Thuế mua bán đất 2023

Mua bán đất đai (trong pháp luật được gọi là chuyển nhượng quyền sử dụng đất) là một trong những giao dịch thường xuyên được thực hiện trên thực tế. Nhà đất có giá trị lớn và có nhiều quy định pháp luật liên quan.

Do đó việc thực hiện đúng quy trình mua bán nhà đất trên thực tế thì quan trọng, và chứa đựng nhiều rủi ro nếu thực hiện không đúng quy định hoặc không nắm rõ quy định.

Sau đây Cố Vấn Pháp Lý giới thiệu sơ lược về quy trình, các bước thực hiện mua bán đất đai theo quy định pháp luật hiện hành:

Bước 1: Kiểm tra giấy tờ, sổ đỏ

Bên mua nên đến tận nơi kiểm tra, so sánh thửa đất, căn nhà trên thực tế với thông tin trên sổ đỏ có khớp hay không, kiểm tra và so sánh một cách tương đối sơ đồ bản vẽ và thửa đất trên thực tế.

Nếu bên mua biết xem sơ đồ thửa đất và bảng kê tọa độ gốc trên sổ đỏ thì bên mua có thể xác định được vị trí dễ dàng hơn. Nếu không bên mua cần ra hỏi cán bộ địa chính phường/xã để biết thông tin chính xác.

Để kiểm tra sổ đỏ thật hay giả, giấy tờ gốc như CMND, sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn của bên bán có thật không thì có lẽ cũng khó cho bên mua vì hiện nay thủ đoạn làm giả giấy tờ rất tinh vi và cần phải có các thiết bị giám định chuyên nghiệp có khi mới phát hiện được.

Tuy nhiên các công chứng viên thường xuyên được tập huấn và có kinh nghiệm về vấn đề này. Mặc dù mức độ kiểm tra không thể chính xác 100% nhưng với kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của công chứng viên thì bên mua có thể yên tâm hơn.

Bước 2: Đặt cọc mua bán nhà đất

Việc đặt cọc mua bán nhà đất do các bên thỏa thuận với nhau. Nội dung đặt cọc về cơ bản gồm các vấn đề dưới đây:

Thông tin pháp lý người bán, vợ, chồng hoặc người đồng sở hữu với người bán nếu có, gồm họ tên, chứng minh nhân dân (CMND), hộ khẩu thường trú….

Giấy xác nhận độc thân tại nơi cư trú trong trường hợp người bán chưa kết hôn. Giấy chứng nhận ly hôn và xác nhận phân chia tài sản của tòa án trong trường hợp vợ chồng đã ly hôn.

Di chúc thừa kết hợp pháp trong trường hợp bất động sản bán là tài sản thừa kế. Thông tin pháp lý người mua (họ tên, CMND, hộ khẩu thường trú…). Thông tin mô tả về bất động sản giao dịch (diện tích đất, diện tích xây dựng, hiện trạng, số sổ đỏ, địa chỉ trên sổ đỏ…).

Tổng số tiền hai bên đã thỏa thuận mua bán. Số tiền đặt cọc mua bán nhà đất có sổ đỏ. Các đợt thanh toán tiền tiếp theo và hình thức thanh toán. Thời điểm hai bên ký hợp đồng mua bán (chuyển nhượng) nhà đất tại phòng công chứng.

Bước 3: Công chứng hợp đồng tại văn phòng công chứng

Sau khi hoàn tất quá trình đặt cọc mua bán nhà đất đã có sổ đỏ, bước tiếp theo là xây dựng và công chứng hợp đồng mua bán. Bạn nên liên hệ trước với văn phòng công chứng để soạn sẵn khung hợp đồng và chuẩn bị các thông tin, giấy tờ yêu cầu.

Các loại giấy tờ bên bán cần chuẩn bị:

Bản gốc CMND + 4 bản photo công chứng (của cả vợ và chồng hoặc những người đồng sở hữu khác). Bản gốc hộ khẩu thường trú + 4 bản photo công chứng (của cả vợ và chồng hoặc những người đồng sở hữu khác).

Bản gốc giấy đăng ký kết hôn + 4 bản photo công chứng (nếu bên sở hữu là vợ và chồng). Bản gốc sổ đỏ nhà đất đang giao dịch

Các giấy tờ bên mua cần chuẩn bị:

Bản gốc CMND + 4 bản photo công chứng. Bản gốc hộ khẩu thường trú + 4 bản photo công chứng.

Thông thường, việc tiến hành ký và công chứng hợp đồng được tiến hành gần như đồng thời với việc bên mua thanh toán nốt số tiền còn lại cho bên bán, cũng như bên bán bàn giao các giấy tờ pháp lý liên quan đến việc mua bán theo yêu cầu của văn phòng công chứng cho bên mua.

Bước 4: Thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước

Về việc nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN), bên bán thường khấu trừ số tiền nộp thuế cho bên mua để bên mua tự đi kê khai nộp thuế và thực hiện tiếp quy trình sang tên sổ đỏ trên phòng địa chính quận/huyện.

Các khoản chi phí + thuế, phí và lệ phí mua bán nhà đất gồm:

– Thuế thu nhập cá nhân: 2% tổng giá trị tài sản.

– Thuế trước bạ: 0,5% tổng giá trị tài sản.

– Lệ phí địa chính: 15.000 đồng/trường hợp.

– Lệ phí thẩm định hồ sơ: Mức thu tính bằng 0,15% giá trị (sang tên) chuyển nhượng (tối thiểu 100.000 đồng đến tối đa không quá 5 triệu đồng/trường hợp).

Bước 5: Đăng bộ, sang tên

Sau khi đã có đầy đủ giấy tờ mua bán nhà đất đã có sổ đỏ, người mua cần sang tên sổ đỏ để hoàn tất quá trình giao dịch. Các bước thực hiện như sau:

Lên chi cục thuế quận/huyện nơi quản lý nhà đất được giao dịch để kê khai thuế TNCN. Nhận tờ khai của chi cục thuế và nộp tiền thuế TNCN kê khai vào kho bạc nhà nước.

Nhận biên lai đóng tiền của kho bạc, quay lại chi cục thuế để lấy giấy xác nhận đã thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Mang toàn bộ hồ sơ lên phòng địa chính cấp quận/huyện nơi quản lý nhà đất giao dịch để nộp và làm thủ tục chuyển quyền/tên người sở hữu.