Ví dụ tình huống chính trị

Trong hoạt động lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, việc nảy sinh và yêu cầu xử lý các tình huống luôn là một nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của các chủ thể lãnh đạo, quản lý. Xử lý tình huống lãnh đạo, quản lý ở cơ sở cũng đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, quản lý có kiến thức và kỹ năng đa dạng, phong phú, đồng thời vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo trong quá trình xử lý tình huống.

Tình huống chính trị là những sự kiện, biến cố không bình thường diễn ra trong đời sống chính trị – xã hội, có thể gây nên sự bất ổn hoặc có khả năng trực tiếp gây nên sự bất ổn về chính trị – xã hội. Đó là những hiện tượng chính trị rất phức tạp phản ánh nhiều khía cạnh của đời sống chính trị và luôn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống chính trị, có tính chất phức tạp, đặc biệt, cấp bách, ngoài mong đợi. Tình huống chính trị phản ảnh những vấn đề đang đặt ra của đời sống chính trị, là một mặt xích của quá trình chính trị, ẩn chứa trong đó là các mối quan hệ đa dạng, phức tạp giữa các bên tham gia tình huống.

Một tình huống chính trị bao giờ cũng biểu hiện ra bằng những dấu hiệu nào đó; trong đó, nó có một số dấu hiệu cơ bản sau:

  • Sự bất mãn, chống đối của một bộ phận dân chúng với một số đại diện của chính quyền nhà nước. Đây là dấu hiệu cơ bản nhất thiết phải có trong các tình huống chính trị.
  • Xung đột chính trị căng thẳng thành các điểm nóng xã hội, điểm nóng chính trị – xã hội.
  • Sự xung đột giữa các phe cánh trong lực lượng cầm quyền, gây chia rẽ mất đoàn kết nội bộ.
  • Bộ máy chính quyền bất lực, tê liệt hoặc có khoảng chống quyền lực.
  • Những chuẩn mực pháp luật, đạo đức, văn hóa có thể không được tuân thủ.
  • Khung hoảng về tư tưởng, niềm tin gây tổn hại đến ý thực hệ chủ đạo của xã hội.
  • Các lực lượng tiêu cực, phản động có điều kiện trỗi dây gây mất an ninh xã hội, làm tăng nguy cơ đối với sự bền vững của chế độ xã hội.
  • Nạn quan liêu, tham nhũng hoành hành.

Phân loại

  • Tình huống chính trị liên quan đến đời sống xã hội.
  • Tình huống chính trị liên quan đến hoạt động đối ngoại.
  • Tình huống chính trị liên quan đến an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền.
  • Tình huống chính trị liên quan đến chuyển giao quyền lực và tổ chức nhân sự.
  • Tình huống chính trị liên quan đến tham nhũng.
  • Tình huống chính trị liên quan đến suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, công chức, viên chức.
  • Tình huống chính trị liên quan đến xung đột xã hội, điểm nóng chính trị – xã hội.

Tính chất

Tình huống chính trị thường có một số tính chất như: bất ngờ, đặc biệt, cấp thiết, xung đột, bất ổn, thảm họa, lan truyền, hệ trọng, quy luật…

Tình huống chính trị đe dọa tính chính đáng của quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước; đe dọa tính hệ thống của hệ thống chính trị, nguy cơ đảng mất vai trò lãnh đạo, nhà nước mất khả năng quản lý xã hội, nguy cơ sụp đổ chế độ nhà nước.

Tình huống chính trị gây rối loại đời sống xã hội và gây thiệt hại lớn đối với đời sống kinh tế, xã hội của người dân, cộng đồng.

Xử lý tình huống

Việc xử lý tình huống chính trị cần đảm bảo những yêu cầu sau:

  • Phản ứng nhanh, khẩn trương xử lý, nhanh chóng làm chủ tình hình.
  • Phân tích toàn diện tình hình, nhận diện tình huống.
  • Áp dụng những giải pháp đặc biệt để quản lý tình huống.
  • Tập trung nguồn lực, phương tiện để xử lý.
  • Quản trị truyền thông, làm chủ thông tin, dự luận và tâm trạng người dân.
  • Khắc phục kịp thời hậu quả do tình huống gây ra.
  • Dự báo, ổn định tình hình sau xử lý tình huống.

