Review and analysis trong bao cao

Ở môi trường Đại học và Cao học, các bài viết nghiên cứu (Research Paper) đã không còn quá xa lạ đối với sinh viên ở tất cả các ngành. Có thể nói công việc nghiên cứu để tìm ra phương pháp xử lý, nguyên nhân cốt lõi của các vấn đề đều đóng vai trò rất quan trọng trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, quy trình xây dựng một bài viết nghiên cứu có tính chất khá phức tạp, gây khó khăn cho những bạn sinh viên chỉ vừa mới bắt đầu tìm hiểu về viết nghiên cứu. Do đó, bài viết này sẽ cung cấp cho người đọc những thông tin tổng quan về một bài viết nghiên cứu bằng tiếng Anh (Research Paper) cũng như các bước đầu tiên để hình thành một bài viết nghiên cứu.

Key Takeaways

Một bài nghiên cứu đạt yêu cầu được xây dựng theo cấu trúc IMRAD: Introduction - Methods - Results - [And]- Discussion.

Ba giai đoạn bắt đầu khi viết một bài nghiên cứu bao gồm :

  • Đặt tiêu đề (Title) : Thể hiện thông tin cơ bản và trọng tâm của bài viết
  • Lựa chọn tư liệu: Tư liệu tham khảo nên đến từ các tạp chí hoặc sách đã xuất bản; và các trang web uy tín ( mã nguồn chính phủ hoặc thuộc cơ sở giáo dục )
  • Đặt vấn đề : Trình bày các nghiên cứu liên quan và giới thiệu vấn đề bàn luận của mình - Gồm 5 phần nhỏ, 2 phần được giới thiệu trong bài viết này:
    • General statement: Cung cấp bức tranh tổng quan, dẫn dắt vào đề tài chính
    • Literature review: Giới thiệu các nghiên cứu cùng đề tài để bổ trợ cho vấn đề sẽ bàn luận ở các phần sau.

Tổng quan về Research Paper

Research Paper là gì?

Bài viết nghiên cứu (Research Paper) là một dạng bài viết mang tính học thuật nhằm cung cấp các phân tích, diễn giải, và lập luận dựa trên các nghiên cứu độc lập và chuyên sâu. Phương pháp lập luận trong bài viết nghiên cứu có khá nhiều nét tương đồng với bài luận học thuật (Academic Essay), nhưng các luận điểm trong bài viết nghiên cứu thường được đào sâu và chi tiết hơn với mục đích đánh giá không chỉ kỹ năng viết mà còn là kỹ năng phân tích các tài liệu học thuật của sinh viên.

Một bài viết nghiên cứu hoàn chỉnh đòi hỏi người viết cần có một lượng lý thuyết sâu rộng về chủ đề được nghiên cứu, nắm được kỹ thuật so sánh thông tin từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, và năng lực đưa ra bình luận/đánh giá dựa trên kết quả nghiên cứu.

Văn phong trong bài viết nghiên cứu cần rõ ràng và cần chú ý tránh cách hành văn như văn nói hoặc mang tính chủ quan. Thông tin trong bài phải được sắp xếp khoa học, phản ánh đúng sự thật từ kết quả nghiên cứu thực tế.

Đọc thêm: Cách viết một bài Statement of Purpose (SOP) hoàn chỉnh (P.1)

Cấu trúc chung của một Research Paper

Hiện nay, hầu hết tất cả các bài viết nghiên cứu ngày nay đều được viết theo cấu trúc IMRAD (Introduction - Methods - Results - [And]- Discussion). Nói một cách khác, một bài viết nghiên cứu đạt chuẩn cần phản ánh được tối thiểu tất cả các phần trong IMRAD.

Ngoài ra, bài viết nghiên cứu còn có các phần phụ khác, cụ thể như sau:

