Tại sao nói Thanh Hóa là hình ảnh thu nhỏ của Việt Nam

(HNMCT) - Với vị trí quan trọng ở vùng Bắc Trung Bộ, hội tụ đầy đủ tiềm năng du lịch mang đặc trưng của cả ba vùng: Miền núi, trung du và đồng bằng ven biển, Thanh Hóa được ví như một “Việt Nam thu nhỏ” với những sản phẩm du lịch hấp dẫn và là điểm đến thú vị.

Tại sao nói Thanh Hóa là hình ảnh thu nhỏ của Việt Nam

Biển Hải Tiến, một trong những bãi biển đẹp của Thanh Hóa.

Một “Việt Nam thu nhỏ”

Có lẽ ít nơi nào hội tụ đầy đủ các điều kiện địa hình với những đặc trưng của từng vùng như Thanh Hóa. Với điều kiện địa hình đa dạng, Thanh Hóa được ví như một “Việt Nam thu nhỏ” và sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú - nền tảng cho việc phát triển du lịch của tỉnh.

Từ những năm 1980 - 1990, Thanh Hóa đã được biết đến như là nơi nghỉ mát phổ biến của người dân Hà Nội và các tỉnh phía Bắc với bãi biển Sầm Sơn nổi tiếng. Ngày nay, Thanh Hóa còn được biết đến với các bãi biển đẹp như: Quảng Lợi (huyện Quảng Xương), Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia) cùng ba hòn đảo Hòn Mê, Hòn Nẹ và Nghi Sơn hoang sơ, hấp dẫn...

Ngoài tài nguyên du lịch biển, Thanh Hóa cũng sở hữu nhiều hang động đẹp như động Từ Thức (huyện Nga Sơn), hang Ngán (huyện Ngọc Lặc), hang Con Moong (huyện Thạch Thành)... và những khu rừng nguyên sinh như Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên, Bến En. Đây là những điểm du lịch kỳ thú, ngày càng hấp dẫn du khách với loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng hay nghỉ dưỡng.

Ngoài ra, Thanh Hóa còn là vùng đất giàu tài nguyên du lịch nhân văn với 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh, trong đó có Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ. Thanh Hóa cũng là vùng đất sinh tụ của 7 dân tộc anh em gồm: Kinh, Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ và Khơ Mú, tạo nên sự đa dạng văn hóa, thể hiện rõ nét ở hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, đặc sắc.

Nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú, những năm qua, du lịch Thanh Hóa phát triển khá mạnh mẽ. Giai đoạn 2016 - 2020, Thanh Hóa đón khoảng 38,3 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,4%/năm, trong đó khách quốc tế ước khoảng 906.760 lượt. Tổng thu du lịch toàn tỉnh ước đạt 49.093 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,3%/năm, trong đó tổng thu từ khách quốc tế đạt gần 245 triệu USD.

Thay đổi để thu hút khách

Với thế mạnh về du lịch biển, những năm qua Thanh Hóa đã nỗ lực xây dựng các sản phẩm du lịch biển đặc sắc, song song với việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, môi trường du lịch, đầu tư đồng bộ cho cơ sở hạ tầng, giao thông tại các khu du lịch và bổ sung các sản phẩm du lịch mới như: Tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - Hòn Nẹ, làng bích họa, tuyến phố đi bộ và chợ đêm tại Sầm Sơn... nhằm gia tăng trải nghiệm cho du khách. Một sản phẩm khác đang trở thành thế mạnh của du lịch Thanh Hóa thời gian gần đây là du lịch sinh thái, cộng đồng với các điểm đến thu hút khách mạnh mẽ như bản Năng Cát (huyện Lang Chánh), bản Hiêu và bản Đôn (huyện Bá Thước), bản Ngàm (huyện Quan Sơn)...

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp du lịch, mặc dù sở hữu tiềm năng phong phú nhưng điểm yếu lớn nhất của du lịch Thanh Hóa là tình trạng “chặt chém”, chèn ép khách diễn ra trong nhiều năm. Bà Phan Hồng Châu, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hy Vọng cho rằng, Thanh Hóa cần nâng cao ý thức phát triển du lịch và thái độ ứng xử của người dân để xóa tan định kiến của du khách, thay vào đó là ấn tượng về con người Thanh Hóa thân thiện, hiếu khách.