Những kỹ năng cơ bản trong xử lý tình huống CT-XH ở nước ta hiện nay 

Thứ nhất, xác định rõ và nắm vững mục tiêu, yêu cầu và nguyên tắc xử lý tình huống

Xác định rõ và nắm vững mục tiêu, nguyên tắc và phương pháp xử lý tình huống nhằm giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ; giữ vững trật tự, kỷ cương xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm phát triển sản xuất – kinh doanh, nâng cao đời sống của nhân dân; làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch và phần tử xấu.

Xác định rõ căn cứ chính trị, pháp lý, bảo đảm hợp pháp, hợp lý, hợp tình trong xử lý tình huống; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.

Bảo đảm sự thống nhất về lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền và các lực lượng tham gia.

Phản ứng nhanh chóng, chính xác, phù hợp và xử lý tình huống tại chỗ; kịp thời ngăn ngừa nguy cơ lan rộng của tình huống.

Huy động và sử dụng hợp lý các nguồn lực, phương tiện; ưu tiên các nguồn lực, phương tiện tại chỗ.

Làm chủ dư luận, nắm vững tâm trạng của cán bộ và nhân dân nơi xảy ra tình huống; khắc phục kịp thời hậu quả; ổn định nhanh, dự báo đúng diễn biến tình hình để có các giải pháp tiếp theo.

Thứ hai, nhận diện bản chất trúng và phân loại đúng tình huống

Tiếp cận thực tế, nắm bắt nhanh địa điểm, thời gian, quy mô, diễn biến, thành phần tham gia tình huống.

Bình tĩnh, khách quan tìm hiểu các mâu thuẫn, tính chất, đối tượng gây ra tình huống và các “yêu sách” của họ.

Phân tích các nguyên nhân [khách quan và chủ quan, sâu xa và trực tiếp, bên trong và bên ngoài,…], nhân tố tác động [về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tâm lý, tộc người, nội bộ, nước ngoài,…].

Phân loại tình huống: trong lĩnh vực nào, địa phương nào, quy mô, phạm vi, thời gian xảy ra tình huống; tình huống xã hội, tình huống CT-XH hay tình huống chính trị; phản ứng, phản đối của người dân hay phản động; nội bộ hay có sự can thiệp từ bên ngoài; tự phát hay cố ý, cố tình; mục đích chỉ “gây tiếng vang” hay chống phá đến cùng.

Thứ ba, xây dựng đúng và triển khai được kế hoạch xử lý tình huống

Báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền; xác định đúng chức năng, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan; xác định cơ sở chính trị – pháp lý để xử lý tình huống.

Thành lập tổ, ban chỉ đạo xử lý tình huống bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất, kịp thời của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ các lực lượng, sự “vào cuộc” cả hệ thống chính trị. Việc lập tổ, ban chỉ đạo xử lý tình huống phải bảo đảm đúng số lượng, thành phần phù hợp theo quy định của pháp luật để ra quyết định, lập kế hoạch và phản ứng nhanh trong triển khai xử lý tình huống. Thiết lập và duy trì các kênh thông tin, liên lạc thông suốt giữa các bộ phận trong tổ, ban chỉ đạo và các lực lượng có liên quan, thực hiện đúng chế độ báo cáo thường xuyên, kịp thời trong tổ, ban chỉ đạo và với cơ quan, đơn vị có liên quan.

Trên cơ sở các phương án đã được chuẩn bị, lựa chọn phương án xử lý tối ưu nhằm ứng phó, giải quyết một cách chủ động, kịp thời và hiệu quả đối với tình huống; sử dụng phương pháp, biện pháp xử lý thích hợp, xác định những “lối thoát” hợp lý để xử lý tình huống, nhất là tình huống xung đột lớn, nguy hiểm. Lựa chọn các phương pháp, biện pháp xử lý thích hợp: bằng thuyết phục, thương lượng, hòa giải, trọng tài,… hay bằng trấn áp.

