Hướng dẫn ghép điếu thuốc và mắt kính trong prem

Tạp chí Style - Tạp chí thời trang, làm đẹp và lối sống được phát hành bởi Châu Bách Media. - STYLE là tạp chí thời trang, làm đẹp và lối sống dành cho những độc giả có quan điểm sống trẻ, tư tưởng cởi mở và luôn hướng tới những điều mới mẻ. STYLE lựa chọn và mang đến những thông tin, xu hướng thời trang và lối sống mới cho các độc giả STYLE. - Tap chi Style | 10 - 2013

Đặc San CHU VĂN AN

Xuân Mậu Dần 1998

Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Chu Văn An

Bắc California, Hoa Kỳ

* * *

LÁ THƯ TÒA SOẠN

Đặc San Chu Văn An xuân Mậu Dần do Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Chu Văn An Bắc California chủ trương đã được sự hưởng ứng và đóng góp nồng nhiệt của rất nhiều người, từ những bậc trưởng thượng lão thành và các bậc đàn anh đàn chị của thập niên ‘40, qua thế hệ trung gian của các thập niên '50, '60, cho đến các bạn trẻ thuộc thập niên '70.

Ngoài ra, chúng tôi cũng lấy làm cảm kích và khích lệ khi được sự ưu ái đóng góp của các thân hữu có cảm tình với trường Chu Văn An. Chúng tôi xin ghi nhận tấm thịnh tình của quí vị.

Thêm nữa, chúng tôi cũng muốn nêu lên sự góp mặt của thế hệ trẻ sinh ra hoặc lớn lên tại hải ngoại, những mầm non cúa dân tộc trong tương lai.

Đặc San Chu Văn An Bắc California năm nay quả đã là một sự hội ngộ hùng hậu và đẹp đẽ của những anh chị em Chu văn An và thân hữu đang sinh sống tại hải ngoại. Hy vọng nó góp phần làm phong phú hơn nữa cho diễn đàn rất có ý nghĩa trong suốt hơn mười năm qua của tập thể Chu văn An.

Tất nhiên, dù cố gắng, chắc chắn chúng tôi cũng không tránh khỏi nhiều thiếu sót.. Rất mong quí vị và các bạn chân tình bổ khuyết để những số tiếp theo sẽ được cải tiến hơn.

Một lần nữa, xin cảm tạ tất cả quí vị và các bạn.

* * *

SỚ TÁO QUÂN

Muôn tâu Thánh Thượng

Hôm nay tháng Chạp

Chưa tới hăm ba

Thần phóng hết ga

Chạy nhanh hơn cả

Xe Diana

Mà không chạm, va

Đụng tường, đâm cột...

Nhờ mạng thần tốt

Nên thần ... sống sót

Nhưng thần đã chót

Nhào tới trước giờ

Đành đứng ngoài chờ

Cho Ngọc Hoàng ...khò

Bây giờ ...lò dò

Bước đại vào đây

Lay Ngọc Hoàng dậy

Để thần chúc thọ

Với lại lập bô

Cho tròn bổn phận

Thần là Táo Quân

Luôn luôn kề cận

Hội Chu Văn An

Ghi chép miên man

Bao nhiêu sự việc

Giờ xin tâu thiệt

Cho Ngoc Hoàng rõ

Chuyện lớn chuyện nhỏ

Của cái Hội này

Xin kể từ ngày

Hội Chu Văn An

Suýt nữa tiêu tan

Vì Lê Duy San

Hăm he giải tán

Nếu không ai dám

Vác lấy ngà voi

Mà lo cho Hội

Anh em mồ hôi

Vã ra như tắm

Chuyện sao rối rắm

Nào có ai ngờ

Mọi người nhỏ to

Quay qua quay lại

Đề cử người này

Chỉ định người kia

Thoái thác lia chia

Khác gì lớp học

Vắng thầy coi sóc

Ồn hơn hội chợ

Lứa tuổi đùa nô

Vịnh Lưu nhà thơ

Ngó lui ngó tới

Giơ tay lên nói:

“Hội của chúng ta

Xin nói thẳng ra

Cần luồng gió mới

Kiếm người mới tới

Thung Lũng Hoa Vàng

Bắt làm việc làng

Hội mới ...sống được!”

Thế là chức tước

Trong Ban Chấp Hành

Được phân phát nhanh

Cho nhân sự mới

Gồm Phạm Huy Thịnh

Mới tới Vùng Vịnh

Được một năm thôi

Vợ chồng ... đi đôi

Con cái...xa xôi

Ra làm Hội Trưởng

Với Trần Minh Phương

Bẩy lăm ra trường

Làm Tổng Thư Ký

Ba năm ở Mỹ

Con còn bé tí

Vừa học vừa cầy

Cần người tiếp tay

Thì đã có ngay

Phó Tổng Thư Ký

Mọi người đồng ý

“Dí” ... Phạm Phúc Hưng

Đang nhẩy ... cà tưng

Bắt phải đưa lưng

Đưa đầu chịu ... báng.

Con người nhỏ dáng

Trông thật dễ thương

Cũng lại tên Phương

Họ Nguyễn đệm Đình

Thấu hết tình hình

Đóng vai Thủ Quỹ

Ở Pi-nô-lê

Có Hoàng Uông Lễ

Cùng với cháu rể

Mới tới Ca li

Là Nguyễn Lê Tiến

Hai người cùng ... biến

Thành Phó Hội Trưởng

Còn người vẫn thường

Đàn ca hát xướng

Phụ trách Văn Nghệ

Đôi vợ chồng.... trẻ

Doãn Lê Quốc Tấn.

Người không lấn cấn

Chuyện vợ chuyện con

Cư xử rất tròn

Yêu thơ, thích họa

Cũng vừa mới qua

Ca li nắng ấm

Còn đang tìm ngắm

Bông hoa diên vĩ

Thì được “lì xì”

Đặc San, Báo Chí

Với lại Tin Thư

Anh cũng phải ừ

Ghé vai gánh vác

Chính Vũ Mạnh Phát

Còn người liên lạc

Bạn vùng Sắc-tô

Chỉ làm, không hô

Tốt số vợ hiền

Là Nguyễn Huy Tiên

Kêu gọi liên miên

Bạn bè khắp chốn

Thôi ... đừng...lẩn trốn

Mau nhập...cuộc... chơi!

Ban Chấp Hành mới

Mời Lê Duy San

Lên làm cố vấn

Cố Vấn Tối Cao

Thường Trực Trọn Đời

Hội Chu văn An

Dù anh…mệt…rồi!!!

Việc làm của Hội

Trong suốt năm qua

Xin kể qua loa

Vài chuyện chính yếu

Thần mà kể thiếu

Là chuyện đương nhiên

Công việc trước tiên

Chính là Tin Thư

Phát hành từ từ

Tùy theo tin tức

Lúc đầu sung sức

Mỗi tháng một kỳ

Tới giữa nhiệm kỳ

Phát hành ba tháng

Giờ thì ... loạng quạng

Chẳng biết bao lâu

Anh em chỉ cầu

Mọi người trước sau

Hà hơi tiếp sức

Tin Thư tiếp tục

Xây dựng nhịp cầu

Đồng môn giúp nhau

Tình thân thắm thiết

Thần cũng được biết

Rất nhiều bạn xưa

Bất ngờ sớm,trưa

Gặp lại được nhau

Cũng qua nhịp cầu

Của Tin Thư đấy!

Đặc San năm nay

Đổi khuôn đổi khổ

Giống quyển sách nhỏ

Thơ, nhạc tràn lan

Nội dung...miễn bàn

Bài vở không thiếu

Hình ảnh mỹ miều

Tốn chẳng bao nhiêu

Chính nhờ thiện chí

Của Ban Báo Chí

Như Đặng Tường Ngữ

Với Phạm Nguyên Khôi

Quyết không chịu lui

Trước bao thử thách

Về mặt tài chánh

Anh em gồng gánh

Hội viên yểm trợ

Quỹ không thiếu nợ

Đủ cho Tin Thư

Phát hành từ từ

Tiền quỹ....không dư

Anh em ...ngất ngư

Những sinh hoạt khác

Thì đành phó thác

Cho ... Ngọc Hoàng thôi!

Thần thấy bùi ngùi

Thương cho Hội quá

Sinh hoạt văn hoá

Tạm gác một bên

Tuy rằng anh em

Không thiếu thiện chí

Thần nghĩ cho kỹ

Tại cái Hội này

Vận số ...ai hay?

Ai người...cởi,...mở

Thần xin nói nhỏ

Ờ ...Ờ ...Ờ ...Ờ ...

Ở xứ ... tự do

Thần tự ..xoá bỏ

Chục dòng... ri-po

Sinh hoạt nhóm nhỏ

Lóe lên chập chờn

Thoáng nghe tiếng đờn

Hòa lẫn câu thơ

Đây đó...bàn cờ ...

Thế mà... bỏ dở

Vì con, vì vợ

Vì nợ...ngân hàng

Tránh xa...việc làng

Né gông ... đeo cổ

Phong trào tương trợ

Hội có khơi mào

Hưởng ứng...ào ào

Lúc đầu...một tí

Rồi cũng ...ù lì

Nhưng thật đáng ghi

Nhóm com-piu-tơ

Dẫu có ...mệt đờ

Cũng hàng chục mạng

Tuổi đã có hạng

Gặp nhau đều đều

Tiếng cười thật nhiều

“Được ăn được nói

Được gói mang về”

Toàn truyện e-mail

Và In-ter-net

Với lại chữ Việt

Cùng com-pu- tơ

Mọi người đều thích

Còn về sự tích

Tất niên năm rồi

Nhiều chuyện đáng nói

Tìm lui tìm tới

Địa điểm chẳng ra

Thần xin kể qua

Đầu đuôi ngọn ngành

Họp Ban Chấp Hành

Với Ban Cố Vấn

Anh em tần ngần

“Tổ chức sao đây?

Vừa vui lại rẻ”

Anh thì bắt bẻ

“Nhà hàng bình dân

Người ta chê ‘ bần ‘

Sẽ không tham dự

Tình hình bây chừ

Kiếm nơi chứa đủ

Hai trăm người thôi

Là quá cỡ rồi!”

Thế cũng chưa thôi

Lại thêm điều kiện

“ Phải cố thực hiện

Vào trước tết cơ

Ý nghĩa mới có”

Thật là khốn khổ

Cho Ban Chấp Hành

Nhiều người “mới toanh”

Chưa rành phong thổ

Làm sao tìm chỗ

Thật là tự do

Thật là linh động

Anh em tới đông

Cũng không phải đứng

Các chị ....không hứng

Thì cũng chẳng sao

Số người thế nào

Hội đều “ cân” hết

Đã gần đến Tết

Tìm vẫn chưa ra

Nơi nào tổ chức

Anh em tiếp tục

Tìm đến vài nơi

Có tiếng chịu chơi

Sẵn sàng giúp đỡ

Thật là mừng rỡ

Khi đã cùng đường

Võ Đường Hùng Vương

Sẵn sàng cho mượn

Mọi người tí tởn

Phân chia công việc

Anh em không tiếc

Thì giờ công lao

Chỉ cố làm sao

Hội viên vui vẻ

Lớn bé già trẻ

Đều đến gặp nhau

Cười nói thật lâu

Mới đạt yêu cầu

Anh em chia nhau

Điện thoại từng người

Gọi tới gọi lui

Gọi cho kỳ được

Mới chịu xả hơi

Tới ngày vui chơi

Gần bốn trăm mạng

Nào thầy, nào bạn,

Nào vợ, nào con,

Nào ông, nào cháu

Tập trung gặp nhau

Nối một nhịp cầu

Thật là thân thiết

Ngọc Hoàng...dư biết

Nào phải chuyện chơi

Chính nhờ mọi người

Nhiệt tình với Hội

Nhiều người khen ngợi

“Am cúng , tình thân,

Thật vui, lại rẻ”

Nhưng Thần cũng nghe

Có người trách, chê

Với lời phán, phê

“Xây dựng...chút ít

Ghế ngồi... đau đít

Đến khi muốn...xịt

Phải xếp hàng chờ”

Thần cười ... tảng lờ

Tránh ra chỗ khác

Anh em bàn bạc

“Rút kinh nghiệm thôi”

Mậu Dần tới rồi

Muốn tổ chức to

Nhưng thiếu người lo

Thiếu người...giúp đỡ

Nên đành ...ờ ..ờ ...

Làm ở nhà hàng

Giải quyết...việc làng

Mong rằng đỡ mệt

Thần kể tạm hết

Chuyện của năm qua

Giờ xin giáng hạ

Về lại trần gian

Xin Ngọc Hoàng ban

Hai chữ “Bình An”

Với lại chữ “Nhàn”

Cho toàn thần dân

Thân hữu xa, gần

Hội Chu Văn An!

“Khanh về trần gian

Nhớ lời Trẫm dặn

Dân Chu văn An

Hãy giữ Tinh Thần

Của Chu tiên sinh

Trong Đại gia đình

Bưởi-Chu Văn An

Cho tới ngày tàn

Cuộc sống trần gian

Hỡi Chu Văn An!”

Táo CVA/ Bắc Cali sao lục

Tết Mậu Dần 1998

* * *

LTS: Thầy Nguyễn Đình Hòa là cựu GS trường CVA Saigon

ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ

Nguyễn Đình Hòa

Vị lão sư vừa tiễn chân khách quí tới hết rặng thông. Sau ba lần vái chào, khách dắt ngựa xuống chân núi, đầu còn ngoảnh lại, nhìn lên ông thầy cũ. Lúc bóng người khách và hai viên tùy tùng đã khuất hẳn, vị lão sư mới lững thững quay lên. Bước vào ngôi nhà tranh, cụ gọi tiểu đồng căn dặn: " Gấm vóc vua ban,con hãy cất giữ để sau này cho những ai thiếu thốn trong xã, chứ ta đã đủ quần áo rồi."

Sáng hôm đó, vị sư-biểu đời Trần vừa mới tiếp một vị đại- quan mà nhà vua từ thành Thăng-Long phái lên tận núi Phượng-hoàng (huyện Chí-linh, tỉnh Hải-dương) mời ông hạ sơn giúp nước.

Ông thầy già Chu (Văn) An đang ngồi trên sập, tựa vào cái gối xếp, đọc sách, thì thấy viên khách nào đó, áo mũ long trọng, sụp xuống ở ngoài hiên, lên tiếng kính chào sư phụ. Té ra là học trò yêu khi xưa - quan Nhập-nội Hành-khiển họ Phạm - từ kinh đô tới. Ông thầy cũ vội buông sách, bước khỏi sập, xỏ chân vào đôi giày cỏ, lại nâng khách quí dậy: "Quan Hành-khiển, xin người đừng quá khách sáo."

Thầy trò gặp nhau quấn quít, nhưng vẫn đúng lễ nghi. Sau chén chè mai, vị đại quan chắp tay thưa: " Kính thưa Thầy, con được lệnh nhà vua chuyển đến Thầy bản sắc-phong và vài tặng-phẩm. Nhân dịp này, con rất vui mừng được trở về hỏi thăm sức khỏe của Thầy. "

Chu An đỡ lấy bọc gấm vóc và cái tráp son do hai viên tùy tùng dâng lên. Cụ kính-cẩn đặt lên bàn thờ ở giữa nhà, rồi sửa sang áo-mũ, đứng vái trước hương án, từ từ mở bản sắc phong ra đọc, rồi gập lại, đặt trả vào trong tráp, không nói gì cả.

Hai bên hàn-huyên mọi nỗi, bàn-luận lan-man về thế-thái nhân-tình cũng như quốc-sự, nhưng rồi qua bữa cơm trưa thanh đạm, mãi gần đến giờ thân mà ông cụ vẫn chưa đả-động gì đến bản sắc-phong kia. Mãi sau, cụ mới lên tiếng rằng cách đó mấy tháng, nhà vua đã phán bảo cụ về chuyện đó, nhưng cụ xin Vua cho cụ về suy nghĩ đã.

" Nay nhà vua lại cho quan đại thần mang thư đến nhắc chuyện ấy và cho thầy gấm lụa," cụ thong thả nói. " Tặng-phẩm này, thầy xin bái-lĩnh và đội ơn nhà vua. Nhưng chuyện ủy-thác cho thầy về Kinh trông-nom việc triều-chính, thì thầy đã suy-nghĩ, không thể tuân lệnh nhà vua được."

Phạm Sư-Mạnh chắp tay kính-cẩn thưa: " Kính thưa Thầy, nhà vua và đình-thần ngày đêm mong-mỏi được Thầy về đế-đô chăm-lo việc triều-chính, để đem lại hạnh-phúc cho muôn dân....."

" Hạnh phúc cho toàn dân, " vị lão sư ngắt lời học-trò, " là ở chỗ: trên minh quân, dưới hiền thần, vua tôi cùng đem đạo-lí ra mà chăn-dắt muôn dân, ai nấy đều được no-ấm an-bình. Chứ hiện nay, triều-chính thối-nát, nhà vua chỉ lo xây-đắp đền-đài cung-điện cho nguy-nga, lại nghe bọn gian-thần sàm-tấu, khiến cho dân-tình oán-thán, giặc-giã phong-khởi. Thầy đây, tài hèn sức mọn, làm sao có thể đem lại hạnh-phúc cho dân được?"

Vị khách cúi đầu, khi nghe ông thầy mình bảo về tâu lại nhà vua rằng cụ xin được tiếp-tục nếp sống ẩn-dật trên núi, an-vui với mưa nắng, cỏ-cây quanh túp nhà tranh.

Chu An, đang dạy học tại trường làng Cung-hoàng, gần kinh-thành, thì vua Trần Minh-Tông (tên Mạnh, ở ngôi từ 1314 đến 1329) xuống chiếu vời ông vào và giao cho chức Quốc-tử Tư-nghiệp, tức như viện-trưởng trường Quốc-tử-giám. Chu An vâng mệnh vua, đóng cửa trường, từ-giã hoc-trò để vào Kinh nhận chức. Đứng đầu một trường lớn chuyên đào-tạo các vương-tôn công-tử, ông không lấy làm vinh-dự cho lắm: càng tiếp-xúc với các bậc công-hầu khanh-tướng, thì ông càng đau lòng khi thấy chính những người ấy ham-mê cuộc sống xa-hoa, đồi-trụy, thiếu hẳn cái đạo-lý của thánh-hiền mà Chu An mong-mỏi đem dạy-dỗ cho đám môn-sinh.

Vị tư-nghiệp thường hay đi dạo chơi quanh ngôi trường nghiêm-trang để vừa hòa mình với thiên-nhiên tươi-tốt, vừa đi sâu tìm hiểu dân-tình. Một hôm gặp đám dân nghèo ốm-yếu, rách-rưới kéo nhau đi làm, ông hỏi một người lớn tuổi thì mới biết là trong hoàng-thành, nhà vua đang cho xây ngự-uyển, đắp giả-sơn, đào hồ mát, dựng cây cảnh, điện nọ, cung kia, để cho vua quan cờ-bạc, rượu-chè, tha hồ hưởng lạc,trong khi đám nhân-công lam-lũ đổ mồ-hôi ra sức phục-dịch.

Hôm đó, về đến tư-thất, Chu An trằn-trọc suốt đêm, nghĩ đến nông-nỗi dân-den, đã hay bị lụt-lội, hạn-hán, lại còn khổ-sở vì loạn-lạc khắp nơi. Ông ngồi dậy, đến án-thư thảo bài sớ " Thất trảm ", để dâng lên xin nhà vua chém đầu bảy tên nịnh-thần. Khi vua triệu vào cung ông được vua Trần Dụ-tông ( tên Hạo, ở ngôi 1341-1369 ) rời ngai rồng,ra tận thềm điện Thị-triều và dắt Chu An vào ngồi chỗ cao trong hàng văn-quan gần ngai vàng. Hôm đó lại chính là dịp khánh-thành khu ngự-uyển: sau nghi-thức vua ban rượu, rồi các quan chúc-tụng vua, Dụ-tông khen tài-đức của Chu An, nhưng lại nói muốn ông cứ tiếp-tục làm tròn phận-sụ của Quốc-tử Tư-nghiệp ---còn ngoài ra không cần bận -tâm đến mọi việc khác!

Chu An không đổi sắc mặt, đứng dậy chắp tay lạy tạ. Sáu tháng sau, mọi việc trong triều vẫn không có gì thay-đổi : Chu An lại dâng sớ,nhưng lần này lấy cớ sức yếu mà xin từ quan.Nhà vua trẻ tuổi xuống chiếu mấy lần đòi giữ ông, nhưng lão-sư nhất mực xin rút lui, và vua phải chịu cho ông về nghỉ.

Chu An là nhà nho, nhà hiền-triết, nhà sư-phạm mẫu-mực cuối đời Trần. Ông có tên hiệu là Tiều-Ẩn, tên chữ là Linh-Triệt, người làng Văn-thôn, xã Quang-liệt, huyện Thanh-đàm ( về sau đổi là Thanh-trì ). Năm sinh Nhâm-Thìn (1292 ) và năm mất Canh-tuất ( 1370 ) là theo thần-tích tại ngôi đình Thanh-liệt, tức nơi thờ ông làm Thành-hoàng. Học-thức uyên-bác, tư-cách thanh-cao, nên khi đứng đầu Quốc-tử-giám để dạy Thái-tử học, vị Tư-nghiệp trường quốc-học đó đã cùng với các đồng-liêu cùng chí-hướng như Mạc Đĩnh-Chi, Phạm Sư-Mạnh và Nguyễn Trung-Ngạn tham-gia việc triều-đình. Nhưng đến đời Dụ-tông ( lên ngôi lúc sáu tuổi ), chính sự suy-đồi, ông can-ngăn nhà vua không được, khi dâng sớ Thất-trảm ( văn bản này đã thất truyền ) vua cũng không nghe, ông mới xin từ quan, về ở ẩn trên núi ở xã Kiệt-đặc, huyện Chí-linh.

Chu An viết nhiều tác-phẩm: Tiều-ẩn Thi-tập bằng chữ Hán, Quốc-ngữ Thi-tập bằng chữ Nôm, sách Tứ-thư Thuyết-ước,và quyển Y-học Yếu-giải nói về đông-y. Khi ông mất, vua Trần đã ban tên thụy cho ông là Văn-trinh và dành cho ông một vinh dự đặc-biệt là được thờ tại Văn-miếu, tức đền thờ Đức Khổng-tử.

Phan Huy-Chú đã ca ngợi Chu An như sau: "Học-nghiệp thuần-túy, tiết-tháo cao-thượng, làng Nho nước Việt trước sau chỉ có một mình ông, không ai sánh kịp.""

Đường Van Vollenhoven ở Hà-nội trước, nay đã cải là phố Chu Văn An. Trường Bưởi ( "Trung-học Bảo-hộ ", dịch tên Lycée du Protectorat ) từ 1945 cũng mang tên nhà sư-phạm lỗi-lạc, tài-đức vẹn-toàn, đáng cho đám hậu-sinh chúng ta hãnh-diện mà noi theo đường-lối của Ngài.

***

Nhớ lại Chu Văn An

1953-1956

Đặng Lương Mô

Hè năm nay, 1997, với tôi là cả một mùa đáng ghi nhớ. Đã ngót hai chục năm nay rồi, mỗi năm, phần nhiều vào dịp hè hoặc dịp hè sang thu, năm nào tôi cũng sang Mỹ, thường là đi dự một hội nghị chuyên môn để phát biểu công trình nghiên cứu khoa học.Tôi quên chưa tự giới thiệu : tôi làm giáo sư dạy điện tử tại một trường đại học khá danh tiếng ở Nhật. Chỉ có hai lần tôi qua Mỹ mà không đi dự một kỳ hội chuyên môn nào cả. Một lần đã gần mười năm trước đây, tôi dìu dắt một toán ba mươi sinh viên nam nữ của trường tôi sang dự một khóa học hè theo chương trình trao đổi với một trường đaị học chị em ở bang Missouri. Lần thứ hai chính là mùa hè năm nay vậy.

Cũng như đa số người Việt hải ngọai ngày nay, tôi vốn trước đây cũng làm trong chính thể VNCH, rồi thất thế phải rời bỏ quê hương đi tha phương cầu thực cho tới bây giờ. Ngày trước ở quê nhà, tôi chỉ làm nghề thày giáo, dạy học ở trường Đại Học Khoa Học, đường Cộng Hòa (nay là đường Nguyễn văn Cừ), và Học Viện Quốc Gia Kỹ Thuật, đường Nguyễn văn Thoại, Phú Thọ. Đã có lúc nhờ thời vận, tôi làm tới chức Viện Trưởng của Học Viện này. Rồi ngày 30 tháng 4 năm 1975 xẩy tới, lật ngược cả cái xã hội mà biết bao nhiêu người không phải chỉ riêng người VN mà còn có cả hàng ngàn, hàng vạn người nước ngoài nữa đã góp công, góp sức, góp của cải, góp xương máu xây dựng lên. Hơn mười bốn tháng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi được phép xuất cảnh ra khỏi VN, sau khi đã xong một khóa học tập ngay tại Sài-gòn dành riêng cho giáo giới đại học "ngụy". Tôi trở lại Nhật, quê hương thứ hai của tôi, nơi tôi đã sống trên mười năm trời của cái thời kỳ hình thành nhân cách nhà khoa học của tôi, nghĩa là trước khi tôi về VN làm giáo sư đại học. Tôi lại đi làm cho một công ty điện tử lớn của Nhật-Bản, công ty mà ngày trước, trước khi về VN dạy học, tôi đã từng làm việc ở đó rồi. Một thời gian sau, tôi đổi sang làm việc tại trường đại học Nhật kể trên, và tiếp tục làm nghề thày giáo cho tới bây giờ. Kể từ khi tôi còn làm việc với công ty điện tử kể trên cho tới nay, tức là hơn hai chục năm nay, thì hầu như năm nào tôi cũng có công trình nghiên cứu đem đi phát biểu ở các hội nghị chuyên môn quốc tế, phần lớn ở Mỹ. Chính nhờ vậy mà hàng năm tôi vẫn có dịp qua Mỹ như đã nói ở trên.

Sang Mỹ, nếu họp ở California thì thôi, chứ nếu họp ở một nơi khác, thì tôi sẽ xếp đặt sao cho tôi có thể ghé California được vài ngày mới chịu. Lý do lần nào tôi cũng ghé California, là vì tôi có nhiều thân thích sinh sống ở đó : cha mẹ già, anh em ruột và nhiều bà con khác nữa.

Năm nay thật ra tôi đã làm xong phận sự hàng năm như vậy hồi tháng Hai rồi. Đáng lẽ tôi không còn dự định nào qua Mỹ đại lục nữa, duy tôi sẽ lại qua Hawaii vào dịp cuối năm nay, cũng là để phát biểu công trình nghiên cứu khoa học, thế mà tôi đã bắt buộc phải qua California một lần nữa, cũng lại vào mùa Hè! Thứ nhất là vì cha già tôi, năm nay đa chín mươi mốt tuổi, bỗng trở bệnh nguy kịch! Anh cả tôi bèn gọi tôi từ Nhật và em trai tôi từ Úc qua cho gấp! May thay, mặc dầu bệnh tình quả có nguy ngập thật, xong nhờ sự chăm sóc hiến thân của mẹ già tôi, một cụ già nữa cũng suýt soát cửu tuần, nhờ sự hiệu nghiệm của y thuật tiến bộ, và nhất là nhờ sức sống khác thường mà người ta hay thấy ở các cụ già thuộc thế hệ sinh vào đầu thế kỷ này, cha tôi đã vượt khỏi cơn hiểm nghèo! Lý do thứ hai khiến tôi đã lại qua California mùa hè năm nay, là vì một cuộc họp bạn của các cựu học sinh của một tỉnh đồng bằng Bắc Việt, nơi mà tôi đã ở và đi học ba năm cuối của bậc trung học đệ nhất cấp. Cuộc họp bạn này đã cho phép tôi được gặp cả ba bốn chục bạn cũ, phần lớn thì cả chục năm nay và có người cả gần năm chục năm qua, tức là kể từ ngày ra trường đến nay, không hề gặp nhau lần nào cả. Thật ra, tôi đã có ý bỏ không tới dự cuộc họp bạn này, nếu tình trạng sức khỏe của cha già tôi không khá lên. Song , nhờ trời, tình trạng sức khỏe của cụ đã cải thiện, và vì vậy sự tới dự buổi họp bạn nọ đột nhiên thực hiện được. Không những thế, chính nhờ có chút đỉnh bất ngờ, mà sự tham dự buổi họp bạn lại càng trở nên thú vị hơn.

Còn một cái thú vị nữa, đáng ghi nhớ và còn tình cờ hơn nữa, là tôi bỗng nhiên được dự một buổi họp khác, hoàn toàn không trù tính, không tiên liệu, không xếp đặt gì trước cả, của Hội Ái Hữu Chu Văn An ngay tại San José (California).

Vâng, Chu Văn An là trường tôi học trong trọn ba năm của bậc trung học đệ nhị cấp, từ năm 1953, tức là lúc trường còn ở Hà-nội, cho tới năm 1956, tức là hai năm sau khi trường đã di vào Sài-gòn. Nói một cách khác, từ một tỉnh nhỏ thời đó chưa có trường trung học đệ nhị cấp, tôi đã phải lên Hà-nội mới có thể học lên nữa được, tôi may mắn đã có điểm tốt ở bậc đệ nhất cấp, nên đã được cho vào trường Chu Văn An miễn thi. Thời đó ở ngoài Bắc, chỉ có ở Hà-nội mới có trường trung học đệ nhị cấp. Mà ngay ở Hà-nội, cũng chỉ có Chu Văn An và Nguyễn Trãi là hai trường công có bậc đệ nhị cấp mà thôi. Ngoài hai trường này, Hà-nội còn có vài trường tư thục cũng có bậc đệ nhị cấp, và trường trung học Pháp, dạy theo chương trình hoàn toàn bằng tiếng Pháp nữa.

Tôi còn nhớ hồi năm 1954, sau Hiệp Định Genève, vấn đề trường di chuyển vào Nam đã làm xôn sao cả thày lẫn trò. Người này nói nên đi, người kia nói đừng. Có thày đã công nhiên đem vấn đề này ra thảo luận ngay trong giờ học. Tôi còn nhớ một ông thày như vậy là thày Quĩ, dạy toán. Thày đã ở lại Hà-nội chứ không theo trường vào Nam. Còn tôi, tôi không có sự lựa chọn nào khác được, bởi vì cha mẹ tôi đã quyết định di cư vào Nam rồi! Chính bản thân tôi , tôi không thắc mắc gì mấy trong vấn đề di cư vào Nam cả. Không những thế, tôi lại còn có phần phấn khởi nữa là khác. Lý do của tôi rất đơn giản : tôi sẽ có dịp được thấy Sài-gòn và sống tại miền Nam, mà không dưng thì chắc chẳng bao giờ tự mình lại có thể thực hiện được, xét cái hoàn cảnh của xã-hội VN thời đó. Cũng có thể là tôi đã chịu ảnh hưởng của họ hàng thân tộc. Ông ngoại tôi thời xưa, thời Tây, đã đi lính và đã đóng đồn ở bên Tàu. Cậu tôi, làm sở thiên văn dưới thời Tây, cũng đã từng sang làm việc ở Savanakhet bên Lào. Được nghe kể chuyện lạ bên Tàu, hay bên Lào, tôi thường cảm thấy háo hức lạ lùng. Vào Nam thì chính xác chưa phải là sang một nứớc ngoài, song đây cũng là đi một xứ lạ, xa lắc xa lơ! Ấy là chưa kể với nhiều người của thời đại trước, mà trong lịch sử cận đại đã có nhiều dẫn chứng, thì vào Sài-gòn cũng có nghĩa là bước đầu sang Tân Thế Giới.

Vào đến Sài-gòn trường ốc không có, phải mượn một dãy nhà vốn là ký túc xá của trường Pétrus Ký làm lớp học. Mặc dầu trường ốc không được khang trang bằng ở Hà-nội, song thày và trò vốn vẫn là đám người chọn lọc, nên hoạt động của trường chỉ trong một thời gian ngắn đã trở lại bình thường. Ngoài những thày từ Hà-nội vào, trường lại có thêm một số thày mới, phần lớn đều là thành phần di cư từ miền Bắc vào cả. Những thày mới này, trẻ là những người mới đậu cử nhân, lớn tuổi rồi thì có người đã có kinh nghiệm giảng dạy ở đại học nữa, chẳng hạn như giáo sư Hoàng Cơ Nghị. Nhờ thế mà phẩm chất giáo dục của trường có thể nói là rất tốt. Thời đó, thi Tú tài cũng phải nói là đã khó. Tỉ lệ đậu tú tài ll còn khá chứ tỉ lệ đậu Tú tài l của mỗi khóa thi, thì ít khi cao hơn 40 phần trăm. Vậy mà trường Chu Văn An vẫn luôn luôn duy trì được thành tích rất cao. Thời đó, số học trò còn ít cho nên đi thi thì ai đậu, ai rớt mọi người đều biết lẫn nhau hết. Tôi còn nhớ khóa tôi chỉ có ba lớp ban B, một lớp ban C và một lớp ban A. Nói cách khác, số người cùng đi thi một khóa với nhau chỉ có khoảng hơn một trăm nguời, cho nên phần lớn đều biết mặt nhau cả. Ấy số học trò CVA tuy ít như vậy mà cũng chiếm một phần không nhỏ của cả trường thi.

Tôi nhớ kỳ thi Tú tài l của tôi là năm 1955, trường thi là trường Gia Long, chủ khảo là giáo sư Hoàng Cơ Nghị. Số người đậu chỉ đủ để cho chính giáo sư chủ khảo cầm danh sách, đứng trên thềm gạch của văn phòng trường, đích thân đọc tên từng người một! Ông còn nói đùa: " Tôi sẽ chỉ đọc thứ hạng những ai hạng Bình Thứ trở lên mà thôi, còn ai hạng Thứ thì xin thứ cho tôi!" Thày Nghị này, ngoài cái dí dỏm trí thức như vậy, còn là giáo sư thượng thặng trong việc giảng dạy môn vật lý. Ông giảng rất dễ hiểu mặc dầu nội dung bài giảng của ông có khi vượt lên trên phạm vi học trình trung học. Vào lớp học, ông thường đi với hai tay vo, không cầm sách theo bao giờ cả. Ông tận dụng cái bảng đen, đi đi lại lại trong lớp học, tay vuốt ngược mái đầu hói, miệng không ngừng nói cho đến hết giờ. Cái tác phong này khác hẳn với thày Quĩ đã nói ở trên. Thày Quĩ dạy toán cũng hay lắm, cũng dí dỏm không kém, song thái độ ông đủng đỉnh hơn. Mỗi giờ học, ít nhất cũng phải một lần, ông ra bài làm trong lớp cho học trò rồi ra ngoài hành lang châm thuốc lá hút một cách say sưa. Ông không hút cả điếu mà lại cẩn thận cắt điếu thuốc ra làm đôi, mỗi lần ra hành lang như vậy chỉ hút nửa điếu thôi. Có lắm khi chỉ vừa mới rít vài hơi, ông chợt nhớ ra điều gì, bèn để cái nửa điếu thuốc hút dở lại đó trở vào lớp học, ý chừng là để lại ra hút nốt. Nhưng rồi ông quên khuấy đi mất, bỏ quên nửa điếu thuốc lá đang hút cho cháy lụi đi, để lại một cái đuôi tàn thuốc dài. Lũ học trò tinh nghịch chúng tôi, mỗi lần bắt gặp "bãi" tàn thuốc lá như vậy, thường kháo nhau :"c....ông Quĩ đấy !"

Năm 1956, tôi đậu nốt phần Tú tài ll rồi vào Đại Học Khoa Học. Năm đó, nước Pháp có viện trợ cho VN mở ra trường École des Arts et Métiers, mà sau này gọi là Trường Kỹ Sư Công Nghệ (nay là Khoa Cơ Khí, Đại Học Bách Khoa TPHCM, tên gọi mới của Học Viện Quốc Gia Kỹ Thuật đã kể trên). Tôi đã thi vào trường này và may mắn đỗ đầu. Học đại học thời đó, cho là ở Đại Học Khoa Học hay là ở trường Kỹ Sư Công Nghệ, thì chuyển ngữ đều là tiếng Pháp cả. Đang từ trường trung học học bằng tiếng Việt, đánh đùng một cái, tất cả đều bằng tiếng Pháp hết, khiến cho đám sinh viên xuất thân từ các trường Việt bị chới với trong mấy tháng đầu. Ấy thế mà chỉ vừa làm quen được với việc học bằng tiếng Pháp, tôi đã lại làm một cuộc mạo hiểm khác, liều lĩnh hơn nhiều. Đó là dự thi học bổng du học qua Nhật, do chính phủ Nhật cấp. Tháng Tư năm sau, 1957, tôi sách va-li qua Nhật, trong túi chỉ vỏn vẹn có vài tiếng Nhật học xổi một tuần lễ trước khi lên đường! Sang tới Nhật, tôi mới vỡ lẽ ra là cái vốn liếng tiếng Pháp trở thành gần như vô dụng. Ở trường Đại Học, người ta học bằng tiếng Nhật, còn khi cần tiếp xúc với người nước khác thì người ta dùng tiếng Anh! Thế là con cháu cụ CVA lại bị một phen chới với nữa. Cũng may là trong năm học cuối cùng ở CVA, tôi đã được học Anh ngữ một ông thày thượng thặng nữa. Đó là cha Vị. Cha vốn là linh mục Thiên Chúa Giáo mà lại du học sang Anh, một nước cơ bản là theo Tân Giáo. Hãy bỏ ra ngoài cái kinh lịch khác thường này, ông là thày Anh ngữ đầu tiên trong bảy năm trời của hai bậc trung học, đệ nhất và đệ nhị cấp, đã làm cho tôi có hứng học tiếng Anh. Hơn nữa, tôi đã thực sự học được những qui luật cơ bản của Anh ngữ mà trong suốt sáu năm trước đó, tôi đã lơ đãng không chú ý tìm hiểu. Thời nay, đối với người Việt ở Mỹ thì khỏi phải bàn nữa, mà ngay cả với những người Việt hiện còn đang sống ở trong chế độ xã hội chủ nghĩa, thì Anh ngữ cũng đang càng ngày càng gia tăng thêm tầm quan trọng. Ấy thế mà cái thời tôi còn đang đi học ở CVA, thì Anh ngữ, cả trên danh nghĩa lẫn trên thực chất, chỉ là thứ ngoại ngữ thứ hai, ngoại ngữ phụ! Thật thế, số giờ học Anh ngữ chỉ bằng nửa số giờ học Pháp ngữ, trừ năm cuối cùng, tức là năm đệ Nhất, thì trong nửa năm đầu, với sáu giờ Pháp ngữ mỗi tuần, chúng tôi đã được học tới bốn giờ Anh ngữ. Tuy vậy, nói chung thì cái quan tâm của học sinh thời đó vẫn là học tiếng Pháp. Đây không những là vì tiếng Pháp cần thiết cho sự học ở đại học, như đã nói ở trên, mà còn một lý do nữa khiến học sinh tỏ ra hờ hững với việc học Anh ngữ. Đó là vì so với các thày dạy tiếng Pháp, ông nào cũng làu làu, thao thao bất tuyệt, thì các thày dạy tiếng Anh thấy ít người thành thạo như vậy. Giờ học Anh ngữ vì vậy so với giờ học Pháp ngữ không những đã kém hấp dẫn, mà trên thực chất, cái mật độ hoc tiếng Anh có lẽ chỉ bằng non nửa cái mật độ học tiếng Pháp. Trong cái bối cảnh như vậy, thì một giáo sư vốn sẵn làu thông tiếng Pháp, tiếng La-tinh, lại còn du học qua Anh quốc nữa, được đào luyện thành thục cái Anh ngữ "đế vương"- (King's English) - như cha Vị, quả là có tác dụng kích động mãnh liệt với tôi , đã khiến tôi đột nhiên thấy ham học tiếng Anh. Chỉ một nửa niên học với cha Vị, tôi có cảm tưởng như tôi đã học được nhiều hơn cả sáu năm trước đó. Ngày nay, hơn bốn chục năm sau khi rời trường CVA rồi, và từ đó tới nay, mặc dầu không bao giờ tôi học tiếng Anh theo một chương trình chính qui nào như vậy nũa, mà tôi vẫn thấy tôi cũng có đủ tiếng Anh để nói, để đọc, để viết một cách tự do thoải mái với bất cứ ai, trên bất cứ lãnh vực nào, về bất cứ đề tài gì, thì đó chính là nhờ tôi đã được truyền thụ cái bí quyết học Anh ngữ của cha Vị vậy.

Vài năm nay, tôi đã có nhiều dịp trở về VN, hoặc Sài-gòn, hoặc Hà-nội. Ở Sài-gòn tôi vốn có nhiều bạn cũ, nhiều người hãy còn làm giáo sư đại học. Về Hà-nội, thì ngược lại tôi lại có ít người quen hơn. Tôi tíếc là trong những lần về VN đã qua, tôi không kiếm được ngày giờ đi thăm trường CVA cũ, cả ở Sài-gòn lẫn ở Hà-nội. Nói đến trường CVA ở Hà-nội, thì sau khi đã di cư vào Sài-gòn rồi, tôi cứ đinh ninh rằng cái trường ở Hà-nội hẳn không còn nữa. Thế nhưng trong một chuyến đi Hà-nội hơn bốn năm trước đây, nhân đến thăm trường Đại Học Bách Khoa Hà-nội, (trường này nằm trong khuôn viên Trường Bảo Hộ, tức là trường Bưởi ngày xưa), tôi mới được biết rằng trường CVA vẫn còn và đồng thời cũng vẫn là một trường danh tiếng ngoài Bắc. Sở dĩ tôi biết được như vậy là vì trong lúc chuyện trò với một số giáo sư Bách Khoa, người ta thấy tôi nói tiếng Bắc mới hỏi tôi là trước ở ngoài Bắc tôi học trường nào? Tôi trả lời là học ở CVA năm 1953, rồi theo trường vào Nam năm 1954. Tức thì, một anh giáo sư Bách Khoa liền thốt lên một cách mừng rỡ :"Vậy ra anh là đàn anh của tôi rồi! Tôi học sau anh vài khóa."

