Các dự án thất bại về mặt thị trường

Đạt gần 42% chỉ tiêu sau 10 năm

Tại Hội thảo Dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030” do Bộ Xây dựng tổ chức chiều ngày 20/4, ông Hà Quang Hưng, Cục Phó Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) chia sẻ với PV Tiền Phong xoay quanh việc phát triển nhà ở xã hội (NƠXH).

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà quốc gia, xin ông cho biết kết quả thực hiện chương trình nhà ở thế nào?

Sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, kết quả thực hiện các chương trình phát triển NƠXH đạt được nhiều kết quả nhất định, nhất là nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân KCN gặp khó khăn về nhà ở, góp phần đáng kể vào chính sách đảm bảo an sinh xã hội của đất nước. Cụ thể là:

Đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và công nhân KCN, quy mô xây dựng khoảng hơn 104.200 căn, với tổng diện tích hơn 5.210.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 264 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 219.000 căn, với tổng diện tích khoảng 10.950.000 m2. Trong đó:

Chương trình phát triển NƠXH cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, hiện nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 138 dự án, quy mô xây dựng khoảng 57.200 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 2.860.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 173 dự án, quy mô xây dựng khoảng 128.500 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 6.425.000 m2.

Chương trình phát triển NƠXH dành cho công nhân khu công nghiệp, đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 111 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 47.000 căn hộ, với tổng diện tích 2.350.000 m2 Đang tiếp tục triển khai 91 dự án với quy mô xây dựng khoảng 90.500 căn hộ, tổng diện tích 4.525.000 m2.

Như vậy, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chỉ tiêu phát triển NƠXH đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, với tổng diện tích hơn 5,2 triệu m2 NƠXH đã xây dựng thì mới chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2 nhà ở).

Thiếu quỹ đất sạch và đối vốn

Rõ ràng, so với mục tiêu đề ra, NƠXH vẫn chưa thực hiện được, đâu là nguyên nhân thưa ông?

Có 2 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đó là: Tại một số địa phương, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển NƠXH hoặc có bố trí nhưng ở tại các vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng..., dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án NƠXH...;

Cùng đó, hạn chế về nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội, trong đó ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 đạt thấp, khoảng 2.163/9.000 tỷ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội); nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách NƠXH đến nay vẫn chưa được bố trí. Vì vậy, có nhiều dự án NƠXH không thể triển khai thực hiện do không có vốn.

Bộ Xây dựng đưa ra những giải pháp gì nhằm thúc đẩy phát triển NƠXH cho các đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn này?

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân KCN, trong thời gian qua cũng như trong giai đoạn tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung vào một số giải pháp sau:

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội nhằm tháo gỡ một số tồn tại, khó khăn vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua như: quy định về việc bố trí quỹ đất đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị để phát triển nhà ở xã hội; về điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; về quy trình, thủ tục xét duyệt, mua bán nhà ở xã hội...

Dự kiến cuối quý II/2021, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn các nhiệm vụ được Chính phủ giao trong Nghị định số 49/2021/NĐ-CP trong đó có quy định việc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, là một trong những vướng mắc lớn trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, còn có một số vấn đề bất cập liên quan đến phát triển nhà ở xã hội chưa thể tháo gỡ được ở Nghị định số 49/2021/NĐ-CP do vướng mắc quy định của Luật Nhà ở 2014. Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất báo cáo các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình sửa đổi Luật Nhà ở, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia trong thời gian tới.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang triển khai thực hiện việc nghiên cứu, xây dựng Chiến lược nhà ở quốc gia mới thay thế Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các địa phương báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tại địa phương.

Đặc biệt, về vốn vay, thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt nam, Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, sớm bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các Ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội và bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay NƠXH. Theo đó, đề nghị bổ sung khoảng 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và khoảng 2.000 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng để thực hiện hỗ trợ cho vay NƠXH.

Các dự án thất bại về mặt thị trường

Liệu Chính phủ và các chính quyền địa phương có nên dùng tư nhân để cung cấp dịch vụ công mà không qua đấu thầu?

Có thể coi việc Chính phủ VN khi ban hành nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên là một pháp chế tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp sản phẩm dịch vụ công của Nhà nước. 

Đại diện khu vực doanh nghiệp cũng nhìn vào vấn đề này như một tất yếu. "Việc khuyến khích sự tham gia của tư nhân vào các dịch vụ công góp phần phá bỏ sự độc quyền, bao cấp của Nhà nước, tạo ra sự cạnh tranh và người dân sẽ được hưởng lợi" - ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), chủ tịch Ủy ban đối tác công tư trong Hội đồng quốc gia về năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, nói tại một hội thảo về chủ đề này hồi tháng 5 (Theo báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp).

