Bướu máu gan là gì

Rất nhiều bệnh nhân bị u máu trong gan thường rất lo sợ đây là một biểu hiện của ung thư gan. Phần lớn họ được phát hiện một cách tình cờ.

U máu trong gan có đáng sợ?

U máu trong gan là khối u lành tính hay gặp nhất của gan. 5-7% người khỏe mạnh có thể xuất hiện u máu ở gan. Tỉ lệ có u máu trong gan ở nữ gặp  nhiều hơn 6 lần so với nam giới. U máu trong gan ở nữ giới thường có kích thước lớn so với nam giới.  U máu thường gặp ở gan phải  và ở vùng dưới bao gan. Ung thư gan thường xuất hiện ở người bị viêm gan mạn tính hay gặp là do viêm gan mạn do virut viêm gan B, C, do rượu, viêm gan tự miễn. Ít gặp ung thư gan trên người có gan lành hoàn toàn. Xét nghiệm máu có thể thấy  FP [Feto Protein] tăng cao, đây là một protein được sản sinh trong thời kỳ bào thai ở người lớn chỉ tồn tại trong máu với lượng rất thấp dưới 10ng/ml. Nguyên nhân gây u máu trong gan đến nay chưa được rõ, hormon sinh dục nữ có thể đóng vai trò trong việc hình thành và phát triển của u máu. Tuy gọi là khối u nhưng  đây là khối u lành tính rất ít khi  ác  tính. U máu không chỉ xuất hiện ở gan mà có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào của cơ thể. U máu trong gan có 2 thể: thể mao mạch [capillary hemangioma] và thể hang [Cavernous hemangioma]

Phần lớn bệnh nhân được phát hiện tình cờ

Phần lớn u máu trong gan không có triệu chứng mà do tình cờ phát hiện ra trong các trường hợp như:  kiểm tra sức khỏe, siêu âm gan hoặc chụp cắt lớp vi tính. Khi phát hiện ra, khối u có khi  nhỏ dưới 1cm, đôi khi có thể rất to với kích thước lớn hơn 4cm. U máu có thể một khối hoặc nhiều khối. Trong một số ít trường hợp u máu có kích thước lớn  hơn 4cm hoặc nằm ở vị trí gần bao gan gây chèn ép hoặc có huyết khối trong khối u gây ra các triệu chứng: đau bụng, buồn nôn hoặc gan to. Hiếm khi u máu trong gan tự nhiên  bị vỡ mà thường vỡ khi bị ngã hoặc bị chấn thương vào vùng gan. Tuy nhiên, u máu khi vỡ cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Cần phát hiện sớm u máu trong gan

Bởi vì u máu trong gan thường không gây ra các triệu chứng bởi vậy việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như: siêu âm, chụp C.T, hoặc cộng hưởng từ hạt nhân, chụp nhấp nháy phóng xạ [Scintigraphy] hoặc SPECT [Single Photon Emission Computed Tomography... Có thể dùng kim nhỏ chọc hút vào khối u tại gan  thấy có nhiều hồng cầu. Trên siêu âm, u máu trong gan có thể là khối tăng âm đối với thể mao mạch hoặc giảm âm trong u máu thể hang. Trên hình ảnh điển hình của CT hoặc MRI  khi tiêm thuốc cản  quang hoặc đối quang từ ban đầu  thuốc chỉ ngấm viền xung quanh sau đó  ngấm dần vào trung tâm, càng ngấm  nhiều ở thì muộn và quá trình thải thuốc rất chậm. Hình ảnh trên chụp nhấp nháy phóng xạ điển hình là tăng mật độ phóng xạ khu trú tại khối u dạng đồng nhất  tại pha muộn, có thể có hình khuyết xạ do hoại tử, xơ hóa ở trung tâm. Các xét nghiệm máu thường không có thay đổi gì, tuy nhiên trong trường hợp u máu kích thước lớn xét nghiệm công thức máu có thể thấy giảm số lượng tiểu cầu.

Theo dõi và điều trị bệnh thế nào?

Bệnh nhân khi phát hiện u máu trong gan thường có tâm trạng lo lắng và tìm cách điều trị. Hầu hết u máu trong gan không cần điều trị, đây là khối lành tính hiếm khi gây ác tính. Cho tới nay chưa có một loại thuốc nào có tác dụng làm mất hoặc giảm kích thước của khối u. Người ta chỉ điều trị khi khối u lớn và gây các triệu chứng như khi có đau nhiều bằng nút mạch gan hoặc phẫu thuật cắt một phần của gan. Người ta cho rằng hormon sinh dục nữ [oestrogen] có thể làm cho khối u máu lớn nhanh do vậy khi phát hiện có u máu trong gan không nên dùng các thuốc có chứa oestrogen kéo dài, chẳng hạn như dùng thuốc tránh thai. Đối với những người có u máu trong gan cần kiểm tra định kỳ bằng siêu âm 6 tháng 1 lần  để  theo dõi kích thước của u máu. Đối với người có khối u máu lớn cần thận trọng để tránh va đập vào vùng mạng sườn phải gây vỡ khối u.

ThS. BS. VŨ TRƯỜNG KHANH
Theo SK&ĐS

22/03/2021 07:12

U máu gan là dị dạng mạch máu bẩm sinh và là khối u lành tính hay gặp nhất ở gan, với tỷ lệ 0,4 – 20% trên siêu âm và trên giải phẫu thực nghiệm. Chúng có nguồn gốc bẩm sinh và hiếm thấy có ung thư hóa.

