Tại sao trường học không dạy cho chúng ta những thứ thực sự quan trọng trong cuộc sống

"Giáo dục là những gì còn đọng lại sau khi bạn đã quên những điều được dạy ở trường" - Albert Einstein.
"Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school" - Albert Einstein.

Trường học được cho là nơi sẽ giúp trẻ em lớn lên trở thành người thông minh và có nhận thức bằng cách cung cấp các công cụ mà chúng cần để có một cuộc sống đẹp và trọn vẹn. Thế nhưng, trên thực tế, cách mà trường học ở khắp nơi trên thế giới dạy dỗ trẻ em khác xa với những bài học thực sự cần thiết để có được cuộc sống như vậy. Dưới đây là 10 bài học bạn không được dạy ở trường nhưng chắc chắn là những điều vô cùng quan trọng mà bất kì ai cũng nên biết.

Kiến thức không đồng nghĩa với hiểu biết

Một những điều tệ hại nhất chúng ta được dạy ở trường là: biết một điều gì đó nghĩa là ta đã hiểu chúng. Đó là lý do vì sao hầu hết chúng ta không học cách phát triển khả năng suy nghĩ sâu và sử dụng lý lẽ dựa trên những trải nghiệm và hiểu biết của chính bản thân mình về mọi việc. Thay vào đó, chúng ta học cách tin vào những gì được cha ông truyền lại mà không hề dừng lại để đặt câu hỏi xem liệu chúng có thực sự đúng hay không, có ngăn cản chúng ta học hỏi và trở thành những cá nhân thông minh hơn hay không.

Các nhãn mác không khiến bạn cảm thấy mình quan trọng

Từ khi còn rất nhỏ, trẻ em đã bị lừa phỉnh để tin rằng có được tấm bằng đại học, cao đẳng sẽ khiến họ thấy mình có giá trị và tự hào về bản thân mình, bất kể chúng phải chịu đựng sự kìm hãm ra sao. Thế nhưng, sự thật là những tấm bằng, những nhãn mác đó không đủ để khiến chúng ta thấy mình có giá trị bởi chúng không mang tới những gì mà chúng ta thực sự mong muốn - những điều đầy quyền năng như một công việc sáng tạo, những mối quan hệ ý nghĩa và sự yên bình trong tâm hồn. Nhãn mác có thể mang tới sự hài lòng cho cái tôi cá nhân trong thời gian ngắn nhưng về lâu về dài thì nó sẽ khiến chúng ta cảm thấy trống rỗng và bấp bênh.

Thất bại có thể cũng là một điều hay

Khi còn đi học, phần lớn chúng ta đều sợ thất bại. Học sinh được dạy rằng thất bại là không tốt và mọi người đều nên sợ thất bại, rằng chúng ta nên bằng mọi cách tránh né thất bại trong cuộc sống như thể nó là một điều vô cùng xấu xa. Nhưng chính vì lỗi lầm và thất bại là những gì dạy chúng ta điều gì đúng, điều gì sai, sợ hãi mắc sai lầm sẽ ngăn cản chúng ta đạt tới những điều mới và ngăn cản sự phát triển cá nhân của mỗi người.

Không làm gì cả không có nghĩa là tốn thời gian vô ích

Khi một đứa trẻ không muốn làm gì mà chỉ muốn thư giãn, suy nghĩ hay chơi đùa thì bố mẹ và thầy cô giáo thường nói rằng như vậy là tốn thời gian vô ích. Điều đó khiến trẻ em nhận thức từ khi còn rất ít tuổi rằng thời gian nghỉ ngơi là vô nghĩa và phù du, và rằng luôn bận rộn mới mang lại ý nghĩa và mục tiêu cho cuộc sống. Chính suy nghĩ đó khiến chúng thường xuyên căng thẳng, thường dẫn tới sự mệt mỏi về tinh thần và cảm xúc cũng như tất cả các trạng thái bệnh lý về tinh thần. Dành thời gian thư giãn và không làm gì cả có thể giúp chúng ta tận hưởng khoảnh khắc hiện tại, nạp năng lượng và nhìn nhận lại cách sống của mình, tập trung vào những điều quan trọng trong cuộc sống.