Trong tương lai gần đây, tôi sẽ lại có dịp về VN nữa. Lần này, tôi sẽ cố tìm tới thăm trường cũ, nếu được thì cả ở Sài-gòn lẫn ở Hà-nội. Chừng đó, xin hẹn sẽ có thư tín khác nữa.

Ghi lại ngày 28 tháng 8 năm 1997 tại Tokyo, Nhật-Bản

Lửa Chu Văn An

Nguyễn Quốc Long

Nhân dịp Xuân sắp đến, cũng là lúc Đặc San Chu văn An của Hội Ái Hữu cựu học sinh Chu văn An miền Bắc California sắp ra mắt bạn đọc, tôi xin có một số ý kiến về lửa Chu văn An như sau.

Đọc qua vài lần báo Chu văn An, được biết Hội đã có lúc cường thịnh dưới triều đại của các bậc đàn anh, đến nay không nhờ sự cố gắng nhiệt tình thì đã tan rã. Từ năm 1975 đến nay thấm thoắt đã hai mươi hai năm, chúng ta đã làm được những gì, ngoài việc đi cầy lo cơm áo, hầu hết phải làm thợ thuyền ở xứ người, làm ngày làm đêm để lo cho con cái. Cũng may nhiều người con cái thành công làm rạng mặt cho cộng đồng Việt Nam trên thế giới.

Muốn đấu tranh ta phải có mục tiêu. Muốn thành công thì phải có kiến thức, khả năng và văn hóa. Chỉ cần một điều là dân trí phải nâng cao, con dân Lạc Việt phải nên người. Mục tiêu của chúng ta là hướng dẫn giáo dục thế hệ tương lai về tư tưởng và văn hóa để thành công trong đời sống hiện tại, hạnh phúc trong tương lai, và trở thành những người lãnh đạo nhân ái.Vì thế trong giai đoạn này chúng ta rất cần đến ngọn lửa Chu văn An và sự liên kết của các trường để làm ngọn đuốc soi đường cho hậu thế. Ngoài văn nghệ giúp vui, họp mặt để duy trì văn hóa và tình thân, Chu văn An rất cần những bài viết của các bậc đàn anh đã thừa hưởng những gia tài văn hóa Việt, hay những kinh nghiệm bản thân để báo Chu văn An trở thành những tập san quý báu của mọi gia đình.

Trong khi chờ đợi mặt trời mọc, chúng ta hãy đốt lên ngọn lửa Chu văn An để trong bóng đêm vẫn thấy con đường tốt mà đi, cho con em chúng ta tỉnh ngộ không sa đọa, cờ bạc cướp bóc, trước là giúp chính bản thân, sau là tương lai có dịp giúp nước.

Đôi lời thô thiển đóng góp. Các bạn Chu văn An khác nghĩ sao?

***

TRẮC NGHIỆM ĐỊA LÝ

Các cây sử địa Chu văn An hãy thử làm bài thi trắc nghiệm "ABC khoanh" về địa lý dưới đây:

- Nước nào lạnh nhất thế giới ?

Câu trả lời đúng : Nước ... Đại Hàn !

- Nước nào nhỏ nhất thế giới ?

Câu trả lời đúng : Nước ... Lỗ !

- Nước nào ngọt nhất thế giới ?

Câu trả lời đúng : Nước ... Lèo ( Lào ) !

- Nước nào dê nhất thế giới ?

Câu trả lời đúng : Nước ... Cu Ba !

- Nước nào cờ bạc nhất thế giới ?

Câu trả lời đúng : Nước ... Ba Tây !

CHU VĂN AN NGUYÊN THỦY

(1956-1963)

Vũ thế Trụ

CVA 56-63

Nhận được 2 cuốn đặc san Chu văn An rất cũ (hè 1989 và hè 1990) của bạn bè ở Cali gửi cho, tôi đọc không còn một chữ từ trang bìa cho hết nội dung kể cả mấy trang quảng cáo để tìm những hình ảnh và tên tuổi quen thuộc. Tôi “thiền” 3 cuốn đặc san này mấy ngày trời, cả một vùng trời CVA bỗng nhiên sống lại với tôi. Tội không ngờ những kỷ niệm hết sức bình thường của quãng đời 7 năm trung học lại có sức hút mãnh liệt đối với tôi như vậy. Tôi bỏ công việc thường lệ của gia đình ngồi một mình suy tư, sống lại với thuở CVA vàng son. Gọi điện thoại cho mấy khuôn mặt CVA thuở đó nhưng không thỏa mãn vì không được gặp người mình muốn gặp mà trong điện thoại chỉ có tiếng nói của vợ con đương sự. Ngày hôm sau cũng đuoc gặp chính y, nhưng y này hình như chưa mở đúng tần số của tôi mong mỏi mà hắn cứ lái về thực tại huy hoàng nhưng không đúng lúc. Hắn muốn tôi chia sẻ những thành công về học vấn của con cái hắn mà tôi thì muốn hắn cùng tôi nhớ lại những hình ảnh của vùng trời CVA xa xưa. Khi tôi nhắc đến tên của một thằng bạn của hắn và của tôi thì hắn trả lời ngay ‘nhớ chứ, nhớ chứ’ nhưng tuyệt nhiên hắn không nói thêm được một câu nào về người bạn mà hắn nhớ chứ, nhớ chứ rồi tiếp tục trở lại tần số đang mở sẵn của hắn “Con trai thứ hai của tôi khởi sự đi làm với số lương …đô/năm kể cả các lợi tức khác.”

Mặc dù tôi cũng đã thực tế hội nhập vào cái xã hội văn minh vật chất này nhưng giờ đây tôi đang muốn không khí CVA và chỉ muốn nói chuyện dính dáng tới cái thời niên thiếu ấy của tôi thôi. Lúc này tôi không có hứng nói chuyện job, chuyện đô la. Tôi gác máy và trở lại với vùng trời đầy ắp kỷ niệm của mình và hứa sẽ nói chuyện ở Mỹ với thằng bạn mở sai tần số này.

Tháng 9 năm 1956, một trăm hai mươi học trò non choẹt vừa bước vào ngưỡng cửa trung học trường Chu văn An, đỗ đầu là Tăng thúc Triển, thứ nhì là Nguyễn văn Chuế, bắt đầu niên học tại 2 phòng nguyên là nhà để xe được ngăn ra bằng những tấm carton dầy. Chu văn An năm đó dặt dưới sự hướng dẫn của thầy Hiệu trưởng Vũ ngô Sán và thầy Giám học Vũ đức Thận. Nhưng sau đó thầy Sán đổi sang làm Thanh tra ở Bộ Giáo Dục, còn thầy Thận qua làm Hiệu trưởng trường Nguyễn Trãi. Thầy Trần văn Việt nguyên làm Hiệu trưởng trường Nguyễn Trãi sang làm Hiệu trưởng Chu văn An. Đối với các thầy tôi còn quá nhỏ nên không có cơ hội được tiếp xúc trừ sau này, năm 1973, tôi được hầu chuyện với thầy Thận trong ngày đám cưới của …chính tôi tại nhà hang Majestic.

Với thầy Việt, học trò ít được trực tiếp vì thầy quá nghiêm, không những đám học trò chúng tôi “sợ” thầy mà ngay cả các giáo sư trẻ lúc mới về dậy tại Chu văn An cũng “ngán” thầy ra mặt. Ít khi thấy thầy cười, yrừ một lần phát phầm thưởng kỳ thi Trung học toàn quốc năm đó, thầy sung sướng cười rất tươi và báo tin rằng trong 9 phầm thưởng cho cả nước thì đám đệ tử CAV của thầy đã chiếm được 3.

Trước khi thực sự trở về vùng trời kỷ niệm, tôi cũng cần xin giải thích mấy chữ “CVA nguyên thủy”. Năm 1963, năm khói lửa của miền Nam với sự thay đổi từ đệ nhất sang đệ nhị Cộng Hòa, nhóm học sinh 120 đứa nhập học 7 năm trước, năm đó không biết bao nhiêu đứa còn được che chở dưới mai trường yêu quý, trước khi rời ngôi trường có quá nhiều kỷ niệm ngàn vàng khó mua, một số đã ngồi lại với nhau lập một hội ái hữu nhưng tìm mãi không chọn được cái tên nào tượng trưng được cho nhóm mình mà nếu chỉ dùng chữ Ai Hữu CVA thì lại quá tổng quát và rất nhiều nhóm đã dùng. Sau cùng thì mọi người đồng ý tên nhóm là ‘Chu văn An nguyên thủy’ vì chúng tôi đã học đủ 7 năm tại Chu văn An, không sứt mẻ, không mất mát năm nào. Nguyễn văn Mộc-“anh chàng đẹp trai dễ thương và có thế đáng phục nhất thế giới” và tôi được bầu làm đại diện chính thức của nhóm với nhiệm vụ liên lạc để tiến hành việc lập hội. Cũng vì tên hội như vậy nên mấy tên hội viên “bất trị” cho hội một cái tên méo mó là “hội 7 năm…” hoặc “hội 7 nghề”. Sau đó tôi có viết bài đăng trên báo của Hội Ai Hữu trường Bưởi cũng trong mục đích hình thành hội CVA nguyên thủy thì một hôm đang đi bộ ngang Hội Việt Mỹ tôi thấy Đoàn triệu Hân ghé xe hơi sát lề toe toét chửi đổng:” Sư anh, lảm nhảm chuyện 7 năm trên báo gì đó?”. Tôi chưa kịp trả đũa thì hắn tiếp tục toe toét như hoa và phóng mất. Khoảng năm 1988-89 khi vợ chồng tôi ghé Washington D.C. có việc và đang ở nhà Nguyễn anh Văn thì Hân cùng bà xã và cô cn gái từ New York cũng sang chơi do lời mời của Văn. Thế là nhóm CVA nguyên thủy có dịp đoàn tụ, lúc thì tại nhà Văn, lúc tại nhà Nguyễn mai Thọ, Nguyễn văn Hứa…hàn huyên và nghe bà xã của Văn réo rắt “Em đến thăm anh một chiều mưa” với bà xã của Hân đệm dương cầm tại nhà Thọ. Dịp đoàn tụ CVA nguyên thủy này có cả Nguyễn văn Thụ và mấy bạn nữa nhưng lâu quá rồi, tôi không còn nhớ hết. Mấy năm gần đây tôi lại có dịp đón Hân tại tiểu bang tôi đang sinh sống, cả hai dịp gặp Hân mà vui bạn bè quá, quên cả việc trả đũa năm xưa, cho nợ đó nghe Hân.

Hôm từ giã Washington miền đông để trở lại Washington miền tây, tôi lại được hội ngộ với gia đình và bạn bè của Từ Doanh tại nhà hàng Tầu. Doanh và tôi chỉ học cùng nhau lớp 1B5. Trong dịp này tôi được Doanh cho biết Phạm trinh Cát, cũng học 1B5 với Doanh và tôi thuở đó, là con cụ Phạm ngoc Lũy mà nhiều người biết tiếng và mang ơn qua con tầu Trường Xuân. Cũng dịp này, trong lúc trà dư tửu hậu tôi mới biết Doanh law một nhà thơ vùng thủ đô. Và nếu tôi nhớ không lầm về thơ Doanh thì 2 câu: ”Nàng đem nắng ấm Cali lại. Khiến khách đa tình dạ ngẩn ngơ.” Đã đóng góp hữu hiệu một phần nào cho cuộc tình duyên giữa chàng Từ mơ mộng và người đẹp miền Nam nắng ấm.

Năm 1985, tôi qua Montreal, Canada và được gặp Nguyễn cao Liêu, Bùi tiến Đài, Tăng thúc Triển nà Nguyễn văn Bính, họp mặt ăn uống, hàn huyên tại nhà Liêu. Rất tiếc trong dịp này tại Montreal tôi không được gặp Nguyễn lương Tuyền, Đặng phú An, Nguyễn văn Dũng,… Sau đó Liêu có thư luân lưu cho các bạn CVA của những năm 1956-1963, tôi hy vọng với nhiệt tâm của Liêu, nhóm chúng ta có một điêm hẹn lâu dài.

Mười năm sau, Đài có dịp ghé tôi, anh em lại trở về với dĩ vãng. Đài và tôi học cùng với nhau từ tiểu học rồi đến hết trung học tại Chu văn An nên nói chuyện kỷ niệm thì bao giờ cho hết. Tuy Đài và tôi chỉ thân nhau trong lớp, nhưng gia đình Đài ở trong cu xá Hải Quân khu Cường Để, nơi đây có nhiều phương tiện thể thao như sân bóng rổ, bóng chuyền, bàn ping pông nên những ngày thuận tiện tôi và nhóm bạn cùng lớp ham thể thao không ngại phải đạp xe cả chục cây số tới nhà Đài chơi bóng chuyền hoặc ping pông. Lúc đạp xe về nhà thật muốn đứt hơi. Có lần Nguyênn văn Chuế bị lọt banh xe vào khe đường rầy xe lửa, tốn mất gần mười ly chè đậu đỏ của Bác Ba Bi Tất.

Từ lúc khởi đầu, tôi đã nói chuyện về CVA ở hải ngoại hơi nhiều, bây giờ chúng ta hãy trở lại với những kỷ niệm phát xuất từ 2 ngôi trương CVA cũ và mới tại Saigòn trong 7 năm ròng rã với trí nhớ kém cỏi của tôi sau 30 năm vật lộn ngoài đòi kể từ ngày chúng ta rời mái trường xưa.

Tôi muốn bắt đầu kỷ niệm của nhóm CVA mình với các giáo sư trước mà Nguyễn cao Liêu đã nhắc trong thư luân lưu là các thầy Trịnh xuân Vụ (dạy Toán), thầy Đặng ngọc Thiềm (dạy Sử Địa), theỳ Nguyễn văn Luận (dậy Việt Văn)… Tôi sẽ nói thêm một chút kỷ niệm với hai giáo sư dạy lớp 1B5 là thầy Vũ văn Tiên (Vật Lý) và thầy Lê văn Lâm (Hóa Học).

Tôi có nhiều kỷ niệm với thầy Vụ, thầy rất hiền, tôi chưa thấy thầy phạt chúng tôi bao giờ kể cả việc cho điểm thấp vào sổ hang ngày. Vì thế trong giờ thầy lúc nào cũng “thoải mái”, “cũng ồn ào”… Thầy luôn giải quyết nạn ồn ào trong lớp bằng cách dơ hai tay lên khỏi đầu, vỗ liên tiếp mấy tiếng và lên giọng nói lớn hơn để trấn áp không khí ồn ào đó, bằng chuỗi âm thanh quen thuộc sau đây:”Ồn quá, các anh giữ im lặng, mở sách ra viết giả thiết kết luận vào.” Riêng tôi có lần ham đá banh nên cho tới lúc trống vào lớp tôi mới mặc thêm chiếc quần tây dài và chiếc sơ mi để chạy vào giờ Toán của thầy (lúc đá banh, chúng tôi chỉ mặc áo mai-ô và quần ngắn, bây giờ nghĩ lại thấy mắc cở cho lối ăn mặc của mình thuở ấy). Hôm đó, trong lúc tôi đá banh thì một anh bạn cùng lớp giữ giùm quần áo cho tôi. Khi vào học anh ta thay vì trả lại quần áo thì lại mang vào lớp, tôi không làm cách nào hơn là uống thuốc liều, hiên ngang một mình vào lớp với…bộ đồ ngủ. Cả lớp được một trận cười vỡ chợ. Tôi chờ đợi phản ứng của thầy. Thầy đỏ mặt và quát lớn:”Anh đùa với tôi đó hả”. Tôi lắp bắp trình bày sự thật rồi đón nhận bộ quần áo đã được người nào đó chuyển lên. Tôi bất dắc dĩ phải thay quần áo trước mặt thầy và cả lớp. Tội của tôi được thầy xá cho nhanh chóng:” Cá anh mở sách ra viết giả thiết, kết luận vào.”

Kỷ niệm khác với thầy Vụ, một lần thầy nghỉ dạy học tới cả tuần, vì tôi ở gần nhà thầy nên tôi rõ lý do mà trong lớp không ai biết, cả tuần lễ thầy vắng mặt mà chả thấy tên nào nói về đề tài hấp dẫn này cả. Hôm thầy đi dạy học trở lại và đang đứng ở cửa lớp chờ cúng tôi lần lượt vào, Nguyễn duy Thăng có lẽ vô tình nên toe toét hỏi thầy:”Sao nghỉ lâu thế ạ?” Tôi thấy mặt thấy đỏ ửng, quay đi chỗ khác, thầy nói nhanh:Ờ ờ…tôi có chút việc, các anh vào lớp nhnah lên.” Hôm đó thầy nói dối, thầy lên xe hoa trọng đại như vậy mà thầy bảo là chỉ có chút việc, chút việc sao được phai không Thăng? Mà sao bây giờ mi ở đâu?, 40 năm qua ta chưa được gặp mi mà chũng không thấy ai nói về mi cả?”

Bây gời chúng ta nói về thầy Đặng ngọc Thiềm, thầy thường lái xe Vespa 3 số 5. Thầy dạy Sử Địa. Tôi có kinh ngiệm với lối gọi học trò lên đọc bài của thầy. Tên tôi thuộc vần T, mang số 54 trong lớp, theo thứ tự a,b,c. Nếu thầy gọi Nguyễn việt Công lên trả bài thì tôi biết rằng hôm nay tôi có tên trong sổ phong trần, và còn 4 tên nữa thì tới tôi. Thầy cứ cách 10 đứa thì gọi một đúa trả bài. Không biết các bạn lớp tôi thuở đó có lưu ý tới bí mật này không. Trong lớp tôi mấy tên bị (hoặc được) đặt tên với mấy chữ đầu trong bang Alpha-Betic là Đặng phú An, Nguyễn quốc An, Nguyễn Lương Bình, Nguyễn việt Công…Nếu hôm đó thầy kêu Nguyễn việt Công len trả bài thì các tên mang số 14, 24, 34, 44, và tôi 54 sẽ phải lên sân khấu tiếp.

Một lần tôi và Vũ tiến Ngẫu, hai thằng 2 xe đạp lách qua hàng rào ra đường Thành Thái, có lẽ dự định đi ngao du một chút nhân giờ nghỉ của một giáo sư nào đó. Hai chiếc xe đạp vừa thoát qua hàng rào thì thầy Thiềm từ hướng đường Cộng Hòa phóng tới. Ngẫu mau mắn như thường lệ “Thầy ạ”. Thầy Thiềm với tinh thầu trách nhiệm cao của vị giáo sư Chu văn An, ngừng xe lại, vẫn cho xe nổ máy, nghiêm trang bảo tụi tôi:”Các chú vi phạm kỷ luật, xé hàng rào nhà trường, tôi cảnh cáo các chú nhé:. Nói rồi thầy “tặng” Ngẫu và tôi mỗi dứa một cái bợp tai nhẹ trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi rồi thầy lên xe tiếp tục phóng về hướng Chợ Lớn. Ngẫu bao giờ cung là đúa lanh lẹ “Biết thế đéo chào nữa”. Hai đứa hủy bỏ cuộc ngao du, leo lên xe trở lại đường cũ, coi như hôm đó ra ngõ gặp gái, xui xẻo, không đi đâu nữa. Tính thầy Thiềm là thế, tinh thần trách nhiệm lúc nào cũng đầy ắp trong người, không phải chỉ có trong khuôn viên ngôi trường hay trong lớp học.

Tôi còn gặp thầy một lần nữa về sau này, khi đã rời mái trường CVA hơn 10 năm. Khi đó thầy có liên hệ với trường Đại Học Văn Khoa và thầy cần tài liệu về tài nguyên tai thềm lục địa Việt Nam (Plateau continental). Thầy ghé Nha Ngư Nghiệp tại đường Phan đình Phùng, nơi tôi làm việc, để tham khảo tài liệu. Thầy gặp Vũ hữu San, cũng CVA nguyên thủy, tại phòng bên cạnh. Tôi nghe rõ tiếng thầy nói:”Tôi biết mà, học sinh CVA ra đời bao giờ cũng đè đầu cưỡi cổ thiên hạ.” Các thầy ở CVA thì vẫn tự hào và mong đợi ở học trò như vậy, chẳng khác nào tình cha, anh ruột thịt.

Tiếp theo xin “ghé” thầy Nguyễn văn Luận. Thầy là giáo sư Việt văn đồng thời cũng là giáo sư hướng dẫn lớp tôi (6B1). Tôi nhớ hai kỷ niệm về thầy, 2 kỷ niệm này thì 1 liên quan tới Nguyễn cao Liêu và 1 liên quan tới Ngô bỉnh Hàm.

Trong giờ Việt văn, thầy khuyến khích chúng tôi bắt chước các văn sĩ tên tuổi, học tập lối hành văn của các bậc đàn anh. Tôi nhớ thầy lấy bút phap của nhà văn Tô Hoài làm bài mẫu để hướng dẫn. Dưới ngòi bút của Tô Hoài, chàng gà chọi được mô tả như sau:”da chàng đỏ gay, đỏ gắt, đỏ bóng, đỏ tía lên, đỏ như quét một nước sơn thắm:. Rồ thầy phân tích cái đặc sắc về lối miêu tả loài vật của Tô Hoài và khuyến khích anh em chúng tôi phát huy khả năng viết văn của mình. Thầy cho bài luận tả đàn ngan con. Khi bài trả lại cho cả lớp, chỉ có Nguyễn cao Liêu đã thưc sự không pgụ lòng của thầy khi Liêu diễn tả lớp lông non của bày ngan con đang tíu tít quấn quít sau chân ngan mẹ: ”Lông chúng vàng phơn phớt, vàng cao quý, vàng thanh nhã, vàng như một cái áo của nàng yến mỹ miều”. Có lẽ Liêu còn tả dầy đủ hơn nữa, nay tôi chỉ còn nhớ được như vậy”.

Vì là giáo sư hướng dẫn nên một lần thầy Luận tổ chức cho chúng tôi bầu cử ban đại diện lớp. Thầy muốn cho sự lựa chọn hết sức tự do và vô tư nên thầy chỉ hướng dẫn phương pháp chọn người đại diện rồi thầy ra ngoài cho chúng tôi thoải mái bầu bán. Khi thầy tiếp nhận nhân sự đắc cử, thầy đã không dấu được sự thất vọng khi Ngô bỉnh Hàm được chọn làm trưởng ban thể thao. Hàm là người bé bỏng, gầy gò nhất lớp, thuở ấy Hàm gầy gò một cách hết sức đáng nói, ít người gặp Hàm mà không lưu ý đến cái “thân cây tăm” của anh. Nay Hàm làm trưởng ban thể thao lớp 6B1 do thầy hướng dẫn. Dìều này đã làm thầy hối hận khi dã cho chúng tôi hoàn toàn tự do bầu cử, không có sự hiện diện của thầy đến nỗi thầy phải nhă nhặn trách cứ:”Tôi không hiểu tại sao các anh lại chọn anh này làm trưởng ban thể thao”. Nhưng bầu cử tự do là tự do, kết quả đã có, ý dân là ý trời, tất nhiên là thầy cũng không thể thay thế được kết quả. Ngô bỉnh Hàm vẫn hiên ngang là trưởng ban thể thao lớp tôi mặc dù cả lớp ai cũng biết với tấm thân liễu yếu không quá 35kg của anhthì quả thật Hàm không thích hợp với vai trò mà cả lớp 100% đã chọn anh. Còn những trưởng ban khác như học tập, văn nghệ xã hội, tổ chức,…có lẽ chúng tôi đã chọn dúng, cử đúng nên chẳng có gì đáng nói ở đây. Chín hoăc mười năm sau, tôi có dịp gặp Hàm bên trường Dược, Hàm to lớn khác thường, 65-70kg là ít. Tôi bắt tay Hàm: ”Thế là cậu mất chức trưởng ban thể thao rồi, đâu còn đủ diều kiện dể anh em đồng ý tuyệt đối như xưa”. Hàm coi bộ cũng tiếc “thuở vang son” của mình, anh cười hết ga: ”Mới không đủ một, hai năm nay thôi”.

Thấm thoát thoi đưa, 7 năm học vùn vụt trôi qua, năm cuối cùng trung học đã sắp hết, tôi xin có chút kỷ niệm với hai thầy Tiên va Lâm. Trong giờ Vật lý thầy Tiên vào và ra lớp không thiếu, không thừa một giây. Một giờ là 60 phút tức là 3600 giây, thầy làm việc liên tục. Thầy ít khi gọi đọc bài, có lẽ thầy cho rằng chúng tôi đã lớn, không cần kiểm soát hay là thầy muốn dành thòi gian để giảng bài, tôi không rõ, chỉ biết trong giờ thầy thì cứ hùng hục chạy theo bài vở với thầy cho tới khi bác Ba Bí Tất gióng trống hết giờ. Thầy là nhà mô phạm tận tụy với nghề đáng trọng. Thầy rất ít cười, lúc nào cũng nghiêm trang nên trong lớp luôn luôn yên lặng như tờ trừ tiếng giảng bài của thầy và tiếng ồn ào của lớp bên cạnh. Vào tới lớp là thầy tìm khăn lau bảng xóa bảng cho sạch sẽ dù trên bảng đã được lau chùi. Khăn lau bảng phải đủ ướt, có lần thầy tóm phải cái khăn quá khô mà hơn 50 đúa chúng tôi trước giờ vào lớp chắng có đứa nào ngó ngàng tới. Thầy không ngó mặt đứa nào nhưng tỏ vẻ bất bình:” Dúng cái khăn lau bảng cho ươt thì sợ mang tiếng điếu đóm gì mà chẳng dám làm” rồi thầy tự ý ra khỏi lớp với chiếc khăn khô.

Thấm được lời nhắc nhở của thầy, từ đó trở đi, chúng tôi không để thầy phải bận tâm về những chuyện nhỏ nhặt đó nữa.

Một lần khác, thầy cho làm bài tập được dich ra từ cuốn sách Pháp. Ngô văn Minh (Minh chỉ học cùng tôi năm đệ nhất ở CVA), thắc mắc gì đó được thầy giải thích nhưng Minh chưa thỏa mãn và phát biểu:”Hay là thầy dịch sai”. Thầy không trả lời Minh mà sẵn cục phấn trên tay, thầy ném thật mạnh vào góc phòng và nói một mình nhưng cũng đủ để cho chúng tôi nghe rõ: ”Dịch như thế thì còn đầm nào dịch hay hơn được nữa đâu mà lại nói là sai”. Nói rồi thầy tiếp tục công việc như không có gì sẩy ra. Cuối năm Minh nhận phần thưởng hạng nhất lớp, Nguyễn quốc Trị hạng nhì. Ngoài mặt thì thầy nghiêm nghị nhưng trong lòng thì thầy cởi mở dễ dãi, vị tha, đó là nhận xét của chúng tôi về thầy Vũ văn Tiên.

Vói thầy Lê văn Lâm thì lúc nào cũng vui vẻ, xuề xòa, xen vào giờ học là những câu khôi hài di dỏm. Tôi không thấy có vị giáo sư nào mà bình dân với học trò như thầy. Tôi có nhiều kỷ niệm với thầy sau khi đã rời mái ấm CVA 5-7 năm. Một lần tôi có công tác ở Vũng Tầu và nghỉ qua đêm tại phòng khách của ty Ngư Nghiệp địa phương, thầy và gia đình tình cờ cũng trọ tại đây, bên cạnh phòng tôi. Hai thầy trò hay ngồi ở bậc tam cấp trước phòng, vừa hưởng gió biển vừa tâm sự. Hôm thầy trở lại Saigòn, lúc thầy và gia đình chuẩn bị hành lý lên xe thì tôi không có mặt trong phòng, mãi lúc thầy lái xe ra khỏi cổng thì tôi ở đâu về và nhận ra xe của thầy nên từ phía sau tôi vẫy chào một cách độc diễn muộn màng, nhưng thầy đã thấy tôi qua kính chiếu hậu. Dù xe chạy đã hơi xa, tôi thấy thầy ngừng xe chạy bộ ngược lại, tôi nghĩ thầy để quên gì chăng, nhưng không, thầy chỉ trở lại để nói câu tạm biệt với tên học trò cũ. Cử chỉ đơn giản nhưng ý nghĩa thì lại to lớn đối với tôi, tôi mãi mãi không quên hình ảnh thầy Lâm hôm đó.

Đến năm 1971, thầy trò tôi lại được đoàn tụ cả tháng trên đất Nhật, trong khách sạn TIC (Tokyo International Center). Thầy có công tác gì đó bên Bộ Giáo Dục, còn tôi thì đi tu nghiệp về Sinh hải học tại Đại học Tokyo. Cứ buổi chiều tôi thường sang phòng thầy, ngồi ghế tiếp thầy trong lúc thây nằm hưởng thú vị ấm áp trong chăn. Cứ thế hai thầy trò hết chuyện Nhật bản lại tới chuyện Việt Nam, lan man sang cả chuyện thế giới. Đến khuya tôi mới trở lại phòng mình chuẩn bị cho công việc ngày hôm sau. Thầy Lâm có rất nhiều ý kiến sâu sắc về kinh nghiệm phát triển của Nhật bản, nếu những người trách nhiệm ở Việt Nam mà biết áp dụng những ý kiến này thì sẽ gặt hái được nhiều thành quả lớn lao cho đất nước.

Đã “thăm” các giáo sư mà không “thăm” các thầy giám thị thì là một điều hết sức thiế sót, vì thế bây giờ anh em ta sẽ nói chuyện về thầy nào đây: Thầy Dự, thầy Viêm, thầy Lan, thầy Biền, thầy Hỗ, thầy Tích, thầy Can…Tôi xin nhắc vài kỷ niệm về thầy Dự (tôi không nhó đầy đủ tên họ của thầy), mà với lớp tôi thầy có biệt danh là Năm Lửa. Mỗi khi thầy tới, đứa nào trông thấy thầy trước đều kêu to cho cả lớp biết “cháy to, cháy to”. Hình như thầy cũng biết biệt danh của mình nhưng thầy chỉ mỉm cười hy xả. Có lần thầy hướng chúng tôi đi dự đám táng thầy Cầu, thầy Cầu dạy chúng tôi về môn Anh văn. Mặc dù chúng tôi hay nghịch ngợm, phá phách nhưng vẫn biết những giờ phút thiêng liêng quan trọng như lúc đó. Cả lớp âu sầu thương tiếc vị thầy khả kính, không một tiếng động nhỏ, không một tiếng thì thào mặc dù trong lớp lúc đó không có một thầy nào trông coi. Trước khi tới nhà quàn kính viếng thi thể thầy Cầu, có lẽ thầy Dự sợ chúng tôi chưa trưởng thành nên thầy dặn: ”Khi ở nhà quàn cũng như lúc đi đường, các anh phải hết sức giữ im lặng, nhớ nhé:. Nói rồi thầy tất tả quay ra, nhưng chưa ra khỏi bưc thềm thì thầy quay lại lớp nhắc nhở thêm:”Và nhất là không được kêu cháy to, cháy to đấy nhé”. Tới đây thì trong lớp đã có vài anh bấm bụng…Tôi thương và quý thầy Dự vì thầy rất tốt và coi chúng tôi như đám con ruột thịt cũng như lối cư xử của thầy Viêm mà tôi sắp nói tới đây.

Theo Hán văn mà thầy Sĩ (chúng tôi và cả trường thường gọi là cụ Sĩ vì năm đó thầy đã trên 70 tuổi) dậy chúng tôi năm đó thì chữ Viêm gồm hai chữ Hỏa họp lại, lưỡng hỏa thành Viêm. Tôi cũng cần nói một chút về thầy Sĩ vì tôi chưa thấy ai nhắc nhở tới thầy, vị giáo sư cao niên nhất của trường. Một lần thầy và một số các vị cao niên khác được Tổng thống Ngô đình Diệm mời vào trong dinh Độc lập khoản đãi, thầy Sĩ có làm 4 câu thơ mừng Tổng thống, thầy đọc lại hay đúng hơn là thầy đã ngâm cho chúng tôi nghe, vì đã lâu tôi chỉ còn nhớ được 2 câu đầu cũng xin chép lại đây gọi là tưởng nh tới thầy xưa:

“Mặt trới sáng tỏ chính đương đương

Tổng thống thay trời đứng chủ trương”

Nếu có bạn nào nhớ được hai câu sau thì xin bổ khuyết. Bây giờ chúng ta trở lai với thầy Viêm. Không có chữ hỏa nào trong tên của mình mà nhiều người còn nóng tính, nay thầy tôi có những hai chữ hỏa thì hỏi thầy không nóng tính sao được. Thầy nóng đã nhanh mà thầy nguội cũng lẹ. Thầy vừa la chúng tôi vì nghịch ngợm nào đó thì thầy lại ôn tồn chỉ bảo chúng tôi điều gì một cách bình thản, coi như việc la rầy đám học trò phá pách cũng bình thường như tất cả các công việc thương lệ của thầy.

Năm đó, tôi học lớp đệ nhị B4. Thầy Viêm làm Giám thị, tôi giữ sổ đầu bài và sinh hoạt bên cạnh thầy hàng ngày. Một hôm trong giờ ra chơi, ngoài sân, trong hành lang học sinh các lớp xúm năm, tụm ba chuyện trò, la hét…ầm ỹ cả ngôi trường. Lúc đó thầy đang bận tiếp một nữ phụ huynh học sinh trong phòng. Để bớt ồn ào trong khi tiếp khách, thầy bèn đóng cửa phòng lại. Không ngờ Nguyễn huy Chiểu lớp tôi cũng có mặt tại hiện trường. Hắn phóng nhanh qua cửa phòng thầy và hét lớn:”Mở cửa ra, làm gì ở trong đó thế”. Chiểu biến thật nhanh trước khi thầy Viêm mặt đỏ hơn lúc nào hết, vừa chạy ra khỏi phòng vừa quát lớn:”Đứa nào, đứa nào mà mất dạy thế”. Dĩ nhiên là có nhiều đứa trong chúng tôi biết ai là thủ phạm nhưng thầy không hỏi đứa nào cả vì thầy hiểu chẳng đứa nào làm cái chuyện an-ten trong đám chúng tôi.

Nói tới nhân sự trường CVA từ Hiệu trưởng trang nghiêm, đạo mạo, mẫu mực tới đám học trò phá phách, chúng ta có thể bỏ quên người này hay người nọ nhưng tuyệt đô không thể không đề cập tói thầy Tổng giám thị, thầy Lãng. Tên thầy đã dính chặt với trường tôi tự kiếp nào. Thầy đóng một vai trò quan trọng trong trường về nhiều mặt. Thầy đóng nhiều vai khác nhau và vai nào thầy cũng tỏ ra xuất sắc. Do đó chúng tôi đã có nhận xét: Phi thầy Lãng, bất thành Tổng giám thị. Trong các sinh hoạt thường lệ cũng như các ngày trọng đại của trường, tôi thấy thầy đứng trước máy phóng thanh điều khiển mọi hoạt động tập thể của chúng tôi, chẳng khác nào một vị tư lệnh chiến trường đang điều khiển ba quân trên trận địa hay một vị nhạc trưởng tài hoa đang cùng hàng ngàn nhạc công bồng bênh trong thế giới âm thanh kỳ ảo…

Từ Chu văn An nguyên thủy tới Ai hữu Bưởi -Chu văn An

Khoảng trước hoăc sau năm 1970, tôi đang cố gắng cùng Nguyễn văn Mộc cho hình thành nhóm CVA nguyên thủy, công việc không dễ vì số đối tượng tối đa của hội chỉ có vài chục người lại phân tán khắp bốn phương trời thì nếu hội có thành hình đi nữa thì cũng sẽ èo uột ngay từ lúc mới lọt lòng, lại nữa không có đối tượng để phát triển. Do đó chúng tôi bàn nhau nên lập một hội tổng quát hơn hoặc gia nhập hội ái hữu Chu văn An để cùng sinh hoạt với các khóa đàn anh. Ý kiến này được nhiều anh em tán thành. Thế là tôi và Mộc lại có thêm một nhiệm vụ nữa. Riêng tôi, nhờ một dịp may mắn được làm quen với với một vị trưởng thượng của hội cựu học sinh trường Bưởi, đó là bác Phạm quang Khai, hồi đó đang đảm nhiệm Tổng thư ký hội trường Bưởi với bác Nguyễn phúc Sa làm hội trưởng và sau này là bác Lê đình Chung thay thế. Nhóm CVA nguyên thủy tá túc hội Cựu học sinh trường Bưởi và sau này hội trường Bưởi đã kết hợp đầy đủ nhiều thế hệ nên có danh xưng là Hội Ai Hữu Cựu Học Sinh Trường Bưởi-Chu văn An. Hình như có một số anh cựu CVA các khóa trước cũng đã làm như vậy. Văn phòng hội trường Bưởi đã có từ lâu trong khuôn viên đền thờ Đức Thánh Trần, nằm trên đường Hiền Vương, Saigòn. Một buổi họp mặt đánh dấu sự phát triển này được tổ chức tại đây, tôi được trao phó vai trò thưc hiện phần văn nghệ trên sân khấu đêm đó.

Sau những hoạt động khiêm tốn đó cho Hội, tôi không làm đươc gì thêm vì phải nhập ngũ rồi được biệt phái và đi Mỹ năm 1974 nên tôi không còn có dịp đươc sinh hoạt với hội. Qua Mỹ, tôi lại sống tại vùng mà Bưởi-CVA chưa trồng nên dĩ nhiên chưa mọc, tuy số người Việt nơi đây đứng vào hàng thứ 3 trên đất nước Mỹ. Có lẽ tôi chỉ còn hy vọng đươc tham dự ké những ngày họp mặt do những nơi khác tổ chức như California,

Washington DC, Montreal, hoặc bên Pháp trong những năm tháng tới, nếu những nơi này mở rộng tầm tay tới địa phương tôi. Còn bao nhiêu điều tôi muốn nói về CVA với thầy cũ bạn xưa nhưng xin để dành cho số báo sau vì số báo này còn cần chỗ cho nhiều tiếng nói khác với lớp CVA 56-63.

Từ đâ góc biển chân trời,

nắng mưa thui tủi, quê người một thân.

(Truyện Kiều)

Không biết nàng Kiều lúc nhớ nhà, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ người yêu, tâm trạng có da diết như tôi nhớ nước, nhớ trường, nhớ thầy, nhớ bạn thế này không? Nàng Kiều thì sau 15 năm được đoàn viên, còn tôi, hơn 23 năm rồi, bao giờ mới đáo hạn ? nhất là ngôi trường CVA ở Saigòn của tôi đã bị xóa tên.

( Mùa đông 1997 tại vùng trời tây bắc Hoa Kỳ )

GÀ TRE TÂM SỰ

Đình Phương

Có lẽ trong các xứ văn minh hiện đại ngày nay, bất cứ kẻ nào đoạt được chức vô địch thế giới thì coi như cả đời vinh hiển, tiền rừng bạc biển, tiếng tăm lừng lẫy. Chẳng hạn vô đich quyền Anh (như Mike Tyson, Holyfield), vô địch quần vợt (như Sampras, Hingis), hay vô địch đánh golf (như Tiger Woods) v.v...

Riêng tôi vừa vô địch quốc gia vừa vô địch thế giới, mà lại chẳng được nước nôi gì cả. Tuy nhiên chẳng nói ngoa cũng đạt được dăm ba tước hiệu đấy chứ. Ngày còn bé mang danh " Thằng Còm ", bước vào ngưỡng cửa học đường thì "Oắt Tì ", lớn lên ra đời lại được tặng nhãn hiệu mỹ miều hơn " Gà Tre ". Kể cũng vui tai.

Ấy nhờ thế mà chỗ nào cũng chui, cũng giúc, nơi nào cũng qua, cũng lọt, kể cả Chu Văn an cũng lọt được vào. Học hành chẳng giỏi mà vẫn nổi tiếng được nhớ tới nhiều vì người loắt choắt lại hay lanh chanh, đám nào cũng tới, hội nào cũng dự, chỗ nào vui nhộn là vào ăn có. Chu Văn An hội nhà hưởng thụ từ đầu, ngay từ khi mới lập do Tổng San dấy động tại vùng Thung Lũng San Jose này. Từ những năm họp nhau bỏ túi. chỉ ăn nhậu lai rai, hàn huyên sơ khoáng tại nhà anh này hay nhà anh kia mỗi độ Xuân về với đôi chục đồng môn. Sau mở rộng, khởi đầu tại quan Quốc Tế của C.V.A. Hoàng Đức Trí, tới những dạ tiệc văn nghệ lẫy lừng oai phong của những năm Napradac Hall , do tài lãnh đạo của các vị Hội Trưởng tiếng tăm như Nguyễn văn Hiền, Nguyễn Hoành Hải, Phạm Hữu độ v.v... hợp cùng các trưởng ban văn nghệ tài danh Nguyễn Văn Hiền, Bùi văn Rậu, Trịnh như Toàn v.v... đã đem sinh động cho hội Chu Văn an mà cho đến nay âm hưởng vẫn còn vang dội. Nào "Múa Hội Trăng Rằm ", " Trấn Thủ Lưu đồn ", Tiếng Dân Chài ", " trường Ca Con đường Cái Quan " v.v... Khí thế hùng anh đó Gà Tre này vẫn còn ngây ngất trong tiềm thức.

