Tại sao có tên đường xóm vôi quận 5

Nhị phủ miếu trên đường Hải Thượng Lãn Ông quận 5.

Tôi viết tiếp một số thông tin về đường phố ở quận 5* - Sài Gòn, cũng theo thứ tự a, b, c:

An Dương Vương: đường An Dương Vương có tên ở quận 5, 6, và quận 8. Ở bài này tôi chỉ nêu lên đường An Dương Vương quận 5. Nằm trên địa bàn các phường 2, 3, 4, 7, 8, bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Cừ (giáp với quận 1), đến giáp đường Hùng Vương và Hồng Bàng, qua các ngã 4 Trần Bình Trọng, Lê Hồnmg Phong, Huỳnh Mẫn Đạt, ngã 6 Sư Vạn Hạnh - Bùi Hữu Nghĩa - Trần Phú, ngã 4 Nguyễn Duy Dương, Nguyễn Tri Phương, và ngã 3 Phước Hưng, đường dài khoảng 1km120, lưu thông 2 chiều.

Đường An Dương Vương quận 5 nguyên là 2 đường nhập lại. Đoạn từ Nguyễn Văn Cừ đến đường Trần Phú thời Pháp còn trên dự án. Từ 1954 chính quyền Sài Gòn mới cho làm đặt tên là đường Thành Thái, đoạn cuối là phần đầu của con đường dài nhất thời Pháp thuộc gọi là đường Charles Thomson. Năm 1955 đổi tên là đường Hồng Bàng. Ngày 14-8-1975 Chính phủ Cách mạng lâm thời nhập đường Thành Thái với đoạn đầu đường Hồng Bàng làm một đặt tên là đường An Dương Vương.

Những địa chỉ đáng ghi nhớ: Đại học Sư phạm, Khoa Y Đại học Y Dược, Nhà Thiếu nhi quận 5, CLB Bơi lặn quận 5, Trường Cao đẳng Sư phạm số 6...

Bùi Hữu Nghĩa: cũng có tên ở quận Bình Thạnh, ở quận 5 nằm trên địa bàn các phường 5, 7, bắt đầu từ đường Đào Tấn đến đường Nguyễn Trãi, dài khoảng 0km840. Qua các ngã 4 Bạch Vân, Chiêu Anh Các, Nghĩa Thục, Trần Hưng Đạo, Phan Văn Trị, lưu thông 2 chiều. Thời Pháp đường này  chỉ từ Bạch Vân trở đi mang số 7. Năm 1954 chính quyền Sài Gòn cho làm tiếp đoạn từ Bạch Vân đến Đào Tấn, ngày 4-5-1954 đặt tên là Bùi Hữu Nghĩa đến nay.

Những địa chỉ đáng ghi nhớ: Hội đồng Giám định y khoa TP, chợ Hòa Bình, Miếu Ngũ hành.

Châu Văn Liêm: đường Châu Văn Liêm nằm trên địa bàn các phường 11, 12, 13, 14, bắt đầu từ đường Hải Thượng Lãn Ông đến Hồng Bàng, dài khoảng 0km210. Qua các ngã 4 Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi và Lão Tử. Đường là một đại lộ có 3 lối đi, ở giữa dành cho xe hơi lưu thông 2 chiều, hai bên dành cho xe gắn máy, xe 3 bánh. Bên phải đi theo chiều Hải Thượng Lãn Ông đến Hồng Bàng, chiều bên trái ngược lại.

Đây là đường thuộc loại xưa nhất vùng Chợ Lớn, trước năm 1915 gọi là đường Canton, đến năm 1915 chính quyền Pháp thuộc đổi thành Tổng Đốc Phương, ngày 14-8-1975 Chính quyền Cách mạng lâm thời đổi thành đường Châu Văn Liêm đến nay.

Địa chỉ đáng ghi nhớ: Ngân hàng Công thương TP, rạp hát Đại Quang, rạp Thủ Đô, rạp Toàn Thắng, cơ sở cũ của "Liên Thành thương quán", nơi Nguyễn Tất Thành từng trú ngụ và hoạt động trước khi xuất dương tìm đường cứu nước.

Hà Tôn Quyền: nằm trên địa bàn các phường 14, 15, và phường 4 quận 11. Bắt đầu từ đường Hùng Vương đến  3 Tháng 2, dài khoảng 0km430. Qua các ngã 4 Phạm Hữu Chí, Tân Thành, Nguyễn Chí Thanh, Trần Quý, lưu thông 2 chiều.

Thời Pháp thuộc chưa có đường này, còn là sình lầy. Năm 1940 người dân tới sinh sống mới hình thành đường đạt tên là Bourchet. Từ 19-10-1955 chính quyền Sài Gòn đổi thành Hà Tôn Quyền đến nay.

