Tại sao ta lại chọn Buôn mê Thuột làm nơi mở màn cho chiến dịch

Biên phòng - Trong vòng chưa đầy một tháng, ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ Quân đoàn 2 của địch, giải phóng toàn bộ Tây Nguyên và tỉnh Khánh Hòa, góp phần giải phóng 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên. Có được thắng lợi trên chính là nhờ ta đã vận dụng nghệ thuật quân sự một cách rất xuất sắc. Có thể nói, đây là một trong những chiến dịch hoàn hảo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - Trung tướng Khuất Duy Tiến khẳng định.

  • Nghệ thuật nghi binh hoàn hảo trong Chiến dịch Tây Nguyên
  • Lễ hội cà phê nơi mở màn chiến dịch Tây Nguyên
Trung tướng Khuất Duy Tiến cùng cựu binh Nguyễn Đình Thi, cấp dưới của mình ôn lại kỉ niệm trong trận đánh nghi binh Buôn Ma Thuật. Ảnh: Kim Nhượng

Vào một ngày đầu tháng 4, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với Trung tướng Khuất Duy Tiến, người trực tiếp soạn thảo chiến dịch nghi binh đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột, để hiểu sâu hơn về nghệ thuật quân sự cũng như cách đánh tài tình, mưu trí, táo bạo của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam [gọi tắt là Quân Giải phóng].

Trong chiến dịch mở màn của đại thắng mùa Xuân năm 1975, Bộ Thống soái tối cao của ta [Bộ Chính trị,?Quân ủy Trung ương, Bộ?Tổng Tư lệnh trong quá trình kháng chiến] đã quyết định chọn Tây Nguyên là hướng tấn công và mục tiêu tấn công đầu tiên mà không chọn chiến trường khác như Quảng Trị, gần hậu phương lớn của ta hoặc Tây Ninh rất gần Sài Gòn, chính vì Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có thể tạo ra bước ngoặt cho cuộc chiến.

Trung tướng Khuất Duy Tiến phân tích: Trong các thị xã ở Tây Nguyên [Pleiku, Kon Tum, Gia Nghĩa, Buôn Ma Thuột] thì thị xã Buôn Ma Thuột có vị trí đặc biệt hơn cả. Chiếm được Buôn Ma Thuột, ta có thể phát triển ra 3 hướng Đông, Tây, Bắc. Trong đó, hướng Đông theo đường 21 xuống đồng bằng ven biển miền Trung, Nha Trang rất thuận lợi, tạo thế chia cắt chiến lược giữa Quân khu 1 của địch với phía Nam. Hướng Tây, mở thông hành lang chiến lược từ hậu phương miền Bắc với miền Đông Nam bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho ta vận chuyển vũ khí, lương thực, xăng dầu cho Mặt trận B2. Phát triển lên hướng Bắc nối với đường 14.

Mặt khác, ta chọn Buôn Ma Thuột là vì địch phòng thủ ở đây yếu. Từ trước đến nay, các trận đánh lớn giữa ta và địch ở Tây Nguyên chủ yếu diễn ra ở Kon Tum và Pleiku nên địch tập trung phòng thủ ở đây khá vững chắc. Ở Kon Tum và Pleiku, chúng có Sư đoàn 23 cùng 7 Liên đoàn biệt động quân, không kể các lực lượng bảo an, dân vệ. Đánh vào Kon Tum hay Pleiku là đánh vào chỗ mạnh của địch, đây là điều tối kỵ của phép dùng binh. Còn ở Buôn Ma Thuột từ năm 1968, ở đây không có trận đánh lớn nào nên địch chủ quan, phòng thủ của chúng ở đây mỏng. Ta đã phát hiện được điểm yếu này và triệt để khai thác. Về địa hình, Buôn Ma Thuột khá bằng phẳng, không có nhiều núi cao, vực sâu, sông suối như Kon Tum và Pleiku, độ che phủ của cây xanh khá tốt, thuận lợi cho ta che giấu lực lượng và triển khai binh khí kỹ thuật như xe tăng, xe bọc thép, pháo mặt đất, pháo cao xạ để tấn công quy mô lớn.

Chiến dịch Tây Nguyên là một chiến dịch quy mô lớn, trải rộng trên cả 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và thị xã Gia Nghĩa [tỉnh Đắk Nông hiện nay]. Để lừa địch, không cho chúng phát hiện được hướng tấn công của ta ở Buôn Ma Thuột, ngoài việc quán triệt tới từng cán bộ, chiến sĩ về việc giữ gìn bí mật, Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên đã thực hiện triệt để việc nghi binh rất bài bản, mưu trí kéo dài suốt từ khi chuẩn bị chiến dịch ngày 25-12-1974 tới tận ngày nổ súng 10-3-1975. Ta đã thực hiện rất nhiều phương thức nghi binh như: Mở đường lớn vào Kon Tum và Pleiku y như chuẩn bị cho trận đánh lớn vào đây; tung tin đồn giả sắp đánh 2 địa điểm này. Ta còn điều xe, pháo, kể cả xe tăng đêm đến bật đèn chạy rầm rập về hướng Kon Tum và Pleiku, sau đó lại tắt đèn chạy ngược trở lại. Chúng ta cũng lừa địch bằng cách tung các nguồn tin giả qua máy vô tuyến điện... khiến cho địch bối rối, quyết định rút Trung đoàn 45 từ Buôn Ma Thuột về Pleiku, để trống Buôn Ma Thuột.

