Báo cáo kinh nghiệm học tốt môn Ngữ văn

Kinh nghiệm học tốt môn Văn

Báo cáo kinh nghiệm học tốt môn Ngữ văn

Kinh nghiệm học tốt môn Văn

Để có được một bài văn đạt điểm cao trong kỳ thi ĐH không đơn giản. Nếu chỉ có sự chăm chỉ, niềm đam mê, sự quyết tâm cao độ thôi chưa đủ. Muốn có điểm số đẹp, chúng ta phải trang bị thêm cho mình kỹ năng, phương pháp học đúng với đặc trưng bộ môn. Với những hướng dẫn ngắn gọn dưới đây, mong các bạn học tốt và yêu thích môn NGỮ VĂN hơn.

I. Trước khi học (Chuẩn bị ở nhà)

1. Đọc kỹ văn bản và phần chú thích

Báo cáo kinh nghiệm học tốt môn Ngữ văn

– Đọc có suy nghĩ để chia bố cục bằng bút chì vào SGK.

– Khi đọc có thể gạch dưới từ ngữ, câu trong văn bản (nếu thấy cần).

– Nếu có điều kiện, các em nên tìm đọc trọn tác phẩm có đoạn trích học ở trên lớp.

2. Tóm tắt truyện (nắm cốt truyện, nhớ tên nhân vật, địa danh…)

3. Trả lời những câu hỏi phần “Đọc – hiểu văn bản” vào tập bài soạn theo khả năng của mình.

4. Đối với thơ: nên thuộc bài thơ trước khi đến lớp thì mới có thể phân tích cảm thụ.

II. Khi học trên lớp

1.Tập trung nghe giảng cùng các bạn tìm hiểu cảm nhận cái hay, cái đẹp của tác phẩm dưới sự dẫn dắt của thầy cô. Cụ thể là :

– Trước những câu hỏi, những vấn đề được đặt ra, phải chịu khó suy nghĩ, tìm câu trả lời.

– Tích cực tham gia hoạt động nhóm phát biểu ý kiến. Điều đó không chỉ giúp các em trau dồi vốn ngôn ngữ mà còn rèn luyện kỹ năng nói và sự tự tin.

– Mạnh dạn nêu những thắc mắc của bản thân.

2. Ghi chép bài đầy đủ, chính xác

– Ngoài phần thầy cô ghi bảng các em nên tập cho mình thói quen ghi chép thêm vào sổ tay những điều hay thấy cần chẳng hạn ý so sánh, đối chiếu, mở rộng nâng cao, lời bình của thầy cô…

– Gạch dưới (kèm ghi chú ngắn) từ ngữ đặc sắc, phép tu từ… trong thơ, câu văn hay dẫn chứng trong truyện.

3. Nắm được giá trị nghệ thuật nội dung của tác phẩm ngay trong giờ học.

III.Sau khi học

1. Học bài, học thuộc lòng thơ, dẫn chứng trong truyện.

2. Viết các đoạn văn cảm nhận, làm các bài tập trong phần “Luyện tập” trong sách hoặc bài tập của thầy cô.

3. Đọc tài liệu tham khảo để mở rộng, khắc sâu kiến thức.

4. Các em giỏi môn văn nên tìm và học thuộc nhận định, đánh giá của những nhà nghiên cứu, phê bình văn học hoặc các tác phẩm, tác giả vừa học trên lớp.

I.Trước khi học ( chuẩn bị bài ở nhà )

1. Đọc kỹ, tìm hiểu các ví dụ trong từng đề mục, có thể trả lời câu hỏi bằng bút chì vào sách giáo khoa theo cách hiểu của em (soạn bài ngắn gọn), không cần mở sách “Học tốt”.

2. Đọc kỹ ghi nhớ, ghi chú ngoài lề phần khó hiểu, thắc mắc của em để vào lớp thảo luận và lắng nghe thầy cô giảng giải.

II.Khi học trên lớp

1. Tập trung cao khi vào bài mới, chịu khó suy nghĩ, tìm hiểu các ví dụ thầy cô các bạn đưa ra để hình thành khái niệm (Trả lời cho câu hỏi Thế nào? Là gì?).

– Tích cực tham gia hoạt động nhóm, tổ và phát biểu ý kiến để trau dồi vốn ngôn ngữ, rèn luyện kỹ năng diễn đạt ý bằng lời nói và sự tự tin (đừng sợ nói sai, nói dở…)

– Mạnh dạn nêu những thắc mắc của bản thân.

