Caăn nguyuên của mọi sự ác là tội lỗi năm 2024

Trong lúc dự khóa huấn luyện để trở thành một phi công trưởng, tôi đã học cách lái phi cơ để bay khoảng đường rất xa. Những chuyến bay trên các đại dương bao la, ngang qua các bãi sa mạc mênh mông, và bay từ lục địa này đến lục địa khác đều cần phải có sự hoạch định kỹ lưỡng để bảo đảm đi đến nơi đã định một cách an toàn. Một số chuyến bay thẳng này có thể kéo dài đến 14 tiếng đồng hồ và dài khoảng 14.500 cây số.

Có một điểm quyết định quan trọng trong những chuyến bay dài như vậy được mọi người biết đến là điểm trở về an toàn. Cho tới điểm này, phi cơ có đủ nhiên liệu để quay đầu lại và trở về an toàn đến phi trường nơi cất cánh. Nếu bay qua khỏi điểm trở về an toàn, thì người phi công trưởng đã bỏ lỡ cơ hội này và phải tiếp tục bay. Đó là lý do tại sao điểm này được nói đến là điểm không thể trở về.

Có Những Điểm Không Thể Trở Về trong Cuộc Sống của Chúng Ta Không?

Sa Tan, “cha của mọi điều dối trá” (2 Nê Phi 2:18), “cha của sự tranh chấp” (3 Nê Phi 11:29), “kẻ đã làm ra mọi tội lỗi” (Hê La Man 6:30), và “kẻ thù của Thượng Đế” (Mô Rô Ni 7:12), sử dụng các lực lượng tà ác để thuyết phục chúng ta rằng quan niệm về điểm không thể trở về áp dụng cho bất cứ khi nào chúng ta phạm tội. Thánh thư gọi nó là “kẻ kiện cáo” vì nó muốn chúng ta cảm thấy rằng chúng ta không còn được tha thứ nữa (xin xem Khải Huyền 12:10). Sa Tan muốn chúng ta nghĩ rằng khi chúng ta phạm tội thì chúng ta đã vượt qua “điểm không thể trở về”—rằng đã quá trễ để thay đổi hướng đi của chúng ta. Trong thế giới xinh đẹp nhưng cũng hỗn loạn của chúng ta, sự thật đáng buồn là thái độ này là nguồn gốc của nỗi buồn phiền, đau buồn, và đau khổ to lớn cho đời sống gia đình, hôn nhân, và con người.

Sa Tan cố gắng giả mạo công việc của Thượng Đế, và bằng cách làm điều này, nó có thể lừa gạt nhiều người. Để làm cho chúng ta mất hy vọng, cảm thấy khổ sở giống như nó, và tin rằng chúng ta không còn được tha thứ nữa, Sa Tan còn có thể dùng sai những lời trong thánh thư mà nhấn mạnh đến công lý của Thượng Đế để ngụ ý rằng không có lòng thương xót.

Kế Hoạch của Chúa về Sự Trở Về An Toàn của Chúng Ta Là Gì?

Sự bảo vệ chống lại ảnh hưởng của quỷ dữ có được nhờ vào phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Đó là tin lành rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã thực hiện một Sự Chuộc Tội trọn vẹn cho loài người. Đó là sứ điệp về tình yêu thương, niềm hy vọng, và lòng thương xót mà có một sự hòa giải với Thượng Đế.

Tội lỗi là một sự cố ý vi phạm luật pháp của Chúa. Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là ân tứ của Thượng Đế cho các con cái của Ngài để sửa đổi và khắc phục những hậu quả của tội lỗi. Thượng Đế yêu thương tất cả con cái của Ngài, và Ngài sẽ không bao giờ ngừng yêu thương và hy vọng cho chúng ta. Kế hoạch của Cha Thiên Thượng rất rõ ràng, và những lời hứa của Ngài thì thật lớn lao: “Vả Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài xuống thế gian, chẳng phải để đoán xét thế gian đâu; nhưng hầu cho thế gian … được cứu” (Giăng 3:17).

Đấng Ky Tô đến để cứu rỗi chúng ta. Nếu chúng ta đi sai đường, Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô có thể cho chúng ta sự bảo đảm rằng tội lỗi không phải là điểm không thể trở về. Có thể có một sự trở về an toàn nếu chúng ta chịu tuân theo kế hoạch của Thượng Đế dành cho sự cứu rỗi của mình.

