Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta hiện nay

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng một lần nữa khẳng định, “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị…”. Là cơ quan lập pháp, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mà trước hết thể hiện ở vai trò lập pháp, thiết lập khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động của Nhà nước và xã hội.

Từ “thần linh pháp quyền” đến “Nhà nước pháp quyền”

Nhìn lại lịch sử cho thấy, thuật ngữ “pháp quyền” đã xuất hiện ở nước ta từ rất sớm. Ngay từ năm 1919, trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi đến Hội nghị Hòa bình Véc-xây [Pháp], Nguyễn Ái Quốc nói là những yêu sách khiêm tốn, có 8 điểm thì 2 điểm [2 và 7] đã lý giải rất sâu đậm về pháp luật: “2. Cải cách nền pháp lý Đông Dương bằng cách cho người bản xứ được quyền hưởng những đảm bảo về pháp luật như người châu Âu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt đang làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam...”; “7. Thay các chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật...”.[1]

Khi chuyển bản Yêu sách từ văn xuôi sang văn vần cho dễ nhớ, với tựa đề Việt Nam yêu cầu ca, Nguyễn Ái Quốc viết:

“Hai xin phép luật sửa sang,

Người Tây, người Việt hai phương cùng đồng,

Những tòa đặc biệt bất công,

Giám xin bỏ dứt rộng dung dân lành...

Bảy xin hiến pháp ban hành

Trăm điều phải có thần linh pháp quyền...”[2]

Như vậy, thuật ngữ pháp quyền đã xuất hiện ở nước ta hơn 100 năm. 

Quá trình hoạt động cách mạng, trong tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình thành một luận điểm cơ bản về việc tổ chức bộ máy nhà nước khi cách mạng thành công và tư duy đó đã trở thành đường lối cách mạng của Đảng ta. Đó là việc điều hành hoạt động của một quốc gia, một xã hội phải bằng Hiến pháp, pháp luật. “Thần linh pháp quyền” - ngôn ngữ những năm đầu thế kỷ XX nhưng rất đúng với tinh thần “Nhà nước pháp quyền” hiện đại.

Vào những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, Đảng ta đã nắm chắc trình tự, thủ tục việc thành lập một nhà nước. Trước tiên phải có cơ quan đại diện cho Nhân dân, đó là Quốc hội [Nghị viện], từ đó mới thành lập được Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan tư pháp. Trong điều kiện cách mạng chưa đến ngày thắng lợi, chưa có chính quyền thì cần phải có một cuộc Quốc dân Đại hội làm căn cứ cho việc xây dựng chính quyền sắp tới. Quốc dân Đại hội Tân Trào tháng 8.1945 ra đời trong bối cảnh đó. Nó có vai trò như là một tiền Quốc hội hay một Quốc hội lâm thời. Đại hội đã quyết định Chương trình 10 điểm cho hành động cách mạng. Chương trình này không khác nào một bản Hiến pháp tạm thời:

“1- Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập.

2- Võ trang nhân dân. Phát triển Quân giải phóng Việt Nam.

3- Tịch thu tài sản của giặc nước và của Việt gian, tùy từng trường hợp sung công làm của quốc gia hay chia cho dân nghèo.

4- Bỏ các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra; đặt một thứ thuế công bằng và nhẹ

5- Ban bố những quyền của dân, cho dân: nhân quyền; tài quyền [quyền sở hữu]; dân quyền; quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ [tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại], dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền.

6- Chia lại ruộng đất cho công bằng, giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ, cứu tế nạn dân.

7- Ban bố Luật lao động: ngày làm 8 giờ, định lương tối thiểu, đặt xã hội bảo hiểm.

8- Xây dựng nền kinh tế quốc dân, phát triển nông nghiệp. Mở mang quốc gia ngân hàng.

9- Xây dựng nền quốc dân giáo dục, chống nạn mù chữ, phổ thông và cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ cấp, kiến thiết nền văn hóa mới.

10- Thân thiện và giao hảo với các nước Đồng minh và các nước nhược tiểu dân tộc để giành lấy sự đồng tình và sức ủng hộ của họ[3].

Vào thời điểm lịch sử tháng 8.1945, trừ một vài tiểu tiết nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình trong thời gian ngắn trước và sau cách mạng, còn phần lớn các điểm, các nội dung có sự tương ứng với các Hiến pháp trong suốt 76 năm qua. So với Hiến pháp năm 2013 - Hiến pháp hiện đại nhất, ta vẫn thấy có sự tương thích, tương đồng:

- Điểm 1, tương ứng với Chương I -  Chế độ chính trị [thể chế Nhà nước].

- Điểm 2, tương ứng với Chương IV - Bảo vệ Tổ quốc [trong đó có nhân tố quan trọng là các lực lượng vũ trang nhân dân].

- Điểm 5, tương ứng với Chương II - Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân [cần nói thêm rằng, ngay từ năm 1945, vấn đề nhân quyền đã được Đảng ta đặt ra với tinh thần là một vấn đề cấp bách của thời cuộc, chứ không phải như những kẻ thù địch đến lúc này vẫn bịa đặt, rêu rao Việt Nam thiếu nhân quyền].

