đột phá, tạo sự ổn định vững chắc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tình hình mới.

Công tác quản lý kỷ luật, bảo đảm an toàn có vai trò rất quan trọng đối với nâng cao sức mạnh chiến đấu và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, nhưng là công việc khó, luôn vận động và chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Vì vậy, việc xác định các giải pháp phù hợp, hiệu quả để quản lý tốt kỷ luật, bảo đảm an toàn cho đơn vị luôn mang tính cấp thiết cả trước mắt và lâu dài. Nhận thức đúng điều đó, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 320 luôn coi trọng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác này, đạt được những kết quả quan trọng. Nổi bật là: nhận thức của cấp ủy, chỉ huy các cấp cũng như quyết tâm chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này được nâng cao. Các cơ quan, đơn vị đã chủ động quán triệt, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ thị, quy định của trên về công tác quản lý kỷ luật, bảo đảm an toàn. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi quân nhân được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm thường xuyên; việc duy trì nghiêm nền nếp, chế độ chính quy, chế độ công tác của người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên; lễ tiết tác phong, động tác điều lệnh, xưng hô chào hỏi của bộ đội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Công tác nắm, dự báo, phòng ngừa, ngăn chặn, giải quyết các vấn đề nảy sinh và xử lý các trường hợp vi phạm được các cơ quan, đơn vị thực hiện một cách chủ động, nghiêm túc và có hiệu quả. Đồng thời, thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật và bảo đảm an toàn của cán bộ, chiến sĩ có sự chuyển biến rõ nét; nhiều cơ quan, đơn vị không để xảy ra các vụ việc vi phạm phải xử lý.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý kỷ luật, bảo đảm an toàn của Sư đoàn tuy có chuyển biến nhưng chưa vững chắc. Nhận thức của một số quân nhân về công tác này chưa sâu; công tác quản lý tư tưởng, quản lý kỷ luật, quản lý quân số, quản lý mối quan hệ xã hội của quân nhân chưa chặt chẽ. Một số cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị chưa vững vàng, thực hiện chưa tốt cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu đã xác định; ý thức tự giác chấp hành kỷ luật chưa nghiêm; vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong huấn luyện, sinh hoạt, học tập.

Hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân; trong đó, công tác giáo dục, tuyên truyền có đơn vị hiệu quả chưa cao; năng lực cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định của một số cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên còn hạn chế. Cùng với đó, công tác kiểm tra, chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém, khuyết điểm có đơn vị chưa kiên quyết. Ý thức, trách nhiệm một số cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ chưa cao, thiếu gương mẫu trong tu dưỡng đạo đức, lối sống, còn ngại khó, ngại khổ.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý kỷ luật, bảo đảm an toàn trong thời gian tới, Sư đoàn xác định một số nội dung giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác quan trọng này. Thực tiễn cho thấy, đa số các vụ việc vi phạm kỷ luật, mất an toàn trong toàn quân đều có nguyên nhân chủ quan từ sự buông lỏng, lơ là, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý của cán bộ các cấp. Vì vậy, sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý kỷ luật, bảo đảm an toàn phải được duy trì thường xuyên, liên tục và tăng cường; nhất là, trong thực hiện nhiệm vụ đột xuất, xa đơn vị, những ngày nghỉ, giờ nghỉ - thời gian bộ đội thường vi phạm kỷ luật và mất an toàn. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng, ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật, bảo đảm an toàn ở cấp mình, bảo đảm đồng bộ, sát, đúng, có tính khả thi cao.

Việc nhắc nhở, chấn chỉnh chấp hành kỷ luật, bảo đảm an toàn phải được tiến hành hằng ngày thông qua nhiều hình thức; trong đó, đội ngũ cán bộ giữ vai trò nòng cốt, đặc biệt là cán bộ ở cơ sở. Phải thực hiện nghiêm chức trách, nhiệm vụ, thường xuyên bám sát mọi hoạt động của bộ đội, dự báo các tình huống có thể xảy ra để có biện pháp phòng ngừa các hành vi vi phạm và mất an toàn. Các cấp cần thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, đánh giá đúng thực chất công tác này để có biện pháp cụ thể khắc phục dứt điểm khâu yếu, mặt yếu; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích tốt; kiên quyết chống các biểu hiện chủ quan, đơn giản, thỏa mãn, dừng lại trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Hai là, chú trọng thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa nguy cơ vi phạm kỷ luật, mất an toàn ngay từ cơ sở. Kỷ luật Quân đội là sự hòa quyện biện chứng giữa tự giác và nghiêm minh. Trong đó, tự giác vừa là nền tảng, vừa là mục tiêu, bảo đảm sự ổn định vững chắc trong chấp hành kỷ luật và an toàn của bộ đội. Do vậy, các cơ quan, đơn vị tiếp tục mở các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, tạo chuyển biến vững chắc về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong chấp hành kỷ luật, bảo đảm an toàn. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục thường xuyên; sinh hoạt, quán triệt các văn bản, chỉ thị của trên phải bảo đảm đi vào những vấn đề cốt lõi, “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện”. Tăng cường giáo dục quân nhân cá biệt, các bộ phận nhỏ lẻ, lực lượng công tác ngoài doanh trại, quân nhân đi phép; chú trọng tuyên truyền, phổ biến để quân nhân nắm chắc các quy định khi tham gia mạng xã hội; chủ động, rà soát, nắm bắt kịp thời quân nhân có biểu hiện bệnh lý trầm cảm, quan hệ xã hội phức tạp để có biện pháp quản lý, giáo dục, phòng ngừa tự tử, tự sát. Thường xuyên chăm lo, bảo đảm tốt đời sống vật chất văn hóa, tinh thần cho bộ đội, xây dựng môi trường thân thiện, đoàn kết gắn bó trong cơ quan, đơn vị để cán bộ, chiến sĩ tin tưởng yên tâm công tác.

