Nguyên nhân biểu tình áo vàng ở pháp

Phong trào “áo vàng” ở Pháp khởi nguồn là những chỉ trích trên mạng về vấn đề tăng thuế nhiên liệu, biến thành các cuộc biểu tình trên toàn quốc, dẫn đến bạo loạn, buộc chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron phải thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết tình trạng bất ổn.

Vào ngày 18/10/2018, một nghệ sĩ ác-cooc-đê-ông tên là Jacline Mouraud đăng tải một đoạn phim quay tại phòng khách nhà mình, lên án “Ngài Macron” và hỏi Tổng thống nước Pháp đã làm gì với tiền thuế của người dân. Đoạn phim nhanh chóng được lan truyền trên mạng, Mouraud trở thành người tiên phong của phong trào “áo vàng” (cái tên “áo vàng” được đặt theo loại áo khoác bảo hộ phản quang mà các tài xế phải mang theo trong xe). Một bản kiến nghị giảm giá nhiên liệu nhanh chóng được đăng lên mạng và thu hút hàng chục ngàn chữ ký.

Nguyên nhân biểu tình áo vàng ở pháp
Phong trào “áo vàng” tổ chức biểu tình

Thứ bảy, ngày 17/11, gần 290.000 người biểu tình áo vàng phong toả các con đường trên khắp nước Pháp. Sau một tuần chặn các đường cao tốc, một cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra tại thủ đô Pari vào thứ bảy, ngày 24/11, hàng ngàn người biểu tình đụng độ với cảnh sát tại điện Champs-Elysees. Ước tính có khoảng hơn 150.000 người biểu tình trên khắp nước Pháp, bao gồm 8.000 người ở Pari. Chính phủ Pháp buộc phải có những hành động nhưng chưa đủ để làm dịu căng thẳng, như: Tổng thống Macron sẽ đề xuất một cơ chế để điều chỉnh tăng thuế nhiên liệu, tổ chức tham vấn quốc gia trong ba tháng; Thủ tướng Philippe nỗ lực tìm cách nói chuyện với những người “áo vàng” nhưng cuộc gặp đã không thể diễn ra. Đỉnh điểm là vào ngày 1/12, hàng chục nghìn người biểu tình tập trung tại Khải Hoàn Môn và nhiều khu phố ở trung tâm thủ đô Pari, những người quá khích đã đập phá, đốt xe cộ, cửa hàng. Đây được coi như cuộc bạo loạn tồi tệ nhất trong vòng 50 năm trở lại đây tại Pháp. Lực lượng an ninh, bao gồm cả xe bọc thép được huy động, đã phải sử dụng vòi rồng và hơi cay trấn áp biểu tình. Hàng trăm người bị thương, nhiều người cũng đã bị bắt giữ vì có âm mưu hoặc thực hiện hành vi bạo lực. Phong trào biểu tình kéo dài khiến chính phủ Pháp phải có những nhượng bộ rõ rệt hơn như việc hoãn tăng thuế nhiên liệu trong vòng 6 tháng.

Sang năm 2019, quy mô các cuộc biểu tình đã có phần giảm xuống, những người biểu tình tập trung hơn vào việc yêu cầu Tổng thống Macron từ chức và yêu sách “Trưng cầu về sáng kiến công dân” (RIC). Chính phủ Pháp cũng có biện pháp cứng rắn khi bắt giữ một thủ lĩnh của phong trào. Tính đến nay, biểu tình đã tiếp diễn đến tuần thứ 10 và chưa có dấu hiệu kết thúc bất chấp việc chính phủ đã bắt đầu các hoạt động thảo luận, thu thập ý kiến người dân nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng xã hội.

Nếu đây chỉ là những cuộc biểu tình thông thường thì đã không thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến như vậy. Bởi biểu tình đã được hợp pháp hóa và diễn ra thường xuyên tại Pháp. Điển hình là phong trào đình công, biểu tình của ngành đường sắt tại Pháp, hầu như năm nào cũng diễn ra và mới nhất là vào tháng 4/2018. Tuy nhiên, biểu tình của phong trào “áo vàng” lần này không chỉ có quy mô lớn hơn mà còn có tính chất khác.

Thứ nhất, phong trào “áo vàng” không có tổ chức lãnh đạo chặt chẽ, chính phủ Pháp gặp rất nhiều khó khăn trong đàm phán với người biểu tình vì không có một tổ chức với ban nhân sự cụ thể đại diện cho phong trào, và những người biểu tình cũng không liên kết với bất kỳ đảng phái chính trị, tổ chức đoàn thể nào. Ngay từ lúc mới nhen nhóm, sức mạnh của mạng xã hội đã đóng góp một phần rất lớn vào việc lan truyền, tập hợp những người có cùng quan điểm.

