Tại sao hiện nay rừng bị cần kiệt nêu biện pháp khắc phục

Bảo vệ và phát triển rừng ở Tây Nguyên là vấn đề đặc biệt quan trọng, không những cho nội vùng mà còn có vai trò chi phối rất lớn đến nguồn nước, môi trường sinh thái và phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Đông Bắc Campuchia và Nam Lào. Đặc biệt, tài nguyên rừng còn gắn với không gian văn hóa, sinh tồn của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Hiện nay, nguồn tài nguyên rừng đang bị suy thoái nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh suy giảm về diện tích và chất lượng rừng, đa dạng sinh học rừng cũng bị suy giảm nhanh chóng. Tỷ lệ diện tích rừng gỗ loại giàu chỉ còn 10,4%, loại trung bình là 22,7%, còn lại 67% thuộc loại nghèo kiệt[1]. Những loài gỗ quý có giá trị thương mại cao còn lại rất hiếm và chỉ có ở những vùng xa xôi hiểm trở. Nhiều loại thực vật rừng có giá trị như các loại thảo dược ngày càng bị khai thác cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng như sâm Ngọc Linh, nấm linh chi, lá kim cương… Số lượng các loài động vật rừng cũng bị giảm mạnh, đặc biệt là các loại thú quý hiếm như tê giác, voi, hổ, báo, trăn… hầu như còn rất ít. Các loại chim công, chim trĩ, gà tiền mặt đỏ… từ lâu ít thấy xuất hiện. Môi trường sinh thái của rừng Tây Nguyên đang dần trở thành đơn điệu và nghèo nàn. Sự suy giảm tài nguyên rừng, đất rừng Tây Nguyên là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng sinh thái và đe dọa nguy cơ xảy ra các vấn đề môi trường nghiêm trọng như thiếu nước mùa khô, lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng. Do đó, bảo vệ rừng là vấn đề cấp thiết hiện nay để không những hạn chế thiệt hại về con người và tài sản của đồng bào mà còn phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội cho vùng Tây Nguyên. Rừng có vai trò quan trong như vậy nhưng các yếu tố làm phát sinh hành vi hủy hoại rừng vẫn hiện hữu, đòi hỏi cần có biện pháp ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi, trả lại sự sống cho rừng Tây Nguyên.

Tại sao hiện nay rừng bị cần kiệt nêu biện pháp khắc phục

Ảnh minh họa: (Nguồn internet)

1. Tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng ở Tây Nguyên

Tình trạng tàn phá rừng tại ở Tây Nguyên diễn biến phức tạp. Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và xử lý 986 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 1.646m3 gỗ, 82 lượt xe các loại, khởi tố hình sự 12 vụ[2]… với số tiền thu sau xử lý hành chính là 9,6 tỷ đồng. Ở Đắk Nông, nạn phá rừng càng diễn biến phức tạp hơn với hàng trăm ha rừng bị tàn phá. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắc Nông, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh phát hiện và lập biên bản xử lý 507 vụ vi phạm lâm luật, tăng 46 vụ so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phá rừng trái phép có 203 vụ, làm thiệt hại hơn 234 ha, tăng 162% so với cùng kỳ năm 2014. Các địa phương có diện tích rừng bị phá với quy mô lớn như: thị xã Gia Nghĩa xảy ra 67 vụ với hơn 129 ha; huyện Đák Glong 35 vụ với hơn 63 ha; Đắk Song 66 vụ với gần 19 ha rừng bị tàn phá… Tuy nhiên, đến nay, các cơ quan chức năng chỉ mới xử lý hành chính được 87 vụ với hơn 25 ha và chuyển sang cơ quan công an điều tra hình sự 47 vụ với hơn 93 ha, còn tồn đọng 69 vụ với 115 ha vẫn chưa được xử lý[3]… Còn theo báo cáo của cơ quan Kiểm lâm tỉnh Kon Tum thì chỉ tính trong mùa khô 2012 - 2013, nhiều hộ dân của các xã như Ngọc Tụ, Đăk Rơ Nga, Đăk Trăm, Văn Lem (Kon Tum) vẫn cố tình vào rừng phát nương làm rẫy tại các tiểu khu 278, 282, 288, 289 và 290 gây thiệt hại trên 11 ha diện tích rừng... Riêng xã Đăk Trăm đứng đầu về nạn phá rừng làm rẫy, 104 hộ vi phạm với diện tích rừng bị tàn phá 63.030m2. Lâm trường đã lập biên bản 55 người vi phạm đến từ xã Đăk Trăm, với diện tích rừng bị thiệt hại 33.280m2[4]. Ở tỉnh Lâm Đồng, theo số liệu thống kê của Hạt Kiểm Lâm tỉnh thì trung bình mỗi năm, địa phương này có trên 50 ha rừng bị xóa sổ trước sự bất lực của chính quyền.