Khai thác các giá trị nguyên sơ của thiên nhiên và văn hóa bản địa để phát triển bền vững là quan điểm của Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bắc Cạn Nguyễn Tuấn Linh. “Thanh Hóa cần quan tâm, không để tình trạng “đô thị hóa” tràn lan làm mất đi sức hấp dẫn của các điểm đến. Đừng để Bá Thước, Pù Luông trở thành một “Sa Pa thứ hai” khi đánh mất đi nét hoang sơ hấp dẫn, khiến du khách phải di chuyển đến các vùng khác. Thanh Hóa cần có “cái đầu lạnh” trước sự phát triển “nóng” để phát triển du lịch một cách bền vững”, ông Linh nói.

Nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh cho du lịch Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng: Thanh Hóa cần nhanh chóng bắt kịp xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ để kết nối với các địa phương, doanh nghiệp du lịch trên cả nước nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm mới, độc đáo. Có như vậy, các doanh nghiệp mới biết được tiềm năng du lịch to lớn của Thanh Hóa để kết nối và đưa khách đến.

Chiều 26/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Thanh Hóa về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội. Cùng dự có lãnh đạo các Bộ.

Thanh Hóa là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, dân số khoảng 3,5 triệu người, thu nhập bình quân trên 1.530USD/người.

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh 9 tháng qua ước đạt 8,06%.

Tại sao nói Thanh Hóa là hình ảnh thu nhỏ của Việt Nam
Toàn cảnh buổi làm việc

Thanh Hóa là tỉnh có số thu ngân sách lớn, năm ngoái đạt trên 13.000 tỷ đồng, năm nay dự kiến số thu là gần 11.500 tỷ đồng.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm, toàn tỉnh hiện có 1 huyện, 115 xã được công nhận đạt chuân nông thôn mới.

Thanh Hóa cũng là địa phương có điều kiện giao thông khá thuận lợi với 102km bờ biển, có Cảng hàng không Thọ Xuân, quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt chạy qua, có cửa khẩu quốc tế với Lào; có tiềm năng phát triển du lịch…

Tính đến cuối năm ngoái, tỉnh có 60 dự án FDI đang triển khai, với tổng vốn đầu tư 12,7 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước về thu hút vốn FDI.

Thế nhưng, theo đại diện các Bộ, lẽ ra với nhiều lợi thế, Thanh Hóa phải có sự phát triển đột phá thay vì như hiện nay.

Nguyên nhân được cho là Thanh Hóa thiếu tính kế thừa giữa các giai đoạn, chưa khai thác tốt các lợi thế tiềm năng.

Bốn vùng động lực phát triển tỉnh, còn gọi là “tứ sơn”, là Nghi Sơn, Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Lam Sơn chưa tạo động lực đồng bộ cho phát triển.

Cùng với đó, môi trường đầu tư kinh doanh còn phải cải thiện, coi trọng các nhà đầu tư hơn nữa, kể cả các nhà đầu tư nhỏ.

Thanh Hóa có nhiều di tích lịch sử quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt và các danh lam thắng cảnh như: Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Sầm Sơn, Bến En...

Năm ngoái, Thanh Hóa thu hút được 5,54 triệu lượt khách, nhưng con số này vẫn được coi là chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là còn ít khách nước ngoài.  

Đại diện các Bộ cho rằng, thời gian tới, tỉnh cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút mạnh đầu tư vào khu kinh tế Nghi Sơn cũng như các vùng động lực của tỉnh; thúc đẩy phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng cần lưu ý quy mô thu ngân sách của tỉnh có chiều hướng giảm.

Do đó tỉnh cần có biện pháp khắc phục, tăng thu và tự chủ tốt hơn và cân đối nguồn trả nợ cho một số khoản vay của tỉnh.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực; nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh đạt và vượt kết hoạch; xây dựng nông thôn mới có kết quả tốt.