Điều đặc biệt hiếm có từ trước tới nay là, trong tất cả các chiến dịch ở Tây Nguyên, ta chưa bao giờ sử dụng cả một sư đoàn để đánh nghi binh. Đòn đánh nghi binh lớn của Sư đoàn 968, cộng với các mưu kế nghi binh khác làm cho địch hoàn toàn bị mắc lừa, cho rằng ta đánh như vậy là để chuẩn bị cho đánh lớn tiếp theo vào Pleiku và Kon Tum chứ không phải Buôn Ma Thuột. Thế nên, Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân khu 2 ngụy nói với Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh trưởng Đắk Lắk: Nếu Cộng quân có đánh Buôn Ma Thuột cũng chỉ là đánh nhỏ. Cuối cùng, chúng phải thốt lên: Đúng là một trò ma thuật - Trung tướng Khuất Duy Tiến kể lại.

Ngày 4-3, ta đưa Trung đoàn 95A và Sư đoàn 3, Quân khu 5 ra cắt đường 19, con đường huyết mạch từ miền Trung lên Tây Nguyên, để chia cắt giữa Tây Nguyên với đồng bằng ven biển miền Trung và cũng để lừa địch cho rằng ta cắt đường 19 là chuẩn bị đánh Pleiku, Kon Tum.

Ngày 5-3, ta đưa tiếp Trung đoàn 25 ra cắt đường 21 ở đoạn Khánh Dương, không cho địch cơ động từ Khánh Hòa, Nha Trang lên Buôn Ma Thuột. Ngày 7-3, Sư đoàn 320 cắt tiếp đường 14 từ Pleiku đi Buôn Ma Thuột ở khu vực Thuần Mẫn. Bằng kế hoạch chia cắt này, ta đã làm cho địch từ nhiều trở nên ít, từ mạnh trở nên yếu, đã tạo lập được một thế trận vừa kìm địch, vừa chia cắt địch, vừa trói chặt địch ở Buôn Ma Thuột.

Đến ngày 7-3-1975, còn cách 3 ngày nữa ta mới nổ súng tấn công, nhưng Buôn Ma Thuột đã bị cô lập hoàn toàn với các nơi khác và ở thế cá nằm trên thớt trong mưu kế của ta. Chính nhờ dự kiến chính xác các tình huống, thế trận của ta luôn luôn chủ động, luôn luôn vững chắc.

Ở trận Buôn Ma Thuột, Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã nhận định từ trước tới nay, ở các điểm nóng lớn, địch thường sử dụng một trong 2 sư đoàn dự bị chiến lược của chúng, đó là Sư đoàn Dù và Sư đoàn Thủy quân lục chiến đi ứng cứu. Để kìm chân 2 sư đoàn này, ta đã đưa Quân đoàn 2 ra áp sát phía Tây Huế, đồng thời, chỉ đạo Quân đoàn 4 đẩy mạnh hoạt động ở hướng Đông Bắc Sài Gòn, ngăn không cho địch đưa lính dù ở Thượng Đức và lính thủy quân lục chiến ở Trị Thiên đi ứng cứu. Như vậy, địch chỉ còn lực lượng tại chỗ của Quân đoàn 2, với lực lượng này, ta đủ khả năng đối phó, ta tổ chức khống chế chặt 2 sân bay của địch ở Buôn Ma Thuột là sân bay Thị xã và sân bay Hòa Bình, không cho chúng lấy 2 sân bay này làm nơi đổ quân ứng cứu.

Một kế hoạch đánh địch đến tái chiếm Buôn Ma Thuột cũng được ta chuẩn bị sẵn. Đúng như dự đoán của ta: Chiều 12-3 và các ngày tiếp theo, địch đã huy động một lượng máy bay trực thăng lớn nhất từ trước tới nay đổ lực lượng của Sư đoàn 23 xuống phía Đông Buôn Ma Thuột, nhưng lực lượng này đã rơi vào trận địa đón sẵn của Sư đoàn 10. Sau 5 ngày chiến đấu [từ 14 đến 18-3 ], toàn bộ lực lượng của Sư đoàn 23 đến phản kích tái chiếm Buôn Ma Thuột đã bị quân ta đánh cho tơi tả. Chính sau trận đại bại này của Sư đoàn 23 ở phía Đông Buôn Ma Thuột đã làm cho Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu mất hết nhuệ khí.

Bằng nghệ thuật quân sự xuất sắc, chiến dịch Tây Nguyên đã giành thắng lợi to lớn, vượt ra khỏi giới hạn một chiến dịch thông thường để trở thành một chiến dịch mang ý nghĩa chiến lược. Từ đó, tạo đột biến chưa từng có về quân sự trên chiến trường miền Nam từ trước tới nay, tạo thời cơ chiến lược mới cho cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đình Thi - Kim Nhượng

Video liên quan

Chủ Đề