Tình hình phá rừng tại Tây Nguyên là một vấn đề đáng báo động, được thể hiện thông qua số liệu sau:

Diện tích rừng bị phá trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên (2007 - 2013)

Năm

Phá rừng (ha)

Tổng cộng

Rừng đặc dụng

Rừng phòng hộ

Rừng sản xuất

Rừng tự nhiên

Rừng trồng

Rừng tự nhiên

Rừng trồng

Rừng tự nhiên

Rừng trồng

2007

696,64

8,38

0,14

128,49

3,18

515,34

41,11

2008

1.040,44

16,71

0

89,69

1,4

810,33

122,31

2009

1.013,96

23,95

0

74,05

2,9

907,63

5,43

2010

698,03

17,1

0

68,27

17,3

495,99

99,37

2011

1192,28

23,02

0

59,21

4,11

510,50

595,44

2012

621,19

3,0

0

54,36

11,20

451,60

101,03

2013

439,66

0,45

0

42,39

6,24

318,56

72,02

Tổng

5.702,20

92,61

0,14

516,46

46,33

4009,95

1036,73

                      Nguồn:Cục Kiểm lâm

Qua số liệu trên thì trong giai đoạn năm 2007 – 2013, Tây Nguyên đã có 5.702,20 ha rừng bị phá, trong khi đó cả nước có 14.577,88 ha rừng bị phá. Như vậy, riêng Tây Nguyên, diện tích rừng bị phá đã chiếm hơn 1/3 cả nước. Trong 516,46 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đã có 92,61 ha diện tích rừng bị phá, rừng sản xuất có 5.046,60 ha diện tích bị phá, trong đó phá rừng tự nhiên là 4.009,95 ha. Như vậy, tình trạng phá rừng ở Tây Nguyên đang ở mức độ cao, nghiêm trọng nhất là trong năm 2011 với tổng diện tích rừng bị phá lên đến 1.192,28 ha.  

Bên cạnh đó, tình trạng chống người thi hành công vụ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng diễn biến phức tạp. Chỉ riêng tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay đã xảy ra bốn vụ chống người thi hành công vụ, gây thương tích cho năm cán bộ quản lý, bảo vệ rừng…

Nguyên nhân nạn phá rừng ở Tây Nguyên vẫn diễn biến phức tạp được xác định là do các chủ rừng đã buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng; chính quyền các cấp chưa thực hiện hết trách nhiệm trong công tác chỉ đạo quản lý; việc sắp xếp, chuyển đổi mô hình quản lý tại các công ty lâm nghiệp chưa hiệu quả, tạo nên tâm lý buông lỏng, lơ là, thậm chí lợi dụng quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động để phá rừng, trục lợi.

Thêm vào đó, tình trạng người dân tự phát trồng các loại cây công nghiệp không theo quy hoạch của chính quyền địa phương, đặc biệt là thời gian gần đây, do giá tiêu trên thị trường tăng cao nên người dân ở các tỉnh Tây Nguyên ồ ạt đầu tư trồng tiêu. Một bộ phận không nhỏ người dân kéo nhau đi phá rừng lấy gỗ làm trụ tiêu và lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng tiêu… Trong khi đó, công tác ngăn chặn, xử lý của các ngành chức năng và chính quyền địa phương chưa kịp thời và phát huy hiệu quả, để hàng trăm ha rừng bị tàn phá nặng nề. Từ đó, để bảo vệ rừng Tây Nguyên cần phải có những giải pháp phù hợp để ngăn chặn tình trạng phá rừng đang diễn ra hết sức phức tạp.

