Vụ án kinh doanh thương mại là gì

Vướng mắc trong việc xác định tranh chấp kinh doanh thương mại hay tranh chấp dân sự

Để thụ lý, giải quyết vụ án dân sự và vụ án kinh doanh thương mại, Tòa án phải dựa vào yêu cầu cụ thể của nguyên đơn, người khởi kiện, các tài liệu, chứng cứ mà nguyên đơn, người khởi kiện nộp để xác định quan hệ pháp luật mà đương sự tranh chấp. Từ đó, đối chiếu với các quy định về thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự để xác định yêu cầu khởi kiện của đương sự có thuộc thẩm quyền của Tòa án hay không? Đó là quan hệ tranh chấp gì? Việc xác định đúng đắn quan hệ pháp luật tranh chấp còn có ý nghĩa quan trọng trong việc áp dụng pháp luật trong việc giải quyết yêu cầu của các đương sự.

Hiện nay, tình trạng giữa cá nhân, hộ gia đình thực hiện ký kết hợp đồng vay tiền có thế chấp quyền sử dụng đất với các Ngân hàng, nội dung hợp đồng có thể hiện mục đích vay: phát triển kinh tế, kinh doanh hàng hóa[có mục đích lợi nhuận, không có đăng kí kinh doanh] nhưng đến hạn không thực hiện được việc trả nợ theo hợp đồng vay tài sản. Trước tình trạng này, Ngân hàng đã chọn giải pháp khởi kiện ra Tòa án. Qua công tác kiểm sát việc thụ lý, giải quyết các vụ án nêu trên cho thấy: Có vụ việc Tòa án thụ lý vụ án như trên là vụ án dân sự để xử lý giải quyết theo thẩm quyền; có vụ việc cũng quan hệ tranh chấp như trên nhưng Tòa án lại thụ lý theo thủ tục vụ án kinh doanh thương mại.

Như vậy, tranh chấp hợp vay tài sản giữa cá nhân, hộ gia đình nhưng không có đăng kí kinh doanh với Ngân hàng [có đăng kí kinh doanh] là tranh chấp về kinh doanh thương mại hay tranh chấp dân sự theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Việc xác định quan hệ tranh chấp rõ ràng tạo điều kiện cho việc giải quyết vụ án được chính xác, đúng theo các quy định của pháp luật, bởi lẽ: Các quy định của pháp luật đối với hai loại tranh chấp về dân sự và kinh doanh thương mại là khác nhau, khác về thời hạn giải quyết, khác về điều luật, tạm ứng án phí, án phí, văn bản áp dụng giải quyết vụ án.

Xung quanh vấn đề xác định quan hệ tranh chấp dân sự hay kinh doanh thương mại đang tồn tại hai quan điểm khác nhau, đó là:

+ Quan điểm thứ nhất cho rằng: Quan hệ tranh chấp hợp đồng hợp vay tiền giữa cá nhân, hộ gia đình với Ngân hàng là tranh chấp dân sự thuộc quy định tại khoản 3, điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Lý do:

Hẩu hết các Ngân hàng khi cho vay, người vay, để vay được số tiền lớn, người vay đều phải có mục đích vay phục phục sản xuất, kinh doanh [chứ không cho vay sinh hoạt với số tiền lớn]. Do vậy, việc các cá nhân, hộ gia đình mặc dù không có mục đích kinh doanh, sản xuất nhưng cũng vẫn ký hợp đồng với lý do nêu trên để được vay.

Theo quy định tại khoản 1, điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định những tranh chấp về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án: 1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

Tại khoản 1, điều 6 Luật thương mại quy định Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Điều này thể hiện khi hoạt động thương mại điều chỉnh bởi luật thương mại thì phải là các tổ chức được thành lập hợp pháp, cá nhân có đăng ký kinh doanh.

+ Quan điểm thứ hai, ngược lại cho rằng: Đây không phải là tranh chấp dân sự mà là tranh chấp kinh doanh thương mại theo quy định tại khoản 1, điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Lý do: Khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối Cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất Những quy định chung của Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011, có quy định những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền của Tòa án:

Khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 03 quy định: 2. Mục đích lợi nhuận của cá nhân, tổ chức trong hoạt động kinh doanh, thương mại là mong muốn của cá nhân, tổ chức đó thu được lợi nhuận mà không phân biệt có thu được hay không thu được lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, thương mại đó.

Cá nhân tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất và lý do quan điểm này nêu ra; Theo tôi, tranh chấp về kinh doanh thương mại quy định tại khoản 1, điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, phải là: Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh và đều có mục đích lợi nhuận. Trong trường hợp tranh chấp xảy ra mà một trong các bên là tổ chức, cá nhân mặc dù có mục đích lợi nhuận nhưng không có đăng ký kinh doanh thì cũng không thỏa mãn điều kiện quy định về tranh chấp kinh doanh thương mại theo quy định tại khoản 1, điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Qua trang tin điện tử của Ngành, rất mong được các đồng nghiệp, bạn đọc trao đổi để nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết án dân sự, kinh doanh, thương mại./.

Nguyễn Xuân Thạo
VKSND huyện Thanh Miện

Quay lại

Video liên quan

Chủ Đề