Từng năm trôi qua, đàn anh mệt mỏi, mầm non tiếp nối chưa có hoặc chưa xuất đầu lộ diện, nên hội nhà trở nên trầm lặng, xìu xìu, ển ển, mặc dù háng năm vẫn có tổ chức được đại hội, vẫn còn họp mặt tất niên có ẩm thực và văn nghệ, tuy nhiên khí thế giảm đi rất nhiều. Năm qua trong kỳ Đại Hội tổ chức tại Thánh Đường Tự do, Tổng San nhất quyết từ nhiệm và kêu gọi các đồng môn mới cũng như các bạn đoàn viên trẻ hãy cố gắng đứng lên nhận trách nhiệm thay thế các bạn hữu cũ đã nhiều năm hy sinh gánh vác công việc của hội, nếu không ai chịu đảm nhận, hội có lẽ phải " Giải Tán ". Cũng may hai bộ mặt Chu Văn an mới, một từ Montréal, Canada sang, một từ Sài gòn mới qua, lần đầu tham dự đị hội đã can đảm nhận trọng trách khi toàn đại hội đề cử và bầu lên, một làm hội trưởng, một thay Tổng San. Gà Tre đã nhiều năm lẩn trốn nay cũng không thể từ chối được sự chỉ định của các đàn anh bắt cầm khóa tủ. Đại hội thở phào tóm vài anh nữa làm Phó Hội, Phó Tổng cùng thêm vài Trưởng Ban. Thế là Tân Ban Chấp Hành nhậm chức với nghi thức đàng hoàng bằng màn chụp ảnh.

Anh Tân Hội Trưởng, dù là một cựu học sinh Chu Văn an từ trước thập niên 60, nhưng quả tình anh là một đoàn viên hoàn toàn mới toanh của hội Chu Văn an vùng Bắc Cali này. Anh Tân Tổng Thư Ký lại càng đáng khâm phục, anh thuộc thế hệ trè sau cùng của Chu Văn an và mới sang được vùng trời tự do chỉ đôi năm. Dù mới, còn nhiều xa lạ và cũng chưa rõ tường những bậc niên trưởng và đồng môn trong hội, anh Tân Hội Trưởng với sự tiếp tay mẫn cán của anh Trưởng Ban Báo Chí đã cố gắng tận lực thi hành sách lược mới do đại hội đề ra là " tin Thư ". Mặc dù chỉ vài trang giấy, nhưng Tin Thư quả đã như một tấm hăn ấm mùa Đông, một nhịp cầu nối kết tình thân hữu, một cánh nhạn thông tri tin tức giữa các đồng môn Bưởi, Chu văn an và sinh họa của hội khiến tất cả đoàn viên rất hứng khởi. Các hội viên Bưởi, Chu văn an gần cũng như xa và một số thân hữu đã tích cực cổ võ, tham gia, và ủng hộ Tin thư. Anh Hội Trưởng và toàn Ban Chấp Hành lên tinh thần cố gắng sinh hoạt nhiều hơn, kêu gọi nhiều buổi họp mở rộng cho các đoàn viên của hội, chứ không riêng Ban Chấp Hành để bạn hữu có dịp gặp gỡ, hàn huyên thường xuyên với nhau hơn. Kết quả đã có ba lần họp mặt các bạn hữu tại trụ sở " Phở Bình " của Chu văn An Nguyễn Thượng Dực và đã tổ chức được hai khóa hướng dẫn sử dụng Computer cho các bạn dồng môn, mỗi khóa vào ba ngày Chủ Nhật do các chu văn an Phạm Phúc Hưng, Phạm Nguyên Khôi và Đỗ Tiến Hải chỉ dẫn. Thành quả thật đáng khích lệ. Một vài quý vị trong Ban Cố Vấn Tối Cao như các anh Lê Duy San, Phạm Hữu Độ, Lại quốc Ấn, Nguyễn Thanh Giản đã nhiệt thành đáp ứng lời mời tới tham dự các buổi họp và đã chỉ dẫn cho Tân Ban Chấp Hành những kinh nghiệm quý giá mà các anh đã gặt hái được trong quá khứ.

Bổn phận Gà Tre chỉ có một việc là trông giữ cái tủ do anh Hoàng duy Hiệu trao lại. Việc làm thật đơn giản thế mà cứ mở đóng liên tục để đếm ra lại đếm vào đôi khi cũng rối đầu. Nghĩ cũng phục chĩ đỗ thị Nhuận đã bao năm canh thủ. Mỗi lần nhận được tin thư, Gà Tre đọc ngấu nghiến, lòng hứng khởi, nhất là khi được biết Hội có thêm vài khuôn mặt Chu văn An trẻ mới hoặc tin tức về một vài chu văn An đồng khóa ngày xưa đã tự động liên lạc với hội hoặc đang ở các nơi khác như Nguyễn tiến Khải, Trương Bách, Hà Đức Long v.v... Gà Tre nghĩ rằng càng nhiều Tin Thư càng làm phấn khởi tinh thần anh em, nhưng lại thấy cũng rất cần sự yểm trợ thường xuyên của các đoàn viên hơn. Gà Tre ước mong rằng cái tủ nhỏ bé mà Gà Tre đang tạm cầm giữ cho hội mỗi ngày một tăng trưởng thêm lên dù là phải đàithọ cho các tin thư đã, đang và sắp tới tay mong đợi của quý bạn và cho cả Đặc san Mậu Dần đang tới.

Mốí vấn vương này không chỉ riêng Gà Tre suy nghĩ mà tất cả các Chu văn An đều cảm nhận để không những đã đóng góp tin tức bài vở mà còn ủng hộ thêm tài chánh vì chúng ta đều biết rằng hội không thu niên liễm, cũng không quảng cáo. Cho tới nay sau một năm cầm chìa khóa, mặc dù với nhiều lần đếm ra cho tin thư, Dạ Hội Đinh Sửu 1997 tại Võ đường Hùng Vương, phần thưởng học trò, hoặc phân ưu..., cái tủ của chúng ta vẫn còn nguyên vẹn. Gà Tre thật lấy làm an tâm, đó cũng là nhờ tinh thần yểm trợ tích cực của các hội viên Chu văn An.

Bây giờ Ban Chấp Hành đang chuẩn bị ráo riết cho tờ Đặc San Mậu Dần để có thể kịp thời tới tay các bạn và thân hữu vào ngày Đại Hội sắp tới của chúng ta 18 tháng 01 năm 1998. Các thầy, các đoàn viên Bưởi, Chu văn An của nhiều thế hệ và các thân hữu đều đã tích cực tham gia đóng góp bài vở nên nội dung rất là phong phú và Chu văn an càng thêm phần hãnh diện. Tuy nhiên với tầm vóc lớn hơn Tin Thư, lại không quảng cáo và vẫn theo truyền thống là biếu không thì Gà Tre hẳn là phải đếm ra nhiều hơn. Gà Tre mong tất cả quý bạn cố gắng yểm trợ thêm tài lực cho Đặc San của chúng ta. để cho Ban Báo chí và Biên Tập được vững ổn tinh thần hơn, nhất là cho Gà Tre được mỏi tay đếm vào (chứ không phải chỉ có đếm ra) và tủ của chúng ta được thêm sinh khí, không bị hao hụt.

Tâm sự Gà Tre dừng nơi đây, chúc tất cả gia đình các thầy, các hội viên Bưởi, Chu văn An cùng các thân hữu một năm mới Mậu Dần an khang, hạnh phúc và đạt nhiều thắng lợi.

***

THƠ VỢ GỬI CHO CHỒNG ĐÃ VƯỢT BIÊN

Lâu nay em ở Thành Hồ

Em ra Bưu Điện lãnh đồ anh cho

Đồ anh vừa nặng vừa to

Vừa đã con mắt vừa no cái mồm !

BỐN MƯƠI NĂM KỶ NIỆM

CVA Đặng Tường Ngữ

***

Tôi chỉ nhớ rằng, sau ngày quốc hận 20 tháng 7 năm 1954, tôi lên đường vô Nam cùng với gia đình ông bác.

Một buổi sớm đầu thu, chúng tôi tụ tập trước tòa thị chính Hải Phòng, lên xe nhà binh để ra tàu há mồm của Pháp. Tới vịnh Hạ Long, họ chuyển chúng tôi lên con tàu muớn của Na-Uy để chuyên chở người di cư vào Nam. Tàu này chở cả ngàn nguời, nhưng thảy đều có giường nằm, được ăn súp nóng và khi say sóng được uống bia chai.

Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, tàu cặp bến Sài Gòn lúc quá nửa đêm. Về sau tôi mới biết rằng tàu đã đậu ngay tại cột cờ Thủ Ngữ, vì từ trên tàu chúng tôi nhìn thấy con đường Catinat đèn điện chói lòa và thẳng tắp.

Hình ảnh đâù tiên của Sài Gòn, trong trí nhớ của tôi, là hình ảnh những em bé mặc đồ bà ba đen, thoăn thoắt leo lên tàu bán hột vịt lộn " một đồng mười hột", mười qủa trứng vịt đã được ấp sắp đến ngày nở thành con vịt con, kèm theo là những gói nhỏ muối tiêu. Các bé này luôn mồm văng tục, nhưng những tiếng nói tục này lạ tai lắm "đ.. (ù) má..." chứ không phải là "đ(ị)... mẹ..." như những trẻ bụi đời cùng tuổi, ở ngoài phương trời xa xôi tôi vừa rời bỏ, "...trên đường Nam tiến... (!)..."

Sau những quả trứng vịt ấp mề (nói theo đúng tiếng nơi nhao rún của tôi)

là những "ổ" bánh mì Sàigòn, dài bằng chiếc đòn gánh, vừa rẻ, vừa ngon, vừa thơm, vừa ròn mà lại mềm, để cả nửa ngày sau mà ăn vẫn còn ngon, ăn mãi không chán. Tôi so sánh với những "chiếc bánh tây hai hào ruỡi, rắc muối hạt tiêu" mà tôi vẫn thường gặm trên xe đạp tới trường, những buổi sáng có mưa phùn bay lất phất. Quả thực hương vị của ổ bánh mì Sàigòn, dù là bánh mì không nhân, đã ghi vào tiềm thức tôi rõ ràng hơn là những chiếc "bánh tây nóng ròn" rắc muối hạt tiêu, ở Hà Nội.

Thế rồi "...ngày tháng như mây bay, như ngựa chạy....", sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, (sau một đêm hú hồn, vì nhà tôi ở trong hàng rào phi trường Tân Sơn Nhứt bị hỏa tiễn pháo kích), vợ chồng tôi giắt tay 3 đứa con ra tập họp tại bãi trực thăng vừa được làm trong đêm. Quá trưa, những chiếc trực thăng CH46 của Hải Quân Hoa Kỳ, từ đệ thất hạm đội bay vào, đón chúng tôi, đáp xuống hàng không mẫu hạm Okinawa, đoạn đầu của con đường vào lục địa Hoa Kỳ.

Thấm thoắt thế mà đã 20 năm kể từ ngày bỏ nước ra đi, 40 năm kể từ ngày lìa Bắc vào Nam. Tết Nguyên Đán năm Ất Hợi, 1995, cũng là năm tôi 60 tuổi, vợ chồng tôi đưa nhau về Việt Nam, với ý định về thăm làng xưa, nơi gói ghém nhiều kỷ niệm của thời thơ ấu.

Chiếc máy bay phản lực của Hàng Không Việt Nam do phi công Thụy Sĩ lái, hạ cánh tại phi trường Nội Bài, phía bắc Hà-Nội, lúc nửa đêm 23 tháng chạp ta.

Phần vì lạnh, phần vì lo sợ vẩn vơ, tay tôi run lẩy bẩy khi lấy giấy tờ ra trình cơ quan an ninh phi trường. Tôi cũng không quên gài vào trong Passport một tờ giấy 5 mỹ kim, như lời dặn dò của một anh bạn già đã về Việt Nam trước tôi. Người Cảnh Sát trú lưu nhanh nhẹn đóng dấu trên passport của tôi. Tôi có cảm tưởng rằng chưa chắc chị ấy đã có đủ thì giờ đánh vần tên Mỹ của tôi, trong lúc kiểm soát giấy tờ "theo đúng luật lệ hiện hành".

Vì có người nhà đón tại phi trường, cũng như đã có xe thuê bao chờ sẵn, nửa giờ sau chúng tôi đã lên xe về khách sạn. Trên đường về thành phố, xe chúng tôi bị một toán Cảnh Sát chở nhau bằng xe Honda chặn lại. Sau khi ông tài xế nạp chút tiền mãi lộ, xe lại được phép tiếp tục chạy. Hú vía!

Sáng sớm hôm sau, cũng ông tài xế đêm qua đến đón chúng tôi tại khách sạn để về quê. Thành phố Hà Nội còn ngái ngủ, nhưng người và xe đạp ở đâu đã tuôn ra đầy đường. Xe tôi vừa chạy vừa bóp còi inh ỏi, trên đường phố chật hẹp, quanh co, đèn đường lù mù. Tôi phục ông tài xế sát đất. Có nhử kẹo, tôi cũng không dám lái xe trên đường phố Hà Nội bây giờ.

Khi đi ngang bến xe dưới chân cầu Long Biên cũ, ông tài xế ngừng xe lại, tắt máy, bước xuống xe, không biết làm gì. Tôi vơ vẩn nhìn quanh, ngỡ ngàng, bởi cảnh vật hoàn toàn xa lạ. Thình lình một câu chửi của một gã nào đó hết sức giận dữ và tục tĩu : "Đ(ị).... mẹ mày, ông lại tát vỡ mặt mày bây giờ...chứ lại...."

Tôi choàng tỉnh mộng, cười lớn . Đột nhiên, tôi đã tìm lại được cái không khí rất quê hương. Đúng là tôi đã về tới nơi chôn nhau cắt rốn rồi đây. Bốn mươi năm nay, tôi mới nghe thấy người ta chửi đúng giọng quê tôi. Từ đêm qua, tôi vẫn nghi nghi, hoặc hoặc... không biết rằng tôi có hi vọng tìm lại được chút hương vị nào của quê hương cũ, nhất là của HàNội ngày xưa, ngày mà: "...anh xa Hà Nội...khi năm lên mười tám...khi vừa biết yêu...."

Milpitas, California 9/97.

ĐOÀN LỮ HÀNH

CVA Trần Minh Phương

***

Tôi giơ tay định ném mẩu bánh mì thừa vào thùng rác, nhưng lại rút tay về, xé một mảnh khăn giấy, cẩn thận gói kỹ mẩu bánh và cất vào túi xách. Anh bạn cùng ăn nhìn tôi cười:

- Anh mà không ăn hết thì cứ vất nó đi, ở Mỹ đâu có sợ thiếu ăn, tiền chữa bệnh đau bụng còn nặng hơn nhiều.

- Không, tôi sẽ ăn hết mà. Tôi ăn ngay bây giờ, chắc không đến nỗi đau bụng đâu.

Tôi trả lời và biết chắc là tôi nói dối. Mẩu bánh mì này dành cho buổi trưa, bây giờ tôi đã no rồi, có lẽ nhanh nhất là tôi sẽ ăn vào tối nay. Nhưng đã từ lâu, tôi có thói quen không thể vứt bỏ một chút bánh mì, một phần cơm thừa hay bất cứ thức ăn dư nào, vì mỗi lần như thế, tôi lại nhớ đến một đoàn lữ hành tôi đã gặp vào một buổi trưa lâu lắm ở quê nhà…

Đó là một buổi trưa nắng cháy da ở một vùng đất dọc theo cánh rừng của vùng chiến khu D trước đây. Sau ngày 30/4/75, vùng đất đó đã không còn tiếng súng, chỉ còn tiếng cuốc vỡ đất hoang trên những thửa đất cằn cỗi, trắng xóa và nứt nẻ dưới ánh nắng thiêu đốt cháy da.

Gia đình tôi cũng mua lại một khu đất có vài cây ăn trái, một dàn dưa tây và đã trồng được một ít khoai mì, lột vỏ, sắt lát để ăn độn với cơm. Buổi trưa hôm đó thật nóng. Cái nắng hừng hực như đổ lửa vào những manh áo bạc màu hay những chiếc lưng trần đã đẫm ướt mồ hôi. Tôi lôi đám khoai mì vào dưới dàn dưa tây rợp mát, vậy mà vẫn thấy nóng, hình như mặt trời sa xuống thật thấp và nắng từ đâu dồn lại.

Có tiếng chân đi từ cổng nhà, tôi vẫn bận rộn với mấy đám khoai mì. Chắc tên bạn ở nhà bên sang bẻ mấy trái dưa tây ăn cho mát, tôi chủ tâm đợi hắn đến gần rồi mới kiếm chuyện nói đùa cho vui.

- Chú ơi ! Chú, chú làm ơn…

Tôi giật mình nhìn lên, khách của tôi không phải anh bạn láng giềng mà là sáu người: Một người đàn bà và năm đứa trẻ.

- Dạ… chị cần chi ?

Tôi quan sát người đàn bà. Chị mặc chiếc quần khaki cắt ống rách bươm và chiếc áo khaki bạc màu không còn chỗ vá. Mái tóc dài của chị cháy nắng, lòa xòa trên khuôn mặt xạm đen với đôi mắt đang nhìn tôi khẩn khoản:

- Chú làm ơn…

Chị nhìn quanh, ngập ngừng rồi nói tiếp

… một ít vỏ khoai mì nghe chú ?

Tôi nhìn sang đám trẻ, đứa lớn nhất chắc khoảng 7, 8 tuổi nhưng ốm o, bé loắt choắt. Hai đứa khác có lẽ độ 4, 5 tuổi gì đó. Còn hai đứa còn lại, một đứa đang đeo trên lưng chị bằng những mảnh khaki rách mướp, đứa kia đang nằm trong trong tay mẹ, chắc chưa đủ một năm.

- Chị xin vỏ khoai mì để…làm gì ? Tôi ngạc nhiên.

- Dạ con tôi nó đói quá, xin chú vỏ khoai mì cho tôi với tụi nhỏ ăn.

Tôi nghe nghẹn lời, không trả lời được tiếng nào. Vỏ khoai mì không thể ăn được. Tất cả những ai từng làm rẫy phải biết điều đó. Chị ta chắc chắn phải biết, vậy mà…

- Chị ở đâu đến đây vậy ?

- Tôi ở trong khu kinh tế mới chú à, trong đó không trồng gì được hết, tôi dẫn đám nhỏ đi, hai bữa rồi, tụi nhỏ chưa có gì ăn…

Lũ trẻ nghe mẹ nói chuyện với tôi, những đôi mắt thòm thèm nhìn đống vỏ khoai mì trộn lẫn với đất cát và rễ cây. Đứa nào mặc trên người chiếc áo khaki rách bươm của người lớn thì lại thiếu quần. Đứa mặc được chiếc quần xà lỏn thì không có áo. Không mũ, không giày dép, chúng đã đi chân trần trên con đường cát nung mà đôi chân người lớn cũng chỉ đi vài bước đã đủ làm nóng đỏ lên. Vậy mà những bàn chân nhỏ xíu, đen xạm kia đã đi hơn 30 cây số để đến được nơi này.

Tôi tặng cho họ những gì tôi có: khoai mì, dưa tây, trái cây trong vườn… Lũ trẻ nhào đến bên nồi khoai tôi luộc vội và nồi cơm nguội của tôi. Chúng hối hả nhai nuốt vội vã trong yên lặng. Tôi chưa từng thấy một đám trẻ con nào ít nói như vậy, kể cả đứa trên lưng và đứa trong tay mẹ. Chắc cái đói và mệt trên con đường thiên lý đã khiến chúng quên cả sự vô tư của trẻ thơ.

Họ là một gia đình sinh sống ở Sai Gon bị buộc đi về vùng kinh tế mới. Người cha cố công trồng cấy trên cánh đồng hoang một cách vô vọng để nuôi sống gia đình. Sau cùng ông đã có thể kiếm chút thực phẩm cho gia đình bằng cách chui vào những khu trận địa cũ, đào những miểng nhôm máy bay để đem bán và mua khoai sắn mang về cho vợ con. Một buổi sáng, ông cũng dậy sớm vào rừng và mãi mãi không về. Một quả lựu đạn đã nổ trên đường ông lần mò tìm kiếm một mảnh nhôm vỡ. Người vợ cố chống chọi với thiếu thốn trong một thời gian ngắn và sau cùng bà quyết định dắt díu bầy con băng rừng, vượt suối đi bộ về Sài Gòn.

Về Saigon ! Tôi nghĩ đến những gia đình nằm ngổn ngang trên những vỉa hè bẩn thỉu, trên không một mái che, dưới may mắn lắm mới có một manh chiếu rách hay vài tờ báo cũ…

Người đàn bà cảm ơn tôi, cột lại đứa bé trên lưng, xốc đứa bé nằm sang một tay, tay kia chị xách chiếc giỏ thức ăn của tôi vừa tặng. Ba đứa còn lại gật đầu chào tôi rồi lầm lũi bước theo chân mẹ.

Tôi nhìn theo họ. Phải mất mấy ngày nữa họ mới đến được Saigon nếu may mắn họ không gục ngã trên con đường ngút ngàn. Anh nắng nung người làm hình ảnh của họ nhòa đi. Tôi nghĩ đến một đoàn lữ hành trên sa mạc. Họ cũng lầm lũi đi trên những biển cát mênh mông. Có khác chăng là đoàn lữ hành trên sa mạc cố đi nhanh về vùng đất lành có nước ngọt trái lành với nhiều niềm vui hứa hẹn. Còn đoàn lữ hành trên quê hương tôi là những người đau khổ bất hạnh, người vợ không còn nước mắt cho chồng, là những đứa bé không cha, không hề biết đến những câu chuyện cổ tích hay những trò chơi của tuổi thơ.

Đoàn lữ hành xa dần trên con đường cát bụi, bóng họ khuất dần theo con lộ gập ghềnh. Mai này, có thể tôi sẽ gặp lại họ đâu đó trên những vỉa hè tăm tối của Saigon, cũng tối tăm như đời sống không tương lai của họ, của đoàn lữ hành trên con đường hoang mạc vô định của quê hương…

Từ đó, tôi không bao giờ vất bỏ bất cứ một loại thực phẩm nào, vì tôi biết rằng trên quê hương khốn khổ của tôi vẫn còn những đoàn lữ hành ra đi với hành trang duy nhất là sự nghèo đói và tuyệt vọng.

***

Nói Thêm về Một Sinh Hoạt Văn Hoá Bỏ Túi Và Đột Xuất.

CVA Hoàng Cơ Định

Trong tờ Tin Thư Chu Văn An Số 6, tôi đã được anh Hội Trưởng của chúng ta ưu ái nhắc tới trong mục Tin Địa Phương như sau:

"Một sinh hoạt văn hoá bỏ túi đột xuất là CVA HCĐịnh đã chia xẻ với anh em 3 tác phẩm "Đêm giữa ban ngày",Bên Dòng Sông Hát", "A Thousand Tears Falling" mà anh thấy là hay, nên đọc và nhất là nên dùng làm quà tặng trong các dịp cần... tặng quà!"

Hai chữ "Bỏ Túi" đã được sử dụng rất chỉnh và phù hợp vì đó là một buổi nói chuyện diễn ra trong bầu không khí ấm cúng của căn phòng khách xinh xinh tại tư gia CVA Hoàng Uông Lễ, với một nửa thành phần cử tọa là những người đã và đang "sửa túi" giùm anh em CVA chúng ta.

Tuy nhiên hai chữ "Đột Xuất" thi`... không phải vậy, và ý niệm "lấy sách dùng làm quà tặng trong các dịp cần...tặng quà" cần được nói thêm cho rõ.

Câu chuyện bắt đầu hồi 40 năm về trước, cũng chính tại ngôi trường Chu Văn An của chúng ta, sách đã tới với tôi như những người bạn, thân sơ đủ loại, nhưng chắc chắn nếu không có "bạn", đời mình sẽ thiếu vắng chịu không được . Năm đó, lớp của tôi là Đệ Tam B4,biệt hiệu là "Ba Bề Bộn". Không còn nhớ Trưởng Lớp là ai, nhưng tôi được chọn làm Trưởng Ban Học Tập. Tôi đã tổ chức một "thư viện" cho lớp, gọi là thư viện cho oai, thực chất thì chỉ là một tủ sách... bỏ túi. Tôi đã hô hào anh em lấy sách của gia đình mang tới cho "Thư Viện Lớp" mượn, hoặc cho luôn... Sự hưởng ứng thật là khích lệ và lớp 3B4 của chúng tôi nghiễm nhiên có một tủ sách riêng và tôi có thêm chức "quản thủ thư viện". Từ nhu cầu đọc để phân loại, hay trao đổi, trò chuyện với những tay mê đọc sách trong lớp, tôi bị ảnh hưởng và đã trở thành như họ lúc nào không hay...

Cái thú đọc sách đã dẫn tới thói quen mua sách là điều dễ hiểu, nhưng rồi một hôm tôi "ngộ" ra cái "chân lý" dùng sách làm quà tặng cho các người thân quen;

Và có thêm tham vọng là không phải chỉ cá nhân mình làm chuyện này mà còn làm sao để thói quen đó sẽ "lây" sang cả những người thân (hay chưa thân) khác nữa.

Thiết nghĩ, người Việt chúng ta ai cũng đều hãnh diện về nền văn hóa dân tộc, thì tại sao chúng ta lại chẳng góp phần để nuôi dưỡng nền văn hóa đó? Gần đây

một nhà văn nổi tiếng đã gĩa từ bút mực để quay ra mở nhà hàng ăn, ông nói người ca ngợi tác phẩm thì nhiều nhưng bỏ tiền mua sách thì chẳng bao nhiêu.

Đây là một mất mát vô lý và chúng ta thừa khả năng thay đổi nếu phát triển được thói quen dùng sách báo và băng nhạc để làm quà tặng.

Ở hải ngoại này có biết bao nhiêu dịp phải tặng quà nhau, từ sinh nhật,Noel, ngày Tết, Ra trường... Cho tới cả những dịp được mời ăn nhà bạn hay lâu ngày tới thăm nhau muốn có cái gì đón tay cho vui...

Vì vậy, rất mong việc mua sách, mua nhạc để làm qùa tặng nhau sẽ trở thành một thói quen trong cộng đồng người Việt chúng ta .

Nếu người tặng quà chú tâm tới ý nghĩa của tặng phẩm, thì sách và nhạc là những sản phẩm lý tưởng để chúng ta có thể trao gửi tâm tình tới những người chúng ta trân quý .

Nếu người tặng quà có những bận tâm về tài chánh, thì sách và nhạc có đủ mọi giá, rẻ thì rất sẵn mà mắc cũng chẳng đến nỗi nào .

Hãy tưởng tượng số tiền chúng ta, và con em chúng ta, đã bỏ ra để mua những chiếc áo thung không cần thiết, những ly-uống-ca-phê dư thừa và đủ thứ đồ gia dụng lỉnh kỉnh mà công dụng chỉ là chất đầy mấy hộc tủ ...Những số tiền đó dùng mà để mua sách, mua nhạc Việt Nam thì sự hiểu biết của cộng đồng chúng ta sẽ phải thăng tiến, con em chúng ta sẽ rành tiếng Việt và gắn bó với gia đình và nguồn cội hơn, và sức mạnh văn hoá sẽ trở thành một thực tế chứ không còn là cụm từ trống rỗng.

Tất nhiên, phổ biến sách hay băng nhạc trong tinh thần phát triển văn hoá nước nhà cũng phải có một số quy luật...bất thành văn. Nếu món quà là sách hay là thơ do mình sáng tác, băng nhạc do chính mình hát, tài liệu truyền bá đức tin hay quảng bá chính kiến của mình, thì chỉ nên coi như những quà kỷ niệm có tính cách cá nhân hoặc những tài liệu nhằm phổ biến quan điểm của mình. Để gọi là một món quà góp phần vào việc phát triển văn hoá dân tộc, thì người tiếp nhận phải có thể khen hay chê một cách thoải mái mà không bị lôi cuốn vào những tranh luận gay gắt. Sinh hoạt văn hoá cần phải cởi mở, khai phóng và khách quan, người ta có thể bất đồng, nhưng không vì thế mà thành bất hoà .

Đó là những gì tôi thấy cần được nói rõ thêm về dòng "Tin Địa Phương:lấy sách dùng làm quà tặng trong các dịp cần ... tặng quà" đăng trong tờ Tin Thư Chu Văn An số 6.

Còn việc Phạm Hội Trưởng bảo rằng buổi "Sinh Hoạt Văn Hóa Bỏ Túi" cuả tôi là đột xuất thì xin thưa là không phải, vì thật sự là đã được chuẩn bị từ trước, ít ra là một phần nào đó . Tôi đã dắp tâm mang sách theo và chờ lúc Hội Trưởng vui là xin phép nói chuyện văn hóa . Mà Phạm Hội Trưởng thì lúc nào cũng tươi vui như anh em đều biết, cho nên phần trình bầy của tôi đã diễn ra không có vẻ gì là đột ngột, đột biến hay đột xuất.

Chuyện tôi mang sách theo có nguyên nhân là vì nhiều khi anh em nghe nói tới một cuốn sách hay, nhưng không có dịp đi mua, và khi có cơ hội tới tiệm sách thì lại không có,hoặc sách đã bán hết. Vì vậy thấy quyển nào hay, tôi cứ mua đôi ba cuốn để sẵn trong xe, nếu có dịp nói chuyện sách vở, bạn cần, thì coi như ta mua giùm, giúp ích cho cả độc giả lẫn tác giả . Hôm họp mặt tại tư gia CVA Hoàng Uông Lễ, tôi đã mua giùm cho anh em được 6 cuốn, nói cho dễ hiểu thì là bổn tiệm đã tiêu thụ hết sạch kho sách gồm 6 cuốn.

Đến buổi họp mặt Tết Mậu Dần này, nếu bạn nào muốn góp phần "nuôi dưỡng văn hóa nước nhà" thì xin ra ngoài xe tôi, hàng họ luôn luôn có sẵn... Tiếc là vì chỉ dám giới thiệu những tác phẩm tôi đã đọc và thấy hay, và nhất là vì vốn liếng của bổn tiệm chỉ khoảng 100 dollars, nên "danh mục" cũng khá hạn hẹp, mong khách mộ điệu thông cảm.

* * *

THƠ CHỒNG CẢI TẠO GỬI CHO VỢ

Em ở nhà đừng “no” !

Anh vẫn tạm ấm no !

Ngày ba bữa có Chính Phủ “no” !

Không có gì quý hơn Độc “Nập Tự “Ro” !

* * *

CON NGƯỜI VĂN HÓA VIỆT NAM

Giới thiệu:

Tú Hát Đinh Bá Hoàn là một cây viết quen thuộc

của Đặc San Chu Văn An Bắc California

và cũng là một bậc trưởng thượng rất thiết tha

đến tương lai Việt Nam và các thế hệ trẻ.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài thơ sau đây trong

cuốn sách " Việt Nam Gốc Nguồn " mà ông vừa cho

xuất bản tại Canada. Xin chân thành cám ơn tác giả.

Lòng người văn hóa Việt Nam,

Vì nhà, vì nước, chứa chan nghĩa tình.

Gắng công, gắng sức, quên mình,

Chu toàn trách nhiệm, tôn vinh giống nòi.

Hiếu, trung, nhân, nghĩa, gương soi,

Khôn ngoan, phong tục truyền đời, trước sau.

Cốt nòng danh dự hàng đầu,

Nhắc câu bổn phận, trước câu lợi quyền.

Lòng son, bền kiếp. bền duyên,

Thiết tha, thương sót, đặt trên lý bàn.

Việt-Nam văn hóa là vàng,

Can tràng giữ lấy, thế gian nể vì.

Tú Hát Đinh Bá Hoàn

* * *

TÌNH XUÂN

Nắng bướm nô-đùa trên tóc biếc

Em cười trong khóe mắt trong veo

Trời Xuân tình nở hoa thơm ngát

Anh đắm chìm giữa biển hương yêu

Gió mát nhẹ-nhàng ve vuốt má

Em dịu-dàng dạo gót trong mơ

Lụa mây trắng nõn thua màu áo

Anh thả hồn theo mỗi bước thơ

Chim hót trên cành xanh mướt lá

Em hát ngọt-ngào giọng suối êm

Đời tựa bài thơ tình phổ nhạc

Anh ngất-ngây từng nhịp thở tim

Hạnh-phúc chẳng đo bằng thước tấc

Mà bằng lối thể-hiện yêu thương:

Em trao tha-thiết tình trăng sáng

Anh đáp mặn-nồng nghĩa đại dương

Thời gian mỏi cánh lòng không đổi

Không tuổi tình yêu mãi sắt-son:

Em-của-anh mùa Xuân tươi thắm

Anh-của-em rực rỡ vầng đông

Minh Viên

* * *

Ở BIỂN VÀO NGÒI

Như con sâu

đo dài tầu lá

như con cá

lạc biển vào sông.

em cơn mây sũng nước

tim tôi cỏ khô một cánh đồng

nửa thế kỷ hạn hán

đợi chờ một trận mưa giông!

năm mươi năm

nằm đo giương chiếu

mắt nhìn trời

chưa thấu chuyện trời trêu!

tôi loài chim

ngơ ngác cạnh đám diều

không muốn hót

sợ gió ghen từng khúc hát nghêu!

dậm chân trên đất

tưởng bật lên lời ca

bao lần cất bước

chưa ra khỏi một búp tay hoa!

tôi thành loài sâu

bò chơi tầu lá

tôi thành chú cá

bơi lượn ngòi sông...

Lưu Văn Vịnh

* * *

THƠ ĐƯỜNG CHUYỂN NGỮ

Đặc san Chu Văn An hân hạnh đăng bài thơ Đường

chuyển ngữ sau đây của một thân hữu

có nhã ý gửi tặng. Xin trân trọng cám ơn dịch giả.

XUÂN TÌNH

Vũ tiền sơ kiến hoa gian nhị

Vũ hậu toàn vô diệp đề hoa

Phong điệp phân phân quá tường khứ

Khước nghi xuân sắc tại lân gia.

Vương Giá

MƯA XUÂN TẠNH

Sắp mưa hoa vẫn xinh tươi

Tạnh mưa hoa rụng hết rồi còn chi

Vượt tường ong bướm bay đi

Ngỡ vườn hàng xóm bên kia xuân còn.

Cao Bá Vũ

THƠ ĐƯỜNG CHUYỂN NGỮ

XUÂN SƠN NGUYỆT DẠ

Xuân sơn đa thắng sự

Thưởng ngoạn dạ vong quy

Cúc thủy nguyệt tại thủ

Lộng hoa hương mãn y

Hứng lai vô viễn cận

Dục khứ tích phương phi

Nam vọng chung minh xứ

Lâu đài thâm thúy vi.

Vu Lương Sử

ĐÊM TRĂNG NÚI XUÂN

Núi xuân cảnh đẹp khắp miền

Chân vui thưởng ngoạn trời đêm quên về

Vốc trăng đáy nước bên khe

Bỡn hoa đầy áo ấp e hương thầm

Hứng lòng đâu ngại xa gần

Muốn đi chân lại tần ngần bên hoa

Trời Nam vẳng tiếng chuông xa

Lâu đài ẩn hiện nhạt nhòa núi xanh.

Tâm Minh

* * *

MỘT BUỔI SINH HOẠT

Chủ nhật 5/10/1997, một ngày cuối tuần như những ngày cuối tuần khác tại Thung Lũng Hoa Vàng. Bao nhiêu sinh hoạt văn hóa, chính trị cuả các hội đoàn đều tập trung vào cuối tuần. Trời vào thu. Nắng đẹp.

Trụ sở Tin Thư Chu Văn An mở cửa từ 9:00 giờ sáng. Trụ sở Tin Thư là nơi chúng tôi vừa làm việc nhà, vừa làm việc chùa!.Những buổi họp Ban Chấp Hành, những buổi hẹn gặp gỡ giữa các CVA địa phương với các bạn từ xa tới thường lấy trụ sở Tin Thư Chu Văn An làm điểm tập trung. Sinh hoạt các nhóm nhỏ cũng thường chọn nơi đây làm nơi gặp gỡ . Mỗi khi đề cập đến tìm địa điểm khác để họp mặt hầu thay đổi không khí thì anh em lại cũng trở về địa điểm này vì vào ngày chủ nhật thì đậu xe thoải mái, nơi hội họp không có hàng xóm láng giềng nên tha hồ ăn to nói lớn, đáp ứng được đặc tính của dân ta mà không sợ phiền hà nhà bên cạnh hoặc gia chủ!.

Hôm nay, chúng tôi cũng tới nơi làm việc như một ngày trong tuần, tới từ 9:00 giờ sáng. Tới không phải là vì có hẹn với ...cần câu! Tới vì có hẹn với anh chị em, với thân hữu CVA. Tới để chuẩn bị cho buổi hướng dẫn cuối cùng của khoá 2 về computer, buổi hướng dẫn về đề tài E-mail và Internet. Cũng như các buổi họp mặt khác, bàn tiếp dẫn viên biến thành bàn nước với ly, đĩa,thìa,khăn... Bình nước sôi sẵn sàng để anh chị em tự túc pha cà-phê hay trà tùy ý. Bánh mì ngọt chờ đợi anh em nào dậy trễ, vội vã phóng tới cho kịp giờ, và chưa kịp lót dạ. Biết trước số người tham dự hôm nay sẽ đông hơn bình thường nên chậu cây nơi phòng đợi cũng được “di chuyển chiến thuật” vào nơi không người lui tới . Đang kéo ghế sắp sếp lại ”phòng học” , “phòng hội” thì chị Đỗ thị Nhuận, một cựu nữ sinh CVA, đẩy cửa bước vào . Đồng hồ chỉ 9 giờ 20. Tôi chạy ra đón chào”hội thảo viên xông đất phòng hội” hôm nay:

-A! Chị Nhuận! Chị là người đến trước nhất đấy! Chị tự nhiên nhé!. Xin phép chị, tụi tôi tiếp tục... chuẩn bị một chút.

-Tôi đi chuyến xe sớm. Nếu đi chuyến sau thì sợ trễ mất mươi phút!

Câu trả lời của chị cho thấy ngọn lửa Chu Văn An trong chị còn nóng lắm!.

Nghe tiếng truyện trò, bà xã tôi chạy ra chào chị Nhuận và cũng xin phép để sửa soạn tiếp. Trong khi chúng tôi tiếp tục sắp xếp cho buổi trao đổi kinh nghiệm ngày hôm nay thì chị Nhuận kéo ghế ngồi, đầu quay một vòng quan sát “phòng hội”, rồi lựa một tờ báo để xem. Với mái tóc bồng bềnh, y phục trang nhã và nụ cười trên môi, chị Nhuận hôm nay trông khác hẳn chị Nhuận ngày họp mặt Tết Đinh Sửu. Việc chuẩn bị tạm xong, tôi trở ra mời chị Nhuận:

- Chị tới lần đầu nên xin trình bày cho chị biết tập tục ở đây . Trong này lúc nào cũng sẵn các thứ và anh em muốn cà phê hay trà thì tự pha theo ý thích. Có gì bầy trên bàn mà ... ăn được thì chị cứ tự nhiên như ở nhà nhe’!

Đúng lúc này thì hướng dẫn viên Phạm Nguyên Khôi đi vào, một tay mang keyboard, một tay cầm hộp đựng phụ tùng linh tinh như dây điện, dây điện thoại, “con chuột”...v...v...Chiếc bàn trong phòng được di chuyển tới gần ổ cắm điện thoại. Đồ nghề computer, màn ảnh được mang lên và “thợ” Khôi lắp nối trong nháy mắt.

Mọi người lục đục kéo tới. Tin tức được trao đổi nhanh chóng giữa các CVA . Anh Đỗ đình Lợi kiếm ngay tờ báo chỉ cho anh Phạm Đỗ Hùng, Vũ Mạnh Phát thấy cáo phó về thân mẫu của các CVA Lê On Hà, Lê Ôn Dương, Lê Ôn Như . Anh Nguyễn Thanh Bình giới thiệu thêm các CVA chưa nhận được Tin Thư để Hội thêm vào danh sách. Anh Nguyễn Như Hùng “ báo cáo” điạ chỉ điện thư ...TV Lệ Nga mang theo một túi bắp vừa mới luộc xong, còn nóng hổi và bầy hàng liền. TV Thanh Hằng khệ nệ hai túi với sushi, bánh ngọt, bánh biscottes. Lại cả bình để pha cà phê phin thứ thiệt cho dân sành nghề uống! Trông thấy số lượng người có mặt, chị Hằng vừa cười vừa la hoảng với chúng tôi:

- Hì ...hì ....! Đâu có biết hôm nay đông như thế này! Tôi tưởng cũng như mấy lần trước nên mang theo thức ăn... thiếu rồi! Dự trù là trưa nay ăn ở đây cho đỡ mất thì giờ!

Quả thực hôm nay số người tham dự buổi hướng dẫn về E-mail và Internet có đông hơn mấy buổi trước.Lý do là có anh chỉ muốn biết về E-mail và Internet nên đợi tới hôm nay mới xuất đầu lộ diện, có người vì lý do cá nhân, đã không tham dự được phần này trong khóa trước nên bây giờ bổ túc, có anh muốn nghe lại cho thấu triệt thêm về lưới liên mạng với điện thư và cũng có anh thấy anh em tụ họp thì tới gặp nhau cho vui.