  1. Title (Tiêu đề): Tiêu đề của bài viết, cần có độ dài vừa đủ và phản ánh đúng nội dung được nghiên cứu.
  2. Authorship (Tên tác giả): Liệt kê tên của những người thực hiện nghiên cứu và tham gia quá trình viết báo cáo.
  3. Abstract/Summary (Tóm tắt): Mô tả vắn tắt vấn đề và kết quả của bài viết.
  4. Keywords (Từ khóa): các từ khóa chính về nội dung/chủ đề của bài viết.
  5. Introduction(Đặt vấn đề) và Objective (Mục tiêu nghiên cứu): Cho biết vấn đề nghiên cứu là gì, giới thiệu các thông số - mục tiêu khi thực hiện nghiên cứu.
  6. Materials and Methods (Phương pháp nghiên cứu): Cách nghiên cứu vấn đề, đối tượng được lựa chọn để thực hiện nghiên cứu.
  7. Results (Kết quả): Trình bày và giải thích số liệu thu được sau khi kết thúc quá trình nghiên cứu.
  8. Discussion (Bàn luận): Giải thích, bàn luận, nêu ra ý nghĩa của kết quả.
  9. Conclusion (Kết luận) - phần này thường được ghép với Discussion.
  10. Acknowledgements (Lời cảm ơn): Gửi lời cảm ơn đến những người đã giúp đỡ cho tác giả trong suốt quá trình nghiên cứu.
  11. References (Tài liệu tham khảo): Liệt kê thông tin của các tài liệu được tham khảo và trích dẫn trong bài viết.
  12. Appendix (Phụ lục): Những câu hỏi hỏi nghiên cứu, số liệu nghiên cứu sẽ được trình bày ở phần này.

Review and analysis trong bao cao

Sơ đồ Hourglass (đồng hồ cát) thể hiện cấu trúc của một bài viết nghiên cứu dựa trên độ dài và thứ tự xuất hiện của từng phần trong bài viết nghiên cứu.

Hướng dẫn xây dựng một Research Paper hoàn chỉnh

Để hình thành một bài viết nghiên cứu hoàn chỉnh cần phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp khác nhau. Đề mục này sẽ hướng dẫn người đọc cụ thể cách xây dựng từng giai đoạn trong bài viết và đưa ra lưu ý, ví dụ minh hoạ cụ thể cho mỗi giai đoạn.

Giai đoạn 1: Đặt tiêu đề cho bài viết nghiên cứu (Title)

Mặc dù, đặt tiêu đề cho bài viết nghiên cứu không nằm trong 4 bước IMRAD, nhưng nó vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho người đọc những thông tin cơ bản nhất về bài viết, là điều kiện để tạo nên một bài viết hoàn chỉnh. Người viết có thể ứng dụng công thức sau để hình thành tiêu đề:

Chủ đề chính của bài viết + Đối tượng nghiên cứu + Khía cạnh được khai thác trong chủ đề.

Tiêu đề của bài viết nghiên cứu được đặt ở trang đầu tiên của bài viết, không gạch chân, in nghiêng hay in đậm tiêu đề. Một tiêu đề tốt không nên quá mơ hồ, không viết tắt, không được dài quá 20 từ.

Ví dụ:

Sinh viên A chọn được chủ đề Homeschooling (giáo dục tại nhà), và quyết định khoanh vùng nghiên cứu là trẻ em ở lứa tuổi tiểu học trong địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Vì không thể bao quát hết tất cả các khía cạnh của Homeschooling trong bài viết của mình, sinh viên A chỉ khai thác hai yếu tố cốt lõi là Benefits (lợi ích) và Drawbacks (hạn chế) của việc ứng dụng Homeschooling v ào học sinh tiểu học. Sinh viên A hình thành được tiêu đề như sau từ công thức nêu trên:

\=> Homeschooling for Elementary Students in Ho Chi Minh City - An Analysis of Benefits and Drawbacks of Applying Homeschooling

(Hình thức giáo dục tại nhà cho học sinh tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh - Phân tích lợi ích và hạn chế của việc áp dụng hình thức giáo dục tại nhà).

➞ Tiêu đề trên chỉ dài 19 từ, chủ đề nghiên cứu được thể hiện rõ ràng, giúp người đọc nắm được nội dung chính của bài viết khi đọc tiêu đề.

Giai đoạn 2: Lựa chọn tư liệu

Sau khi đã xác định được nội dung nghiên cứu, người viết sẽ tiến đến giai đoạn lựa chọn những tư liệu để bổ trợ cho bài nghiên cứu - Tư liệu này được dùng để làm dẫn chứng trực tiếp trong bài và cũng là tài liệu tham khảo để tránh việc trùng lặp, sao chép trong nghiên cứu. Người viết nên sử dụng đa dạng các loại tư liệu trong bài viết của mình ví dụ như tạp chí, sách, các trang web đáng tin cậy. Người viết có thể sử dụng những tiêu chí sau đây để đánh giá mức độ authentic (xác thực) của nguồn tư liệu.

