Bên nào làm sai bên đó chịu trách nhiệm năm 2024

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 10/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2017, Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là trách nhiệm pháp lý mà theo đó, Nhà nước phải bồi thường những thiệt hại về vật chất và bù đắp tổn hại về tinh thần khi người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực thi quyền lực công. Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mang đặc trưng cơ bản như sau:

Thứ nhất, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mang đặc điểm chung của quan hệ pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Tại Việt Nam, dưới góc độ luật thực định, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được xác định là quan hệ pháp luật dân sự. Điều này thể hiện ở trách nhiệm bồi thường của Nhà nước từng được ghi nhận ở Bộ Luật Dân sự 1995 (Điều 623, 624); Bộ Luật Dân sự 2005 (Điều 619, 620). Bên cạnh đó, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng quy định các yếu tố phát sinh trách nhiệm bồi thường có những điểm tương đồng trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Bộ Luật Dân sự, việc xác định mức độ thiệt hại cũng như mức bồi thường đều mang bản chất của quan hệ dân sự, tức là bình đẳng và thực tế, trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại. Hơn nữa, Nhà nước khi tham gia vào các quan hệ pháp luật, nhân danh quyền lực công thực hiện chức năng quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội không phải là những quan hệ hợp đồng. Trong quá trình thực hiện những hoạt động này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, việc bồi thường không phải do vi phạm nghĩa vụ về hợp đồng, vì vậy, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ở đây là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Từ bản chất pháp lý của trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quan hệ pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên sẽ có những đặc điểm chung của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau: một là, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là trách nhiệm dân sự; hai là, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước là trách nhiệm vật chất (đối với những tổn thất tài sản và tổn thất về tinh thần) và phi vật chất (đối với những tổn thất về tinh thần cần được khôi phục); ba là, chỉ phát sinh khi có đủ các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường; bốn là, được bảo đảm thực hiện bởi Nhà nước; năm là, phát sinh giữa các chủ thể mà giữa các chủ thể đó không có quan hệ hợp đồng nào.

Thứ hai, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là một loại trách nhiệm pháp lý đặc thù

Ngoài những đặc điểm chung của một quan hệ pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, xuất phát từ mối quan hệ đặc biệt giữa nhà nước và người bị thiệt hại liên quan đến việc hoạt động thi hành công vụ mà trách nhiệm bồi thường của Nhà nước còn có những đặc thù riêng khác với trách nhiệm dân sự thông thường, cụ thể:

Một là, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chỉ phát sinh từ thiệt hại gây ra bởi hành vi thi hành công vụ

Yếu tố công vụ chính là yếu tố đặc thù trong quan hệ pháp luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Hoạt động công vụ hay hoạt động thực hiện nhiệm vụ nhân danh quyền lực công nhằm duy trì trật tự chung của toàn xã hội và qua đó trực tiếp hoặc gián tiếp bảo đảm lợi ích chung của cả cộng đồng. Việc thực thi công vụ phải gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể được Nhà nước giao cho từng cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chỉ phát sinh từ hành vi thi hành công vụ. Vậy nên, các hành vi không gắn với việc thi hành công vụ thì cán bộ, công chức phải chịu trách nhiệm cá nhân về hành vi của mình.

Hai là, chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường luôn là Nhà nước

Theo nguyên tắc của quan hệ pháp luật dân sự thông thường, người nào có hành vi trái pháp luật do lỗi cố ý hoặc vô ý mà gây thiệt hại cho người khác thì người đó phải bồi thường. Còn trong bồi thường của Nhà nước, cán bộ, công chức là người thực hiện các hành vi trái luật nhưng chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường lại là Nhà nước. Điều này xuất phát từ bản chất của Nhà nước là chủ thể duy nhất của quyền lực công. Việc thi hành công vụ đều là nhân danh Nhà nước, trên cơ sở ủy nhiệm của Nhà nước. Vậy nên, mọi hành vi, quyết định của cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ đều được xác định là hành vi, quyết định của Nhà nước. Do đó, chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường trong quan hệ pháp luật trách nhiệm bồi thường luôn là Nhà nước mà không phải là trách nhiệm của cá nhân cán bộ, công chức hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ba là, khách thể của quan hệ trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là khách thể “kép”

Trong quan hệ pháp luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, khi cán bộ, công chức thực thi quyền lực công và gây ra thiệt hại thì trước tiên, khách thể của quan hệ trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là những thiệt hại vật chất, thiệt hại tinh thần của các cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, về phía Nhà nước cũng phải chịu những thiệt hại không thể đo, đếm được. Vì khi xảy ra bất kỳ, một quyết định trái luật, một vụ oan sai xảy ra thì đều dẫn đến hậu quả là làm mất lòng tin của người dân vào hiệu quả hoạt động cũng như uy tín của Nhà nước. Do đó, khi vấn đề bồi thường thiệt hại của Nhà nước phát sinh thì một mặt Nhà nước phải bồi thường vật chất, tinh thần cho người bị thiệt hại; mặt khác, Nhà nước phải gánh chịu những thiệt hại về danh dự, uy tín.

Bốn là, phạm vi trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước bị giới hạn

Theo nguyên tắc của quan hệ pháp luật dân sự, dù là một chủ thể thông thường hay Nhà nước thì khi gây ra thiệt hại đều phải bồi thường mà không giới hạn phạm vi. Tuy nhiên, trong quan hệ bồi thường thiệt hại của Nhà nước thì chỉ những hành vi gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường được liệt kê tại Luật trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước mới làm phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước. Các trường hợp còn lại, dù cũng là thiệt hại từ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ nhưng nếu không thuộc một trong các trường hợp được liệt kê tại Luật trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước thì người bị thiệt hại sẽ phải yêu cầu người có hành vi sai phạm bồi thường theo cơ chế bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà không được Nhà nước bồi thường. Đây được coi là điểm đặc trưng quyết định trong căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước.

Việc hạn chế phạm vi bồi thường thiệt hại của Nhà nước xuất phát từ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước là chăm lo, bảo vệ lợi ích chung cho toàn xã hội. Tuy nhiên, việc bồi thường thiệt hại đó có nguy cơ ảnh hưởng đến lợi ích chung của toàn xã hội thì Nhà nước có thể hạn chế trách nhiệm bồi thường này. Dưới góc độ luật thực định, việc hạn chế trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp và Bộ Luật Dân sự, theo đó, quyền của con người có thể bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.