1. Triệu chứng:

Triệu chứng lâm sàng của u gan thường nghèo nàn và không đặc hiệu:

Đau tức hạ sườn phải do khối u gây căng giãn bao glisson hoặc do chèn ép.

Ăn kém, gầy sút cân.

Hiếm khi có các triệu chứng tắc mật do khối u chèn ép vào đường mật.

Hiếm gặp một số trường hợp bệnh nhân đến viện vì biến chứng của u như u vỡ gây chảy máu trong ổ bụng, hoại tử u gây sốt và đau nhiều hoặc có khi u áp xe gây viêm phúc mạc.

Triệu chứng thực thể:

– Gan to do khối u có kích thước lớn.

Thiếu máu: hiếm gặp, khi u vỡ gây chảy máu hoặc u lớn có chảy máu trong u.

Hội chứng vàng da do tắc mật khi u kích thước lớn gây chèn ép đường mật.

Một số bệnh nhân đến viện vì khám sức khỏe định kỳ hay vì bệnh lý cơ quan khác, tình cờ phát hiện u gan, không có triệu chứng gì trước đó.

2Một số phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng

Xét nghiệm sinh học           

Hầu hết các xét nghiệm sinh học đều trong giới hạn bình thường hoặc thay đổi rất ít.

Chẩn đoán hình ảnh

Việc chẩn đoán các khối u máu gan vẫn dựa trên nền tảng cơ bản là siêu âm và chụp cắt lớp vi tính. Cộng hưởng từ giúp chẩn đoán chính xác hơn với độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn.

– Trên siêu âm, hình ảnh u máu rất thay đổi, thể hay gặp nhất là tăng âm, thể giảm âm thường hiếm, thể hỗn hợp hay gặp ở những u máu lớn có kích thước trên 4cm. Giới hạn khối nét, không có sự chuyển tiếp giữa vùng tổn thương và nhu mô gan lành, đôi khi chia thùy, thường có tăng âm phía sau khối. Chúng thường nằm ở vùng ngoại vi hoặc tiếp cận với một tĩnh mạch gan.

– Chụp cắt lớp vi tính: Trước khi tiêm thuốc cản quang, tổn thương là một vùng giảm tỷ trọng. Trong trường hợp các u máu lớn, đôi khi vùng trung tâm có tỷ trọng khác nhau tương ứng với tổn thương xơ, chảy máu hoặc vôi hóa. Sau khi tiêm thuốc cản quang, tổn thương bắt thuốc thành nốt ở ngoại vi, sau đó lấp đầy dần vào trung tâm. Trên các lớp cắt muộn, thuốc cản quang lấp đầy khối u một cách đồng đều.

– Cộng hưởng từ: Là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán u máu. Các u máu thường rất giảm tín hiệu ở T1, nhưng lại rất tăng tín hiệu ở T2. Phần lớn các u máu tăng tín hiệu ở T2 hơn các khối di căn gan.

3. Điều trị:

Khối u máu gan nhỏ và không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng thì không cần điều trị.

Hầu hết mọi người không cần điều trị. Trong nhiều trường hợp một khối u máu gan sẽ không bao giờ phát triển và sẽ không bao giờ gây ra vấn đề. Có thể lên lịch theo dõi để kiểm tra định kỳ 3-6 tháng/lần cho sự tăng trưởng khối u máu gan nếu khối u máu gan lớn.

Điều trị cho u máu gan gây ra các dấu hiệu và triệu chứng

Nếu khối u máu gan phát triển đủ lớn đẩy vào cấu trúc gần đó trong bụng, nó có thể gây ra các triệu chứng báo hiệu cần điều trị. Điều trị u máu gan phụ thuộc vị trí và kích thước của khối u máu gan, sức khỏe tổng thể bệnh nhân.

Lựa chọn điều trị:

– Phẫu thuật để loại bỏ các khối u máu gan. Nếu khối u máu gan có thể dễ dàng tách ra khỏi gan, đề nghị phẫu thuật để loại bỏ. Phẫu thuật cắt bỏ một phần của gan, trong đó có khối u máu gan. Trong một số trường hợp, khi khối u máu ở vị trí khó khăn, cần phải loại bỏ một phần gan cùng với các khối u máu gan.

– Phẫu thuật cấy ghép gan. Trong những tình huống rất hiếm, nếu có một khối u máu gan rất lớn hoặc nhiều u mạch máu mà không thể được điều trị bằng các phương tiện khác, có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ gan và thay thế nó bằng một gan từ người khác.

– Ngăn chặn lưu lượng máu đến khối u máu gan. Nếu không có một nguồn cung cấp máu, khối u máu gan có thể ngừng phát triển hoặc thu nhỏ. Có hai cách để ngăn chặn dòng chảy của máu:

– Buộc ra khỏi động mạch chính [thắt động mạch gan].

-Tiêm thuốc vào động mạch để ngăn chặn nó [thuyên tắc động mạch].

– Liệu pháp xạ trị. Xạ trị sử dụng chùm tia năng lượng mạnh, chẳng hạn như X-quang, làm tổn hại đến các tế bào của khối u máu gan. Điều trị này ít được sử dụng.

Phòng Công tác xã hội

Video liên quan

Chủ Đề