Buổi trao đổi kinh nghiệm dự trù bắt đầu từ 9:30 cũng trễ mất 15 phút. Tới 9 giờ 45 mới thực sự vào đề. Ghế ở mọi phòng đều lần lượt được huy động ra phòng họp, kể cả các ghế thuộc loại “nhà nghề”tùy theo nhịp độ người đến. Giờ cao điểm có người phải đứng.Kiểm điểm lại những người trong cuộc gặp gỡ này thì thấy có mặt : Nguyễn Thanh Bình, Vương Tứ Cảnh,Nguyễn Thanh Giản, Đỗ Tiến Hải, Thanh Hằng, Nguyễn như Hùng, Phạm Đỗ Hùng, Phạm Phúc Hưng, Phạm Nguyên Khôi, Phạm văn Lâm, Đỗ Đình Lợi, Phạm Lệ Nga, Đặng Tường Ngữ, Đỗ thị Nhuận, Từ thị Ngọc Nữ, Vũ mạnh Phát, Lưu Văn Vịnh.

Khi cuộc trao đổi kinh nghiệm chính thức bắt đầu thì anh Ngữ, anh Bình nhường chỗ cho những người cần hơn, vì hai anh ...đã rành “sáu câu” rồi, rút vào khu có cà-phê cà pháo tán láo với PPHưng và tôi. Tiếng nói truyện giọng thấp mà cứ ...vang vang như là ... chỗ không người , quên mất là bên kia cửa tò vò, anh chị em đang chăm chú theo dõi màn ảnh. Phải chăng nói to là đặc tính, là bản năng, là thói quen của dân mình, dân CVA, của những CVA tai nghễnh ngãng nên ... nói chỉ vừa đủ nghe thôi mà cũng đã làm cho người khác ...chú ý! Để tránh làm phiền các...bạn học bên ngoài, tôi ôm hết bì thơ to tướng do anh Hưng vừa mới đưa, hộp labels, với hộp phong bì mới mua hôm trước và lên tiếng:

- Mời các anh vào “hậu trường” trong này! Có chút việc nhờ ... tay chân mấy anh. Tụi mình vừa đấu láo, vừa làm.

Vừa trình bầy xong nhu cầu “ lắp ráp bì thư” để gửi theo Tin Thư sắp tới là hệ thống dây chuyền Taylor được hình thành ngay tức khắc . Anh Hưng phụ trách cắt phiếu ghi danh do chính anh in. Thấy máy cắt đang đợi anh ở góc bàn, anh mừng rỡ:

- Đang sợ phải cắt mấy trăm cái phiếu này bằng kéo, có cái máy này thì khỏe quá!

Anh Ngữ góp thêm:

- Dân rửa ảnh tài tử chỉ mong có cái máy cắt này!

Anh Bình cho phiếu ghi danh vào bì thơ. Anh Ngữ và tôi gỡ giấy nhãn in sẵn địa chỉ Tin Thư Chu Văn An dán lên bì thơ. Một số Tin Thư với đầy đủ bì thư, tên người nhận, được chuẩn bị sẵn sàng cho những người hiện diện hôm nay.

Đang thực hiện công tác lắp ráp bì thư này thì anh Lê Duy San đã xuyên qua “hội trường”, vào tận cơ xưởng sản xuất này thăm anh em, đưa giấy tờ và chi phiếu gởi tới địa chỉ Hội và dọt ngay xuống đường, đi yểm trợ Thái Bình, Xuân Lộc.

TBBC Vũ Mạnh Phát lò dò vào “hậu trường”, vừa ngó thấy nhóm chúng tôi đang mồm thì đấu hót, tay thì bóc, dán, là vỗ đùi đánh đét:

- Chết cha! Quên máy hình rồi! Hôm nay mà không có ảnh thì uổng quá ! Phải về lấy mới được!

Thế là trong khi mọi người “hội họp”, “công tác”, anh Phát lẳng lặng chuồn êm, ra ngoài vừa đi vừa chạy, vội vã leo lên xe phóng về nhà lấy máy ảnh để hành nghề cho đúng chức năng được giao phó. Báo chí thì phải lo hình ảnh cho Đặc San với Tin Thư chứ!

Thời gian trôi qua thật mau!

Anh Phát đã trở lại ...hành nghề phó nháy!

Hướng dẫn viên Phạm Nguyên Khôi thao thao bất tuyệt với nhịp điệu ... ngập ngừng như thường lệ . PTTK Phạm Phúc Hưng cũng trở lại “hội trường”, sau khi hoàn tất công tác “cắt xén” phiếu ghi danh trong 5 phút, cho đúng vai trò ... hướng dẫn viên dự khuyết như Đỗ Tiến Hải ! Nhiều câu hỏi đặt ra và đựợc giải đáp.

E-mail “chùa” liên lạc thường xuyên với bạn bè, nhất là với con cái đi học nơi xa thì còn gì lợi ích bằng!. Một hình thức trao đổi rất tự nhiên và rất cần thiết để gần với người thân mà không tốn kém. Ngày nay, muốn dễ gần gũi, dễ truyện trò với con cái thì bố mẹ nên biết E-mail với Internet, những thứ mà hầu hết trẻ em bây giờ sống trên đất Mỹ đều biết. Có chơi cùng một trò chơi thì ông bà mới ... dễ thương đối với các cháu, bố mẹ mới dễ cảm thông với con cái! Khuyến khích con cái đi học Việt ngữ mà bố mẹ không đánh, đọc chữ Việt trên computer, hoặc computer không được cài nhu liệu chữ Việt cho con xử dụng thì thật là đáng tiếc! Trong các nhu liệu đánh chữ Việt thì cũng có những nhu liệu hoàn toàn miễn phí như VPS, Winvnkey ...Viết được chữ Việt “ đúng điệu”trên máy tính điện toán, liên lạc qua Email cũng bằng tiếng Việt sẽ tạo thêm môi trường tốt cho con cháu dùng tiếng Việt trong các sinh hoạt.

Buổi trao đổi tạm xong.Tin Thư CVA số 6 được trao tay cho hội viên hiện diện để tiết kiệm cho ngân quỹ Hội. Bà xã tôi với chị Hằng thay mặt “ ban tiếp tân “ mời tất cả anh chị em tự nhiên dùng cà phê và ăn ... sáng. Tiếng ghế di chuyển nổi lên ào ào xen lẫn tiếng cười rộn rã. Chị Nhuận đưa ngay phong bì hồi đáp để yểm trợ và mua vé tham dự họp mặt tất niên. Nhanh quá chừng!. Nếu các CVA khác cũng lẹ như chị Nhuận thì anh em trong Ban Chấp Hành hẳn phải ăn mừng lớn!

Món bắp luộc do chị Nga mang đến là được chiếu cố tận tình trước tiên. Sushi được chị Hằng bắt thăm viếng “lò vi ba “ cho nóng trước khi mổ sẻ, cắt chia cho ... thực khách dùng. Bánh ngọt điểm tâm cũng ra đi mau chóng. Lúc anh chị em đang hăng say thanh toán chiến trường thì chị Hằng chạy xuống xe mang lên thêm một hũ bánh mì nướng bơ, loại biscotte do chính chị làm và là lương khô luôn luôn để sẵn trong xe đề phòng...động đất! Anh em hỏi thăm cách làm. Trong khi chị kể thì mỗi người thử 1,2, 3 ...miếng, khen ... ngon, và hộp bánh ...tiêu tan!

Trong khi mọi người mải mê giải quyết vấn đề bao tử thì anh Khôi vẫn hăng say canh máy, chơi ... chuột luôn tay, rút đĩa này ra, đút đĩa khác vào và ...tìm mặt ... gửi ... đĩa !. Số là ngay từ lúc Tin Thư vừa được phân phát xong, chị Thanh Hằng hỏi tôi:

- Anh có sẵn cái floppy disk trắng nào không? Cho một cái để copy Juno.

- Cái gì chứ cái đó thì có ngay!

Khi anh Khôi đang sao nhu liệu Juno cho chị Hằng thì một số anh chị em khác xì xào bàn tán, cũng muốn có ngay Juno để về cài vào máy, gửi E-mail chùa chơi!. Anh Khôi làm một màn ... kiểm kê cụ thể:

- Còn ai cần Juno nữa không?

Sau khi ...điểm danh, anh đi vào thực tế:

- Anh Thịnh, cho 5 cái nữa!

Sợ tôi nghễnh ngãng, nghe không rõ, anh Khôi vừa nói vừa xòe bàn tay đủ năm ngón.Cánh cửa nhỏ xíu trên bàn computer được mở rộng mau chóng. Buổi truyện trò về điện thư chùa với lưới liên mạng có kết quả ngay tức thì, và đấy là niềm vui của những người cùng một sở thích, cùng một ước mơ !.

Khi anh Khôi xong công tác thì bàn thức ăn chỉ còn lại bánh mì ngọt! Ăn lúc đói, giữa những tiếng pha trò, cười đùa như vỡ chợ, hẳn cũng không đến nỗi nào.Một số anh em như NNHùng, ĐTHải ...bận việc khác nên cáo từ rút lui . Anh PĐHùng chạy ra một lúc rồi trở lên kêu cứu:

- Xe bị sẹp lốp! Vặn ốc không nổi! Anh nào giúp hộ!.

Anh Hưng, anh Khôi và tôi theo anh Hùng xuống sân. Anh Khôi kinh nghiệm đầy mình, leo ngay lên cần mở ốc nhún nhún với tất cả sức nặng của thân xác anh. Con ốc nhúc nhích nhượng bộ . Thay xong bánh xe, chúng tôi trở lên nhập cuộc đấu hót với những anh chị em còn đang vui bạn vui bè . Anh Phát đề nghị:

- Mọi chuyện đã xong, tiện đây lại có mặt anh Lâm, chị Hằng , xin đề nghị chúng ta làm một mục văn nghệ đột xuất chơi!

Tiếng phụ hoạ đồng ý nổi lên ào ào! Ghế ngồi được sắp xếp lại và mọi người an toạ một cách nhanh chóng.

- Giữa anh Lâm với chị Hằng thì ai hát trước đây ?

Sau khi đẩy qua, đẩy lại, anh Lâm đồng ý đứng lên hát trước.

- Hát mà không có đàn, có micro thì khó hát! Nhưng vui với anh em tôi xin hát bài “ Kiếp cầm ca”.

Chưa hát, tiếng vỗ tay đã nổi lên như pháo nổ . Không khí im lặng. Giọng ca của anh dẫn đưa những người có mặt nơi đây, những người xấp xỉ cùng lứa tuổi anh vào không khí phòng trà thuở thiếu thời!

- Bây giờ tới lượt chị Hằng!

Anh Hưng chủ trương “im lặng là vàng” bất chợt lên tiếng:

- Hôm nay chị Hằng tha hồ hát!.

Mọi người phá lên cười, kể cả chị Nhuận!. Chị Hằng vừa đu đưa trên ghế, vừa ...”rằng, thì, là, mà”:

- Hôm nay vui quá!. Mà các anh các chị muốn nghe hát nhạc nào ? Nhạc Việt nam, nhạc Mỹ, Pháp, Ý, hay nhạc Mễ ?. Con em tôi nó cứ nói là đừng bao giờ “hát ....trần” cả! Nhưng hôm nay đặc biệt thì hát chơi!

Thấy nét mặt ... ngơ ngác của một số người, chị vội giải thích để tránh...hiểu lầm:

- Trong giới ca hát, khi nói tới “hát ... trần” có nghĩa là hát không có tiếng đàn, tiếng nhạc đệm theo . Ca sĩ nào cũng sợ hát không có nhạc đệm. Thôi thì các anh các chị cứ nghĩ là nghe tiếng hát trong...shower hay gì gì đó, tuỳ ý! Tôi sẽ hát bài ....

Chị sửa lại vị thế ngồi trên ghế cho dễ lấy hơi và hát! Giọng cao vút! Lời Mỹ rồi lời Việt do chính chị chuyển ngữ. Toàn phòng im lặng.Tiếng vỗ tay nổi lên khi lời ca chấm dứt.

Chương trình văn nghệ tiếp tục cho đến khi một số anh em khác cáo từ ra về. Mọi người lục tục ra về . Chợt nhớ tới thùng Tin Thư còn đầy ắp, tôi kêu cứu:

-Ai có rảnh thì xin nán lại giúp một tay để gấp, dán Tin Thư.

Tình nguyện ở lại có các anh Đặng Tường Ngữ, Nguyễn Thanh Giản, Nguyễn Thanh Bình và chị Thanh Hằng. Bàn, ghế được sắp xếp lại để tiện cho dây chuyền sản xuất . Anh Bình khởi đầu bằng động tác lấy tờ giữa kẹp trong tờ ngoài và gấp lại . Chị Hằng lấy bì thư đã được chuẩn bị sẵn bỏ vào Tin Thư . Tôi bóc dán label để giữ nguyên Tin Thư đã được lắp ráp đầy đủ phụ tùng bên trong. Anh Ngữ phụ trách việc dán địa chỉ . Anh Giản dán tem, may là anh không phải le lưỡi liếm tem trước khi dán! Cả nhóm vừa làm vừa tán gẫu thật là vui. Những giai thoại, những truyện cười, những câu pha trò tuôn ra bất tận. Sản xuất hơi bị ứ đọng ở khâu chót .Anh Giản bị trêu là ... chậm. Anh khiếu nại liền bằng cách đưa giây tem ra chứng minh:

- Coi này! Khía cắt giữa mấy cái tem này bị đề-phô, không có .Cứ phải lựa lựa xé ra nên mất thì giờ!

- A! Chắc tụi bưu điện nó... chơi anh đó!

Công tác dây truyền đang tiến hành thì chị Hằng báo động:

- Hết bì thơ có phiếu ghi danh rồi! Coi bộ cần thêm đấy!

Sau khi kiểm qua số lượng nhãn địa chỉ còn lại, tôi chạy vào bên trong in thêm phiếu ghi danh để dây chuyền sản xuất được tiếp tục.

Công việc sắp xếp Tin Thư hoàn tất sau hơn một giờ “lao động” của cả nhóm. Trong thời gian đó, bà xã tôi thu dọn, sắp xếp lại các thứ để chuẩn bị cho công việc thường nhật ngày hôm sau .

Ra về, mỗi người mang theo nụ cười trên môi và giữ một kỷ niệm khó quên, kỷ niệm của tuổi ...học trò , học trò Chu Văn An, trong lớp học Chu Văn An, dưới bầu trời Cali nắng ấm, ấm tình đồng môn, ấm tình thân hữu, thân hữu Trưng Vương-Chu Văn An , ấm tình người!.Chợt nghĩ tới tinh thần Chu Văn An! Vui buồn lẫn lộn! Nhớ tới những nhận xét, những câu nói, những tiếng cười của các CVA Đỗ Phan Hạnh, Đào Hữu Châu và các CVA khác trong buổi gặp gỡ tại Montreal cách đây chừng nửa năm.

Nắng vẫn chiếu trên Thung Lũng Hoa Vàng!

CVA Phạm Huy Thịnh

San Jose 11/ 97

* * *

C.V.A . TRÊN ĐỈNH PHÚ SĨ SƠN

CVA Phạm Phúc Hưng

Hình ảnh ngọn núi Phú Sĩ có đỉnh phủ tuyết hầu như quanh năm là một trong những biểu tượng của xứ Phù Tang. Fuji hay Fujiyama, cũng gọi là Fuji-san được gắn liền với tên Japan. Phú Sĩ Sơn, một núi lửa đang trong trạng thái ngủ yên nhưng vẫn được xếp vào loại hoạt động của Nhật Bản tọa lạc gần thủ đô Tokyo thuộc đảo Honshu (Honshu, đảo lớn nhất của quần đảo Nhật Bản trải dài 800 dậm và có chiều ngang từ 30 dậm tới 150 dậm. Người ta thường gọi đảo này là đất liền - mainland- của Nhật). Phú Sĩ Sơn vươn cao 3776 m trên mặt biển. Đỉnh núi bị phá vỡ bởi miệng núi lửa hình nón đường kính 600m. Sườn phía nam trải dài tới vịnh Suruga. Người ta có thể nhìn thấy được đỉnh núi phủ tuyết từ nhiều thành phố ở xa khi trời quang đãng. Thắng cảnh nổi tiếng này thuộc về công viên quốc gia Fuji-Hakone-Izu, nằm về phía đông nam thủ đô Tokyo giữa hai vịnh Suruga và Sagami, nơi có nhiều chùa chiền, hang động, lăng tẩm, ngũ hồ (Fuji-Goko), và suối tắm nước nóng thiên nhiên (onsen). Hàng năm có nhiều ngàn dân Nhật tới thăm khu công viên vĩ đại này. Theo truyền thuyết, núi Phú Sĩ tự nhiên nổi lên từ đồng bằng chỉ trong có một đêm vào năm 283 trước công nguyên. Tuy nhiên theo ngôn ngữ của giống dân Ainu, những thổ dân Nhật, “Fuji” có nghĩa là “tuôn ra hay phun ra” để diễn tả sự phun lửa đã hình thành ngọn Fuji khoảng 10,000 năm trước mà họ được chứng kiến. Điều này phù hợp với tuổi địa chất của ngọn núi này hơn. Lần phun lửa gần nhất kéo dài từ 24 tháng 11 năm 1707 tới 22 tháng giêng năm 1708, tro bụi của phún xuất thạch đã trải một lớp dầy hơn 30 cm trên thành phố Tokyo ở cách xa 130 km.

Người Nhật thường nói “mỗi người nên leo núi Phú Sĩ một lần trong cuộc đời, nhưng chỉ có ai dại dột mới leo lần thứ hai”. Tuy vậy, vẫn có khá nhiều “người Nhật dại dột, trẻ cũng có mà cỡ trên bảy chục tuổi cũng có”. Chưa kể những cụ muốn giữ hoặc phá kỷ lục leo liên tục trong nhiều năm. Thường có khoảng hai trăm ngàn người leo cũng lên tới đỉnh núi vào khoảng tháng bảy và tháng tám hàng năm, khi không còn tuyết phủ ở sườn núi. Những người không đủ thể lực hoặc nhát gan có thể chiêm ngưỡng núi Phú Sĩ bằng trực thăng.

Trong hơn bốn năm làm việc và sống ở Nhật (1987-1992), tôi và gia đình có thăm viếng khu công viên Fuji-Hakone-Izu mấy lần. Trong những lần nầy, chúng tôi chỉ đi xem hang động, chùa tháp, hồ lớn và thưởng thức khoái cảm đặc biệt khi ngâm mình trong các suối nước nóng thiên nhiên khai thác bởi các khách sạn. Tôi sẽ nói thêm nhiều chi tiết hấp dẫn về thú tắm suối nước nóng ở Nhật vào một dịp khác. Chúng tôi đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng tráng của Phú Sĩ Sơn ở nhiều góc cạnh, từ nhiều khoảng cách xa gần khác nhau và vào các thời điểm khác nhau trong cùng một ngày hoặc trong các lần du ngoạn khác nhau. Hồi còn ở Việt Nam, đã bao lần tôi được thấy Phú Sĩ Sơn qua tranh ảnh trên những tờ lịch hoặc qua phim ảnh tài liệu. Tôi đã hằng mơ ước một ngày được thấy tận nơi ngọn núi cao sừng sững, trải rộng cả một bức tranh với đỉnh núi phủ tuyết trắng xóa vươn cao trong ánh bình minh hay lúc chiều tà. Hình ảnh Phú Sĩ Sơn in dưới mặt hồ phẳng lặng ẩn hiện cùng với những cành hoa anh đào vào khoảng cuối tháng ba hay đầu tháng tư hoặc những cành phong đổi sang mầu đỏ cam vào khoảng tháng chín tháng mười ở những tờ lịch in sâu trong tâm trí tôi từ thuở ấy. Ay thế mà sự mơ tưởng được thấy tận nơi những hình ảnh đẹp của xứ Phù Tang đã trở thành sự thật với không những cho riêng tôi mà với cả vợ con tôi nữa.

Vào tháng tám năm 1988, tôi và vài người bạn cũng từ Mỹ qua làm việc ở Nhật đã đi tới một quyết định táo bạo - chúng tôi rủ nhau “leo núi Phú Sĩ một lần trong đời cho biết”. Khoảng thời gian này trời đã bớt nóng và bớt ẩm. Mưa cũng ít đi nên chúng tôi hy vọng là cuộc hành trình sẽ không còn nhiều nguy nan. Toán leo Phú Sĩ Sơn của chúng tôi gồm ba người. Tôi là người lớn tuổi nhất. Hai bạn đồng hành của tôi là Hiệp, thua tôi 9 tuổi và Hào, trẻ hơn Hiệp 8 tuổi. Cả hai anh bạn này đều khỏe mạnh, hàng ngày đều chạy bộ mấy cây số. Mỗi tuần các anh còn bơi cả tiếng đồng hồ ít nhất là vài ba buổi tối sau khi tan sở. Tôi cảm thấy hơi e ngại vì không chắc sức mình có thể theo kịp hai bạn trẻ trong chuyến “leo núi cho biết sự đời” này.

Để cho chuyến đi thêm phần chu đáo và ý nghĩa, chúng tôi đã dọ hỏi thêm kinh nghiệm chèo núi Phú Sĩ từ các anh bạn Nhật cùng sở. Đa số những người được chúng tôi chiếu cố để lấy tin tức đều là dân Tokyo. Chúng tôi cứ chắc mẩm là thế nào cũng thu thập được mọi chi tiết quí báu. Nhưng kết quả sau cùng không như chúng tôi mong đợi. Bởi vì chính dân Tokyo lại không màng tới chuyện leo lên Phú Sĩ Sơn. Họ chỉ ưa tới vùng công viên Fuji-Hakone-Izu này để du ngoạn, tắm suối nước nóng, nghỉ xả hơi sau những ngày tháng làm việc cực nhọc. Tuy vậy, sau khi phải dọ hỏi một số bạn bè từ các nước khác tới làm việc một thời gian ở Nhật, chúng tôi cũng đã có được những dữ kiện căn bản để thực hiện cuộc hành trình.

Khởi hành từ ga Shinjuku thuộc Tokyo vào buổi sáng sớm thứ bẩy cuối tháng tám, Hiệp, Hào và tôi đáp xe điện tốc hành “Azusa” đi tới Otsuki trong vòng một tiếng đồng hồ. Từ đây, chúng tôi phải chuyển qua một xe lửa thường khoảng 50 phút để đi tới Hồ Giang-Khẩu (Kawaguchiko), hồ lớn nhất trong số ngũ hồ của khu công viên Fuji-Hakone-Izu. Theo như lịch trình đã được ấn định, chúng tôi đi xem Hồ Giang-Khẩu và Hồ Trung-Sơn (Yamanakako). Tại hai hồ này du khách được thưởng lãm hình ảnh Phú Sĩ Sơn soi bóng trong mặt nước. Từ Hồ Giang Khẩu chúng tôi đáp xe buýt đến nơi khởi hành leo núi vào lúc hơn 4 giờ chiều. Theo như lời chỉ dẫn của mấy anh bạn đã đi trước, leo núi ban đêm vừa mát, đỡ khát nước và sẽ được xem cảnh mặt trời mọc đẹp vô cùng.

Đường leo núi Phú Sĩ được chia làm mười chặng (gome) hay mười trạm kể từ chân núi. Nhưng vì ngọn núi này trải rất rộng ở phần dưới nên hầu như chưa có ai khởi sự từ chặng đầu tiên. Cả thảy sáu lộ trình có thể được xử dụng để leo tới đỉnh núi, nhưng đối với dân leo núi tài tử thì chỉ có hai lộ trình nên theo. Đại đa số những người leo núi hoặc khởi hành từ “trạm thứ năm cũ (Gogome)” ở sườn núi phía Bắc hoặc “trạm thứ năm mới (Shin-Gogome)” ở sườn núi phía Nam. Chúng tôi chọn “trạm thứ năm mới” ở 2,400m trên mặt biển và sẽ phải vượt 1,376m cao độ để tới tận đỉnh (3,776m cao độ). Tại đây có các cửa hiệu bán thức ăn và các thứ cần thiết mà dân leo núi cần có như giây thừng, gậy chống, mũ nón, dù, áo mưa, bình nước, vật lưu niệm. Sau khi ăn uống và mua sắm một vài thứ cần thiết, Hiệp, Hào và tôi hăm hở ca vang “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng”. Trời lúc đó còn quang đãng, khô ráo. Chúng tôi nhập với đoàn người leo núi khá đông trong một khí thế hăng hái, mặc dù không ai trong chúng tôi biết những khó khăn gì sẽ xảy đến. Vào giờ phút này, chân chúng tôi đang bước đi trên lối mòn dọc theo sườn núi. Đoạn đường lúc thoạt đầu còn nhiều cây cỏ, lối đi khá rộng, dốc thoai thoải và tương đối ít quanh co. Những người đồng hành còn nối gót gần nhau. Nhưng chỉ chừng hơn nửa giờ sau, đường trở nên dốc và quanh co khúc khuỷu hơn. Nhiều người đã vượt lên trước khá xa. Chúng tôi cũng vẫn còn vừa đi vừa cười nói vui vẻ và qua mặt cũng khá nhiều người khác. Khoảng hơn sáu giờ, lúc trời đã choạng vạng tối, chúng tôi đã tới được trạm thứ sáu ở cao độ 2,450m. Xem lại bản đồ, sau hơn một giờ mà chúng tôi mới vượt được có 50m cao độ (!). Các hàng quán ở trạm này đều đã đóng cửa vì rất ít người dừng chân. Vừa vượt qua trạm thứ sáu độ 15 phút, mưa bắt đầu rơi nhẹ. Trời đã tối hẳn. Chúng tôi bắt đầu phải mò mẫm men theo các dây xích sắt đóng dọc đường để leo lần lên theo các phiến đá. Vật dụng đựng trong sắc đeo lưng càng lúc càng trở nên nặng nề. Tôi đã bắt đầu cảm thấy khát nước. Khoảng cách giữa ba đứa chúng tôi và các người ở phía trước và phía sau càng lúc càng xa, không còn nghe thấy tiếng nói của nhau như lúc đầu nữa. Từ trạm thứ sáu tới trạm thứ bẩy chúng tôi sẽ phải leo một độ cao 300m đường đá dôc khá nguy hiểm. Thay vì phải dùng loại giầy leo núi, cả ba đứa chúng tôi lại mang giầy đi bộ hiệu Nike, tuy có nhẹ nhưng không bám đường. Chúng tôi càng lúng túng hơn khi phải mặc áo mưa vì trời mưa mau hạt hơn. Chúng tôi tới trạm thứ bẩy (cao độ 2,750m) vào lúc 8 giờ rưỡi tối. Mưa đã tạnh hẳn nên chúng tôi chỉ dừng lại để đóng dấu kỷ niệm vào cây gậy(mỗi trạm đều có chỗ đóng dấu vào gậy) và mua nước uống rồi tiếp tục lên đường. Từ đây lên tới trạm thứ tám (ở cao độ 3,350m), chúng tôi phải leo một độ cao 600m đường dốc ngược. Sau hơn hai giờ rưỡi đồng hồ chúng tôi cũng tới được trạm thứ tám. Lúc đó, không ai bảo ai, chúng tôi đều bước vội tới “nhà nghỉ chân” mà chúng tôi đã dành sẵn chỗ lúc khởi hành ở trạm thứ năm. Đây là một căn nhà hai gian. Một gian được dùng làm chỗ nghỉ chân, ăn uống cho khách. Ngay chính giữa gian này là một lò than được đào sâu xuống đất vuông vưc mỗi bề độ 1.5m. Khách có thể ngồi sưởi và uống trà xung quanh. Ấm trà được treo vào móc sắt thõng từ trần nhà xuống. Cũng tại đây, người quản lý dùng các thanh sắt nung đỏ đề đóng dấu kỷ niệm vào gậy cho khách trọ. Chúng tôi có mang theo mấy con mực khô và mấy cặp lạp xưởng. Sau mươi phút nghỉ thở cho đỡ mệt, chúng tôi đem mực và lạp xưởng ra nướng để ăn với bánh mì. Mùi thơm bốc lên khiến nhiều khách trọ phải thức giấc. Chúng tôi ăn uông xong xuôi lúc 11 giờ hơn. Người quản lý dẫn chúng tôi sang gian bên cạnh nằm ngủ vài ba giờ đồng hồ để còn kịp dậy leo núi xem mặt trời mọc. Gian này dài gấp ba gian đầu và được trang bị bằng hai dẫy sập gỗ thấp gần sát mặt sàn, tối thui. Người quản lý phải dùng đèn pin xoi lối đi. Khách trọ được xếp nằm sát nhau như cá hộp. Mỗi đứa chúng tôi phải chùi người vào chỗ nằm dành cho mình để được người quản lý phủ mền cho ấm. Mặc dù tôi đã thấm mệt sau hơn năm tiếng đồng hồ leo núi, nhưng không sao chợp mắt được hơn một giờ vì đủ các giọng ngáy vọng từ khắp gian phòng. Khi mở mắt tôi thấy nhức đầu quá nên phải nhỏm dậy xin thuốc. Uống thuốc rồi cũng không thấy đỡ bao nhiêu. Sau mới biết vì ở độ cao trên 3,000m thì không khí loãng, ít dưỡng khí nên dễ bị nhức đầu. Chúng tôi lại không nghĩ đến mục này nên đã quên không mua bình bơm dưỡng khí ở trạm khởi hành. Tôi ngồi ở gian ngoài uống trà và nói truyện với mấy người mà họ cũng không ngủ được. Chừng nửa giờ sau Hiệp và Hào cũng ra theo.

Chúng tôi rời nhà trọ vào lúc hai giờ sáng. Trời tạnh ráo nhưng có sương mù. Chặng còn lại trước khi lên được đến đỉnh núi mới là gay go. Chúng tôi cần phải vượt thêm một độ cao 426m nữa mà lại không có bình bơm dưỡng khí . Từ đây đường dốc ngược hơn những đoạn trước nhiều. Cả ba đứa chúng tôi chưa ai có ý định bỏ cuộc khi nghĩ tới lúc đưộc xem măt trời mọc. Tôi là người lên đến trạm thứ chín vào lúc 3giờ 15phút sáng. Chừng mười phút sau Hiệp là người kế tiếp lên tới. Hiệp cho biết Hào đã xin phép chấm dứt cuộc hành trình sớm vì tim yếu nên bị tức ngực, leo tiếp không nổi. Hiệp và tôi tiếp tục nốt chặng còn lại sau khi đã chụp mấy tấm hình kỷ niệm. Bấy giờ trời đã tờ mờ sáng. Sắp đến lúc mặt trời mọc, nhưng chúng tôi còn phải leo ít ra cũng phải thêm 45 phút mới tới đỉnh núi. Cả hai bình nước của tôi và Hiệp đều cạn khô. Hai đứa lại bị nhức đầu vì lên cao hơn. Chính lúc đó tôi cũng không tin rằng mình chỉ còn cách đích chưa đến một giờ đồng hồ và sắp được xem mặt trời mọc từ đỉnh Phú Sĩ Sơn ! Tôi nhủ thầm rằng khi lên đến đỉnh, tôi sẽ phải ghi lại một dấu vết nào đó để sau này nếu có người Việt Nam, và nhất là bạn Chu Văn An nào đó cũng “dại dột leo tới đỉnh núi Phú Sĩ” như tôi sẽ cảm thấy vui hơn. Ý nghĩ hơi ngộ nghĩnh đó đã khiến tôi quên cả nhức đầu, khát nước và đã leo tới được đỉnh núi vào lúc vừng ô đang ló dạng từ một dải mây hồng. Rất tiếc tôi không phải là văn sĩ nên không thể tả hết được cảnh trí đẹp tuyệt vời này. Chỉ chừng mươi phút sau, một vừng hồng tròn trịa sáng rực rỡ cả vùng đã nhô lên khỏi chân trời phía đông. Tôi quên cả mệt mỏi, đứng lặng người để tận hưởng vẻ đẹp hùng tráng vào thời điểm ấy. Bấy giờ trời đã sáng rõ nên tôi có thể quan sát được cảnh vật xung quanh. Cách chỗ tôi đang đứng, về phía trước mặt là miệng núi lửa thật lớn và sâu thăm thẳm. Tôi chỉ thấy được lờ mờ hình dạng của trạm thiên văn nằm phía bờ bên kia. Mặt đất đây đó vẫn còn tuyết phủ. Tôi bước vội tới một căn nhàmái thấp đang có tuyết tan chảy dọc xuống máng xối. Một vài người khác đang hứng nước uống. Tôi cũng xếp hàng hứng một bi-đông để giải khát. Tỉnh táo hơn, tôi bắt đầu nghĩ tới việc thực hiện “ý tưởng ngộ nghĩnh” đã là động cơ thúc đẩy tôi hoàn tất một cuộc hành trình khá gay go trong đời. Tôi nhặt những hòn đá bằng cỡ quả măng cụt để xếp những chữ “C. V. A. VIETNAM” ở một chỗ gần miệng núi lửa. Sau khi chụp hình lưu niệm, chúng tôi nhập với một đám xuống núi vào buổi sớm mai. Đường đi xuống tương đối dễ dàng. Chúng tôi bắt chước kỹ thuật bước dài theo chữ CHI để giảm bớt độ dốc của mấy người Nhật leo núi rất thông thạo. Sau chưa đầy hai giờ đồng hồ, chúng tôi đã về tới trạm thứ năm. Hào đã chờ sẵn ở đó.

Bây giờ ngồi viết về cuộc leo núi Phú Sĩ, tôi vẫn còn nhớ tới cảm giác thích thú khi làm công việc xếp chữ bằng những hòn đá. Tôi mong rằng những chữ thân thương tôi để lại trên đỉnh Phú Sĩ Sơn nói lên phần nào tình cảm thiêng liêng mà tôi luôn luôn dành cho đất nước tôi và trường Chu Văn An nơi tôi có những kỷ niệm không bao giờ phai nhòa của tuổi học trò.

San Jose, California ngày 5 tháng năm, 1997

CVA Phạm Phúc Hưng

* * *

TÙY BÚT CỦA MỘT CỰU HỌC SINH CVA

CVA Phạm Nguyên Khôi 65-68

Bốn năm trung học đệ nhất cấp, tôi học ở trường Trần Lục, Tân Định. Tất cả các học sinh Trần Lục sau khi thi đậu Trung học đệ nhất cấp được chuyển qua trường Chu Văn An. Tôi học Chu Văn An ba năm đệ tam B2, đệ nhị B2 và đệ nhất B2 từ năm 65 đến năm 68 và tôi rất hãnh diện được học trường này. Trong lớp chúng tôi ngoại trừ vài anh bạn ở các trường khác chuyển qua, hầu hết là học sinh cũ của trường Trần Lục.

Thời chúng tôi, trường CVA tọa lạc trên đường Triệu Đà, Chợ Lớn, kế bên Đại học xá Minh Mạng. Hiệu trưởng là thầy Dương Minh Kính. Sau này, thầy đắc cử dân biểu. Giáo sư hướng dẫn đệ tam là GS Đỗ Quý Toàn, đệ II là GS Đặng Văn Dư và đệ I là GS Hà Xuân Châu. Chúng tôi đã học qua các thầy Trần Đình Ý, Nguyễn Đức Quang, Đỗ Anh Tài, Nguyễn Phúc, Tôn Thất Lương, Lê Văn Lâm, Đặng Văn Dư, Thẩm Nghĩa Căn, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Công Thanh (thể dục), Vũ Văn Tiên, Lê Mậu Thống, Vũ Ngọc Điềm, Đinh Đức Mậu, Hà Xuân Châu, Đào Văn Dương,....

Các bạn CVA học ở trường mới có lẽ không thế nào quên được cái quán của ông Ba Bí Tất. Quán trông tồi tàn nhưng đồ ăn thì lại rất ngon. Có lẽ với tuổi học trò, đồ ăn nào cũng ngon cả miễn là đừng nấu quá tệ. Vả lại, nếu không ăn uống ở cái quán ông Ba Bí Tất thì ăn đâu bây giờ? Trong trường đâu còn có hàng quán nào khác nữa mà ăn? Tôi thích món bánh cuốn, thời ấy sao ăn mà thấy ngon thế!

Đối diện với trường bên kia đường Triệu Đà có một nhà thờ và một công viên. Mỗi lần được nghỉ 2 giờ đầu, chúng tôi thường lang thang qua bên công viên ngồi chơi để chờ học 2 giờ kế tiếp. Thỉnh thoảng có vài anh nổi hứng ẩu, khi nghe thông báo nghỉ hai giờ đầu, xách động cả lớp nghỉ tiếp 2 giờ cuối. Các anh ấy tuyên bố nếu người nào trở lại học tiếp 2 giờ cuối là phản bội đồng bạn và đe dọa có biện pháp mạnh. Thế là chúng tôi kéo nhau đi coi ciné hoặc đi ăn chè Hiển Khánh. Thường thường có khoảng gần chục anh phản kháng cúp cua hoặc vì nhát gan nên đã ở lại. Các Thầy phụ trách dạy 2 giờ sau thấy học sinh còn lại lèo tèo quá ít nên thường cho về luôn. Chỉ có một số rất ít thầy vẫn tiếp tục giảng dạy.

Chúng tôi học ban toán nên trong những giờ Sử, Địa, Vạn Vật, Việt văn, v.v, thường thường có một vài anh cảm thấy nhàm chán nên hay cúp cua. Cách hay nhất để cúp cua hồi đó là đợi sau khi điểm danh xong, chờ ông thầy quay lưng lúi húi viết trên bảng là các anh chàng thợ lặn cứ việc nhẩy qua cửa sổ ung dung bước ra ngoài. Biến mất một vài học sinh, ông thầy cũng không để ý hoặc chẳng biết.

Chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm với Thầy Ý. Khi đi dạy học, thầy ăn mặc rất trịnh trọng và chỉnh tề. Mặc dầu trời rất nóng bức và oi ả nhưng hầu như lúc nào thầy cũng mặc áo sơ mi trắng, thắt cà vạt, mặc áo vest. Lúc vào trong lớp, thầy mới cởi áo vest ra, khoác lên ghế và bắt đầu giảng bài. Thầy di chuyển bằng chiếc xe đạp hiệu Peugeot. Học sinh thấy Thầy hiền từ nên thường hay chọc ghẹo thầy. Có lần một anh học trò nghịch ngợm khóa cái xe đạp của Thầy lại. Báo hại Thầy hôm đó phải gọi cyclo chở cả người lẫn xe đến tiệm để cắt ổ khóa.

Những thầy cương nghị thì học trò không dám chọc phá. Những thầy quá hiền và dễ dãi thường bị học trò chọc phá luôn luôn. Tuy nhiên khởi động chọc phá các thầy chỉ có một vài anh trong lớp hay thích khuấy động hoặc đùa dai, rồi sau đó các người khác hùa theo. Tuy vậy, chúng tôi cũng thuộc loại hiền nếu so sánh với các học sinh thời nay. Một anh đã học đệ nhị bị thầy bạt tai nổ đom đóm mắt mà không dám phản ứng. Một học sinh đệ nhị khác bị bắt qùy gối giữa sân trường mà vẫn phải thi hành. Nhiều khi chúng tôi bị phạt qùy cả lớp mà vẫn phải tuân phục. Tôi nghĩ trường CVA tương đối có kỷ luật. Các thầy Giám thị ngoài việc đi điểm danh học trò còn phải trông chừng giữ trật tự. Rất ít hoặc hầu như không có những vụ đánh lộn hoặc phá rối xảy ra. Trong trường chúng tôi phải mặc đồng phục, áo trắng quần xanh, đeo bảng hiệu. Có anh mặc áo màu mỡ gà nhạt, hoặc áo màu xanh lạt, hoặc mặc quần xanh đen đã bị thầy giám thị bắt về nhà thay quần hoặc thay áo khác. Ao dài tay không được xắn tay áo lưng chừng. Một là phải gài nút tay áo cẩn thận hoặc là nếu muốn xăn tay áo thì phải xăn tay áo lên trên cùi chỏ.

Sau khi thi Tú tài phần nhất xong, trong lớp chúng tôi có vài anh thi rớt phải rời khỏi trường. Có anh phải vào quân đội hoặc đi cảnh sát. Những người thi đậu lại tiếp tục học tiếp lên lớp đệ nhất. Cũng có anh lấy vợ sớm, đến năm sau trong lúc vẫn còn mài đũng quần ở nhà trường nhưng đã thành cha.

Hồi chúng tôi vừa thi xong TT I năm 67, trong lớp tôi có anh Trần Ngọc Phú người nhỏ nhắn, tính tình rất hiền lành. Tuy nhiên, với tuổi đời mới 17, anh đã tình nguyện vào khóa 27 trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Mấy tháng sau, nhân dịp về phép, anh ta đã trở lại trường CVA thăm bạn bè cũ. Có vài anh bạn học khác như Đoàn Phan Trí, Trần Quốc Việt, Mai Thanh Tùng cũng đã tình nguyện vào cùng khóa 27 trường Sĩ Quan Thủ Đức. Tôi quen thân với anh Đoàn Phan Trí. Sau khi ra trường, anh Trí về đơn vị Nghĩa Quân, nắm trung đội trưởng. Một người bạn khác của tôi tên là Trần Hữu Thọ đi thăm, về kể lại đại khái rằng “Thằng Trí bé luắt chuắt, mặt non choẹt (lúc đó anh ta mới 18 tuổi), ra đứng điểm danh trung đội trông thật tức cười..”. Một thời gian ngắn sau khi ra trường, anh Trí vướng phải lựu đạn VC gài, bị thương nặng. Chúng tôi có tới thăm anh Trí, thấy có một khúc ruột lòi ra ngoài, khắp mình mẩy tay chân đều bị băng bó. Một thời gian sau khi xuất viện, anh Trí được giải ngũ loại 2, chân thành tật phải đi khập khiễng. Lúc có phong trào thương phế binh cắm dùi, anh Trí có cắm dùi được một miếng đất ở ngoài đường lộ, gần bờ biển thị xã Vũng Tàu. Sau đó anh ta xây nhà và mở tiệm bán nước ngọt. Chúng tôi có tới thăm và anh ấy tiếp đãi rất nồng hậu. Còn anh Phú nghe nói sau khi ra trường qua binh chủng Nhảy Dù, và ít lâu sau đã giải ngũ trước năm 75. Anh Nguyễn Gia Quang về sau cũng đi Nhảy Dù và đã tử trận.