Thất bại của thị trường

Trong xã hội có những dịch vụ và tiện ích thiết yếu cần được cung cấp cho người dân. Theo tư duy coi trọng vai trò và năng lực tự chủ của thị trường, có thể cung cấp các dịch vụ này hoàn toàn qua lĩnh vực tư nhân, để thị trường sàng lọc theo nguyên lý cạnh tranh, chủ yếu bởi giá cả và chất lượng. 

Những dịch vụ không phù hợp và không cần thiết theo chỉ dấu thị trường và nhu cầu người tiêu dùng sẽ tự nhiên bị đào thải. Thị trường lúc này chỉ tồn tại những gì thật sự cần thiết với giá cả và chất lượng hợp lý. Theo tư duy này, sự mưu cầu lợi ích của bên cung và bên cầu sẽ tự động tạo ra sự phân bổ nguồn lực hiệu quả trong toàn xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế không thể kỳ vọng là thị trường sẽ cung cấp mọi tiện ích cần thiết cho xã hội. Thị trường, nếu bị bỏ mặc, thậm chí còn có thể gây ra các tác động tiêu cực cho xã hội, điều được gọi là "thất bại của thị trường". Sự mưu cầu lợi ích của bên cung cấp và bên có nhu cầu không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với sự phân bổ nguồn lực hiệu quả cho cả xã hội.

Lý thuyết kinh tế học ghi nhận những nguyên nhân gây ra thất bại thị trường là: a) độc quyền, b) ngoại tác tiêu cực, c) hàng hóa hoặc dịch vụ công, d) sự không công bằng. Nhà nước có quyền và trách nhiệm can thiệp những nguyên nhân gây ra thất bại này để thị trường duy trì được tương đối năng lực phân bổ nguồn lực hiệu quả.

Tới đây, ta cần minh định hàng hóa hoặc dịch vụ công có những tính chất chung như sau:

Thứ nhất, hàng hóa và dịch vụ công có thể được tiêu dùng chung bởi nhiều người, nghĩa là việc một người được thụ hưởng tiện ích của hàng hóa dịch vụ công không ngăn cản hoặc không làm giảm cơ hội để người khác cũng thụ hưởng. 

Trong khi đó, hàng hóa hay dịch vụ chịu sự điều chỉnh của thị trường là có hạn và chỉ những người chấp nhận trả cái giá do thị trường quy định mới được thụ hưởng.

Thứ hai, người sử dụng hàng hóa và dịch vụ công thường là "miễn phí", từ an ninh quốc phòng, đường bộ, các tài nguyên biển, rừng, nước, công viên cho tới dầu khí, tiêm chủng, y tế, giáo dục… 

Tùy tính chất và bởi những lý do khác nhau, những hàng hóa - dịch vụ đã liệt kê mang ý nghĩa công cộng, thường được cho là không dễ áp nguyên lý thị trường vào đó. Trong nhãn quan của Nhà nước, đó cũng là những hàng hóa - dịch vụ mà mọi người dân cần được thụ hưởng rộng rãi và công bằng.

Nếu chỉ dựa vào thị trường, nhiều hàng hóa - dịch vụ công thiết yếu cho cuộc sống người dân sẽ khó được phổ cập và phát triển đồng bộ. Chẳng hạn về đường bộ, dù có thu phí hay không thì đường sá vẫn là tiện ích chung cho mọi người dân sống và làm ăn trong xã hội. 

Dù có thu phí, đoạn đường bộ mới xây vẫn phải bảo đảm quyền sống và sinh hoạt của người dân trong khu vực và địa phương. Ngược lại, không thể không đầu tư cho những đường bộ ít được sử dụng vì không thể thu hồi vốn hoặc đầu tư và có lãi. 

Những dự án đường bộ BOT cũng cần cân nhắc cẩn trọng mọi cơ chế thu tiền và quản lý phù hợp cho quyền sống của người dân.

Giáo dục và y tế cũng vậy. Nếu thị trường hóa hoàn toàn hai lĩnh vực này thì cũng đồng nghĩa tước đi cơ hội học hành và khám chữa bệnh của những người không có đủ tiền. 

Điều đó đi ngược với nguyên tắc cơ bản mà nhiều xã hội chấp nhận: mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc và mọi người bình đẳng trước pháp luật. Trong nhà nước hiện đại với quyền con người được tôn trọng, việc thị trường hóa tất cả mọi thứ có nguy cơ xâm phạm điều đó.

