So sánh các phiên bản need for speed

Đối với anh em mê game đua xe ở Việt Nam, có lẽ Need For Speed là cái tên nổi tiếng nhất. Nhưng trong series game của EA, không phải bản game nào cũng được anh em yêu mến như nhau. Mình đang nói đến Most Wanted, được EA Black Box phát triển và phát hành năm 2005. Đến giờ chắc chắn vẫn còn người chơi Most Wanted, không chỉ vì cốt truyện, âm nhạc và những màn chạy đua với cảnh sát, mà bản thân game còn rất dễ mod để đưa những chiếc xe đời mới vào game. Đồ họa của nó trên PC cũng không đến nỗi nào, dù rằng rất khó so sánh nó với những game đua xe của năm 2019, 2020.


Bản thân Most Wanted cũng tạo ra phong trào esport rất mạnh ở Việt Nam quãng 2005 đến 2008. Những giải đấu ghi danh nhiều tay đua thực sự xuất sắc, và những chặng đua cấm dùng hai chiếc xe BMW M3 GTR và Porsche Carrera GT vì nó quá “imba” có lẽ là thứ đến giờ mình vẫn ghi nhớ đến tận ngày hôm nay. Giải thưởng thì ít thôi, chắc không so được với những giải LMHT hay CSGO bây giờ, nhưng phải nói là vui, rất vui.


Nhưng vì đâu mà đến giờ, sau khi Most Wanted ra mắt, EA tung ra đến… 15 bản game Need For Speed trên mọi nền tảng, mà mới nhất là Payback và Heat, cũng lấy bối cảnh đua xe đường phố đối mặt với cảnh sát và cũng có cốt truyện ở mức tạm chấp nhận được, nhưng vẫn không qua được cái bóng của Most Wanted? Có lẽ lỗi không nằm ở các nhà phát triển game, mà vì chính gu thưởng thức của người chơi?

Most Wanted thành công nhờ đâu?

Quảng cáo


Không chỉ riêng Most Wanted mà trước đó là hai bản Underground của EA Black Box phát triển đều nhận được những lời khen ngợi từ cả cộng đồng gamer lẫn các nhà phê bình game. Phải thừa nhận nó bắt trend rất tốt khi bám đúng thời điểm bộ phim The Fast and the Furious ra mắt năm 2001. Bộ phim đem tới cho người xem những cảnh quay đẹp mắt về cộng đồng mê xe JDM thời bấy giờ, khi những chiếc xe Nhật đến được đất Mỹ và mọi người bắt đầu chọc ngoáy chúng, độ lại phụ tùng rồi thêm đèn đóm body kit tạo ra cá tính riêng cho chiếc xe.


Chính bản thân Underground và Underground 2 cũng đem lại trải nghiệm độ xe tương tự những gì các fan của Dom Toretto và Brian O’Conner làm trên màn ảnh. Những chiếc JDM từ 240SX đến 350Z của Nissan, hay Eclipse, 3000 GT đến Lancer EVO VIII của Mitsubishi, và dĩ nhiên không thể thiếu được “hachi-roku” AE86 và Supra của Toyota nữa. Những chiếc xe Nhật Bản được hàng trăm nghìn người yêu mến khi ấy được lột tả rất hấp dẫn trong game. Và dù đua xe đường phố không có bóng dáng của cảnh sát, hai bản Underground vẫn được yêu mến vì khả năng độ xe gần như vô tận của nó.


Đến Most Wanted, EA Black Box đem lại cho người chơi một cốt truyện với “Black List” 15 tay đua đường phố mà anh em phải vượt qua, và cùng với đó là những màn rượt đuổi với cảnh sát, với cốt truyện phụ với trung sỹ Cross, người lái chiếc Corvette khét tiếng. Phải thừa nhận, Most Wanted xuất sắc nhờ vào việc tổng hòa tất cả những cái hay nhất của Underground 2 rồi nâng tầm chúng lên, tạo ra một game đua xe casual hoàn hảo. Anh em muốn xe cơ bắp, có Mustang, có Pontiac GTO. Muốn xe Âu, có SLR McLaren, Porsche 911 GT2, Aston Martin DB9, cả đôi Lamborghini rất hot thời ấy nữa. Không hề thiếu lựa chọn cho những fan tốc độ trong Most Wanted.

Fun fact: Trong Most Wanted 2005 không có Nissan Skyline GTR, từ R32 đến R34 đều không hiện diện trong game này, muốn có xe đó phải mod file game cơ 😁



Nhưng cũng chính vì sự hoàn hảo ấy mà kể từ sau khi Most Wanted ra mắt, không một bản Need For Speed nào qua mặt được nó, dù rất cố gắng đưa cả cốt truyện cảnh sát đối đầu với những tay đua ngoài vòng pháp luật, cho anh em vào cả vai cảnh sát lái siêu xe bắt tay đua trái phép trong NFS Rivals chẳng hạn.

Gu của người chơi đã thay đổi


GIống như mọi series game khác, cộng đồng hâm mộ Need For Speed cũng trưởng thành, và không còn coi việc đua xe đường phố phá làng phá xóm, chạy khỏi cảnh sát là thứ hấp dẫn như xưa nữa. Nhưng game đua xe đường phố thì không thể trưởng thành cùng, vì cơ bản cũng làm gì có nội dung tham khảo ngoài đời thật? Nếu muốn đua xe, mọi người sẽ đến book trường đua để được chạy vòng quanh khu vực an toàn, có đồ bảo hộ đầy đủ, có cả hệ thống cấp cứu nếu chẳng may lạc tay lái. Mọi thứ giờ đều tuân thủ luật pháp, chứ không như lời cảnh báo trước mỗi bản game Need For Speed từ trước tới nay: “Mọi thứ trong game đều là hư cấu, ngoài đời hãy lái xe an toàn và nhớ cài dây an toàn.”