  1. Journals (tạp chí) và Books (sách): Thông tin của tác giả được trình bày cụ thể (tên, địa chỉ email, học vấn, các tổ chức liên kết, … ); đảm bảo rằng tác (các) tác giả cần là một chuyên gia trong lĩnh vực này, đã có nhiều ấn phẩm được xuất bản trước đó. Nhà xuất bản của các tạp chí này thường là các cơ quan chuyên môn, tổ chức nghiên cứu, trường Đại học có thẩm quyền. Nếu tài liệu là sách, người viết có thể tham khảo những bài bình luận/cảm nhận về cuốn sách đó đăng tải trên các trang mạng xã hội.
  2. Websites: Ưu tiên những trang web có mã nguồn của chính phủ như “.gov”, “.mil” và các trang web có mã nguồn học thuật “.edu”. Cần chú ý khi sử dụng các trang web có mã nguồn của các tổ chức không lợi nhuận “.org” và của các doanh nghiệp “.com” vì chúng thường mang những thông tin chưa được xác thực.

Lưu ý: không sử dụng Wikipedia làm nguồn tư liệu trong bài viết nghiên cứu vì Wikipedia là một mã nguồn mở, bất cứ ai cũng có thể tự thay đổi thông tin trên Wikipedia hoặc tạo một trang Wikipedia riêng biệt.

Ngoài ra, dừng chỉ thu nhập những tài liệu bổ trợ cho luận điểm mà người viết đã nhận định, hãy tìm kiếm những bài viết ủng hộ cho hướng đi ngược lại với luận điểm này để có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề đang được nghiên cứu.

Giai đoạn 3: Đặt vấn đề (Introduction)

Introduction của một bài viết nghiên cứu được chia làm 5 phần nhỏ:

  1. Phần thứ nhất - General Statement(s) (Lập luận tổng quan): Đưa ra những thông tin tổng quan về chủ đề nghiên cứu.
  2. Phần thứ hai - Literature Review (Đánh giá tư liệu): Phân tích những vấn đề đã được nghiên cứu về chủ đề bởi các nhà nghiên cứu khác.
  3. Phần thứ ba - Missing Information (Thông tin chưa được nghiên cứu): Trình bày những khía cạnh mà các nghiên cứu trước đó về chủ đề này chưa làm được/chưa được phân tích.
  4. Phần thứ tư - Thesis Statement (Mục đích nghiên cứu): Đưa ra lý do tại sao cần phải thực hiện nghiên cứu này, mục đích của người viết khi thực hiện nghiên cứu.
  5. Phần thứ năm - Statement of Value (Giá trị của nghiên cứu): Phần này không bắt buộc phải có trong Introduction, thể hiện giá trị của việc thực hiện nghiên cứu.

Review and analysis trong bao cao

Sơ đồ minh hoạ hướng phân bố thông tin của phần Introduction - từ bao quát đến chi tiết.

\=> Tuy nhiên, trong phần 1 của series, bài viết chỉ tập trung hướng dẫn cụ thể cách viết phần thứ nhất- General Statement và phần thứ hai - Literature Review.

Cách viết General Statement(s)

Mục đích của General Statement(s) là cung cấp cho người đọc bức tranh bao quát về chủ đề nghiên cứu, từ đó người viết có thể dẫn dắt người đọc từng bước đến với nội dung chính của bài viết. Để làm được điều đó, người viết nên áp dụng công thức sau:

Bước 1: Bắt đầu với một sự thật/sự kiện có liên quan tới chủ đề nghiên cứu.

Bước 2: Chỉ ra một nhánh cụ thể có bao gồm chủ đề nghiên cứu

Bước 3: Dẫn dắt người đọc đến với chủ đề nghiên cứu.

Ví dụ:

Sinh viên A hình thành phần General Statement cho chủ đề Homeschooling theo công thức:

Bước 1: Dated back to the 17th century, the first public school in the world was established in Boston, Massachusetts (USA) and at the present time, the number of schools all over the world has risen gradually.

(Ở thế kỷ 17, trường công lập đầu tiên trên thế giới được thành lập tại Boston, Massachusetts (Mỹ) và đến thời điểm hiện tại, số lượng trường trên toàn thế giới đã tăng dần lên.)

➞ Sinh viên A mở đầu bằng General Statement bằng thông tin về trường công lập đầu tiên được thành lập trên thế giới.