Chúng ta đã nhận được kế hoạch này từ Đấng có thẩm quyền cao nhất trong vũ trụ, chính là Thượng Đế, Cha Thiên Thượng của chúng ta. Kế hoạch này được chuẩn bị từ trước khi thế gian được tạo dựng. Đó là kế hoạch hạnh phúc vĩ đại, kế hoạch thương xót, kế hoạch cứu chuộc, kế hoạch cứu rỗi. Kế hoạch làm cho chúng ta có thể trải qua cuộc sống trần thế, kể cả sự hữu diệt, một thời gian thử thách, và có thể trở về nơi hiện diện của Thượng Đế và sống trong hạnh phúc và vinh quang vĩnh cửu. Kế hoạch đó đã được giải thích trong các giáo lý của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô.

Việc tuân theo kế hoạch này có những kết quả vĩnh cửu tuyệt diệu cho cá nhân chúng ta, cho gia đình chúng ta, cho các thế hệ mai sau, và còn cho các thế hệ trước nữa. Kế hoạch này gồm có sự hòa giải với Thượng Đế và sự tha thứ của Thượng Đế.

Sự Tha Thứ của Thượng Đế Có Thể Được Thực Hiện Như Thế Nào?

Chúng ta thừa nhận rằng “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô Ma 3:23), nhưng chúng ta cũng khẳng định rằng sự hối cải và sự tha thứ có thể có thật như tội lỗi.

Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô khiến cho mỗi người phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình. Chúng ta sẽ khắc phục các hậu quả của tội lỗi cá nhân bằng cách thỉnh cầu các phước lành và lợi ích của Sự Chuộc Tội.

Chủ Tịch David O. McKay nói: “Mỗi nguyên tắc và giáo lễ của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đều có ý nghĩa và quan trọng …, nhưng không có nguyên tắc nào thiết yếu đối với sự cứu rỗi của gia đình nhân loại hơn nguyên tắc về sự hối cải thiêng liêng và có ý nghĩa vĩnh cửu” (Gospel Ideals [1954], 13).

“Vì sự cứu rỗi sẽ không đến với những kẻ ấy trừ phi họ hối cải và có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô” (Mô Si A 3:12).

Không phải sự hối cải mà cứu được con người. Chính là máu của Chúa Giê Su Ky Tô mới cứu được chúng ta. Không phải chỉ qua sự thay đổi chân thành và thành thật của hành vi mà còn “nhờ ân điển [nên] chúng ta được cứu rỗi, sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm” (2 Nê Phi 25:23). Tuy nhiên, sự hối cải chân thành là điều kiện cần phải có để sự tha thứ của Thượng Đế có thể đến với cuộc sống của chúng ta. Sự hối cải chân thành làm “đêm tối tăm nhất thành một ngày rực rỡ” (Spencer W. Kimball, The Miracle of Forgiveness [1969], 362).

Sự Hối Cải Chân Thành Gồm Có Điều Gì?

Chúng ta cần một đức tin vững mạnh nơi Đấng Ky Tô để có thể hối cải. Đức tin của chúng ta phải gồm có một “ý nghĩ đúng đắn về cá tính, sự toàn hảo, và các thuộc tính của [Thượng Đế]” (Lectures on Faith [1985], 38). Nếu chúng ta tin rằng Thượng Đế biết mọi việc, đầy lòng nhân từ, và lòng thương xót, thì chúng ta sẽ có thể đặt sự tin cậy của mình nơi Ngài về sự cứu rỗi của chúng ta mà không lưỡng lự. Đức tin nơi Đấng Ky Tô sẽ thay đổi những ý nghĩ, sự tin tưởng và hành vi của chúng ta mà không phù hợp với ý muốn của Thượng Đế.

Sự hối cải chân thành mang chúng ta trở lại việc làm điều đúng. Để thật sự hối cải, chúng ta phải nhận ra các tội lỗi của mình và cảm thấy hối hận, hoặc buồn rầu theo ý Chúa, và thú nhận các tội lỗi đó cùng Thượng Đế. Nếu các tội lỗi của chúng ta nghiêm trọng thì chúng ta cũng phải thú nhận chúng với vị lãnh đạo chức tư tế có thẩm quyền của mình. Chúng ta cần phải cầu xin Thượng Đế tha thứ và làm hết khả năng mình để sửa đổi bất cứ điều tai hại nào mà những hành động của chúng ta có thể đã gây ra. Sự hối cải có nghĩa là thay đổi tâm trí—chúng ta ngừng làm những điều sai, và chúng ta bắt đầu làm những điều đúng. Điều đó mang đến cho chúng ta một thái độ mới mẻ đối với Thượng Đế, đối với bản thân, và với cuộc sống, nói chung.

