Cách xử lý rác thải công cộng

Dịp Tết đến, xuân về cũng là khi mùa lễ hội bắt đầu. Đây cũng là mùa môi trường dễ bị ô nhiễm. Đủ các loại rác vô cơ, hữu cơ chất đống, thành nơi sinh sôi, nảy nở của ruồi muỗi và đủ thứ côn trùng gây bệnh.

Mùa xuân, mưa phùn ẩm ướt càng làm tăng thêm sự ô nhiễm do rác thải gây nên. Rác không được thu gom và xử lý đúng cách không những làm mất đi sự sạch sẽ của môi trường sống, mà còn gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt như: giếng, ao, hồ, sông suối... Là điều kiện thuận lợi cho một số côn trùng truyền bệnh như: ruồi, nhặng, dán... phát triển; là nơi phát sinh, phát triển các mầm bệnh truyền nhiễm như: lỵ, thương hàn, viêm gan A... 
 Để khắc phục tình trạng trên, các cấp các ngành và mỗi người cần nhận thức đúng trách nhiệm của mình. Chính quyền các cấp, nhất là cấp thôn, xóm, bản, làng, cụm dân cư cần quan tâm và chỉ đạo tích cực việc xử lý rác, giữ vệ sinh môi trường. Xây dựng những qui ước, hương ước cụ thể để huy động sự tham gia của mọi người, mọi gia đình thu gom và xử lý rác. Hàng năm, nên đưa hoạt động thu gom rác, bảo vệ môi trường trở thành một trong những tiêu chí để xét công nhận gia đình văn hoá, làng văn hoá. Cùng với việc tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, Ban tổ chức các lễ hội khi tổ chức phải thành lập đội vệ sinh để thường xuyên thu gom rác, bố trí những nơi để rác cố định, đầu tư xây dựng lò đốt vàng mã... giữ cảnh quan luôn văn minh, trang trọng.
Du khách đến tham gia lễ hội cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường: để rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi.
Mỗi cá nhân, gia đình cần có ý thức thường xuyên thực hiện thu gom và xử lý rác thải đúng cách. Với các loại rác thải sinh hoạt trước khi xử lý cần được phân loại. Thực phẩm, rau quả thừa có thể tận dụng cho chăn nuôi. Vỏ trái cây, rơm, rạ, lá cây có thể ủ làm phân hữu cơ. Túi ni lông, vỏ bao bì có thể thu gom để tái sản xuất. Chất thải, phân hoặc nước tiểu của các loại vật nuôi cần thường xuyên đựơc thu gom, dọn sạch, ủ mục trước khi sử dụng. Các phế liệu, chum, vại chai lọ sau khi sử dụng nên thu vào một nơi qui định, đổ hết nước đọng để tránh muỗi đẻ. Vỏ chai lọ, bao bì thuốc trừ  sâu  cần được thu gom và chôn sâu cách xa nguồn nước, xa nơi chăn thả trâu bò... Thu gom và xử lý rác thải là việc làm ít tốn kém cả về kinh tế và thời gian, nhưng là một biện pháp hiệu quả để bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh tật cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng.


Hướng dẫn thu gom, xử lý rác thải trong công tác phòng, chống dịch COVID-19

28-7-2021

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 để đảm bảo xử lý kịp thời chất thải phát sinh do dịch COVID-19 nhằm sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và vệ sinh môi trường, đặc biệt là tại các khu cách ly, các Chốt kiểm soát dịch và nơi công cộng cần được hướng dẫn cụ thể việc thu gom, quản lý, xử lý chất thải y tế phát sinh trong phòng dịch COVID-19.

Phân loại và xử lý rác thải tại Trung tâm Y tế huyện

+ Phân loại: Chất thải phát sinh phải được phân loại ngay vào thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.

+ Về thu gom: Túi đựng chất thải phải buộc kín miệng túi. Thùng thu gom chất thải phải có thành cứng, có bánh xe đẩy và được lưu giữ tạm thời tại khu vực riêng biệt. Trong quá trình thu gom, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài.

+ Về xử lý: Ưu tiên xử lý tại cơ sở y tế ngay trong ngày bằng lò đốt chất thải rắn y tế hoặc bằng thiết bị hấp chất thải lây nhiễm hoặc thiết bị khử khuẩn khác đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, đảm bảo đúng quy định và vệ sinh môi trường.

Đối với khu dân cư: Người dân cần tăng cường vệ sinh môi trường, không vứt rác bừa bãi, đặc biệt là khẩu trang đã qua sử dụng. Đối với trường hợp cố tình vứt khẩu trang đã qua sử dụng bừa bãi tiến hành xử phạt theo Điểm C Điểm d, Khoản 1, Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định  tại khu chung cư, thương  mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng... Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường giao thông hoặc vào hệ thống thoát nước).

Các Chốt, Tổ kiểm dịch bố trí thêm thùng chứa rác thải, lắp đặt thêm bảng hướng dẫn vị trí bỏ rác thải; quản lý chặt chẽ rác thải phát sinh từ các hoạt động kiểm tra y tế, lấy mẫu xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2.

Việc phân loại rác thải y tế trong phòng chống dịch là quan trọng góp phần giảm các nguy cơ lây nhiễm bệnh và vệ sinh môi trường. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân giữ gìn vệ sinh môi trường và đẩy lùi dịch bệnh.

Tin, ảnh: Thu Hằng – Văn Hưởng

Số lượt xem:3504

Bài viết liên quan: