Văn hóa sử dụng mạng xã hội của học sinh

Sáng ngày 29/10/2019, tại cơ sở 97 Võ Văn Tần của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi Toạ đàm mang tên “Văn hoá ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội”.

Chương trình do Báo Tiền Phong phối hợp cùng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Buổi Toạ đàm nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, nhà giáo và hàng trăm sinh viên của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh và các trường đại học khác, cũng như sự quan tâm của các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc, Nhà báo Lý Thành Tâm – Trưởng cơ quan đại diện Báo Tiền Phong cho biết, hiện có 400 mạng xã hội được cấp phép tại Việt Nam, trong đó Facebook chiếm thị phần đông đảo với khoảng 55 triệu tài khoản chiếm 57% dân số và là một trong 10 nước có số lượng người sử dụng mạng facebook lớn nhất thế giới. Mạng xã hội trở thành một thế giới ảo giữa thế giới thật vô cùng rộng lớn của con người. Trong đó, đáng chú ý là lượng người học đang bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội quá lớn, với hơn 22 triệu học sinh sinh viên cùng hàng triệu học viên ở nhiều hệ đào tạo khác nhau. Bên cạnh mặt tích cực, thì nhiều mặt trái khác của mạng xã hội cũng đang làm thay đổi con người, nhiều người dùng mạng xã hội thậm chí không cần đọc, không cần hiểu mà vẫn cứ share, bình luận, like theo số đông, dần dần số đông quyết định nên chuẩn mực xã hội, đạo đức bị thay đổi trên thế giới ảo bất chấp Luật An ninh mạng đã có hiệu lực,…

Nhà báo Lý Thành Tâm – Trưởng cơ quan đại diện Báo Tiền Phong

Về phía đơn vị đồng tổ chức toạ đàm – Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, PGS.TS. Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng nhà trường đặt vấn đề “việc xem mạng xã hội như một công cụ chia sẻ thông tin, thông qua mạng xã hội đã kết nối giữa nhà trường với sinh viên là đều hết sức quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội còn có những tiêu cực. Với một hình thái xã hội mới và rộng mở, mạng xã hội và cộng đồng người dùng trên “xã hội ảo” vẫn tồn tại những mặt trái khó lường khi cho phép họ thể hiện một số tính cách ẩn mà họ chưa thể bộc lộ ở cuộc sống thật. Những trường hợp tiêu cực khác đối với nhóm học sinh – sinh viên là họ có thể có những hoạt động hay ngôn ngữ chưa phù hợp với độ tuổi, môi trường và đặc biệt đáng ngại khi đây là điều dưới chuẩn mực của đời sống thực. Những hệ lụy của cuốc sống ảo lại có tác động rất thực đến cuộc sống, mỗi quan hệ và cảm xúc của nhóm học sinh – sinh viên. Trên thực tế, những câu chuyện hay tình huống thương tâm đã xảy đến với mạng sống con người có thể được tìm thấy trên mặt báo hằng tháng, hằng tuần thậm chí hằng ngày; mà nguyên nhân sâu xa lại là những mâu thuẫn rất nhỏ trên mạng xã hội”. PGS.TS. Nguyễn Minh Hà mong muốn Toạ đàm sau thảo luận sẽ đưa ra các giải pháp để hướng giới trẻ, nhất là học sinh – sinh viên có những kỹ năng sử dụng mạng xã tích cực hơn.

PGS.TS. Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh

Tại buổi Toạ đàm, các diễn giả, chuyên gia, nhà giáo đã lần lượt chia sẻ các nội dung với các chủ đề chính:

Thực trạng về việc ứng xử trên mạng xã hội [Facebook, zalo, viber, instagram, google,..] hiện nay. Những tác động tiêu cực, không mong muốn cho việc ứng xử thiếu chừng mực trên mạng xã hội gây ra.

BS. Hồ Nhật Quang, Giám đốc Công ty đào tạo huấn luyện Thân Tâm Trí

BS. Hồ Nhật Quang, Giám đốc Công ty đào tạo huấn luyện Thân Tâm Trí chia sẻ, ở góc độ bệnh lý học, bác sĩ Hồ Nhật Quang cho rằng có nhiều người trẻ nghiện mạng xã hội, có nhiều trạng thái tiêu cực, phán xét người khác. Nghiện mạng xã hội là một loại bệnh lý, sử dụng quá nhiều gây ra bệnh hoang tưởng. Khi sử dụng mạng xã hội không có chọn lọc, đề kháng, người sử dụng sẽ bị cuốn vào thể hiện cái tôi muốn nói gì nói, muốn chửi ai chửi. Đó là bệnh về cảm xúc, suy nghĩ, tạo ra sự hoang tưởng, nhận định không rõ ràng”.

