Thuốc nội và ngoại khác nhau thế nào

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc nội trung bình tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh đang ngày càng có sự tăng trưởng rõ rệt, năm 2018 đạt trung bình hơn 57%, cao gấp gần 2 lần so với năm 2013 [hơn 34%]. Một số tỉnh có tỷ lệ sử dụng thuốc nội khá cao như: Quảng Bình [76%], Quảng Trị [75,13%], Tuyên Quang [74,63%]…

Tuy đã có những khởi sắc, nhưng theo các chuyên gia, nhìn chung việc lựa chọn thuốc sản xuất trong nước vẫn còn thấp ở một số khu vực.

“Hiện nay, tại các bệnh viện tuyến Trung ương, tỷ lệ sử dụng thuốc nội không cao. Đó là do đặc thù riêng của những bệnh viện tuyến cuối thường phải sử dụng các loại thuốc chuyên khoa sâu như: Các kháng sinh chống nhiễm khuẩn mạnh, gây mê, hồi sức, tim mạch, chống thải ghép… phần lớn các loại thuốc này chưa sản xuất được trong nước nên phải sử dụng thuốc ngoại cao. Bên cạnh đó, trong quá trình các bệnh viện tiến tới tự chủ tài chính, để nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút bệnh nhân việc đáp ứng tâm lý sính “hàng ngoại” của một phận không nhỏ người dân khiến việc chọn sử dụng thuốc ngoại cao”, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược [Bộ Y tế] cho biết.

Trong khi đó, thực tế nhiều doanh nghiệp dược trong nước đã có năng lực sản xuất các sản phẩm thuốc có tác dụng điều trị tốt, giá thành phù hợp, nhưng lại yếu trong khâu quảng bá, gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, do đầu tư cho truyền thông sản phẩm chưa tương xứng. 

Nhiều người Việt quan niệm thuốc càng đắt tiền thì càng có hiệu quả điều trị cao. Đây là quan niệm sai lầm vì lý do thuốc ngoại đắt là bởi chi phí sản xuất ở nước ngoài rất lớn, giá thành nguyên liệu không rẻ; cộng thêm chi phí vận chuyển, nhập khẩu… Thuốc nội có thành phần dược chất tương tự, chất lượng không hề thua kém, giá rẻ hơn, thì lại không được nhiều người chọn dùng. Đây là vấn đề khá nan giải khiến thuốc nội “lép vế”.

Theo ông Vũ Tuấn Cường, hiện nay việc triển khai đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” cùng các hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao sự hiểu biết cho người dân, cán bộ y tế về thuốc Việt, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.

Người dân và cán bộ y tế đã nhận thức được thuốc nội bảo đảm hiệu quả điều trị, chất lượng trong khi giá thành rẻ hơn nhiều so với thuốc ngoại nhập. Để nâng cao tỷ lệ sử dụng, một trong các giải pháp khá hiệu quả là luôn ưu tiên thuốc nội trong đấu thầu, cung ứng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập.

Bộ Y tế đã ban hành danh mục 640 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu điều trị, giá thuốc và khả năng cung ứng, không mua thuốc nhập khẩu. Thuốc sản xuất trong nước cũng được phân nhóm để được đấu thầu riêng, đồng thời cũng được tham gia tất cả các nhóm đấu thầu khác khi đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật. Với chính sách này, dự kiến trong tương lai gần thuốc sản xuất tại Việt Nam sẽ có đà để phát triển mạnh mẽ.

Về phía doanh nghiệp sản xuất thuốc, ông Đoàn Đình Duy Khương, Tổng giám đốc Công ty Dược Hậu Giang cho rằng: “Một trong những biện pháp tạo niềm tin với thuốc Việt là các doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao chất lượng. Đặc biệt là nâng cao tiêu chuẩn nhà máy, bảo đảm việc sản xuất thuốc một cách nghiêm ngặt và mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm tốt nhất. Bên cạnh đó, mẫu mã, bao bì cũng phải chú trọng, đáp ứng về mặt nhu cầu sử dụng về thẩm mỹ; giá cả thuốc phù hợp với túi tiền của người dân.

