Vì sao nhiều chua vẫn cúng dâng sao giải hạn

Cứ mỗi dịp đầu năm, người Việt thường có thói quen đi chùa để cúng kiếng, cầu mong một năm mới vạn sự như ý, quốc thái dân an. Nhưng một số nhà cũng đăng ký dâng sao giải hạn ở chùa và thường lễ này được các chùa cử hành từ mồng 10 đến Rằm tháng Giêng.

Người ta tin rằng, khi đã dâng sao giải hạn thì con người sẽ tránh được mọi vận hạn, những điều xui rủi để năm mới thuận buồm xuôi gió, bình an.

Phật giáo không có dâng sao giải hạn!

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM kiêm trụ trì chùa Giác Ngộ [TP.HCM] cho biết, Phật giáo không tán đồng nhận thức dâng sao giải hạn. Nguồn gốc phương pháp này là từ Nho giáo của Trung Quốc mà bị ngộ nhận là của Phật giáo.

Phật giáo cho rằng không có hạn vận, tốt xấu hên xui may rủi như các loại bói toán đưa ra. Theo quan niệm nhà Phật, trong tất cả các nguyên nhân của khổ đau, bế tắc phần lớn của hiện tại có liên hệ quá khứ, quan trọng là tìm giải pháp tốt nhất để vượt qua. Còn việc tin vào sao hạn làm cho người ta bị lệ thuộc tâm lý, sợ hãi lo âu sầu muộn, thậm chí có thể bị lừa đảo tiền mất tật mang.

"Thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trương quyết liệt kêu gọi trụ trì các chùa đề cao nếp sống văn hóa Phật giáo, không có dâng sao giải hạn, thay vào đó là cầu an để cầu chúc những điều tốt lành đến mỗi quốc gia cũng như mỗi cá nhân. Ngày Rằm tháng Giêng theo Phật giáo là người dân đi chùa để cầu an chứ không có dâng sao giải hạn trong chùa. Còn chùa nào làm thì đó là những việc làm cá nhân, không đúng với chủ trương của giáo hội", Thượng tọa Thích Nhật từ chia sẻ.

Xếp hàng chờ tới lượt dâng sao giải hạn những năm trước đây

Ảnh tư liệu: Thu Hương

Đồng quan điểm, chuyên gia phong thủy Hoàng Triệu Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông Phương cũng cho rằng, việc cúng dâng sao giải hạn không nằm trong hệ thống cúng lễ của Phật giáo, mà Phật giáo chỉ có khóa lễ gọi là cầu an đầu năm mới.

"Không có vận hạn La Hầu, Kế Đô"

Theo chuyên gia phong thủy, nhiều người đang nhầm lẫn về hạn của hệ thống 9 sao : La Hầu, Kế Đô, Nguyệt Đức, Thái Dương, Thái Âm, Thái Bạch, Vân Hán, Thổ Tú, Thủy Diệu. Đây là 9 ngôi sao thuộc về hệ thống chiêm tinh Vệ Đà [Vedict Astrology] và Hindu Astrology, mà trong đó khi muốn xem hạn hàng năm giống như sao tử vi của Đông phương thì họ phải lên một bảng sao này ứng với vị trí của nó trên hệ 24 cung hoàng đạo. Họ phải dùng tới ngày giờ tháng năm sinh chính xác tới phút để lập nên bảng sao của mỗi người, so sánh vị trí các góc chiếu của các sao, vị trí của nó trên các cung để quán xét tới vận hạn của mỗi người.

Trong hệ thống này, 9 sao này có tên là Navagraha, theo nghĩa ngôn ngữ Sanskit thì Nava là 9 và Graha là hành tinh, bao gồm:

1. Surya - Mặt Trời hay Thái Dương

2. Chandra - Mặt Trăng hay Thái Âm

3. Budha - Sao Thủy hay Thủy Diệu

4. Shukra - Sao Kim hay Thái Bạch

5. Mangala - Sao Hỏa hay Vân Hán

6. Bṛhaspati, "Guru"- Sao Mộc [Guru cũng được hiểu là dẫn đầu - tức là Thái Tuế] hay Mộc Đức

7. Shani - Sao Thổ hay Thổ Tú

8. Rahu - La Hầu - Cực bắc Mặt Trăng

9. Ketu - Kế Đô - Cực nam Mặt Trăng

Người Ấn Độ coi các vì sao là thần linh và hệ thống thần thoại Hindu đầy đủ về vai trò cũng như hình ảnh về 9 vị thần này.