Chán chường là một biểu hiện về mặt sức khỏe

Trong xã hội hiện đại, chúng ta nghĩ rằng chán chường là một việc xấu và những người chán chường thường chẳng có gì để làm trong đời. Tuy nhiên, sự thật là chán chường chỉ là một triệu chứng của sự gò bó. Khi còn là học sinh, hầu hết chúng ta đều bị buộc phải tới lớp và một cách hết sức tự nhiên, chúng ta cảm thấy chán chường và lười biếng. Đó là bởi ta không có được niềm vui từ đó. Thế nhưng khi được chơi đùa hay làm 1 công việc sáng tạo nào đó cho phép ta thể hiện những suy nghĩ và tình cảm của mình, chúng ta lại thấy tràn đầy năng lượng và trở nên hoạt náo hơn. Do đó, chán chường chỉ là một biểu hiện về mặt sức khỏe, cho ta biết rằng ta vẫn là một con người với mong muốn theo đuổi những đam mê của riêng mình.

Làm việc có thể là một trải nghiệm vui vẻ

Ở trường, trẻ em được dạy phải hy sinh thời gian và công sức, gò bó đời mình năm này qua năm khác để đuổi theo những tắm bằng hứa hẹn mang lại công việc và 1 cuộc sống tốt đẹp. Do đó họ luôn đánh đồng công việc với sự gò bó và hy sinh. Một trong những bài học quan trọng mà trẻ em không được dạy ở trường đó là lao động thực sự là công việc tuyệt vời nếu bạn làm việc với tình yêu. Làm việc có thể là trải nghiệm hạnh phúc nếu bạn làm với cả tâm trí và trái tim mình. Dù thế, khi coi công việc như chuyện bắt buộc phải làm thì nó sẽ trở thành một trận "nô dịch" thực sự.

Cạnh tranh không mang lại lợi ích

Ngay từ khi vào trường, trẻ em được dạy rằng cạnh tranh và thi đua là tốt, khiến chúng học hành giỏi giang hơn. Trường học gán ghép vào đầu chúng niềm tin rằng cạnh tranh mang lại tiến bộ, trên cả cấp độ cá nhân lẫn tập thể. Tuy vậy, nghiên cứu chỉ ra rằng khi trẻ em hợp tác, chúng có thể học hỏi dễ dàng hơn khi cạnh tranh. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho biết đồng nghiệp làm việc giúp đỡ lẫn nhau sẽ trở nên sáng tạo hơn. Nghĩa là khi nói tới sự sáng tạo, niềm tin rằng cạnh tranh và thi đua mang lại lợi ích thực ra chỉ là chuyện hoang đường. Trên thực tế thì cạnh tranh và những cuộc chiến tinh thần mà chúng ta vẫn thấy xung quanh mình góp phần làm cản trở quá trình phát triển của con người, gia tăng căng thẳng và bạo lực - những việc rất phổ biến trong thế giới hiện đại - mỗi ngày.

Các kì thi không đo trí thông minh

Ở trường, kiến thức của trẻ em được đánh giá bằng các kì thi. Những học sinh đạt được điểm cao trong các kì thi được bạn bè và thầy cô coi trọng, nếu không, họ sẽ bị coi thường. Điều này mang tới 1 ý nghĩ sai lầm rằng các kì thi là thước đo đánh giá sự thông minh. Thực tế là các kì thi hiện tại ở nhiều trường học trên khắp thế giới như chúng ta vẫn biết ngày nay không hề đo lường trí thông minh. Các bài kiểm tra ở trường không gì hơn là kiểm tra khả năng ghi nhớ. Để qua kì thi, họ chỉ cần ghi nhớ và nhai lại thông tin - cũng là những gì mà họ sẽ mau chóng quên đi sau khi tốt nghiệp.

Tiền không mua được hạnh phúc

Lý do khiến nhiều trẻ em được gửi tới trường học là niềm tin rằng một thời điểm nào đó trong tương lai, chúng có thể kiếm được nhiều tiền và hưởng thụ một cuộc sống hạnh phúc. Do đó, trẻ em tin rằng tiền nên là mục đích cuối cùng trong đời và rằng đó sẽ là thứ mang lại hạnh phúc và thành công. Và dù đúng là theo hệ thống kinh tế thì tiền thực sự có thể giúp ta mua thức ăn, nhà ở, nhưng nó không bao giờ đủ để mua được hạnh phúc. Theo nghiên cứu, hạnh phúc chủ yếu có được từ những mối quan hệ tốt đẹp với mọi người và hầu hết đều không liên quan gì tới tiền, một khi những yêu cầu cơ bản của cuộc sống đã được đáp ứng.