- Các điểm 4, 6, 7, 8, 9, tương ứng với Chương III - Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường [cũng ngay từ bấy giờ các vấn đề phổ cập giáo dục sơ cấp; bảo hiểm xã hội, đặt lương tối thiểu, cứu tế nạn dân, ban bố Luật lao động - những trụ cột chính của an sinh xã hội; nam nữ bình quyền đã được đặt thành nhiệm vụ của cách mạng và đến nay chúng ta vẫn đang phải tiếp tục và sẽ còn phải tiếp tục thực hiện lâu dài].

- Điểm 10, tương ứng với Đường lối đối ngoại ở Điều 12 của Hiến pháp năm 2013.

Với “Hiến pháp tạm thời” này, Ủy ban Dân tộc Giải phóng [Chính phủ lâm thời] trong và sau Cách mạng Tháng Tám đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để hành động, điều hành công việc quốc gia.

Tư tưởng Nhà nước pháp quyền trong đường lối của Đảng

Gần đây nhất là Văn kiện Đại hội lần thứ XII và Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định và ghi thành mục, thành điểm rất trang trọng. Trong đó, Văn kiện Đại hội lần thứ XII chỉ rõ: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.

Trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phải thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và phải tạo ra sự chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao hơn. Xây dựng Nhà nước pháp quyền phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; gắn với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật” [4].

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng một lần nữa khẳng định, “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”[5].

Đường lối các Đại hội của Đảng nói về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt ra hai nhóm vấn đề vô cùng quan trọng. Một là, những vấn đề có tính nguyên tắc chung: Xây dựng, hoàn thiện và vận hành nhà nước phải do Đảng lãnh đạo; bảo đảm tính đồng bộ giữa ba nhánh quyền lực; đề cao năng lực và tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy; bảo đảm các nguyên tắc pháp quyền; phân công, phối hợp và kiểm soát chặt chẽ quyền lực... Hai là, hàng loạt yêu cầu bức thiết, cụ thể và khá nặng nề mà hoạt động lập pháp nhất thiết phải từng bước bảo đảm. Đó là 8 tính chất của hệ thống pháp luật gồm: đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định. Và đối tượng phục vụ chính là Nhân dân và doanh nghiệp.

Trong 8 tính chất của hệ thống pháp luật thì tính chất công khai trong hoạt động lập pháp vừa qua có thể yên tâm, còn các tính chất khác vẫn phải tiếp tục hoàn thiện với sự nỗ lực hết mình của các chủ thể có liên quan, đặc biệt là Quốc hội bởi lập pháp là thẩm quyền quan trọng số một của Quốc hội. Ngay sau Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIV, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xây dựng đề án về định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Điều này đã cho thấy sự chủ động của Quốc hội trong việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống và góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

_______  

[1], [2] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1 [1919 - 1924], Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội -1995, tr. 435 - 439.

[3] Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 - 1960, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 1994, trang 20 - 21.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội - 2016, trang 175.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2021, trang 174 - 175.

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Tác giả TTXVN

Thứ hai, 29/11/2021 14:28 0 Bình luận

[Mặt trận] - Sáng 29/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng" theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Bộ Chính trị kết luận chủ trương bố trí công tác với cán bộ bị kỷ luật

Quy định số 80-QĐ/TW của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử

Vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc

Ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu tại buổi hội thảo. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Dự Hội thảo có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng.

Cùng dự có: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý và hoạt động thực tiễn.

Hội thảo là một trong những hoạt động góp phần thiết thực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là chủ trương, định hướng lớn đối với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật bám sát Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong hơn 35 năm qua, cùng với quá trình đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đã có nhiều đổi mới, tiến bộ rõ rệt. Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản, bao quát được mọi mặt của đời sống xã hội, chất lượng không ngừng được nâng lên; thể hiện tư duy tiếp cận mới, phù hợp với chuẩn mực chung của thế giới và thực tiễn mới của Việt Nam, đảm bảo tính khả thi cao hơn, đáp ứng yêu cầu của quá trình đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã trở thành một nội dung trọng tâm của xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình hội nhập, cùng với việc nội luật hóa, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã từng bước khắc phục được sự khác biệt, xung đột và trở nên tiệm cận với các điều ước quốc tế.

Cùng với đó, quá trình xây dựng pháp luật đã ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch; chú trọng hơn sự tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, sự phối hợp giữa các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định và quy trình ban hành luật; từng bước phát huy vai trò chủ động, tích cực của các đại biểu Quốc hội và ý kiến đóng góp của nhân dân. Ngày càng nhiều hơn các luật bảo đảm tính thực thi ngay trong luật- một yêu cầu đặt ra trong xây dựng pháp luật hiện đại, chuyên nghiệp; tinh thần thượng tôn pháp luật được đề cao, được quán triệt sâu sắc trong thực tiễn triển khai thi hành pháp luật; kỷ cương, kỷ luật, tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật được nâng lên.