2. Ghi chép đầy đủ, chính xác:

– Cần dùng bút màu gạch chân các đề mục, nội dung quan trọng trong tập và sách giáo khoa.

– Tập thói quen ghi chú vào sách (hoặc sổ tay) các phần giải đáp bài tập, các ví dụ văn thơ… sau khi thầy cô đã sửa bài.

3. Nắm vững kiến thức thầy cô đã truyền đạt (có thể thuộc ngay những ghi nhớ ngắn) để ứng dụng vào việc dùng từ, đặt câu, viết văn bản và tìm hiểu giá trị nghệ thuật, nội dung của bài thơ.

III.Sau khi học

1. Học bài cũ: xem lại các ví dụ, bài tập sách giáo khoa và phần ghi chép để thuộc bài (hiểu – nhớ các ý trọng tâm).

2. Làm bài tập để khắc sâu kiến thức (trong sách giáo khoa và thầy cô cho thêm) Cần viết được các đoạn văn miêu tả, biểu cảm… có các yêu cầu về ngữ pháp.

3. Biết liên hệ với các bài văn, thơ đã học, đọc thêm để tìm thêm ví dụ có liên quan nội dung đã học.Từ đó có thể dùng từ, đặt câu, viết đoạn văn, dùng các biện pháp tu từ và diễn đạt ý trong sáng, giàu sức biểu cảm hơn.

4. Đọc thêm tài liệu tham khảo để khắc sâu, mở rộng kiến thức.

CÁC BƯỚC LÀM BÀI TẬP LÀM VĂN

1. Tìm hiểu đề (để tránh lạc đề)

– Đọc kỹ đề, gạch chân từ ngữ quan trọng.

– Xác định thể loại (VD: kể chuyện, thuyết minh, nghị luận…)

– Xác định nội dung

2. Tìm ý (đặt câu hỏi và trả lời)

– Tìm ý chính, ý phụ, ý lớn, ý nhỏ.

– Ý nào đứng trước, ý nào đứng sau.

3. Lập dàn bài

Tác dụng:

– Sắp xếp các ý theo trình tự trước sau hợp lý.

– Không thừa, thiếu ý.

– Xác định được phần trọng tâm (viết dài), phần không trọng tâm (viết ngắn).

Các loại dàn bài:

– Dàn ý đại cương (chỉ có các ý chính)

– Dàn bài chi tiết (có cả ý lớn và ý nhỏ)

Lưu ý: bài tập làm văn gồm nhiều đoạn

– Mở bài ngắn gọn (từ 1đến 5 câu)

– Thân bài gồm nhiều đoạn văn, mỗi đoạn triển khai một ý chính.

– Kết bài rút ra bài học, phát biểu cảm nghĩ cần tự nhiên chân thành, tránh hô khẩu hiệu, liên hệ gượng ép, khiên cưỡng.

Viết bài:

– Dùng từ ngữ khai triển các ý trong bài.

– Dùng từ chính xác, viết câu đúng ngữ pháp.

– Tách đoạn hợp lý, có liên kết câu và liên kết đoạn văn để bài văn rõ ràng chặt chẽ.

Sau khi làm bài:

– Đọc lại bài văn.

– Sửa lỗi chính tả, lỗi dùng từ, lỗi viết câu.

– Nếu thiếu sót thì bổ sung ở lề trái.

Muốn viết văn hay cần rèn luyện thêm:

– Tìm đọc những bài văn hay cùng chủ đề, để học cách viết. Tuy vậy không nên sao chép, đạo văn.

– Phải chú ý quan sát con người, sự vật, cảnh quan xung quanh mình. Cần viết nhiều, nhờ thầy cô sửa rồi viết lại. Cũng cần đọc nhiều, đi nhiều để có vốn từ, vốn sống.

Kính thưa thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh!

Em tên là Nguyễn Quốc Trung, học sinh lớp 7A, trường Trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh. Em xin gửi đến quý vị đại biểu, các thầy cô giáo và các bạn lời chào trân trọng nhất!

Em rất tự hào và xúc động khi được thay mặt tập thể lớp báo cáo kinh nghiệm học tập trước Hội nghị. Quá trình phấn đấu trong học tập của bản thân em gặp không ít khó khăn nhưng nhờ sự dạy dỗ và giúp đỡ tận tình của thầy cô và các bạn, em đã có nhiều tiến bộ. Từ một học sinh trung bình cuối năm lớp 6, giờ đây, em đã đạt được danh hiêu Học sinh xuất sắc.

   Kính thưa Hội nghị!