Những Thành Quả của Sự Tha Thứ Là Gì?

Sự chân thành hối cải ban phước cho cuộc sống của chúng ta với những hiệu quả của Sự Chuộc Tội: chúng ta cảm nhận được sự tha thứ của Thượng Đế, và sự bình an của Ngài, và những tội lỗi và sự buồn rầu của chúng ta được cất đi; chúng ta vui hưởng sự tác động dồi dào hơn của Thánh Linh; và chúng ta chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để sống với Cha Thiên Thượng của chúng ta.

Chủ Tịch W. Kimball đã dạy: “Thực chất của phép lạ về sự tha thứ là nó mang đến sự bình an cho tâm hồn đầy lo lắng, bồn chồn, bực bội có lẽ đã dày vò trước đây… . Thượng Đế sẽ lau khô … những giọt lệ thống khổ, và hối hận, … và sợ hãi, và tội lỗi” (The Miracle of Forgiveness, 363, 368).

Chúa Giê Su đã hứa: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi … Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi” (Giăng 14:27).

Tiên tri An Ma, là người đã được phục hồi từ tội lỗi đến hạnh phúc nhờ vào sự tha thứ của Thượng Đế, đã nói: “Sự tà ác có bao giờ là hạnh phúc đâu” (An Ma 41:10). Ông đã chứng kiến những nỗi đau cay đắng vì tội lỗi, nhưng ông cũng nói với sự phấn khởi về hạnh phúc kèm theo sự hối cải chân thành và sự tha thứ: “Phải, cha nói cho con hay, … chẳng có sự vui mừng nào ngọt ngào êm dịu cho bằng niềm vui của cha” (An Ma 36:21). An Ma kết luận với lời khuyên dạy mạnh mẽ và khôn ngoan cho tất cả những người tìm kiếm sự tha thứ: “Và giờ đây, … cha mong rằng con không nên để những điều này làm băn khoăn con nữa, mà chỉ nên để cho những tội lỗi của mình làm băn khoăn mình, với sự băn khoăn mà sẽ đưa con đến sự hối cải” (An Ma 42:29).

Làm Thế Nào Chúng Ta Có Thể Biết Được Rằng Thượng Đế Đã Tha Thứ Cho Chúng Ta?

Chủ Tịch Harold B. Lee nói: “Khi các anh chị em đã làm hết khả năng để khắc phục những lỗi lầm của mình và đã quyết định trong lòng mình rằng các anh chị em sẽ không bao giờ tái phạm những lỗi lầm đó nữa thì sự yên ổn của lương tâm [có thể đến cùng các anh chị em] mà qua đó các anh chị em sẽ biết rằng các tội lỗi của mình đã được tha thứ” (trong “Law of Chastity Vital, Girls Told,” Church News, ngày 2 tháng Chín năm 1972, 7).

Một khi chúng ta đã thật sự hối cải, Đấng Ky Tô sẽ cất đi gánh nặng của sự mặc cảm tội lỗi của chúng ta. Chúng ta có thể tự mình biết rằng chúng ta đã được tha thứ và được làm cho sạch tội. Đức Thánh Linh sẽ kiểm chứng điều này với chúng ta; Ngài là Đấng Thánh Hóa. Không có một chứng ngôn nào khác về sự tha thứ mà có thể kỳ diệu hơn.

Chúa đã phán: “Kẻ nào hối cải và làm theo các giáo lệnh của Chúa thì sẽ được tha thứ ” (GLGƯ 1:32; sự nhấn mạnh được thêm vào). “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Ma Thi Ơ 11:28). “Hãy trung thành và chuyên tâm, … rồi ta sẽ ôm ngươi vào vòng tay thương yêu của ta” (GLGƯ 6:20).

Và Ngài đã phán: “Này, kẻ nào biết hối cải những tội lỗi của mình, thì kẻ đó sẽ được tha thứ, và ta, là Chúa, sẽ không còn nhớ tới những tội lỗi đó nữa” (GLGƯ 58:42).

