Những thuốc dùng được cho phụ nữ cho con bú

Tốt nhất, nên thông báo với bác sĩ nếu bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ để có lời khuyên về sự lựa chọn hợp lý và an toàn nhất cho mẹ và trẻ.

Những thuốc nên và không nên sử dụng

Phụ nữ cho con bú có thể mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính, vì vậy, việc dùng thuốc đôi khi là cần thiết. Tuy nhiên cần lựa chọn thuốc cho đối tượng này sao cho đạt hiệu quả chữa bệnh mà không làm ảnh hưởng tới trẻ bú mẹ.

Những thuốc dùng được cho phụ nữ cho con bú

Phụ nữ đang cho con bú cần thận trọng khi dùng thuốc.

Thuốc giảm đau, hạ sốt: Thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol và ibuprofen được coi là tương đối “an toàn” ở liều điều trị do các thuốc này ít vào sữa mẹ. Nên hạn chế sử dụng các chế phẩm có chứa codein do tác dụng ức chế của chúng đối với hô hấp của trẻ, và aspirin do nguy cơ liên quan đến hội chứng Reye (gây sưng phù ở gan, não). Đây là một hội chứng nguy hiểm có thể gây tử vong ở trẻ.

Kháng sinh: Mặc dù lượng thuốc đi vào sữa chiếm nồng độ nhỏ ở liều điều trị thì việc sử dụng kháng sinh ở phụ nữ cho con bú cũng có thể dẫn đến những vấn đề liên quan tới việc thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh và dị ứng. Các loại thuốc kháng sinh như penicillin, cephalosporin, erythromycin và roxithromycin là những thuốc được lựa chọn ưu tiên khi cần thiết sử dụng ở phụ nữ cho con bú. Các kháng sinh như azithromycin, clarithromycin, spiramycin là lựa chọn thứ hai. Nên tránh lựa chọn kháng sinh nhóm tetracycline (doxycycline, minoxycline,...) và nhóm fluoroquinolones (levofloxacin, ofloxacin, ciprofloxacin, moxifloxacin,...) khi cho con bú vì có liên quan đến sự phát triển của xương hoặc gây ố vàng răng và viêm đại tràng giả mạc.

Thuốc điều trị viêm loét dạ dày: Các thuốc trung hòa acid dạ dày như phosphalugel (aluminium phosphate), maalox (aluminium hydroxide, magnesium hydroxide, simeticon) được lựa chọn trong thời gian cho con bú do thuốc bài tiết vào sữa mẹ ít và không hấp thu vào máu nên không gây tác dụng toàn thân. Nếu sử dụng kéo dài cần theo dõi nồng độ nhôm, magiê trong máu.

Nếu cần sử dụng các thuốc làm giảm tiết acid nhóm PPI (ức chế bơm proton) thì nên ưu tiên lựa chọn omeprazol do không ảnh hưởng đến trẻ khi sử dụng ở liều điều trị. Các thuốc khác trong nhóm như lansoprazol, rabeprazol, pantoprazol... nên cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi sử dụng để quyết định ngừng cho con bú hoặc ngừng sử dụng thuốc.

Thuốc kháng histamin: Nên ưu tiên lựa chọn các thuốc chống dị ứng như loratadin, cetirizine, promethazine, dexchlorpheniramine và diphenhydramine, tuy nhiên cần thận trọng khi sử dụng và không khuyến cáo sử dụng lâu dài do có liên quan đến tác dụng an thần hoặc gây bồn chồn, khó chịu ở trẻ sơ sinh. Cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi lựa chọn các chế phẩm này.

Thuốc điều trị đái tháo đường: Insulin, metformin và glipizide  không đi vào sữa mẹ nên có thể được sử dụng để điều trị đái tháo đường ở phụ nữ đang cho con bú. Nếu sử dụng thuốc chứa glibenclamide cần theo dõi dấu hiệu hạ đường huyết ở trẻ (lơ mơ, khó chịu, ra mồ hôi lạnh, mệt mỏi, thở gấp...). Các thuốc khác chưa có đầy đủ dữ kiện nên không khuyến cáo sử dụng.

Khuyến cáo của bác sĩ

Nên ưu tiên lựa chọn những loại thuốc thường được sử dụng cho trẻ nhỏ vì những loại thuốc này sẽ an toàn hơn.

Nên dùng thuốc ngay sau khi cho trẻ bú hoặc cách ít nhất 2-4 giờ trước khi cho bú để hạn chế lượng thuốc vào trẻ.

Không sử dụng các dạng thuốc có tác dụng kéo dài do thuốc sẽ hiện diện trong máu và nguồn sữa của người mẹ rất lâu.

Nên dùng thuốc với liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể.

Khi đang sử dụng thuốc, người mẹ nên chú ý đến những thay đổi về hành vi và thể trạng của trẻ như bỏ bú, ngầy ngật, sụt cân, tiêu chảy… Khi có những triệu chứng này, người nhà nên đưa trẻ đến khám bác sĩ để tìm nguyên nhân chính xác nhất.

Đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ nếu đang nuôi con bằng sữa mẹ.


Trong thời gian cho con bú, các bà mẹ vẫn có khả năng nhiễm bệnh, buộc phải dùng thuốc. Trong đó, có thể là thuốc do bác sĩ kê đơn hoặc tự mua thuốc không kê đơn về uống

Hầu hết các thuốc qua được sữa mẹ chỉ bài tiết vào sữa với nồng độ nhỏ, hiếm khi ảnh hưởng đến trẻ bú sữa mẹ. Nhưng vẫn có những thuốc có hoạt tính mạnh ở nồng độ thấp, có khả năng gây tác dụng xấu đối với trẻ.

Những thuốc dùng được cho phụ nữ cho con bú

Sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh.

Do đó, khi dùng thuốc ở giai đoạn này, phụ nữ cho con bú cần lưu ý:

- Chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết. Dùng liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể.

- Nếu có thể, nên chọn các loại thuốc chỉ dùng 1 lần/ngày.

- Ưu tiên chọn các loại thuốc không hoặc bài tiết vào sữa mẹ, không hoặc ít ảnh hưởng lên sự tiết sữa.

- Thời điểm dùng thuốc: ngay sau khi cho trẻ bú xong (tốt nhất là sau cữ bú trước khi trẻ ngủ giấc dài vào ban đêm).

- Tránh sử dụng các thuốc có tác dụng kéo dài (do đào thải chậm) và các dạng thuốc phối hợp (do khó hiệu chỉnh liều). Nếu dùng dạng thuốc phối hợp, hãy tuân thủ các khuyến cáo đối với thành phần thuốc cần kiểm soát nghiêm ngặt hơn.

- Theo dõi những bất thường của trẻ để báo với bác sĩ chuyên khoa. Chẳng hạn như trẻ bỏ bú, quấy khóc, buồn ngủ, tiêu chảy…

- Nếu dùng các loại thuốc không được phép cho trẻ bú mẹ, cần vắt bỏ sữa đi và dùng sữa ngoài thay thế. Sau khi ngừng thuốc, cần chờ thêm một khoảng thời gian thích hợp để thuốc đào thải khỏi cơ thể rồi mới cho trẻ bú lại. Thường là 4 lần thời gian bán thải của thuốc, có thể đọc trong toa thuốc hoặc hỏi ý kiến bác sĩ/dược sĩ.

Thuốc nào là an toàn ở phụ nữ cho con bú?

Hiện tại, có khá nhiều thuốc được coi là an toàn cho phụ nữ cho con bú. Tuy nhiên, thuốc phải được dùng ở liều điều trị thông thường.

Một số thuốc an toàn cho phụ nữ cho con bú:

- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Paracetamol, ibuprofen.

- Thuốc điều trị dị ứng như: Loratadin, fexofenadin, certirizin... Tuy nhiên, các thuốc này có thể làm giảm tiết sữa, đặc biệt khi dùng cùng thuốc pseudoephedrin.

- Kháng sinh: Cephalosporin, penicillin, macrolid. Lưu ý, thuốc kháng sinh có thể gây tiêu chảy hoặc tưa miệng ở trẻ.

- Thuốc điều trị nấm: Fluconazol, miconazol, clotrimazol, nystatin.

- Thuốc điều trị nghẹt mũi do cảm lạnh hoặc dị ứng: Oxymetazolin, phenylephrin. Lưu ý, nếu dùng thuốc dạng uống có thể ức chế sự tiết sữa nhiều hơn so với dạng xịt mũi.

Thuốc điều tr đau dạ dày, khó tiêu: Thuốc kháng acid.

- Thuốc tránh thai: Chỉ dùng loại chứa progestin (levonorgestrel, norethindron).

- Thuốc điều trị táo bón: Lactulose, macrogol, docusat.

Những thuốc dùng được cho phụ nữ cho con bú

Nhiều thuốc được xem là an toàn khi dùng trong thời gian cho con bú, nhưng vẫn có thể ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ.

Mặc dù trên đây là thuốc được đánh giá là an toàn cho mẹ và bé trong thời gian nuôi con bú. Tuy nhiên, các bà mẹ luôn phải tham khảo ý kiến bác sĩ/dược sĩ trước khi dùng thuốc trong thời gian đang cho con bú, thậm chí ngay cả khi dùng thảo dược, thực phẩm chức năng, vitamin. 

Ngoài ra, trong khi uống thuốc, cần theo dõi sự bất thường của trẻ để báo ngay cho bác sĩ.

Sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Sữa mẹ cũng giúp cơ thể bé chống lại bệnh tật nhờ các kháng thể và phát triển khỏe mạnh. Nuôi con bằng sữa mẹ cũng mang lại những lợi ích cho mẹ. Bao gồm: Làm tăng sự gắn kết với bé, giúp tiết kiệm chi phí và giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến khi được 24 tháng tuổi.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Thông điệp 5T: Pháo đài chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội

ThS.DS.Nguyễn Thị Duyên Anh