Đánh giá bộ phim mật vụ kingsman 2

Năm 2015, Kingsman: The Secret Service ra mắt và khiến khán giả phát cuồng với hình tượng điệp viên bao ngầu trong bộ vest lịch lãm cùng loạt vũ khí siêu khủng. Tiếp nối thành công đó, phần 2 của phim với tên gọi Kingsman: The Golden Circle trình làng ngày 20/09 vừa qua trong sự háo hức của người hâm mộ. Thế nhưng, câu nói “Hy vọng càng nhiều, thất vọng càng lớn” lại một lần nữa đúng trong trường hợp này.

Phim không có after credit, khi nhạc nổi lên các bạn có thể an tâm đứng dậy đi về nhé :)))

Đánh giá bộ phim mật vụ kingsman 2

Cảnh báo: Có SPOIL. Cân nhắc kỹ trước khi đọc!!!

.

Trong Kingsman: The Golden Circle, khi hàng loạt trụ sở của Kingsman bị phá hủy bởi Poppy – người đứng đầu Tổ Chức Hoàng Kim, những người may mắn sống sót là Eggsy và Merlin phải tìm đến sự giúp đỡ của cơ quan đồng minh Statesman tại Mỹ. Họ cần hợp tác để cùng nhau phá tan kế hoạch xấu xa của Poppy.

Statesman có trụ sở ở Kentucky, vì là nơi sản xuất và kinh doanh rượu nên họ lấy biệt danh là các loại rượu, với người đứng đầu là Champ cùng các đặc vụ Tequila, Whiskey và Ginger. Kiểu đặt tên nghe giống tổ chức áo đen trong Conan nhỉ :)))

Tuy là phần tiếp theo nhưng với Kingsman: The Golden Circle, chúng ta sẽ được gặp lại hai nhân vật cũ tưởng chừng như đã chết ở phần trước. Đó là Harry Hart và Charlie. Harry thì ai cũng biết rồi, còn Charlie là cậu chàng được Aurthur Chest King giới thiệu để tham gia khóa huấn luyện cùng Eggsy nhưng bị loại ở bài kiểm tra tính trung thành. Gia đình Charlie sau đó gia nhập phe của Valentine nhưng đến cuối cùng, Charlie vẫn còn sống do lúc đánh nhau, Eggsy vô tình vô hiệu hóa con chíp trong đầu anh ta. Charlie may mắn thoát chết nhưng bị mất một cánh tay và dây thanh quản. Giờ đây, hắn quay ra hợp tác với Poppy để trả thù Kingsman.

Có kẻ phản diện hoàn hảo, thêm những đặc vụ mới cùng sự trở lại của nhân vật được yêu thích, những tưởng Kingsman: The Golden Circle sẽ là một bước đột phá so với đàn anh đi trước, nhưng đáng tiếc, phần nội dung không đâu vào đâu đã phá hỏng tất cả.

Đầu tiên phải kể đến dàn phản diện có tiếng mà không có miếng. “Thông minh, điên rồ, máu lạnh,…tất cả các đặc điểm của một CEO thiên tài, hoặc một kẻ tâm thần”. Báo đài nói về Poppy như vậy. Phải công nhận đúng là siêu thật khi tự mình xây dựng được đế chế ma túy tỷ đô, cũng điên rồ không kém khi thử thách người mới bằng cách yêu cầu họ thả người khác vào máy xay thịt. Cả việc tấn công Eggsy có lẽ cũng là hành động có tính toán trước. Nếu không giết được Eggsy, Charlie cũng có thể lợi dụng lúc hỗn loạn để truy cập vào hệ thống thông tin của Kingsman như những gì ta đã thấy trên phim. Còn trường hợp Eggsy chết thì sẽ là một mũi tên trúng hai đích. Poppy vừa có thông tin, vừa giúp hắn giết được kẻ mình ghét nhất. Ờ rồi, đoạn này cho qua. Nhưng kế hoạch cho virus vào ma túy để người dùng bị bệnh xong ra yêu sách đòi tổng thống Mỹ xóa hết mọi tội trạng cho mình hợp pháp hóa ngành công nghiệp sản xuất heroin lại có gì đó sai sai. Trước hết, không phải ai cũng là Dominic Toretto mà muốn xóa tội là xóa (Đùa thôi :v). Việc tạo ra cả virus và thuốc giải rồi bán kiếm lời là không hiếm nhưng công khai thừa nhận mình chính là người đầu độc khách hàng ư? Vậy sau này còn ai dám quay lại sử dụng ma túy của bà nữa. Có khi Poppy lại trở thành người có công khai phá cuộc cai nghiện lớn nhất trong lịch sử loài người cũng nên. Hoặc gặp ông tổng thống như trong phim đây, giả vờ đồng ý thỏa thuận nhưng lại ngấm ngầm mượn kế hoạch này để loại bỏ những kẻ nghiện ngập thì Poppy định làm gì tiếp theo? Ngồi chờ loạt con nghiện mới sử dụng sản phẩm của mình để ra tối hậu thư lần hai chăng? Tôi thấy nếu đổi lại là Poppy phát tán một căn bệnh qua không khí, người dân hít phải và chỉ có cách dùng ma túy của bà ta mới chữa được thì hợp lý hơn.