Tuy vậy, Thủ tướng lưu ý, điều hành một tỉnh lớn với hơn 3,5 triệu dân đòi hỏi lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần thấy hết những khó khăn; phát huy tốt tiềm năng lợi thế, trong đó có tiềm năng con người, với lực lượng lao động chiếm tới trên 65% dân số.

Thủ tướng đánh giá cao Thanh Hóa xác định hướng đi phát triển các khu kinh tế và khu công nghiệp, nhưng lưu ý tỉnh vẫn có 1/3 dân số sống ở vùng cao và nhiều xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, dư thừa lao động nông thôn.

Cùng với đó, Thủ tướng lưu ý, Thanh Hóa vẫn là tỉnh phải nhận trợ cấp ngân sách Trung ương, quy mô kinh tế còn nhỏ, số lượng doanh nghiệp còn thấp và chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Tỉnh cần quan tâm về tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, các khu công nghiệp.

Tại sao nói Thanh Hóa là hình ảnh thu nhỏ của Việt Nam
Thủ tướng chỉ đạo tại buổi làm việc

Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Thanh Hóa một số giải pháp: “Đảng bộ Thanh Hóa cần phát huy được truyền thống quý báu của người dân Thanh Hóa, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, phấn đầu trở thành một tỉnh khá của cả nước. Từ lợi thế so sánh, Thanh Hóa cần chuẩn bị điều kiện để hội nhập tốt hơn nữa. Một câu hỏi đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền Thanh Hóa, là khi hội nhập, nhất là những hiệp định thương mại thế hệ mới, thì người dân và doanh nghiệp Thanh Hóa phải phát triển theo hướng nào? Không trả lời được câu hỏi này thì sẽ gặp khó khăn trong vận hành phát triển của tỉnh”.

Để phát triển đúng hướng, Thủ tướng yêu cầu Thanh Hóa làm tốt quy hoạch, phân định rõ các khu phát triển đối với từng ngành nghề, lĩnh vực.

Trong lãnh đạo điều hành, Thủ tướng cho rằng Thanh Hóa phải tôn trọng nguyên tắc thị trường, xã hội hóa để thu hút mạnh mẽ mọi nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực.

Về các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, Thủ tướng chỉ đạo Thanh Hóa cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm nay và các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, tỉnh cần tìm mô hình phát triển phù hợp, phát triển kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao năng lực phẩm chất, chú ý xây dựng nền hành chính liêm chính, phục vụ người dân.

Thủ tướng chỉ rõ: “Cần tiếp tục suy nghĩ phát huy tiềm năng lợi thế của một Việt Nam thu nhỏ ở tỉnh Thanh Hóa, triển khai quyết liệt hành động để thực hiện Nghị quyết 19, 35, 60 của Thủ tướng Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để triển khai các dự án”.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng, Thanh Hóa cần coi trọng hơn nữa và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng xây dựng nền nông nghiệp đa chức năng, ứng dụng khoa học công nghệ, đưa doanh nghiệp về nông thôn, củng cố hợp tác xã, có chương trình đào tạo lao động nông thôn, chuyển đổi lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với đó, tỉnh cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho miền Tây của tỉnh còn nghèo khó. 

Thủ tướng cũng chỉ đạo tỉnh kiên quyết không khởi công các dự án khi chưa có vốn, không gây phát sinh nợ mới; quản lý vốn chặt chẽ, hiệu quả và đúng quy định của Nhà nước.

Đi liền với đó, tỉnh cần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm tỷ lệ nghèo xuống dưới mức bình quân cả nước.

Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh đảm bảo an ninh trật tự xã hội, trấn áp tội phạm trên địa bàn, bởi đây là một điều kiện quan trọng để góp phần thu hút khách du lịch.  

Thủ tướng cũng nhắc nhở tỉnh cần đoàn kết, từ Ban thường vụ, UBND các cấp; đẩy mạnh chống tiêu cực, tham nhũng, tình trạng sân sau; giữ gìn môi trường sống cho người dân, nhất là môi trường biển, sông./.