Khi trả lời các nhà báo nước ngoài năm 1946

Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài ngày 22/1/1946: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Đánh giá được tầm quan trọng và kết quả thực tiễn to lớn của báo chí cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều tâm sức và thời gian cho công tác báo chí tuyên truyền trong nước; bên cạnh đó, những kinh nghiệm trong nghề làm báo (Le Paria, Thanh niên, Việt Lập...) và viết báo (1.535 bài báo dưới 53 bút danh) đã tạo cho Người một phong cách tiếp xúc và trả lời phỏng vấn các phóng viên, nhà báo nước ngoài vô cùng minh triết, linh hoạt, khéo léo và chuẩn xác từng câu chữ.

Tháng 9/1945, các phóng viên hỏi về tiểu sử cách mạng của mình, Hồ Chủ tịch nói: “Từ khi ra đời tôi đã thấy nước mình bị nô lệ. Không muốn sống cảnh nô lệ nữa, ngay từ thuở thiếu niên, tôi đã đấu tranh để giải phóng đất nước. Có lẽ đó là công lao duy nhất của tôi”.

Tháng 10/1945, phân tích với báo giới về thái độ của  Chính phủ lâm thời Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Chúng ta hoan nghênh những người Pháp muốn đem tư bản vào xứ ta khai thác những nguồn nguyên liệu chưa có ai khai thác. Có thể rằng, chúng ta sẽ mời các nhà chuyên môn Pháp cũng như Mỹ, Nga hay Tàu đến đây giúp việc cho chúng ta trong công cuộc kiến thiết quốc gia. Nhưng, phải nhắc lại rằng, điều kiện chính vẫn là họ phải thừa nhận nền độc lập của xứ này. Nếu không vậy, thì không thể nói chuyện được gì cả”. Người đề cập tới chính sách nội trị: “Chính phủ lâm thời Dân chủ Cộng hòa phải là công bộc của dân, phải làm sao cho dân tộc Việt Nam có danh với thế giới, tranh được lợi với thế giới”.

Tháng 12/1945, tiếp nhà báo Pháp Misen Henrich, Người đưa ra nhận xét rất hài hước: “Nước Pháp thật là một xứ sở kỳ lạ. nước Pháp đã sản sinh ra những tư tưởng tuyệt diệu, nhưng khi xuất cảng, chẳng bao giờ nước Pháp cho đưa ra những tư tưởng đó!”. Sau bản Tạm ước 14/9, báo chí hai bên đưa nhiều tin thất thiệt, Hồ Chủ tịch phát biểu với các nhà báo quốc tế: “Một tờ báo có ảnh hưởng trong dân chúng rất mạnh, có thể giúp chính phủ rất nhiều. Báo chí Việt - Pháp bây giờ có thể giúp nhiều về chỗ làm dễ dàng mối quan hệ giữa hai dân tộc. Cố nhiên, chúng ta tôn trọng tự do của báo chí, nhất là hai nước tôn trọng dân chủ như hai nước Pháp và Việt Nam. Vì vậy hai chính phủ phải hứa với nhau rằng, từ đây về sau các báo hoặc của chính phủ hoặc của dân chúng, sẽ thôi chửi nhau. Tục ngữ Việt Nam có câu: Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Không phải chúng tôi có cái không tưởng rằng, báo chí hai bên sẽ luôn gửi thư yêu đương cho nhau. Nhưng bao giờ một bên nào có khuyết điểm, bên kia phê bình thì cũng phải trên lập trường hữu nghị mà phê bình”.

Ngày 25/5/1948, báo “Freres d’Armes phỏng vấn Người:

- Thưa Chủ tịch, Chủ tịch ghét gì nhất?
-
Điều ác.
- Thưa Chủ tịch, Chủ tịch yêu gì nhất?
-
 Điều thiện.
- Chủ tịch mong điều gì nhất?
-
 Nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên toàn cầu.
-
Thưa Chủ tịch, Chủ tịch sợ cái gì nhất?
-
Chẳng sợ gì cả. Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì.

