Vu lan báo hiếu nghĩa là gì

3.996 lượt xem

Lễ Vu Lan là một trong những ngày lễ có ý nghĩa quan trọng đối với người Việt Nam. Vậy lễ Vu Lan là gì? Ý nghĩa của lễ Vu Lan như thế nào? Mời bạn theo dõi bài viết này của chúng tôi để có được câu trả lời nhé.

Lễ Vu Lan là gì? Lễ Vu Lan là ngày nào?

Lễ Vu Lan [hay còn được gọi là Vu Lan báo hiếu] là một trong những ngày lễ trọng đại trong Phật giáo nhằm tưởng nhớ và báo hiếu công sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ, tổ tiên. Với ý nghĩa tốt đẹp, trải qua hàng ngàn năm, dần dần lễ Vu Lan đã lan rộng, không chỉ là ngày lễ của đạo Phật mà còn trở thành ngày lễ báo hiếu của toàn thể người dân Việt Nam.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, lễ Vu Lan được du nhập vào Việt Nam từ năm 1072 và vua Lý Nhân Tông đã từng lập đàn cầu siêu cho cha mẹ.

Bên cạnh đó, “Vu Lan” cũng là cách gọi ngắn của “Vu Lan Bồn”, được chuyển tự thành từ “ullambhana” trong tiếng Phạn có nghĩa là “giải thoát” nhằm chỉ sự giải thoát cho những kẻ khổ sở tột cùng dưới địa ngục.

Lễ Vu Lan là ngày nào? Lễ Vu Lan diễn ra vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch hằng năm [tức ngày 15/7]. Năm nay, lễ Vu Lan 2021 rơi vào Chủ Nhật ngày 22/8/2021 Dương lịch.

>> Xem thêm: Văn khấn lễ Vu Lan rằm tháng 7, bài cúng lễ Vu Lan tại nhà

Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan

Nguồn gốc của lễ Vu Lan báo hiếu

Lễ Vu Lan ra đời dựa theo sự tích Đại Đức Mục Kiền Liên [một trong hai đại đệ tử của Phật Thích Ca]. Với tấm lòng hiếu thảo, ngài đã cứu được mẹ ra khỏi kiếp ngạ quỷ.

Chuyện kể rằng:

Khi Đại Đức Mục Kiền Liên tu luyện thành công, ngài nhớ tới người mẹ Thanh Đề đã khuất của mình nên đã dùng mắt phép tìm kiếm khắp nơi xem bà đã đi đâu, về đâu.

Không ngờ, kết quả nhìn thấy lại khiến Đại Đức Mục Kiền Liên vô cùng đau lòng. Ngài thấy mẹ đang bị đày thành ngạ quỷ, đi lang thang khắp nơi, cực khổ, đói khát bởi những việc ác trước đây mà bà đã thực hiện. Quá đau lòng, Đại Đức Mục Kiền Liên liền dùng phép thần thông để biến ra cơm đưa tới tận địa ngục cho mẹ nhưng tiếc thay những thức ăn ấy đều bị hóa thành lửa.

Không đành lòng nhìn mẹ chịu cực khổ, ngài bèn cầu cứu tới Phật Tổ, Phật liền dạy rằng, dù thần thông quảng đại tới đâu thì ông cũng không thể đủ sức để cứu mẹ đâu.

Cách duy nhất đó chính là nhờ sức mạnh của chư tăng mười phương. Và ngày rằm tháng 7 chính là ngày thích hợp nhất để thỉnh chư tăng, sắm sửa lễ vật cúng dường Tam Bảo nhằm cứu lấy phước cho mẹ. Phật cũng nói thêm, chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ thì cũng có thể dùng cách này. Kể từ đó, lễ Vu Lan ra đời.

Ý nghĩa của lễ Vu Lan

Lễ Vu Lan chính là dịp để con cháu trong gia đình thể hiện lòng thành kính, hiếu thảo, đền đáp lại công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà và thể hiện lòng thành với tổ tiên. Đây là ngày lễ đặc biệt, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Lễ Vu Lan cũng kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa của Đức Phật, khuyến khích con người đền ơn 4 nguồn ân đức gồm tri ân, đền ơn cha mẹ đã sinh thành; tri ân những người thầy cô đã dạy dỗ, truyền đạt kiến thức; tri ân các bậc tiền bối đã hi sinh xây dựng đất nước mang lại cuộc sống ấm no, chủ quyền cho dân tộc và cuối cùng là tri ân chính đồng loại.

