Hồ xuân hương ví người phụ nữ là quả gì năm 2024

Ngày 23/11/2021, trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 41 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Paris (Pháp), UNESCO đã thông qua danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022-2023” và nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772 - 1822) là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được vinh danh trong đợt này. Nghiên cứu di sản của Hồ Xuân Hương để nhận diện, phân tích, đánh giá quan niệm của danh nhân về các vấn đề xã hội Việt Nam những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX trong đó có vấn đề quyền phụ nữ là nội dung giá trị khoa học và ý nghĩa.

Bài biết tập trung nghiên cứu quan niệm về quyền phụ nữ qua di sản mà danh nhân Hồ Xuân Hương để lại, qua đó chúng tôi mong làm rõ hơn và khẳng định những đóng góp của Bà đối với vấn đề quyền phụ nữ nói riêng và quyền con người ở Việt Nam.

1. Đôi nét về người phụ nữ - danh nhân Hồ Xuân Hương

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương - nhà thơ của thế kỉ XVIII - XIX, thuộc dòng thơ cổ điển, được tôn vinh là “Bà chúa thơ Nôm”, là nhà thơ nữ kiệt xuất của Việt Nam. Trong gia tài thi ca của Hồ Xuân Hương cũng như trong thi đàn văn chương thời ấy, cách đây hơn 200 năm dưới chế độ phong kiến, chỉ có bà là nhà thơ nữ Việt Nam, người đầu tiên dám lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ cho nữ quyền qua tác phẩm thi ca. Những kiệt tác của bà để lại không chỉ được tôn vinh trong nước, mà có tầm ảnh hưởng thế giới, đến nay có hơn 10 quốc gia đã dịch và giới thiệu thơ của Hồ Xuân Hương.

Hồ Xuân Hương là con của Hồ Phi Diễn (1706 - 1783), quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Bà xuất thân trong một gia đình phong kiến suy tàn, song hoàn cảnh cuộc sống đã giúp nữ sĩ có điều kiện sống gần gũi với quần chúng lao động nghèo, lăn lộn và tiếp xúc nhiều với những người phụ nữ bị áp bức trong xã hội.

Bà là một phụ nữ thông minh, có học nhưng học hành cũng không được nhiều lắm, bà giao du rộng rãi với bạn bè nhất là đối với những bạn bè ở làng thơ văn, các nhà nho. Nữ sĩ còn là người từng đi du lãm nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước. Là một phụ nữ tài hoa có cá tính mạnh mẽ nhưng đời tư lại có nhiều bất hạnh. Hồ Xuân Hương lấy chồng muộn mà đến hai lần đi lấy chồng, hai lần đều làm lẽ, cả hai đều ngắn ngủi và không có hạnh phúc. Có thể thấy Hồ Xuân Hương không phải là một phụ nữ bình thường của thời phong kiến mà bà đã có một cuộc sống đầy sóng gió.

Trong di sản Hồ Xuân Hương để lại, quan niệm về phụ nữ, vai trò vị trí người phụ nữ, khát vọng bình đẳng của phụ nữ trong gia đình, xã hội, trong tình yêu… của Hồ Xuân Hương là nội dung rộng lớn. Chỉ tính từ đầu thế kỉ XX đến nay, đã có hàng trăm công trình sưu tầm, nghiên cứu, về con người cuộc đời của nữ sĩ Hồ Xuân Hương với rất nhiều các hội thảo khoa học cấp quốc gia và thế giới thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học. Các nghiên cứu được thực hiện dưới nhiều góc độ khoa học xã hội, trong đó chủ yếu là góc nhìn văn học, văn hóa, lịch sử, đạo đức học, chính trị học, xã hội học,… Những nghiên cứu về Hồ Xuân Hương nói chung và tính vượt thời đại trong quan niệm của Bà về quyền phụ nữ cần được nghiên cứu và giải đáp thấu đáo.