2. Một số giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng tại Tây Nguyên

2.1. Khắc phục những hạn chế của pháp luật

Tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật bảo vệ rừng. Luật Bảo vệ và phát triển rừng ra đời đã đáp ứng được phần nào đòi hỏi bức thiết trong công tác đấu tranh phòng chống hành vi hủy hoại rừng, thế nhưng, Luật vẫn còn những tồn tại, thiếu sót nhất định. Vì vậy, cần tập trung rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật theo hướng sát với thực tiễn, đặc biệt cần cụ thể hóa các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức được Nhà nước giao đất để trồng rừng, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương. Đồng thời cần phải tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung một số quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành của các ngành luật có liên quan đến pháp luật bảo vệ rừng như: Pháp luật về đất đai, pháp luật về môi trường, tài nguyên nước, pháp luật hình sự, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính...; loại bỏ những quy định không còn phù hợp để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản này với Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

Mặt khác, cần ban hành những văn bản cụ thể quy định vai trò và địa vị pháp lý của lực lượng kiểm lâm trong việc thừa hành pháp luật và bảo vệ rừng. Đây không phải là vấn đề mới mẻ, song rất cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay vì tình trạng cháy rừng, vi phạm pháp luật bảo vệ rừng ngày càng nghiêm trọng.

2.2. Khắc phục những yếu kém, hạn chế trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước

Trong những năm qua, hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ rừng còn bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót, cơ chế quản lý cồng kềnh, nhiều cơ quan chủ quản cùng quản lý dẫn đến tình trạng khi mất rừng thì đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Chúng ta cần thiết phải khắc phục những yếu kém, hạn chế trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Dưới đây là một số biện pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, tăng cường quản lý nhà nước về lâm nghiệp tại địa phương, tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và của ngành, cụ thể là Chỉ thị số 12/2003/CT/TTg ngày 16/5/2003, Chỉ thị số 08/2006/CT/TTg ngày 8/3/2006 và Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ, trong đó nghiêm túc thực hiện việc dừng các dự án chuyển đổi rừng tự nhiên sang mục đích phi lâm nghiệp, nhất là khu rừng đặc dụng, phòng hộ ở khu vực Tây Nguyên để tổ chức rà soát, đánh giá hiệu quả thực hiện các dự án chuyển đổi rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Trường hợp cần thiết phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên thì phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép và buộc phải trồng lại rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển đổi.

Thứ hai, cần phải có sự phối hợp liên ngành trong quản lý, bảo vệ rừng, cần vận hành bộ máy quản lý một cách thường xuyên, liên tục, giải quyết nghiêm minh, kịp thời các hành vi phạm tội hủy hoại rừng. Huy động sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, đồng thời nâng cao vai trò của pháp luật trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bảo vệ rừng. Xây dựng cơ chế phối hợp có tính ràng buộc pháp lý của các lực lượng: kiểm lâm, công an, quân đội, lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, nội vụ, thanh tra, tòa án, viện kiểm sát, các ban quản lý rừng, các công ty lâm nghiệp và cộng đồng dân cư để ngăn chặn, xử lý các đối tượng phá rừng. Nếu rừng được giao cho các nông, lâm trường, ban quản lý, công ty lâm nghiệp nhưng vẫn bị chặt phá thì lãnh đạo chính quyền địa phương phải liên đới chịu trách nhiệm.

Thứ ba, cần tăng cường quản lý khai thác rừng. Về lâu dài, đề nghị chỉ cho phép các chủ rừng khai thác theo phương án quản lý rừng bền vững được duyệt. Thủ tướng Chính phủ quyết định tổng hạn mức khai thác hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo sản lượng khai thác hàng năm để phân cấp cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh mở rừng khai thác hàng năm đối với các chủ rừng. Thể chế hóa mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ rừng bằng quy định của pháp luật về định canh, định cư, đẩy mạnh việc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội các vùng sâu, vùng xa. Nhà nước cần ban hành các chính sách hỗ trợ vốn, kỹ thuật, công nghệ, khuyến khích cộng đồng, cá nhân, tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế, tham gia đầu tư bảo vệ rừng và kinh doanh hợp lý.