Ở Việt Nam, ngày lễ Vu Lan còn có nghi thức bông hồng cài áo. Nghi thức này do thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng vào năm 1962, những ai may mắn còn cha mẹ sẽ cài bông hoa đỏ, và những ai không còn cha mẹ bên mình thì cài bông hồng trắng. Bông hồng cài trên ngực áo vào ngày lễ Vu Lan thể hiện những tình cảm tốt đẹp, thiêng liêng, cao quý nhất, khiến cho mỗi người may mắn còn cha mẹ sẽ càng thêm yêu mến, kính trọng cha mẹ mình…

>> Xem thêm: 

Hi vọng rằng qua bài viết này, bạn đã biết được lễ Vu Lan là gì, nguồn gốc và ý nghĩa lễ Vu Lan như thế nào. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.

Đừng quên thường xuyên truy cập website META.vn để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích bạn nhé.

>> Tham khảo thêm:

Mùa hiếu hạnh lại đến, gợi lên cảm xúc trào dâng về mẹ cha - những người đã tạo tác ra ta, cho ta vóc hình, sự nghiệp. Dù bạn là ai, người nông phu hay bậc quyền cao chức trọng thì điểm gặp gỡ giữa chúng ta là tinh thần báo hiếu đang tuôn trào trong dòng nhiệt huyết của con tim.

>>Những giáo lý Phật giáo nên đọc 

Nguồn gốc của ngày lễ Vu Lan

Trong cung bậc tri ân và báo ân của dân tộc, Phật giáo đã từ lâu luôn trân trọng và lấy hạnh hiếu làm đầu. Sự tương phùng của tinh thần đó đã dẫn dắt nên những gương hiếu hạnh trong quá khứ cũng như hiện tại, sáng rực và ghi mãi dấu ấn với thời gian.

Không phải ngẫu nhiên, cứ đến ngày rằm tháng bảy âm lịch hằng năm, Phật Giáo long trọng tổ chức đại lễ Vu lan – Báo hiếu thật trang nghiêm, hoành tráng từ hình thức tổ chức cho đến nội dung mang ý nghĩa nhân văn trên bình diện tâm linh – văn hóa của con người. Lễ hội xuất phát từ điển tích Phật giáo được ghi lại trong kinh Vu Lan Bồn.

“Vu Lan” là danh từ gọi tắt của “Vu Lan Bồn”, tiếng Phạn là Ullambana. “Ullam” dịch là “treo ngược” [đảo huyền], dụ cho cái khổ của người chết như bị treo ngược, cực kỳ thống khổ. Chữ “bồn” tiếng Phạn là “bana”, dịch là “cứu giúp”. Như vậy “Vu Lan Bồn” là giải cứu tội bị treo ngược.

“Báo hiếu” là sự đền đáp công đức sinh thành dưỡng dục của người con đối với cha mẹ hiện tiền và cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp.

Lễ Vu Lan của Phật giáo như chúng ta thấy ngày nay phát xuất từ thời Đức Phật. Bằng đại bi tâm, Đức Phật đã dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác.

Người đầu tiên tiếp nhận không ai khác là Tôn giả Mục Kiền Liên. Tôn giả là một trong mười vị đệ tử xuất chúng của Thế Tôn. Khi Mục Kiền Liên vừa chứng được lục thông, liền nhớ tới mẹ mình, Tôn giả bèn dùng tuệ nhãn kiếm tìm, liền thấy mẹ đang ở trong loài ngạ quỷ hết sức đói khổ. Thương mẹ vô vàn, Ngài đã vận dụng thần thông xuống cõi ngạ quỷ dâng bát cơm đầy cho mẹ. Do tâm bà Thanh Đề còn quá sân tham và ác nghiệp thọ báo còn quá nặng nề nên bà không thể dùng cơm vì bát cơm biến thành lửa. Vô cùng đau đớn, không biết dùng cách nào để cứu mẹ mình, Ngài liền về hỏi đức Thế Tôn. Đức Phật liền dạy:

“Tội lỗi của mẹ ngươi dù có dùng thần thông phép lạ của hàng thiên thần địa kỳ cũng không cứu được, duy chỉ nhờ thần lực của chúng Tăng sau ba tháng an cư kiết hạ, tin tấn tu hành thanh tịnh, tập trung chú nguyện mới có thể chuyển hóa được nghiệp lực, mẹ ngươi mới thoát được cảnh khổ”.

