Đầu tư là gì ví dụ

Đầu tư là phương thức phổ biến để các cá nhân, tổ chức tìm kiếm lợi nhuận. Theo đó, cụm từ “dự án đầu tư” cũng được xuất hiện nhiều hơn. Vậy dự án đầu tư là gì? Ví dụ về dự án đầu tư và cách lập dự án đầu tư là như thế nào? Công ty Luật Tư Minh chúng tôi sẽ giải đáp những thắc mắc này thông qua bài tư vấn dưới đây.

Thuật ngữ “dự án” được hiều là những ý đồ, tính toán của con người về hoạt động diễn ra trong tương lai. Bất kỳ hoạt động, lĩnh vực nào cũng có thể có dự án nếu chủ thể của hoạt động coi đây là hoạt động cần thiết để đạt những mục tiêu nhất định trong tương lai.

1 .DỰ ÁN ĐẦU TƯ LÀ GÌ?

Khi xét về mặt hình thức, dự án đầu tư được hiểu là tập hợp hồ sơ tài liệu trình bày một cách chi tiết và có hệ thống các hoạt động, chi phí theo một kế hoạch để đạt được những kết quả và thực hiện được những mục tiêu nhất định trong tương lai.

Khi xét về mặt nội dung thì dự án đầu tư chính là một tập hợp các hoạt động có liên quan với nhau được kế hoạch hóa nhằm đạt được các mục tiêu đã định bằng việc tạo ra các kết quả cụ thể trong một thời gian nhất định, thông qua việc sử dụng các nguồn lực xác định.

Theo khoản 4 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020 thì sự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.

Như vậy, mỗi khía cạnh khác nhau thì dự án đầu tư được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, có thể khái quát về khái niệm dự án đầu tư là tập hợp các thông tin, dự liệu, hoạt động và một số yếu tố về tài chính, lao động, … để thực hiện một kế hoạch đã được lập ra trước đó. Căn cứ vào dự án đầu tư, ta có thể biết được thông tin về nhà đầu tư, các dự định mà nhà đầu tư sẽ tiến hành. Ngoài ra, dự án đầu tư còn là căn cứ quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép đầu tư và là căn cứ để nhà đầu tư triển khai hoạt động đầu tư và đánh giá hiệu quả của dự án.

2. Đặc điểm của dự án đầu tư

Từ khái niệm về dự án đầu tư nêu trên, ta có thể khái quát về đặc điểm cơ bản của dự án đầu tư như sau:

Thứ nhất, dự án đầu tư có sự tham gia của nhiều bên chủ thể

Nhìn chung, các dự án đầu tư có thể có sự tham gia của các chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, chủ thể tư vấn dự án, nhà thầu, chủ thể thụ hưởng kết quả đầu tư. Tùy thuộc vào tính chất nguồn vốn của dự án và quy mô vốn, lĩnh vực hoặc địa bàn đầu tư mà sự tham gia của các chủ thể vào dự án đầu tư là khác nhau. Khi số lượng chủ thể tham gia vào dự án đầu tư đông đảo thì kết quả của dự án sẽ phụ thuộc vào mức độ phối hợp ăn ý của các chủ thể với nhau, cũng như mức độ trách nhiệm với công việc của từng chủ thể.

Thứ hai, một dự án đầu tư có thể là dự án ngắn hạn hoặc dự án dài hạn và có thời gian tồn tại hữu hạn

Thời gian thực hiện dự án đầu tư có thể dài hoặc ngắn và chúng luôn hữu hạn. Cụ thể:

+ Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trong khu kinh tế không quá 70 năm.

+ Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ngoài khu kinh tế không quá 50 năm. Dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm thì thời hạn dài hơn nhưng không quá 70 năm.

+ Đối với các dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng nhà đầu tư chậm được bàn giao đất thì thời gian Nhà nước chậm bàn giao đất không tính vào thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.

Thứ ba, dự án đầu tư luôn có mục tiêu, mục đích rõ ràng

Bất kể là dự án đầu tư được xây dựng có thuộc lĩnh vực nào, thời gian thực hiện là bao lâu, chi phí ước tính như thế nào, … thì cũng đều phải có mục đích rõ ràng và những mục tiêu cụ thể. Mục tiêu đầu tư cũng là một trong những nội dung quan trọng được thể hiện trong đề xuất dự án đầu tư nộp kèm với hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư.

Chính vì vậy, để được xét duyệt dự án, thì ngoài việc chuẩn bị về kinh phí, đội ngũ nguồn nhân lực, chủ đầu tư phải đặt ra những mục tiêu cụ thể phù hợp với tiến trình thực hiện dự án. dự án đầu tư có thời gian tồn tại hữu hạn.