2. Những giá trị vượt thời đại trong thơ ca Hồ Xuân Hương về quyền phụ nữ

Hồ Xuân Hương không đề cập trực diện về vai trò, vị trí, quyền và nghĩa vụ của phụ nữ. Song, thông qua các tác phẩm của mình bà đã thể hiện khá rõ quan điểm của mình. Quan niệm của Hồ Xuân Hương về quyền của phụ nữ vì thế càng cần được đặt cả trong bối cảnh lịch sử cụ thể thời đại bà sống, vừa nhìn với những đóng góp vượt trước thời đại của một nhân tài. Có thể khẳng định tính vượt thời đại của Hồ Xuân Hương về quyền phụ nữ thông qua việc nghiên cứu di sản thơ ca của Bà:

Thứ nhất, Hồ Xuân Hương là người phụ nữ đầu tiên dùng thơ ca khẳng định vai trò, vị trí, năng lực của phụ nữ trong xã hội một cách táo bạo và độc đáo.

Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX là xã hội phong kiến mà ở đó, người phụ nữ bị đối xử bất công. Trong gia đình, chủ quyền ở trong tay người đàn ông, đàn bà không có quyền gì cả. Với việc lựa chọn Nho giáo làm tiêu chuẩn đạo đức xã hội thì xã hội chủ trương “nam tôn nữ ty”, “trọng nam khinh nữ”, địa vị của đàn bà bị đè nén đến thấp kém. Chế độ phong kiến Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo nên các truyền thống về giá trị và chuẩn mực văn hóa đều được đặt ra để phục vụ cho phái nam. Xã hội khẳng định vị thế đàn ông cũng như việc đàn bà phải chấp nhận vai trò thua kém đàn ông vì trời đã đặt định như vậy. Trước một xã hội như vậy, Hồ Xuân Hương đã khôn khéo dùng văn chương như một thứ vũ khí để chống lại những trật tự áp chế đó. Vũ khí bà dùng là thơ ca.

Trong thơ Hồ Xuân Hương đã thể hiện rõ quan niệm của bà về vai trò, vị trí của người phụ nữ. Trước những trói buộc của xã hội, nhiều lúc bà cũng mơ được thoát ra khỏi các tập tục, các lễ giáo, và các ý hệ phong kiến khắc nghiệt để làm nên nhiều sự nghiệp lẫy lừng hơn. Trong bài “Đề Đền Sầm Nghi Đống”, Bà viết: “ví đây đổi phận làm trai được / thì sự anh hùng há bấy nhiêu”(1) và có lúc bà cũng muốn “dơ tay với thử trời cao thấp/ xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài”. Trong mắt Hồ Xuân Hương nhiều “quân tử” rất là nhỏ nhoi nên bà đã không ngại ngùng lên mặt xưng là “chị” với họ: “này này chị bảo cho mà biết…”, hoặc “lại đây cho chị dạy làm thơ…”. Trước mắt Hồ Xuân Hương cái giai cấp “quân tử” mà xã hội dành cho nhiều ưu quyền bà lớn tiếng và can trường phản ứng.

Những bài thơ chống đối phụ quyền của Hồ Xuân Hương đối với người phương Tây cuối thế kỷ XX có vẻ rất bình thường nhưng trong thời đại của bà là chuyện làm nguy hiểm, Bà thực sự là người tiên phong nói lên tiếng nói của phụ nữ chống lại sự áp bức của cơ chế phụ quyền, khẳng định sự bình đẳng của phụ nữ.

Thứ hai, Hồ Xuân Hương là người đầu tiên dùng thơ ca khẳng định quyền bình đẳng, quyền chủ động của phụ nữ trong việc thể hiện cảm xúc, trong tình yêu và tình dục.

