Những điều cần biết về bệnh ung thư vú

  1. Trang chủ
  2. Tìm hiểu về cơ sở vật chất và dịch vụ
  3. Centre of Excellence
  4. Chăm sóc và điều trị ung thư
  5. Ung thư vú

  • Ung thư vú là gì?

    Ung thư vú xảy ra khi các tế bào ung thư có hại (ác tính) được phát hiện trong mô vú, tình trạng này thường phát triển từ các ống bên trong vú. Các tế bào ung thư sau đó có thể lan rộng ra toàn bộ vú và sang các bộ phận khác trên cơ thể.

    Những điều cần biết về bệnh ung thư vú

    Mức độ phổ biến của ung thư vú?

    Ung thư vú là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở phụ nữ Singapore hiện nay. Cứ 16 phụ nữ Singapore thì có gần 1 người được chẩn đoán mắc ung thư vú trong cuộc đời. Phụ nữ Trung Quốc có nguy cơ phát triển ung thư vú cao hơn so với phụ nữ Malaysia và Ấn Độ. Tỷ lệ mắc ung thư vú cao nhất xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi từ 40 - 69. May mắn là thông qua phát hiện sớm và cải tiến phương pháp điều trị, ngày càng có nhiều phụ nữ có thể sống sót trước căn bệnh này.

    Báo cáo Thường niên Giữa kỳ của Cơ quan Đăng ký Ung thư Singapore, Xu hướng mắc ung thư ở Singapore trong giai đoạn 2010 - 2014, Văn phòng Đăng ký Bệnh tật Quốc gia (công bố ngày 26 tháng 5 năm 2015)

    Nguyên nhân gây ung thư vú là gì?

    Vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ung thư vú, tuy nhiên, có nhiều yếu tố nguy cơ đã được biết đến, ví dụ như tiền sử gia đình mắc ung thư vú. Bất kỳ phụ nữ nào cũng có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là những phụ nữ từ 40 tuổi trở lên. Có thể điều trị hiệu quả ung thư vú nếu phát hiện sớm, vì vậy, tầm soát định kỳ là một yếu tố rất quan trọng giúp tăng tỷ lệ điều trị và hồi phục thành công.

  • Các dấu hiệu và triệu chứng

    Những điều cần biết về bệnh ung thư vú

    Ung thư vú có thể bao gồm các triệu chứng sau:

    • Cục u không đau ở vú
    • Ngứa và phát ban kéo dài quanh núm vú
    • Chảy máu hoặc tiết dịch bất thường ở núm vú
    • Vùng da trên vú sưng và dày lên
    • Vùng da trên vú sần vỏ cam hoặc nhăn nheo
    • Núm vú bị tụt hoặc lõm vào trong

    Hướng dẫn kiểm tra vú dành cho phụ nữ bình thường có nguy cơ mắc ung thư vú và không biểu hiện triệu chứng:

    39 tuổi trở xuống
    • Tự kiểm tra vú hàng tháng
    40 – 49 tuổi
    • Tự kiểm tra vú hàng tháng
    • Cân nhắc thực hiện tầm soát bằng phương pháp chụp nhũ ảnh mỗi năm một lần – trao đổi vấn đề này với bác sĩ
    50 – 69 tuổi
    • Tự kiểm tra vú hàng tháng
    • Tầm soát bằng phương pháp chụp nhũ ảnh 2 năm một lần

    Bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc ung thư vú và các yếu tố nguy cơ khác có thể cần thực hiện một kế hoạch tầm soát khác - vui lòng hỏi ý kiến bác sĩ.

  • Chẩn đoán và đánh giá

    Những điều cần biết về bệnh ung thư vú

    Ung thư vú được chẩn đoán bằng cách nào?