Mấy ngày sau, biết tin đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong tướng, một nhà báo Pháp phỏng vấn Người qua đài: “Xin Chủ tịch hãy cho biết dựa trên nguyên tắc nào mà phong tướng cho các vị chỉ huy?”. Bác trả lời rất hóm hỉnh: “Chúng tôi đánh du kích chống thực dân Pháp nên cũng phong hàm một cách du kích. Ví dụ: cán bộ quân đội nào đánh thắng một quan ba Pháp thì phong hàm quan ba. Theo nguyên tắc này (mà chắc ông cũng cho là hợp lý) thì đồng chí Võ Nguyên Giáp của chúng tôi đáng lẽ phải được phong mấy lần Đại tướng và Đô đốc (vì đã đánh thắng nhiều tướng và đô đốc Pháp).

Phóng viên Bơcset người Australia từng lặn lội  khắp chiến trường Việt Nam đã không kìm được thắc mắc khi gặp Người: “Khi tôi hỏi Người: “Văn phòng của Chủ tịch ở đâu?”, câu trả lời khiến tôi vô cùng kinh ngạc: “Lúc nào trời tối thì ở ngoài hiên, khi nào trời mưa thì ở trong buồng ngủ”. Người ra đón tôi như đón một người quen cũ với bộ quần áo vải nâu và đôi dép cao su lốp ôtô. Tác phong giản dị không cầu kỳ đó, Hồ Chủ tịch suốt đời không thay đổi”.

Nghị sĩ, nhà báo, nhà hoạt động chính trị Agienđê ghi trong hồi ký sau lần gặp Bác Hồ: “Chủ tịch từ từ bước ra, tay chống ba toong và đi đôi dép cao su không thể nào lẫn được. Không có vẻ kiêu kỳ, không có gì ngạo mạn trong lời nói mà chỉ thấy niềm tin mãnh liệt vào nhân dân. Chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy sự giản dị và sự vĩ đại lại đi gần với nhau như vậy. Tư tưởng và lời nói của Chủ tịch chứa đựng sự đau thương và anh dũng của cả một dân tộc đã làm nên lịch sử, nhưng sự hiền dịu tỏa ra lời nói thì chỉ có ở Người”. Sau này khi trở thành Tổng thống Chilê, một nhà báo hỏi ông rằng: “Những phẩm chất cách mạng mà ngài muốn có và nhà hoạt động chính trị nào là tấm gương của ngài?”. Agienđê trả lời ngắn gọn: “Tính trọn vẹn, lòng nhân đạo và sự khiêm tốn trang trọng của Hồ Chủ tịch”.

Ngày 12/10/1954, nhà văn Ba Lan M.Giulapxky gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Sơn Tây đã viết: “Người ra hiệu cho đồng chí phiên dịch không phải dịch. Khi nghe phóng viên báo “Sự thật” hỏi, Người trả lời bằng tiếng Nga, sau đó Người nói chuyện bằng tiếng Italia với phóng viên tạp chí “Unita”, bằng tiếng Anh với phóng viên báo “Công nhân”, rồi Người vui vẻ giải thích bằng tiếng Pháp tại sao mình nói được nhiều ngôn ngữ như vậy”.

Bác sĩ Thụy Điển Giôn Tecman được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến uống trà một buổi sáng năm 1958, nhớ lại: “Lúc ấy tôi định phỏng vấn Người để đăng báo, nhưng cuối cùng chính Người đã phỏng vấn tôi suốt 45 phút liền, vì Người muốn hiểu biết nhiều hơn nữa về phong trào công đoàn ở Thụy Điển”.

Năm 1962, nhà văn Nga Mariani Tsêkhốp dùng bữa cơm chiều với Người gồm: rau, dưa, đĩa cá kho và ly rượu thuốc. Vì anh nói tiếng Việt còn ngượng nghịu nên nhiều khi Bác phải giải thích cho anh bằng tiếng Pháp và cả tiếng Nga nữa. Mỗi khi nhắc tới bữa cơm đó, Mariani vẫn cảm động: “Hồ Chí Minh là bậc đại tài, đại nhân, đại đức. Đồng chí Hồ Chí Minh là vĩ nhân có một không hai. Nhân dân Việt Nam thật hạnh phúc được bước trên con đường đi đến tương lai do người khai sơn phá thạch”.

Ngày 7/5/1964, khi trả lời phỏng vấn của Hãng Phát thanh - Truyền hình Pháp (RTF) về quá trình hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Trước đây tôi hoạt động cách mạng, bây giờ tôi vẫn  phục vụ cách mạng và tôi sẽ tiếp tục làm như vậy”. Nguyện vọng của tôi cũng như nguyện vọng của nhân dân Việt Nam là xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, tăng cường đoàn kết và giữ gìn hòa bình lâu dài trên thế giới”.