Thứ tư, dự án đầu tư có thể chuyển nhượng

Nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng dự án đầu tư cho người khác theo 02 phương thức: chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư. Để chuyển nhượng được dự án đầu tư thì phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 46 Luật Đầu tư năm 2020. Bao gồm:

– Dự án đầu tư hoặc một phần dự án đầu tư chuyển nhượng không thuộc một trong các trường hợp bị chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư năm 2020;

– Đáp ứng điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án đầu tư, một phần dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Đầu tư năm 2020;

– Tuân thủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

– Điều kiện quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc theo quy định khác của pháp luật có liên quan (nếu có);

– Khi chuyển nhượng dự án đầu tư, ngoài những vấn đề trên, doanh nghiệp nhà nước còn có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trước khi thực hiện việc điều chỉnh dự án đầu tư.

3. Phân loại dự án đầu tư và lấy ví dụ

3.1. Phân loại dự án đầu tư căn cứ vào địa điểm thực hiện

Căn cứ vào địa điểm thực hiện dự án đầu tư mà dự án đầu tư được phân loại thành:

– Dự án đầu tư trong nước: là dự án được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Nguồn vốn để thực hiện dự án có thể từ nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn luật điều chỉnh dự án đầu tư trong nước bao gồm văn bản pháp luật trong nước và các điều luật quốc tế.

– Dự án đầu tư ra nước ngoài: là dự án được thực hiện bởi nhà đầu tư quốc tịch Việt Nam ở nước ngoài. Nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài do nhà đầu tư tự huy động thông qua nhiều kênh. Khi thực hiện việc vay vốn bằng ngoại tệ hoặc chuyển vốn đầu tư bằng ngoại tệ thì nhà đầu tư phải tuân thủ điều kiện và thủ tục theo quy định của pháp luật về ngân hàng, về các tổ chức tín dụng, về quản lý ngoại hối. Nguồn luật điều chỉnh dự án đầu tư ra nước ngoài bao gồm Luật Đầu tư hiện hành và các văn bản pháp luật có liên quan, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư và Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3.2. Phân loại dự án đầu tư căn cứ mục đích thực hiện

Căn cứ vào các khoản 5, 6, 7 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020 thì căn cứ vào mục đích thực hiện, dự án đầu tư được phân thành 03 loại như sau:

– Dự án đầu tư mở rộng là dự án đầu tư phát triển dự án đầu tư đang hoạt động bằng cách mở rộng quy mô, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm hoặc cải thiện môi trường.

– Dự án đầu tư mới là dự án đầu tư thực hiện lần đầu hoặc dự án đầu tư độc lập với dự án đầu tư đang hoạt động.

– Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là dự án đầu tư thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.

3.3. Phân loại dự án đầu tư căn cứ vào nguồn vốn đầu tư

– Dự án đầu tư khi được phân loại dựa trên điều kiện về nguồn vốn đầu tư công bao gồm:

+ Vốn ngân sách nhà nước;

+ Vốn trái phiếu chính phủ;

+ Vốn công trái quốc gia;

+ Vốn trái phiếu chính quyền địa phương;

+ Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);

+ Vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài;

+ Vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước;

+ Vốn từ nguồn thu để lại đầu tư nhưng chưa đưa vào ngân sách nhà nước;

+ Vốn vay khác của ngân sách địa phương.

– Ngoài ra, còn có các dự án đầu tư bằng các nguồn vốn khác như:

+ Vốn vay thương mại;

+ Vốn liên doanh liên kết;

+ Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;

+ Vốn huy động trên các thị trường tài chính;

+ Vốn tư nhân.

3.4. Phân loại dự án đầu tư căn cứ vào thời hạn hoạt động

Căn cứ vào thời gian thực hiện, dự án đầu tư được chia thành dự án đầu tư trung hạn và dự án đầu tư dài hạn

– Dự án đầu tư dài hạn: là dự án có thời gian thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh kéo dài, khối lượng công việc lớn, nguồn vốn được sử dụng nhiều nhưng thời gian thu hồi vốn lâu. Ví dụ như các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở hoặc dự án phát triển khoa học kỹ thuật đều là dự án đầu tư dài hạn.

– Dự án đầu tư trung hạn: là dự án được tiến hành trong thời gian ngắn, tính chất của hoạt động đầu tư đơn giản và cần ít vốn.

Việc xác định dự án đầu tư trung hạn hay dài hạn chỉ mang tính tương đối vì pháp luật đầu tư không giải thích thế nào là dài hạn, trung hạn. Tuy nhiên đây cũng là một tiêu chí cần thiết để nhà đầu tư phân bổ thời gian hợp lý để từ đó lên kế hoạch nội dung công việc cho từng giai đoạn thực hiện hoạt động đầu tư.