    • Khám lâm sàng - đặc biệt trong trường hợp có cục u hoặc tiết dịch ở núm vú, hoặc phát hiện có thay đổi bất thường ở vú.
    • Chụp nhũ ảnh - một công cụ chẩn đoán hình ảnh đặc biệt bằng X-quang có thể phát hiện các khối bất thường trong vú như mảng lắng đọng canxi, u nang và u.
    • Siêu âm - để kiểm tra các bất thường được phát hiện trên nhũ ảnh. Siêu âm có thể giúp phân biệt giữa một khối đặc, có thể là ung thư, với một u nang chứa dịch, thường không phải là ung thư.
    • Chụp cộng hưởng từ (MRI) - chụp MRI có thể kiểm tra kỹ hơn các vùng vú nghi ngờ có khả năng phát triển ung thư. Phương pháp này rất hữu ích đối với những phụ nữ trẻ do họ thường có mật độ mô vú cao hơn, điều này có thể làm giảm hiệu quả của các thủ thuật kiểm tra chẩn đoán hình ảnh tiêu chuẩn (ví dụ như chụp nhũ ảnh và siêu âm) trong việc phát hiện ung thư vú.

    Sinh thiết là gì?

    Sinh thiết là thủ thuật cần thiết để xác nhận tình trạng mắc ung thư vú. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách lấy mẫu mô bất thường để kiểm tra kỹ dưới kính hiển vi.

    Các kỹ thuật sinh thiết phổ biến:

    • Chọc hút bằng kim nhỏ (FNA)
    • Sinh thiết lõi kim hoặc tru-cut
    • Sinh thiết cắt bỏ

    Ung thư vú được đánh giá bằng cách nào?

    Giai đoạn / Mức độ lan rộng

    Giai đoạn Mức độ lan rộng Tỷ lệ sống 5 năm trung bình (%)*
    0 Ung thư không xâm lấn 99
    I

    Ung thư xâm lấn với u kích thước nhỏ

    (nhỏ hơn 2cm và chưa lan sang hạch bạch huyết ở nách)

    90
    II

    Ung thư xâm lấn

    (từ 2 - 5cm hoặc/kèm theo xâm lấn hạch bạch huyết)

    70
    III

    Ung thư xâm lấn với u kích thước lớn

    (lớn hơn 5cm kèm theo xâm lấn da hoặc lan sang nhiều hạch bạch huyết)

    40
    IV Ung thư lan rộng hoặc di căn 20

    *Mỗi bệnh nhân có thể có trải nghiệm khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể của bệnh ung thư vú và điều này sẽ ảnh hưởng đến liệu pháp được sử dụng để nhắm đích ung thư.

    Những đặc điểm sau đây của ung thư vú có thể ảnh hưởng đến khả năng tái phát và tỷ lệ sống sót của bệnh nhân.

    Cấp độ u / Cấp độ mô học

    Chỉ số này cho thấy mức độ tế bào u giống với tế bào bình thường khi kiểm tra dưới kính hiển vi, được đánh giá theo cấp độ từ 1 - 3. U cấp độ 3 bao gồm những tế bào ung thư bất thường và tăng trưởng rất nhanh. Cấp độ mô học càng cao thì khả năng tái phát ung thư vú càng lớn.

    Hạch bạch huyết

    Số lượng hạch bạch huyết bị xâm lấn (dương tính) ở nách nằm cùng bên với vú bị ảnh hưởng là một chỉ dấu quan trọng về khả năng hồi phục thành công. Số lượng hạch dương tính cao hơn thường dẫn đến kết quả kém khả quan hơn và cần phải áp dụng các phương pháp điều trị tấn công mạnh hơn.

    Kích thước u

    Nhìn chung, kích thước u càng lớn thì nguy cơ tái phát ung thư vú càng cao.

    Thụ thể oestrogen/progesterone

    Cứ 3 trường hợp ung thư vú thì có gần 2 trường hợp liên quan đến nồng độ thụ thể oestrogen và/hoặc progesterone đáng kể. Những trường hợp này còn được gọi là u dương tính với thụ thể oestrogen (ER+). Những u này thường tăng trưởng chậm hơn và có khả năng đáp ứng tốt với phương pháp điều trị bằng hoóc-môn.

    HER2

    HER2 là một loại protein hỗ trợ sự tăng trưởng của tế bào ung thư và được tìm thấy trên bề mặt của một số tế bào ung thư. U dương tính với HER2 là loại u có thừa protein HER2 trên các tế bào hình thành u. Những u này có xu hướng tăng trưởng nhanh hơn các loại u ung thư vú khác, và u dương tính với HER2 xuất hiện ở 20-25% trong tổng số các trường hợp ung thư vú.