"Chúng ta sẽ không thể tìm thấy tên các ngôi sao như Thái Bạch, La Hầu , Kế Đô trong hệ thống Lý học Đông Phương và tất nhiên người Ấn Độ cũng không cúng 9 hành tinh thuộc hệ Mặt Trời. Thật nực cười khi nghe La Hầu hay Kế Đô là hạn chết người, và khi mà nó chỉ là biểu tượng cực bắc và cực nam của Mặt Trăng. Vậy hành tinh với một biểu tượng theo thần thoại Ấn Độ thì nó không thể thay đổi vị trí và quỹ đạo của nó trong hệ vận động của Thái Dương hệ, và hạn được hiểu chính là sự tác động của vị trí và quỹ đạo của nó lên cuộc sống trái đất và con người", chuyên gia phong thủy phân tích.

Trong ngày rằm tháng giêng ở nhiều nơi vẫn có người muốn cúng dâng sao giải hạn

Ảnh minh họa tư liệu: Thu Hương

Ông Hải cũng cho rằng, trong hệ thống Lý học Đông phương, hạn được hiểu là một giai đoạn nào đó trong quá trình hình thành - phát triển - kết thúc. Nó không có nghĩa là xấu hoặc tốt mà chỉ là sự định vị trong một khoảng thời gian nhất định nào đó.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông Phương lấy ví dụ, trong môn tử vi sẽ có đại hạn 10 năm hoặc tiểu hạn là trong một năm. Trong khoảng thời gian đó, dự báo được những sự việc sẽ xảy ra ở mức tổng quan nhất, và đó mang tính chất dự báo cũng giống như dự báo thời tiết, biết trước để có một tâm thế chuẩn bị và đối phó.

Dự báo không có nghĩa là bạn biết trước mà có thể dùng cách nào đó để hóa giải nó, ngoại trừ việc bạn luôn có một tâm thế sẵn sang đối phó và né tránh để giảm thiểu thiệt hại nếu là hạn xấu. Xin nhấn mạnh là giảm bớt chứ không thể hô biến mất.

"Nếu mà giải hạn được thì đã không có bệnh viện, nhà thương và cả nhà tù... Có nhiều người cho rằng biết đi dâng sao giản hạn mà không thể giải hạn, nhưng không đáng bao nhiêu tiền nên tâm an nên vẫn đi để giải quyết vấn đề tâm lý lo sợ một năm không may mắn", ông Hải nhận xét.

[ghi]

Tin liên quan

Trước đây, nhiều chùa vẫn tổ chức cúng dâng sao giải hạn rất rềnh rang vào ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm, gọi là ngày cúng sao hội. Tuy nhiên, trước sự lên tiếng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sự chấn chỉnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc dâng sao giải hạn ở các chùa lớn có xu hướng tiết giảm thời gian qua, song vẫn còn rải rác ở một số nơi, hoặc được lồng ghép vào các nghi thức cúng lễ khác.

Đặc biệt trong ngày này, rất nhiều gia đình bày biện mâm lễ, thậm chí rước thầy cúng về làm lễ dâng sao giải hạn ngay tại nhà với khoảng chi phí tốn kém lên đến cả chục triệu đồng cho một lễ cúng. Nhiều người tin rằng, làm như vậy sẽ giải được hạn, tức sẽ tiêu trừ được những điều xấu đến với mình trong năm. Nhưng thực tế có đúng vậy hay không? Nguồn gốc của cúng sao giải hạn có phải từ đạo Phật hay không?... thì không phải ai cũng rõ.

Nhiều người đến làm lễ dâng sao giải hạn đầu năm tại chùa Phúc Khánh, năm 20219

Trong bài Pháp thoại của mình, Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Học Viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Trụ trì chùa Giác Ngộ cho biết: việc cúng sao, giải hạn chỉ là tập tục du nhập từ Trung Quốc chứ không có trong nghi thức đạo Phật. Và nhiều nơi lý giải rằng, đây chỉ là phương tiện, là giải pháp tâm lý để nhiều người cảm thấy an tâm.