Không tuân thủ cũng là một điều tốt

Mỗi người là độc nhất, không có ngoại lệ. Nhưng từ khi còn rất trẻ, chúng ta đã được dạy phải tuân theo xã hội, hành động theo các quy luật và đi theo con đường mà người khác định sẵn. Điều này có thể thấy rõ ở trường, nơi trẻ em phải tuân thủ theo những quy định của nhà trường cũng như chấp nhận và tin vào những gì được dạy dỗ ở trường. Tất cả những con người vĩ đại từng xuất hiện trên thế giới này đều chọn cách không tuân thủ mà luôn nghi ngờ vào những niềm tin, nghi ngờ vào những người tạo ra luật và tự mình suy nghĩ. Không tuân thủ không phải là một việc dễ làm nhưng nó là cách duy nhất để sống một cuộc đời đúng nghĩa.

"Một đứa trẻ chỉ được dạy dỗ ở trường là một đứa trẻ không được dạy dỗ" - George Santayana.
"A child educated only at school is an uneducated child" - George Santayana.

Tác giả: Sofo Archon

Trường đời là nơi dạy cho chúng ta nhiều thứ hơn bất cứ trường đại học nào mang lại. Cuộc sống không hề màu hồng như khi còn là sinh viên, cũng không dễ dàng như những gì bạn tưởng tượng. Trường đại học là nơi chúng ta phải đối mặt với những khó khăn của người mới bắt đầu, đồng thời cũng là nơi tìm thấy những người bạn tốt. Điều tuyệt vời nhất khi học đại học là có thể nhận ra được mình là ai, tự lựa chọn hệ tư tưởng và nhận thức về cuộc sống. Chúng ta được trải nghiệm khoảng thời gian tự do đầu tiên để phát triển và xác định những điều độc đáo bản thân mình có thể làm được.

Những khó khăn đầu đời, lần đầu tiên cảm nắng ai đó, có nhóm bạn bè tốt, sự háo hức ban đầu, lần đầu ra khỏi nhà vào ban đêm, những kẻ thù tốt, những chiếc giường, những câu hỏi của chuyên gia và hơn thế nữa cuộc sống đại học dạy cho ta rất nhiều điều. Với bao kỷ niệm và kiến thức đã học được, sẽ khiến bạn cảm thấy ngạc nhiên về một số thứ đã bỏ qua. Dưới đây là 11 bài học sâu sắc về cuộc sống mà bạn không được học ở trường đại học.

1. Các kiến thức trong khóa học và lớp học có thể không được sử dụng nhiều

Những nhân viên văn phòng bên cạnh có thể không tham gia vào các khóa học giống bạn hoặc hai người thuộc nền tảng học vấn khác nhau, nhưng hai người vẫn được tôn trọng và kiếm được số tiền như nhau. Sẽ chẳng có ai hỏi rằng bạn đã học được những gì trong trường đại học, sếp của bạn sẽ yêu cầu dùng những kiến thức và trải nghiệm đó để hoàn thành những nhiệm vụ được giao. Những năm tháng học đại học đã trôi qua, bây giờ mọi thứ trong cuộc sống nằm ngoài bài giảng và giáo trình.

2. Trong cuộc sống, tài năng mới là quan trọng

Cấp trên có thể trẻ hơn bạn nhưng bạn vẫn phải gọi người ấy là "sếp" đúng không? Trong trường đại học, một sinh viên khóa dưới có thể nhiều tuổi hơn bạn nhưng vẫn tôn trọng bạn, vì bạn là sinh viên khóa trên. Trong cuộc sống thực cũng vậy, sự tôn trọng dựa trên thực tài.

3. Nghệ thuật giao tiếp

Có thể bạn đã học các khóa phát triển nhân cách ở trường đại học nhưng trong cuộc sống bạn sẽ nhận ra tầm quan trọng của việc giao tiếp tốt. Cần phải cầu hôn một cô gái, muốn xin tăng lương hay muốn thảo luận vấn đề nào đó với hàng xóm chẳng hạn. Kỹ năng giao tiếp có thể quyết định thành bại trong cuộc sống.

4. Làm thế nào để đánh giá đúng một con người

Ở trường đại học một người có thể là bạn hoặc kẻ thù của bạn, nhưng trong cuộc sống bạn không thể xác định được mối quan hệ giữa hai người là gì. Bởi một người bạn tốt trong văn phòng cũng có thể làm mất cơ hội thăng tiến của bạn. Vì vậy, bạn cần phải học cách xác định các đặc điểm của những người xung quanh. Hành động có thể mâu thuẫn với lời nói.

5. Xem lại chính mình: những gì bạn nói, cách bạn nói và nói với ai

Ở trường đại học bạn có thể tranh cãi với bạn bè hôm nay nhưng ngày mai lại thân thiện bên người ấy. Nhưng một ngày khác bạn chợt nhận ra bản thân quá bận rộn với những người như vậy, bởi bạn phải hoàn thành nhiệm vụ cùng nhau. Tuy nhiên, trong cuộc sống đó lại là một câu chuyện khác. Ở trường đại học, bạn bè và những người khác hiểu bạn qua lời nói, nhưng trong cuộc sống hiện tại mọi người sẽ hiểu bạn theo nhận thức của họ chứ không phải qua mỗi lời bạn thốt ra.