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà bố mẹ đều là công nhân nên em không có được các điều kiện thuận lợi như nhiều bạn khác. Tuy thế, em không hè nản chí. Từ chỗ hiểu rõ hoàn cảnh của mình, em đã suy nghĩ để tìm ra cách học tốt nhất.

Trước khi đến lớp, em đã học bài, làm bài đầy đủ và đọc trước bài mới theo hướng dẫn của thầy cô.

Trong giờ học, em cố gắng tập trung tư tưởng để nghe thầy cô giảng để hiểu bài ngay tại lớp. Sự kết hợp chặt chẽ giữa mắt nhìn, tai nghe, tay ghi và óc suy nghĩ khi nghe giảng theo em là rất có hiệu quả. Chỗ nào chưa hiểu, em xem lại những bài vừa học. Làm như vậy em hiểu bài kĩ hơn và nhớ lâu hơn.

Các môn tự nhiên như Toán, Lí,… yêu cầu học sinh ngoài việc nắm vững lí thuyết còn phải có kĩ năng thực hành. Em thường xuyên xung phong lên bảng giải bài tập để được thầy cô và các bạn góp ý cho. Riêng môn Toán là môn yêu thích hơn cả thì em hay nghĩ đến những cách giải khác nhau, đem trao đổi với bạn bè, xin ý kiến của thầy cô để tìm ra cách giải ngắn gọn nhất, chính xác nhất. Nhờ vậy mà các bài kiểm tra em thường đạt điểm cao.

Riêng đối với các môn xã hội cần rất nhiều thời gian học bài, em cũng có cách học riêng. Vừa làm việc nhà, em vừa tranh thủ học. Trước tiên, em tóm tắt bài thành những ý lớn. Học thuộc dàn ý rồi mới học thuộc nội dung cụ thể của từng đoạn, cuối cùng ráp lại nội dung toàn bì. Sau đó tự kiểm tra, chỗ nào chưa hiểu, chưa thuộc phải học lại ngay. Em xác định rằng không được học tủ, học lệch, học đối phó vì quá trình học tậ ở trường là quá trình rèn luyện sức nhớ, sức hiểu, sức cảm nhận và sáng tạo để sau này trở thành con người toàn diện, hữu ích cho gia đình và xã hội.

   Kính thưa Hội nghị!

Điều đáng mừng đối với em là vừa qua, em đã được nhận một suất học bổng dành cho học sinh nghèo hiếu học và vượt khó do Thành Đoàn trao tặng. Đây là một phần thưởng quý giá, là nguồn động viên rất lớn để em tiếp tục phấn đấu và rèn luyện, vượt qua mọi gian nan, thử thách. Nhờ sự dạy dỗ tận tình của thầy cô, gia đình và sự giúp đỡ của bạn bè, em đã tự tin hơn rất nhiều vào bản thân. Em rất thích lời dạy của Lê-nin: Học! Học nữa! học mãi! và hiểu rằng tri thức chính là chiếc khóa vàng để mở mọi cánh cửa trong cuộc đời.

Học ở trường, học trong sách vở… chưa đủ, em còn phải học rất nhiều điều ở cuộc sống xung quanh để bổ sung cho mình những hiểu biết cần thiết, làm cho vốn thực tế ngày thêm phong phú. Theo em, cuộc đời cũng là một trường học lớn để on người tôi luyện và trưởng thành.

Năm học vừa qua, em đã được một số thành tích nhất định: danh hiệu Học sinh xuất sắc, đạt huy chương vàng trong môn chạy cự li 1000 mét của Hội khỏe Phù Đổng dành cho học sinh Trung học cơ sở của Quận… Có được những thành tích đó, trước hêt là nhờ công ơn dạy dỗ của thầy cô, nhờ sự nuôi dưỡng, giáo dục, động viên của cha mẹ, bè bạn và sự cố gắng của bản thân.

Cuối cùng, em xin gửi tới mọi người lời cảm ơn chân thành nhất và xin hứa sẽ quyết tâm phấn đấu không ngừng để đạt được những thành tích cao hơn nữa! Kính chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!

Viết báo cáo kinh nghiệm học tập – Bài làm số 2

Kính thưa BGH, kính thưa quí thầy cô cùng các bạn học sinh thân mến

Em tên Nguyễn Trường Mỹ Bình,  học lớp 9A6, em xin đại diện cho các bạn học sinh trình bày một số phương pháp học tốt môn Ngữ văn.