Không có địa chỉ văn hóa đáng ghi nhớ.

Hải Thượng Lãn Ông: nằm trên các phường 10, 13. Bắt đầu từ Bến Trần Văn Kiểu đến góc đường Gò Công - Lê Quang Sung một bên, và bên kia là góc Đỗ Ngọc Thạnh - Trang Tử, dài khoảng 0km770. Qua các ngã 3 Phạm Bân, Trần Hòa, Trần Điện, các ngã 4 Triệu Quang Phục, Lương Nhữ Học (Lương Như Hộc), các ngã 3 Vạn Kiếp, Mạc Cửu, Nguyễn Thi, Lưu Xuân Tín, Châu Văn Liêm, Nguyễn An Khương, Tống Duy Tân, ngã 4 Phùng Hưng, các ngã 3 Vạn Tượng, Kim Biên, Đỗ Ngọc Thạnh. Đường rất rộng có 2 chiều 2 bên, ở giữa có tiểu đảo chạy dài suốt đường. Lối bên phải đi theo chiều Bến Trần Văn Kiểu lên, lối bên trái đi theo chiều Ngô Nhân Tịnh xuống.

Thuộc loại đường lớn và xưa nhất vùng Chợ Lớn. Thời Pháp gồm 2 đường, đoạn đầu là Đại lộ Gaudot, đoạn cuối là Đại lộ Bonhoure. năm 1955 nhập 2 đường làm một đổi tên là Đại lộ Khổng Tử (vẫn còn tượng Khổng Tử trên tiểu đảo). Ngày 19-8-1975 Chính quyền cách mạng đổi thành Hải Thượng Lãn Ông đến nay.

Địa chỉ đáng ghi nhớ: Báo Sài Gòn Giải Phóng Hoa văn, Nhị Phủ Miếu, Chùa Ông Bổn, Trường Trần Bội Cơ.

Lương Nhữ Học (Lương Như Hộc): nằm trên địa bàn phường 11 quận 5, bắt đầu từ Bến Trần Văn Kiểu đến đường Phạm Hữu Chí, dài khoảng 0km540. Qua các ngã 4 Hải Thượng Lãn Ông, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, ngã 3 Lão Tử. Lưu thông 2 chiều, nhưng chiều từ Phạm Hữu Chí đến Bến Trần Văn Kiểu cấm xe 3 bánh và xe hơi.

Thuộc loại đường xưa của vùng Chợ Lớn, thời Pháp ban đầu tên Larégnère. Từ 23-1-1943 đổi thành Rieunier. Ngày 19-10-1955 Chính quyền Sài Gòn đổi là Lương Nhữ Học đến nay (tên đúng là Lương Như Hộc).

Địa chì đáng ghi nhớ: Rạp hát Sao Mai, Nhà thờ Tin lành...

Lý Thường Kiệt: đường Lý Thường Kiệt nằm trên nhiều quận, đoạn qua quận 5 thuộc phường 9, dài khoảng 4km620, lưu thông 2 chiều.

Trước đây là 2 đoạn đường nối nhau. Đoạn từ Hùng Vương quận 5 đến giáp ranh quận Tân Bình mang tên Lý Thường Kiệt, còn đoạn cuối mang tên Maréchal Foch, đoạn này ngày 22-3-1955 đổi thành Nguyễn Văn Thoại. Ngày 14-8-1975 Chính quyền cách mạng nhập làm một đặt tên là Lý Thường Kiệt.

Đoạn Lý Thường Kiệt quận 5 không có địa chỉ đáng ghi nhớ.

Ngô Quyền: nằm trên địa bàn các phường 6, 9 quận 5 và các phường 5, 6, 8 quận 10, bắt đầu từ bến Hàm Tử quận 5 đến đường 3 Tháng 2 quận 10, dài khoảng 1km210. Ở quận 5 qua các ngã 3 An Điềm, các ngã 4 Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Mạc Thiên Tích, Hồng Bàng, Hùng Vương, Nguyễn Chí Thanh.

Thuộc loại đường xưa nhất vùng Chợ Lớn. Thời Pháp là 2 con đường nối nhau, đường Général Beylié từ bến Hàm Tử quận 5 đến Hồng bàng quận 5, đường Ducos từ Hồng Bàng quận 5 đến 3 Tháng 2 quận 10. Từ ngày 22-3-1955 Chánh quyền Sài Gòn đổi đoạn Général Beylié thành Ngô Quyền, và đoạn Ducos thành Triệu Đà. Ngày 14-8-1975 Chánh quyền Cách mạng nhập 2 đường làm một lấy tên là Ngô Quyền.

Địa chỉ văn hóa đáng ghi nhớ trên địa bàn quận 5: Thánh thất Cao Đài Chợ Lớn.