Tuy nhiên, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cũng đánh giá, so với thực tiễn phát triển đất nước, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Những điều này đã được nhấn mạnh trong các báo cáo nghiên cứu, tổng kết, các văn kiện Đại hội của Đảng, nhất là trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Đó là, hệ thống pháp luật hiện nay còn cồng kềnh, chồng chéo; một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Chất lượng của một số luật đã ban hành còn thấp; tính khả thi không cao. Có hiện tượng một số nội dung của luật ban hành sau mâu thuẫn, xung đột với luật ban hành trước. Vẫn còn tồn tại việc ban hành pháp lệnh hoặc nhiều nội dung phải quy định bằng luật mà vẫn phải ủy quyền cho Chính phủ ban hành Nghị định, hoặc thậm chí các bộ ban hành thông tư; tình trạng "luật ống", "luật khung" vẫn còn làm giảm hiệu lực, hiệu quả của pháp luật...

"Tổ chức thi hành pháp luật vẫn bị xem là khâu yếu, tồn tại dai dẳng qua nhiều nhiệm kỳ, chưa khắc phục được; thực trạng chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; kỷ cương, phép nước có nơi còn bị xem nhẹ; xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe; còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", trên thì xử lý quyết liệt, dưới thì xuê xoa, dĩ hòa vi quý", Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhận định.

Để Hội thảo mang lại giá trị khoa học và thực tiễn cao, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu dự Hội thảo bám sát những nội dung mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn tới.

Theo đó, về chủ trương, công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật phải phục vụ xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nhanh và bền vững đất nước, trọng tâm và trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cần tập trung vào hai đột phá quan trọng: Tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo điều kiện để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, nhất là các nguồn lực đất đai, tài chính, con người; tạo đột phá phát triển, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi chủ thể xã hội, mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Về mục tiêu, xây dựng được hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.

Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận, làm rõ những định hướng, giải pháp lớn, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; trong đó có việc tổ chức thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, đặc biệt là việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật để pháp luật của ta thực sự là pháp luật của nhân dân, vì nhân dân và phục vụ nhân dân.

Đồng thời, các đại biểu cũng đánh giá tình hình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật của nước ta trong bối cảnh sự thay đổi nhanh chóng của thế giới, khu vực và đất nước, đặc biệt là vấn đề đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế, yêu cầu đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện…

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Đổi mới mạnh mẽ tư duy để phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá, những ý kiến đóng góp tại Hội thảo sát với thực tiễn tình hình xây dựng, thi hành pháp luật hiện nay. Nhiều ý kiến đã nêu một số giải pháp trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật theo Văn kiện Đại hội Đảng XIII trong từng lĩnh vực cụ thể, góp phần thực hiện các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế.

Nhấn mạnh một số định hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế cần được đổi mới mạnh mẽ tư duy để phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường… Cùng với đó, cần hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế gắn với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ; nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Các bộ, ngành, đơn vị chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các cơ chế đa phương; thực hiện nghiêm các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại đã ký kết; tranh thủ môi trường quốc tế thuận lợi để nâng cao năng lực hội nhập; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân trong các tranh chấp kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế.

Để thực hiện thắng lợi những định hướng trên, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo gắn với kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; đồng thời phải xây dựng được cơ chế phù hợp để bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

Đề cập đến một số nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, tiếp tục quán triệt sâu sắc, tập trung thể chế hóa các nội dung, yêu cầu định hướng, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; bám sát 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Đại hội đã xác định; các Kết luận của Bộ Chính trị, Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Cùng với đó, Bộ Tư pháp có vai trò quan trọng trong tham mưu giúp Chính phủ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chuẩn bị dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các bộ, ngành khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật, xác định rõ những điểm chưa thống nhất, mâu thuẫn, không còn phù hợp với thực tiễn để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản, đồng thời phải tổ chức thực hiện hiệuquả để pháp luật đi vào cuộc sống.

Để thực hiện có hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ trên, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm, chú trọng đầu tư nguồn lực, các điều kiện đảm bảo cho công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "Đầu tư xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển". Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, sớm hoàn thiện và gửi kết quả Hội thảo đến các cơ quan có thẩm quyền tham khảo trong công tác tham mưu, hoạch định đường lối chính sách của Đảng, xây dựng và thực thi pháp luật.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật,đồng thời tăng cường giám sát công tác tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật; đề nghị Ban Nội chính Trung ương tham mưu Ban Chỉ đạo Đề án chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam chuẩn bị trình Đề án xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 để xác định rõ mục tiêu, quan điểm, phương hướng, các nhiệm vụ, giải pháp đối với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

TTXVN

Tags

Hội thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Bộ Chính trị kết luận chủ trương bố trí công tác với cán bộ bị kỷ luật

08/09/2022

Quy định số 80-QĐ/TW của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử

06/09/2022

Vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc

05/09/2022

Tuyên ngôn độc lập: Sự kế thừa, phát triển những giá trị tư tưởng tiến bộ của thời đại

02/09/2022

Video liên quan

Chủ Đề