Qua cách xây dựng hình tượng nhân vật, người xem vẫn thoáng thấy hình ảnh của Valentine trong Poppy. Cũng cái kiểu tưng tửng, làm việc xấu mà cứ cười nói như không có gì, cho đến hoạch xấu xa gây ảnh hưởng đến hàng triệu người trên khắp thế giới. Tất cả đều gợi nhắc về ông trùm công nghệ ở phần 1. Nhưng với tôi, Poppy chỉ là một Valentine phiên bản lỗi. Lúc đầu bà này tự giới thiệu mình cũng đầu tư vào công nghệ vì máy móc đáng tin hơn con người xong còn có tận 2 con chó máy, nhân viên ở salon cũng là robot luôn, tôi đã nghĩ: “Uầy, được đấy. Quả này chắc phải có cảnh đánh nhau với đội quân người máy đây”. Thế rồi cuối cùng thì sao, tất cả chỉ có thế. Vâng, 2 con chó máy và một robot. Chó lại còn có kiểu đang nạp điện dở thì kẻ thù có tìm đến tận ổ cũng chỉ nằm ngủ, không làm ăn được gì. Phải như vậy thôi, chứ nếu cả hai con cùng xông lên một lúc thì chắc Harry không đối phó nổi. Dường như Poppy quá tự tin về pháo đài của mình nên cũng chẳng thèm trang bị gì. Quân lính cũng chả được mấy mống, Eggsy với Harry giải quyết một cái là xong cả lũ. Hay tất cả lính tráng đã được điều động tới phòng thí nghiệm trên núi tuyết kia, còn chỗ tên lửa thì dùng để phá hủy trụ sở Kingsman hết rồi? Mà cũng lạ, hang ổ của Poppy đúng là ở nơi vắng vẻ thật nhưng cũng có phải hoang đảo gì đâu. Đường đường chính chính xây đủ các thể loại từ hàng ăn, tiệm đẹp, rạp chiếu phim,…chả khác gì resort nghỉ dưỡng mà chính quyền Campuchia không hề hay biết, CIA và FBI cũng không biết, à mà thôi, đến cả Kingsman thần thông quảng đại còn mãi mới tìm ra nữa mà. Sau đó là cái chết không thể lãng xẹt hơn dành cho bà trùm Poppy vì phim còn có một nhân vật phản diện khác đang cần đất diễn.

Khoảnh khắc được lắp cánh tay sắt, chắc Charlie đã hy vọng mình có thể trở thành Chiến Binh Mùa Đông tiếp theo. Nhưng mong ước nhỏ bé ấy không thể trở thành hiện thực vì bên cạnh việc lúc nào cũng thua sấp mặt trước Eggsy trong các lần đối đầu, anh này vẫn còn vấn vương bụi trần khi hồn nhiên vô tư đưa bạn gái đến phòng thí nghiệm nơi Poppy sản xuất thuốc giải, thành ra chỉ chỗ cho Eggsy và Whiskey luôn. Hệ quả là phải phá hủy cả tòa nhà ấy cùng cả đống thuốc giải. Qua đây mới thấy Poppy thiên vị Charlie thật. Angel mới chỉ lén dùng ma túy thôi mà giết không tha, trong khi Charlie gây ra tội lỗi tày đình thì nhắm mắt cho qua. Hay vì thiếu trợ thủ đắc lực nên phải giữ lại dùng tạm?