Bước 2: No one can deny the fact that education improves the lives of humans around the world, including Vietnam. Most children from the age of 3 have already known the terms of “going to school” when they are sent to kindergarten - the first level of public school.

(Không ai có thể phủ nhận sự thật rằng giáo dục cải thiện cuộc sống của con người trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Hầu hết trẻ em từ 3 tuổi đã biết các thuật ngữ “đi học” khi chúng được gửi đến trường mẫu giáo - cấp đầu tiên của trường công lập.)

➞ Sinh viên A dẫn dắt người đọc đến nhánh ảnh hưởng của các trường công lập đến trẻ em Việt Nam.

Bước 3: However, besides traditional schools, there are many parents in the 21st century are choosing to educate their children at home instead, known as “homeschooling”. (Bên cạnh các trường học truyền thống, có nhiều trường hợp các bậc cha mẹ thế kỷ 21 đang chọn cách giáo dục con cái của họ tại nhà, được gọi là “giáo dục tại nhà”.)

➞ Sinh viên giới thiệu chủ đề nghiên cứu “homeschooling” như một cách thay thế “traditional schools” (các trường học truyền thống)

Cách viết Literature Review

Literature Review được nhiều nhà nghiên cứu xem như một trong những phần khó viết nhất trong giai đoạn Introduction : đây là phần giới thiệu về các nghiên cứu, bàn luận đã được thực hiện ở lĩnh vực tương tự. Ở phần này, người viết phải sắp xếp và trình bày các thông tin từ các tư liệu đã tìm được ở Giai đoạn 2 - một phần Literature Review với nhiều trích dẫn đến từ nhiều nguồn tin cậy cho thấy việc sinh viên/nghiên cứu sinh đã dành thời gian nghiên cứu về vấn đề bàn luận cũng như tăng độ tin cậy cho chính nghiên cứu của mình.

Để làm được điều này, người viết cần nắm vững phương pháp trích dẫn thông tin trong văn bản (in-text citation) và lựa chọn hướng phân bổ trích dẫn sao cho phù hợp với bài viết của mình nhất. Dưới đây là 3 hướng phân bổ trích dẫn thường được sử dụng nhất trong các bài viết nghiên cứu:

  1. Hướng 1 - phân bổ trích dẫn theo cách tiếp cận chủ đề nghiên cứu: Người viết sẽ đưa ra các trích dẫn là các quan điểm/khía cạnh khác nhau của vấn đề, đến từ nhiều nghiên cứu hoặc những nghiên cứu khác nhau của cùng một nhà nghiên cứu.
  2. Hướng 2 - phân bổ trích dẫn theo thời gian thực hiện nghiên cứu của tư liệu: Các nghiên cứu có thời gian thực hiện sớm nhất sẽ được đặt ở đầu, tiếp theo là các nghiên cứu có thời gian gần với thời điểm hiện tại hơn.
  3. Hướng 3 - phân bổ trích dẫn theo vị trí địa lý của đối tượng nghiên cứu: Các nghiên cứu được thực hiện ở các đất nước/vùng nằm cách xa đối tượng nghiên cứu sẽ được đặt ở đầu, tiếp theo là các nghiên cứu được thực hiện ở các đất nước/vùng đất gần với đối tượng nghiên cứu hơn.

Ví dụ:

Sinh viên A chọn hướng phân bổ trích dẫn số 1 và phương pháp trích dẫn thông tin theo chuẩn APA (phong cách viết và định dạng tài liệu đến từ Mỹ) để viết phần Literature Review cho bài viết của mình :

Homeschool can be seen as one of the great ideas for children as some parents can give better education to their children than the “one-size-fits-all” system they receive at school and that some “unique” students find it hard to study at school because of bullying, mental conditions, etc (Downshen, 2015).

(Homeschool có thể được coi là một trong những ý tưởng tuyệt vời cho trẻ em vì một số phụ huynh có thể giáo dục con cái tốt hơn so với hệ thống trường công lập truyền thống và một số học sinh có tính cách “khác biệt”cảm thấy khó có thể hòa nhập ở trường vì bị bắt nạt, áp lực học tập, v.v. (Downshen, 2015).)

➞ Sinh viên A đưa ra phát biểu từ một nghiên cứu của (Downshen, 2015) nói về việc tại sao Homeschooling nên được sử dụng trong một số trường hợp.