3.5. Phân loại dự án đầu tư căn cứ theo lĩnh vực đầu tư

– Dự án đầu tư lĩnh vực giao thông vận tải: là dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đường bộ hoặc đường thủy, các hoạt động đầu tư bảo dưỡng phát triển hệ thống giao thông;

– Dự án đầu tư lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp;

– Dự án đầu tư lĩnh vực công nghiệp;

– Dự án đầu tư lĩnh vực xây dựng.

3.6. Phân loại dự án đầu tư căn cứ vào thủ tục đầu tư

Căn cứ vào thủ tục đầu tư, dự án đầu tư có thể chia thành 03 loại sau:

– Dự án đầu tư phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư;

– Dự án đầu tư phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

– Dự án đầu tư không phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

4. Cách lập dự án đầu tư

4.1. Yêu cầu đối với dự án đầu tư

Để dự án đầu tư có tính khả thi thì khi tiến hành thành lập dự án, người lập dự án đầu tư cần lưu ý một số yêu cầu sau:

Thứ nhất, phải đảm bảo tính khoa học cho dự án đầu tư

– Khi lập dự án đầu tư, người soạn thảo, lập dự án đầu tư phải có một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, tính toán thận trọng và chính xác từng nội dung dự án, đặc biệt là các nội dung về công nghệ, tài chính, thị trường sản phẩm và dịch vụ. Tính khoa học của dự án được thể hiện trên những khía cạnh chủ yếu sau:

+ Về số liệu thông tin: Những dữ liệu, thông tin để xây dựng dự án phải đảm bảo trung thực, chính xác, phải chứng minh được nguồn gốc và xuất xứ của những thông tin và những số liệu đã thu thập được (do các cơ quan có trách nhiệm cung cấp, nghiên cứu tìm hiểu thực tế…).

+ Về phương pháp lý giải: Các nội dung của dự án không tồn tại độc lập, riêng rẽ mà chúng luôn nằm trong một thể thống nhất, đồng bộ. Vì vậy, quá trình phân tích, lý giải các nội dung đã nêu trong dự án phải đảm bảo logic và chặt chẽ. Ví dụ, vấn đề mối quan hệ giữa các yếu tố thị trường, kỹ thuật và tài chính của dự án – quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất – lắp ráp xe ga hay xe số.

+ Về phương pháp tính toán: Khối lượng tính toán trong một dự án thường rất lớn. Do đó, khi thực hiện tính toán các chỉ tiêu cần đảm bảo đơn giản và chính xác. Đối với các đồ thị, các bản vẽ kỹ thuật phải đảm bảo chính xác về kích thước, tỷ lệ.

– Về hình thức trình bày: Dự án chứa đựng rất nhiều nội dung, nên khi trình bày phải đảm bảo có hệ thống, rõ ràng và đơn giản.

Thứ hai, dự án đầu tư phải đảm bảo tính pháp lý

Khi lập dự án đầu tư, người soạn thảo dự án cần có cơ sở pháp lý vững chắc, tức là phù hợp với chính sách và luật pháp của Nhà nước. Điều này đòi hỏi người soạn thảo dự án phải nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Nhà nước và các văn bản luật pháp có liên quan đến các hoạt động đầu tư đó.

Thứ ba, dự án đầu tư phải đảm bảo tính thực tiễn

Tính thực tiễn của dự án đầu tư thể hiện ở khả năng ứng dụng và triển khai trong thực tế. Do đó, các nội dung, khía cạnh phân tích của dự án đầu tư không thể chung chung mà dựa trên những căn cứ thực tế, phải được nghiên cứu xác định trên cơ sở phân tích đánh giá đúng mức các điều kiện và hoàn cảnh có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến hoạt động đầu tư. Dự án đầu tư phải được xây dựng trong điều kiện và hoàn cảnh cụ thể về mặt bằng, thị trường, vốn…

Thứ tư, dự án đầu tư phải đảm bảo tính đồng nhất

Lập và thực hiện dự án đầu tư là cả một quá trình gian nan, phức tạp. Đó không phải là công việc độc lập của chủ đầu tư mà nó liên quan đến nhiều bên như cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, các nhà tài trợ, … Vậy nên, dự án đầu tư phải tuân thủ đúng các quy định chung của ngành chức năng về hoạt động đầu tư đó là quy trình lập dự án, các thủ tục quy định về đầu tư.