Huy động lực lượng quần chúng, lực lượng dân phòng, dân quân, tự vệ,… khi cần thiết và theo quy định của pháp luật; chuẩn bị phương tiện, công cụ và hậu cần cần thiết theo phương châm tiết kiệm, hiệu quả; huy động người có uy tín trong cộng đồng [gia đình, dòng họ, tôn giáo, tín ngưỡng, tộc người,…] tại chỗ tham gia phát hiện, tuyên truyền, thuyết phục, vận động; nắm vững đối tượng, địa bàn xảy ra tình huống; chủ động, kiên trì, kiên quyết, linh hoạt trong sử dụng lực lượng, phương tiện.

Đối thoại trực tiếp với người dân, đại diện người dân trên địa bàn; lắng nghe, tập hợp ý kiến phản ánh, thu thập đơn từ tố cáo của người dân; giải thích, phân tích rõ đúng sai, lợi hại của các “mục tiêu”, “lợi ích” và “ảnh hưởng” của tình huống; phát huy dân chủ ở cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người dân; thuyết phục, vận động người dân trên địa bàn, tranh thủ và mở rộng sự ủng hộ của quần chúng; kết hợp chặt chẽ việc vận động, thuyết phục của cán bộ, công chức đối với người dân và của người dân với nhau; kết hợp tuyên truyền bằng nhiều hình thức như loa, đài, cán bộ, tuyên truyền viên, cộng tác viên tuyên truyền trực tiếp đến người dân một cách khéo léo, có lý, có tình.

Chủ động, khẩn trương phân hóa, phát hiện để thuyết phục, vận động hoặc cô lập, cách ly, vô hiệu hóa người cầm đầu; ngăn chặn ý đồ xấu [nếu có] của người cầm đầu thông qua trao đổi, thuyết phục và chuyển hóa. Phát hiện và ngăn chặn kịp thời, kiên quyết những người có ý đồ xấu và có hành vi kích động dư luận, kích động bạo lực, thách thức dư luận, thách thức chính quyền, lợi dụng tình huống xung đột, gây mất ổn định, nhân danh lợi ích cộng đồng để trục lợi cá nhân. Cách ly, vô hiệu hóa, trấn áp kẻ cầm đầu cực đoan, quá khích bằng sức mạnh, “áp lực” của quần chúng, bằng chế tài của pháp luật khi cần thiết và theo quy định của pháp luật. Ngăn chặn, hạn chế “tầm ảnh hưởng” của người cầm đầu gây ra tình huống, người đại diện cho nhóm chống đối, người liên kết nội bộ nhóm và duy trì tâm trạng của nhóm gây ra tình huống. Đàm phán, đối thoại với người cầm đầu là phương pháp có hiệu quả nhằm tìm hiểu, làm rõ mục tiêu, động cơ và lợi ích của họ khi gây ra tình huống.

Giải tán đám đông, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, kiên quyết các hiện tượng “tâm lý đám đông”, “vào hùa”, “đánh hôi”, cướp phá, tẩu tán tài sản công và tài sản của người dân, tung tin thất thiệt, xuyên tạc tình hình, gây rối loạn. Điều tiết, kiểm soát hành vi của các lực lượng gây ra và tham gia tình huống theo quy định của pháp luật, hạn chế các hình thức bạo lực có thể xảy ra. Phát hiện, ngăn chặn các đối tượng chuẩn bị, tàng trữ, sử dụng các phương tiện, công cụ, vũ khí trái phép nhằm tấn công người thi hành công vụ và những người tham gia xử lý tình huống.

Quản trị chặt chẽ truyền thông [báo chí, phát thanh, truyền hình, mạng xã hội] khi phản ánh, đưa tin, bình luận về tình huống; định hướng đúng đắn, kịp thời làm chủ dư luận; bảo đảm thông tin và truyền thông chính xác, trung thực và kịp thời, góp phần ngăn chặn các thông tin sai lệch, gây phức tạp thêm tình hình.