Năm 1966, nhà thơ Bungary Đimitrôva gặp Người lúc 6 giờ sáng để tránh báo động phòng không, kể: “Chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Pháp, thứ tiếng Người nói rất giỏi. Chúng tôi uống nước chè ướp hương sen không có đường, như sinh hoạt trong một gia đình bình dị nhất. Người là chủ nhà, là chủ cả một đất nước mà chỉ mặc một bộ áo ka ki giản dị, chân đi đôi dép cao su không tất và có một lọ hoa hồng để trên bàn”. Trước lúc ra về, chị xin Người chữ ký kỷ niệm cho cuốn “Nhật ký trong tù” và ngay khoảnh khắc ấy chị phát hiện ra : “Con người vĩ đại có một thứ ánh sáng rất kỳ diệu. Người có phong cách rất tự nhiên và bình dị. Hồ Chí Minh, niềm hy vọng lớn nhất”.

Sáclơ Phuốcniô, nhà sử học Pháp đã phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969, hồi tưởng: “Giọng nói của Người rất tự chủ, lúc nào cũng đi thẳng vào vấn đề, không chút nghi thức. Giờ phút được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm ấy là một trong những giờ phút đáng ghi nhớ trong đời tôi. Người không để lộ với tôi những bí mật Nhà nước, không tìm cách dạy tôi một bài học về đạo đức hay chính trị nhưng càng nghe tôi càng thấy Người vừa nói về một vấn đề lớn của đất nước, vừa dạy cho tôi một bài học luân lý chính trị”.

Nhà báo Mađơlen Riphô nhớ như in cả một câu chuyện dài. Chị gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu năm 1946, Người động viên chị: “Bây giờ con hãy làm việc, học tập. Khi nào trở thành nhà báo, con hãy sang Việt Nam. Bác sẵn sàng đón con bất cứ lúc nào, như con gái của Bác (Ma Fille)”. Tám năm sau, chị gặp lại Bác ở Hà Nội. Người đã tặng chị hai tấm lụa để may hai chiếc áo mặc mỗi khi sang Việt Nam. Năm 1969, chị gặp Bác lần  cuối cùng khi sức khỏe của Người không được tốt. Bác dặn: “Con ơi, nếu con muốn làm vui lòng Bác thì một hôm nào đó, con hãy gửi cho Bác một bộ đĩa thu lại những bài hát mà xưa kia Maurice Chevalier vẫn hát, hồi Bác còn ở Paris và lúc con chưa ra đời”. Mùa hè năm ấy,  chị đã tìm thấy những đĩa hát và gửi sang cho Người. Hai ngày sau khi Bác từ trần, phóng viên thường trú tại Hà Nội báo tin cho chị: “Bác Hồ đã nhận được các đĩa hát. Bác đã nghe lại các đĩa hát đó một cách thích thú. Bác rất vui lòng”. Tại Paris,  vô cùng thương tiếc  Người, Riphô viết bài “Bác Hồ đi giữa mùa thu” đăng báo Nhân Đạo: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, lần này có thật là Người ra đi vĩnh viễn không?”.

Ngày 14/7/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời phỏng vấn của Marta Rohat, nữ phóng viên báo Granma (Cuba): “Đồng chí muốn biết tình cảm của tôi đối với miền Bắc và đối với miền Nam phải không? Tôi nghĩ rằng tôi chưa làm tròn nghĩa vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam; mặc dù như vậy, tôi biết rằng, đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi cũng như tôi luôn yêu quý đồng bào. Ở miền Nam tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ... Tôi yêu đồng bào ở miền Bắc cũng như đồng bào ở miền Nam. Tôi hiến cả đời cho dân tộc tôi...”. 

Người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc, nhà văn hóa lớn, cây bút kiệt xuất đã trả lời cuộc phỏng vấn cuối cùng của cuộc đời mình như vậy, như Thông tấn xã TASS nhận định: “Hồ Chí Minh là hiện thân của những phẩm chất tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam và giá trị của toàn nhân loại; đó là trí tuệ, tính khiêm tốn, tài năng và sự giản dị”

Đỗ Hoàng Linh