So sánh văn hóa dân tộc thiểu số năm 2024

Bản sắc văn hoá của các dân tộc thể hiện rất rõ nét trong các sinh hoạt cộng đồng và trong các hoạt động kinh tế. Từ trang phục, ăn, ở, quan hệ xã hội, các phong tục tập quán trong cưới xin, ma chay, thờ cúng, lễ tết, lịch, văn nghệ, vui chơi, tiếng nói, chữ viết của mỗi dân tộc lại mang những nét văn hóa độc đáo riêng.

Chẳng hạn, trang phục của người Mông rất sặc sỡ, đa dạng, hội tụ đầy đủ những nét tiêu biểu, đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông. Nhìn vào trang phục của phụ nữ là người ta có thể nhận thấy sự khác biệt giữa các nhóm trong đồng bào dân tộc Mông. Ví dụ, phụ nữ Mông Trắng mặc váy màu trắng, áo xẻ ngực, thêu hoa văn ở cánh tay, yếm sau, cạo tóc, để chỏm, đội khăn rộng vành. Còn phụ nữ Mông Hoa mặc váy màu chàm có thêu hoặc in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ nách, trên vai và ngực đắp vải màu và thêu, họ để tóc dài, vấn tóc cùng tóc giả (lông đuôi ngựa). Phụ nữ dân tộc Mông Ðen mặc váy đen nhuộm chàm, in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ ngực. Phụ nữ dân tộc Mông Xanh, khi đã có chồng thì cuốn tóc lên đỉnh đầu, cài bằng lược móng ngựa, đội khăn ra ngoài tạo thành hình như hai cái sừng, họ trang trí trên y phục chủ yếu bằng đắp ghép vải màu, hoa văn thêu chủ yếu hình con ốc, hình vuông, hình quả trám, hình chữ thập.

Còn trang phục nam giới nổi bật là chiếc quần xanh sĩ lâm ống rất rộng, đũng trễ, đầu thường chít khăn tổ ong màu trắng, áo cánh ngắn ngang thắt lưng, thân hẹp, ống tay hơi rộng. Hành trang của người đàn ông dân tộc Mông bao giờ cũng có chiếc khèn.

Khác với người Mông, trang phục của phụ nữ Dao Tiền lại cho thấy nét tinh tế trong nghệ thuật tạo hình từ sáp ong, không rực rỡ nhưng nhã nhặn, tinh tế và ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Lễ hội được đánh giá là đặc sắc nhất của người Dao chính là lễ cấp sắc dành cho nam giới.

Còn với dân tộc Tày, những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc thể hiện qua các lễ hội truyền thống và cả một kho tàng văn học về các loại truyện thần thoại, truyện cổ, truyện thơ, dân ca... Một trong những nét đặc sắc của dân tộc Tày chính là lễ hội cầu Trăng được diễn ra vào Tết Trung thu hàng năm.

Nói đến văn hóa Mường, chúng ta nói đến cồng chiêng, hát xường, pồn pôông... những loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, giàu giá trị, nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm của con người, cũng như góp phần làm phong phú đời sống văn hóa - tinh thần người Mường.

Do quá trình đô thị hóa cùng sự bùng nổ thông tin bởi công nghệ hiện đại, sự giao lưu văn hóa diễn ra rất nhanh và mạnh khiến văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số hiện nay đang có nguy cơ mai một hoặc biến mất. Đơn cử, dân tộc Bố Y đã không còn nói được tiếng mẹ đẻ; nghệ thuật hát giao duyên, hát dân ca, dân vũ, hay sử dụng nhạc cụ dân tộc, trang phục, kiến trúc, phong tục tập quán… trong các cộng đồng dân tộc Thái, Mường, Tày, Cao Lan… cũng đang mất dần trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Bảo tồn và phát triển

Những năm qua, việc phát hiện, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng, phát hiện những giá trị mới về văn học - nghệ thuật của các dân tộc thiểu số vẫn luôn được coi trọng. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc như các lễ hội tín ngưỡng dân gian, hội thi liên hoan văn hóa các dân tộc, tiếng nói, chữ viết, trang phục, các nghề thủ công truyền thống, các trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ... đã và đang được bảo tồn và phát triển.

Điển hình, các lễ hội kin chiêng boọc mạy, căm mương, mường xia, ca da, tục cầu mưa, chữ Thái cổ, tục ngữ, ca dao... (dân tộc Thái); pồn pôông, múa hát quanh cây bông, “trò ma”, séc bùa, lễ hội khai hạ, mo Mường, lễ tục làm vía kéo si, dân ca Mường... (dân tộc Mường); lễ hội đền thi, lễ cấp sắc (dân tộc Dao); đám ma của người Mông; trang phục truyền thống dân tộc Thổ; truyền dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào Dao và phục dựng, truyền dạy một số nghi lễ đặc trưng (lễ cấp sắc, lễ tạ mộ tổ)… đã được nghiên cứu, phục dựng .

Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước đã có những chính sách nhằm bảo tồn văn hóa dân tộc, từ Trung ương đến địa phương, như: Bảo tồn các buôn làng truyền thống, bảo tồn dân ca dân vũ, sưu tầm, phục hồi, phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ thất truyền, phục dựng một số lễ hội truyền thống...

Nhiều đề án bảo tồn văn hóa dân tộc cũng đã được triển khai, như: Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020; Đề án Mỗi dân tộc có một làng văn hóa bảo tồn, Đề án Bảo tồn văn hóa của các dân tộc ít người đang bị mai một lớn nhất…

Vụ Văn hóa Dân tộc, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức hàng chục lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể cho đồng bào các dân tộc ít người như dân tộc Lô Lô, dân tộc Mảng, dân tộc Ngái, dân tộc Bố Y… nhằm giúp đồng bào nâng cao năng lực bảo vệ văn hóa dân tộc mình.

Năm 2019, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 209/QĐ- BVHTTDL về việc phê duyệt Đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Năm 2020, Bộ VHTTDL phê duyệt Đề án Tổ chức định kỳ ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc, giai đoạn 2021 - 2030.

Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ VHTTDL liên tục ban hành các quyết định liên quan đến bảo tồn di sản văn hoá dân tộc, như: Kế hoạch xây dựng Đề án Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030; tổ chức lớp tập huấn về bảo tồn tiếng nói, chữ viết đối với dân tộc Cơ Tu (tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam); tổ chức lớp tập huấn về xây dựng mô hình, phương pháp bảo tồn chợ phiên đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số; xây dựng mô hình điểm câu lạc bộ sinh hoạt văn hoá của dân tộc Mạ ở vùng di dân tái định cư thuỷ điện huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông; xây dựng câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ dân gian dân tộc Sán Dìu tại tỉnh Thái Nguyên…

Ngoài ra, các địa phương cũng từng bước nhận thức được những giá trị của việc bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa các dân tộc, nên đã tiến hành phục dựng nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc, lập hồ sơ, trình Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhiều cuốn sách về bảo tồn văn hóa các dân tộc cũng được các nhà nghiên cứu xuất bản, lưu giữ… góp phần không nhỏ vào công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Cùng với những chính sách về bảo tồn, các địa phương cũng cần có chương trình bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xã hội ở vùng dân tộc thiểu số; xây dựng, thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài, ưu đãi những người có uy tín trong cộng đồng, nghệ nhân, già làng, trưởng bản… những người có ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng, để nâng cao hơn nữa việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Việc nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị các trò chơi, trò diễn, lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Qua đó, góp phần “đánh thức” truyền thống văn hóa bản làng, cũng như gìn giữ và bảo lưu nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.