TS. Tâm lý Đào Lê Hòa An

TS. Tâm lý Đào Lê Hòa An cho biết do việc mạng xã hội nhanh, nên đòi hỏi người sử dụng cần có những kỹ năng xử lý thông tin và đánh giá những tác động của mạng xã hội lên bản thân. Nhu cầu thể hiện bản sắc cá nhân của người trẻ rất lớn tuy nhiên khả năng của bản thân thì không đáp ứng được. Do đó, các bạn trẻ đã tìm những cách thể hiện một cách lệch lạc. “Like không phải vì thích mà là like cho chết” là đều rất nguy hiểm trên mạng xã hội”.

ThS. Tâm lý Lê Thị Hằng

Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội vô tình trở thành con dao giết chết hay nâng đỡ một người nào đó về thể chất lẫn tinh thần. Một lời chê bai, một lời bình luận vô tình có thể làm tổn thương sâu sắc đến tâm lý của một người nào đó mà chúng ta không hề quen biết. Những lời khen ngợi, động viên, cổ vũ cũng có thể là một liều thuốc tinh thần giúp cho giới trẻ thấy tự tin và sống lạc quan hơn – ThS. tâm lý Lê Thị Hằng chia sẻ.

Những quy định, chế tài của pháp luật liên quan đến phát ngôn, ứng xử trên mạng xã hội. Vai trò đạo đức, văn hóa truyền thống trong vấn đề điều chỉnh, hình thành văn hóa mạng xã hội.

Ông Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung Tâm đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng quốc tế Athena

Ông Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung Tâm đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng quốc tế Athena đã nêu trích dẫn từ luật cấm 20 nhóm hành vi trên mạng xã hội [Luật An ninh mạng hiệu lực từ 01/01/2019], như: xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động, gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống,… Ông nêu rõ các cuộc sử dụng mạng xã hội tấn công vào các cá nhân, tổ chức là bằng việc tận dụng cơ chế lan truyền, thu thập thông tin số lượng lớn, tạo khủng hoảng với các mục đích khác nhau, tập trung vào cá nhân, tổ chức gây rối loạn, thiệt hại.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh – Đoàn Luật sư TP.HCM

Luật đã có quy định rõ mức xử phạt hành vi việc xúc phạm danh dự nhân phẩm, vu khống người khác trên mạng xã hội, nghiêm trọng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người bị xúc phạm, vu khống có thể khởi kiện. Tuy nhiên mức xử phạt hiện nay còn khá nhẹ so với hậu quả gây ra nên chưa đủ sức răn đe– Luật sư Nguyễn Đức Chánh – Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết.

Giải pháp nhằm định hướng, hỗ trợ giới trẻ tự điều chỉnh việc ứng xử trên mạng xã hội. Các chuyên gia cũng đưa ra những lời khuyên:

  1. Sống có trách nhiệm với cộng đồng, tuân thủ pháp luật. Bản thân người dùng mạng xã hội ý thức, trách nhiệm hơn trong việc sử dụng mạng xã hội, tự bảo vệ mình.
  2. Xây dựng cho mình một lối sống tích, cực, lạc quan thì mới chia sẻ những điều tích cực lên mạng xã hội.
  3. Sử dụng mạng xã hội có mục đích, đặt ra mục tiêu sử dụng mạng xã hội cho bản thân.
  4. Nhận diện và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải, chú trọng chia sẻ những điều hay.
  5. Phải tuân thủ những quy tắc ứng xử ngay trên mạng xã hội bởi gọi là mạng xã hội nhưng đó không phải là ảo, mà là nơi thể hiện cá tính, nhân cách, hình ảnh thật của chủ nhân các tài khoản Zalo, Facebook, Instagram… Mạng xã hội cũng như ngoài đời, những gì chia sẻ trên mạng xã hội là một sự phản ánh của con người bạn hay tính cách, lối sống của bạn.
  6. Không nói tục, chửi thề, đừng bao giờ bình luận những thông tin mà bản thân không hiểu rõ tường tận. Không nên vô tư thể hiện cảm xúc cá nhân tức thì, bởi lẽ có thể sau khi đăng vài phút, sẽ chợt nhận ra “đúng là lúc nãy mình nóng vội quá, lẽ ra đừng nên đăng”.
  7. Bình tĩnh, tỉnh táo trước mọi thông tin có được. Không tận dụng mạng xã hội để trở thành người sống bi quan, mà phải trở thành người tử tế.
  8. Học tập để có kiến thức về các rủi ro trên mạng xã hội để chủ động biết cách phòng chống các nguy cơ khủng hoảng và rủi ro.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà giáo và sinh viên trao đổi sôi nổi tại Toạ đàm:

Nhà báo Đại Dương

Ông Đặng Mạnh Trung – Vụ trưởng, Trưởng đại diện cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh

PGS.TS. Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tổng kết Toạ đàm

Các đơn vị báo, đài đưa tin về Chương trình:

OUNews Tổng hợp

Video liên quan

Chủ Đề