Sau nhiều năm, một số bạn đã quên những người bạn học cũ của mình nhưng trong lớp có 1 người rất là đặc biệt mà nói đến tên thì tất cả mọi người trong lớp không ai mà không biết. Đó là anh Trần Trung Chính, tự Chính Mập, có 1 lục cá nguyệt anh ta làm trưởng lớp. Anh ta có thời nghe nói nặng tới 100 kg. Anh Chính Mập học giỏi và có 1 trí nhớ vô song mà tất cả chúng tôi đều thán phục sát đất. Mỗi lần quên điều gì trong thời gian đi học là chúng tôi cứ hỏi anh Chính là có câu trả lời ngay. Sau khi rời trường CVA, anh đậu kỳ thi tuyển vào Đại Học Nông Lâm Súc và cuối cùng lên chức trưởng ty. Cũng xin nhắc tới anh Nguyễn Mạnh Hùng là người học xuất sắc đứng đầu lớp, sau đó là Nguyễn Văn Sở (em nhà báo Cao Sơn ở San Jose). Người giỏi môn toán là Đỗ Đại Trí.

Thời trung học, người bạn thân nhất với tôi là anh Lê Thanh Bình, sau đó là Trần Hữu Thọ và tiếp theo là Trần Huy Khang, Nguyễn Ngọc Trân, Đào Tiến Tư,…Tất cả những người bạn này đều là những bạn học từ lớp đệ thất. Anh Lê Thanh Bình về sau được đi du học bên Đức và hiện đang định cư ở thành phố Bremen. Mỗi lần qua Mỹ, anh đều ghé thăm và ở nhà với chúng tôi. Một anh bạn khác cũng khá thân là Ngô Đức Thịnh, học chung lớp với tôi bên Trần Lục nhưng khi qua CVA thì lại qua lớp khác (B1).

Sau khi thi Tú Tài II xong, một số anh xuất sắc được xuất cảnh du học, trong đó có các anh Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Lê Tiến, Đào mạnh Dần, Lê Thanh Bình, Bùi Tường Hùng, v.v. Một số khác vào quân đội, số còn lại tiếp tục việc học trên Đại học. Kỹ thuật Phú Thọ có các anh Lê Nguyên Thông, Lê Đình Hân, Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Mậu Phụng, Nguyễn Việt Hưng. Đại Học Y Khoa có các anh Nghiêm Xuân Hùng, Nguyễn Mạnh Đạt, Nguyễn Đức Tuệ, Vũ Quang Huân, Phạm Gia Hiệp (nghe nói đã mất). Anh Nguyễn Mạnh Đạt, chuyên khoa về nội thương, hiện đang hành nghề ở Orange County. Anh Nguyễn Đức Tuệ đang hành nghề BS ở Houston, anh Nghiêm Xuân Hùng hiện đang hành nghề Bác sĩ Y Khoa ở Oklahoma City và cũng là anh cột chèo với người em trai của tôi. Anh Nguyễn Lê Tiến tốt nghiệp tiến sĩ điện bên Đức, là em trai GS Nguyễn Đoàn Phi. Sau này, anh Tiến lập gia đình với ca sĩ Ái Vân. Hai người có 1 cô con gái rất dễ thương. Anh Tiến hiện đang là hội phó hội CVA Bắc Cali, hiện đang định cư ở thành phố Cupertino, California. Ban Chấp Hành hội cũng đã có lần họp tại nhà anh Tiến.

Đa số những anh sau khi thi TT II xong, vào quân đội năm 68 là những anh sinh năm 1948. Lúc đó có lệnh đôn quân nên các anh ấy đã quá tuổi hạn định vào Đại Học. Trong nhóm đó có một anh bạn thân, học giỏi tên là Bùi Phạm Thành. Anh đã tình nguyện vào trường Sĩ Quan Võ Bị Đà Lạt khóa 25 trong dịp này. Anh Thành sau khi ra trường về đơn vị trinh sát của một sư đoàn và cuối cùng anh trúng vào kỳ thi tuyển của quân đội vào học ngành Công Chánh của Đại học Phú Thọ. Dự trù sau khi tốt nghiệp, anh sẽ qua ngành Công Binh. Sau này anh Thành lập gia đình với em gái anh Nguyễn Mạnh Đạt, và hiện giờ anh định cư ở nam California. Nhiều anh khác sau này cũng vào lính như Vũ Nguyên Chước, Nguyễn Vĩnh Trinh, Nguyễn Tất Tiến, v.v. Đặc biệt có anh Nguyễn Văn Nhân tình nguyện vào Không Quân ngay sau tết Mậu Thân khi nhà anh bị trúng hỏa tiễn trong cuộc tổng công kích của VC. Vài tháng sau anh ta xin phép dự thi TT II, mặc dù không học hành trong mấy tháng nhưng anh vẫn thi đậu hạng bình thứ.

Riêng cá nhân tôi, năm 69 tôi bị động viên vào khóa 5/69 Thủ Đức. Lúc trình diện, thấy Hải quân đang tuyển mộ những ai có TT II ban B nên tôi nạp đơn xin qua. Sau này tôi học thêm 6 tháng Hải Nghiệp tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang. Đơn vị đầu tiên của tôi là Giang Đoàn 70 Thủy Bộ. Trong đơn vị có nhiều Sĩ Quan cũng là dân CVA thí dụ như Chỉ Huy Trưởng Giang đoàn là Thiếu tá Nguyễn Như Phú (CVA59). Chỉ Huy Phó Liên Giang Đoàn đại úy Nguyễn An Cường (CVA59), hiện đang định cư ở San Jose và hiện nay là một hội viên CVA. Tôi kính nể đại úy Cường vì tính cương trực và quả cảm của ông. Sau này Đ/U Cường được thăng cấp Thiếu Tá.

Năm 69 cũng là năm mà rất nhiều các bạn học của tôi vào quân đội. Một người bạn thân tên Trần Hữu Thọ tình nguyện qua Hải Quân, tốt nghiệp khóa 4 OCS bên Mỹ. Ra trường, anh ta về Hải Đội 5 Duyên Phòng (Hải Đội Duyên Phòng là một hải đội dùng những chiếc tàu nhỏ, chạy rất nhanh gọi là PCF để tuần tiểu cận duyên). Căn cứ của hải đội đóng ở Năm Căn, đó là một vùng rất nguy hiểm, căn cứ bị pháo kích thường xuyên. Khi tàu đi từ căn cứ ra ngoài bờ biển thường bị VC bắn sẻ và tấn công liên miên. Trong một chuyến công tác ở Năm Căn, tôi có gặp anh Thọ. Anh ta mời tôi đi uống cà phê ở một câu lạc bộ trong căn cứ. Rất may sau khi tàn cuộc chiến, anh Thọ vẫn còn sống sót và di tản qua Mỹ năm 75. Anh Đặng Kim Chi có tên trong danh sách du học nhưng cuối cùng chương trình du học bị bãi bỏ nên anh ta cũng vào khóa 6 OCS Hải Quân

Hồi tôi còn ở đơn vị Giang Đoàn 70 Thủy Bộ, Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng đơn vị có chỉ định tôi đưa xác một thủy thủ bị tử trận về Sài Gòn. Trong lúc quan tài anh thủy thủ còn đang quàn tại Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp, tình cờ đi ngang qua một nấm mộ, tôi thấy di ảnh của một khuôn mặt quen quen. Nhìn kỹ lại mới biết đó là anh Lao Quốc Cường, một bạn học cũ cùng lớp ở CVA. Anh Cường nhà ở Hóc Môn, người rất vui tính và cởi mở. Không biết anh vào quân đội hồi nào, thế mà giờ đây ngẫu nhiên tôi gặp lại anh trong một hoàn cảnh trớ trêu: Một người còn đang ở dương thế, người kia đã nằm dưới lòng đất lạnh. Kiếp người thật là vắn số! Tôi biết có nhiều bạn tôi cũng như vậy, đã chễm chệ ngồi trên bàn thờ nhưng riêng tôi số may mắn vì sau 6 năm trong quân ngũ, tôi chỉ bị thương nhẹ trong một chiến dịch hành quân phối hợp với một trung đoàn của sư đoàn 21 để giải tỏa quận Hiếu Lễ đã bị VC chiếm đóng từ nhiều năm trước.

Đơn vị chót của tôi là HQ802. Nhờ đi tàu biển nên năm 75 tôi có phương tiện qua Mỹ. Hiện nay, bạn bè cũ ở CVA phân tán tứ phương. Nhờ gia nhập hội CVA nên tôi có dịp làm quen được một số bạn mới trong đó có anh Vũ Mạnh Phát (CVA59) hiện đang là trưởng ban báo chí của hội CVA bắc Cali và tôi đang là phụ tá cho anh Phát. Mặc dù mới quen nhưng vì hợp tính nhau nên tôi và anh Phát đã sớm trở thành bạn chí thân.

Quý vị đồng môn CVA! Quý vị còn chần chờ gì nữa mà không tích cực gia nhập hội CVA tại địa phương của mình!

CVA Phạm Nguyên Khôi

* * *

CHU VĂN AN TRƯỚC NGÀY RỜI HÀ NỘI

CVA Đặng Khắc Khánh

***

Những ngày tháng vào năm 1954 đem đến cho người dân Hà Nội biết bao nỗi âu sầu, lo lắng. Làm sao không khỏi đau đớn khi phải quyết định cho mình những quyết định đau đớn. Đi là phải xa rời Hà Nội, xa rời quê hương miền Bắc, không biết ngày về. Ở lại còn đau đớn hơn vì phải chấp nhận cuộc sống đầy rủi ro bất trắc một khi bức màn tre buông uống.

Vào những ngày sôi bỏng của đất nước, tôi đang học năm đầu tiên tại Chu văn An. Thân phụ tôi, nhà giáo Đặng văn Biền, cũng mới được Nha Học Chính Bắc Phần thuyên chuyển từ Sơn Tây về Chu văn An được hơn hai năm. Gia đình tôi đầu quân Chu văn An gồm có : CVA Đạng Xuân Hồng, chú tôi, CVA Đặng Đức Kim, anh tôi, và CVA Đặng Duy Nhạc, em tôi.

Chu văn An ngày ấy tọa lạc tại cửa Bắc thay vì tại Bưởi. Trường Bưởi do đơn vị nhảy dù Pháp Việt đồn trú. Trường sở Chu văn An là dẫy lầu ba tầng cổ kính rộng rãi khang trang. Dù là học sinh lớp nhỏ, giờ thực nghiệm cũng được giảng dậy tại giảng đường rộng rãi, giáo sư làm thí nghiệm cho học sinh theo dõi.

Các thầy dạy xuất sắc, tôi còn nhớ một số thầy như thày Bính dạy Toán, thầy Triệu dạy Lý Hóa, thầy Phong dạy Pháp văn, thầy Lê Trung Nhiên dạy Anh văn, thầy Nhiên sau tiến thân rất xa, làm Khoa Trưởng Văn Khoa Sàigòn.

Học trò ngày đó ăn mặc chững chạc. Các thầy luôn mặc đồ lớn. Học cùng lớp tôi nhớ có Lê Nhân Thuần. Ngoài giờ học, học sinh còn được hướng dẫn thăm viếng các sinh họat khác tại Hà Nội như Đài Phát Thanh, gặp gỡ giáo sư Thẩm Oánh, Giám đốc đài.

Một vài sinh hoạt khác tôi còn nhớ kỹ là lúc CVA được vinh dự đứng hàng đầu đón Quốc Trưởng Bảo Đại tại Hồ Hoàn Kiếm nhân buổi duyệt binh của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam vào năm 1954. Quốc trưởng Bảo Đại cao lớn đi trước, theo sau là các tướng Pháp Việt. Một sinh hoạt khác nữa là buổi văn nghệ mừng Xuân phối hợp giữa Chu văn An và Trưng Vương rất xuất sắc tại Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Nhà tôi ở cửa Bắc, rất tiện việc mấy anh em chú cháu đi bộ tới trường học. Sáng ngày ăn sáng thì có gánh hàng rong phở, xôi lạp xường gánh qua tha hồ thưởng thức. Chiều đi học về tà tà đi bộ ra đê Cổ Ngư hóng mát hay ăn bánh tôm, hoặc lại thăm câu lạc bộ ca nô hay tới thăm Chùa Trấn Quốc. Hồ Tây rộng mênh mông không thấy bờ bên kia.

Hà Nội ngày đó rất sạch sẽ thanh lịch. Một kỷ niệm khó quên là ngày xuân đi thăm đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa, gò Đống Đa hay đền Hai Bà Trưng.

Ngày vui của tuổi xuân tại Hà Nội chưa được bao lâu, là xảy đến Hiệp định Genève chia đôi đất nước. Chính quyền Quốc gia dưới sự chèn ép của Pháp và các thế lực quốc tế cũng cố gắng chống trả. Ủy Ban Bảo Vệ Bắc Việt ra đời với các tướng Nguyễn văn Vân, Bác Sĩ Hoàng Cơ Bình, ông Trần Trung Dung, cố gắng kết hợp các người quốc gia yêu nước. Thị Trưởng Đỗ quang Giai ra lệnh quân sự hóa lực lượng cảnh sát. Cảnh sát Hà nội mặc quần áo trận đội nón sắt tuần tiễu nhiều lần trên các xe vận tải cỡ nhỏ, qua các đường phố Hà Nội, đảm bảo an ninh cho mọi người dân Hà Nội. Chúng ta có thể hãnh diện về những người quốc gia chân chính từ cấp lãnh đạo đến cấp thừa hành đã tích cực góp phần bảo vệ quê hương. Than ôi, phần này quá ít!

Ngày sửa soạn di cư vào Nam, bà Ngoại tôi từ vùng Hải Hậu bất ngờ lên thăm. Đúng ra ông ngoại tôi là điền chủ đã bị Cộng Sản bắt làm con tin, trong chiến dịch cải cách ruộng đất của Cộng Sản, buộc bà tôi ra Hà Nội kêu gọi con cháu trở về. Không ai chịu ở lại, bà ngoại xót xa rơi lệ trở về, bà không thể để ông ngoại một mình gánh chịu mọi oan khiên. Chúng tôi đau xót nhìn bà trở về, tự hỏi bà, vốn xuất thân là tiểu thư, con gái cưng quan Tuần Phủ, rồi đây làm sao có thể đương đầu với những đợt sóng đỏ vùi dập sắp đến.

Thế rồi tháng Tám năm 1954, cả gia đình chúng tôi lên máy bay bỏ lại Hà Nội, nhìn Hồ Gươm một lần chót để hướng về miền Nam.

Tại miền Nam, chúng tôi cũng hãnh diện là đều tốt nghiệp Đại Học, đã được trao phó những trách vụ chỉ huy hay chuyên môn, để cũng như các Chu Văn An khác góp phần xây dựng và bảo vệ phần đất Miền Nam tự do . Hy vọng một ngày mai tươi sáng trở lại quê hương để chúng ta có thể đóng góp tích cực hơn cho đất nước thân yêu.

* * *

CƯỚP BIỂN NGỌT NGÀO

CVA Nguyễn Thanh Giản

Chắc hẳn nơi đây xưa kia là một góc rừng thông. Những cây thông thẳng tắp. Cả ngàn năm trước, chúng đã đứng dậy cùng nhau rì rào than thở. Các âm thanh trầm buồn chẳng bao giờ dứt cả bởi vì chàng gió chỉ thích những bản nhạc buồn. Về mùa hè, chúng giang tay chào vẫy nhưng vẫn chẳng dấu nổi cái tâm sự não nùng. Mùa thu thì buồn lắm và mùa đông thì ôi thôi chỉ còn là những cử chỉ run rẩy đáng thương biết bao. Đau buồn thế ấy nhưng cũng chẳng được yên thân. Ngày người Mỹ khám phá ra vùng đất này trong công cuộc chinh phục miền viễn tây của họ, sau khi đã vượt qua rặng núi Sierra đầy băng tuyết với bao kỷ niệm vất vả và chết chóc, họ thấy cái mỏm đất nhô ra biển này trông buồn muôn thuở nhưng cũng đẹp muôn phần. Họ quyết định xây một thành phố ở nơi đây. Những cây thông bị chặt. Củi thông, nhựa thông cháy xèo xèo cung cấp hơi ấm cho những đêm đông bất tận tưởng đã một lần trả hết cái nghiệp của một loài thảo mộc khổ đau. Nhưng không, người ta đã giữ lại một số cây cao và thẳng để làm cảnh cho một khu phố. Một số cây khác được trồng thêm. Thành phố dựng xây xong. Khu phố có một con đường dài và thẳng được đặt tên là Phố Cây Thông. Phố Cây Thông ngày nay tuy ban ngày nhộn nhịp xe cộ, nhưng những đêm buồn và lạnh, những ngọn đèn vàng soi trên những vũng nước với bóng những cành cây run rẩy vẫn giữ trong lòng phố cái tâm sự rì rào kể lể của cả ngàn năm về trước.

Thiếu tá An đóng bớt cửa sổ lại vì hơi sương lạnh đã lùa vào tận trong nhà. Căn nhà ở Phố Cây Thông chàng đã ở được 6 năm. Nhớ ngày mới tới cũng khá chật chội vì gia đình chàng gồm tới 8 người. Thế mà nay chỉ còn một mình chàng lủi thủi trong căn nhà đã trở thành quá rộng. Những đứa con trai đã vào đại học và ở luôn trong trường Đứa con gái đã lấy chồng và dọn đi tiểu bang khác. Từ ngày Mộng Hoa đã bỏ chàng đi nốt thì chàng bị một cái bệnh là không bao giờ có thể ngủ được một giấc từ tối tới sáng. Đêm nào cũng thức giấc tới hai, ba tiếng đồng hồ. Sau đó có khi ngủ lại được, có khi trời đã gần sáng với tiếng động cơ xe nổ rầm rầm, chàng dậy sửa soạn đi làm, người khá mỏi mệt với số tuổi gần 50 chĩu nặng trên vai. Nhiều đêm thức giấc không biết làm gì, nỗi cô đơn vò xé, chàng đã để tâm sự mình trên trang giấy bằng những vần thơ thật buồn :

Nửa đêm phố vắng đèn vàng

Tạnh mưa tỉnh giấc bàng hoàng chiêm bao

Đông tàn còn lạnh trăng sao

Cành cây không lá dâng cao dáng gầy

Tiếng xưa còn vẳng bên tai

Lời kinh đêm vắng ru hoài hồn hoang

Nhớ xưa trăng ở thiên đàng

Một đêm trăng vỡ mảnh tan lưng trời

Anh vàng thôi đã rụng rơi

Rừng xưa bến cũ nước suôi phương nào ?

Có lần Quang, bạn chàng, tới chơi đọc được bài thơ này, anh ta kinh ngạc nói với chàng : - Bạn làm thơ “độc” quá. Nó sẽ vận vào người. Coi chừng bạn sẽ chết tan xác bằng môt tai nạn xe cộ đấy. Vì hai câu thơ của bạn :

“Nhớ xưa trăng ở thiên đàng

Một đêm trăng vỡ mảnh tan lưng trời.”

Làm tôi nhớ tới hai câu thơ của Vương Bột trong bài Đằng Vương Các Tự :

“ Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc

“ Lạc hà dữ cô lộ tề phi.

Với hai câu thơ này, người ta đã đoán là Vương Bột sẽ chết đuối, vì cái tinh hoa phát tiết ra bằng hai câu tuyệt vời còn truyền tụng tới ngày nay sau hơn 1000 năm lúc Vương Bột mới 15 tuổi. Quả nhiên mấy năm sau Vương Bột đi thăm cha làm thái thú ở đất Lĩnh Nam, đã bị đắm thuyền và chết giữa một buổi chiều thu nước biếc.

Nghe bạn nói An chỉ gật gù cho qua, chẳng quan tâm gì. Vì chàng cho rằng nếu đấy là định mệnh thì chàng sẵn sàng chấp nhận, chẳng kêu ca gì.

Hai người bạn này đã chơi thân với nhau từ lâu nên Quang hiểu rõ hoàn cảnh của An. Thỉnh thoảng buổi tối Quang tới chơi và hai người nói chuyện với nhau tới khuya. An pha xong một ấm trà thật đặc còn bốc khói. Quang nói chậm rãi : - Mấy hôm trước mình đọc được một bài báo của một ông bác sĩ tâm lý người Việt Nam. Ông ta nghiên cứu các gia đình người Việt tỵ nạn và ngạc nhiên thấy tỉ số các gia đình tan vỡ cao hơn cả tỉ số ly dị của Mỹ. Riêng trường hợp các cựu sĩ quan không quân VN, tỉ số này lên tới 85%. Thật là kinh khủng. Bài báo còn đưa ra một định luật cũng của ông bác sĩ đó. Mặc dầu ông ta đã rào đón đó là một định luật khoa học nhân văn, không phải định luật toán học nhưng xem ra cũng khá chính xác. Định luật cho rằng 99% những vụ ly dị xẩy ra ở VN đều do lỗi ở người chồng, còn ở Mỹ 99% những vụ ly dị đều do lỗi của người vợ. Nhưng ở VN số ly dị rất ít. Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Vì xã hội VN ít dung túng cho những vấn đề như vậy. Nền tảng gia đình đặt trên hạnh phúc của con cái. Một khi gia đình tan vỡ thì con cái lãnh đủ trước hơn ai hết. Trái lại ở Mỹ, người ta sống theo cá nhân chủ nghĩa hoàn toàn và cái chủ nghĩa cá nhân này người Việt học được một cách hết sức nhanh chóng. Bài báo còn nghiên cứu cả về tâm lý của các cặp vợ chồng. Theo đó thì tâm lý người vợ và người chồng khác nhau hoàn toàn. Một khi người chồng có những liên hệ bất chính ngoài hôn nhân, anh ta cảm thấy có một mặc cảm tội lỗi rất lớn đối với vợ mình. Anh ta trở về xun xoe lấy điểm, săn sóc vợ nhiều hơn, làm như để đền bù những thiệt thòi của nàng. Dù có mệt mỏi cách mấy, anh ta cũng cố gắng “trả bài” một cách đầy đủ và bổn phận gia đình ít khi bị xao lãng. Không ai tính chuyện bỏ vợ để đi theo cái liên hệ bất chính đó cả. Trái lại khi người đàn bà đã có hình bóng một người đàn ông khác trong đầu thì nàng sẽ cư xử một cách khác hẳn. Nàng sẽ khinh khi ruồng rẫy người chồng một cách thẳng tay, nhất là nếu người chồng đã mất địa vị, không kiếm được nhiều tiền thì cái “tai nạn” mà chàng gặp phải sẽ lớn lao vô cùng.

Quang nói chuyện miên man, có vẻ thích thú về bài báo mới đọc được. An rất sung sướng có một người bạn thân lâu lâu buổi tối lại tới uống trà nói chuyện với chàng tới khuya. Hai người tâm sự với nhau chẳng thiếu điều gì . Tâm sự của An, Quang hiểu rõ nên những vần thơ của An, Quang là người cảm nhận được nhiều hơn cả. Tối nay Quang nhắc lại những nỗi khổ đau của dân tộc VN nên đến khuya khi Quang đã về, An còn thức tới mấy tiếng đồng hồ nữa không sao ngủ được. Chàng nhớ lại những hình ảnh khổ đau chàng đã được chứng kiến suốt mấy chục năm qua diễn biến lần lượt như trên một màn ảnh trong đó chính chàng cũng là một diễn viên lâu lâu xuất hiện trong những vai bi thảm. Những thảm kịch của chiến tranh thì nói sao cho hết : những cổ thành bị tàn phá, di tích còn lại chỉ là những đống gạch vụn, những bức tường cháy xém chưa đổ hẳn vẫn đứng trơ trơ như những bóng ma lập lòe trong đêm. Những tiếng than khóc, tiếng nguyện cầu rì rào trong đêm vắng, những đứa trẻ năm, ba tuổi mất hết mẹ cha, trần truồng mếu máo, vừa khóc vừa quờ quạng chạy ra khỏi vùng lửa đạn. Ở những vùng quê, nỗi bất hạnh cũng không kém phần trầm trọng : những xác chết rải rác trên những cánh đồng chẳng có ai chôn, làm mồi cho những loài thú ăn thịt. Cánh đồng xưa nay trù phú, trĩu nặng hạt lúa thơm bông, nay xơ xác điêu tàn. Người ta đói quá phải ăn cả lá cây. Thỉnh thoảng An còn thấy những đứa trẻ mũi rãi chảy ròng ròng, ruồi bâu không muốn đuổi, còn đang dùng những chiếc muỗng gẫy cố gắng cạo ra một vài hạt cơm còn dính ở đáy nồi. Rồi thì những cảnh vượt biển với những nạn hải tặc hãi hùng mà chính An là một nạn nhân đáng thương nhất.

Mấy tháng trước đây An gặp lại một người đệ tử cũ : Binh nhì Wòng A Mìn. A Mìn đổi tên sang tiếng Việt cho dễ đọc, một cái tên thật hay : Hoàng Khải Minh. Binh nhì Hoàng Khải Minh tới trình diện thiếu tá An, quyền trung đoàn trưởng, một cách khác thường. Hắn được một sĩ quan hầu cận của ông tướng vùng đưa tới với lời rỉ tai nhẹ nhàng rằng tướng vùng muốn Hoàng Khải Minh “làm việc” tại hậu cứ của trung đoàn ở Sai-gòn, không phải đi hành quân. An biết ngay Minh sẽ là một thứ lính kiểng chỉ có tên trong quân đội thôi, nào có làm được việc gì, nhưng vì hắn có gốc lớn quá nên An cũng đành chịu chớ biết làm sao được. Được cái Minh cũng biết điều. Đối với An, hắn rất kính trọng, không bao giờ dám qua mặt. Suốt hơn hai năm “quân vụ” thuộc trung đoàn của chàng, Minh tỏ ra rất khéo léo, thỉnh thoảng tới thăm An ở bộ chỉ huy trung đoàn với những quà cáp dành cho những sĩ quan tham mưu. Ở Sai-gòn, Minh cũng thường tới nhà An, giúp đỡ hết việc nọ việc kia khiến vợ An rất hài lòng. Mộng Hoa thường nhờ Minh chở đi mua sắm, đi lễ nhà thờ, thỉnh thoảng đi nghe những buổi trình diễn ca nhạc buổi tối. Mộng Hoa coi Minh như đứa em út trong gia đình, rất quý mến Minh. Có lần bắt mạch biết được Mộng Hoa thích đi du lịch, Minh đề nghị tặng nàng một vé du lịch Hồng Kông, Thái Lan, Singapore khiến Mộng Hoa vô cùng sung sướng. An có vẻ không hài lòng nhưng chiều vợ chàng cũng bỏ qua. Sau này An được biết rằng Minh là con một nhà tài phiệt người Hoa rất giàu có ở Chợ Lớn. Ngoài cơ sở xuất nhập cảng, ông ta còn có một khách sạn, vừa là một nhà hàng rất lớn ở ngay đường Đồng Khánh. Các chính trị gia, các nhà lãnh đạo hành chánh, tư pháp, các cấp chỉ huy cao cấp trong quân đội lâu lâu tới nhà hàng hưởng thú “nhất dạ đế vương”. An biết điều đó và chàng rất buồn cho rằng miền Nam sớm muộn gì cũng sụp đổ, nhưng chàng không biết phải làm gì. Nếu tính sổ những sự giúp đỡ của Mỹ cho miền Nam so với những sự giúp đỡ của Nga Sô và Trung Cộng cho miền Bắc thì miền Nam được giúp đỡ nhiều hơn. Tổng cộng Mỹ đã chi tới 150 tỉ đô la. Nhưng chính phủ miền Nam lẽ ra phải có chánh sách thâu được một phần những chi phí của Mỹ để dùng ngoại tệ đó xây dựng nền kinh tế quốc gia giống như tổng thống Nam Triều Tiên Phác Chánh Hy đã làm ; nhưng họ đã bỏ ngỏ vấn đề này, do đó tiền đô la hầu hết đã chạy vào túi các nhà tài phiệt ở Chợ Lớn. Những nhà tài phiệt này thấy miền Nam bất ổn về vấn đề chính trị nên đem tiền đi đầu tư ở ngoại quốc, do đó kinh tế miền Nam cứ một ngày một lụn bại cho đến khi miền Nam sụp đổ hoàn toàn. Trước ngày miền Nam xụp đổ, gia đình Hoàng Khải Minh ung dung thuê hẳn một chiếc máy bay riêng bay sang Singapore. Sau đó họ sang Mỹ và được chấp nhận như những người Việt tị nạn.

Gặp lại Minh, An mừng rỡ vì Minh vẫn vồn vã và kính trọng chàng như xưa. Hắn nói :

-Trước ngày 30-4, chị Mộng Hoa có nhờ em đưa chị và các cháu đi trước. Anh An còn vất vả ở ngoài mặt trận, sẽ về và đi sau. Nhưng em không liên lạc được với anh nên không biết ý kiến của anh ra sao. Không ngờ anh em mình phải xa nhau tới hơn 10 năm mới gặp lại.

Minh đề nghị An làm việc trong một siêu thị ở San José do hắn làm chủ nhưng An từ chối vì An đã xin được một chân làm kế toán cho một tiệm sản xuất bánh mì của người Pháp, tiệm La Petite Boulangerie. Chủ nhân thấy An nói thông thạo tiếng Pháp nên thâu nhận chàng một cách dễ dàng. Minh đến thăm An luôn và hắn tìm được cả địa chỉ của Mộng Hoa. Gặp lại Minh, Mộng Hoa cũng rất mừng vì Minh vẫn tỏ ra là một đứa em dễ bảo, vẫn sốt sắng giúp đỡ nàng mỗi khi nàng có việc gì phải nhờ tới hắn. Một buổi tối kia, Minh nói với An :

- Chị Mộng Hoa hiện sống với một ông Mỹ tên là Helmut Deich. Em có gặp ông ta nhiều lần, cũng là một người lịch thịêp. Nhưng ông ta không chịu làm hôn thú.Em thấy những người đàn bà VN lấy chồng Mỹ cũng hơi khó xây dựng hạnh phúc vì những sự khác biệt về văn hóa. Ngoài những lúc gần gũi về xác thịt, họ không biết nói chuyện gì với nhau. Người chồng Mỹ đi làm về, họ lấy một lon bia ra rồi ngồi dán mắt vào TV để theo dõi một trận đấu Football suốt mấy tiếng đồng hồ. Giải trí của họ là chơi Poker, đánh Golf, chơi Bowling hoặc tham dự những chương trình ca nhạc đinh tai nhức óc. Thỉnh thoảng có đi du lịch với vợ thì họ bắt vợ phải chia đôi tiền chi phí. Có ông còn bắt vợ phải chia đôi cả các chi phí trong gia đình. Những buổi tiếp tân với bạn bè, họ bàn luận cả mấy tiếng đồng hồ về những trận Bóng Chầy, về những trận Boxing, về những tài tử khôi hài, về những Talk-show mà người vợ chẳng hiểu gì cả. Chị Mộng Hoa có vẻ ít nói hơn hồi xưa. Tuy nhiên chị ấy cũng tâm sự với em rằng từ hồi nhỏ chị ấy vẫn mơ ước được lấy chồng ngoại quốc. Hồi còn là một nữ sinh trường Pháp có một ông giáo trẻ người Pháp thấy chị xinh đẹp nên có đề nghị chị ấy nếu đi chơi với ông ta thì ông sẽ đưa về Pháp. Chị ấy đã định xiêu lòng nhưng lúc ấy còn nhiều vấn đề lắm : nào là vấn đề gia đình, cha mẹ anh em, vấn đề anh An lúc đó mới quen và yêu chị chân thành. Còn người Pháp kia chắc gì đã yêu thương chị hay hắn chỉ muốn thỏa mãn những đòi hỏi nhất thời khi hắn xa gia đình. Do đó cuối cùng chị đã từ chối. Tuy vậy chị vẫn cảm thấy ấm ức trong lòng. Giấc mộng thời xưa chưa thực hiện được. Cho đến khi sang Mỹ thì chị ấy thấy người Mỹ còn đẹp trai và phong nhã hơn người Pháp nhiều. Những ẩn ức trong lòng sống dậy một cách mãnh liệt. Chỉ tiếc rằng chị đã hơi lớn tuổi rồi. Tuy nhiên người Mỹ không có vấn đề kỳ thị tuổi tác. Anh An lại cứ giữ thói quen như ở VN. Anh ấy cứ làm như một ông tướng trong gia đình, chẳng coi vợ ra cái gì cả. Do đó chị đã cho là sai lầm khi nhận lời lấy anh. Dù đã có nhiều con nhưng chị ấy cho rằng chúng đã khá lớn nên không bị ảnh hưởng nhiều về vấn đề ly dị. Do đó chị đã có quyết định dứt khoát. Dư luận có chê trách thì họ sẽ đổ lỗi cho anh An nhiều hơn. Vả lại chị bất cần dư luận.

An nói : - Chị của em là một người thẳng thắn rất đáng quý. Anh vẫn yêu mến chị ấy như thường. Bởi vì anh nhìn bất cứ người nào thường chỉ thấy những điểm tốt của họ mà thôi. Bởi vì anh đã chia sẻ với chị ấy biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống. Có lúc thật sung sướng. Cũng có lúc thật là gay go. Nhưng hai đứa vẫn an ủi được nhau, không bao giờ đổ lỗi cho nhau cả. Những mối tình bắt đầu từ hồi cắp sách thật là đẹp vô cùng.

Ngày anh đi học tập cải tạo gần 7 năm, chị ấy vẫn lặn lội thăm nuôi anh ở khắp các nhà tù, xứng đáng là người vợ đảm đang và chung thủy, trong khi không thiếu gì những người đàn bà khác đã rơi vào tay bọn cán bộ để tìm sự che chở nơi những kẻ chiến thắng. Em biết không ? Thời thượng cổ, người ta đánh nhau thường vì lý do tranh đoạt đàn bà. Những bộ lạc thất trận thường mất vợ con vào tay những kẻ chiến thắng. Sau này nhân loại văn minh hơn, người ta gây chiến tranh vì nhiều lý do khác, nhưng cái tính chất chiếm đoạt đàn bà vẫn tiềm ẩn đàng sau những cuộc chiến. Lấy một ví dụ trong trận đại chiến vừa qua, Nhật Bản đã bại trận. Cả nước Nhật lâm vào cảnh tuyệt vọng, đổ nát, đói khát. Các sĩ quan Nhật xưa kia kiêu dũng biết bao, nay phải học một bài học nhẫn nhục hết sức đáng thương. Còn những người đàn bà Nhật, họ cũng biết rằng khó tránh khỏi việc phải phục vụ những kẻ chiến thắng. Một số đông phụ nữ đã kết hôn với những quân nhân Mỹ. Chính phủ Nhật rất khôn khéo, đã lợi dụng ngay vấn đề này để thu góp tiền đô la của lính Mỹ rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế quốc gia. Lợi dụng chiến tranh Triều Tiên vào năm 1950, số quân nhân Mỹ đóng ở Nhật rất đông và được góp sức của những người đàn bà đầy lòng yêu nước, chánh phủ Nhật đã thâu được 2 tỷ đô la là số vốn đầu tiên của họ. Chỉ với 2 tỷ đô la đó, họ đã phát triển kinh tế một cách nhanh chóng lạ lùng và chỉ 20 năm sau, họ đã đánh bại cả Mỹ quốc trong trận chiến tranh thương mại. Thật là đáng phục.

An ngừng lại. Chàng cho thêm trà và đổ thêm nước sôi vào cái ấm nhỏ. Sẵn đà tâm sự, An kể tiếp : - Em biết không ? Con tàu của anh ra khơi với gần 200 người. Ông thuyền trưởng không có một kế hoạch nào đối phó nếu gặp bọn cướp biển thì sao ? Cái khí giới cuối cùng của con người chỉ là quỳ lạy, van xin, khóc lóc. Nhưng cái khí giới đó chẳng bao giờ có hiệu quả gì cả. Bọn cướp hết sức tàn bạo. Chúng la hét quát tháo. Chúng lục lọi khắp nơi. Chúng xâm phạm tiết hạnh phụ nữ một cách công khai. Một cô gái bị chúng lôi ra. Cô ta chống lại chúng chỉ vì phản ứng tự vệ tự nhiên của người trinh nữ. Thế là chúng bắn ngay một phát vào đầu, máu bắn ra tung tóe cả vào những người chung quanh. Chúng quẳng xác người con gái bất hạnh xuống biển. Cả tàu la khóc như ri. Chúng quát tháo bắt phải im lặng rồi lần lượt bắt giữ từng phụ nữ, lôi sang tàu của chúng. Tội nghiệp đứa con gái lớn của anh, mắt đỏ hoe, mặt mày xanh ngắt, bị bọn cướp lôi đi, nó vừa khóc vừa gọi :”Chúa ơi”. Anh không bao giờ quên được hình ảnh đó. Chỉ có chị Mộng Hoa là can đảm. Chị ấy thản nhiên đi theo tên cướp biển sang tàu của chúng, không cầu Chúa, không nói một lời nào. Mấy tiếng đồng hồ sau, khi bọn cướp đã thỏa mãn thú tính, cả một tàu than khóc sụt sùi, chị ấy vẫn thản nhiên. Chị ấy chỉ đề cập tới vấn đề này có một lần duy nhất và tuyên bố vắn tắt :”Mình vẫn mong đi Mỹ từ lâu, và đấy là cái giá phải trả, kể ra cũng không đắt lắm”.

Sang tới Mỹ, đứa con gái như bị khủng hoảng, phải nhờ bác sĩ tâm lý săn sóc một thời gian. May có người dạm hỏi, cũng là người VN có công ăn việc làm vững chắc, có tư cách nên anh đồng ý gả ngay. Hiện nó sống hạnh phúc với chồng ở tiểu bang Colorado. Còn chị Mộng Hoa, chị ấy như trẻ lại, tung tăng như một đứa trẻ con. Chị ấy đi chơi khắp nơi, có rất nhiều bạn bè người Mỹ. Chị ấy thường nấu một nồi thịt kho để bố con anh ăn được một tuần lễ để chị ấy có nhiều thì giờ đi chơi với bạn. Có lần anh rủ chị ấy đi coi triển lãm văn hóa VN, chị ấy từ chối và tuyên bố :”Văn hóa VN thì có gì mà phải triển lãm !” Ngày chị ấy bỏ anh ra đi là ngày anh có thể tiên đoán được. Minh nói với An:

-Bọn cướp biển Thái Lan thật là khốn nạn nhưng anh cứ yên chí. Em đã đi Thái Lan nhiều lần. Chúng hãm hiếp vợ con mình thì mình cũng hãm hiếp vợ con chúng chứ sợ gì. Kỳ này anh sẽ đi với em. An chưa hiểu Minh định nói gì.

*

  • *

Chiếc phi cơ Boeing 747 đáp xuống phi trường Bangkok vào một chiều mùa hè. Một chiếc xe hơi sang trọng với tài xế chờ đón hai người ngay tại phi trường. Minh nói bằng tiếng Quảng Đông với người tài xế. Chiếc xe đưa An và Minh về một căn nhà nhỏ nhưng sang trọng ở một khu phố vắng. Căn nhà là do cha mẹ của Minh dành sẵn cho hai người. Ông ta là chủ nhân một công ty thương mại liên quốc gia có các cơ sở làm ăn ở khắp các thủ đô Đông Nam Á. Nhà có hai phòng ngủ cạnh nhau, một phòng khách và một phòng ăn bầy biện đẹp mắt. Đêm hôm đó An ngủ một mình trong căn phòng có máy điều hòa không khí chạy nhè nhẹ. Minh ở phòng bên cạnh. Hai người trù tính sẽ ở Thái Lan một tháng. Ngày hôm sau Minh sai tài xế đưa An đi coi những danh lam thắng cảnh của thủ đô Bangkok. An rất thích thú. Chàng bỏ ra hai ngày nữa để đi thăm hết các di tích lịch sữ và văn hóa của dân tộc Thái, rồi sẽ thăm các tỉnh khác và các vùng quê. Minh vắng mặt trong hai ngày này. Tối ngày thứ ba về nhà. An thấy Minh dẫn về nhà hai người con gái rất trẻ, chỉ độ 18, 19 tuổi. Minh giới thiệu : - Đây là Siêng Chang, nhà em. Tụi này mới làm đám cưới tối hôm qua ! Còn đây là Siêng Mai, chị của nàng. Nếu anh không chê là xấu xí thì Siêng Mai sẽ là người bạn, người vợ, người hướng dẫn của anh trong suốt thời gian anh ở Thái. Siêng Mai nói khá tiếng Việt vì nàng sinh trưởng ở miền đông bắc Thái nơi có nhiều người Việt sinh sống. Anh có thể nhờ nàng bất cứ điều gì. Minh nói có vẻ thản nhiên, nhưng hắn dùng chữ người vợ làm An hơi ngạc nhiên và lúng túng. Siêng Mai cúi chào chàng. An nhìn kỹ Siêng Mai, nàng còn quá trẻ. Nàng có nước da đen dòn, mắt sâu và sống mũi dọc dừa thật thẳng. Nàng mặc một chiếc áo ngắn tay, một chiếc váy màu xanh lá cây tươi mát với thắt lưng bằng một dải lụa màu đỏ bó sát làm nổi bật đôi vú tròn trĩnh dưới lớp áo mỏng. Trông nàng có vẻ hơi quê mùa và vụng về để lộ sự ngây thơ trong trắng của người con gái chưa biết thế nào là hương vị của cuộc đời. Bốn người vào trong phòng khách. An thấy Minh đem vào một chai rượu Cointreau. Hắn đi lấy đá rồi đổ rượu vào bốn cái ly. Siêng Mai và Siêng Chang từ chối uống rượu. Minh không ép họ nhưng hắn uống liên miên không biết say là gì. Hắn đưa Siêng Chang vào phòng và chỉ cho Siêng Mai phòng của An, sau đó ra uống thêm rượu, nói chuyện với An. Hai người con gái có vẻ mệt mỏi có lẽ sau một chuyến hành trình dài nên có chỗ nghỉ ngơi tiện nghi là họ nghỉ liền. Minh uống thêm rượu khề khà nói :

Em đã dàn xếp mọi chuyện. Ở Thái Lan này muốn cưới vợ thật là dễ dàng. NgườiThái thật nghèo nàn và họ coi con gái họ như một cái vốn của gia đình. Chỉ cần 400 đô la, anh có thể cưới được một người vợ còn trinh trắng. Có những cơ quan chuyên lo về những dịch vụ môi giới. Chỉ cần cho họ 100 đô la tiền huê hồng là họ lo cho tất cả mọi chuyện. Sau đó nếu anh về Mỹ, người con gái lại trở về sinh sống một trong gia đình như chưa có chuyện gì cả. Tuy nhiên anh phải dậy dỗ Siêng Mai cẩn thận cũng như em đã dậy dỗ Siêng Chang một cách thích thú. Các nàng chẳng biết gì cả đâu. Dân tộc chúng ta đã bị biết bao nhiêu cường quyền dầy xéo. Đây là lúc phải trả thù dân tộc.