Thứ tư, vấn đề giao rừng, cho thuê rừng, cho tư nhân quản lý cần phải được nghiên cứu một cách cụ thể, phù hợp với các quy định thực tế. Cần xây dựng các chương trình, đề án trên diện tích rừng được giao, được thuê đảm bảo bố trí nguồn nhân lực không để rừng bị xâm hại trái pháp luật. Đối với tổ chức, phải có dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư phải có đơn được Uỷ ban nhân nhân cấp xã nơi có rừng xác nhận. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đề nghị thuê rừng thì hộ gia đình, cá nhân phải có dự án đầu tư và văn bản thẩm định của phòng chức năng cấp huyện. Phương án giao rừng, cho thuê rừng do Uỷ ban nhân dân cấp xã lập cần có sự tham gia của đại diện các đoàn thể và đại diện nhân dân các thôn trong xã và phải được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo điều kiện cho người dân vay vốn với lãi suất thấp để họ có nguồn kinh phí làm rừng, tư vấn cho người dân cây trồng có giá trị kinh tế để người dân có thu nhập, yên tâm, tích cực bảo vệ rừng. Thực tế cho thấy, chỉ khi người dân sống gần rừng có cuộc sống ổn định thông qua việc quản lý và bảo vệ rừng thì rừng mới được bảo vệ nghiêm ngặt. Do vậy các địa phương cần thực hiện chủ trương khoán rừng với cơ chế phù hợp để người dân nhận khoán được bảo đảm lợi ích, từ đó tăng cường trách nhiệm bảo vệ rừng. Các cơ quan quản lý phối hợp thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng, hoặc được Nhà nước giao rừng.

Tránh tình trạng lỏng lẻo trong khâu quản lý dẫn đến việc người dân lợi dụng sơ hở để lấn chiếm, khai thác rừng trái phép. Tăng cường quản lý lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp. Tiến hành rà soát, sắp xếp đổi mới các lâm trường quốc doanh, chỉ giữ lại những lâm trường sản xuất có hiệu quả gắn với giải quyết đời sống người dân trên địa bàn theo phương thức liên kết, khoán đất, ổn định lâu dài. Chuyển đổi phương thức quản lý rừng tự nhiên phù hợp với thực tiễn địa phương. Chỉ đạo công ty lâm nghiệp lập kế hoạch quản lý, sử dụng đất và rừng phù hợp với chức năng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Thực hiện thuê đất và sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2.3. Khắc phục những hạn chế trong hoạt động quản lý của các cơ quan bảo vệ rừng

Hoạt động của các cơ quan đấu tranh phòng chống tội phạm có vai trò tích cực trong việc phòng chống, hạn chế hay triệt tiêu các yếu tố làm phát sinh hành vi phạm tội hủy hoại rừng. Tuy nhiên, thời gian qua, những biện pháp trong hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa mang lại hiệu quả như mong muốn do còn mang tính hình thức, chưa có phương án giải quyết liên ngành để xử lý các tụ điểm phá rừng trái phép. Việc xử lý các vi phạm chưa kịp thời, thiếu kiên quyết, còn có những quan điểm khác nhau ở các địa phương. Người phạm tội ngày càng liều lĩnh, dùng thủ đoạn tinh vi hơn, gây thiệt hại nghiêm trọng đến rừng. Tình trạng chống người thi hành công vụ xảy ra thường xuyên, thể hiện thái độ xem thường pháp luật. Để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, chúng ta cần phải có biện pháp khắc phục những hạn chế trong hoạt động của các cơ quan phòng, chống tội phạm.

