Mục tiêu đến năm 2030 tỉnh bắc giang xác định có bao nhiêu sản phẩm ocop

24/06/2020

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm [OCOP] là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Năm 2020, Bắc Giang tiếp tục quan tâm đầu tư chương trình OCOP với việc lựa chọn, phát triển nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu.

Ngày 07/5/2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân [doanh nghiệp, hộ sản xuất] và kinh tế tập thể thực hiện.

Để thực hiện tốt chương trình này, ngày 29/6/2018 UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 975/QĐ-UBND Phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của chương trình là phát triển, tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm làng nghề, nông nghiệp hiện có, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh, trong đó dự kiến đến hết năm 2020 phát triển ít nhất 03 sản phẩm OCOP đạt hạng 05 sao cấp quốc gia [dự kiến Vải thiều Lục Ngạn; Mỳ Chũ và Gà đồi Yên Thế]; Đồng thời củng cố, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh [ưu tiên phát triển HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa] để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.


Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn thăm gian hàng sản phẩm OCOP tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2019

Để đảm bảo thực hiện đúng các nội dung theo chu trình OCOP thường niên, ngay từ đầu năm 2019 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai đến UBND các huyện, thành phố tiến hành đăng ký sản phẩm tham gia chương trình. Tiến hành rà soát, đánh giá sơ bộ các sản phẩm đăng ký tham gia để có kế hoạch tư vấn phát triển và hoàn thiện sản phẩm. Theo đó, năm 2019, UBND các huyện, thành phố đã lựa chọn, đăng ký 62 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, tập trung vào các sản phẩm đã có nhưng chưa hoàn thiện. Lục Ngạn lựa chọn sản phẩm mỳ gạo Chũ, các sản phẩm cây ăn quả, giấm các loại…; Sơn Động là các sản phẩm mật ong, nấm, rượu men lá…; Yên Thế lựa chọn các sản phẩm chè xanh Bản Ven, gà đồi Yên Thế, rượu men lá Lộc Sơn…; Lục Nam lựa chọn sản phẩm nhãn, chè hoa vàng,…

Hầu hết các sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng năm 2019 của tỉnh được đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, có mã số mã vạch và được ký kết tiêu thụ với các đơn vị phân phối, bán lẻ, bán thương mại điện tử… Kết quả đánh giá, phân hạng năm 2019, tỉnh Bắc Giang có 46 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 15 sản phẩm hạng 4 sao và 31 sản phẩm hạng 3 sao. Các sản phẩm sau khi được công nhận sản phẩm OCOP của các đơn vị được tham gia các chương trình hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại, đã nhận được sự quan tâm của khách hàng, các nhà phân phối, các đại lý trong và ngoài tỉnh. Nhiều đơn vị, chủ thể sản xuất tham gia đã ký được hợp đồng phân phối với các siêu thị, đại lý và các nhà phân phối. Bên cạnh đó, các đơn vị tham gia hội chợ cũng đã có cơ hội để nghiên cứu thị trường, nghiên cứu các sản phẩm cùng loại của các tỉnh, tìm hiểu yêu cầu của các nhà phân phối để từu đó làm cơ sở hoàn thiện và phát triển sản phẩm của đơn vị.


Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang năm 2019

Cùng với việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền về Chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng tăng cường tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý cho chủ thể sản xuất và cán bộ quản lý thực hiện Chương trình OCOP các cấp; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm; hỗ trợ tư vấn phát triển sản phẩm và tiêu chuẩn hóa sản phẩm OCOP; triển khai các hoạt động thực hiện chu trình OCOP,… Đặc biệt là hỗ trợ sản phẩm đăng ký tham gia OCOP năm 2019 chưa đạt tiêu chí OCOP tiếp tục tham gia năm 2020 và các sản phẩm mới tham gia OCOP năm 2020; hỗ trợ củng cố và nâng cấp các sản phẩm đạt 3 – 4 sao năm 2019 tham gia nâng hạng sao; Tiêu chuẩn hóa các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, hỗ trợ quản lý nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, quản lý nhãn hiệu các sản phẩm OCOP, làm cho người dân và các chủ thể thay đổi tư duy, nhận thức về phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn hóa sản phẩm và nhãn mác, bao bì đóng gói đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được năm 2019, trong năm 2020, tỉnh chủ động đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 975/QĐ-UBND của UBND tỉnh, đồng thời tạo tiền đề cho công tác xây dựng Chương trình OCOP giai đoạn 2021- 2025 của tỉnh. Theo Kế hoạch số 4130/KH-UBND ngày 19/11/2019 của UBND tỉnh Triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bắc Giang năm 2020”, UBND tỉnh yêu cầu: các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, là chương trình phát triển kinh tế quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với việc phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mối địa phương; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư, thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, góp phần hoàn thành Chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: //congthuong.vn/

Thứ năm, ngày 10 tháng 11 năm 2022 | 14:3

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang [người ở giữa] chủ trì Hội thảo.

Còn nhiều khó khăn

Báo cáo tại Hội thảo, ông Lê Bá Thành, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, sau hơn 4 năm triển khai Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang đã mang lại kết quả tích cực, trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa trong khu vực nông thôn, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tác động đến phát triển KT-XH khu vực nông thôn góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Đến nay, Bắc Giang có 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 01 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao [vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân], 42 sản phẩm 4 sao [chiếm 23,3%], 138 sản phẩm 3 sao [chiếm 76,7%]. Đặc biệt, tỉnh có 01 sản phẩm OCOP 3 sao về dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Toàn cảnh Hội thảo.

Theo ông Thành, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Bắc Giang cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: nguồn lực triển khai Chương trình chủ yếu là lồng ghép các Chương trình, dự án khác đang triển khai trên địa bàn. Công tác tuyên truyền chưa đa dạng, nhiều chủ thể sản phẩm OCOP tiềm năng chưa hiểu rõ và nhận thức đầy đủ về lợi ích khi tham gia Chương trình.

Công tác rà soát phát triển sản phẩm mới tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa hoặc ít quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống. Số lượng sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình hàng năm nhiều nhưng thực tế sản phẩm đủ điều kiện đánh giá, phân hạng thấp.

Ông Lê Bá Thành, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang trao đổi về kết quả sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP.

Sản phẩm OCOP đã có những thay đổi tích cực về chất lượng, bao bì, nhãn mác, tuy nhiên việc tuân thủ và áp dụng các quy định hiện hành về quản lý chất lượng, ghi bao bì, nhãn mác, khoa học công nghệ còn thấp, chủ yếu vẫn là sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Quy trình sản xuất chưa đồng bộ, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu, bảo hộ mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp. Quy mô sản xuất nhỏ phục vụ thị trường hẹp, khó đáp ứng được các đơn hàng lớn và liên tục, khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế.

Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm thực hiện theo phương pháp thủ công dẫn tới công tác tổng hợp điểm đánh giá, phân hạng gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian thực hiện. Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về sản phẩm OCOP còn hạn chế, thông tin dữ liệu chưa thể hiện hết hồ sơ của sản phẩm, khó khăn cho công tác truy xuất, khai thác thông tin về sản phẩm OCOP phục vụ công tác quản lý và xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.

Công tác quản lý sản phẩm sau phân hạng hiện chưa có quy chế quản lý, kiểm tra, giám sát các sản phẩm sau khi đã được cấp chứng nhận và chế tài xử lý khi sản phẩm không duy trì được các tiêu chí của chương trình.

Nhiều sản phẩm OCOP là các sản phẩm chủ lực của Bắc Giang trưng bày tại Hội thảo.