Minh cười một cách khả ố. An không nói gì. Minh đang say nên An cũng không muốn nói gì với hắn dù An biết hắn có thù gì đâu mà phải trả. Trả cho dân tọc nào ? Những người dân quê nghèo khổ này đâu có liên hệ gì với những tên cướp biển.

Đến khuya khi An vào phòng thì Siêng Mai đã ngủ. Giấc ngủ trẻ thơ và hồn nhiên. Nàng nằm co quắp như một con tôm. An rón rén tới nằm bên cạnh nàng, nhẹ kéo tấm mền đắp lên người nàng. Chàng không muốn phá giấc ngủ của nàng. Nàng hơi cựa quậy nhưng lại ngủ được ngay. Hơi rượu bốc lên làm chàng cũng có vẻ hơi say và chàng cũng thiếp đi lúc nào không biết.

Sáng hôm sau An rủ Siêng Mai đi xuống phố để mua sắm. Chàng đưa cho nàng một ít tiền để nàng tùy tiện muốn mua gì thì mua. Nàng rất thích thú đi theo chàng vì ở miền quê, lại nhà nghèo nên phải làm lụng vất vả, ít có dịp ra thành phố.

Thành phố Bangkok tuy khá rộng và sạch sẽ nhưng có rất nhiều người ăn xin. Các cửa tiệm ở các khu phố sang trọng bán đầy đủ các đồ đắt giá, các hàng ngoại hóa, nhưng hầu hết chủ nhân các cửa tiệm đó là những người Thái gốc Hoa. Người Thái chánh gốc thì thường tập trung đông đảo ở các khu phố nghèo nàn hơn với các căn nhà lụp xụp, với cống rãnh lênh láng. Ngoài ra một số người Thái buôn thúng bán bưng trên những con thuyền nhỏ chạy trên những sông rạch chằng chịt. Con thuyền vừa là phương tiện di chuyển, vừa là công cụ trao đổi hàng hóa vừa là nhà của họ. Con sông vừa là nguồn nước để nấu cơm ăn, vừa để tắm rửa giặt rũ vừa là chỗ để phóng uế bừa bãi nên vấn đề vệ sinh rất kém. An đưa Siêng Mai ra ngoài thành phố. Không khí thật thoải mái mát dịu. Những cánh đồng bát ngát đang mùa lúa trổ bông. Siêng Mai có cha là nông dân nên cả đời chỉ biết những thửa ruộng quanh nhà. Nàng cho biết tất cả những người nông dân Thái đều là con nợ của những người Hoa, không bao giờ có thể trả hết nợ được dù có làm việc tới mười mấy giờ mỗi ngày. Bởi vì khi lúa còn xanh, người Hoa đã đến đặt cọc sẵn với giá rẻ để đến khi lúa chín thì họ sẽ thu hoạch giùm. Các nhà máy xay lúa đều thuộc chủ nhân người Hoa. Người Thái biết rằng họ bị bóc lột, nhưng vì quá nghèo nàn, lúc nào cũng cần tiền nên phải bán lúa từ lúc còn non, hết mùa này đến mùa khác không bao giờ có được đồng ra đồng vào. Những lúc quá túng quẫn và đau ốm, người dân nhiều khi phải gán vợ đợ con cho những kẻ có tiền để thoát cơn ngặt nghèo. Thật là một thảm cảnh đớn đau. An biết có lẽ Siêng Mai cũng ở trong trường hợp này và chàng thấy một niềm thương cảm dâng lên trong lòng.

Buổi tối chàng đưa Siêng Mai đi ăn ở một tiệm sang trọng ở giữa thành phố Bangkok. Siêng Mai có lẽ lần đầu tiên được đi ăn tiệm với những món ăn thịnh soạn nên rất thich thú. An nhìn vẻ hồn nhiên ăn uống của nàng, cáng cảm thấy thương nàng hơn. Bangkok về đêm cũng rất là nhộn nhịp : đèn điện sáng choang với những hộp đêm, những vũ trường, những ổ điếm nhiều vô số kể. Số những người con gái nghèo khổ phải làm nghề đứng đường cũng thật đông. Nhiều cô hẩm hiu, đứng mấy tiếng đồng hồ không tìm được một “thân chủ “ nào. Kỹ nghệ buôn bán xác thịt cũng được những chủ nhân người Hoa khai thác triệt để và dùng đủ mọi cách để thủ lợi. An đã đọc báo và được biết Thái Lan có tới hơn một triệu người bị bệnh AIDS. Chính phủ và bộ Y Tế cũng đành bó tay, Thực ra những người lãnh đạo chính quyền cũng hoàn toàn nằm trong tay những người Hoa. Bằng thủ đoạn mua chuộc hối lộ bằng tiền, bằng gái, những người Hoa đã hoàn toàn thao túng chính quyền xứ này. Những nhà lãnh đạo không bao giờ nhìn thấy cảnh dân chúng khổ đau, chỉ nghĩ đến chuyện vinh thân phì gia, phè phỡn hưởng thụ nên đành nhắm mắt buông xuôi. Thỉnh thoảng có một nhà lãnh đạo thật sự yêu nước, muốn làm một cuộc cách mạng xã hội thì bị bọn tài phiệt người Hoa mua chuộc các chính trị gia tay sai lật đổ một cách dễ dàng.

Đêm hôm đó An và Siêng Mai về nhà thật trễ. Minh và Siêng Chang đã đi ngủ từ lâu. Siêng Mai cũng khá mỏi mệt nên vừa nằm xuống được một chút nàng đã ngủ được một cách dễ dàng. Chiếc đèn lờ mờ ở đầu giường tỏa ánh sáng êm dịu trong phòng. Tiếng rì rào của chiếc máy lạnh nghe như tiếng gió thoảng nhẹ trên những rặng cây. An chưa buồn ngủ. Chàng pha một ly cà phê rồi ngồi trầm ngâm trên một chiếc ghế gần cửa sổ trông ra vườn cây phía sau nhà. Cảnh vật êm dịu thật nhưng sao lòng chàng cảm thấy một nỗi u hoài. Chàng ôn lại những kỷ niệm từ thời thơ ấu chàng cũng đã từng sống ở một miền quê êm đềm nhưng cũng nghèo nàn không kém gì miền quê xứ Thái. Những người nông dân vẫn là những người thiệt thòi nhất trong xã hội. Chàng mơ ưôc một ngày nào cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật sẽ giúp người nông dân chân lấm tay bùn thoát khỏi những vất vả khổ đau giống như những người làm ruộng ở Mỹ, ở Nhật. Nhưng điều cần nhất là phải loại bỏ được những âm mưu trục lợi trên những khổ đau của những người dân quê ít học và chất phác. Nước Thái Lan có cái may mắn là nằm giữa vùng ảnh hưởng của Pháp ở Đông Dương và của Anh ở Mã Lai, Miến Điện, An Độ. Trong thế kỷ trước, khi thực dân Au châu đi chinh phục các quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ la tinh để nô lệ hóa các dân tộc nhược tiểu, vơ vét các tài nguyên thiên nhiên, Pháp và Anh đã đồng ý dùng Thái Lan làm vùng trái độn để tránh những đụng độ trong cuộc chinh phục. Do đó Thái Lan vẫn giữ được nền độc lập và tự chủ. Thế nhưng thay vì phát huy cái may mắn đó để đưa dân tộc tới chỗ hùng cường, các nhà lãnh đạo quân chủ Thái Lan đã đưa cả dân tộc Thái vào một ách nô lệ một cách tinh vi hơn, tàn nhẫn hơn. Trong suốt mấy thế kỷ, đến tận ngày nay, toàn thể dân chúng Thái chỉ là những tên nô lệ làm việc quần quật để làm giàu cho những chủ nhân thật sự của đất nước Thái, đó là những Hoa kiều. Bọn này chỉ có độ mấy trăm ngàn người nhưng chúng nắm toàn bộ nền kinh tế Thái. Chúng có thể lật đổ bất cứ chính quyền nào, kể cả nhà vua. Nhưng chúng củng cố quyền lực nhà vua một cách vững chắc và dùng vương quyền như một công cụ để thi hành những chính sách có lợi cho chúng. Chúng nguy hiểm hơn những người Do Thái ở Au châu trong những thế kỷ trước vì chúng có hậu thuẫn mạnh mẽ từ chính quốc. Các nước Á châu lại chia rẽ nhau nên biến thành những miếng mồi ngon cho chúng. Chỉ có Nhật Bản và Đại Hàn là thoát khỏi chính sách chinh phục thâm độc của bọn chúng. Không có tên Hoa kiều nào dám tính chuyện sang Nhật hoặc Đại Hàn để làm giàu. Còn các quốc gia khác như Thái Lan, Mã Lai, Miến Điện, Nam Dương, Phi Luật Tân đều là nơi chúng thao túng một cách tự do. Ngay như miền Nam VN trước kia, chỉ có mấy trăm ngàn Hoa kiều ở Chợ Lớn nhưng chúng cũng thao túng hoàn toàn nền kinh tế miền Nam. Chúng lợi dụng cả chiến tranh, cả xương máu người VN để làm giàu. Nhiều tên tới VN chỉ với chiếc nón rách, một quang gánh với những đồ đạc vô giá trị, chân đi đất. Thế mà chỉ mấy năm sau, nhờ đoàn kết, chúng chễm chệ trở thành những ông đại chủ bụng phệ với những kẻ hầu người hạ người bản xứ. Thỉnh thoảng tốc độ làm giàu có chậm lại đôi chút. Chúng cho là sui xẻo. Chúng xả sui bằng cách phá hoại trinh tiết một người con gái.

Mấy tháng trước đây chàng có gặp một nữ sinh viên người Mỹ tên là Carmelia. Nàng Carmelia tươi trẻ đến nhờ chàng giảng nghĩa một vài thành ngữ tiếng Việt hơi khó đối với cô ta. Carmelia học tiếng Việt vì nàng đang làm luận án tiến sĩ nhân chủng học, đề tài nghiên cứu về Việt Nam. Carmelia đi nghiên cứu tại VN nhiều tháng. Khi trở về nàng nói một câu làm An suy nghĩ mãi. Cô ta nói rằng cô tới VN được tiếp đãi rất tử tế làm cô ngạc nhiên. Cô tưởng người VN phải ghét người Mỹ lắm mới phải. Nếu cô là người VN cô cũng sẽ rất ghét người Mỹ. Vì người Mỹ đã tới VN với thuốc khai quang tiêu diệt rừng rú, phá hoại môi sinh trong cuộc chiến tranh tàn hại nhất. Họ đã giết người kể cả đàn bà, con nít một cách dã man như vụ Mỹ Lai. Họ đã ném xuống VN một số bom đạn gấp đôi tổng số bom đạn của tổng số các nước tham gia trong trận thế chiến thứ hai. Thế mà cô không thấy người VN nào có sự thù ghét người Mỹ cả, kể cả những cán bộ Cộng Sản. những quân nhân đã từng chiến đấu gian khổ. Họ còn hết lòng mong muốn người Mỹ trở lại Việt Nam . Nghiên cứu thêm về lịch sử VN, cô được biết rằng người Tàu đã đô hộ VN hơn 1000 năm, bắt người Việt Nam phải làm nô lệ cho họ; nào là phải lặn xuống biển mò ngọc trai, lên rừng kiếm sừng tê giác rất là khổ sở. Ngay cả thời gian gần đây, những Hoa kiều cũng bắt người VN phải làm nô lệ kinh tế cho họ, coi vợ con họ như nhưng đồ chơi của chúng. Thế nhưng không có người VN nào thù ghét hoặc kỳ thị người Tàu cả. Người Pháp cai trị Việt Nam gần 100 năm, bóc lột đến tận xương tủy, đối xử hết sức khắc nghiệt, giết người tàn bạo như thời trung cổ, tìm cách tiêu diệt cả nền văn hóa và đạo lý cổ truyền của VN, thế mà người VN cũng không thù ghét người Pháp.

- Mới đầu tôi tưởng người Việt Nam là một dân tộc rất dễ tha thứ, cô ta nói. Nhưng ở VN lâu và tiếp xúc với nhiều cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại tôi mới thấy là không đúng. Sở dĩ người Việt Nam không thù ghét người Tàu, người Pháp, người Mỹ chỉ vì họ đặt cái “ngã” của họ thấp hơn người Tàu, người Pháp và người Mỹ. Cũng như khi ta đặt cái “ngã” của ta của ta thấp hơn cha ta (hay cấp chỉ huy của ta) thì cha ta có mắng mỏ ta vài câu hoặc đánh đòn ta, ta cũng không bao giờ thù ghét cha ta cả. Nhưng khi ta đặt cái “ngã” của ta cao hơn con ta (hay những người dưới quyền ta) thì khi con ta chỉ hơi xấc láo một chút, có khi chỉ vì vô tình, nhưng ta lại rất dễ nổi giận, có khi cho nó một bạt tai không chừng. Do đó vấn đề cái “ngã” rất quan trọng. Người Việt Nam đã bị thực dân Pháp đánh vào mặt này trong lúc chúng cai trị, tạo nên một mặc cảm Việt Nam, làm cho người Việt Nam bị tự ti mặc cảm. Chính cái mặc cảm này đã làm cho nước Việt Nam không khá được đến tận ngày nay. Muốn xây dựng đất nước, người Việt Nam cần nhất là phải xây dựng văn hóa, phải xóa bỏ cái tự ti đó, phải xiển dương niềm tự hào dân tộcvà phải học kỹ lịch sử oai hùng của tổ tiên. Bởi vì hiện nay người Việt Nam rất dễ tha thứ cho người Tàu, người Pháp, người Mỹ nhưng họ lại rất khó tha thứ cho nhau. Giữa người Việt Nam với nhau nhưng chỉ khác nhau một chút về địa vị, xấu đẹp, giàu nghèo, tôn giáo, chính kiến là họ ăn thua đủ với nhau, ganh ghét nhau hết sức kinh khủng. Họ dùng đủ mọi phương tiện có khi thấp hèn để hạ nhau. Cộng đồng Việt Nam là một cộng đồng rách nát nhất ở nước Mỹ này. Và cái mặc cảm Việt Nam còn đó thì chắc chắn sẽ còn những kẻ âm mưu cướp nước Việt Nam dưới những hình thức tinh vi, không dùng quân sự, mà người Việt Nam không thấy được ; khác hẳn trường hợp nước Nhật Bản. Hình như không có kẻ nào nghĩ đến việc cướp nước Nhật, nô lệ hóa dân tộc Nhật dù dưới các hình thức chính trị, văn hóa, kinh tế, tôn giáo hoặc ý thức hệ vì người dân Nhật được giáo dục rất kỹ về vấn đề này ngay từ khi còn là một học sinh trung học.

Có tiếng lịch kịch ở phòng bên cạnh và ánh đèn chiếu qua khe hở sát mặt đất của bức tường ngăn đôi hai phòng. Có lẽ Minh và Siêng Chang đã thức giấc. An có thể đoán được họ đang làm gì. Minh còn trẻ, chưa lấy vợ chính thức, sức lực dồi dào, tiền bạc dư thừa. Hắn đã đi Thái Lan nhiều lần nên rất rành về các món ăn chơi tại thủ đô tội lỗi này. An cố xua đuổi những hình ảnh diễn ra trong đầu. Trên giường, dưới ánh đèn mờ Siêng Mai vẫn ngủ một cách ngây thơ. Người con gái này chắc chắn cũng phải có những ước mơ về một tình yêu lý tưởng của tuổi thanh xuân. Chàng không thể phá hoại những ước mơ đó được. An nhìn nàng mà cảm thấy xót xa. Tương lai nàng sẽ ra sao ? Chàng cảm thấy một tình thương dâng lên ở trong lòng. Chàng có cơ hội để trở thành một tên cướp biển. Nhưng không thể như vậy được.Dùng cường lực để cưỡng bức những người con gái như bọn cướp biển đã làm thật là tàn bạo. Nhưng dùng tiền bạc hoặc những lời dụ dỗ ngon ngọt để đạt cùng mục tiêu thì cũng chẳng khác là bao. Chàng không thể làm như vậy được. Vì làm như vậy thì chàng cũng chính là một tên cướp biển, một tên cướp biển ngọt ngào. Minh chính là một tên cướp biển ngọt ngào. Số những tên cướp này nhiều vô kể. Chúng rải rác ở khắp các quốc gia Đông Nam Á.

Đêm đã khuya. Ly cà phê chưa cạn. An lên giường đi ngủ. Chàng cố gắng nhẹ nhàng để khỏi phá giấc ngủ của Siêng Mai. Siêng Mai cựa quậy, đầu gục vào ngực chàng như tìm một sự che chở. An cảm thấy như đang ôm đứa con gái út trong lòng với tình cha con nồng ấm và nghiêm nghị. Chàng đã quyết định rồi. Chàng đã từng khổ đau. Chàng không muốn nhìn thấy những khổ đau thêm nữa. Siêng Mai chưa biết ý định của chàng ra sao. Nàng cảm thấy nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ các em dù mới xa nhà chưa tới một tuần . Nàng ngồi dậy, dựa lưng vào chiếc gối ở dầu giường. An hỏi :

- Sao không tiếp tục ngủ đi. Trời mới vào khuya, còn lâu mới sáng. Để anh vặn nhỏ máy lạnh lại cho đỡ lạnh nhé!.

Siêng Mai nói :

- Em cảm thấy nhớ nhà quá. Em nhớ lại lúc ra đi, trước khi theo người Hoa kiều lên chiếc xe hơi màu đen, má em nắm chặt tay em nói trong nước mắt :”Nhà mình nghèo lắm con ạ. Con đi, cố gắng nhé. Dù có gặp hoàn cảnh nào cũng cố gắng nhẫn nhục. Rồi một tháng sau con lại về với mẹ nhé”.

An cảm thấy xúc động. Chàng trở dậy, uống cạn ly cà phê rồi nói với nàng :

- Ngày mai anh sẽ đưa em về nhà.

Siêng Mai ngạc nhiên hỏi :

- Về nhà? Thiệt sao anh? Có trở lại đây nữa không? Sao anh nói sẽ ở đây một tháng mà ?

- Anh đã đổi ý kiến. Em sẽ ở nhà, không bao giờ trở lại đây nữa và cũng không bao giờ phải đi theo chiếc xe hơi màu đen nào nữa!.

Chàng mở tủ áo coi lại xem còn bao nhiêu tiền. Còn khoảng 5000 đô la. Chàng nghĩ rằng nếu Siêng Mai có được 3000 đô la để giúp gia đình trong cảnh túng quẫn, chắc nàng sẽ không phải đi theo một tên cướp biển ngọt ngào nào nữa. Nàng sẽ có một tương lai khá hơn.

Chàng đếm đủ 3000 đô la trao cho Siêng Mai và nói :

- Em cầm số tiền này về giúp má. Hãy cố gắng dè sẻn và dùng tiền như một cái vốn để sinh lợi mới có thể dùng được lâu dài.

Siêng Mai ngạc nhiên hết sức. Chỉ mấy ngày, trước khi ra khỏi nhà nàng tưởng rằng sẽ gặp nhiều nghịch cảnh. Nhưng nay thì người đàn ông này rõ ràng không đối xử tàn bạo với nàng. Mấy ngày đi chơi ở thủ đô Bangkok chàng đã đối xử dịu dàng biết bao. Và đêm nay nhìn vào mắt chàng nàng thấy rõ sự bao dung thương xót. Siêng Mai nói nhỏ :

- Ngày mai về nhà. Thế sau này anh có gặp lại em nữa không ?

An hơi lúng túng :

- Hiện giờ chưa biết được. Nhưng anh sẽ cho em địa chỉ nhà anh ở Mỹ. Nhà anh ở Phố Cây Thông. Và khi nào em lấy chồng, nhớ gửi cho anh một tấm hình. Anh muốn được nhìn thấy em sung sướng hạnh phúc.

Số tiền 3000 đô la là quá lớn với nàng. Nàng chưa bao giờ nghĩ rằng có thể cầm trong tay một số tiền lớn như vậy. Thật là một giấc mơ. Nàng phác họa một giấc mơ nữa trong đầu : các em nàng chắc sẽ thích lắm. Chúng sẽ có một vài đồ chơi dù rẻ tiền thôi nhưng chúng đã ao ước từ lâu rồi. Mẹ nàng sẽ không còn phải lo bữa đói bữa no nữa. Và thích nhất là nàng sẽ mua một cái thuyền, một chiếc thuyền chất đầy trái cây để nàng mang đi bán ở các tỉnh chung quanh, các tỉnh dọc theo các sông rạch ở gần quê nàng. Và má bỗng ửng đỏ lên khi nàng nghĩ tới Sri-Lam. Ôi Sri-Lam, anh chèo thuyền thật giỏi. Có hai người chắc sẽ chở được nhiều trái cây hơn. Nhưng nàng bỗng cảm thấy một sự sợ hãi. Ở trong làng thỉnh thoảng cũng có một người con gái ra đi khoảng hơn một tháng lại trở về. Người ta dị nghị chút ít về người con gái đó. Không biết Sri-Lam có nghi ngờ gì nàng không ? Nhưng không sao, mặc cho anh ấy nghi ngờ, không sao cả, vì đến ngày cưới nàng sẽ hãnh diện trao cho chàng tất cả sự trinh trắng của người con gái. Chắc anh ấy sẽ ngạc nhiên và thich thú lắm.

Sáng hôm sau Minh dậy rất trễ. An và Siêng Mai đã ra khỏi nhà. Trên bàn phòng khách, Minh thấy có một tờ giấy nhỏ của An để lại :

Chú Minh,

Anh đưa Siêng Mai về nhà. Anh đã quyết định dành những ngày nghỉ còn lại để thăm Nhật Bản một chuyến. Khi nào về tới Mỹ, anh sẽ gọi điện thoại cho em hay.

Thân ái,

Anh

An

An viết như vậy nhưng khi lên máy bay đi Tokyo chàng lại quyết định khi về Mỹ chàng sẽ không gọi điện thoại cho Minh nữa.

Nguyễn Thanh Giản 12-94

* * *

LƯỢM LẶT ĐÓ ĐÂY

Đàm Túc

XUNG ĐỘT VĂN HÓA

Từ khi có những tuồng như Law and Order, NYPD Blues chiếu trên T.V. Pháp, thì Cảnh Sát Pháp gặp nhiều khó khăn. Theo luật Pháp, cảnh sát xét nhà người ta, không cần lệnh quan tòa. Nhưng ngày nay, dân chúng, những người đã xem các tuồng trên ở truyền hình đều đòi cảnh sát Pháp phải đưa ra lệnh của quan tòa!

ĐẦU TƯ CHO KIẾP SAU

Có một "nhà băng" ở Luxembourg tên là Prometh Société mở trương mục có tên là "Reincarnation Account" dành riêng cho các người cự phú muốn để dành vốn cho kiếp sau, để ở kiếp sau khỏi phải bắt đầu từ tay trắng. Vốn để cho kiếp sau tối thiểu phải là ba chục ngàn đô la tính ra tiền Mỹ. Trả tiền muộn nhất là hai mươi ba năm sau khi người có trương mục qua đời. Người kiếp sau phải biết một số dữ kiện cá nhân của kiếp trước.

KÉO CỜ MỸ TẠi TÒA NHÀ QUỐC HỘI

Ở quốc Hội Hoa Kỳ có một văn phòng gọi là Flag Office với ngân quỹ hơn ba trăm ngàn cho năm 1997 để trả lương cho nhân viên chuyên việc kéo quốc kỳ ở tòa nhà Quốc Hội. Mỗi lá cờ được tung bay chưa tới một phút. Cờ hạ xuống sẽ được gấp cẩn thận cùng với giấy chúng nhận "cờ đã được tung bay ở điện Capitol ngày... tháng... năm..." có nhiều cỡ, nhiều hạng. Giá rẽ nhất: cỡ 3 ft x 5 ft bằng nylon, giá có 10$40 kể cả tiền công kéo cờ, chưa kể thuế cùng cước phí và công gói. Cờ đắt nhất: 8 ft x 12 ft, bằng vải: 70$30 kể cả công kéo cờ. Ngày Độc Lập 1976, có tất cả 10471 lá cờ được kéo lên, hạ xuống ở bảy cột cờ tại quốc Hội từ 0 giờ đến 24 giờ, hơn bảy lá cờ cho mỗi phút. Thiên hạ mua ào ào.

* * *

NẾU…

Nếu em là công nương

Anh sẽ là hoàng tử

Nếu em là thiên cung ngọc nữ

Anh sẽ là thiên tử tiên đồng.

Nếu em là phím dương cầm

Anh sẽ là muôn nốt nhạc

Nếu em là nghiên thủy mặc

Anh sẽ là giấy hoa tiên.

.

Nếu em là Giáng Kiều

Anh sẽ là Tú Uyên

Nếu em là em

Anh sẽ là anh.

Nếu em là trăng thanh

Anh sẽ là gió mát

Nếu em là nai vàng ngơ ngác

Anh sẽ là rừng lá mùa thu.

Nếu em là Chủ Nhật sang mùa

Anh sẽ là Sàigòn hanh nắng

Nếu em là cỏ cây tươi sáng

Anh sẽ là hoa lá thơm hương.

Nếu em là Hân Tố Tố

Anh sẽ là Trương Thúy Sơn

Nếu em là em

Anh sẽ là anh.

Nếu em là Cléopâtre

Anh sẽ là Marc Antoine

Nếu em là Joséphine

Anh sẽ là Nã Phá Luân.

Nếu em là vị mứt sen

Anh sẽ là hương trà cúc

Nếu em là bình Cảnh Đức

Anh sẽ là rượu Mao Đài.

Nếu em là giấc mơ dài

Anh sẽ là giường nệm trắng

Nếu em là áo vạt bầu tươi tắn

Anh sẽ là quần jean xanh.

Nếu em là mây mong manh

Anh sẽ là trời thiên thanh

Nếu em là em

Anh sẽ là anh.

Nếu em là Hồ Than Thở

Anh sẽ là Rừng Ái Ân

Nếu em là Đường Tao Ngộ

Anh sẽ là Mũi Nghinh Phong.

Nếu em là Bãi Thùy Vân

Anh sẽ là tàu mắc cạn

Nếu em là dải cát vàng thơm mịn

Anh sẽ là ngàn lớp sóng xô nhau.

Nếu em là một chiều mưa mau

Anh sẽ là hiên che bên bờ lộ

Nếu em là một sớm mai bão tố

Anh sẽ là làn chăn ấm đắp trên thân.

Nếu em là trời se lạnh mùa Xuân

Anh sẽ là chiếc áo gió

Nếu em là hàng me đường phố

Anh sẽ là giọt sương mai.

Nếu em là tóc xõa bờ vai

Anh sẽ là tia nắng xiên tuyệt đẹp

Nếu em là cô gái Sàigòn ngòi trên xe đạp

Anh sẽ là chàng trai lẽo đẽo theo sau.

Nếu em là đĩa trầu cau

Anh sẽ là phong thiếp mới

Nếu em là... cô dâu trong ngày đám cưới

Anh sẽ là... chú rể mở cửa xe hoa!

Kim Vũ

NHỚ HAY QUÊN

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG

Lãng đãng đường về Hà Nội xưa,

Danh lam thắng cảnh trải vần thơ,

Sông Hồng cuồn cuộn dòng danh sử,

Yên Phụ buồn vui mấy bến bờ.

Hàng Cót, Hàng than in gót son,

Kẹp tóc đuôi gà chạy lon ton,

Tung tăng áo cánh bồng vai nhỏ,

Cặp sách ôm nghiêng cô bé con.

Nữ sinh trung học trường Trưng Vương.

Áo lam, xe đạp qua Hồ Gươm,

Thủy Tạ tân thời mời du khách,

Tháp Rùa cổ kính vọng Lam Sơn.

Hàng Trống, Hàng Khay, tới Tràng Tiền,

Giai nhân, tài tử dạo đôi bên,

Qua vườn Con Cóc sang Cầu Gỗ,

Thê Húc hồng lên đôi má em.

Leng Keng xe điện Cửa Ô vào,

Nhung lụa tơ khuê các Hàng Đào,

Lộng lẫy Hàng Ngang mầu son phấn,

Hàng Đường mứt kẹo ngọt làm sao!

Quang gánh quẩy về chợ Đồng Xuân,

Tấp nập gái quê áo tứ thân,

Yếm trắng, thắt lưng, khăn mỏ quạ,

Giao Chỉ còn mang dấu ngón chân.

Thu Vàng lá rụng ngập lối mơ,

Đông tím sương bay phố hẹn hò,

Xuân xanh liễu rủ cành như ngọc,

Hè đỏ phượng rơi áo học trò.

Rồi một chiều mây bỗng bâng khuâng,

Ai đó bên hồ dáng văn nhân,

Thư sinh bạch diện, thanh tao lắm,

Cô bé nghe hồn mộng lâng lâng...

Người đi gửi lại nỗi niềm riêng,

Một thuở xa xưa truyện thần tiên,

Dĩ vãng còn đây trang tình sử,

Cố nhân phương ấy nhớ hay quên?

NTND

GIÁC NGỘ

tặng nhà thơ Nguyễn Chí Thiện

Anh hỏi tôi điều gì tôi muốn nhất ?

Chắc chắn không phải vật chất đê hèn

Cũng không phải điều danh lợi bon chen

Của những kẻ nhỏ nhen và vị kỷ.

Anh hỏi tôi điều gì tôi mong nhất ?

Tôi mong sao tâm trí rất thảnh thơi

Để luôn luôn giữ được một nụ cười

Sự thanh thản của người không chấp nhất.

Anh hỏi tôi điều gì tôi sợ nhất ?

Sợ làm sao khi tôi mất hồn thơ

Không nói lên được điều tôi ước mơ

Và xúc cảm của những giờ hạnh phúc.

Anh hỏi tôi điều gì tôi quý nhất ?

Xin thưa ngay : sự thật, và niềm tin

Rằng từ bi hỉ xả vẫn là hơn

Và chân lý sẽ luôn luôn sáng tỏ.

Vũ Hưng

VÔ CÙNG

Được thua thì cũng trắng tay

Bon chen lem lấm loay hoay ích gì

Mồ hôi nặng giọt bõ chi

Mùi dâu pha tóc sầu bi ngậm ngùi

Tuồng đời cay đắng ngọt bùi

Càng đua chen lắm càng dầy đắng cay

Tiếc gì một chút đắm say

Tiếc gì tình thoảng gió bay nhạt nhòa

Buông lơi thế sự thoáng qua

Như không tất cả

Ta Bà là không

Trở về nguồn cội mênh mông

Là không là có

Có không vô cùng.

Phạm Quân Khanh

12/95

* * *

SƯƠNG MÙ BUỔI SÁNG

Tạ Tốn

Sáng nay sương mù thật dầy. Sương mù phủ kín dòng sông. Sương mù xóa nhòa ngọn đồi bên kia sông. Ngồi tại hàng hiên sau nhà, tôi chỉ còn nhìn thấy vài ngọn cây cao bên bờ sông đang cố vươn lên khỏi biển sương mù trắng như sữa. Bà xã tôi nói: "Hôm nay trời sẽ nắng cao".

Tôi về Brisbane đã được hai tuần. Trên máy bay, tôi đã đọc đi đọc lại mấy cuốn đặc san CVA anh cho. Về đến nhà tôi lại nhận được cuốn đặc san TV của chị tôi gởi qua. Anh chị em bên đây đã chuyền tay nhau đọc say mê mấy cuốn trên. Cám ơn các bạn bên đó đã khơi lối cho chúng tôi trở lại "những ngày xưa thân ái".

Tôi có một bà chị họ thật thân. Chị chỉ lớn hơn tôi một tuổi. Ngày xưa, chị thật đẹp. Chị lại thích thơ, thích nhạc, thích “đàn đúm” với anh em trong nhà. Vừa lên đại học thì chị lấy chồng, rồi theo chồng đi xa. Đã gần ba mươi năm tôi không găp chị. Đột nhiên, một sáng chủ nhật, chị gọi cho tôi từ một thành phố xa xôi bên kia bờ đại dương. Hai chị em tôi cười thật nhiều. Hai chị em tôi nhắc lại những chuyện ba mươi năm trước như những chuyện xảy ra ngày hôm qua. Đêm đó tôi không ngủ đuợc. Có phải rằng trong mỗi người, những kỷ niệm đẹp đã được khắc sâu vào ký ức bằng những vết dao thật bén. Thời gian chỉ là những lớp bụi mỏng. Thời gian chỉ là những lớp sương mong manh. Chỉ cần một cơn gió thoảng, chỉ cần một chút nắng ấm, những vết khắc tuyệt vời lại hiện ra.

Tôi đã bắt đầu mê đá banh từ bốn mươi năm về trước. Hồi đó trường CVA còn ở ké tại tòa nhà sau trường Trương Vĩnh Ký, sát ngay sân vận động. Ngay từ đệ thất, chúng tôi đã nhịn quà sáng, hùn tiền mua banh, lập hội. Sáng nào cả bọn cũng hẹn nhau đi học sớm. Trưa nào cả bọn cũng về nhà trễ. Tôi không có khiếu về “lừa” banh, “sút” banh. Trận nào có tôi chơi là trận đó hội nhà ...không còn manh giáp. Mặc dầu vậy, không ai chịu cho tôi ...từ chức, không ai chịu cho tôi ở thế dự phòng. Lớn lên, chúng tôi mỗi người một ngả, nhưng mỗi lần họp mặt, “đội banh” lại “nổ” như pháo rang. Có kỳ còn chia phe lôi nhau ra sân vận động.

Tôi có một anh bạn ở Sydney. Anh với tôi mỗi người làm một nghề. Anh với tôi, mỗi người một tính. Tuy vậy, mỗi lần ghé Sydney, anh là người đầu tiên tôi liên lạc. Chúng tôi đã học chung với nhau ba năm cuối ở CVA. Có phải ba năm đó đã để lại trong hai đứa chúng tôi một cái gì giống nhau, đã làm hai đứa tôi ...”nói cùng một ngôn ngữ”, đã làm hai đứa tôi chỉ cần nhắc một chuyện nhỏ ngày xưa cũng đủ cười cả đêm.

Ngọn đồi bên kia sông sau nhà tôi là một khu rừng hoang, toàn loại gumtree bản xứ. Bà mẹ Thiên Nhiên không phải lúc nào cũng là mẹ hiền. Tôi đã nhìn thấy khu rừng cười đùa trong nắng hồng buổi sáng. Tôi cũng đã nhìn thấy những cành cây vật vã trong cơn bão. Tôi cũng nhìn thấy những dòng nước lũ. Tôi cũng đã nhìn thấy những đám cháy rừng. Có phải nhưng cây lớn đã che chở cho những cây nhỏ nên khu rừng mới tồn tại. Có phải những cây “đến trước” đã chia sẻ nắng ấm cho nhỉng cây “đến sau”. Tôi đã suy nghĩ nhiều đêm. Bạn bè chúng ta họp lại cũng như những cây trong khu rừng. Có phải rằng “Cho” và “Nhận” đều có gía trị giống nhau trong việc giữ cho khu rừng tồn tại...

Mùa đông bên đây đã gần tàn. Ngày đã bắt đầu dài hơn. Những con chim trắng bên kia sông đã lác đác bay về. Có phải bạn bè ngày xưa bọn mình cũng như những cánh chim, như những giọt nước, như một lần anh đã nói. Những cánh chim trước sau gì cũng bay về. Những giọt nước trước sau gì cũng chảy về. Có phải tôi đã nhìn thấy những cánh chim bay sát nhau che cả dòng sông. Có phải tôi đã nhìn thấy những giọt nước xô đẩy nhau chảy về biển. Có phải tôi đã nghe thấy những tiếng cười thật to, bên đống lửa sáng rực một góc rừng...

Sáng nay trời bên đây vẫn còn se se lạnh. Hình như bên anh vẫn đang vào giữa mùa hè. Hình như bên anh vẫn đang chờ những cơn mưa...

Anh có muốn tôi gởi sang cho anh một chút sương mù buổi sáng?

Tạ Tốn

****

LTS: bài “Buồn vui học đường” đã được đăng trên đặc san Thân Hữu ở Pháp. Tuy nhiên, tác giả có sửa chữa đôi chút, và chúng tôi thấy bài này có giá trị nên quyết định đăng lại để quý vị độc giả thưởng thức cái không khí học đường cách nay năm, sáu thập niên về trước.

Buồn vui học đường

Từ Trì

Tôi bước chân qua ngưỡng cửa trường Chu Văn An vào một buổi sang mùa thu, một mùa thu đẹp đẹp, buồn buồn như bao nhiêu mùa thu trên đất Bắc, với "nắng tháng tám làm rám vỏ bưởi" với lá vàng bắt đầu rơi rụng từ những ngọn cây bàng.

Đối với cậu học sinh "xuất thân" từ trường tiểu học Hàng Kèn (trường Quang Trung) muốn nhập học Chu Văn An phải qua bao nhiêu là cửa ải : tháng sáu thi đậu "Sét ti phi ca" (Certificat d'étu des primaires) rồi đến tháng tám lại còn phải thi đậu kỳ thi tuyển vào CVA nữa. Năm đó CVA tuyển vào đệ thất 350 học sinh chia làm bẩy lớp 50 người. Vì thứ hạng đậu không được cao, tôi được xếp vào lớp đệ thất 7B5 sau đó lại được xếp xuống 7B7 vì ban giám đốc nhà trường muốn tập trung các học sinh tính học ban cổ điển vào một lớp để giảng dạy cho tiện.

Thế là nét mặt quan trọng, chúng tôi hàng ngày đạp xe tới trường khi đó còn tạm trú tại trường Đồng Khánh. Ai nấy đều có cảm tưởng là đang bước chân vào "thế giới người lớn". Cảm tưởng này lại càng mạnh hơn khi chúng tôi lần đầu tiên biểu tình, bãi khóa, xuống đường phản đối viên Thủ Hiến Nam Việt đã đàn áp học sinh Sài Gòn. Chúng tôi còn mặc đồ tang phục trắng đến trước chùa Quán Sứ để dự lễ truy điệu trò Trần văn Ơn bị thiệt mạng trong vụ đàn áp này.

Các "em" đệ thất cũng không kém hăng say khi tham gia những hoạt động văn hóa của trường. Hội Tết liên trường tổ chức hàng năm tại Nhà Hát Lớn gieo vào lòng các cậu học trò nhỏ biết bao niềm hứng khởi. Giờ này tôi còn mường tượng tới cảnh các anh đệ tứ ngâm những vần thơ bất diệt của vở kịch Đêm Liên Hoan:

"Xương tôi đã đắp nên cầu

"Cho đàn con bước lên lầu tự do"

...........................

"Đêm liên hoan đầu nhấp nhô như sóng biển ngang tàng

"Ta muốn thét cho vỡ toang lồng ngực"

Rồi hàng tràng pháo tay nổ lên rung chuyển cả hội trường và rung động "tâm hồn tráng sĩ" của đám khán giả trẻ tuổi. Cũng trong buổi trình diễn này một nữ sinh trường Albert Sarraut đóng vai người chị lòng quặn đau trước hình ảnh người em lâm trận bị thương, la lên mấy tiếng thất thanh :"Em ra nhiều máu quá !" Phản ứng bất ngờ của khán giả : phá lên cuời ranh mãnh !

Hân hoan không kém : ngày đại hội Thanh niên học sinh Hà Nội. Chúng tôi năm đó đã được lên đệ lục và được phụ trách trình diễn thể dục thể thao theo nhịp một bản hùng ca mà thầy Hường, tức nhạc sĩ Hùng Lân soạn ra cho dịp này :

" Đây người Việt Nam nối chí tiên long kiêu hùng

" Một dòng hiên ngang chiến đấu bao phen thành công "

.............