Trước hết, các cơ quan đấu tranh phòng chống tội phạm cần phải hình thành hệ thống chuyên trách chống tội phạm và vi phạm pháp luật quản lý rừng trên các địa bàn có diện tích rừng lớn. Các đơn vị Công an, Kiểm lâm cần kết hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, với quần chúng nhân dân để sớm phát hiện các đối tượng đang có hành vi phạm tội hoặc mới hình thành tội phạm. Cần phải nắm được thông tin về kẻ cầm đầu các băng nhóm, số đối tượng tham gia, tính chất và địa bàn thực hiện hành vi của chúng. Khi phát hiện thấy các đối tượng có biểu hiện nghi vấn, nếu chưa đủ căn cứ để truy tố trước pháp luật thì cần phải có biệt pháp xử lý hành chính. Làm tốt vấn đề này sẽ làm giảm sự gia tăng tội phạm. Các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Ủy ban nhân dân cần ban hành văn bản pháp luật để có cơ chế phối hợp với lực lượng kiểm lâm trên địa bàn, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo sát sao hơn nữa công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Thứ hai, Cơ quan kiểm lâm cần phải đổi mới, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm hủy hoại rừng. Lực lượng kiểm lâm phải thể hiện được vai trò của mình trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội hủy hoại rừng, tham mưu cho chính quyền cơ sở trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, tạo thành cầu nối với chủ rừng, tăng cường phát hiện và ngăn chặn các vụ vi phạm. Thu hút các tổ chức xã hội vào việc quản lý và bảo vệ rừng, xây dựng mô hình quản lý và bảo vệ rừng ở các địa phương.

Do lực lượng kiểm lâm của Tây Nguyên vẫn còn yếu và thiếu những điều kiện cần thiết nên Nhà nước cần phải trang bị đủ các phương tiện đáp ứng yêu cầu công tác cho các Hạt kiểm lâm các tỉnh, trước mắt cần tập trung đầu tư cho những Hạt kiểm lâm ở vùng trọng điểm. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ tin học, viễn thám vào công tác quản lý bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp và các vụ vi phạm về hủy hoại rừng.

Thứ ba, nên đổi mới, xây dựng ngành kiểm lâm thành lực lượng cảnh sát lâm nghiệp để nâng cao địa vị pháp lý của lực lượng này trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Chuyển đổi lực lượng kiểm lâm thành cảnh sát lâm nghiệp không đơn thuần chỉ là thay đổi tên gọi, mà là sự thay đổi về chất, nhằm tăng cường chức năng thừa hành pháp luật của lực lượng kiểm lâm. Giải pháp này có tầm quan trọng cho công tác bảo vệ rừng, vì nhiệm vụ này cần phải có một tổ chức chuyên trách, có vị thế cao, được huấn luyện, trang bị, đào tạo tốt hơn và được hưởng chế độ đãi ngộ thích hợp.

Thứ tư, phát huy hơn nữa vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường, đặc biệt là tài nguyên rừng. Nhà nước cần tăng cường nguồn lực để hỗ trợ, đầu tư cho lực lượng Công an nhân dân, nhất là các trang thiết bị, phương tiện cần thiết, giúp nâng cao hiệu quả trong hoạt động phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường...

Thứ năm, tăng cường quan hệ phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Bộ Công an và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Thông tư liên tịch số 02/2009/TTLT-BCA-BTNMT hướng dẫn quan hệ phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Căn cứ Thông tư này,  63/63 tỉnh thành đã có Quy chế hoặc Kế hoạch phối hợp liên ngành. Trên cơ sở đó đã triển khai nhiều nội dung phối hợp có hiệu quả, nhất là hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về môi trường có sự tham gia của cả hai lực lượng. Nhiều vụ vi phạm được phát hiện, chuyển cho Công an hoặc Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường xử lý kịp thời, thuận lợi.

Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả, trên từng địa phương, địa bàn công tác, các đơn vị công an nhân dân có trách nhiệm phối hợp với lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng quản lý giáo dục các đối tượng chuyên lén lút phát, đốt phá rừng trái phép làm nương rẫy; tham gia cùng lực lượng kiểm lâm, quân đội nhân dân mở những đợt truy quét lâm tặc, tổ chức truy quét ở những địa bàn trọng điểm, nơi thường xuyên xảy ra hành vi vi phạm về bảo rừng, tiếp nhận thông tin nhanh, xử lý kịp thời, thái độ xử lý nghiêm minh. Mặt khác, cần giám sát chặt chẽ hoạt động của các trạm kiểm lâm, trạm phúc kiểm. Bố trí những cán bộ có phẩm chất, có bản lĩnh, trách nhiệm cao để chặn đứng những hoạt động phạm pháp của bọn lâm tặc.