Trong tình cảm nam nữ, Hồ Xuân Hương là người phụ nữ đầu tiên mạnh dạn thể hiện cảm xúc, cái tôi và sự chủ động của mình. Bà đã đi những bước thật dài trước thời đại của bà và tiếng nói của bà đã tạo ra rất nhiều những cuộc tranh luận không hồi kết. Bà chủ động “Mời trầu”(2) để khẳng định tình cảm và thân phận của mình “Này của Xuân Hương mới quyệt rồi/ có phải duyên nhau thì thắm lại”… Hồ Xuân Hương không hề dịu dàng, mà mạnh mẽ quả quyết khẳng định chủ quyền của mình với miếng trầu vừa được mời kia. Bà đã quệt vôi vào nên nó là của Xuân Hương. Một câu thơ nghe như là một lời tuyên bố thẳng thừng. Bà hiểu mình muốn gì, đang làm gì. Do đó, bà mới có thể không ngại ngần xướng tên lên như thế. Đồng thời qua đó, cho thấy trong cái xã hội trọng nam, Hồ Xuân Hương vẫn mạnh mẽ dám khẳng định cái gì thuộc về mình. Và, với “Mời trầu” thì Hồ Xuân Hương không ngần ngại hỏi đối phương “có phải duyên nhau”. Mặc dù là nữ giới, nhưng Bà đã chủ động để tìm kiếm tình yêu. Xuân Hương không ngồi chờ đợi để cha mẹ đặt đâu ngồi đấy, mà tự mình tìm kiếm, quyết định hạnh phúc lứa đôi. Bà cũng thể hiện sự kiên cường khi cả vừa ướm hỏi nếu đã phải duyên nhau thì nên thắm lại chủ động đưa ra yêu cầu “đừng xanh như lá, bạc như vôi”. Hồ Xuân Hương yêu cái đẹp, khát khao niềm hạnh phúc lứa đôi. Bà cảm thương cho số phận người phụ nữ trong xã hội cũ. Bà dám đứng lên để đi tìm tình yêu của mình. Cổ vũ cho cái đẹp, khuyến khích tình yêu đôi lứa tự nguyện và phê phán những thói hư tật xấu ở đời. Sự chân thành và mạnh mẽ, sự sắc sảo và kiên cường của bà trong tình yêu chính là một sự cổ vũ lớn cho phụ nữ khẳng định quyền bình đẳng, quyền chủ động của mình trong tình cảm.

Không chỉ trong cảm xúc yêu thương, Hồ Xuân Hương còn là người đầu tiên dám dùng thơ văn để tôn vinh một vấn đề hết sức cấm kỵ trong văn chương là tính dục một cách đầy giá trị mỹ học. Lịch sử đã chứng tỏ sự phản kháng và cảm thông của bà về thân phận của phụ nữ là con đường chính đáng. Hồ Xuân Hương đã dùng văn chương để nói lên tiếng nói chống đối lại cái xã hội đã dành mọi đặc quyền cho nam giới. Bà tự hào và khẳng định sự chủ động, sự bình đẳng của phụ nữ trong đời sống tình cảm, trong tình yêu, tình dục. Hồ Xuân Hương không chấp nhận sự coi trọng dương và khinh thường âm. Do đâu mà những gì liên quan đến dương thì được coi là đúng, là thanh, còn những gì dính dáng đến nữ là tục, là dơ bẩn.

Để chống lại quan niệm thanh/tục đó, Hồ Xuân Hương đã tuyên xưng các hình ảnh bị cấm kỵ trong các bài thơ của bà như một thách thức đối với nam giới. Bà đem phô bày ra các hành động và bộ phận có nhiệm vụ truyền giống của nam và nữ giúp cho nhân loại trường tồn. Hồ Xuân Hương dùng những cảnh hoặc hình ảnh rất bình thường như đền Trấn Quốc, chùa Hương, đèo Ba Dội, hang Cắc Cớ, động Kẽm Trống, ốc nhồi, con cua, trái mít, bánh trôi, đồng tiền, cái quạt… và những sinh hoạt hằng ngày như cảnh dệt vải, tát nước, đánh đu, đánh cờ… để tả những chuyện tình dục cấm kỵ một cách rất thoải mái với những ngôn từ rất đơn giản nhưng lại rất sống động và gợi hình. Tất cả cái tục đó đều được bà hướng đến một mục tiêu rõ rệt là tôn vinh vai trò và vị trí người nữ trong xã hội để chống lại địa vị độc tôn của người nam đã được xã hội phong kiến thừa nhận một cách bất công. Trong bài thơ Đèo Ba Dội, Hồ Xuân Hương khẳng định chuyện tính dục cũng bình thường và tự nhiên không có gì là cấm kỵ và xấu xa. Nếu xấu tại sao “hiền nhân quân tử ai mà chẳng/ mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo”(3) và không những thứ dân mà cả vua chúa cũng “chúa dấu vua yêu một cái này”. Hồ Xuân Hương đối thoại trực diện với hành động giả đạo đức của xã hội phụ quyền. Những bước chân táo bạo của Hồ Xuân Hương về chuyện chăn gối khẳng định âm dương hòa hợp, phụ nữ hoàn toàn ngang hàng với nam giới trong đời sống hiện thực.