Ông Thành cho biết, Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 350 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 5 sao. Để tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, tỉnh mong muốn Văn phòng Điều phối Trung ương, các tỉnh, thành phố và quý vị đại biểu định hướng chỉ đạo, hướng dẫn, chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Vọng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Quảng Ninh cho biết, sức sống của Chương trình OCOP là từ cộng đồng, do đó cộng đồng cần được biết, được bàn, được triển khai, kiểm tra và thụ hưởng các thành quả của Chương trình. Để thực hiện được điều này, việc tuyên truyền đón vai trò quyết định.

Trước hết để có thể tuyên truyền đến người dân thì đội ngũ cán bộ các cấp phải có nhận thức về chương trình, do đó ngay sau khi có Đề án Mỗi xã phường một sản phẩm được phê duyệt, Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh với 450 đại biểu tham dự. Sau hội nghị các cán bộ chủ chốt triển khai đến các phòng, ban, các thôn, khu và các tổ chức kinh tế trên địa bàn cấp huyện.

Tiếp theo là tuyên truyền thông qua các hội thảo, tập huấn sâu cho cán bộ, doanh nghiệp người dân về chu trình OCOP; tuyên truyền thông qua các mô hình, điển hình thành công trong qua trình sản xuất, kinh doanh; tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin của tỉnh, đồng thời phối hợp với các cơ quan báo thường trú trên địa bàn để tuyên truyền về Chương trình OCOP.

Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên chia sẻ về kinh nghiệm, cách làm OCOP tại Thái Nguyên.

Cùng về vấn đề này, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên cho biết, công tác tuyên truyền rất quan trọng nên chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông để người dân hiểu được thế nào là OCOP. Tại các huyện phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền. Thái Nguyên tuyên truyền trên rất nhiều phương tiện thông tin của địa phương và trung ương, lòng ghép các chương trình, hội thi, sân khấu hóa về phát triển các sản phẩm OCOP.

Cùng với việc tuyên truyền, Thái Nguyên đẩy mạnh tập huấn và hướng dẫn cho các chủ thể trong quá trình thực hiện. Tổ chức thông qua các các hội chợ, triển lãm sản phẩm. Từ đó, giúp người dân và các xã hiểu rõ mục đích của Chương trình OCOP. Giờ đây, các địa phương của Thái Nguyên hiểu rất rõ chương trình, đặc biệt là biết cách lựa chọn các lợi thế để thực hiện.

Đưa sản phẩm OCOP lên tầm cao mới

Bế mạc Hội thảo ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang mong muốn, các nhà khoa học, doanh nghiệp và các tỉnh bạn tiếp tục phối hợp, hỗ trợ và giúp đỡ tỉnh Bắc Giang trong triển khai thực hiện, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; các tỉnh bạn chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương các sản phẩm OCOP giữa các tỉnh.

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang bế mạc Hội thảo.

Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn hình thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, hình thành chuỗi liên kết sản phẩm OCOP; hỗ trợ các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP về nguồn lực, về cơ chế chính sách để tạo điều kiện phát triển; vận dụng hiệu quả linh hoạt các chính sách để hỗ trợ các chủ thể để hoàn thiện sản phẩm như hỗ trợ hạ tầng, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao bì, in tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác và kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm,... Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử.

Các đại biểu tham quan các sản phẩm OCOP trưng bày tại Hội thảo.

Các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP tiếp tục quan tâm hoàn thiện bao bì, nhãn mác cho sản phẩm của đơn vị mình, tuân thủ nghiêm các quy định sản xuất an toàn, chất lượng, thường xuyên quan tâm đến việc nâng hạng sao; xác định khi tham gia vào Chương trình OCOP, sản phẩm sẽ được nâng lên tầm cao mới với quy chuẩn, tiêu chí chất lượng tốt nhất, sản phẩm sẽ được gọi tên và mang thương hiệu cụ thể để từ đó có định hướng đúng đắn trong sản xuất cũng như tham gia thực hiện Chương trình.

Đề nghị, các cơ quan truyền thông tiếp tục phối hợp cùng các sở ngành của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội hiểu mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP để tập trung phát triển các sản phẩm của địa phương.

Hoàng Văn

Video liên quan

Chủ Đề