Giáo dục thẩm mỹ trong nhà trường

Mỗi một xã hội có mục đích giáo dục con người theo lý tưởng xã hội của mình về tất cả các phương diện khác nhau của đời sống xã hội như chính trị, pháp quyền, đạo đức, triết học, khoa học, tôn giáo và thẩm mỹ. Trong đó giáo dục thẩm mỹ có một vai trò quan trọng với sự phát triển con người và xã hội hoàn thiện.

Mục đích của giáo dục thẩm mỹ là nhằm phát triển toàn diện các mặt đời sống của xã hội và của con người. Cũng chính vì vậy, trước hết giáo dục thẩm mỹ phải nhằm đạt tới mục đích chung là nâng cao văn hoá thẩm mỹ trong mọi hoạt động của cá nhân và xã hội.

Văn hoá thẩm mỹ là những năng lực cảm thụ, đánh giá cái đẹp trong cuộc sống và trong nghệ thuật và năng lực sáng tạo theo qui luật của cái đẹp; năng lực này thể hiện con người là chủ thể thẩm mỹ trong quá trình tạo ra các giá trị thẩm mỹ.

Nói đến văn hoá thẩm mỹ là nói đến ý thức thẩm mỹ, hoạt động thẩm mỹ và các giá trị thẩm mỹ và cũng chính vì vậy văn hoá thẩm mỹ tồn tại trong tất cả trong lĩnh vực của văn hoá [nền sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội kể cả các quan hệ giao tiếp, đến phong tục tập quán truyền thống, lễ nghi tôn giáo], trong đó nghệ thuật là một bộ phận quan trọng.

Nếu có thể hiểu giáo dục là một quá trình xã hội hoá cá nhân, thì giáo dục thẩm mỹ cũng là quá trình chuyển hoá văn hoá thẩm mỹ của xã hội thành văn hoá thẩm mỹ của cá nhân. Đời sống văn hoá thẩm mỹ của cá nhân là trình độ thẩm mỹ của cá nhân được thể hiện quan niệm về cái đẹp mà quan trọng hơn cả là sống theo qui luật của cái đẹp trong lao động sản xuất, chiến đấu, trong sinh hoạt, trong quan hệ giao tiếp, ngôn ngữ, lịch sử và văn hoá.

Muốn như vậy, giáo dục thẩm mỹ là phát triển văn hoá thẩm mỹ ở từng cá nhân: hình thành các cá nhân có trình độ thẩm mỹ, có nhu cầu thẩm mỹ, hoạt động thẩm mỹ để từ đó góp phần phát triển toàn diện – hài hòa các cá nhân, tạo ra nhiều tài năng trong mọi lĩnh vực hoạt động, đặc biệt trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

Những nhiệm vụ cơ bản của giáo dục thẩm mỹ

Căn cứ vào mục đích của giáo dục thẩm mỹ, có thể cụ thể hoá một số nhiệm vụ của giáo dục thẩm mỹ:

– Giáo dục thẩm mỹ là quá trình hình thành ý thức thẩm mỹ đúng đắn, tiên tiến để mỗi cá nhân và xã hội có khả năng tốt nhất khi cảm thụ, đánh giá và sáng tạo thẩm mỹ, cũng như thoả mãn ngày càng cao hơn các nhu cầu thẩm mỹ của con người trong sự phát triển xã hội.

– Giáo dục thẩm mỹ là giáo dục năng lực sáng tạo, làm cho sự sáng tạo theo qui luật của cái đẹp trở thành nhu cầu và tác động tới mọi lĩnh vực hoạt động sống của con người.

– Giáo dục thẩm mỹ là giáo dục tình cảm, thị hiếu và lý tưởng thẩm mỹ đúng đắn, lành mạnh để phát triển toàn diện nhân cách, để hướng tới sự hoàn thiện, hoàn mỹ của bản thân con người và của xã hội.

Giáo dục thẩm mỹ không chỉ phát triển môi trường văn hoá, xã hội hoá văn hoá, nâng cao chất lượng lao động sản xuất, chất lượng sống của nhân dân, mà còn phải đưa cái đẹp vào chính bản thân cuộc sống trở thành chuẩn mực chung của sự phát triển của cá nhân và xã hội.

