Ho chieu sip la gi

Từ ngày 13-10, Chính phủ Cyprus đã phải tuyên bố bắt đầu từ ngày 1-11, họ sẽ dừng triển khai chương trình cấp "hộ chiếu vàng", sau hàng loạt thông tin về tình trạng những người nước ngoài giàu có lạm dụng chương trình này để sở hữu hộ chiếu đảo quốc này. Một tuần sau, Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu Cộng hòa Cyprus và Malta giải trình về những chương trình "hộ chiếu vàng" đó - một động thái pháp lý tương đối gay gắt và quyết liệt.

  • Chủ tịch Quốc hội Síp từ chức vì bê bối "hộ chiếu vàng"
  • Nhiều quốc gia vùng Caribe giảm giá "hộ chiếu vàng" cho giới nhà giàu

Những "giá trị châu Âu" được mua như thế nào?

Từ ngày 27-9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC)  Ursula von der Leyen đã lên tiếng vô cùng gay gắt: "Giá trị châu Âu không phải để bán. Không thể dung thứ hành vi vi phạm pháp quyền. Tôi sẽ tiếp tục bảo vệ pháp quyền và sự toàn vẹn của các thể chế châu Âu, bao gồm tính ưu việt của luật pháp châu Âu, tự do báo chí, tính độc lập của tư pháp hay thậm chí trước việc buôn bán hộ chiếu vàng". Vậy, "hộ chiếu vàng" là gì?

Đó là cách mà một số quốc gia thành viên EU, bao gồm Cyprus, Malta, Bulgaria và Bồ Đào Nha thực hiện việc thu hút đầu tư, thông qua cơ chế cấp quyền công dân đặc cách cho một số cá nhân.

Ho chieu sip la gi

Ở Cộng hòa Cyprus, một cá nhân cần đầu tư ít nhất 2,2 triệu euro nhưng không nhất thiết phải sinh sống ở đây. Trong vòng 6 tháng, họ sẽ được nhập tịch Cyprus. Do Cyprus là nước thành viên EU, người sở hữu quốc tịch nước này sẽ trở thành công dân EU với quyền cư trú và làm việc ở cả 27 nước thành viên của khối, cũng như được miễn thị thực tới hơn 170 quốc gia trên toàn thế giới.

Trong khi đó, tại Malta, các nhà đầu tư có thể được cấp hộ chiếu nếu họ đóng góp. Các nhà đầu tư có thể được cấp hộ chiếu nếu họ đóng góp 756.000 USD cho quỹ phát triển quốc gia, đầu tư 174.000 USD vào cổ phiếu hoặc trái phiếu được chính phủ phê duyệt hoặc mua bất động sản tối thiểu 407.000 USD và cam kết cư trú ít nhất 5 năm. Tương tự, công dân các nước không thuộc EU có thể sở hữu "hộ chiếu vàng" của Bồ Đào Nha nếu họ chi ít nhất 500.000 euro để mua một bất động sản. Với những khu vực thưa dân cư hoặc nằm trong diện tái phát triển, số tiền này sẽ thấp hơn.

Nói cách khác, cơ chế này thực chất là việc bán quyền công dân của quốc gia thành viên EU đó, cũng có nghĩa là bán quyền công dân EU, để đổi lấy những khoản đầu tư tài chính. Trên thực tế, không thể phủ nhận rằng "hộ chiếu vàng" mang lại nguồn thu khổng lồ cho những nước thực hiện chương trình này. Chẳng hạn, cho đến nay việc bán "hộ chiếu vàng" đã mang lại cho Cyprus khoảng 7 tỷ euro (8,25 tỷ USD). Ngoài Cyprus và Malta, hai nước thành viên EU khác là Bulgaria và Bồ Đào Nha cũng cung cấp hộ chiếu và 12 quyền định cư thương mại thông qua chương trình ưu đãi hộ chiếu kiểu này.

"Hộ chiếu vàng" đem đến những hệ lụy gì?

Dù không phải tất cả 27 thành viên EU cung cấp "hộ chiếu vàng",  nhưng việc người nước ngoài có quyền công nhân của khối thông qua hình thức đầu tư cũng gây ảnh hưởng tới toàn bộ EU. Từ lâu, EC đã bày tỏ lo ngại rằng, chương trình "hộ chiếu vàng" khiến EU đối mặt với các rủi ro liên quan đến an ninh, rửa tiền, trốn thuế và tham nhũng.

Ho chieu sip la gi
Cyprus đã thu về khoảng 7 tỷ euro từ chương trình hộ chiếu vàng.

Hồi tháng 8-2020, Đài Truyền hình Al Jazeera tung ra một loạt phóng sự điều tra. Trong đó, Al Jazeera phát hiện đã có 1.500 hồ sơ xin đầu tư quốc tịch Cyprus từ năm 2017 đến 2019. Trong số 2.400 cá nhân nước ngoài nộp đơn xin hộ chiếu, Cyprus đã bỏ qua việc thẩm định hàng chục trường hợp là quan chức nước ngoài có vấn đề, cá nhân đã bị kết án hoặc trốn thuế.

Hàng chục người đã có "hộ chiếu vàng" của Cộng hòa Cyprus trong giai đoạn này, dù bị đánh giá là thuộc nhóm "rủi ro cao": các cá nhân đang bị khởi tố hoặc là tội phạm quốc tế, hay thậm chí là đang thi hành án tù. Hiện Nicosia đang xem xét lại toàn bộ 4.000 trường hợp thuộc diện này được cấp hộ chiếu từ trước đến nay. Theo Al Jazeera, trước mắt, Cyprus sẽ tước "hộ chiếu vàng" của 7 người đã mua theo chương trình đầu tư lấy quốc tịch của quốc gia EU này.