Thứ năm, tính phỏng định cho dự án đầu tư

Những nội dung, tính toán về quy mô sản xuất, chi phí, giá cả, doanh thu, lợi nhuận… trong dự án chỉ có tính chất dự trù, dự báo. Đối với nhà đầu tư, một dự án đầu tư thành công thì phải có hiệu quả tài chính, tức là đầu tư không bị lỗ. Tuy nhiên, trên thực tế thường xảy ra không hoàn toàn đúng như dự báo. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, thực tế xảy ra lại khác xa so với dự kiến ban đầu trong dự án. Bởi mỗi dự án đầu tư được thực hiện trong một thời gian dài, trong suốt thời gian đó, việc sử dụng vốn của nhà đầu tư khó tranh khỏi những tác động của yếu tố môi trường và các nhà đầu tư có thể gặp những cơ hội thuận lợi hoặc những thách thức mà họ không thể lường trước được khi bắt đầu đầu tư.

4.2. Các bước phải thực hiện khi lập dự án đầu tư

Để lập một dự án đầu tư có chất lượng, có hiệu quả thì người soạn thảo dự án phải tiến hành theo trình tự sau:

Bước 1: Nghiên cứu, đánh giá thị trường đầu tư

Bước 2: Xác định thời điểm đầu tư, quy mô đầu tư và lựa chọn hình thức đầu tư

Bước 3: Tiến hành các hoạt động khảo sát và lựa chọn địa bàn đầu tư

Bước 4: Lập dự án đầu tư

Sau khi thực hiện xong các công việc trên thì người soạn thảo tiến hành lập dự án đầu tư. Dự án đầu tư được biểu hiện ở 02 loại văn kiện sau:

– Báo cáo tiền khả thi

Báo cáo tiền khả thi là báo cáo cung cấp thông tin một cách tổng quát về dự án. Qua đó chủ đầu tư có thể đánh giá sơ bộ tính khả thi của dự án. Đồng thời lựa chọn phương án đầu tư thích hợp nhất cho dự án. Báo cáo tiền khả thi là căn cứ để xây dựng báo cáo khả thi. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bao gồm các nội dung sau:

+ Định hướng đầu tư, điều kiện thuận lợi và khó khăn

+ Qui mô dự án và hình thức đầu tư

+ Khu vực và địa điểm đầu tư (dự kiến các nhu cầu sử dụng đất, các vấn đề ảnh hưởng môi trường, xã hội, tái định cư, nhân công) được phân tích, đánh giá cụ thể

+ Phân tích, đánh giá sơ bộ về thiết bị, công nghệ, kỹ thuật và điều kiện cung cấp các vật tư, nguyên vật liệu, dịch vụ, hạ tầng cơ sở

+ Lựa chọn các phương án xây dựng

+ Xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động vồn, khả năng thu hồi vốn, khả năng trả nợ và thu lãi

+ Có các đánh giá về hiệu quả đầu tư về mặt kinh tế – xã hội của dự án

+ Thành phần, cơ cấu của dự án được trình bày theo tổng hợp hay chia nhỏ các hạng mục.

Trong trường hợp Báo cáo tiền khả thi phải được phê duyệt theo quy định của pháp luật thì sau khi được phê duyệt, nhà đầu tư có thể tiến hành xây dựng bản báo cáo chi tiết, đầy đủ theo hướng đã lựa chọn trong báo cáo tiền khả thi, đó là Báo cáo khả thi.

– Báo cáo khả thi

Báo cáo khả thi là tập hợp các số liệu, dữ liệu phân tích, đánh giá, đề xuất chính thức về nội dung của dự án theo phương án đã được chủ đầu tư lựa chọn. Đây cũng là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền thẩm tra và quyết định đầu tư. Nội dung của Báo cáo khả thi bao gồm:

+ Các căn cứ để xác định sự cần thiết phải đầu tư;

+ Mục tiêu đầu tư;

+ Địa điểm đầu tư;

+ Quy mô dự án;

+ Vốn đầu tư;

+ Thời gian, tiến độ thực hiện dự án;

+ Các giải pháp về kiến trúc, xây dựng, công nghệ, môi trường;

+ Phương án sử dụng lao động, quản lý, khai thác dự án;

+ Các hình thức quản lý dự án;

+ Hiệu quả đầu tư;

+ Xác định các mốc thời gian chính thực hiện dự án;

+ Tính chất tham gia, mối quan hệ cũng như trách nhiệm của các cơ quan liên quan

Bước 5: Gửi hồ sơ dự án và văn bản trình đến người có thẩm quyền quyết định đầu tư tổ chức cho vay vốn đầu tư (đối với dự án sử dụng nguồn vốn vay) và cơ quan thẩm định dự án đầu tư (đối với các dự án phải thẩm tra đầu tư).

Như vậy, việc lập xong 02 bản báo cáo tiền khả thi và báo cáo khả thi nêu trên đồng nghĩa với việc nhà đầu tư đã hoàn thành dự án đầu tư về mặt kế hoạch và kết thúc giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuyển sang giai đoạn làm các thủ tục đầu tư, triển khai đầu tư trên thực tế.

Mọi vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 0918254646 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua Email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Tư Minh