 Tiểu Diệp [Thương Trường T/H]

//thuongtruong.com.vn/thi-truong/vi-sao-thuoc-noi-lep-ve-truoc-thuoc-ngoai-15759.html

Do đường lối mở cửa, hội nhập; điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, nên cũng như các mặt hàng tiêu dùng khác, thị trường dược phẩm của nước ta hiện nay rất sôi động, mặt hàng rất đa dạng và phong phú. Theo số liệu của Cục Quản lý Dược, tính đến tháng 11 năm 2008, cả nước đã có 20.165 số đăng ký thuốc còn hiệu lực, trong đó khoảng một nửa là thuốc nước ngoài.

Trong tập quán dùng thuốc của nhân dân ta hiện nay, xu hướng tự mua thuốc, tự kê đơn [không cần đơn thầy thuốc hoặc yêu cầu thầy thuốc kê đơn theo ý muốn của mình] và chỉ ưa dùng thuốc ngoại vẫn rất phổ biến.

 Sản xuất thuốc trên dây chuyền công nghệ hiện đại tại Xí nghiệp Dược phẩm TW1. Ảnh: HĐ

Thuốc là mặt hàng đặc biệt phải được sử dụng an toàn, hợp lý. Ba yêu cầu chính của một chế phẩm thuốc là: hiệu quả, an toàn và kinh tế. Do đó việc dùng thuốc nào cần được cân nhắc chu đáo trên cơ sở đảm bảo sự tuân thủ của người dùng theo chỉ định điều trị của thầy thuốc.

Ngành dược là ngành kinh tế kỹ thuật, liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Vì vậy, cho dù là thuốc nội hay thuốc ngoại thì trong sản xuất dược phẩm, vấn đề đảm bảo chất lượng vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Thuốc phải được sản xuất trong điều kiện vệ sinh, vô khuẩn theo tiêu chuẩn "Thực hành tốt sản xuất thuốc" [GMP: Good Manufacturing Practic]. Mỗi một sản phẩm trước khi đến với người tiêu dùng đều phải qua quá trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ trong quá trình sản xuất [IPC] và trước khi xuất xưởng theo tiêu chuẩn đã xác định.

Ở các nước công nghiệp phát triển [như Mỹ, Nhật, Cộng đồng châu Âu,...] do có tiềm lực về kinh tế nên kinh phí đầu tư cho nghiên cứu phát triển dược phẩm là rất lớn. Hàng năm, các hãng dược phẩm lớn đều dành đến vài chục phần trăm doanh số cho việc phát triển mặt hàng và nâng cao chất lượng sản phẩm. Do đó họ có điều kiện đi vào các công nghệ sản xuất tiên tiến, mũi nhọn như công nghệ sinh học, công nghệ nano, tạo ra các thuốc đặc trị, hiệu quả điều trị cao như thuốc chống ung thư tác dụng tại đích, thuốc tác dụng theo nhịp sinh học,... Đồng thời, chất lượng thuốc cũng được đánh giá rất kỹ, cả về mặt lý hóa và sinh học [như sinh khả dụng, tương đương sinh học,...]. Tuy nhiên do đầu tư nhiều, nên thuốc được bán ra với giá thành khá cao.

Trong những năm gần đây, cùng với xu thế mở cửa, hội nhập của nền kinh tế đất nước, ngành dược nước ta đã có những bước phát triển đáng kể. Đến nay, cả nước đã có trên 170 xí nghiệp dược phẩm tham gia sản xuất thuốc, trong đó gần 80 xí nghiệp đã được cấp chứng chỉ GMP theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, với kinh phí xây dựng hàng trăm tỉ đồng. Trong sản xuất, nhiều công nghệ mới đã được đưa vào áp dụng [bao màng mỏng, đông khô, thuốc tác dụng kéo dài,...]. Nhãn hiệu hàng hóa, mẫu mã của thuốc nội không khác gì so với thuốc ngoại. Chất lượng, độ ổn định của chế phẩm ngày càng được nâng cao

Tuy nhiên, sản xuất thuốc trong nước hiện cũng còn gặp nhiều khó khăn như: kinh phí đầu tư cho nghiên cứu phát triển còn hạn chế, đội ngũ cán bộ kỹ thuật và trang thiết bị chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu. Về chất lượng, thuốc vẫn mới được đánh giá chủ yếu về các tiêu chí lý-hóa, chưa có điều kiện để đánh giá tương đương sinh học khi cần. Ngoài ra, sản xuất thuốc trong nước còn có những khó khăn đặc thù như tác động của nóng ẩm nhiệt đới đến độ ổn định và tuổi thọ của thuốc, hạn chế tăng giá đầu ra khi giá đầu vào luôn biến động.