Thứ tư, ổn định nhanh tình hình và khắc phục tốt hậu quả của tình huống

Cần hạn chế đến mức thấp nhất có thể những thiệt hại về người, của cải, hoạt động sản xuất kinh doanh, môi trường, giao thông, liên lạc; về tư tưởng, tâm lý, tình cảm; về những hậu quả, ảnh hưởng tiêu cực khác của tình huống. Động viên, khen thưởng các cá nhân, tổ chức có thành tích; phê bình, xử lý kỷ luật, thậm chí kiến nghị đưa ra xét xử trước pháp luật các cá nhân, tổ chức có khuyết điểm, sai phạm có liên quan đến tình huống và xử lý tình huống.

Tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về xử lý, quản lý tình huống CT-XH ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong xã hội, ổn định trở lại trật tự xã hội, phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Thông tin kịp thời đến cán bộ, đảng viên và nhân dân những kết quả xử lý tình huống, các đánh giá, kết luận, xác nhận của cơ quan, cấp có thẩm quyền về việc tình huống; công bố về khen thưởng, kỷ luật đối với cá nhân và tổ chức có liên quan đến tình huống và xử lý tình huống; giúp người dân an tâm về tư tưởng, ổn định sản xuất và đời sống. Đối với những tình huống phức tạp, còn có những nhận thức khác nhau, cần làm rõ các sai phạm từ các phía [những hành vi sai trái, chống phá các đối tượng tiêu cực hay những thiếu sót, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên], thông tin cho nhân dân thấy được tính nghiêm minh của pháp luật trước những sai phạm dù là của ai, tổ chức nào; góp phần giải tỏa những bức xúc trong dư luận và củng cố niềm tin của nhân dân, ngăn ngừa tình huống lây lan hoặc tái phát. Định hướng rõ ràng và kịp thời thông tin, giữ vững sự ổn định về tư tưởng, hạn chế sự hoang mang, dao động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, chống tuyên truyền xuyên tạc.

Thứ năm, đánh giá đúng và đầy đủ việc xử lý tình huống

Xây dựng, hoàn thiện các báo cáo dựa trên sự phân tích, đánh giá một cách có hệ thống và khách quan về: diễn biến, nguyên nhân và hệ quả [kết quả, hậu quả, ảnh hưởng] của tình huống; quá trình và hiệu quả [kết quả, chi phí và so sánh giữa kết quả và chi phí] xử lý tình huống; tính phù hợp của các giải pháp, biện pháp xử lý tình huống; mức độ hoàn thành các mục tiêu, tính hiệu quả, tác động và tính bền vững của việc xử lý tình huống; nguy cơ tái phát và biện pháp phòng ngừa; v.v.. Quá trình đánh giá xử lý tình huống cần sử dụng các thông tin đáng tin cậy, hữu ích, có minh chứng và lồng ghép những kinh nghiệm về quá trình ra quyết định và triển khai thực hiện quyết định xử lý tình huống. Cần kết hợp các phương pháp: “đánh giá chính trị” [đánh giá quá trình ra quyết định xử lý, tác động của việc xử lý, tính bền vững của việc xử lý, đối với tình huống; việc thưởng – phạt để bảo đảm tính công bằng, nghiêm minh trong xử lý tình huống]; với “đánh giá kỹ thuật” [đánh giá việc triển khai kế hoạch xử lý tình huống; đánh giá kết quả, chi phí và hiệu quả xử lý tình huống và “đánh giá tổng hợp” tích hợp các kết quả đánh giá trên].