Giáo dục thị hiếu thẩm mỹ – mục tiêu trực tiếp và năng động nhất

Trước hết, cần phải phân biệt giữa thị hiếu nói chung và thị hiếu thẩm mỹ. Bởi thị hiếu thẩm mỹ là thái độ, tình cảm của con người trước cái đẹp, cái xấu, cái bi, cái hài, cái cao cả trong cuộc sống và trong nghệ thuật còn thị hiếu nói chung được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau phản ánh các lĩnh vực tinh thần khác nhau trong cuộc sống con người.

Trong tâm lý con người, mối quan hệ giữa tình cảm và lý trí, một mặt nó thể hiện sự thống nhất, nhưng mặt khác nó có tính mâu thuẫn và đồng thời là một trong những mâu thuẫn của hoạt động tinh thần của con người. Trong hoạt động thẩm mỹ nó cũng bao gồm những đặc tính chung đó của mối quan hệ giưa tình cảm và lý trí.

Cũng chính vì vậy tình cảm bao giờ cũng gắn với hành động, là khâu tâm lý cuối cùng được chuyển thành hành động, ngược lại hành động cũng do một động cơ tình cảm thúc đẩy. Khi nói đến thị hiếu là nói đến hành động lựa chọn: một mốt thời trang, một cuốn sách, một băng nhạc, một bức tranh và mọi tình cảm, mọi hành động của con người đều dựa trên cơ sở lý trí nhất định.

Sự yêu thích, sự lựa chọn cái đẹp, thoả mãn nhu cầu cái đẹp bao giờ cũng xuất phát từ những chuẩn mực chung của con người, trên cơ sở lý trí.

Thứ hai, trong xã hội loài người, con người là một chỉnh thể, mỗi người là một cái riêng, cái đơn nhất, do vậy tồn tại sở thích cá nhân, thị hiếu cá nhân. Thực ra, thị hiếu thẩm mỹ vừa mang tính cá nhân và tính xã hội, là mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung và nó phụ thuộc vào những điều kiện lịch sử xã hội nhất định. Thị hiếu thẩm mỹ mang dấu ấn cá nhân, là sở thích của cá nhân, nhưng đồng thời nó mang tính xã hội sâu sắc và phụ thuộc vào thị hiếu chung của xã hội theo những chuẩn mục của hoạt động đánh giá thẩm mỹ của xã hội.

Một thị hiếu tốt là năng lực có được khoái cảm do cái đẹp chân chính đưa lại, là nhu cầu thụ cảm và sáng tạo cái đẹp trong lao động, trong sinh hoạt hàng ngày, trong hành vi giao tiếp, ứng xử của con người ở trong cuộc sống và trong nghệ thuật. Cơ sở hình thành của một thị hiếu thẩm mỹ tốt là cảm xúc thẩm mỹ phát triển cao, là cảm xúc về tính mực thước, là khả năng biết thụ cảm sự hài hoà giữa hình thức và nội dung, biết nhận ra giá trị thẩm mỹ của các hiện tượng xã hội, của các tác phẩm nghệ thuật dưới ánh sáng của lý tưởng thẩm mỹ tiên tiến.

Thứ năm, 26/09/2013 20:14

TRAO ĐỔI

Giáo dục thẩm mỹ cho học sinh

[NTO] Chúng ta biết rằng mục tiêu giáo dục của nhà trường phổ thông là đào tạo nên những con người phát triển toàn diện, có khả năng thích ứng nhanh, nhạy trước mọi yêu cầu của đất nước trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Vì vậy vấn đề đặt ra là xã hội đang cần có một lực lượng thế hệ trẻ vừa “hồng”, vừa “chuyên”, thực sự năng động, sáng tạo, tự chủ trong cuộc sống, trong công việc, ý thức công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mục tiêu của giáo dục Việt Nam được ghi rất rõ trong Khoản 1 Điều 27 Luật Giáo dục 2005: “Mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân, chuẩn bị học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Để đáp ứng được những yêu cầu đó, một trong những hoạt động giáo dục quan trọng cho học sinh là: giáo dục thẩm mỹ.

Giáo viên Trường THCSNguyễn Thái Bình [xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải] hướng dẫn học sinh cắm hoa,
giáo dục cho các em giá trị thẩm mỹ. Ảnh: Sơn Ngọc

Giáo dục thẩm mỹ là vấn đề rất quan trọng và cần thiết trong việc hình thành nhân cách của học sinh. Thông qua giáo dục thẩm mỹ, học sinh hiểu được cái hay, cái đẹp của cuộc sống, đồng thời có cách ứng xử tốt với người thân trong gia đình, với thầy cô, bạn bè và cộng đồng. Con người có trí tuệ thông minh, có sức khỏe cường tráng, nếu thiếu giáo dục thẩm mỹ vẫn không được coi là con người toàn diện trong một xã hội hiện đại. Giáo dục thẩm mỹ có vai trò to lớn trong nhận thức và trong lao động sáng tạo của con người.

