Rượu ngâm thuốc bắc để dược bảo lâu

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, Hội Dược liệu TP HCM, cho biết rượu ngâm thuốc chỉ có giá trị chữa bệnh khi nguồn dược liệu chuẩn, đúng bài, đúng vị. Rượu ngâm thuốc bao gồm 2 loại: Ngâm dược liệu và ngâm động vật. Các loại động vật hay được ngâm phổ biến là rắn, tắc kè, bìm bịp, hải mã, lộc nhung. Các loại thảo mộc thường được dùng như sâm linh chi, đinh lăng, cúc hoa, các loại sâm, hà thủ ô, chuối chát. Tùy kinh nghiệm hay sự tư vấn của các dược sĩ, các gia đình có thể ngâm theo cổ phương: bát vị, lục vị… với nhiều bài thuốc với các tác dụng khác nhau.

Trên thực tế, nhiều gia đình ngâm rượu bìm bịp còn nguyên con, nguyên lông, điều này rất nguy hiểm. Với các loại động vật ăn thịt sống như rắn chuột, nhái, ếch, thì trong lông và bụng con vật này đều chứa nhiều ký sinh trùng. Dùng chúng để ngâm rượu nguyên lông nguyên cánh chẳng khác gì tự rước ký sinh trùng vào cơ thể, theo lương y Nghĩa.

Cần ngâm rượuđúng cách để đảm bảo vị thuốc và an toàn cho sức khỏe.Ảnh: K.L.

Theo lương y Nghĩa, cách chế biến nguyên liệu cần kỹ càng để đảm bảo một bình rượu chất lượng. Các con vật như bìm bịp, tắc kè, cần mổ bụng, bỏ nội tạng, bỏ lông và nướng chín trước khi ngâm rượu. Làm sạch chúng có nhiều lợi ích, như giúp rượu ngâm có mùi thơm dễ chịu, không bị tanh, rút ngắn thời gian ngâm để dược liệu có thể sử dụng nhanh hơn.

Lộc nhung là một nguyên liệu nhiều vị thuốc nhưng không phải ai cũng biết cách chế biến cho đúng. Khi ngâm, lộc nhung phải được cạo bỏ phần lông sạch sẽ nếu không sẽ gây tổn thương niêm mạc người uống.

Những bài thuốc ngâm rượu từ mối chúa, con bửa củi, bọ cạp... được lưu truyền rộng rãi song chưa có tài liệu nào nghiên cứu hay chứng minh về vị thuốc và tính hiệu quả. Một số vùng núi cao người dân còn lấy rễ cây lá ngón, dây mã tiền vốn là những loại cây cực độc gây chết người, để ngâm rượu uống. Một số người còn ngâm rượu với huyết động vật để uống với mong muốn bổ thận, tráng dương. "Thực tế thì huyết động vật không có một thành phần nào có tác dụng như vậy. Người ngâm rượu cần sự tư vấn của người am hiểu về dược lý thay vì ngâm theo cảm tính hay những lời truyền miệng", ông Nghĩa nói.

Rượu ngâm thuốc thường phải có nồng độ hơn 40-45 độ để các dược liệu tiết ra hết chất. Một số loại động vật nếu ngâm với rượu dưới 38 độ sẽ khó tiết ra hết chất bổ. Rượu ngâm thuốc cũng cần chọn lọc kỹ vì nó quyết định chất lượng bình rượu thuốc. Tuyệt đối không dùng rượu không rõ nguồn gốc để ngâm thuốc. Một số loại mật động vật như mật rắn, mật gấu, mật kỳ đà,… cần để trong bóng tối tránh ánh sáng trực tiếp vì sẽ giảm tác dụng và bay màu. Cần ngâm rượu nơi mát, trong hầm rượu để cân bằng tính âm dương, đảm bảo cho sức khỏe và bảo quản được lâu.

Uống rượu thuốc cũng phải điều độ, mỗi ngày uống một đến 2 lần, mỗi lần 20-50 ml, tức là một ly uống rượu nhỏ. Tùy loại rượu, những loại rượu mạnh chỉ cần uống 20 ml mỗi ngày là đủ, tránh lạm dụng. Rượu thuốc không phải để uống say mà cần điều độ, đều đặn với một liều lượng mỗi ngày giúp da dẻ hồng hào, tăng sức đề kháng cho cơ thể, tránh cảm cúm, bổ can thận, bổ khí huyết, chống lão hóa. Rượu thuốc cũng chống chỉ định cho những người bị loét dạ dày hay xơ gan…

Người không uống được rượu, có thể chưng cách thủy rượu thuốc rồi pha với mật ong uống cũng tốt.