2.4. Khắc phục những hạn chế trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tội hủy hoại rừng.

Do công tác tuyên truyền làm chưa tốt, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng chưa đúng mức, người thực hiện công tác tuyên truyền không có nhiều kinh nghiệm, chưa có phương pháp phù hợp nên công tác tuyên truyền chưa phát huy được hiệu quả. Cơ sở vật chất đầu tư cho hoạt đông tuyên truyền chưa được quan tâm đầu tư. Người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa chưa nhận thức đầy đủ được tính cấp thiết của việc bảo vệ rừng, nên vẫn tiếp tục phá rừng, có nơi còn tiếp tay, làm thuê cho bọn đầu nậu, kẻ có tiền.

Vì thế, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân các chính sách của Nhà nước về giao đất, giao rừng cho nhân dân, và nhân dân thực sự hưởng lợi rất lớn từ chính sách này. Cần xây dựng các chương trình về thông tin - giáo dục - truyền thông, phổ biến kiến thức về pháp luật bảo vệ và phát triển rừng nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng của các chủ rừng, chính quyền các cấp, các ngành và toàn xã hội. Bên cạnh đó, cần đổi mới phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận thông tin, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng sâu, vùng xa. Đưa kiến thức cơ bản về bảo vệ tài nguyên rừng vào chương trình giảng dạy ở cấp tiểu học và trung học. In ấn, phát hành các tài liệu tuyên truyền để phân phát cho các cộng đồng dân cư, xây dựng các bảng tuyên truyền ở nơi công cộng, trên giao lộ, cửa rừng. Vận động các hộ gia đình sống trong và gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng, thực hiện bản cam kết ba không: không mua bán, không khai thác, không phá rừng, xây dựng và thực hiện các quy ước bảo vệ rừng.

 Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền về vấn đề di dân tự do vào Tây Nguyên, giúp người dân hiểu rằng, Tây Nguyên không phải “miền đất hứa”, nhiều đồng bào di cư tự do vào đây nhưng cuộc sống hết sức khó khăn, thậm chí còn nghèo đói.

Đặc biệt, các vụ án xét xử về tội hủy hoại rừng nên được đưa ra xét xử lưu động 100% tại các khu vực có đông dân cư, nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, để tuyên truyên pháp luật đến cho người dân thông qua việc xét xử, giúp họ có ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn, góp phần tích cực vào việc hạn chế hành vi phạm tội hủy hoại rừng.

Kiểm lâm trên mỗi địa bàn cần kết hợp lồng ghép trong các buổi họp dân ở thôn, buôn, hay đợt chi trả dịch vụ môi trường rừng để tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, phổ biến các chủ trương chính sách của Nhà nước về bảo vệ rừng.  

Bên cạnh đó, Nhà nước cần quan tâm hơn đến việc đầu tư cho hoạt động tuyên truyền bảo vệ rừng, đầu tư cơ sở vật chất như loa, đài, xây dựng nhà văn hóa tập thể để nhân dân trong địa phương sinh hoạt hàng tuần. Ngoài ra cần nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và kinh nghiệm cho những người làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông qua việc tạo điều kiện hỗ trợ cho họ đi học thêm kiếm thức về lĩnh vực bảo vệ rừng, để họ có thể hoàn thành tốt được việc tuyên truyền pháp luật đến cho người dân./.

[1]Nguồn: Công văn số 2808/BNN-TCLN ngày 21/8/2013 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc triển khai kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2014.

[2]Số liệu từ báo cáo của Chi cục kiểm lâm Đắk Lắk

[3]Báo cáo tổng kết của Chi cục trưởng kiểm lâm Đắk Nông trong hội nghị Tổng kết công tác bảo vệ và phát triển rừng 6 tháng đầu năm của Đắk Nông tại thị xã Gia Nghĩa, ngày 30/7/2015.

[4]Báo cáo tổng kết công tác bảo vệ và phát triển rừng 2012 - 2013 của Chi cục kiểm lâm Kon Tum

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 24(304), tháng 12/2015)