Thứ hai là vấn đề đến từ chính các đặc vụ của chúng ta, mở đầu là sự trở lại của Harry. Ngay từ khi hình ảnh Harry đứng cạo râu trong trailer được tung ra, chắc chắn tất cả chúng ta đều tò mò muốn biết làm thế nào ông lại có thể thoát chết thần kỳ như vậy, vì rõ ràng trong Kingsman: The Secret Service, Harry đã bị Valentine kết liễu bằng một phát súng thẳng vào đầu. Kingsman: The Golden Circle có cố gắng liên hệ với phần trước khi để Ginger và Tequila phát hiện ra sự gia tăng sóng điện (Không nhớ rõ có phải sóng điện không, bao giờ có dịp xem lại tôi sẽ sửa) ở nhà thờ, từ đó tìm thấy và cứu sống Harry bằng cách sử dụng alpha gel do Statesman phát minh. Harry không chết nhưng bị hỏng một bên mắt và mất trí nhớ tạm thời, ký ức của ông hiện tại chỉ dừng lại ở một nhà nghiên cứu bướm. Vẫn biết phim ảnh là vi diệu rồi nhưng thế này có phải hơi quá rồi không? Với tôi, lý do này không thỏa đáng chút nào. Có cảm giác như Matthew Vaughn cho nhân vật ra đi trong ngẫu hứng rồi lại tìm đại một lý do trời ơi đất hỡi để đưa họ trở về vậy. Với sáng kiến mang tầm cỡ thế kỷ này, giải Nobel y học chắc chắn không thể tuột khỏi tay Ginger cùng đồng đội được. Việc Harry ở Statesman cũng làm nảy sinh một điều khó hiểu nữa. Chẳng lẽ ngay lúc ấy không thấy xác của Harry mà Eggsy với Merlin cũng không thắc mắc sao? Hay sau khi mải chiến đấu với Valentine thì quên luôn rồi?

Statesman có vẻ là nơi cho ra đời nhiều ý tưởng độc nhất vô nhị vì ngoài loại gel cải tử hoàn sinh ra, tổ chức này còn có cách gắn chip theo dõi vô tiền khoáng hậu. Đó là đưa bao cao su có chứa con chip vào vùng có chất nhầy của đối tượng. Xin lỗi chứ vừa nghe qua là một người trưởng thành đã có thể hình dung ra cách thức thực hiện rồi chứ không trong sáng đến nỗi nghĩ về cái mũi như Eggsy đâu. Có ai lại đi nhét bao cao su vào mũi không. Cảnh nóng này cũng gây nhiều tranh cãi đến mức nam chính Taron Egerton phải lên tiếng giải thích: “Đó là điều mà đạo diễn Matthew Vaughn đã làm để tạo ra phong cách riêng cho ông ấy. Ông ấy luôn muốn thực hiện những cảnh phim gây sốc kiểu đó. Trong Kick-Ass đã có cảnh diễn viên Chloe Grace Moretz nói tục, trong phần 1 của Kingsman là việc công chúa Thụy Điển quan hệ bằng “cửa sau”, và trong Kingsman 2 là cảnh ở Glastonbury. Nó sẽ không phù hợp với nhiều khán giả và điều này khiến họ phải bàn tán” (Nguồn: Xem tại đây). Phong cách riêng thế này thì cũng xin thua luôn. Quan hệ bằng “cửa sau” tôi không có ý kiến, kể cả có là công chúa hoàng tử gì đi nữa vì họ cũng chỉ là con người, và quan trọng là cả hai đều tự nguyện. Nhưng gặp tổ chức nào nghĩ ra cách này thì quá là dị hợm luôn. Đến đây với tôi thì chả còn tí hài hước nào nữa rồi, phải nói là vô duyên mới đúng.

Harry tìm lại được ký ức, tiếp tục là một Kingsman nên điểm sơ qua chúng ta đã có biệt đội năm điệp viên gồm Eggsy, Harry, Tequila, Whiskey và Ginger. Trong khi kẻ xấu thì chỉ có một nên đạo diễn quyết định rút bớt quân số bên ta để cho công bằng. Và người không may thuộc diện cắt giảm nhân lực là Tequila. Anh này chỉ đứng nói một thôi một hồi ở đoạn đầu, sau đó vì dùng phải ma túy dởm của Poppy nên bị cho vào tủ đông. Đến cuối phim khi mọi chuyện đã giải quyết êm xuôi, dùng thuốc giải đâu vào đấy mới được rã đông, nói thêm được mấy câu thì hết phim. Tôi vốn đã rất mong chờ vào màn thể hiện của Channing Tatum, ai ngờ đâu. Đây là lần thứ hai nhân vật của Channing Tatum mất hút từ sớm như vậy sau G.I. Joe: Retaliation. Đúng là việc nhẹ lương cao, không phải diễn mấy nhưng vẫn có một suất trên poster phim, chẳng bù cho đặc vụ Whiskey. Thân là kẻ phản diện sau cùng, lại có nhiều cảnh đánh đấm ra trò nhưng nào có được may mắn như Tequila. Mất tích trên poster, lại còn bỏ mạng trong cái máy xay thịt. Lúc thấy Whiskey cứ thấy quen quen, hóa ra đây chính là nam diễn viên Pedro Pascal, người đóng chung với Matt Damon trong The Great Wall.