Những lưu ý khi chế biến lộc nhung:

Khánh Ly


Rượu thuốc cũng giống như con dao 2 lưỡi, sẽ phản tác dụng nếu dùng sai. Ảnh minh họa

Suýt bỏ mạng vì nếm rượu thuốc ‘handmade’

Rượu thuốc vốn là bài thuốc trong y học cổ truyền, được các lương y có kinh nghiệm bốc và hướng dẫn người dùng cách ngâm cũng như sử dụng như thế nào cho hiệu quả.

Thế nhưng, hiện nay, hầu hết người ngâm rượu thuốc đều làm theo kiểu “nghe dân gian truyền lại”, rỉ tai nhau, hoặc tự tìm hiểu trên internet. Một số người sau khi ngâm còn đem chôn rượu thuốc xuống đất từ 3-6 tháng, vì tin rằng làm như vậy, rượu sẽ có vị đậm đà, hương thơm và tốt hơn.

Hầu hết những người ngâm rượu thuốc đều tin rằng loại rượu này rất bổ, tốt cho sức khỏe, kiểu như “ông uống bà khen” hoặc tốt cho xương khớp, huyết mạch, nâng cao tuổi thọ...

Tuy nhiên, thực tế không phải loại rượu thuốc nào cũng tốt và không phải ai dùng cũng được. Việc ngâm rượu bừa bãi hiện nay rất nguy hiểm, có thể gặp phải vị thuốc độc mà không biết, hoặc có những thứ là bài thuốc, nhưng phải biết cách sử dụng, nếu không sẽ trở thành độc chất.

Các bác sĩ Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, hầu như ngày nào Trung tâm cũng tiếp nhận các ca ngộ độc rượu vào điều trị, nhưng số nhập viện tăng lên vào thời điểm cuối năm, trước và sau các kỳ nghỉ lễ, Tết, có ngày 2-3 ca cấp cứu.

Trung tâm đã từng cấp cứu 2 bệnh nhân bị trụy tim mạch do uống rượu ngâm. Theo lời kể của bệnh nhân, hai người đến nhà bạn chơi và đã tự lấy rượu ra uống. Không ngờ, vừa uống chưa đầy một phút đã thấy tê miệng, mờ mắt, người lạnh buốt, vã mồ hôi, tim đập nhanh... Hóa ra, rượu mà hai người uống là củ ấu tẩu, chỉ dùng để xoa bóp, chứ không uống được.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cũng ghi nhận ít nhất 3 trường hợp ngộ độc rượu ngâm như củ ấu tẩu nhập viện cấp cứu.

Hiểm họa từ rượu

Rượu thuốc cũng giống như con dao 2 lưỡi, sẽ phản tác dụng nếu dùng sai.

BS. Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Khoa Đông y, Bệnh viện Lê Lợi [TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu] cho biết, nhiều người ngâm rượu với nhiều vị thuốc khác nhau vì nghe nói vị thuốc nào cũng bổ, mà không hề chú ý có những vị thuốc xung khắc nhau, có thể gây nguy hiểm cho người uống. Nhiều trường hợp phải vào bệnh viện cấp cứu vì ngộ độc rượu thuốc do mua nguyên liệu không rõ nguồn gốc, hoặc uống các loại rượu thuốc ngâm theo lời đồn thổi.

Chẳng hạn, rượu mã tiền rất nguy hiểm, có thể gây ung thư gan, xơ gan hoặc tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Rượu ngâm với một số loài động vật không thể phân hủy protid, mỡ có thể gây ngộ độc, viêm gan cấp [biểu hiện dị ứng, vàng da]…, tăng huyết áp [rượu sâm] hoặc nhiễm sán, ký sinh trùng lên não [rượu mật, rượu tiết động vật].

BS. Sơn khẳng định, các loại rượu rắn, rượu nội tạng động vật, tay gấu… hoàn toàn không có tác dụng tăng cường sinh lý như lời đồn thổi.