Do đó, trong một số trường hợp cụ thể như khi dược chất có vấn đề về độ ổn định, về sinh khả dụng hoặc với những dạng thuốc ứng dụng công nghệ cao thì chất lượng thuốc sản xuất trong nước có thể chưa tương đương với thuốc nhập khẩu. Đây cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, thuốc nhập khẩu cũng có nguồn gốc rất khác nhau. Cũng theo số liệu của Cục Quản lý Dược thì 74,7% số thuốc nhấp khẩu vào nước ta được sản xuất từ các nước châu Á, trong đó nhiều nước có nền công nghiệp dược cũng chưa phải là vượt trội so với nước ta.

Mặt khác, do chi phối của cơ chế thị trường, thuốc cũng là một loại hàng hóa nên trên thực tế cũng có những thuốc ngoại được quảng cáo quá mức và bán với giá quá cao so với chất lượng và hiệu quả điều trị. Thí dụ: cùng là thuốc nhỏ mắt kết hợp kháng sinh với corticoid, thuốc ngoại có thể có sinh khả dụng cao hơn thuốc nội ở một tỉ lệ nhất định, nhưng giá bán lại thường gấp khoảng 10 lần so với thuốc nội

Một điểm đáng lưu ý nữa là: việc sính thuốc ngoại quá mức sẽ gây nên hiên tượng quen thuốc, phụ thuộc thuốc do dùng những thuốc quá mạnh, quá đắt tiền trong khi chưa thật cần thiết, đặc biệt là với kháng sinh.

Trên thực tế, việc lạm dụng thuốc cũng đã để lại nhiều tác dụng không mong muốn gây hậu quả lâu dài đáng tiếc. Với những người điều kiện kinh tế có hạn, từ trước chưa dùng thuốc nhiều thì dùng thuốc nội vừa hiệu quả vừa phù hợp với hoàn cảnh kinh tế bản thân, vừa góp phần phát triển sản xuất trong nước.

Tóm lại, dùng thuốc phải đảm bảo an toàn, hiệu quả và kinh tế. Khi có bệnh, nên đi khám và mua thuốc theo đơn của thầy thuốc.

GS.TS. Võ Xuân Minh


Hiện nay, trên thị trường thuốc tây khá đa dạng thuốc ngoại, nội. Vậy chất lượng giữa thuốc ngoại và nội có như nhau không?

Hiểu về thuốc tây

Trước hết, thuốc tây là thuốc gì? Từ thời Pháp thuộc, tất cả các thuốc được nhập từ nước Pháp hay từ các nước phương tây đều được người dân gọi là “thuốc tây”. Nhưng có một điều làm cho tình hình hiện nay khác với thời Pháp đô hộ là thời đó, tất cả thuốc tây đều phải nhập từ nước ngoài, còn hiện nay “thuốc tây” bao hàm cả thuốc do chính các công ty, xí nghiệp dược phẩm ta sản xuất mà ta gọi là “thuốc nội”.

 Thuốc điều trị bệnh rất đa dạng trên thị trường

Ngoại trừ một số thuốc đi từ dược liệu có sẵn trong nước và được bào chế theo phương pháp cổ truyền, phần rất lớn các thuốc sản xuất ở các xí nghiệp dược phẩm của ta hiện nay đều là thuốc tây đích thực. Bởi vì, các dược sĩ điều hành xí nghiệp dược phẩm đều được đào tạo, học chủ yếu về thuốc tây; nguyên liệu dùng làm ra thuốc đều được nhập từ nước ngoài và được kiểm tra đầu vào rất kỹ, các thiết bị máy móc dùng bào chế thuốc cũng thườngphải nhập và đạt mức độ hiện đại; thao tác, quy trình sản xuất thuốc hiện nay đều đạt các quy tắc “Thực hành tốt sản xuất thuốc” [GMP – Good Manufacturing practice] do Tổ chức Y tế thế giới [WHO] đề ra.