Sa Tan sẽ cố gắng làm cho chúng ta tin rằng các tội lỗi của chúng ta sẽ không được tha thứ vì chúng ta có thể nhớ đến chúng. Sa Tan là kẻ nói dối; nó cố gắng làm mờ mắt chúng ta và dẫn chúng ta xa khỏi con đường hối cải và tha thứ. Thượng Đế đã không hứa rằng chúng ta sẽ không nhớ đến các tội lỗi của mình. Việc ghi nhớ sẽ giúp chúng ta tránh tái phạm những lỗi lầm cũ. Nhưng nếu chúng ta vẫn luôn chân thật và trung tín thì ký ức về các tội lỗi của chúng ta theo thời gian sẽ được làm cho phai nhòa đi. Điều này sẽ là một phần của tiến trình chữa lành và thánh hóa cần thiết. An Ma đã làm chứng rằng sau khi ông kêu cầu Chúa Giê Su để được thương xót thì ông vẫn còn có thể nhớ đến các tội lỗi của ông, nhưng ký ức về các tội lỗi của ông không còn làm ông đau khổ và dày vò ông nữa, vì ông biết rằng ông đã được tha thứ (xin xem An Ma 36:17–19).

Chúng ta có trách nhiệm để tránh bất cứ điều gì mà sẽ mang đến những ký ức về các tội lỗi trước đây. Khi tiếp tục có “một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối” (3 Nê Phi 12:19), thì chúng ta có thể tin tưởng rằng Thượng Đế sẽ “không còn nhớ tới [những tội lỗi của chúng ta] nữa.”

Việc Sẵn Lòng Tha Thứ Giúp Chúng Ta Nhận Được Sự Tha Thứ của Thượng Đế Như Thế Nào?

Chúa Giê Su đã dạy chúng ta về lẽ thật vĩnh cửu khi Ngài dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha những kẻ mắc nợ chúng con… . Vì nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha Thiên Thượng của các ngươi cũng sẽ tha thứ cho các ngươi; nhưng nếu các ngươi không tha lỗi … thì Cha các ngươi cũng không tha lỗi cho các ngươi” (3 Nê Phi 13:11, 14–15).

Do đó, việc sẵn lòng tha thứ là một điều kiện tiên quyết để nhận được sự tha thứ.

Vì lợi ích của mình, chúng ta cần lòng can đảm đạo đức để tha thứ và xin được tha thứ. Tâm hồn chưa bao giờ được cao quý và can đảm hơn khi chúng ta tha thứ. Điều này gồm có việc tự tha thứ mình.

Do lời của Thượng Đế, mỗi người chúng ta có bổn phận phải tìm đến nhau với sự thứ lỗi và lòng thương xót để tha thứ cho nhau. Có một nhu cầu lớn cho thuộc tính giống như Đấng Ky Tô này trong gia đình, trong hôn nhân, trong tiểu giáo khu và giáo khu, trong cộng đồng, và trong quốc gia của chúng ta.

Chúng ta sẽ nhận được niềm vui của sự tha thứ trong cuộc sống của mình khi chúng ta sẵn lòng chia sẻ niềm vui đó một cách rộng rãi với những người khác. Lời nói thì không đủ. Chúng ta cần phải gột rửa tâm trí của mình khỏi những cảm giác và ý nghĩ cay đắng và để cho ánh sáng và tình yêu thương của Đấng Ky Tô tràn vào. Như vậy, Thánh Linh của Chúa sẽ làm tràn đầy tâm hồn mình với niềm vui kèm theo sự yên ổn thiêng liêng của lương tâm (xin xem Mô Si A 4:2–3).

Các anh chị em thân mến, các bạn trẻ thân mến của tôi, khi người phi công trưởng của một chiếc phi cơ phản lực bay qua khỏi điểm trở về an toàn, và ngọn gió ngược thổi quá mạnh hoặc độ cao để bay quá thấp, thì người ấy có thể bị bắt buộc phải bay hướng khác đến một phi trường khác với điểm tới đã định của mình. Trường hợp này không giống như vậy trong cuộc hành trình của chúng ta trong suốt cuộc sống để trở về nhà thiên thượng của mình. Bất cứ nơi nào các anh chị em tự thấy mình trên cuộc hành trình trong suốt cuộc sống này, bất cứ thử thách nào các anh chị em có thể vấp phải, thì luôn luôn có một điểm trở về an toàn; luôn luôn có hy vọng. Các anh chị em là nguời phi công trưởng của cuộc sống mình, và Thượng Đế đã chuẩn bị một kế hoạch để mang các anh chị em trở về an toàn cùng Ngài, về đến điểm tới thiêng liêng của các anh chị em.

Ân tứ của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô cung ứng cho chúng ta các phước lành của sự hối cải và sự tha thứ vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu. Nhờ vào ân tứ này, cơ hội để có được sự trở về an toàn từ hướng đi tai hại của tội lỗi thì luôn luôn dành sẵn cho tất cả chúng ta vào bất cứ lúc nào.

Tôi cảm tạ Cha Thiên Thượng về điều này, và tôi hết lòng và hết tâm hồn làm chứng về điều này, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.