Ở Malta, tháng trước, nhà chức trách đã bắt giữ Chánh văn phòng của cựu Thủ tướng Joseph Muscat, để điều tra việc bị cáo buộc có hành vi "lại quả" liên quan đến chương trình mua bán hộ chiếu vàng.

Phát biểu trước báo giới, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic nhấn mạnh: "EC đã bày tỏ lo ngại sâu sắc với các quốc gia thành viên có liên quan về những sơ hở trong các chương trình đầu tư này, và những diễn biến mới đây tái khẳng định mối quan ngại. Ủy ban sẽ tiếp tục làm việc với Cyprus và Malta để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật trong khu vực".

"Tác động của các chương trình đầu tư quốc tịch này không giới hạn ở quốc gia triển khai chúng. Hậu quả của chúng cũng không được xem xét một cách công tâm với sự lưu ý tới các quốc gia thành viên khác cũng như toàn thể EU. EC cho rằng việc cấp quyền công dân EU thông qua các khoản đầu tư hoặc thanh toán được xác định trước mà không có bất kỳ mối liên kết thực sự nào với quốc gia thành viên là đáng quan ngại và làm suy yếu bản chất của quyền công dân EU", công văn đòi hỏi Cyprus và Malta giải trình của EC nêu rõ.

Hộ chiếu EU là thứ được săn đón vì chúng mang lại cho chủ sở hữu quyền đi lại, sinh sống và làm việc tự do ở tất cả 27 thành viên của khối - một quyền mà EC nhấn mạnh cần phải được bảo vệ.

Lời cảnh báo cho tương lai

Từ cách đây khá lâu, ông Didier Reynders, Ủy viên Tư pháp của EU đã xác nhận khối này đang cân nhắc động thái pháp lý chống lại chương trình "hộ chiếu vàng" của Cyprus. Ông Didier Reynders cũng kêu gọi châu Âu cần thay đổi các chương trình đầu tư quốc tịch hiện tại, đồng thời nhấn mạnh ông mong muốn xóa bỏ hoàn toàn chương trình này.

Ho chieu sip la gi
Cyprus sẽ phải ngừng chương trình cấp hộ chiếu vàng.

Điều này là hoàn toàn dễ hiểu. Từ góc nhìn của những nhà quản lý cấp cao của EU, các chương trình đổi hộ chiếu lấy đầu tư của Cyprus hay Malta khiến công tác kiểm soát an ninh trở nên khó khăn hơn gấp bội, đồng thời cũng có thể khiến những hệ lụy xã hội trở nên phức tạp gấp bội. Trong những yếu tố rủi ro được nhắc đến, "hộ chiếu vàng" có thể được sử dụng như một công cụ phục vụ hoạt động rửa tiền của các tổ chức tội phạm quốc tế.

Và hơn thế, nguy cơ các tổ chức khủng bố quốc tế sử dụng quyền công dân có được để tiếp tục tài trợ khủng bố, rồi dùng chính quyền công dân ấy cho những kẻ khủng bố ung dung di chuyển dọc ngang khắp châu Âu rõ ràng là một kịch bản vô cùng đáng sợ. Lực lượng cuồng tín Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoàn toàn có thể thực hiện chiến lược "những con sói đơn độc" của chúng một cách dễ dàng, với những "cánh cửa mở vào lòng châu Âu" kiểu ấy. Nghĩa là, quyền được bảo đảm an toàn của rất đông các công dân EU đã và đang bị đe dọa bởi chính sách "hộ chiếu vàng" của vài quốc gia riêng lẻ.

Chính vì thế, lần này, EC thực hiện một động thái pháp lý gay gắt đến vậy đối với Cyprus và Malta. EU đã nhiều lần kêu gọi Cyprus ngừng chương trình "mua bán quốc tịch" gây tranh cãi và khắc phục những khoảng trống khiến chương trình bị lợi dụng. Cyprus đã tiến hành một số thay đổi, nhưng rõ ràng những thay đổi ấy vẫn là chưa đủ.

Trong công văn gửi tới Cyprus và Malta, EC nhấn mạnh: Hai quốc gia thành viên EU từ năm 2004 này phải giải thích rõ ràng trong vòng hai tháng nếu không muốn đối mặt các biện pháp mạnh tay hơn từ Brussels (nơi đặt trụ sở EU). Tổ chức Minh bạch quốc tế cũng hoan nghênh các động thái pháp lý của EU, và kêu gọi cải cách để loại bỏ hoàn toàn các chương trình hộ chiếu vàng.

Nhưng quan trọng hơn, "Chúng tôi muốn từ đây về sau sẽ không có quốc gia EU nào triển khai các chương trình mà cuối cùng dẫn tới kết quả là bán quyền công dân EU", người phát ngôn EC Christian Wigand lo ngại. Đó cũng là một nguy cơ có thật, hoàn toàn có thể hiện hữu. Trước những khoản lợi nhuận kếch xù có thể chảy vào túi, chắc chắn sẽ có nhiều tổ chức cũng như cá nhân cố gắng vận động để thay thế một chương trình "hộ chiếu vàng" này bởi một kiểu thay hình đổi dạng khác. Vì thế, điều quan trọng là EU xây dựng được một tuyến phòng thủ pháp lý đủ chặt chẽ, để ngăn chặn những nguy cơ "lọt lưới" như vậy trong tương lai.

Chớ quên, trước khi bị "tuýt còi", Malta đã hé lộ ý định mở rộng chương trình này. Bất cứ quốc gia thành viên EU nào cũng có thể hành động như họ, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu vẫn còn đang vô cùng mịt mờ, bởi những tác động của đại dịch COVID-19.