Nghe vậy, Tôn giả mục Kiền Liên liền khẩn cầu Thế Tôn :

“Bạch Thế Tôn, con nay làm sao mời được chư Tăng mười phương cúng dường một lúc như vậy được ?”.

Đức Phật dạy: “Ngày Vu Lan cũng là ngày Tự Tứ của chư Tăng, ông nên sắm các thứ cúng dường trong ngày Tự Tứ. Ngày đó dù các vị ở trong thiền định hay thọ hạ kinh hành, hay hóa độ nhân gian, cũng tập trung lại để Tự Tứ và cầu nguyện cho mẹ người được thoát khổ”.

Tôn giả thực hành theo lời dạy của Đức Thế Tôn, và chính ngay trong ngày đó mẹ Tôn giả thoát được cảnh khổ ngạ quỷ mà được sanh lên cõi trời. Tôn giả vô cùng hoan hỷ và thỉnh cầu: “Sau này có chúng sanh nào muốn phát tâm hiếu để cầu nguyện cho cha mẹ thoát khổ được vui, họ có được làm như con không?”.

Thế Tôn bảo rằng: “Có thể được làm như vậy trong ngày Tự tứ để cha mẹ đời này và nhiều đời được siêu độ giải thoát”.

Từ đó trong Phật giáo truyền lại một pháp thức cứu độ cho các bậc tiền nhân quá vãng siêu thoát về cảnh giới an lành, được thực hiện trong ngày Vu Lan - Tự Tứ. Vào những ngày này, dù bạn là ai, ở đâu cũng ước muốn được đến chùa để tham dự lễ Vu Lan - Báo Hiếu, thắp một nén hương lòng cầu nguyện cho cha mẹ hoặc đời này hay nhiều đời được siêu độ, còn người đang hiện hữu nhờ công đức này mà an lành hạnh phúc trong cuộc sống nhân sinh.

Kể từ khi Phật Giáo truyền vào Việt Nam, mùa Vu Lan trở thành truyền thống báo hiếu. Ngày nay, lễ Vu Lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người” với bất cứ ai đang hiện hữu trên cõi đời này. Hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà, nối kết ân tình nghĩa cảm giữa người còn kẻ mất là truyền thống cao đẹp trong dòng chảy văn hóa tình người của dân tộc.

Ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan

Vu Lan bồn là ngày lễ báo hiếu vô cùng cao đẹp của Phật giáo nói riêng và là ngày lễ hội báo hiếu nói chung của mọi người con hiếu trên thế gian này. Lễ Vu Lan mang một ý nghĩa thật thiêng liêng cao cả, giúp cho con cái nghĩ nhớ đến công ơn cha mẹ, khơi dậy trong lòng họ một tinh thần báo hiếu đáng quý, đáng trân trọng. Người con Phật nhận thức sâu sắc lời Phật, mùa Vu Lan về càng nỗ lực tinh tấn thực hành hạnh hiếu để báo đáp thâm ân của cha mẹ. Thờ kính cha mẹ đã trở thành một đạo lý sống của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là đạo lý sống của hàng Phật tử khi khẳng định đạo Phật là đạo hiếu.

Một nét đẹp trong ngày Vu lan là chương trình bông hồng cài áo. Trong buổi lễ thiêng liêng ấy, ai còn cha mẹ sẽ sung sướng được cài lên ngực áo một đoá hoa hồng, ai mất mẹ lại buồn tủi cài lên ngực đoá hồng trắng buồn thương. Thế nhưng dù còn cha mẹ hay đã mất thì mỗi người con lúc này đang dâng lên một tình cảm biết ơn mẹ cha sâu lắng, và mỗi người tâm niệm sẽ sống hết lòng với bổn phận làm con hiếu của mình.