Ba là, kiên trì, quyết liệt trong thực hiện các nội dung, biện pháp quản lý kỷ luật, bảo đảm an toàn trong từng cơ quan, đơn vị. Đây là vấn đề quan trọng, cốt lõi trong nâng cao chất lượng, hiệu quả chấp hành kỷ luật, bảo đảm an toàn ở từng cơ quan, đơn vị. Vì thế, Sư đoàn yêu cầu, trên cơ sở rà soát, đánh giá đúng tình hình thực tiễn, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần xác định rõ biện pháp quản lý kỷ luật và bảo đảm an toàn phù hợp với cơ quan, đơn vị mình; đồng thời, kiên trì, quyết liệt trong tổ chức thực hiện; phấn đấu năm 2022 và những năm tiếp theo, tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường phải xử lý dưới 0,2%; không để xảy ra kỷ luật nghiêm trọng, mất an toàn trong huấn luyện, sinh hoạt, mất an toàn an ninh mạng và tai nạn giao thông do lỗi chủ quan gây ra, không có trường hợp vắng mặt trái phép, đào ngũ. Để đạt mục tiêu đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và gia đình quản lý chặt chẽ các mối quan hệ xã hội của quân nhân; chủ động dự báo, cảnh báo, ngăn ngừa có hiệu quả các vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật, mất an toàn, không để tệ nạn xã hội thâm nhập vào đơn vị.

Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn trong huấn luyện, lao động, công tác và tham gia giao thông, nhất là Hướng dẫn số 1004/HD-TCKT, ngày 25/02/2019 của Tổng cục Kỹ thuật về thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TM, ngày 03/02/2018 của Bộ Tổng Tham mưu về dự trữ đạn bảo đảm cho sẵn sàng chiến đấu; Hướng dẫn số 2122/HD-QK, ngày 10/5/2017 của Cục Quân khí về quy định sắp xếp vũ khí, khí tài đạn dược sẵn sàng chiến đấu trong tủ súng. Các nhiệm vụ có sử dụng súng, đạn, thuốc nổ và phương tiện kỹ thuật phải huấn luyện cho bộ đội thành thạo kỹ năng, thao tác và xử lý các tình huống xảy ra. Chấp hành đúng quy trình, quy định trong sử dụng phương tiện kỹ thuật; trong rèn luyện thể lực bộ đội, cần tăng dần cường độ và khả năng chịu đựng của bộ đội từ thấp đến cao, tránh dồn ép gây quá tải cho bộ đội.

Tăng cường giáo dục, quán triệt chấp hành các quy định của pháp luật, quy định về nền nếp chế độ công tác kỹ thuật xe máy, quản lý, sử dụng phương tiện cho đội ngũ lái xe, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông; thực hiện nghiêm quy định về tuổi của lái xe theo từng hạng xe, điều kiện về sức khỏe, tâm lý,... để có hướng sử dụng phù hợp. Đặc biệt, trước khi thực hiện nhiệm vụ diễn tập cường độ cao cần tổ chức khám sức khỏe cho các quân nhân lái xe tăng, xe thiết giáp. Triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao tình trạng kỹ thuật của phương tiện; thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra, kiểm định an toàn kỹ thuật, cấm sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi tham gia giao thông.

Bốn là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng; đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, nhất là người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp trong thực hiện chức trách nhiệm vụ, chế độ và mối quan hệ công tác. Theo đó, việc xây dựng kế hoạch các hoạt động, công tác, cần có quy định riêng, dự kiến các nguy cơ xảy ra mất an toàn; quán triệt cho bộ đội nắm vững biện pháp phòng ngừa, xử lý cụ thể. Người xây dựng kế hoạch và phê duyệt phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra mất an toàn do không dự báo, phòng ngừa đầy đủ. Duy trì có nền nếp, chất lượng, hiệu quả chế độ chính quy, chế độ công tác, nhất là chế độ trách nhiệm của người chỉ huy, chế độ công tác của cấp ủy, chi bộ, v.v. Nâng cao chất lượng công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp về nội dung, phương pháp tiến hành công tác tư tưởng; vận dụng sáng tạo, hiệu quả tài liệu “100 tình huống tư tưởng có thể nảy sinh và gợi ý biện pháp xử lý của cán bộ cơ sở” trong quản lý bộ đội. Xây dựng tác phong công tác, lối sống hòa đồng gần gũi với bộ đội; có biện pháp phân công, theo dõi, giúp đỡ, nhất là những đồng chí có ý thức kỷ luật kém. Đồng thời, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng và tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mô hình: “Đôi bạn cùng tiến”, “Tổ tư vấn tâm lý - pháp lý quân nhân”, vận dụng ba môi trường giáo dục (đơn vị, địa phương, gia đình) trong quản lý quân nhân; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ ba người, chiến sĩ bảo vệ trong nắm, quản lý, giải quyết tư tưởng của bộ đội.

Trước tác động của mặt trái xã hội, công tác quản lý kỷ luật, bảo đảm an toàn ở Sư đoàn 320 càng thêm khó khăn, phức tạp cần phải được cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp nhận thức đầy đủ, đề cao trách nhiệm cá nhân và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ các giải pháp trong thực hiện, góp phần xây dựng Sư đoàn 320 vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiểu biểu”, giữ vững lá cờ đầu trong thực hiện phong trào thi đua Quyết thắng của Quân đoàn.

Đại tá LÊ KHẮC ĐỘ, Phụ trách Sư đoàn trưởng