Rút kinh nghiệm các khâu, các bước và tổng thể của việc xử lý tình huống: quá trình ra quyết định và triển khai thực hiện quyết định xử lý tình huống; xác định trách nhiệm, xử lý những người gây ra tình huống và biểu dương tập thể, cá nhân có thành tích trong xử lý tình huống; hoàn thiện bộ máy, cán bộ [điều chỉnh, củng cố, tăng cường, thay thế, bổ sung, kết thúc, giải thể, tổ chức bộ máy, điều động cán bộ không còn yêu cầu hoặc không đáp ứng yêu cầu] nếu cần thiết. Tổ chức hội nghị đúc rút và chia sẻ kinh nghiệm trong tất cả các nội dung và hình thức, phương pháp, phương tiện, công cụ và các khâu, bước, chi phí, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, phối hợp lực lượng, tổ chức triển khai cho việc xử lý tình huống. Tham mưu rà soát, điều chính những chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội chưa sát hợp với tình hình thực tế, chưa đáp ứng được đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của người dân trên địa bàn, quá trình tổ chức thực hiện còn có những sai phạm dẫn đến trong quá trình tổ chức thực hiện phát sinh phản ứng của người dân, gây ra tình huống mất ổn định chính trị, xã hội.

Thứ sáu, theo dõi thường xuyên, dự báo đúng và phòng ngừa có hiệu quả tình huống

Các cấp ủy, chính quyền, tổ chức CT-XH và nhân dân [nhất là ở địa bàn xảy ra tình huống] và các cơ quan chức năng các cấp có liên quan thực hiện một cách thường xuyên, liên tục việc theo dõi tình hình, kịp thời thu thập thông tin, nắm bắt các dấu hiệu của tình huống khi tái phát hoặc mới xuất hiện giúp cấp ủy, chính quyền bảo đảm không tái phát hoặc không xuất hiện tình huống mới. Theo dõi các giai đoạn ngầm, giai đoạn công khai, giai đoạn căng thẳng, giai đoạn đối đầu, giai đoạn bộc lộ xung đột nếu có của các tình huống. Thường xuyên nắm bắt tình hình địa phương, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh với cấp ủy, chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức CT-XH trong giám sát việc thực hiện đường lối, chính sách ở địa phương; thực hiện phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng và chính quyền; xây dựng chính sách hợp lý và kịp thời giải quyết thỏa đáng những yêu cầu, bức xúc của người dân.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền cơ sở; thực hiện đúng và tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức CT-XH ở cơ sở góp phần phát hiện, ngăn chặn và giảm thiểu của các tình huống từ khi mới phát sinh. Xác định rõ nguyên nhân yếu kém và những vấn đề đặt ra cần giải quyết, đề xuất những chủ trương, giải pháp chủ yếu nhằm phát huy vai trò tham gia quản lý tình huống CT-XH ở cơ sở, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giải quyết thỏa đáng, hợp lý các tình huống nếu xảy ra, đáp ứng yêu cầu ổn định và phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.

Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tạo chuyển biến trong nhân dân về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng lối sống đạo đức, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với người dân. Phát hiện sớm, chủ động đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động. Tăng cường hoạt động tiếp công dân, giải quyết, khiếu nại, tố cáo đối thoại trực tiếp, hòa giải ở cơ sở. Bám sát thực tiễn, nắm chắc đối tượng [nếu có] để ngăn chặn kịp thời những phản ứng tiêu cực. Xây dựng và hoàn thiện các quy chế, kế hoạch chủ động ứng phó kịp thời với tình huống khi xảy ra. Nâng cao bản lĩnh và năng lực xử lý tình huống cho cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Khai thác những khía cạnh tích cực của tình huống, kinh nghiệm có giá trị trong xử lý tình huống đã diễn ra và xử lý; chỉ ra những khía cạnh tiêu cực của tình huống và những kinh nghiệm chưa thành công cần khắc phục trong xử lý tình huống.

Xây dựng phương án, kịch bản, chuẩn bị [dự phòng] các lực lương, phương tiện cần thiết nhằm đề phòng và ứng phó kịp thời khi có tình huống mới xảy ra

Bài liên quan

  • An ninh chính trị
  • Điểm nóng chính trị
  • Quyền lực chính trị

Tham khảo

Lấy từ “//vi.wikipedia.org/w/index.php?title=Tình_huống_chính_trị&oldid=64210919”

Chủ Đề