Quảng cáo



Bản chất đua xe đường phố chưa bao giờ là thứ diễn ra nhiều ở ngoài đời thực cả. Nếu như trong Fast & Furious, những tay đua bất chấp tất cả để hoàn thành nhiệm vụ trong mỗi phần phim, thì ngoài đời mọi thứ nền nã hơn rất nhiều. Mọi người thích chơi xe sẽ có những buổi gặp gỡ ngắm nhìn xe của nhau và lái rất bình thường trên xa lộ hoặc gặp gỡ ở trường đua để so tài, chứ không mạo hiểm mạng sống của cả bản thân lẫn những người khác như trong game. Khi Fast & Furious dần dần rời xa phong trào JDM và độ xe của người Mỹ, mà dần lấn sâu hơn vào kiểu hành động phi vật lý, xe bay ầm ầm trên trời và cháy nổ tưng bừng, thì sự quan tâm của mọi người với Need For Speed nói riêng và đua xe đường phố nói chung cũng dần biến mất vì nó không còn bám sát văn hóa nữa.


Gu thưởng thức game của cộng đồng, cộng thêm với việc những bản game gần đây, từ Need For Speed reboot đến Payback và Heat đều không có gì mới mẻ với người chơi. Vẫn là nâng cấp phụ tùng, vẫn là thay body kit cho đẹp, cùng lắm thì có thêm hệ thống decal và vinyl sâu hơn những bản game 14 15 năm về trước, nhưng cơ bản là không có gì đổi mới cả.

Xu hướng game mô phỏng lên ngôi


Hôm trước mình mua F1 2019 vì nó sale trên Steam còn có 180 nghìn Đồng. Trước đó mình cũng đã trải nghiệm rất nhiều game đua xe mô phỏng khác như Dirt Rally 2.0, Gran Turismo Sport, Project CARS 1 và 2, Assetto Corsa và thử qua iRacing nữa. Còn rFactor 2 thì chưa chơi thử. Bản thân game đua xe mô phỏng là thứ rất khác với những cái tên như Need For Speed hay GRID. Hình dưới là tay đua nổi tiếng Max Verstappen của đội đua Red Bull F1 chơi game ở nhà:


Người chơi những game mô phỏng phải điều khiển xe gần giống như cách cỗ máy tốc độ hoạt động ngoài đời thực. Nếu chỉnh đủ tùy chọn, thậm chí còn phải cắt côn lên xuống số và phanh để không bị khóa bánh [vì xe đua chuyên nghiệp cấm ABS mà] rồi mới cua được. Nó rất khó, nhưng bù lại, nó đem lại cảm giác như một tay đua thực thụ. Bản thân nhiều gamer cũng nhờ những nền tảng như iRacing mà trở nên nổi tiếng, và thậm chí còn được đội đua ngoài đời thật mời tham gia để trở thành tay đua chuyên nghiệp, không chỉ chơi game nữa.

Quảng cáo



Quay trở lại với F1 2019, game có rất nhiều tùy chọn điều khiển xe để khiến gameplay thư giãn hoặc chân thực nhất. Nếu bị ngợp bởi sức mạnh của khối động cơ V6 1.6L, anh em có thể bật traction control hay chống khóa bánh khi phanh, game rất dễ chơi. Nhưng một khi tham gia những cuộc đua online, những tùy chọn này hầu hết bị tắt đi, tùy lobby. Khi ấy cỗ xe công thức 1 trở thành một con quái vật đúng nghĩa đen, đảo vô lăng nhấp ga lỡ trớn một chút là xe mất lái luôn, chứ không hề mượt mà như những tay đua kỳ cựu trình diễn trên truyền hình. Dù rằng độ chân thực của game không được như iRacing, vốn được coi là một trong những game đua xe thật nhất, nhưng F1 2019 vẫn không dễ chút nào.



Cũng là lẽ đương nhiên khi những cuộc đua ảo được F1 cấp phép tổ chức trên mạng internet, stream trên YouTube và Twitch đều chơi trên nền F1 2019. Bản thân nó là tác phẩm được FIA cấp bản quyền, sẽ là vô lý nếu tổ chức cuộc đua trên nền game khác. Nhưng dù vậy, không thể bỏ qua thực tế rằng F1 2019 hay nhiều game mô phỏng khác đang thu hút nhiều người chơi hơn những Need For Speed hay các game đua xe casual, mặc dù khi tham gia vào những tác phẩm simulator, anh em phải tuân thủ luật như trên đường đua thật: Không được va chạm, không được cắt khúc cua, bánh xe lệch vạch trắng ở mép đường là bị loại, đi quá nhanh trong đường pit cũng bị loại, vân vân và mây mây… Nhưng trải nghiệm là rất khác.

Tạm kết


Ở thời điểm này, chỉ có hai series game đua xe còn giữ lối chơi casual vui nhộn dễ chơi, đó là Need For Speed và Forza Horizon. Nhưng cả hai đều không còn hot như trước kia nữa. Những lý do mình cũng đều đã liệt kê trên đây cả rồi, nhưng lý do lớn nhất, có lẽ chính là cái bóng quá lớn của Most Wanted năm 2005, thứ mà chưa có một game đua xe đường phố nào vượt qua được. Và hình tượng chiếc M3 GTR E46 trong Most Wanted đến giờ vẫn là bất tử :D

Video liên quan

Chủ Đề