Chất lượng thuốc ngoại, thuốc nội

Quá trình sản xuất thuốc nội và ngoại nếu được sản xuất ở nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP là không khác nhau. GMP được định nghĩa là hệ thống những quy định hay hướng dẫn mà nhà sản xuất dược phẩm tuân thủ để cho ra các sản phẩm luôn luôn đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người sử dụng.

Vì vậy, kể cả thuốc nội hay thuốc ngoại nếu được sản xuất tại nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP đều có quá trình sản xuất giống nhau cho một loại sản phẩm. Quá trình sản xuất là giống nhau bởi vì GMP bắt buộc được áp dụng cho mọi hoạt động trong quá trình sản xuất thuốc từ đầu vào như: nhận xử lý nguyên liệu/bao bì, pha chế, bảo quản bán thành phẩm, ra thành phẩm, đóng gói và bảo quản thành phẩm; đến đầu ra như: phân phối, đặc biệt nếu có sai sót sẽ thu hồi sản phẩm, bảo quản sản phẩm trả lại, biệt trữ.

Vì sao thuốc ngoại lại có giá cao?

Nhiều người thuốc ngoại đắt hơn, thậm chí gấp 5 lần, 10 lần so với thuốc nội tương đương thì có nghĩa là thuốc ngoại tốt hơn. Điều này không phải hoàn toàn sai. Bởi vì, có những thuốc còn quyền bảo hộ sở hữu công nghiệp mà hãng sản xuất đã tiêu tốn quá nhiều cho việc nghiên cứu tìm ra thuốc ấy. Hay đặc biệt, hãng sản xuất do áp dụng quy trình bào chế tiên tiến hơn, có dạng bào chế thích hợp hơn tác động đến khả năng tiếp thu, chuyển hóa của người bệnh làm cho thuốc có tác dụng nhanh hơn. Nhưng cũng có nhiều trường hợp không vì giá đắt hơn mà chất lượng thuốc tốt hơn, đặc biệt là so sánh giữa thuốc ngoại nhập và thuốc sản xuất trong nước. Nhiều thuốc ngoại chịu phí tổn rất cao cho phần quảng cáo, tiếp thị và một số thuốc chịu thuế nhập khẩu. Do đó, giá thuốc ngoại cao hơn thuốc nội rất nhiều, chẳng hoàn toàn vì lý do chất lượng.

Thuốc nội đã khác xưa

Đúng là có một thời kỳ, thuốc nội do do điều kiện sản xuất không được đầu tư thỏa đáng nên hoặc chất lượng thuốc không đảm bảo; hoặc mẫu mã thuốc không bắt mắt. Các chi tiết tưởng chừng vặt vãnh như thuốc ống uống [ampoule buvable] sản xuất trong nước trước đây mà không cung cấp lưỡi cưa ống thuốc kèm theo, nút chai lọ thuốc mở ra rất khó và đóng lại thì không chặt, nhãn thuốc in chữ lèm nhèm… đã gây ấn tượng xấu cho người dùng thuốc. Ấn tượng xấu ấy kéo dài cho đến bây giờ. Nhưng trong tình hình hiện nay thì như thế nào? Ngoại trừ một số thuốc đặc trị mà điều kiện sản xuất trong nước chưa cho phép sản xuất, thuốc đang sản xuất [đa số nằm trong danh mục thuốc thiết yếu hay thuốc generic] của các công ty xí nghiệp dược phẩm trong nước không thua kém với thuốc ngoại tương đương. Với những thông tin vừa nêu trong bài này, có lẽ người tiêu dùng chúng ta cũng cần cân nhắc lại việc chọn mua thuốc nội và ngoại…

PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC


Video liên quan

Chủ Đề