Thứ hai, đó là biểu tình nhưng kèm theo bạo loạn. Các hành động phá hoại của công, tài sản cá nhân, xâm phạm đến các di tích lịch sử, văn hóa của nước Pháp là hành vi vi phạm pháp luật. Thiệt hại về kinh tế gây ra cho nước Pháp là hàng tỷ euro, cùng với đó là việc mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến các giá trị về văn hóa, lịch sử và hình ảnh của một nước Pháp văn minh. Nguyên nhân có thể vì người dân quá bất mãn với chính phủ nhưng cũng không loại trừ khả năng có những nhóm người cực đoan quá khích kích động bạo lực, thậm chí là sự can thiệp cũng những thế lực chính trị đối lập với tổng thống Macron.

Thứ ba, dù có tổ chức lỏng lẻo, do tác động của bên trong hay bên ngoài thì những cuộc biểu tình đã huy động được một lực lượng đông đảo người dân, tác động rất lớn đến tình hình chính trị - xã hội của nước Pháp. Bởi xét cho cùng nó đã nói lên mâu thuẫn âm ỉ kéo dài về sự bất bình đẳng trong xã hội Pháp. Những người lao động và tầng lớp trung lưu tại Pháp càng ngày càng phải gánh thêm nhiều thứ thuế mà giá cả sinh hoạt vẫn tăng cao, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày một lớn. Theo hãng tin Reuters dẫn chứng kết quả của một nhóm nghiên cứu tại Pari và số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hệ thống phúc lợi và phân phối thu nhập ở Pháp không phải quá tồi tệ nếu so sánh với các nước trong khối OECD. Nhưng người nghèo ở Pháp có rất ít hy vọng để cải thiện cuộc sống của họ bất chấp hàng tỷ euro mà chính phủ chi ra. Đồng thời, để tài trợ cho trợ cấp chính phủ lại cần một hệ thống thuế tương ứng và không ai khác, những người thuộc tầng lớp trung lưu phải chịu gánh nặng thuế nhiều nhất. Việc Tổng thống Macron bãi bỏ thuế tài sản đối với người có thu nhập cao đã gây nên sự thất vọng của những người nộp thuế ở tầng lớp trung lưu. Những vấn đề khác như thiếu việc làm, suy giảm dịch vụ công… đã làm tăng thêm sự không hài lòng của người dân vùng nông thôn. Như vậy, một nước Pháp với những người nghèo phải sống dựa vào trợ cấp còn tầng lớp trung lưu luôn bất bình vì gánh nặng thuế trở nên rất nhạy cảm với những áp lực từ chi phí sinh hoạt hàng ngày. Do đó, việc chính phủ định tăng thuế diesel lên gần 20% đã làm gia tăng nỗi lo sợ về tăng giá sinh hoạt cũng như sự phẫn nộ dành cho “Tổng thống của người giàu” (cách những người phản đối nói về Tổng thống Pháp), như một giọt nước tràn ly trong xã hội Pháp.

Thứ tư, phong trào “áo vàng” còn cho thấy sức ảnh hưởng lan rộng đến các quốc gia khác. Lấy cảm hứng từ nước Pháp, một số cuộc biểu tình cũng diễn ra ở các nước châu Âu, như Bỉ, Hà Lan, và thậm chí ở châu Mỹ, như Canada để phản đối một chính sách nào đó của chính phủ. Tuy hiện tại, các cuộc biểu tình trên đều diễn ra trong hoà bình và nằm trong tầm kiểm soát của các chính phủ sở tại nhưng đây cũng là điều đáng quan tâm vì quốc gia nào cũng sẽ có những vấn đề nội bộ khiến một bộ phận người dân bất mãn, nhất là trong hoàn cảnh các nước châu Âu chuẩn bị tiến hành bầu cử vào giữa năm 2019.

Những diễn biến ở Pháp đã cho thấy điều người dân quan tâm trước nhất là giá cả, chi phí sinh hoạt, phúc lợi xã hội nên mục tiêu của mỗi quốc gia bao giờ cũng là bảo đảm và nâng cao đời sống vật chất của người dân. Nhưng trong dài hạn, để đất nước phát triển ổn định thì cần phải hạn chế tối đa được sự bất bình đẳng, giải quyết được những mâu thuẫn kéo dài trong lòng xã hội. Người ta cũng lại một lần nữa chứng kiến sức mạnh của mạng xã hội và các phương tiện thông tin truyền thông khi phong trào “áo vàng” ở Pháp khởi nguồn chỉ từ một đoạn phim trên mạng. Do đó, trong thời buổi phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, không gian mạng sẽ là một kênh quan trọng làm cầu nối giữa người dân và chính phủ, là một công cụ đắc lực phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Cuối cùng, trong giải quyết các vấn đề xã hội, cần luôn cảnh giác và có biện pháp ngăn chặn không để các phần tử, thế lực thù địch lợi dụng cơ hội để lôi kéo, kích động người dân có những hành vi vi phạm pháp luật, gây mất ổn định an ninh trật tự.

Ths Nguyễn Thị Nguyệt Anh - Khoa Kinh tế chính trị