Thượng tọa Thích Nhật Từ giải thích rằng, sở dĩ có tập tục dâng sao giải hạn là vì người ta tin rằng, vũ trụ được quản lý bằng 9 ngôi sao. Trong số đó có 3 sao tốt [Thái Dương, Thái Âm và Mộc Đức], 3 sao xấu [La Hầu, Kế Đô và Thái Bạch], 3 sao không tốt nhưng cũng không quá xấu [Văn Hớn, Thổ Tú và Thủy Diệu]. 9 ngôi sao này quản lý toàn bộ vận mệnh con người trên địa cầu. Và ngày Mùng 8 tháng Giêng hàng năm là ngày hội tụ đủ các sao kể trên, nên được gọi là ngày sao hội.

Ngay từ năm trước, nhiều người đã đi xem năm sau mình thuộc sao gì chiếu mệnh. Nếu rơi vào các sao xấu, tức là mặc định mình rất có thể sẽ gặp nhiều trúc trắc, khó khăn, thậm chí là mất mạng theo quan niệm về sao chiếu mệnh. Thậm chí còn có câu: “Nam La Hầu, nữ Kế Đô”, để chỉ những nam nữ có sao hạn nặng nhất. Và thế là người ta lo sợ, phải rước thầy, sắm lễ vật cúng sao giải hạn. Lâu dần thành quen, thành “tín ngưỡng” và nhiều người còn cho đó là theo nhà Phật.

Tuy nhiên, theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, dâng sao giải hạn chỉ là mê tín, không có cơ sở khoa học, trái quy luật nhân - quả của Phật dạy. Người tu học Phật và người đời nói chung muốn trải nghiệm hạnh phúc và bình an trong đời thì nên xa lánh các thầy sau đây: thầy bói, thầy pháp, thầy bắt ma, thầy phong thủy… vì những người này gieo rắc niềm tin không có cơ sở, khiến người ta rơi vào nỗi sợ hải, tác động vào tâm lý, thái độ sống và sinh hoạt thường nhật của con người. Trong đó, chuyện sao xấu chiếu mệnh là điển hình.

Phật giáo không khuyến khích Phật tử cầu cúng nói chung bởi Phật dạy trong kinh sách là gieo nhân nào phải gặt quả ấy; làm điều xấu ác thì sẽ gặp điều xấu mà không có bất cứ sự cúng bái nào có thể hóa giải được; trái lại, người gieo nghiệp lành thì tất nhiên có quả hạnh phúc, an vui mà không cần cầu cúng bất cứ nơi đâu.

“Chính các hành động, thói quen, lối sống, nghiệp thiện, nghiệp ác, nghiệp phàm, nghiệp thánh quyết định hạnh phúc và khổ đau của từng người trong từng hoàn cảnh cụ thể”, Thượng tọa chỉ dạy. Người được phước hỷ tướng [dung mạo đẹp] là do sống hòa nhã, vui vẻ với mọi người; người có phước tài sản [giàu sang, phú quý] do siêng năng bố thí, cúng dường; người có phước sức khỏe và tuổi thọ do tôn trọng, bảo vệ sự sống, biết yêu thương loài vật;… Theo đạo Phật, muốn có loại phước nào thì bản thân mỗi người phải gieo chính nhân của phước đó chứ không phải cầu nguyện mà có được.

Cho nên, thay vì cầu cúng linh đình để mong có được bình an, giàu sang, sức khỏe… để mong tránh điều xấu, ác thì người Phật tử tại gia nói riêng và mọi người nói chung nên làm việc thiện, việc tốt thường xuyên để tạo phước báo tốt. Phước thì cần phải nuôi dưỡng, gieo trồng để ngày càng tăng trưởng và trở thành bạn đồng hành của mỗi người trên từng cây số cuộc sống. Nhất là mỗi khi gặp những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn thì chính những hạt giống của phước, thuận duyên của phước sẽ trổ thành quả tốt giúp ngăn cản, triệt tiêu quả xấu.

Còn ngược lại, nếu không gieo trồng phước báo thì có cầu nguyện thế nào, cúng bái ra sao cũng không tránh được điều xấu từ những việc làm xấu trước đó.

Video liên quan

Chủ Đề