Vai trò của nhà nước và tham gia của tư nhân

Mọi xã hội đều cần một sự cân bằng phù hợp cho hai lực giằng co nhau đó: dịch vụ công - dịch vụ do thị trường cung cấp, để không đi từ thất bại thị trường tới thất bại nhà nước. Với bối cảnh VN, có vẻ vẫn còn nhiều dư địa cho việc bàn giao thêm các dịch vụ công cho lĩnh vực tư nhân.

Trong hội thảo đã dẫn đầu bài, ông Vũ Tiến Lộc nói thêm: "Lợi ích quan trọng nhất là "thoái sức" Nhà nước ra khỏi lĩnh vực dịch vụ công không cần thiết, thu gọn bộ máy quản lý nhà nước theo đúng chức năng cốt lõi. 

Bộ máy nhà nước tập trung vào công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Bởi thể chế là yếu tố quyết định cạnh tranh quốc gia. Đây là việc cơ quan nhà nước cần tập trung ưu tiên hàng đầu hiện nay".

Một lý do lớn ở VN là sự bất tín nhiệm và băn khoăn của người dân với hiện trạng cung cấp các dịch vụ công còn do Nhà nước nắm giữ. Nhận thức mang tính phê bình về cơ chế quản lý và thực hiện dịch vụ công của Nhà nước không phải là không có cơ sở. 

Nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa với việc thị trường hóa toàn bộ, hoặc nghiễm nhiên cho rằng cứ tư nhân làm thì sẽ tốt.

VN không phải là nước đầu tiên, và sẽ không phải nước cuối cùng phải tìm kiếm sự cân bằng luôn rất mong manh đó. Thử lấy ví dụ nước Anh, vốn được coi là nơi khai sinh của lý thuyết kinh tế thị trường tự do và là một trong những nơi đầu tiên chấp thuận cho tư nhân tham gia phát triển hạ tầng công cộng. 

Đến năm 2018, Chính phủ Anh đã quyết định dừng hẳn các dự án hạ tầng tư nhân hóa với lý do: 

1) các dự án công có tư nhân tham gia hóa ra lại tốn phí hơn so với thuần túy do nhà nước thực hiện

2) doanh nghiệp tư nhân nhận được dự án thường có lợi nhuận quá lớn

3) nợ phát sinh từ dự án có tư nhân tham gia cùng sự phức tạp của việc bút toán và thanh toán khoản nợ này.

Các doanh nghiệp tư nhân nhìn chung đều cần tối đa hóa "lợi nhuận tài chính", trong khi dịch vụ công nhấn mạnh hơn việc tối đa hóa "lợi nhuận xã hội", tức mang lại lợi ích cho nhiều người trong xã hội nhất với phí tổn thấp nhất, đồng nghĩa với sự cân đối giữa tính công bằng và tính hiệu quả. 

Với ý nghĩa này, Nhà nước cần xem xét kỹ những dịch vụ công nào cần được duy trì và vận hành trực tiếp bởi Nhà nước. Nếu Nhà nước có những yếu kém về cơ chế quản lý và vận hành thì cần cải cách và nâng cao năng lực, chứ không phải cứ cái gì khó thì đẩy ra cho thị trường. 

Đồng thời, những dự án nào để tư nhân tham gia cần được bảo đảm trách nhiệm giải trình cùng tính minh bạch trước cử tri và người dân nói chung. 

Vai trò của Nhà nước, như mọi vấn đề khác, thay đổi theo thời đại và xu thế xã hội. Tuy nhiên, sự phân công vai trò giữa công và tư, Nhà nước và thị trường cần đi theo một tư duy mang tính chiến lược về đường lối hoặc bản chất của chính thể.

Bởi Nhà nước VN là Nhà nước xã hội chủ nghĩa, vai trò của Nhà nước ắt phải lớn hơn các nước tư bản chủ nghĩa. Bản chất của chính thể xã hội chủ nghĩa là coi trọng phúc lợi, an sinh xã hội, quyền của người lao động, những người dễ tổn thương trong xã hội trước sự đe dọa của bóc lột tư bản chủ nghĩa và chênh lệch giàu nghèo.

Khẩu hiệu “Những gì tư nhân làm được thì Nhà nước để tư nhân làm” không sai khi là tiền đề để kinh tế thị trường phát triển, nhưng không vì thế mà bỏ qua vai trò của Nhà nước trong việc điều tiết và can thiệp vào nền kinh tế.

Các dự án thất bại về mặt thị trường
Điện mặt trời gặp khó, tư nhân muốn tham gia xây lưới điện truyền tải

FUSHIHARA HIROTA