PGS.TS. Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ thêm: Uống các loại rượu ngâm có nguồn gốc động vật như kiến, sâu chít, nhộng ong, tay gấu… chẳng khác nào uống rượu ngâm “xác chết”. Điển hình như rượu ngâm tay gấu, chưa thấy nói bổ cái gì, chỉ biết rằng tay gấu có nhiều mỡ, chất đạm, nên khi ngâm với rượu uống thông thường, độ rượu không cao, theo thời gian độ rượu lại giảm dần, lúc ấy các protein tiết ra từ tay gấu có thể bị nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn…

Rượu đã là thứ không nên uống nhiều, rượu thuốc thì lại càng không nên, vì thuốc có liều lượng, có chỉ định và chống chỉ định, không phải cứ thích là uống. Rượu thuốc mà uống vô tội vạ thì có thể gây ngộ độc dẫn đến viêm gan, vàng da, suy thận vô niệu, tăng huyết áp, hoặc nhiễm khuẩn [rượu mật, rượu tiết động vật].  

Đặc biệt, những người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, gout… uống rượu thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ, kẻo có ngày mang họa.

Các nguyên liệu dùng để ngâm rượu phải được lựa chọn kỹ lưỡng
Ngâm rượu thuốc thế nào là đúng, dùng thế nào thì ‘hay’?

Rượu thuốc đúng nghĩa là thuốc Đông y, có thang có vị, các vị thuốc kết hợp trong một bài thuốc và được ngâm rượu là nhằm chiết suất hoạt chất. Vì vậy, rượu thuốc nên được kê đơn bởi thầy thuốc và ngâm, uống theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc như tất cả các loại thuốc khác.

5 lưu ý khi ngâm rượu thuốc:

- Rượu thuốc chỉ nên sử dụng để bảo vệ sức khỏe hàng ngày, không nên coi đó là thuốc chữa bệnh. Cho dù là rượu ngâm để tăng cường sức khỏe cũng chính là rượu - một thứ không nên uống quá nhiều.

- Phải đặc biệt kỹ lưỡng trong việc lựa chọn nguyên liệu ngâm. Tốt nhất là hỏi ý kiến thầy thuốc Đông y để lựa chọn nguyên liệu ngâm phù hợp, tránh những chất có thể gây ra độc tố trong quá trình ngâm, hoặc là cùng ngâm các vị thuốc khắc kị. Ngoài ra cũng cần nghiên cứu cách sử dụng, công dụng và liều lượng khi uống.

- Tránh tuyệt đối việc tiện đâu mua thuốc ở đó, ví dụ như tại các điểm tham quan, du lịch, mua theo bạn bè,… rồi về tự ngâm uống. Mua thuốc Đông y tùy tiện bên đường về sắc lên để uống cũng nguy hại giống như việc tự ngâm rượu thuốc vậy.

- Khi ngâm rượu thuốc, cần phải kiểm soát chất lượng của rượu gạo. Tốt nhất dùng rượu có nguồn gốc rõ ràng và lựa chọn loại rượu gạo có nồng độ nhẹ, thông thường không được quá 40 độ, đừng nghĩ rượu mạnh mới tốt.

- Dược liệu ngâm rượu đều phải rửa sạch phơi khô, cắt nhỏ hoặc vò nát vo viên trước khi ngâm. Những loại vỏ, cành, rễ thuốc, đều cắt thành miếng dày khoảng 3 ly, rễ cây cỏ thì cắt thành chiều dài 3 cm, nếu là hạt thì giã nát, có một số loại dược liệu phải qua xử lý bào chế.


TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng [Bộ Y tế] cho hay: Rượu, bia là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh như ung thư [miệng, họng, thanh quản, đại trực tràng, gan, ung vú ở nữ]. Uống rượu ở mức độ nào cũng có nguy cơ gây ung thư và càng uống nhiều thì nguy cơ gây ung thư càng tăng.

Theo Cục Y tế dự phòng, khi vào cơ thể, cồn [ethanol] trong rượu chuyển hóa thành acetaldehyde là chất độc cho cơ thể. Nếu chỉ uống rượu, bia với số lượng nhỏ thì cơ thể có thể dung nạp hết, với khả năng trung bình khoảng 10g cồn [tương đương 1 đơn vị cồn - khoảng 1 ly rượu nhỏ hoặc một cốc bia hơi mỗi giờ]. Nhưng nếu uống quá mức dung nạp, chất độc này sẽ bị tồn lại trong gan gây độc cho cơ thể.

Tuy nhiên, trong số hơn 3.000 nam giới được phỏng vấn điều tra trong 2015 cho thấy, có đến 44% uống rượu ở mức nguy hại. Mức uống nguy hại là sử dụng khoảng 6-10 đơn vị cồn/lần uống. Việc này làm tăng tai nạn giao thông, tác động xấu đến sức khỏe, gia tăng tình trạng tự tử, bạo lực.

Minh Lê


Video liên quan

Chủ Đề