Sư Vạn Hạnh: nằm trên địa bàn phường 9 quận 5 và các phường 2, 3, 9, 10 quận 10, bắt đầu từ đường An Dương Vương quận 5 đến đường Tô Hiến Thành quận 10, dài khoảng 2km. Ở quận 5 qua các ngã 4 Hùng Vương, Nguyễn Chí Thanh, lưu thông 2 chiều suốt con đường.

Thời Pháp đường mang tên Lorgeril. Từ 19-10-1955 Chánh quyền Sài Gòn đổi tên là Sư vạn Hạnh đến nay.

Trên địa bàn quận 5 không có địa chỉ văn háo đáng ghi nhớ.

Tạ Uyên: nằm trên địa bàn phường 15 quận 5 và các phường 4, 6 quận 11. Bắt đầu từ đường Hùng Vương đến 3 Tháng 2, dài khoảng 0km450. Ở quận 5 qua các ngã 4 Phạm Hữu Chí, Tân Thành, Nguyễn Chí Thanh. Lưu thông 2 chiều.

Trước năm 1950 chưa có đường này, trên bản đồ quy hoạch mang số 48. Từ năm 1954 đồng bào miền Bắc di cư đến ở đường mới được mở và đặt tên là Tôn Thọ Tường. Ngày 14-8-1975 Chánh quyền Cách mạng đổi thành Tạ Uyên đến nay.

Không có địa chỉ văn hóa, tôn giáo ghi nhớ.

Tháp Mười: đường này nằm trên địa bàn phường 2 quận 6 chứ không phải quận 5, bắt đầu từ đường Ngô Nhân Tịnh đến Mai Xuân Thưởng, dài khoảng 0km180, lưu thông 2 chiều.

Thuộc loại xưa nhất vùng Chợ Lớn, từ thời Pháp đến nay vẫn mang tên Tháp Mười.

Thuận Kiều: nằm trên địa bàn phường 12 quận 5 và phường 4 quận 11, bắt đầu từ đường Hùng Viơng đến Lê Đại Hành, dài khoảng 0km350. Đạn quận 5 qua các ngã 4 Tân Hưng, Phạm Văn Chí, ngã 3 Tân Thành.

Đường có từ thời Pháp vẫn mang tên Thuận Kiều.

Đại chỉ đáng ghi nhớ: Chùa Giác Tâm.

Trần Nhân Tôn: nằm trên địa bàn phường 9 quận 5, và phường 12 quận 10, bắt đầu từ đường Trần Phú đến Ngô Gia Tự, dài khoảng 0km590. Qua các ngã 4 Hùng Vương, Vĩnh Viễn, lưu thông 2 chiều.

Thời Pháp thuộc đường mang tên Hỏa Lò. Từ ngày 4-5-1954 đổi là đường Nguyễn Trãi. Ngày 6-10-1955 đổi thành Trần Nhân Tôn đến nay.

Địa chỉ đáng ghi nhớ: Trường Nghiệp vụ Truyền thanh, Trường PTTH Nguyễn An Ninh, Chùa Long Phước.

Trần Phú: nằm trên địa bàn các phường 4, 7, 9, bắt đầu từ Công trường Cộng Hòa đến Trần Hưng Đạo, dài khoảng 1km390. Qua các ngã 4 Trần Bình Trọng, Lê Hồng Phong, các ngã 3 Trần Nhân Tôn, Huỳnh Mẫn Đạt, Ngã 6 An Dương Vương - Sư Vạn Hạnh, ngã 3 An Bình, ngã 4 Nguyễn Tri Phương. Lưu thông 2 chiều từ đoạn An Dương Vương đến Trần Hưng Đạo, một chiều từ An Dương Vương đến Công trường Cộng Hòa.

Đường Trần Phú có từ trước thời Pháp chiếm Sài Gòn, nối với đường Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ, gọi là đường Thiên Lý Cù. Thời Pháp đổi là Đại lộ Maréchal Pétain. Từ 7-1-1942 đổi là đường Général Huntziger. Từ 4-5-1946 khi Pháp trở lại Sài Gòn đổi thành  đường II ème Ric. Ngày 22-3-1955 Chính quyền Sài Gòn đổi thành đường Nguyễn Hoàng. Ngày 14-8-1975 Chính quyền Cách mạng đổi thành đường Trần Phú đến nay.

Địa chỉ đáng ghi nhớ: Di Đà Tịnh xá, Rạp Nhân Dân, Quan Âm Tịnh xá, Chùa Quang Minh, Chùa Vạn Thiện.

(Còn nữa).

* Theo Đường phố nội thành TP. HCM, Nguyễn Đình Tư, Chi Cục Bản Đồ & Khảo Sát Xây Dựng - NXB TP HCM - 1994.