Later, Gaither (2013) revisited the connection between homeschooling and homeschooled children’s socialization to prove that, again, home-based education is worth considering and is possible to be applied. Furthermore, reports have been shown that most homeschoolers can academically outperform students who receive traditional school education, and the opportunity for college of students at school and homeschoolers is equal (Moreau, 2012).

(Sau đó, Gaither (2013) đã xem xét lại mối liên hệ giữa giáo dục tại nhà và môi trường tự học tại nhà của trẻ em để chứng minh rằng một lần nữa, giáo dục tại nhà đáng được xem xét và có thể được áp dụng. Hơn nữa, các báo cáo đã chỉ ra rằng hầu hết trẻ mẫu giáo tại nhà có thể học tập tốt hơn học sinh được giáo dục phổ thông truyền thống và cơ hội vào đại học của học sinh ở trường và học sinh mẫu giáo là ngang nhau (Moreau, 2012).)

➞ Sinh viên A tiếp tục đưa ra một góc nhìn khác của Gaither (2013) về lý do tại sao phụ huynh nên cân nhắc việc học tại nhà và đưa ra dẫn chứng trong nguyên cứu của (Moreau, 2012) về giáo dục tại nhà không gây ảnh hưởng gì cho cơ hội vào đại học của trẻ.

Gatto (2002) asserted that traditional schoolings are no longer suitable for giving children equal education opportunities to fully develop their talents; parents are considering other types of learning to provide their children an innovative education setting (as cited in McKeon, 2007, p.1-2).

(Gatto (2002) khẳng định rằng các trường học truyền thống không còn phù hợp để cho trẻ em cơ hội giáo dục bình đẳng để phát triển toàn diện tài năng của mình; cha mẹ đang xem xét các hình thức học tập khác để cung cấp cho con cái của họ một môi trường giáo dục sáng tạo (như được trích dẫn trong McKeon, 2007, tr.1-2). )

➞ Nghiên cứu của Gatto (2002) khẳng định rằng trường học truyền thống đã không còn là phương pháp giáo dục tốt nhất cho trẻ em.

For the time being, homeschooling has also been introduced to Vietnam and received a lot of different ideas (""Is homeschooling a rising trend in Vietnam?"", 2017). There have been a few outstanding cases of homeschooling as in the case of Dang brothers, who dropped their school program due to stress and were then being educated at home. Another case is Tu Lam's, her parents decided to teach her at home by themselves instead of sending their daughter to traditional schools (Thanh Ha, 2017).

(Ở thời điểm hiện tại, giáo dục tại nhà cũng đã du nhập vào Việt Nam và nhận được rất nhiều luồng ý kiến khác nhau ("" Học tại nhà đang là xu hướng mới nổi ở Việt Nam? "", 2017). Đã có một vài trường hợp học tại nhà nổi bật như trường hợp của anh em Đăng, bỏ dở chương trình học ở trường do căng thẳng và sau đó được giáo dục tại nhà. Một trường hợp khác là của Tú Lâm, bố mẹ cô quyết định tự dạy con ở nhà thay vì gửi con gái đến các trường học truyền thống (Thanh Hà, 2017).)

➞ Sinh viên A dẫn dắt người đọc đến với góc nhìn của những nhà nghiên cứu Việt Nam về chủ đề Homeschooling và đưa ra các trường hợp trẻ em ở Việt Nam chọn Homeschooling thay vì “traditional school”.

\=> Sinh viên trên đã đưa 4 trích dẫn, thể hiện 4 quan điểm đồng tình về xu hướng Homeschooling từ các nhà nghiên cứu ở các thời điểm khác nhau.

Xem tiếp: Cấu trúc và cách viết bài viết nghiên cứu (Research Paper) - Phần 2

Kết luận

Bài viết trên trong Series Cấu trúc và cách viết Research Paper đã giới thiệu cho người đọc tổng quan các phần trong một Research Paper, hướng dẫn các giai đoạn trong quá trình viết một bài nghiên cứu và cụ thể hơn, cách viết 2 giai đoạn đầu tiên trong phần Introduction của một bài. Bài viết đưa ra chỉ dẫn cũng như ví dụ chi tiết nhằm giúp người đọc hiểu được yêu cầu và viết chính xác được các phần đã giới thiệu. Phần tiếp theo của series này sẽ giới thiệu các phần còn lại trong giai đoạn Introduction và giai đoạn tiếp theo của bài luận.