6. Mối quan hệ luôn giúp ích cho bạn

Có thể ở trường đại học bạn bè là cả thế giới của bạn thì trong cuộc sống, bạn không thể tồn tại mà không cần đến những mối quan hệ xã hội. Bạn cần giới thiệu việc làm, một ngôi nhà mới, gây dựng một doanh nghiệp, thành lập nhóm các nhà hoạt động xã hội. Điều này có nghĩa là bạn cần quan hệ tốt với mọi người.

7. Tiết kiệm tiền không phải dễ dàng

Bạn muốn tận hưởng và khám phá cuộc sống ở tầm cao 900m trên bầu trời. Bạn muốn thưởng thức một ly rượu vang đỏ trong một vườn nho hay trải nghiệm lặn biển với san hô và sinh vật biển. Để có thể tham gia bất kỳ cuộc phiêu lưu nào, bạn cần tiết kiệm tiền, nhưng việc tiết kiệm tiền không phải là chuyện dễ dàng. Tiền lương hàng tháng phải trang trải rất nhiều thứ như mua thức ăn, quần áo, trả tiền hóa đơn, đến thăm cha mẹ, chẳng hạn. Lúc đó, bạn sẽ nhận thấy số tiền ít ỏi còn sót lại để tiết kiệm cho sau này.

8. Trong các mối quan hệ, hành động nói lên tất cả

Khi còn học đại học, một tình yêu lãng mạn được thể hiện bằng những lời hứa ngọt ngào. Trong cuộc sống thực, hành động mới nói lên tất cả. Khi nhìn vào một người; bạn quan sát hành động của anh ấy/cô ấy và nhận thấy anh ấy/cô ấy là người như thế nào. Vì vậy, hãy cẩn thận trong những từ ngữ mà bạn sử dụng, cũng như hành động, cử chỉ hàng ngày của bạn.

9. Sai lầm cũng được, miễn là không lặp lại

Mỗi sai lầm đều giúp chúng ta học được một điều gì đó. Sai lầm để lại cho bạn một bài học. Thành công chỉ đến khi bạn có những trải nghiệm khác nhau, mỗi lần như vậy, bạn sẽ có được một bài học mới. Khi còn học tại trường đại học, có thể nhiều lần bạn đưa ra những câu hỏi ngớ ngẩn với giảng viên, nhưng trong cuộc sống nếu bạn hỏi cùng một câu hỏi hay mắc phải sai lầm tương tự lặp đi lặp lại, thì bạn sẽ bị dán mác "ngớ ngẩn" ngay lập tức.

10. Điều quan trọng là phải tiếp tục tiến lên phía trước. Cuộc sống là một cuộc hành trình, chứ không phải một điểm đến

Thời học phổ thông, bạn chỉ muốn điểm cao. Đến khi vào đại học, bạn muốn được nổi tiếng. Khi có công việc, mục tiêu tiếp theo là làm việc để được thăng chức. Sau khi được thăng chức, bạn muốn có một kỳ nghỉ với gia đình và cứ tiếp tục như vậy. Cuộc sống luôn chuyển động và từng phút giây trôi qua, bạn luôn tự tạo cho mình có những kỳ vọng và khát vọng mới. Vì vậy, hãy nghĩ đến những niềm vui nho nhỏ và tiếp tục tiến lên phía trước nhé!

11. Mọi người đều rất bận rộn, hãy tự chăm sóc bản thân

Mọi người xung quanh bạn đều đang bận rộn trong cuộc chiến của bản thân. Ngay cả đứa trẻ 5 tuổi cũng có những thử thách và nhiệm vụ của riêng mình. Vì vậy, hãy học cách tự chăm sóc bản thân. Bạn cần phải học cách yêu thương và chăm sóc cho người mà bạn nhìn thấy trong gương bởi những năm tháng đại học kết thúc rồi và bạn bè của bạn đã không còn ở đó nữa.

Tham khảo thêm một số bài viết:

  • 12 thói quen cuối tuần của những người thành công trên thế giới
  • Chỉ có 25.000 buổi sáng trong đời, dưới đây là 8 cách để không lãng phí thêm một ngày nào nữa
  • 10 lý do tại sao đôi khi mọi người thường hay nói dối

Chúc các bạn vui vẻ!

Video liên quan

Chủ Đề