Có thể nói môn Ngữ văn là một môn học có vai trò rất quan trọng trong nhà trường từ bậc Tiểu học đến bậc Trung học. Nhưng để học tốt bộ môn này thì không phải là việc đơn giản, Chúng ta cần phải có một phương pháp, một cách học cho riêng mình phù hợp với khả năng và trình độ của bản thân.

Để học tốt môn Ngữ văn thì điều quan trọng nhất là phải thực sự yêu thích môn nầy. Vì chỉ có yêu thích ta mới có thể ra sức tìm tòi, học hỏi kiến thức để phục vụ cho môn học được tốt. Nhiều bạn tỏ ra thờ ơ chán nản khi đến giờ học văn vì các bạn chưa thực sự chú tâm đến môn học này. Có những bài thơ, đoạn thơ mới đọc qua lần đầu có thể ta không thấy hay nhưng nếu ta chịu khó đọc lại nhiều lần, vừa đọc vừa nghiền ngẫm đến thuộc lòng ta mới nhận ra  được bài thơ rất hay và ta say mê bài thơ đó lúc nào không rõ.

Chúng ta đã biết môn Ngữ văn bao gồm Văn bản, Tiếng Việt và Tập làm văn. Mỗi phân môn đều có chức năng riêng và luôn có mối quan hệ gắn bó. Văn học giúp ta phát triển năng lực tư duy, làm giàu tình cảm, cảm xúc cho ta. Văn học chính là cái gốc để nảy nở tình yêu thương, mối quan hệ giữa người với người tốt đẹp hơn….Vì vậy nên có người đã nói: “ văn học là nhân học”, học văn cũng như học đạo lí làm người. Nó là nguồn kiến thức cho ta vận dụng vào phân môn Tập làm văn. Bên cạnh đó, Tiếng Việt cũng góp phần không nhỏ trong quá trình viết bài Tập làm văn., nó là vốn ngôn ngữ giúp ta diễn đạt trong quá trình làm văn. Vì vậy để học tốt môn Ngữ văn, ta phải học đều cả ba phân môn.

 Để học tốt môn Ngữ văn, chúng ta chỉ yêu thích thôi cũng chưa đủ mà khâu soạn bài, làm bài ở nhà cũng rất quan trọng. Soạn bài để nắm được kiến thức cơ bản của bài học. Soạn bài bằng những hiểu biết của mình chứ không phải chép từ trong “sách giải”, “sách học tốt”,… như thế không khác nào tự ta biến mình thành cái “máy chép” mà không hiểu gì cả. Trong quá trình soạn, có những gì khó hiểu chúng ta cần đọc mục chú thích bên dưới. Nếu như phần chú thích không đáp ứng hết những thắc mắc của ta, ta có thể gạch dưới nội dung đó. Khi vào lớp, nghe thầy cô giảng thì ta sẽ hiểu rõ hơn.

 Làm bài tập ở nhà để củng cố kiến thức trên lớp. Nếu ta làm tốt phần này là ta đã hiểu bài. Về phần Tiếng Việt, có thể không cần phải soạn  trước khi đến lớp nhưng ta cũng cần xem bài trước ở nhà, thậm chí có thể làm các bài tập trong sách giáo khoa, tuyệt đối không chép “sách giải” để xem mức hiểu biết của ta đến đâu. Có chuẩn bị bài tốt ở nhà vào lớp ta mới chủ động tiếp thu kiến thức.

 Ngoài ra chúng ta cũng cần đọc thêm sách tham khảo, nghe đài….để nắm thông tin. Trong thời đại ngày nay, khoa học công nghệ đang phát triển, chúng ta có thể học trên mạng để mở rộng nâng cao kiến thức. Những chân dung tác giả, cuộc đời và sự nghiệp sáng tác rất cần để cho ta bổ sung thêm trong SGK. Đồng thời, những kiến thức mà chúng ta tích lũy được phải ghi chép cẩn thận vào một cuốn sổ riêng gọi là sổ tay văn học.Vì vậy, mỗi bạn cần sắm thêm  một cuốn sổ nhỏ cho tiện việc sử dụng.

Trên đây là phần trình bày của em. Phương pháp học tốt thì rất phong phú, tùy đối tượng, tùy trình độ của mỗi người mà ta có phương pháp phù hợp. Nhưng dù có bao nhiêu phương pháp học tốt, mỗi chúng ta không thể quên một yếu tố vô cùng cần thiết và quan trọng đó là sự say mê, yêu thích học môn Ngữ văn.

  Phần trình bày của em đến đây đã hết. Xin cảm ơn quí thầy cô và các bạn đã theo dõi.

Hồng Loan tổng hợp