Nói về đạo hiếu, kinh điển Phật giáo đề cập đến rất nhiều, ngoài kinh Vu Lan Bồn ra, còn có một số kinh khác như kinh Nhẫn Nhục, Đại Tập, Tứ Thập Nhị Chương, A Hàm, Tăng Chi … lời lẽ rất thống thiết, sinh động, để lại dấu ấn tâm linh cho người đọc thực thi đạo sống làm người. Ngay trong bản kinh Tứ Thập Nhị Chương đã trình bày rõ quan điểm : “Phàm làm người phụng thờ quỷ thần, không bằng phụng thờ cha mẹ, cha mẹ là vị thần tối thượng”. Còn kinh Đại Tập nói rằng: “Nếu ở đời không có Phật thì hãy theo phụng thờ cha mẹ cũng như phụng thờ Phật”.

Là người Việt Nam, hẳn là ai cũng biết đôi câu lục bát: "Công cha như núi Thái Sơn - Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Công sinh dưỡng của cha mẹ là vô tận. Mỗi người sinh ra và trưởng thành, đối với cha mẹ bao giờ cũng là niềm tự hào đồng thời là kết quả của những nỗ lực vượt qua bao nhiêu khó khăn vật chất - tinh thần. Công cha - nghĩa mẹ thấm sâu vào mỗi con người, mỗi gia đình, dòng họ, thấm sâu vào nền nếp sinh hoạt của cộng đồng, nên phải ứng xử sao cho xứng đáng.

Là một trong các nguyên tắc của đạo lý sống, trong truyền thống dân tộc, đạo hiếu là thiết thực đối với từng người con, đâu phải chỉ lúc cha mẹ lâm chung, mà chính là những năm tháng cha mẹ còn cũng như lúc yếu đau cần luôn được phụng dưỡng cả vật chất lẫn tinh thần.

Đại đức Thái Trúc Thái Minh - Trụ trì chùa Ba Vàng chia sẻ: "Lễ Vu Lan còn được gọi là lễ Giải đảo huyền, là lễ cứu khổ cái nạn treo ngược trong địa ngục mà nói chung là cứu cái khổ trong địa ngục cho những chúng sinh bị đọa trong địa ngục. Những chúng sinh này khi ở trên dương thế tạo những tội lỗi nặng nề khi chết phải vào địa ngục thì lễ Vu Lan là lễ có ý nghĩa cứu khổ đó và từ đó nó có ý nghĩa là báo hiếu, con cháu báo hiếu ông bà, tổ tiên." 

Vì thế từ ngàn xưa, qua lời ru của bà của mẹ, qua điệu hát câu hò, đạo hiếu là bài học đạo đức đầu tiên được truyền lại trong mỗi gia đình và đến ngày nay, văn hóa Việt Nam vẫn bảo lưu, gìn giữ những câu tục ngữ, ca dao khẳng định và bày tỏ lòng thành kính với bậc sinh thành: "Lên non mới biết non cao - Nuôi con mới biết công lao mẫu từ", "Bao giờ cá lý hóa long - Ðền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa", "Thờ cha mẹ, ở hết lòng - ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường", "Mẹ già ở tấm lều tranh - Sớm thăm, tối viếng mới đành dạ con", "Chiều chiều ra đứng ngõ sau - Ngó về quê mẹ, ruột đau chín chiều",...

Không chỉ thế, với những ai xao lãng đạo làm con hoặc mượn việc "báo hiếu" để làm điều sai trái, tiền nhân cũng nhắc nhở, chê bai: "Cá không ăn muối cá ươn - Con không nghe lời cha mẹ trăm đường con hư", "Mẹ già hết gạo treo niêu - Mà anh khăn đỏ, khăn điều vắt vai", "Sống thì con chẳng cho ăn - Chết thì xôi thịt, làm văn tế ruồi"...

Trên một ý nghĩa rộng hơn, Vu lan không những dành cho chữ hiếu, mà còn là ngày "xá tội vong nhân", như chúng ta vẫn nói đến câu: "Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân". Xưa kia cha ông quan niệm rằng, sống ở trong cuộc đời không phải ai ai mất đi cũng có người thân cúng giỗ.

Mời quý Phật tử cùng lắng nghe những lời chia sẻ của Đại đức Thích Trúc Thái Minh về ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan:

Video liên quan

Chủ Đề