Thứ ba, Hồ Xuân Hương đồng cảm với những “yếu đuối”, những nỗi niềm của phụ nữ một cách cao ngạo và bản lĩnh.

Quan niệm về quyền phụ nữ còn được Hồ Xuân Hương khẳng định qua việc cảm thông, thấu hiểu những gánh nặng, nỗi niềm của phụ nữ và thể hiện sự đồng cảm khi bà cho rằng phụ nữ có quyền được “yếu đuối”, được than thân trách phận và được tự mình lựa chọn hay quyết định những vấn đề của chính mình. Hồ Xuân Hương qua bài thơ “Kẽm Trống” đã một cách tinh tế tả cảnh “vượt cạn” của phụ nữ đồng thời nói lên nghĩa vụ cao cả của đàn bà là sanh ra trẻ con, một nghĩa vụ hơn hẳn đàn ông vì đàn ông không thể làm được. Thêm vào đó, trong hai câu kết “qua cửa mình ơi, nên ngắm lại/ nào ai có biết nỗi bưng bồng”(4), Hồ Xuân Hương còn muốn nhắn gởi chung phái nam hãy “ngắm lại” mình để nhớ là tất cả đàn ông đều đã đi qua “cái cửa đó” cũng như đừng quên “nỗi bưng bồng” khổ nhọc của mẹ hay người nữ. Cách gọi “mình ơi” đầy nữ tính, chất chứa sự yếu đuối dịu dàng nhưng lời nhắc, lời khuyên “nên…” vẫn toát lên vẻ cao ngạo, ngang hàng, một yêu cầu mạnh mẽ.

Hồ Xuân Hương đã đặc biệt chống đối kịch liệt chế độ đa thê của xã hội đương thời. Với kinh nghiệm bản thân sau hai lần lập gia đình với Tổng Cóc và ông phủ Vĩnh Tường, bà thấy rõ chế độ đa thê rất phổ biến trong xã hội phong kiến là một sự bất công của xã hội phụ quyền. Đàn ông thì năm thê, bảy thiếp trong khi đó đàn bà phải chính chuyên một chồng. Cho nên thân phận người đàn bà, đặc biệt là các tì thiếp thì thật đáng thương chẳng khác gì một thứ nô lệ hay một thứ dụng cụ cho đàn ông. Tuy mang tiếng là vợ nhưng về phương diện sinh lý bình thường người làm thiếp cũng không được quyền đòi hỏi: “kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng/ năm khi mười họa, nên chăng chớ/ một tháng đôi lần, có cũng không”(5). Hồ Xuân Hương không lặng im chịu đựng mà nói rõ, nói thẳng những nỗi niềm của phụ nữ. Đó cũng là sự đòi hỏi phải được bù đắp hoặc thấu hiểu hoặc sự phản đối.

Đồng cảm, chia sẻ với gánh nặng của phụ nữ, nói về nỗi niềm và nỗi khổ của phụ nữ trong cách nói của Hồ Xuân Hương vẫn toát lên vẻ cao ngạo đầy bản lĩnh.

3. Ý nghĩa của vấn đề đối với xã hội đương thời và bình đẳng giới hiện nay

Hồ Xuân Hương là một độc đáo của nền văn học Việt Nam. Bao nhiêu giấy mực đã nói về bà. Có nhiều ý kiến trái chiều khi nhận định về văn thơ của bà. Tùy theo quan niệm về đạo đức xã hội mà Hồ Xuân Hương là người này hoặc người kia. Tuy nhiên, theo thời gian Hồ Xuân Hương đã trở thành một người đi trước thời đại mình, là người đã biết dùng thi tài một cách thông minh bằng những bài thơ độc đáo luôn luôn ẩn chứa hai nghĩa để chế diễu một giai cấp đạo đức giả, để vạch trần những vô lý của một xã hội phong kiến, cũng như táo bạo chống lại những tập tục phi lý đã cấm đoán và ràng buộc người phụ nữ Việt Nam về vật chất cũng như tinh thần vào cuối thế kỷ 18.