Whiskey là kẻ phản bội đến cuối ai cũng rõ. Trong diễn biến phim không có một chi tiết nào thể hiện đều đó, các thành viên của Statesman không biết, Eggsy cũng không biết vậy mà việc này lại không qua mắt nổi Harry nhưng hóa ra ông cũng chỉ phán đoán dựa vào trực giác. Vậy có hơi ăn may không nhỉ? Đây cũng là một điểm trừ nữa của Kingsman: The Golden Circle khi cố gắng nhồi nhét nhiều vấn đề vào cốt truyện từ việc Eggsy vẫn đang học cách đối mặt với sự ra đi của Harry như thế nào cho đến rắc rối trong tình cảm với công chúa Tilde ra sao,…nhưng lại không thể giải quyết dứt điểm khiến nội dung phim trở nên hời hợt và có phần dài dòng. Được cái phim lại tiếp tục đưa ra một chuyện đáng suy nghĩ, chính là ý kiến của tổng thống và Whiskey về việc mượn kế hoạch của Poppy để giết hết những kẻ nghiện ngập trong xã hội. Nếu không có họ thì những tên trùm thuốc phiện hết đường làm ăn, không còn cướp bóc hay giết người, cũng không còn gánh nặng cho đất nước nữa. Nghe cũng có lý nhưng trợ lý tổng thống Fox cũng có quan điểm của mình khi cho rằng điều đó không công bằng với những người chỉ thử cho biết hay do khối lượng công việc quá nặng.

Nói đi thì cũng phải nói lại, Kingsman: The Golden Circle vẫn đáp ứng tốt phần nhìn khi phim không thiếu những cảnh quay đã mắt đã tai được thực hiện bởi các quý ông lịch lãm người Anh kết hợp với chất bui bặm của cao bồi kiểu Mỹ cùng những món vũ khí hiện đại. Nhưng (vâng, lại nhưng) lúc xem hết phim tôi chợt nhận ra hình như tất cả chỗ đánh đấm cháy nổ này đều được bê hết lên trailer rồi, tất nhiên là trừ đoạn Whiskey solo với Eggsy và Harry chứ nếu không lộ hết quả twist.

Hai nhân vật tôi không nghĩ sẽ làm nên chuyện hóa ra lại là chút điểm nhấn ít ỏi của phim. Đó chính là Merlin và Elton John. Xem đoạn Merlin gạt Eggsy rằng ông có thể vô hiệu hóa quả bom nhưng cuối cùng lại hi sinh chính mình để đánh lạc hướng đám lính canh mà thấy mắt rưng rưng. Bài hát Merlin hát trước lúc bom nổ là Take Me Home, Country Roads. Ca khúc này rất hay, các bạn hãy tìm nghe thử đi nhé :)). Còn Elton John thì hài khỏi bàn luôn. Sir tự mình hạ gục hai đàn em của Poppy bằng cú song phi sấm sét, góp công giúp Harry hạ gục một con chó máy. Chính màn thể hiện đẳng cấp này đã giúp khuấy động mạch phim vốn đều đều ru ngủ khi không có các đoạn đánh nhau.

Kingsman: The Golden Circle bị đánh giá thấp hơn phần 1 khi chỉ được 7.4/10 ở IMDb (Với tôi thế này vẫn là quá cao), Rotten Tomatoes đánh giá hỏng gần một nửa với 51%, bên metacritic.com cũng dưới mức trung bình với 46/100.

\=> Nếu ai đó hỏi tôi cảm nhận sau khi xem Kingsman: The Golden Circle, câu trả lời của tôi sẽ là: “Phim có rất nhiều cảnh hành động mãn nhãn nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó thôi”.

.

Tối hôm đi xem phim này về nặn mãi không ra chữ nào. Đến ngày thứ 7 ý tưởng tuôn trào, bắt đầu điên cuồng viết. Cuối cùng cũng xong. Nhìn lại thành quả, kín 4 mặt giấy A4 toàn chữ là chữ, dã man thật.