" Bền lòng đồng tâm tranh đấu bên nhau oanh liệt đến cùng "

" Ta đi đất Nam ta đội trời Nam

" Chung sức nhau bảo toàn đất nước..."

Vừa thao diễn vừa ca bài này, tấm lòng yêu dân thương nước như thêm dào dạt treong huyết quản. Trong những lúc trang nghiêm nhất, đại hội vẫn không mất những giây phút khôi hài. Khi các cô Sarraut (lại các cô Sarraut) xoay xoay múa vòng, trong bộ đồng phục trắng, sơ mi ngắn tay bó sát eo, váy ngắn xòe, các cậu choai choai CVA chúng tôi được dịp hứng chí vỗ tay vừa hoan hô các cô lại vừa mượn lời văn Hoàng Đạo la lớn :"Lậy trời gió lên, gió nữa lên ! " để cổ võ.

Đời sống học đường tùy thuộc rất nhiều vào mối liên lạc với các giáo sư. Năm đệ thất thì học trò cậu nào cậu ấy triệt để tôn trọng kỷ luật. Vào lớp chúng tôi im thin thít chăm chú nghe thầy Tá nghiêm nghị giảng toán hay nghe "cụ" Thận điềm đạm giảng Lý Hóa. Một hôm thầy Tá đủng đỉnh đi vào lớp miệng ngậm tẩu thuốc lá, một thằng bạn ngỗ nghịch buột miệng kêu "hẩu lớ! ". Kết quả : bốn giờ "công xinh". Năm đó chúng tôi cũng được giáo sư Thẩm Oánh, nghiêm khắc không kém, dậy ca bản Chu Văn An của ông :

Chu Văn An, ngàn đời treo gương sáng

Đấng cao hiền xứng danh giống dòng Việt Nam

Tài đức dâng vượt núi sông

Tiếng thơm lừng lẫy khắp khắp trời Á Đông

Năm sau khi chúng tôi lên đệ lục thì CVA được chuyển về trường Đỗ Hữu Vị ở góc đường Quan Thánh và đường cửa Bắc. Đã qua một năm trung học nên các cậu trở nên bạo dạn hơn phá phách đùa dỡn nhiều hơn. Và "nạn nhân" của sự thay đổi này chính là các thầy.

Cuộc cách mạng tháng tám 1945 và cuộc chiến tranh Việt Pháp đã xáo trộn xã hội khá nhiều. Tình thầy trò tại học đường tuy vẫn còn nặng tinh thần "Quân sư phụ" nhưng cũng đã biến thể khá nhiều, gần gũi hơn và có lẽ vui nhộn hơn. Hơn nữa, vì chiến tranh, nhiều học sinh bị học trễ trong khi các thầy mới lại nhiều người "tuổi trẻ tài cao" nên đôi khi khoảng cách tuổi tác giữa thày và trò chỉ độ năm sáu tuổi.

Người đụng độ đầu tiên với các cậu "nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò" này là giáo sư Việt văn T.Đ. luôn luôn bị thằng Mai Anh, một tên đầu sỏ trong lớp pha. Vì thầy "trồng cây si" một cô tên là Điểm, Mai Anh bèn viết trong bài luận với đề tài "Kể lại một giấc mơ" rằng : "Chúng tôi đi giữa rừng sâu cùng với cô Điểm và mấy cô nữa; mỗi lần tiếng hùm beo gầm lên, bọn đàn bà con gái sợ hãi lại ôm chầm lấy chúng tôi." Để trả đũa, thầy đọc đoạn văn này lên cho cả lớp nghe và lợi dụng lúc cả lớp đang rộ lên cười thầy nói vội đôi lời cảnh cáo :

"Tôi không chơi với các anh, đừng có đùa dai với tôi."

Nhưng Mai Anh biết mình đi hơi quá đà, nó xin thày cho chuộc tội bằng cách viết lại bài theo thể văn biền ngẫu :"Suy ngẫm người xưa, giấc mộng kê vàng, cuộc đời như mộng, chẳng bỏ gian lao." Thày phục tài quên cả giận.

Cũng năm đó giáo sư toán lại hơi "mát mát". Khi nào học trò trả lời sai là thầy trợn tròn mắt đấm tường thình thình la :"Không biết không được nói ! " Nếu học trò quên đề tên trên bài thi thì thầy gọi lên đứng giữa lớp bắt hét thật lớn :"Tôi không có tên ! ".

Ồn ào nhất là lớp Hán tự. Lợi dụng cụ Tiếp. một nhà mho hiền hậu khả kính, học sinh đùa ào ào. Có lần lại còn dấu giầy của cụ, khiến cụ dỗi không dậy nữa. Hối hận cả lớp đứng dậy tạ lỗi. Suốt bốn năm một số lớn trong lớp bỏ bê môn học này. Mỗi khi thi luc cá nguyệt lại phải đến gãi đầu gãi tai xin hai bạn Xiêm và Quát cho "cóp". Để tán dương công đức hai ông bạn hay chữ chúng tôi thường mượn thơ vua Tự Đức :

Văn như “Xiêm"," Quát” vô tiền Hán

Giờ hội họa cũng huyên náo không kém, học vẽ thì ít mà nói chuyện thì nhiều. Thầy Dung hiền lành cũng bỏ qua. Chỉ phải cái tội hay vẽ bậy nên ban giám học đã phải quyết định sơn đen các giá vẽ bằng gỗ trong phòng họa.

Vui nhất luôn luôn là các giờ Việt và Pháp văn. Các giáo sư hai môn này thường "chịu chơi" nên trong lớp học luôn luôn thoải mái. Năm đệ ngũ giáo sư Việt văn bị động viên, chúng tôi phải đợi cả tháng cũng không có người thay thế. Bỗng một hôm thầy giám thị đưa vào lớp học một trang thanh niên mặt mũi đen sì, tóc chải bềnh bồng, cổ đeo cà vạt đủ màu sắc, và giới thiệu :"Đây là giáo sư Việt văn". Cả lớp cười ồ và thằng Mai Anh được dịp nói chọc :"Thưa thầy con gặp thầy ở bờ sông !" Ý muốn nói thày giống mấy tay anh chị. Nhưng thật ra thày T. là một giáo sư văn chương rất sáng giá. Khi thầy giảng bài cả lớp đờ người ra nghe thích thú. Nhất là khi thầy giảng "cuộc ái ân của tạo vật" qua vần thơ Xuân Diệu :

"Một tối bầu trời đắm sắc mây

Cây tìm nghiêng xuống cánh hoa gầy

Hoa nghiêng xuống cỏ trong khi cỏ

Ngả xuống làn rêu một tối đầy ...."

Đôi khi nổi hứng thầy "cương ẩu". Thày tuyên bố rằng :"Thơ Việt Nam cũng có thể alexandrin 12 chân, thí dụ như bài "Tình Già" của Phan Khôi :

" Hai mươi bốn năm xưa , một đêm vừa gió lại vừa mưa ".......

Hôm sau, sau khi kiểm chứng lại, tôi lên nói với thầy rằng câu thơ 12 chân của thầy thật sự là hai câu, một câu bẩy chân, một câu năm chân. Thầy cười xòa xúy xóa nhưng cuối giờ tôi vẫn được thày tặng cho một con "dê rô" vì tôi không trả lời được câu hỏi hắc búa của thày.

Giờ Pháp văn năm đệ tứ nếu được học thầy Sơn thì cũng có nhiều trận cười vì thầy thường dịch các bài Pháp văn một cách rất "tếu". Laboratoire thì được thầy dịch là "lã bố ra tòa". Một bài khác tả cảnh hái nho ở bên Pháp có câu "Les jeunes filles me portèrent dans la baignoire..." thì được thầy tinh nghịch dịch là :"Mấy cô gái bế tôi vào buồng tắm...". Thầy đã làm cho bao nhiêu thế hệ người Việt yêu chuộng văn chương Pháp. Những lời văn tha thiết của Anatola France tả cảnh công viên Luxembourg lúc mùa thu lá vàng rơi trên các pho tượng trắng mà thầy đọc "dictée" trong bao nhiêu năm đã khiến cho mỗi người Việt chúng ta khi đặt chân tới Paris là phải đi thăm công viên này.

Quãng đường trung học có lẽ là thời gian đẹp nhất trong đời người. Đã bắt đầu lớn nhưng chưa phải lo đối phó với những rắc rối cuôc đời. Bốn năm chũc cậu học sinh sống chung một lớp cùng chia sẻ những lúc vui nhộn cũng như những mối lo âu thi cử. Mỗi sáng hàng trăm xe đạp tiến vào cửa trường. Các học sinh nghiêm chỉnh xếp hàng trong sân chuẩn bị làm lễ chào quốc kỳ. Mỗi hôm một lớp được chỉ định lên kéo cờ và hát quốc ca. Sau đó giữ nguyên hàng ngũ ờhọc sinh lục tục kéo nhau vào lớp dưới cập mắt nghiêm nghị của thày giám học và các thày giám thị.

Mỗi lớp là một thế giới riêng, có tập tục và truyền thống riêng. Lớp B chúng tôi, từ 6B4, dần dần trở thành 5B4 rồi 4B4, cũng có đời sống riêng của nó. Khi nào gặp giờ trống không có môn học hoặc thiếu giáo sư thì từng nhóm năm ba thằng bạn hợp "jeu" với nhau đạp xe đi "bát phố".

Đường Cổ Ngư và vườn Bách Thảo cách trường không xa nên được lai vãng nhiều nhất. Vài đứa lớn hơn thì "phiêu lưu" đến tận trường Trưng Vương ở phố Roland. Phần lớn đều nhút nhát chỉ dám "đi luộn" quanh "mấy em" kháu khỉnh, tức là đạp xe lằng nhằng đi sau mấy cô mà thôi. Hay bạo lắm thì mới cất giọng não nùng ca bản Nỗi Lòng :

"Yêu ai yêu cả một đời

..........................

"Đau tủi cả lòng, vì yêu ai mà người nào hay..."

Một cô ở Trưng Vương "có da có thịt" đóng vai tiên nữ trong một vở kịch hôm đại hội liên trường quỳ xuống báo tin là tiên chúa bị trúng tên anh thợ săn : "Ồ kìa tiên chúa đang làm sao..". Mấy thằng quỷ sứ lớp tôi mỗi lần "lượn" cô ngoài đường đều nham nhở :" Ồ kìa tiên béo đang làm sao.

Đến mùa hè chúng tôi có một cái thú là đi xem các cô vào vấn đáp. Thấy cô nào đẹp là các cậu biến thành phó nhòm chụp hình lia lịa.

Năm đệ ngũ vì thiếu lớp nên chúng tôi bị đày ra cạnh phòng y tế mà người ta gọi là "infirmerie" . Vì có cô y tá cũng khá xinh nên cậu nào cũng hôm thì bị "cảm" đến xin aspirine, hôm thì bị "bịnh tim đập mạnh" cần thuốc an thần.

Năm chúng tôi lên đệ tứ, tình hình chiến sự mỗi ngày một trầm trọng. Học sinh các lớp đàn anh bị động viên càng ngày càng nhiều. Các giáo sư trẻ cũng dầợn dần lên đường đi Nam Định hoặc Thủ Đức. Thằng Khánh con nhà giàu Hàng Bạc được bố mẹ cấp tốc cưới vợ cho lúc mới 17 tuổi để "nhỡ có chuyện gì..." thì các cụ có sẵn người nối dõi. Cưới xong Khánh nghiễm nhiên trở thành một "nhân vật' trong lớp. Ngồi trong giờ học nó hay kể chuyện "đêm tân hôn" của nó khiến các cậu bạn đồng song mới lớn phải hơn một lần "sì nẹc"

Năm đó Chu Văn An Hà Nội nghư đang bước vào cảnh chợ chiều. Thày trò, bè bạn chia tay nhau ra đi. Đêm đêm tiếng súng từ Na San, An Khê đì đùng vọng về. Những hoc sinh còn ở lại nét mặt đượm vẻ ưu tư. Và chả bao lâu nữa Chu Văn An cũng sẽ chung số phận với bao người dân miền Bắc di tản vô Nam.

Bốn mươi năm trôi qua. Ngôi trường xưa với mái đỏ ngả màu đen, với hàng cây rậm lá, đã chìm sâu vào dĩ vãng. Những biến chuyển của đất nước đã xô đẩy cả thầy trò tản mác khắp bốn phương. Người đau buồn ra đi, lưu lạc nơi đất khách. Người âm thầm ở lại, chịu cảnh tù đầy.

Hôm nay, mùa hè trở về trên đất Pháp. Một mùa hè thiếu hoa soan tây đỏ tưng bừng báo hiệu mùa thi, thiếu tiếng ve sầu rỉ rả tâm tình. Chỉ có một người học trò cũ tần ngần cầm bút ôn lại đôi hàng kỷ niệm Chu Văn An.

Paris 7-1990

Từ Trì

* * *

ĐỆ NHẤT C NIÊN HỌC 1960-1961

Trần Khánh

Thân tặng các bạn đồng lớp và hương hồn hai bạn: Y Uyên Nguyễn văn Uy (nhà văn) và Dynamo Đinh Ngọc Mô (Truyền hình giáo dục và Đố vui để học)

Tôi gốc gác không phải là dân Chu Văn An “từ thuở tạo thiên lập địa”, mà là dân kỹ thuật Cao Thắng. Số là sau khi đậu xong bằng B.E.I. (Brevet D’Etude Industrielle: Trung học Kỹ-thuật) từ hồi trường Kỹ-thuật Cao-Thắng còn mang tên tây “Collège Technique”) không được bổ nhiệm làm Thuyền trưởng thương thuyền như các khóa đàn anh thuở trước, tôi bèn thất vọng và tự “khám phá” thấy mình có nhiều năng khiếu về văn-chương sinh-ngữ hơn, nên xin đổi qua Chu-văn-An ở năm Đệ Tam C (ban Triết-học và Văn-chương Sinh ngữ).

Ông cụ thân sinh tôi hồi còn sóng, thuở còn trai trẻ, học cùng lớp với cụ Đào văn Minh, là thân phụ của giáo sư toán Đào văn Dương, ở trường Bưởi Hà-nội. Nhân tiện năm 1958, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, dưới quyền điều khiển của Ông Bộ-trưởng Nguyễn Dương Đôn, ra lệnh là các trường công lập phải thiết lập một ban C và D (Hán văn), tôi bèn nhờ bà cụ thân sinh tôi nói với giáo sư Đào văn Dương xin cho tôi chuyển qua Chu-văn-An hồi còn cụ Hiệu-trưởng Trần văn Việt. Sau khi thi thử ba môn chính là Việt văn, Pháp văn và Anh văn, tôi được chính thức cho “nhập tịch” Chu văn An.

Thuở đó, lớp Đệ Tam C của chúng tôi chi có trên dưới 30 mạng. Tôi nghe nói, để thi hành lệnh của Bộ Quốc Gia Giáo dục, các trường trung học phải “vơ bèo gạt tép”, vất vả lắm mới tụ họp đủ sĩ số học sinh để thành lập một Ban C. do đó, thành phần ban C của tôi ở Chu văn An không phải thuần túy gồm toàn những thằng thích văn chương sinh ngữ như tôi, theo lối mơ mộng kiểu thi sĩ tiền chiến Xuân Diệu:

“Hãy biết rằng anh lúc ở trường

Rất tồi toán pháp khá văn chương.

Chàng trai đi học nghe chim giảng,

Không thuộc bài đầu ấy sự thường.”

mà là dân “lính lê dương” tuyển mộ hay thuyết phục hay cưỡng bách từ các Ban A (Vạn vật) và Ban B (Toán).

Vì trường Chu văn An bấy giờ đang “ăn nhờ ở đậu” trong khuôn viên trường Pétrus Ký, hay trường Trung học Trương vĩnh Ký, nên chỉ mượn được một tòa nhà chính bằng gạch hai tầng, nên việc thiếu phòng ốc cho các lớp học thật trầm trọng. Vì lẽ đó, khi ban C của chúng tôi được thành lập, chúng tôi bị “tống” ra khu nhà lợp mái tôn cất thêm ở phái sau, hơi biệt lập khỏi tào nhà chính. Chúng tôi có mặc cảm như mình là “con ghẻ” hay một loại “second class citizens”. Thôi thì khỏi nói, ở trong khu nhà lợp mái tôn này, mà chúng tôi thi vị hóa là “Khach-sạn Caravelle”, mùa hè thì trời nóng và oi bức chảy mỡ, mùa đông thì “lạnh teo bougie”, còn mùa mưa thì gió thổi phần phật, hú qua các khe cửa sổ liếp, nghe rùng rợn như trên “đỉnh gió hú” Wuthering Heights của Emily Bronté.

Tuy phòng ốc của chúng tôi thiếu tiện nghi, nhưng bù lại, chúng tôi là lớp cuối cùng được học với đủ các thầy nổi tiếng như Vũ Hoàng Chương dạy cổ văn. Thầy Chương có tật đứng ỳ trên bục giảng, mắt ngước lên nhì trần nhà “đếm thạch sùng”, nói giọng “nhừa nhựa thuốc phiện” nghe đều đều thật buồn ngủ. Thầy Trần Bich Lan “Ao lụa Hà đông” dạy Triết tâm-lý-học. Nhà báo và bình luận gia kiêm họa sĩ Nỡm Long An, học ban B, sau tôi vài lớp, hay đùa nói:”Khi thầy Trần Bich Lan giảng bài, thằng nào ngồi bàn đầu hay đầu bàn, cần mặc áo mưa hay đội nón sắt kẻo nước giãi nước bọt của thầy văng tùm lum rất ư là mất vệ sinh”. Thầy Nguyễn văn Linh “Pháp văn chi bảo” chuyên môn đeo kính đen “thầy bói”, ngay cả ở trong lớp học trời mùa đông tối hù. Thầy Linh trông “beau trai” như tài tử màn bạc Pháp nổi tiếng là Alain Delon. Thầy nói tiếng Tây thao-thao bất tuyệt, giọng rất ư là “parisienne”, chẳng cần biết những thằng học trò “gốc Tây ninh” của thầy ngồi dưới có hiểu không. Thầy nói xong hết giờ là vội vàng chạy ra chiếc xe Peugeot 403 đen bóng của thầy có tài xế đợi sẵn để chạy qua trường khác, cứ y như là “ca sĩ chạy phòng trà”. Thầy Đỗ Khánh Hoan dạy Anh văn, con người tài hoa vướng phải “Vòng tay học trò” sau đó bèn “đáp lại thịnh tình” bằng “Vòng chân giáo sư” và nên duyên vợ chồng. Đó là tôi nghe bạn bè kháo nhau như vậy. Thầy Vũ Khắc Khoan dạy Công dân giáo dục, không bao giờ thấy thầy cười. Thầy dạy rất hay, tuy nhiên đầu năm đến cuối năm Thầy mới giảng xong được …nửa bài. Thầy Lê Trung Nhiên, sau này là Khoa trưởng Đại Hoc Văn khoa, dạy Pháp văn, nói năng chậm rãi, từ tốn, đúng là giọng của một Ông Thầy tu xuất. Còn thầy Nguyễn Ngọc Diễm, cũng dạy Pháp văn, thì nổ tiếng Tây như bắp rang hay súng liên thanh, giảng Rabelais và Corneille rất hay, tuy nhiên, cũng như thầy Trần Bich Lan, chúng tôi phải “attention” kẻo bị văng nước bọt, nước miếng như Việt cộng mưa pháo An-lộc. Thầy Trần Văn Hiến Minh dạy Triết Đông phương, luôn luôn mặc áo dòng tu đen đi dạy, giảng rất có chiều sâu, tuy nhiên Thầy giảng rộng quá đâm dài, dai và chúng tôi ngồi dưới nghe một hồi thì ngán, rồi đi đến chỗ ngáp, ngủ và có đứa còn ngáy nữa! Mặc dầu lo ra, không để ý lời thầy giảng, nhưng về nhà chúng tôi đọc sách của Thầy, thi lục cá nguyệt điểm vẫn trên trung bình như thường. Thầy Nguyễn Ngoc Quỳnh dạy Vạn vật có hoa tay, vẽ rất đẹp trên bảng đen bằng phấn mầu hình các bộ phận của môn cơ thể học hay nhụy hoa cây cỏ. Thầy vẽ theo trí nhớ, không thèm nhìn vào sách, thật tài tình, và không sót một chi tiết. Thầy vẽ rất nhanh, độ năm mười phút, xong bắt đầu giảng bài, trong lúc chúng tôi ngồi cặm cụi vẽ lại mất gần cả tiếng, suốt giờ học. Vẽ xong nhìn lại tác phẩm của mình thì giống “bùa bat quái Thái lan, Cao Mên” hơn là hình vẽ của môn Vạn vật ! Thầy Tăng Xuân An dạy Sử và Địa lý. Thầy nói bao quát dễ hiểu và nhất là trong sach của tầy, chúng tôi khoái nhất là các bài đọc thêm. Mặc dầu vì là Ban C, chúng tôi không được học Toán với Thầy Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, tuy nhiên thỉnh thoảng, trước giờ học, chúng tôi vài đứa đứng tụ tập phía trước cửa lớp để “chiêm ngưỡng” Thầy đi qua, hiên ngang trong bộ quân phục Không quân với cấp bậc Đại Tá Tư Lệnh Không Quân. Chúng tôi tán gái, viết thư cho gái đều lấy cuốn “thánh kinh tình yêu” Đời Phi Công của Thầy với “Phượng yêu” ngọt như mía lùi làm mẫu mực. “Last but not least”, nói về các Thầy “cầm cây nẩy mực” ở trong lớp học mà không nói tới hay nhắc một tí nào về Thầy Tổng Lãng là thiếu sót không thể tha thứ được. Chúng tôi sợ Thầy như sợ cọp. Giữa năm 1960-1961, Chu văn An dọn qua trường sở mới cất ở đường Hồng Bàng, lúc vị Hiệu Trưởng Trần Văn Việt từ trần, cứ mỗi lần thấy Thầy lù đù đi về phía chúng tôi ở dãy hành lang là chúng tôi “sợ bóng sợ gió”, “tẩu vi thượng sách”, “ tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Nhất là Hồ Hải Trân đang phi “Mélia đầu vàng”.

Đó là các Thầy dạy chúng tôi ở Ban C, từ Đệ Tam đến Đệ Nhất mà tôi còn nhớ được. Còn nhiều lắm mà bây giờ, sau gần ba, bốn chục năm trường, tôi chỉ còn nhớ mờ mờ trong ký ức, như Thầy Trần Thanh Mại dạy Pháp văn (hình như Thầy là thân-phụ của Trần Lam Giang, quân cảnh, bạn Long An, rất “triết và thâm nho”), Thầy Nguyễn văn Mùi dạy Việt sử. Thầy Phạm Đình Thắng dạy Anh văn thay thế Thầy Đỗ Khánh Hoan đi du học Mỹ ở Đại học Columbia University…

“Thầy nào trò đó”, các Thầy đã nổi tiếng vậy mà các trò trong lớp Đệ Nhất C sau cùng của tôi sau này nhiều trò còn “hậu sinh khả úy” (hay chúng tôi đùa bỡn “hậu sinh khả ố” hơn. Ngồi cùng bàn với tôi hay bàn ngay phía trước hay ngay phái sau có: Nhà văn quá cố Y Uyên Nguyễn văn Uy, Truyền hình Giáo dục Đố vui để học “Dynamo” Đinh Ngọc Mô, Búi Bảo Trúc (biệt hiệu Ngụy Trúc hồi gần cuối thập niên 1970 ở Canada, Ký gỉa Beta, Ky giả Hạng bét,v.v…, Hồ Hải Trân, giáo sư Anh văn, Hà Huy Đỉnh, chúa tể “hippie” Saigon, cuối thập niên 1960, Vũ Khắc Dụng, Thứ trưởng Tai chánh (tôi gặp Dụng ở trong trại tỵ nạn Camp Pendleton ở San Diego, California vào tháng 5, 1975), Cao Đức Thạc, Nguyễn Kim Long, Nguyễn Xuân Tước, Nguyễn văn Sang (hoc giỏi nhất lớp, giỏi đều các môn), Phạm Văn Đễ (chơi thân với Y Uyên Nguyễn Văn Uy), “chị” Vương Ngọc Quỳnh (vì tên như con gái), Nguyẽn Văn Hiệp, hiện là President của một công ty địa ốc ở vùng Bay Area, Nguyễn Hải, vân…vân vá vân…vân.

Đúng như anh Chủ tịch Hội Phạm Huy Thịnh phát biểu trong bài diễn văn chào mừng Quý Thầy và bạn hữu trong buổi tiệc Tân niên được tổ chức ở Võ đường Hùng Vương hôm đầu năm 1997, mới ngày nào chúng mình còn:

“Thuở mười bốn mười lăm còn trẻ nít,

Năm mươi năm cút kít đã về già.”

Bây giờ gặp lại, tay bắt mặt mừng, quan sát nhau thấy ngỡ ngàng, thằng nào cũng đã hai thứ tóc hay đầu bạc thếch, con cháu dâu rể đầy đàn.

Để chấm dứt, dám mong bạn nào đọc được những dòng hồi tưởng thô thiển này, sẽ ít nhất sống lại được một vài giây phút của những ngày xưa thân ái ở mái trương thân yêu Chu Văn An của chúng ta. Còn các Thầy các bạn mà ta chưa được gặp lại, hay sẽ không bao giờ được gặp lại vì đã cách biệt dương thế, tôi xin hai câu thơ cuối sau đây trong bài Ông Đồ của thi si thời tiền chiến Vũ Đình Liên để gọi thầm:

“Những người muôn năm cũ,

Hồn ở đâu bây giờ ?”

San Jose, 10 tháng 5, 1997

***

LTS: Thi sĩ Félix Arvers (1806 – 1850) sáng tác bài thơ nổi tiếng Sonnet d’Arvers trong tập “Mes heures perdues” xuất bản năm 1833. Độc giả có lẽ đã đọc qua các bản dịch tiếng Việt của nhà văn Khái Hưng và học giả Nguyễn Vỹ, nay xin mời quý vị thưởng thức thêm bản dịch của cụ Phạm Hữu Thuật.

Sonnet d’Arvers

Mon âme a son secret, ma vie a son mystère:

Un amour éternel en un moment conVu:

Le mal est sans espoir, aussi j’ai du me taire,

Et celle qui l’a fait n’en a jamais rien su.

Hellas ! j’aurai passé près d’elle inaperVu,

Toujours à ses côtés et pourtant solitaire,

Et j’aurai jusqu’au bout fait mon temps sur la terre,

N’osant rien demander et n’ayant rien reVu.

Pour elle, quoique Dieu l’ai faite bonne et tendre,

Elle ira son chemin, distraite et sans entendre

Ce murmure d’amour élevé sur ses pas !

A l’austère devoir pieusement fidèle

Elle dira, lisant ces vers tout remplis d’elle:

“Quelle est donc cette femme ? ” et ne comprendra pas.

Felix Arvers

Tình tuyệt vọng

Đời ta u uất mối tơ vương

Khối hận thiên thu cảnh đoạn trường

Tuyệt vọng âm thầm trong phút chốc

Thờ ơ em chẳng chút tình thương.

Thương ôi ! Ta đã sát bên em

Chôn một khối tình chẳng bén duyên

Thui thủi một thân đường đời vắng

Ngại lời khôn tỏ tấm lòng riêng.

Yêu em hiền dịu nét vui tươi

Em lại nhìn ta không biết ai

Lơ đãng đường riêng em tiến bước

Tình ta em dẵm nát tơi bời.

Nghiêm trang em đọc mấy vần thơ

Thơ cảm duyên em, em ngẩn ngơ

Thầm hỏi giai nhân ai thế nhỉ

Thờ ơ chẳng hiểu nỗi lòng ta.

Phạm Hữu Thuật.

* * *

Các chị Nữ Sinh Chu Văn An

Từ Uyên

Ngày nay, nam và nữ học sinh cùng học chung một mái trường từ Mẫu giáo tới Đại học là một câu chuyện thông thường, trái lại các trường học nào còn có tính cách chia rẽ dành riêng cho một phái được coi như kỳ quái bất thường. Thế nhưng trong thập niên 40 và 50 khi chúng tôi đang học cấp tiểu và trung học, nam và nữ sinh chỉ có dịp cùng theo học các lớp cấp hai bậc Trung học ngoại trừ tại một vài trường trung học công lập nhỏ.

Trong những năm 40 khi chúng tôi còn học tiểu học có một gia sư tới kèm học mỗi vụ hè, anh hay kể cho chúng tôi nghe những chuyện trên trường Bưởi. Ngày ấy, anh học 2eS. Theo anh là năm tương đương với classe Premiere của Tú Tài Pháp và trong cả lớp anh có hai chị cùng học, hình như là chị Th. Voi và chị Đ..

Tôi cũng tò mò tìm hiểu : các chị học có giỏi không. Anh gia sư cho biết các chị học rất khá nếu không sao dám học lên tới Bac. Và cao hơn nữa. Được hỏi về tính nết và sắc đẹp thì anh chỉ cười và nói vài năm nữa em lên học cao hơn sẽ biết, nhưng nếu em hỏi về các nữ sinh Đồng Khánh hay Hoài Đức thì anh có ý kiến ngay.

Trường Đồng Khánh là tiền thân của trường Trưng Vương và Hoài Đức là tên của một trường tư thục riêng cho phái nữ trong thập niên 30 và 40.

May mắn sau đó ít lâu nhân đáp chuyến xe car Thái Bình đi Hà Nội, tôi có dịp gặp chị Th. Chị ngồi băng sau chúng tôi và chào hỏi mẹ tôi, liên hệ cũng hơi dài. Chị là cháu ngoại cụ nghè Nghiêm người làng Tây mỗ và cụ nghè Nghiêm lại là người mai mối xe duyên cho cha mẹ chúng tôi.

Nghe chị chào hỏi chuyện trò với mẹ tôi, tôi tò mò nhận xét chị Nữ sinh Trung học đệ nhị cấp trường Bưởi cũng chẳng có gì khác lạ, cũng thưa, cũng gửi như những phụ nữ khác, không có gì kiêu căng, hách dịch, tôi cũng cảm thấy bớt sợ huyền thoại liên hệ tới các bậc nữ lưu nhiều chữ. Sau này nghe đâu chị trở thành phu nhân một ông thị trưởng.

Tôi cũng quên đi thắc mắc về các nữ sinh trung học.

Nhưng sau khi rớt vào Bưởi năm 43, tôi được nhận vào trung học Thái Bình và cũng là lần đầu có các nữ sinh xuất hiện. Trong số 50 học sinh năm đó hình như có 3 chị. Nếu tôi nhớ không lầm là chị Mai, chị An và chị Lục Vi. Làm nữ sinh trong trường hỗn hợp thật cũng khổ. Bắt buộc phải ngồi bàn hàng đầu, và cũng khiến cho 47 tên con trai còn lại gặp khó khăn khi chọn chỗ ngồi. Mấy anh lớn tuổi cỡ 15, 16 muốn ngồi gần các chị nhưng lại ngại rằng mang tiếng học không khá, thi vài năm mới đậu, nay lại đòi ngồi gần nữ sinh đang tuổi lớn, cả hai bên đều ngại. Rốt cục hai anh nhiều thần thế vì là con các giáo sư nên được biệt phái ngồi cùng bàn với các chị.

Sự có mặt của các chị có lẽ mang lại vài xáo trộn cho một số nhỏ nam sinh, khiến các anh tương đối lớn phải học hành ăn nói cẩn thận, năm 43 học sinh trường Trung học cũng rất được nể vì, nhất là tại các tỉnh lẻ đồng chua nước mặn. Cũng khổ cho hai anh cùng ngồi bàn các chị. Ngoài những khám phá kỳ thú mà các anh đôi khi khoe khoang cho biết, các anh cũng lâm vào hoàn cảnh báo động vì ngồi đầu bàn và lại là con thầy rất dễ bị hỏi thăm về bài vở. Nếu không thuộc thật vô cùng tội nghiệp. Riêng đối với tôi tuổi nhỏ gần nhất lớp, sự có mặt của các chị cũng vẫn không gây biến cố vì đầu óc tôi lúc đó cũng đang căng thẳng, cha tôi đổi khỏi Thái Bình, tôi một mặt phải tìm cách phù hợp vối nhà trọ mới, mặt khác phải học cho đứng đắn, cha tôi nhờ hai ông bạn : giáo sư Vũ Chứ và giáo sư Phạm văn Nam đặc biệt săn sóc cho tôi và như vậy gần như mỗi tuần được hai vị này thay nhau bắt lên bảng giải bài Toán và Lý Hóa.

Năm 1944 tôi xin được chuyển qua Đỗ Hữu Vị, tiền thân của trung học Nguyễn Trãi, đi tàu về Đại chủng viện Hưng Yên, không có dịp trực tiếp học với nữ sinh, nhưng gặp kinh nghiệm mới, Đồng Khánh cũng di tản về đây và khiến không khí tỉnh này nhộn nhịp hẳn. Tôi ở nhà ông chú, cùng nhà với 2 cô Đồng Khánh, hai cô họ hàng ở vào phận dưới

Nhưng tuổi đời và tuổi tình các cô phải là bậc trên tôi rất xa.

Nhờ hai cô mà tôi biết thế nào là nhiệm vụ của người vệ sĩ, lúc nào cần can thiệp, khi nào phải lảng tránh, lúc nào phải tảng lờ không nghe thấy lời tán tỉnh hay bình phẩm, và hiểu rõ vị trí rõ rệt của mình, các cô chỉ coi mình như một tấm bình phong có tính cách bảo hiểm. Bù lại thỉnh thoảng các cô cho đọc một số thư tình. Các tác phẩm này tùy lý lịch người viết, nhiều khi thật nhà quê ra tỉnh, nhiều khi lâm ly ướt át. Đọc và cùng cười với các cô nhng tôi cũng phải thán phục dù sao cũng có can đảm viết được những áng văn như vậy trong thời 44-45. Và tôi nhớ lại lời của đàn anh gia sư vài năm trước khi cho biết nếu hỏi anh về Đồng Khánh hay Hoài Đức anh sẽ cho biết ý kiến ngay. Có lẽ lúc này tôi hiểu hơn anh về Đồng Khánh vì tôi đang ở vị thế thuận lợi hơn vì các cô coi tôi là đồng minh hơn là đối tượng.

Các diễn biến chính trị các năm sau đó cũng khiến con đường học hành của tôi thay đổi. Từ Nguyễn Trãi tại chùa Láng, rồi tư thục Hoàng Diệu, rồi một thời gian tại hậu phương : Vân Đình, Yên Mô, Đào Giả tại tất cả các trường tôi theo học gần như không thấy sự hiện diện của nữ sinh trung học. Nhưng từ khi hồi cư năm 1948 trở về Hà Nội nữ sinh trung học xuất hiện rất nhiều. Ngoài trường Pháp Lycée Albert Sarraut lớp nào cũng có cả chục nữ sinh. Trưng Vương được mở lại, trước ở Hàng Cót sau trở lại ngự trị tại đường Trưng Vương cho tới năm 1954. Vài năm đầu chỉ có ban Trung học đệ nhất cấp, và các nữ sinh đệ nhị cấp bắt buộc phải qua Chu văn An để học cùng với nam sinh.

Tư thục mở rất nhiều: Dũng Lạc, Văn Lang học chương trình Việt, Sainte Marie, Notre Dame Rosaire dạy chương trình Pháp và đào tạo cho Hà thành những màu sắc tươi mát mới. Ao trắng, áo lam, áo xanh dương và những áo veste muôn sắc xuất hiện đông đảo trên đường tới học đường và quyến rũ rất nhiều chàng trai lẽo đẽo đi theo. Tôi ở gần cửa Nam nhưng học Chu văn An lúc này chiếm đất của Đồng Khánh cũ và cửa vào lại là đường Lý thường Kiệt, vì vậy mỗi sáng được chiêm ngưỡng tất cả các người đẹp của các trường. Cũng thời gian này lớp đệ nhị B của chúng tôi có dịp chào đón bốn chị nữ sinh đầu tiên thuộc ban khoa học B khóa 1948-1951. Khóa này được coi là khóa chính qui, học theo chương trình Phan Huy Quát, có bằng Trung học đệ nhất cấp và không được dự thi Tú tài toàn phần chế độ cũ, khóa này ngoài thành phần căn bản về thành từ năm 1948,1949 còn có rất đông các bạn vừa từ các trường hậu phương như Đào giả Yên mô trở về nên qui tụ nhưng 4 tài năng đáng nể : Nguyễn tư Viêm (sau đó quá cố vì thương hàn) và Nguyễn văn Phác là hai cây toán nổi tiếng.

Các chị lớp tôi năm đó cũng theo thông lệ chiếm lãnh bàn đầu, các nam sinh cũng chẳng ai tranh dành cũng như tránh né ngồi gần hay ngồi xa các chị. Trưởng lớp là anh Ngọc đẹp luôn luôn phải ngồi hàng đầu và anh hay nhận những lời cố vấn của Tô Đồng.

Riêng chúng tôi, bọn năm thằng: Vũ gia An, Đặng trần Lạc, Đặng trần Long, Trịnh thế Vinh và tôi luôn luôn ngồi bàn chót vì phụ trách đội túc cầu nên ngồi phía sau để bảo vệ nào áo nào banh. Tuy nhiên chúng tôi học cũng không dở vì nhờ tình đồng đội khi chơi thể thao chúng tôi đã tạo nên học nhóm để sửa soạn thi. Lúc thì học tại nhà tôi tại đường Nguyễn tri Phương, khi tại nhà anh em Lạc, Long tại Triệu Việt Vương, khi tại nhà Trịnh thế Vinh tại phố Hàng Tre.

Cũng vì tính hiếu động một hai người trong nhóm chúng tôi chót lỡ đá banh trong lớp và banh dội trúng lưng một chị bạn bàn đầu, chị không phiền trách chỉ đỏ mặt tỏ ra bực bội, và chỉ khổ Đặng trần Long thủ quân xin lỗi tận tình.

Học chung với các chị tại cấp này thật thoải mái, những trao đổi thường ngày hoàn toàn trong tinh thần học hỏi không có tình trạng ganh đua vì ai nấy hầu như đã lựa chọn con đường Đại học tương lai nên học nhiều hơn làm giáng hay điệu bộ, và có lẽ là dân ban khoa học nên đầu óc thực nghiệm hơn. Trong bốn chị, tôi được biết hai chị nhiều hơn : chị Trang, sau đó giã từ lớp học để qua ngành sư phạm và kết hôn với anh họ tôi, trước sau tôi vẫn coi chị là chị; chị Nhuận quen tôi nhiều, khi gặp lại chị ngoài học đường, trong buổi cưới dì tôi, chị đi đón dâu, còn tôi bên nhà gái. Còn hai chị khác cũng trong tình bằng hữu thông thường, hai chị này gốc cũng khá lớn, một chị trong gia đình dược khoa danh tiếng chủ dược phòng Hoàng M.G. và Nguyễn H.H. Chị rất thân với Vũ gia An vì hai gia đình quen nhau từ lâu và An trước đó học với em trai của chị. Một chị con một vị đường quan, nhưng sau đó theo phe miền Bắc và chị ở lại Hà Nội từ năm 1954.

Nhóm chúng tôi cũng như các anh em khác hình như kính nể các chị như những người bạn học chung lớp, tuy ăn nói lễ độ và chững chạc hơn khi giao thiệp với bạn trai. Về liên hệ tình cảm hầu như không có, kính nhi viễn chi hay quá thầm kín.? Tuy nhiên cũng không phải nhóm chúng tôi không có những người biết trồng cây si. Nhưng đối tượng hình như lại ở Trưng Vương khi có hai nữ sinh D. thật đặc biệt, một cô Mỹ D. vô địch bóng bàn nên khó thuyết phục nếu không có tài về bộ môn này như Nguyễn hòa Hiếu hay Lê triệu Đẩu. Hai anh này cũng là CVA nhưng chưa gia nhập lớp học chúng tôi. Cô D. thứ hai cũng rất bặt thiệp nhưng cũng là hoa có chủ, cô là vị hôn thê của một anh đã đậu Bác sĩ, các chị ai cũng có chồng Bác sĩ, Tiến sĩ cả. Học sinh Chu văn An lớp đệ nhất cũng vẫn còn hạng bét.

Đối tượng cũng là Notre Dame Rosaire với cô M. mặt đỏ nhưng tất cả đều vỡ mộng vì cô đã có người yêu lúc đó còn ở bên kia trận tuyến. Cô lại là em ruột người sinh viên khi trước đã mắng lại Bernard Joyeux khi tên này phỉ báng anh là Sale Annamite.

Cũng có cô rất đẹp tuy ở Lý thường Kiệt nhưng lại học Albert Sarrault nên ngược chiều đi với chàng họ Vũ, từ ngõ Nhà Đo đạp về hướng Chu văn An, góc phố Hàng Bài và vì ngược đường nên họ Vũ đã bỏ phí biết bao dịp tốt, cho tới khi cô đi Pháp mất.

Năm 1950 tình hình chiến sự có vẻ gay go, lớp tôi thỉnh thoảng vắng mất vài anh, có anh đi học sì quan Đà Lạt, có anh khác chính kiến bỏ ra khỏi thành, còn chúng tôi vẫn chăm chỉ học thi tại Chu văn An, cùng lúc đó, các lớp luyện thi tư thục rất đông người theo học, giáo sư Ngô duy Cầu và giáo sư Khúc ngọc Khảm bấy giờ là hai tên tuổi được nhắc tới nhiều.