Với tính vượt trước ấy, tên tuổi Hồ Xuân Hương và thơ của bà đã vượt thời gian và không gian nhỏ hẹp của Việt Nam đi vào thế giới văn chương toàn cầu. John Balaban là một giáo sư tại Viện Đại học North Carolina và là một nhà thơ nổi tiếng đã từng đoạt các giải thưởng về thơ xuất sắc của Viện Hàn lâm các thi sĩ Hoa kỳ có một lần lạc đến Việt Nam và tiếp cận với thơ của Hồ Xuân Hương. Ông đã bỏ ra nhiều năm trời để dịch thơ Hồ Xuân Hương ra tiếng Mỹ và xuất bản thành sách với nhan đề là Spring Essence: The Poetry of Ho Xuan Huong để giới thiệu với độc giả phương Tây(6). Không chỉ vậy, nguyên Tổng thống Hoa kỳ Bill Clinton trong bữa quốc tiệc tại Hà Nội nhân chuyến viếng thăm Việt Nam vào tháng 11 năm 2000 đã phải nhận xét là “Sự toàn cầu hóa đang đem thế giới lại gần Việt Nam cũng như đem Việt Nam lại gần với thế giới… Những bài thơ từ 200 năm trước của Hồ Xuân Hương đã được ấn hành tại Mỹ - bằng tiếng Anh, bằng tiếng Việt, và cả bằng chữ Nôm nữa, đây là lần đầu tiên lối chữ cổ của Việt Nam đã được thực hiện bằng in ấn”(7). Hồ Xuân Hương không những được sách vở và báo chí các nước tôn vinh mà nhiều chương trình thông tin văn hóa trong nước và thế giới đã giới thiệu thơ của Bà.

Cách đây 200 năm, Hồ Xuân Hương đã có những tiếng nói táo bạo về quyền phụ nữ, về những đòi hỏi sự bình đẳng của phụ nữ. Nghiên cứu di sản Hồ Xuân Hương có ý nghĩa lớn đối với nhân loại trong hành trình khẳng định sự bình đẳng, bảo đảm các quyền phụ nữ.

Hồ xuân hương ví người phụ nữ là quả gì năm 2024

Ngày nay, bằng phẩm chất, trí tuệ và lao động sáng tạo của mình, phụ nữ đã góp phần tạo ra của cải vật chất và tinh thần vì sự tiến bộ của nhân loại, của dân tộc. Để tiếp tục phát huy các thành tựu về bảo đảm quyền phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới, phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế xã hội, đồng thời có những bước tiến mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thực hiện được các mục tiêu về bình đẳng giới của đất nước, theo chúng tôi cần chú ý một số định hướng sau:

Một là, huy động nguồn lực và sự tham gia của các cơ quan có trách nhiệm trong toàn hệ thống chính trị, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ để triển khai thực hiện thành công các dự án trọng tâm của Chương trình quốc gia về bình đẳng giới. Nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới các cấp với tổ chức phối hợp liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ, phù hợp với tiến trình cải cách hành chính.

Hai là, xây dựng một hành lang chính trị, pháp lý đủ mạnh để bảo vệ và thực thi quyền bình đẳng giới. Trước hết, chú trọng hơn việc khảo sát thực tiễn và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ để điều chỉnh những văn bản pháp quy cho phù hợp và không được phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động nữ. Các Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động và Luật bình đẳng giới với các quy định cụ thể về lao động nữ, về quyền phụ nữ, các chế tài đối với việc xâm phạm, phân biệt giới cần được kiên quyết thực hiện.

Ba là, tăng cường ưu tiên nâng cao trình độ cho phụ nữ. Trong tình trạng mà bất bình đẳng giới vẫn còn như hiện nay thì chính sách ưu tiên về giáo dục, đào tạo nhằm tiếp tục nâng cao trình độ trí tuệ cho phụ nữ cần được chú trọng. Đồng thời ưu tiên và giao cho phụ nữ nghiên cứu khoa học.

Bốn là, đối với người phụ nữ, bản thân họ phải ý thức được vai trò về giới của mình, cần nỗ lực nhiều mặt, từ trau dồi tri thức văn hoá, có ý thức cầu tiến, độc lập, có kỹ năng sống, tự tin, sáng tạo đến biết hoạch định kế hoạch, biết đối mặt với áp lực… Những kiến thức này có thể học qua nhiều kênh, từ tham gia các khoá học ở nhà trường, các tổ chức, các câu lạc bộ, trung tâm học tập cộng đồng; tham gia vào các hoạt động xã hội để tích lũy tri thức và kinh nghiệm sống. Rõ ràng, để người phụ nữ đảm đương được vai trò của mình, đồng thời phát huy được hết khả năng bản thân để phát triển trong thời hiện đại, yếu tố tự thân của mỗi phụ nữ là rất quan trọng. Chỉ khi nào tính tích cực, chủ động của người phụ nữ được khơi dậy, phụ nữ mới vừa có thể đảm đương tốt công việc ngoài xã hội, vừa duy trì được mối quan hệ gia đình bền chặt, hạnh phúc.