    Việc biết được u ung thư có dương tính với HER2 hay không có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương pháp điều trị vì phụ nữ mang những u này có khả năng nhận được lợi ích từ các liệu pháp nhắm đích HER2. Những phương pháp này bao gồm các liệu pháp sử dụng thuốc như trastuzumab (Herceptin®), pertuzumab (Perjeta®) hoặc TDM-1 (Kadcyla®).

  • Điều trị và chăm sóc

    Ung thư vú được điều trị bằng cách nào?

    Phương pháp điều trị ung thư vú và khả năng hồi phục phụ thuộc vào việc ung thư mới chỉ xuất hiện ở vú hay đã lan sang các vị trí khác trên cơ thể. Các yếu tố khác cũng có thể giúp xác định phương pháp điều trị và tiên lượng (kết cục có thể xảy ra của bệnh), bao gồm loại ung thư, đặc điểm cụ thể của tế bào ung thư, có phát hiện thấy ung thư ở bên vú còn lại không, tuổi của bệnh nhân, tình trạng mãn kinh (bệnh nhân có còn kinh nguyệt hay không) và tình hình sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.

    Những điều cần biết về bệnh ung thư vú

    Phẫu thuật

    Phẫu thuật là phương pháp trực tiếp để cắt bỏ ung thư khỏi cơ thể. Các hình thức phẫu thuật bao gồm:

    1) Phẫu thuật bảo tồn tuyến vú

    • Phẫu thuật cắt bỏ u vú hoặc cắt bỏ tại chỗ rộng - Cắt bỏ ung thư và một lượng nhỏ mô xung quanh
    • Phẫu thuật cắt một phần tuyến vú - Cắt bỏ một phần tư vú bị phát hiện có ung thư

    2) Phẫu thuật cắt bỏ vú - Cắt bỏ toàn bộ vú

    Trong quá trình phẫu thuật vú, một số hạch bạch huyết dưới nách cũng có thể được cắt bỏ để kiểm tra.

    Xạ trị

    Xạ trị sử dụng các tia năng lượng cao để nhắm đích và tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị có thể được sử dụng cùng với các thủ thuật điều trị khác để tiêu diệt mọi tế bào ung thư còn sót lại trong hoặc xung quanh vú, từ đó làm giảm nguy cơ tái phát ung thư vú.

    Xạ trị có thể đóng vai trò quan trọng sau khi thực hiện phẫu thuật bảo tồn tuyến vú như phẫu thuật cắt bỏ u vú, do phần lớn mô vú sẽ được giữ nguyên vẹn.

    Hầu hết những phụ nữ đã thực hiện phẫu thuật cắt bỏ vú không cần tiến hành xạ trị. Tuy nhiên, có thể sử dụng phương pháp này để điều trị thành ngực và các hạch bạch huyết ở nách nếu nguy cơ tái phát ung thư cao.

    Liệu pháp điều trị toàn thân

    Liệu pháp điều trị toàn thân bao gồm việc sử dụng các loại thuốc để điều trị tế bào ung thư bất kể chúng xuất hiện ở vị trí nào trên cơ thể.

    • Hóa trị
    • Liệu pháp sử dụng hoóc-môn
    • Liệu pháp nhắm đích, ví dụ như trastuzumab (Herceptin®) hoặc pertuzumab (Perjeta®)

    Phục hồi chức năng

    Chương trình phục hồi chức năng thể chất bao gồm:

    • Các bài tập vai sau phẫu thuật
    • Chăm sóc cánh tay, để tránh khởi phát tình trạng phù bạch huyết (sưng (các) cánh tay do tích nước)
    • Cân bằng dinh dưỡng và thay đổi thói quen sinh hoạt để cải thiện khả năng hồi phục

    Phục hồi chức năng tinh thần bao gồm:

    • Hỗ trợ sát sao từ vợ/chồng, gia đình và bạn bè cũng như từ các nhóm hỗ trợ
    • Trấn an thông qua việc hiểu rõ hơn về cơ hội sống sót
    • Kiểm tra định kỳ với bác sĩ

  • Find
    a Doctor
  • Make an
    Appointment
  • Search
    Conditions
  • Locations
  • Contact