Từ mục tiêu giáo dục đến nhận thức, thực tiễn giáo dục ở bậc THPT cho thấy một thực tế rằng, đa phần lứa tuổi HS THPT đều có ước muốn, khát khao chinh phục, khám phá, sáng tạo nên cái đẹp, chiếm lĩnh những giá trị thẩm mỹ. Song, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận HS còn nhận thức, hành động lệch lạc, phản thẩm mỹ, đi ngược lại mục tiêu giáo dục mà xã hội đang hướng tới.

Ở lứa tuổi THPT, các em dù chưa thực sự trở thành người lớn nhưng có những chuyển biến mạnh mẽ và thay đổi về tâm sinh lý, đặc biệt là việc hình thành và phát triển của sự tự ý thức. Nó đem đến cho HS những tri giác, cảm nhận về đặc điểm cơ thể, cử chỉ, thái độ, cách hành xử, nghĩa là các em bước đầu quan tâm đến yếu tố thẩm mỹ của bản thân và của thế giới xung quanh. Ngay tại trường học, việc thực hiện trang phục, lễ phục và nghi thức học đường như đồng phục, bảng tên, sinh hoạt trong giờ học… đúng quy định cũng là những biểu hiện của việc các em đã bộc lộ xu hướng vươn đến sự thẩm mỹ cho bản thân và nhà trường.

Thực hiện chức năng giáo dục thẩm mỹ cho HS, nhà trường cần có kế hoạch quản lý các hoạt động giáo dục thẩm mỹ cho HS một cách hài hòa trong kế hoạch hoạt động chung của trường. Thông qua từng môn học và chương trình hoạt động ngoài giờ, nhà trường có kế hoạch chi tiết gắn kết và thực hiện mục tiêu, nội dung thẩm mỹ cần giáo dục một cách linh hoạt. Ngoài ra, do chưa xây dựng được các môn học đặc thù cho việc giáo dục thẩm mỹ cho HS, vì vậy nhà trường nên điều chỉnh theo hướng khai thác ưu thế của một số bộ môn thuộc nhóm ngành KHXH-NV, nghệ thuật sẵn có trong trường. Riêng bộ môn ngữ văn, với đặc trưng ngôn ngữ, hình tượng có khả năng tạo nên những ấn tượng thẩm mỹ sâu sắc, tác động đến sự cảm thụ của đại bộ phận HS vì thế phải được quan tâm đúng mức; môn Giáo dục công dân luôn hướng HS đến chân, thiện, mỹ cũng không ngừng được chú trọng tránh quan điểm coi đó là môn học phụ, không cần thiết. Các hoạt động ngoài giờ lên lớp như hội trại, hội diễn văn nghệ, báo tường, các cuộc thi… phải được nhà trường lồng ghép nhiều hơn nữa nội dung tuyên truyền, giáo dục thẩm mỹ.

Bên cạnh nhà trường, gia đình giữ một vị trí quan trọng không thể thiếu trong việc phối hợp để giáo dục HS. Gia đình phải tạo nên tâm lý và làm nền tảng vững chắc cho các em, phải chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của bản thân các em để chúng có điều kiện quan tâm, tìm đến các giá trị thẩm mỹ. Đồng thời, cha mẹ và những người thân trong gia đình cũng chính là những người quan trọng nhất định hướng con đường cảm nhận giá trị thẩm mỹ của con em mình.

Có thể thấy rằng trong bối cảnh xã hội hiện nay, để công tác giáo dục thẩm mỹ ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ là vấn đề không hề đơn giản. Nó không phải chỉ là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục mà đòi hỏi sự toàn tâm, toàn ý chung tay, góp sức của gia đình, cộng đồng và của toàn xã hội. Thực hiện được những giải pháp đó chính là đã góp phần giáo dục toàn diện đối với HS THPT, một nội dung quan trọng trong tiến trình xây dựng nhà trường tiên tiến, chất lượng cao trong thời kỳ hội nhập.

Đặng Quang Sơn

Video liên quan

Chủ Đề