Hàng loạt các giải pháp nhằm thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vị thế xã hội của phụ nữ ở Việt Nam hiện nay nhận được sự đồng thuận của xã hội. Song, từ những giải pháp ấy gắn với truyền thống văn hóa Á Đông, phụ nữ Việt Nam đang còn chịu nhiều áp lực bởi khuôn mẫu, vai trò giới truyền thống để phụ nữ có thể có điều kiện phát huy năng lực trí tuệ của mình, tự tin tham gia và thực hiện tốt vai trò phát huy nguồn lực trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thiết nghĩ, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ phía cơ chế chính sách, từ phía xã hội và gia đình.

4. Kết luận

Tiếng nói thơ văn của Hồ Xuân Hương đã vượt không gian và thời gian để nối kết Việt Nam với toàn cầu và làm hãnh diện cho Việt Nam. Là danh nhân thế giới, những giá trị mà di sản Bà để lại trong đó có mong muốn một trật tự xã hội mới mà trong đó phụ nữ nói riêng và mọi người nói chung phải được bình đẳng, được tự do thể hiện năng lực bản thân, được sống với chính những nhu cầu và lợi ích chính đáng của mình sẽ còn mãi với thời gian.

Phụ nữ Việt Nam hiện đại nếu được sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền, đoàn thể cùng với những nỗ lực của bản thân sẽ có cơ hội đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển đất nước khẳng định hình ảnh, phẩm chất đạo đức cao quý "Tự trọng, Tự tin, Trung hậu, Đảm đang".

Chú thích

1. Kiều Thu Hoạch, Thơ nôm Hồ Xuân Hương, NXB Văn học, 2008.

2. Bài “Mời trầu”.

3. Bài “Núi Ba đèo”.

4. Bài “Kẽm trống”.

5. Bài “Làm lẽ”.

6. John Balaban, Spring Essence: The Poetry of Ho Xuan Huong (Port Townsend, WA: Copper Canyon, 2000).

7. “Globalization is bringing the world to Vietnam and also bringing Vietnam to the world… The 200-year-old poems of Ho Xuan Huong are published in America-in English, in Vietnamese, and even in the original Nôm, the first time ancient Vietnamese script has come off a printing press” (www.bhny.com).

Tài liệu tham khảo

  1. Đào Duy Anh (2014), Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, Nxb Thế giới.
  1. Vân Anh (2022), Thông điệp nữ tôn, nữ quyền, Báo công an nhân dân, https://cand.com.vn/ly-luan/thong-diep-nu-ton-nu-quyen-i647413/.
  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.41
  1. Hà Minh Đức (2022), Thơ Hồ Xuân Hương: Siêu phẩm của tài năng thi ca, Nxb. Trẻ.
  1. Đỗ Thị Hiện (2022), Phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn.
  1. Kiều Thu Hoạch (2008), Thơ nôm Hồ Xuân Hương, NXB Văn học.
  1. Hồ Xuân Hương (2014), Hồ Xuân Hương - Thơ chọn lọc, Nxb văn học.
  1. Hồ Xuân Hương - Tác phẩm và lời bình (2020), Nxb Văn học.
  1. John Balaban (2000), Spring Essence: The Poetry of Ho Xuan Huong,Port Townsend, WA: Copper Canyon.

10. Vũ Mão, Nguyễn Sỹ Hùng (2003), Quyền của phụ nữ Việt Nam trong pháp luật Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia.

11. Đỗ Lai Thúy (2013), Vấn đề dâm tục trong thơ Hồ Xuân Hương, Tạp chí Quân đội nhân dân, https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/.

12. UNESCO cùng Việt Nam vinh danh nữ sĩ Hồ Xuân Hương và danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (2021), Tạp chí Đảng cộng sản điện tử, https://dangcongsan.vn/thoi-su/.