Học sinh Chu văn An học giáo sư Nguyễn văn Dương về Toán và Hoàng cơ Nghị về Lý Hóa thực sự thừa khả năng thi cử. Khóa 1 của kỳ thi Tú Tài 1 ban B năm 1950 có rất nhiều thí sinh ghi tên nhưng có mặt khi thi phần lớn thuộc lớp chúng tôi, các thí sinh tự do chưa muốn nhập cuộc, còn đang ở trong thời gian quan sát coi chúng tôi thi ra sao trước khi các bạn thử lửa kỳ hai. Học trò giáo sư Khảm có mặt rất đông khi ông khảo vấn đáp chúng tôi kỳ thi tháng 6-1950. Tôi đang hăng say giải bài toán tam giác lượng đến phần chót chợt quay về phía sau. Cả vài chục cặp mắt phần lớn là nữ sinh của giáo sư Khảm đang theo dõi lời giải của tôi. Thấy một vài khuôn mặt quen trang trọng lên mục kỉnh để coi tôi giải bài cho rõ, tôi luống cuống quên phần chót phải thêm +kPi và thế là thay vì 8 điểm giáo sư Khảm chỉ cho 3 điểm rưỡi, hệ số 3 và tôi mất luôn Bình thứ. Có thể ông Khảm dằn mặt dân trường công, không học tư ông, cũng có thể ông cho học trò ông thấy ông cũng có nhiều quyền lực. Cả ba chị lớp tôi đều đậu cả và trong khi chờ yết bảng, chúng tôi cũng được biết một mình chị Nhuận sẽ học Y khoa, hai chị Hương Thư và Nhu Thuận sẽ theo ngành dược. Thi xong tôi tuy đậu nhưng rất đau vì mắc tật khớp trước đám đông, không chấm dứt nổi bài toán quen thuộc. Để tránh những khó khăn của những lần bắt buộc phải đối thoại khi vào vấn đáp, tôi đổi lối học. Chuyển qua ngành Khoa Học A để tập học thuộc lòng mọi bài và tôi bắt đầu viết những mẩu chuyện ngắn phần lớn có tính cách hài hước nhưng luôn luôn có khuynh hướng nhân sinh.

Kỳ 2 của Tú tài 1 ban B mang lại thêm khá nhiều khuôn mặt mới, có nhiều bạn rất trẻ thi nhảy từ đệ tam, và cũng có nhiều tài năng từ hậu phương hồi cư. Niên khóa 1950-51 lớp đên Nhất B chúng tôi trở nên đông hơn, tuy nhiên cũng không có thêm môt chị nữ tú tài nào, ban B vẫn chỉ có 3 chị bạn cũ. Ba bạn khác và tôi tuy quyết định thi phần 2 ban khoa học A, không có đủ sĩ số để trường mở lớp mới, vẫn học chung đủ chương trình như khoa học B và thêm điều kiện chúng tôi phải học tư thêm phần vạn vật ban A với giáo sư Huề, chương trình vạn vật của ban B do giáo sư Đỉnh phụ trách không đủ. Toán nay học kỹ sư khí tượng Đào trọng Cương, còn môn Lý Hóa, giáo sư Nguyễn chung Tú đảm trách. Triết được một giáo sư mới Trịnh nhữ Tiếp, thày trước thuộc ngành hành chánh, nhưng chưa muốn trở về nghề cũ nên xin dạy Triết và Pháp văn. Sau này khi bạn đồng liêu của thày làm Thủ hiến Bắc Việt ép thày đi làm Tỉnh trưởng Kiến An và sau đó thày chết, nạn nhân của một cuộc đột kích vào tỉnh lỵ. Lớp đệ Nhất là năm cuối cùng ban Trung học nên học sinh có vẻ bớt phá rối. Nhóm chúng tôi nay còn có 4, vẫn tiếp tục vừa chơi vừa học, nhưng học nhiều hơn : chúng tôi lùng mua những sách tập của nhà Vuibert giải đáp những bài toán và Lý Hóa kiểu mẫu. Tìm học cuốn Livre du maitre Lamirand Joyal nên chẳng bài toán nào chúng tôi không giải được. Các bạn khác cũng không kém, kể cả các chị , có anh em học lớp cao rồi nên các chị cũng có cả một kho tàng tủ. Năm học cũng gần xong, chiến trận cũng mỗi ngày môt nặng, sau tin Bernard de Lattre chết trận Ninh Bình, những tin đồn tổng động viên làm nam sinh chúng tôi chới với. Có nhiều anh tìm đường đi Pháp du học, một số anh khác tự động xin đi học sĩ quan hiện dịch, còn phần đông phó thác cho số phận.

Kỳ thi tháng sáu 51 cũng mang lại những kết quả tốt, phần lớn các bạn học tập đừng đắn đều thi đậu, khá nhiều mention. Cả ba chị đều đậu vào hạng khá cao. Ban A chúng tôi lần đầu tiên xuất hiện cũng được ba tên trên bốn. Giáo sư Vũ văn Chuyên, dược sĩ kiêm giảng nghiệm viên thực vật Đại học khoa học hỏi vấn đáp khá khó, trái lại ban A thi Lý Hóa lại gặp giáo sư Nguyễn chung Tú nên quá dễ dàng, học chương trình ban B, nay thi ban A cửa ải này xuông sẻ.

Trong tháng 8-1951, lệnh động viên ban hành một số lớn đi Nam Định và Thủ Đức. Những người chưa tới tuổi, một phần đi ngoại quốc, phần còn lại thích Toán ghi danh vào Math Géné, MPC, một số bạn đi tập sự dược khoa. Lớp tôi chỉ còn chị Nhuận, Vũ gia An và tôi ghi tên học P.C.B. để vào Y khoa. Chị Nhuận học thêm M.P.C. còn tôi cũng ghi thêm học Luật. Đậu xong để mừng chị Nhuận tôi viết một chuyện ngắn bày tỏ nỗi mừng của người con giá họ Đỗ khi thi đỗ, chuyện cũng không gây cấn nhưng thích thú vì chơi chữ : Đỗ và đỗ, chuyện này được báo Dân Thanh của ông Ngô văn Phú đăng ngay nhưng báo hại ông Tổng thư ký lại đăng đúng tên họ và địa chỉ tác giả làm tôi ngại ngùng khi gặp chị vài tháng sau trên Đại học, nhưng có lẽ với tác phong sinh viên người lớn chị cũng chẳng trách gì. Chị học Y khoa cùng với tôi nhưng chị vào ban giảng huấn còn tôi sau khi đi lính vào phục vụ dân y, tôi ít có dịp gặp lại chị, năm 1993 họp Đại hội Y sĩ tại San Jose tôi có dịp nói chuyện cũ khá nhiều, Được biết chị vẫn hoạt đông cho CVA bắc Cali, tôi rất vui mừng. Riêng chị Nhu Thuận ở lại Hà Nội tôi không biết thêm tin tức ngoài lần chị Nhuận cho biết chị này có vào Nam nhưng không có chức vụ lớn lao nào. Chị Hương Thư sau năm 1954 đi Pháp học và về lại miền Nam khi tốt nghiệp Tiến sĩ Dược khoa, tôi nghe tiếng chị qua các sinh viên dược thường gọi chị là bà Mười, lúc đầu tôi không biết là ai nhưng biết chị lập gia đình với anh Nguyễn Bá Mười nên tôi mới rõ tên mới của chị.

Mùa Thu năm 1997 tôi gặp lại chị tại Paris khi anh chị Mười tham dự tang lễ mẹ tôi. Tôi lễ phép cảm ơn chị và xin phép chị được nhắc tới chị trong bài viết về các chị Chu văn An số này. Tôi không biết tâm sự của các đồng môn Chu văn An đã từng học chung với nữ sinh ra sao . Phạm huy Thịnh tại bắc Cali, Từ Khiết tại Paris, Tâm Minh tại Washington đều là bà con cả hãy chỉ dẫn cho tôi những kinh nghiệm của các bạn. Thày Phú được tôi hỏi cũng chối từ vì thày cho biết trong thời thày học chưa bao giờ có nữ sinh cùng lớp.

Từ Uyên

Montréal 10-1997

* * *

Nói Bằng Tay

CVA Vương Tứ Cảnh

Ngay khi còn ở Việt Nam, chúng ta đã không lạ gì với một số cử chỉ ra dấu bằng tay của một số quân nhân Hoa Kỳ. Những dấu hiệu như : đưa ngón tay cái lên : “number one" hay chúc ngón tay cái xuống : "number ten" và cả dấu hiệu tục tĩu, đưa ngón tay giữa lên trời: không khác với tiếng chửi thề của chúng ta.

Tuy nhiên tại một số các quốc gia trên thế giới những dấu hiệu bằng tay này nhiều khi lại có ý nghĩa khác hẳn. Thí dụ như ở Bangladesh dấu hiệu "number one" lại là cử chỉ nhạo báng rất dễ làm người ta giận dữ và ở nhiều quốc gia thuộc khối Hồi Giáo thì cử chỉ này lại còn tệ hơn tiếng chửi tục.

Một lần Tổng Thống Nixon, khi còn là Phó Tổng Thống công du qua nhiều ngước Nam Mỹ La Tinh thì bị phản đối kịch liệt sau khi ra dấu "OK" bằng cách vòng ngón tay trỏ và ngón tay cái lại để làm thành một vòng tròn mà không biết rằng đó là một cử chỉ nhục mạ rất tệ đối với người Nam Mỹ.

Cũng cử chỉ này ở Pháp nếu bạn trả lời người dọn phòng khách sạn khi người này hỏi "tôi dọn dẹp có vừa ý không?' thì lại có nghĩa "zero" "dở lắm".

Chúng ta hẳn không lạ gì dấu đưa hai ngón tay làm thành hình chữ V của các em sói con, hướng đạo sinh khi chào nhau : hai ngón thẳng, lòng bàn tay hướng về phía trước, tượng hình cái đầu chó sói. Và cũng tương tự như của Winston Churchill trong thời kỳ đệ nhị thế chiến với ý nghĩa "Victory" : hai ngón hơi cong, lòng bàn tay vẫn hướng về phía trước, rõ ràng chữ V.

Nhưng ngược lại nếu lòng bàn tay hướng về phía mình, lưng bàn tay hướng về phía trước và dựng đứng hai ngón tay lên thì lại có nghĩa nhạo báng khác hẳn.

Chuyện xưa kể lại rằng, cách nay khoảng 650 năm trong một trận thư hùng giữa quân Anh và quân Pháp, quân Pháp vô hiệu hóa quân Anh bằng cách bắt được tên lính Anh nào là cắt phăng ngay hai ngón tay trỏ và giữa đi để hết đường giương cung, cũng tỷ như hủy hoại ngón tay bóp cò của các xạ thủ ngày nay vậy; và quân Pháp đã thắng. Nhưng sau trận Agoncourt và Crécy, quân Pháp đại bại và binh sĩ Anh thường chế nhạo các tù binh Pháp bắng cách dơ hai ngón tay trỏ lên "ngón tay ông vẫn còn nguyên đây này!"

Các Sinh Viên trường Đại Học Texas thường gấp 2 ngón tay giữa lại, dương ngón trỏ và ngón út lên để tỏ dấu thân thiện khi gặp bạn, nhưng nếu bạn ra dấu đó ở Ý thì phiền lắm : "bạn đang bị mọc sừng đấy ! " ( hoặc " chồng bà có mèo! " ).

Đối với người Việt Nam, phút từ biệt hay khi vẫy gọi, thường thì chỉ úp bàn tay xuống gãi gãi vài ngón tay trong không khí, cử chỉ thật êm ái, thương mến, thế nhưng các bạn có con nhỏ đừng nổi giận khi thấy chúng ngửa bàn tay ra, nhúc nhích ngón tay trỏ miệng lắp bắp " Dad ! dad !..."

một cử chỉ nhiều người Mỹ thường dùng, con cháu chúng ta bắt chước mà không biết rằng cử chỉ đó ở Việt Nam chúng ta chỉ dùng đẻ gọi chó. (Nhất là tay ngoắc miệng " chậc... chậc..." thì nhất định con cún phải chạy tới sơi ngay cái phần mà cháu nhỏ vừa lỡ ra nhà!)

Riêng ở Mã Lai, vô ý làm cử chỉ này thì có khi ăn đòn như chơi, cũng như ở Nhật các waiters rất khó chịu với lối gọi này; nhưng nếu ở Đức thì họ sẽ đem thêm 2 chai la de nữa.

Để ra dấu "tao thông minh ghê không?", người Mỹ đôi khi dùng ngón tay trỏ gõ gõ lên trán; nhưng nhớ rằng ở Hòa Lan thì lại có nghĩa :"thằng đó điên".

Trong khi ở Mỹ, để chỉ "thằng đó điên" người ta dùng ngón tay vòng vòng quanh thái dương, thì người bạn Á Căn Đình lại tưởng bạn muốn nói " mày có phone..."Ngược lại ra dấu nói phone thì người Mỹ gấp cả ba ngón tay giữa lại, duỗi ngón cái và ngón út ra kề vào bên tai là ai cũng hiểu. Riêng ở Hawaii, dấu hiệu này chỉ có nghĩa là "cứ thoải mái".

Khi muốn "ngưng" , chúng ta thường xòe bàn tay ra chận phía trước : "Stop ! ! ! " ; coi chừng ở Hy Lạp cử chỉ này có nghĩa là "nhào dô " và ở một số Phi châu như Maroc, Senégal, Togo....thì lại có nghĩa : "Đ...m...mày..."

Một bé trai 5 tuổi đi học ngày đầu, lớp mẫu giáo, vào lớp cô giáo trắc nghiệm trí thông minh của em, hỏi " Bàn tay con có mấy ngón ? " Em bé len lén bỏ tay trong túi quần đếm nhẹ nhàng :" 1 , 2 , 3 , 4 , 5 ,...6 "

Các bạn còn nhớ khi nói chuyện với đào lần đầu tiên không ? Chân tay thừa thãi quá, ta cứ bỏ tay túi quần dù không đếm gì cả ; nhưng cẩn thận, bỏ tay túi quần khi nói chuyện là một cử chỉ rất khiếm nhã ở Pháp, Indonésia và cả ở Nhật Bản.

Sau cùng trở lại với "ngón tay giữa đưa lên trời ", các bạn đã từng gặp mấy ông tài xế kém giáo dục đưa ra trong khi lái xe. Ước mong không bao giờ các bạn phải sử dụng đến nó, bởi vì Nha Lộ Vận thành phố San José đã từng ghi nhận trường hợp một thiếu nữ trẻ đẹp lái chiếc xe Mercedès Sport đã lái rượt đuổi theo và chận lại một tài xế xe vận tải, leo lên xe bẻ gẫy ngón tay giữa của bác tài này sau khi bị ông ta đưa ngón tay giữa vào mặt người đẹp.

Cũng như nhiều người nghĩ rằng cũng cử chỉ tồi tệ đó đã góp phần không nhỏ trong phán quyết tử hình của bồi thẩm đoàn với nghi can trong vụ sát hại em bé Polly Klaas ở thành phố Petaluma, California năm 1993. ***

* * *

PHIẾM LUẬN VỀ CÁCH XƯNG HÔ

Nguyên Đán

Là người Việt Nam, chúng ta không nhiều thì ít cũng đã trải qua những bối rối, lúng túng hoặc khó chịu về cách xưng hô.

Có người ca tụng về kiểu cách xưng hô của người Việt Nam nhưng xét cho cùng, cách xưng hô lủng củng và rườm rà của người Việt chúng ta có hại nhiều hơn có lợi.

Một trong những điều lợi là tiếng xưng hô của mình giữ được tôn ti trật tự, đáng yêu, ngọt ngào, và tình cảm hơn các tiếng nước khác. Ngoài một vài điều lợi, cách xưng hô rắc rối của người Việt chúng ta có vô số điều bất lợi như sau:

  1. 1)Quá rắc rối, phức tạp:

Ai ai chúng ta cũng đều biết cách xưng hô của người Việt Nam quá luộm thuộm, nhiêu khê và phức tạp. Rất nhiều người đã sống trên nửa đời người rồi mà trong rất nhiều trường hợp vẫn chưa biết phải xưng hô làm sao cho đúng cách và phải phép. Đó là điều bất lợi trông thấy rõ trước mắt.

  1. Làm xa cách trong vấn đề xưng hô.

Có rất nhiều trường hợp người vai trên lại quá nhỏ tuổi so với người vai dưới nên giữa đôi bên có sự ngượng miệng khi xưng hô với nhau.

Nếu trong vấn đề xưng hô có sự ngượng ngùng thì chăc chắn nó sẽ giảm bớt hoặc mất đi sự thân thiết. Người cảm thấy ngượng miệng sẽ tránh né hoặc giảm bớt trong vấn đề giao tiếp, và như thế chỉ vì cách xưng hô rắc rối mà làm xa cách đôi bên.

  1. Tạo ra tính tự kiêu, tự đại:

Cách thức xưng hô hiện nay đã làm cho nhiều người có tính tự kiêu. Những người vai trên, hoặc những viên chức trong chính quyền, hoặc những chức sắc trong hội đoàn được các người khác lễ phép, cung kính trong khi xưng hô, một số thường trở nên kiêu ngạo hoặc hống hách.

Ngoài ra ở xã hội, đáng lẽ có sự bình đẳng thì cách thức xưng hô hiện nay đã phân chia hoặc tạo ra nhiều thứ bậc, vai vế, hoặc giai cấp khác nhau thí dụ như tương quan giữa già trẻ, sang hèn, giàu nghèo, chủ thợ, v.v.

ĐỀ NGHỊ VỀ CÁCH XƯNG HÔ:

  1. Tương quan họ hàng:

Khi sự tương quan là trực hệ thì trong vấn đề xưng hô sẽ dễ dàng hơn vì chắc chắn ông bà lớn tuổi hơn cha mẹ; cha mẹ lớn tuổi hơn ta, và anh chị lớn tuổi hơn em. Tuy nhiên theo bàng hệ có những cảnh người vai trên lại nhỏ tuổi hơn vai dưới.

Nếu những người vai trên có sự cách biệt lớn hơn ta về tuổi tác thì ta cũng dễ xưng hô, nhưng nếu những nguời này xấp xỉ tuổi của ta, hoặc đôi khi còn nhỏ tuổi hơn ta thì sự xưng hô trở nên khó khăn.

Đề nghị trong những trường hợp này, ta vẫn gọi những người vai trên bằng những danh xưng thích hợp tùy theo vai vế của họ như cô, chú, cậu, dì, anh, chị, v.v, tuy nhiên thay vì phải xưng là cháu, hoặc em thì ta nên dùng chữ tôi để tự xưng. Ngược lại, quý vị ở vai trên cũng không nên tự xưng mình là chú, thím, cô, cậu, dì, anh, chị,.. mà nên dùng chữ tôi để xưng hô với người vai dưới. Người vai trên cũng không nên gọi người vai dưới bằng chữ cháu, em trong trường hợp này. Một cách hay nhất là mình gọi người vai trên hoặc vai dưới bằng danh xưng mà con mình gọi người đó. Thí dụ như nếu con cái của mình phải gọi người đó bằng bác hay chú thì mình gọi người đó bằng bác hay chú. Tương tự, để tránh cảnh khó xử trong trường hợp gặp bà mẹ vợ ngang tuổi mình thì mình gọi bằng tiếng bà. Nếu bà mẹ vợ đã lớn tuổi thì mình có thể goi bằng tiếng cụ.

  1. Tương giao giữa anh em ruột thịt:

Anh chị em mặc dù có cách biệt vai vế như người sinh ra trước là anh hay chị, người ra sau là em nhưng tất cả đều cùng một hàng (level). Hàng trên là cha mẹ, trên nữa là ông bà, và hàng dưới là hàng con cháu. Khi người em đã lớn hoặc đã có gia đình rồi thì các anh chị cũng không nên lạm dụng cái câu “quyền huynh thế phụ” để la mắng, nạt nộ người em mà chỉ nên khuyên bảo mà thôi. Chữ “quyền huynh thế phụ” chỉ áp dụng khi người em còn vị thành niên và người anh hoặc chị đã có đủ khả năng lý trí phán xét.

Theo phong tục Việt Nam, sau khi người con gái lập gia đình thì người con gái đó lệ thuộc vào gia đình bên chồng. Do đó các người anh, chị không nên la mắng, nạt nộ em gái mình, nhất là lại càng không nên làm như vậy trước mặt gia đình bên chồng của cô em gái.

  1. Tương giao giữa anh chị em họ:
  1. Người vai trên nhỏ tuổi hơn người vai dưới: Đề nghị trong trường hợp này, người vai trên không nên tự xưng bằng anh, chị và gọi người vai dưới bằng tiếng em. Nên xưng tôi và gọi người vai dưới bằng chú hoặc cô là tiếng mà con cái mình phải gọi người ấy. Người vai dưới vẫn gọi người vai trên bằng tiếng anh hoặc chị nhưng xưng tôi.
  1. Người vai dưới tuổi xấp xỉ hoặc không nhỏ hơn người vai trên bao nhiêu: Lúc đó tùy tình cảm giữa đôi bên. Bình thường ta xưng tôi với người vai trên. Nếu mình có một ơn sâu, nghĩa nặng với người vai trên như người vai trên đã cưu mang mình trong lúc mình hàn vi, trong trường hợp này mình có thể xưng em để tỏ lòng quý mến.
  1. Người vai dưới tuổi nhỏ hơn người vai trên: Người vai dưới xưng tôi hoặc xưng em trong trường hợp này cũng không sao nhưng nếu vợ của người anh họ không hơn mình bao nhiêu thì ta xưng tôi và vẫn phải gọi người đó là chị.

Một số dòng họ đã không đặt vấn đề vai vế giữa các anh em họ. Bất kể anh em thuộc dòng nào, nếu sanh trước là anh, sanh sau là em. Đây cũng là một ý kiến hay mà nhiều chi họ đã áp dụng.

  1. Tương quan giữa hai anh em cột chèo:

Khi hai người đàn ông lấy hai chị em gái, hai người đàn ông đó trở nên hai anh em cột chèo mà tiếng miền Bắc gọi là hai anh em đồng hao. Rất nhiều người quan niệm anh em cột chèo không có vai vế, chẳng ai là anh, mà cũng chẳng có ai là em, tương quan giữa hai người ngang nhau. Tuy nhiên cũng có một số người thuộc thế hệ xưa cho rằng trên lý thuyết, giữa anh em cột chèo cũng có vai vế. Trên thực tế, hai người đàn ông này chẳng có liên hệ máu mủ, ruột thịt họ hàng gì với nhau nên hai người đàn ông đó chỉ là bạn, một người chèo trước, một người chèo sau mà thôi.

Tốt nhất nếu tuổi tác không quá chênh lệch, hai anh em cột chèo nên lấy tình bạn ra mà đối xử với nhau, coi nhau như bạn và xưng hô với nhau như thể hai người bạn để cả hai đều thoải mái dễ chịu trong vấn đề xưng hô.

  1. Xưng hô giữa anh vợ, chị vợ đối với em rể:

Khác hẳn với anh em con chú, con bác hay con cô, con cậu, lúc nào họ cũng là anh chị em vì có liên hệ máu mủ ruột thịt, tuy nhiên sự liên hệ giữa anh rể, em rể với gia đình bên vợ chỉ qua một tờ giấy hôn thú. Anh ngữ dùng tiếng “in-law” để chỉ sự liên hệ này như mother-in-law, sister-in-law, brother-in-law, v.v. Tục ngữ ta có câu “rể là khách”, do đó các người anh vợ, chị vợ cũng nên tế nhị trong cách xưng hô đối với em rể.

Trường hợp anh vợ hoặc chị vợ tuổi xấp xỉ hoặc không hơn người em rể bao nhiêu: Anh vợ hoặc chị vợ không nên tự xưng bằng anh hay chị mà nên xưng tôi và gọi người em rể bằng chú là tiếng mà con cái của họ phải gọi người em rể. Người em rể vẫn phải gọi anh vợ, chị vợ bằng tiếng anh, chị cho thích ứng, tuy nhiên không xưng em mà xưng tôi.. Các anh vợ, chị vợ không nên nghĩ rằng vì người em rể lấy em gái mình nên mình nghiễm nhiên trở thành vai trên. Giả sử người em rể đó không lấy em gái mình thì bây giờ tất cả cũng chỉ là bạn. Hoặc giả cuộc tình duyên giữa đường đứt gánh, sự liên hệ pháp lý giữa em rể với chị vợ, anh vợ sẽ không còn nữa mà lúc đó chỉ còn cái tình nghĩa để đối xử với nhau mà thôi.

  1. Tương giao giữa bạn bè:

Giữa bạn bè với nhau lúc còn trẻ, chúng ta nên xưng hô bằng tiếng anh, chị & tôi. Khi về già, bạn bè có thể thay đổi cách xưng hô với nhau. Không nên gọi bạn mình bằng tiếng bác trong khi họ vẫn gọi mình bằng tiếng cụ. Lúc còn nhỏ, chúng ta có thể xưng hô mày, tao với nhau nhưng khi đã lớn, chúng ta không nên tiếp tục xưng hô như vậy nữa. Càng không nên xưng hô mày tao trước mặt gia đình của bạn mình hoặc trước đám đông.

BÀN LUẬN THÊM VỀ CÁCH XƯNG HÔ:

Về tiếng thằng, nó & con: Bình thường khi người vai dưới đã trưởng thành, người vai trên không nên gọi người vai dưới băng chữ nó, hoặc gọi bằng tiếng thằng này con nọ. Nhất là người vai dưới đã có gia đình thì lại càng nên tránh dùng mấy thứ tiếng trên.

Về tiếng mày , tao: Không nên gọi thuộc cấp hoặc đàn em của mình bằng tiếng mày, tao. Không nên lạm dụng cái cấp bậc, tuổi tác, hoặc chức tước của mình để đè người dưới bằng cách xưng tao và gọi dưới bằng mày trong khi những nguời dưới không dám xưng hô mày, tao lại. Các bậc anh chị cũng không nên xưng hô mày tao với em mình khi họ đã lớn tuổi hoặc đã có gia đình hoặc trước đám đông..

Thời trước kia ngoài Bắc, các cụ thường gọi các người thành niên đã có gia đình bằng tiếng ông, bà. Thời này, cách xưng hô xáo trộn. Khi gặp một người lạ nhỏ tuổi hơn, một số người thường ngang nhiên gọi người đó là em và tự xưng là anh hay chị. Mặc dù mình lớn tuổi hơn nhưng mình chẳng có họ hàng và cũng chẳng là gì đối với họ cả nên ngang nhiên gọi người đó là em và tự xưng là anh hay chị là trịch thượng và rất kỳ cục. Cũng không nên gọi bằng tên vì làm như vậy, mình ngầm nói với họ rằng giữa anh và tôi không có sự bình đẳng: anh là vai dưới, tôi là vai trên. Mà thật ra đã chắc gì ai đã hơn ai ngoài việc người sinh trước, người sinh sau.

Không nên gọi người bạn đồng nghiệp bằng tiếng em. Một mai kia, người bạn đồng nghiệp của mình lên làm xếp lớn, trong những buổi họp quan trọng, chẳng lẽ mình cứ gọi người đó bằng tiếng em ? Chúng ta cũng không nên xưng em với cấp trên của mình vì thấy có vẻ qụy lụy quá. Nếu một mai kia, mình được thăng chức cao, rồi ông hay bà xếp cũ của mình nay lại làm việc trực thuộc dưới quyền mình thì lúc đó mình sẽ rất khó xử.

Đề nghị chúng ta nên dùng tiếng tôi để xưng hô trong mọi truờng hợp tổng quát thí dụ như với các người lạ, hoặc với xếp của mình và những bạn đồng nghiệp. Đối với những người lớn tuổi hoặc có chức tước, chúng ta vẫn gọi những quý vị ấy bằng những tiếng thích hợp như cụ, ông, bà, thầy, anh, chị nhưng chúng ta xưng bằng tiếng tôi. Như vậy có nghĩa là để tỏ lòng kính trọng, tôi gọi quý vị băng những danh xưng thích hợp, tuy nhiên tôi cũng có cái “tôi” của tôi.

Cách xưng hô cũng được thay đổi theo thời gian. Chẳng lẽ ông lão 90 mà vẫn còn gọi ông lão 80 bằng tiếng em hoặc hai ông cụ 70 tuổi mà vẫn còn mày tao với nhau thì rất kỳ. Lúc trẻ hai cặp vợ chồng son có thể gọi nhau bằng những tiếng rất rất ngọt ngào trìu mến nhưng đến khi về chiều, con cháu đã lớn, đa số các cặp vợ chồng đều dần dần thay đổi cách xưng hô.

Một số người thường coi người em của bạn mình hoặc coi các bạn bè của em mình là vai dưới và tự xưng là anh hay chị và gọi những người đó bằng em. Suy ngẫm ra, nếu mình là bạn của anh hay chị người đó, không có nghĩa mình là vai trên và người đó là vai dưới hoặc các bạn bè của em mình không nhất thiết họ là vai dưới. Vì không có tương quan họ hàng nên mình với những người đó chẳng ai có vai vế hơn ai. Thời xưa, có nhiều phu nhân của các Tướng Tá đã coi các sĩ quan thuộc cấp của chồng mình là đàn em. Đúng ra, các sĩ quan kia là thuộc cấp của ông tướng chứ nào phải thuộc cấp của bà tướng đâu ?

Có nhiều người gọi người bạn bằng tiếng anh nhưng gọi vợ bạn bằng tiếng em thay vì tiếng chị. Có nhiều người chỉ quen với người vợ và quen gọi cô này bằng tiếng em, đến khi lần đầu tiên gặp người chồng, chẳng biết người ta bao nhiêu tuổi, cũng vơ đũa cả nắm, gọi bằng em luôn ! Khi gởi thiệp cưới, thay vì mời vợ chồng người ta bằng tiếng anh chị hay ông bà thì lại bất lịch sự ghi trong thiệp mời là hai em mặc dù tuổi người chồng cũng chẳng thua kém người gởi thiệp bao nhiêu ! Nhiều người nói chuyện qua điện thoại, chưa biết tuổi tác người bên kia, cứ tự xưng mình là ông và gọi người đầu dây kia bằng anh hoặc em ! Tốt nhất nên xưng tôi và nghe thấy giọng của người đầu dây bên kia có vẻ lớn tuổi, ta gọi bằng ông, bà hay cụ.

Một điểm nữa cũng nên được nói tới là sự xung đột giữa hai văn hóa về vấn đề xưng hô. Một trường hợp đã xảy ra là có hai chú cháu cùng làm trong một công ty. Trong một cuộc nói chuyện có hai chú cháu và mấy người bạn Mỹ đồng nghiệp, người cháu khi nhắc tới người chú chỉ nói tên người chú ra mà thôi. Thí dụ người cháu nói: “Nam has done it”. Người chú giận người cháu vì theo phong tục Việt Nam phải nói “ Uncle Nam has done it” .

Khi ra đời, thông thường chúng ta nên xưng tôi với tất cả mọi người. Đặt trường hợp một mai kia một ông thủ tướng trẻ đi kinh lý, gặp các bô lão, thân hào nhân sĩ, ông ta sẽ xưng tôi chứ chẳng lẽ ông ta lại xưng em ?

KẾT LUẬN:

Như chúng ta cũng đã thấy, tiếng Việt xưng hô cực kỳ rắc rối và phức tạp. Cũng vì vấn đề xưng hô không đúng cách mà nhiều người giận hờn nhau, cãi vã nhau, và xa cách nhau.

Trong vấn đề vai vế, mỗi người đều phải làm đúng cái bổn phận và trách nhiệm của mình. Khi người vai dưới đã làm tròn bổn phận của người vai dưới thì người vai trên cũng phải làm đúng vai trò của một người vai trên. Tất cả đều phải có hai chiều. Người vai trên nên rộng lượng, bao dung, không nên kiêu căng với cái hư vị vai vế của mình để coi thường kẻ dưới và bắt họ phải phục tòng.. Trong vấn đề xưng hô rắc rối hiện nay, chúng ta cần có sự khiêm tốn, tế nhị và tương kính lẫn nhau. Như vậy tình cảm đôi bên sẽ bền chặt và đằm thắm hơn.

* * *

Cánh Bướm Ngẩn Ngơ

Ông Tường đang thong dong trên chiếc xe đạp thể thao nội hóa dọc một trục đường chính của thành phố. Ông vừa xong bữa tập dưỡng sinh buổi sáng nơi công viên, và vừa tự đãi mình một tô phở thật ngon. Bây giờ thì ông đang ở trong trạng thái vô thức mọi khi mỗi lần đạp xe trên đường phố. Một sự làm việc tối thiểu của tất cả các phần cơ thể. Một cách thiền hiện đại của riêng ông.

Xe đang đến một ngã tư nhộn nhịp. Lúc đó là vào giờ cao điểm buổi sáng. Xa cộ chật kín đường. Đèn giao thông còn đang đỏ trên trục của ông. Và ông trông thấy phần lưng của một cô bé đi chiếc xe đạp mini ngay trước mặt. Cô bé có cái dáng dấp tiêu biểu của một cô nữ sinh đầu cấp ba, dù có vài chi tiết làm ông ngờ ngợ. Cô mặc một cái áo chemise màu xanh ve pha xám rất nhạt và một cái quần jean màu xanh lơ cũng rất nhạt. Ông bị cuốn hút bởi vẻ đẹp đơn sơ và cổ điển của chiếc áo và sự hòa hợp tuyệt vời của nó trên thân hình cô gái. Áo may theo kiểu thời trang, vai xuôi, hai ống tay bồng ngắn bó lại nơi khuỷu tay. Suốt phần lưng chỉ có một đường nối duy nhất trễ xuống thật thấp nơi phần cuối bả vai. Ngoài ra là hai mối nối thân áo với hai phần tay bồng cũng rất trễ, thành ra cái áo chỉ như là được ghép bằng bốn mảnh vải trơn. Giản dị đến không ngờ, nhưng vô cùng mỹ thuật.Không hiểu đó là mốt do người Sàigòn chế ra hay được nhập cảng từ đâu đến. Ao sạch bong, là ủi phẳng phiu, che đậy tuyệt vời thân hình nhỏ xinh của cô gái. Lờ mờ sau làn vải mơ màng, có thể thấy thoáng nét của dây nịt e lệ phía trong.

Chiếc quẩn jean phía dưới bổ xung cho bức tranh cổ điển của cô bé, và toàn bộ y phục cho thấy một nhân cách tinh khôi trong suốt, sạch sẻ, gọn ghẽ, tinh tươm, rất Việt Nam, rất hiện đai, và rất "học trò". Duy có mái tóc khá dài tết thành bím hờ hững vắt qua vai lên phần ngực bên phải nhắc cho người ta là chớ nên chủ quan mà coi nàng như một cô bé con.

Bị thôi thúc bởi một đòi hỏi mỹ cảm khơi gợi từ phần sau lưng cô gái, ông Tường trờ xe lên phía bên trái nàng để nhìn cho rõ mặt. Cô bé lướt nhanh qua ông. Và ông chựng lại như bị điện giật. Trời ơi! Một búp sen! Vâng, một búp sen hồng hàm tiếu trong trang phục màu xanh. Ông Tường lặng người trước vẻ tươi non của gương mặt cô gái. Gò má ửng hồng như đào vừa chín tới, cặp mắt to long lanh, lông mi cong vút, mũi dọc dừa hơi nhỉnh lên, làn môi đỏ thắm hé nở đầy gợi cảm nhưng không hề lẳng lơ. Toàn thân cô gái toát lên vẻ đẹp gợi mở, dung dị mà như thiên thần. Một bông hồng Đà Lạt ngay giữa trời Sàigòn mùa Giáng Sinh.

Thế nhưng bây giờ đèn xanh đã bật. Tuy ngơ ngẩn trước dung nhan cô gái, ông Tường không cho phép mình sa đà như trước kia. Đã đến lúc ông phải quẹo trái, dù cô gái có đi theo hướng nào. May sao, cô gái cũng quẹo trái cùng với ông. Ông biết thế khi cố tình đi chậm lại và thấy nàng vượt xe lên qua mặt ông. Và ông lại có dịp tiếp tục thú vui âm thầm của mình bằng cách đạp xe từ từ theo sau nàng. Đôi chân nàng khép nhẹ nhấn đều thoăn thoắt trên pê đan, là một hình ảnh mà đối với riêng ông có lẽ mãi mãi không thể quên được về phong cách dễ thương và quyến rũ đến mê hồn của một cô gái Sàigòn. Ông không thể biết cô gái có ý thức được rằng một người nào đó đang ở sau lưng cô không. Cô bé vẫn nhẹ nhàng đạp xe, tuy đôi khi có vẻ như ngoái lại phía sau một chút.

Lại đến một ngã tư. Ông Tường lại có dịp trờ xe tới. Nhưng lần này ông chỉ nhìn cô gái kín đáo, không cho nàng biết là ông đang chú ý đến nàng. Như hai người đồng hành tình cờ của bất cứ dòng lưu thông xe cộ nào nơi thành phố củ những chiếc xe đạp đầy cá tính này. Đèn xanh lại bật. Cô gái lại đạp tới. Ông nhìn nàng không chán mắt. Và thầm thán phục khiếu thẩm mỹ tinh tế đến siêu việt của người Sàigon. Trước mắt ông là cái gì tiêu biểu cho thành phố ông yêu, cho cái gì mà ông tin là chuẩn mực của cái đẹp trong nghệ thuật và trong cuộc sống.

Lại đến một ngã tư. Lần này thì ông dừng xe sau cô gái để nàng khỏi khám phá ra sự có mặt của một người lạ đang chăm chú theo rõi và ngắm nhìn đến mê mệt những đường cong tuyệt mỹ của một nàng tiên giáng trần. Đèn lại bật xanh. Cô gái lại cùng dòng xe lướt tới. Nhẹ như tơ. Phải, ông Tường thầm xác định lại với chính mình,một bông hoa hàm tiếu. Có thể thấy điều đó trong tất cả các bộ phận của thân thể nàng. Trong cả dáng dấp lúc đạp xe. Ông muốn kính trọng sự ngây thơ thánh thiện đó.

Lại đến đèn đỏ, Nhưng lần này sẽ phải là lần cuối cùng. Lại đã đến chỗ ông phải quẹo xe. Ông vẫn ước mơ cô gái cũng sẽ quẹo xe như ông. Nhưng không. Đèn đã lại xanh, và cô gái tiếp tục đi thẳng. Quẹo xe rồi, ông Tường mới thấy một niềm luyến tíếc mông lung. Phải chăng ông đã nên tiếp tục đi theo cô gái? Ông không ngại một quãng đường dài hơn., nhất là quãng đường lại được lát bằng hoa bướm như thế. Điều mà ông ngại là cô bé có thể luống cuống run sợ, ngay cả hoảng hốt, khi một lúc nào đó bất chợt nhận ra sự hiện dịện không bình thường và kéo dài của ông bên cạnh cô. Nó sẽ có nghĩa như là một sự xâm phạm của một bước chân phàm tục vào ngưỡng cửa thiên đường.

Nhưng rồi, phải chăng ông đã quá chân phương trong nếp suy nghĩ cố hữu của mình? Phải chăng đang lẽ ông cứ phải nhấn lên và bắt đầu gợi chuyện với cô bé học trò? Sự thể nếu có cũng đâu đến nỗi quá nặng nề tội lỗi như ông có thói quen quan niệm? Ông bắt đầu tưởng tượng ra một cuộc đối thoại có thể có giữa hai người:

- Xin lỗi cháu, cháu mặc cái áo đẹp quá. Cháu may ở đâu thế?

- Dạ, ở...

- Áo may vừa cháu quá. Chú có cô cháu gái trạc bằng tuổi cháu. Chắc chú phải dẫn nó đi may một cái áo như của cháu mới được.

-

Thôi, đủ rồi! Đừng có mà nghĩ lơ mơ. Mình là con bướm đang sắp sửa biến thành Trang Chu được rồi đấy. Còn cứ muốn khuấy động thêm làm gì nữa đây.

Ấy thế mà... chậc!

Và cuộc đời bước tới. Như bông hoa cô gái mang theo. Và cánh bướm vấn vương là ông không hoàn toàn thảnh thơi giữa Sàigòn một mùa Giáng Sing mát rượi không gian và mát rượi cõi lòng. Ông Tường chợt mỉm cười khi bất giác nhớ lại bài thơ ngũ ngôn tuyệt cú đời Đường mà kỳ lạ thay, chỉ mới đây thôi, một bậc lão nho đã ngâm nga, bình giải và diễn dịch ra thể lục bát cho ông nghe:

Kim nhật hoa tiền ẩm

Cam tâm túy sổ bôi

Đãn sầu hoa hữu ngữ

Bất vị lão nhân khai.

Dịch

Hôm nay uống rượu trước hoa

Có say dăm chén cũng là khó coi

Chỉ e hoa mỉm miệng cười:

Nở ra đâu phải vị người răng long!

Răng mình đã sắp long chưa, ông thích thú tự cười mình. Có điều ông biết chắc: "đóa mẫu đơn" của ông sẽ vẫn làm cho ông say mềm bằng thứ rượu không tên mà mọi người đều hiểu.

Anh Như

* * *

RAINFALL

It’s raining

Every drop on the roof tiles

gives a delightful note

and together they form a melody

so harmonious

The rain water sends fallen leaves

down to the ditches

Later in the afternoon

it begins to cool a bit

and the birds begin to enjoy

the coziness of their nests

on the branch of a tree

Pedestrians with umbrellas in their hands

hurriedly walk home along the sidewalk

Some children are splashing

in the puddles left by the rain

making their coats dirty

a few race cars pass by

shredding the water on the wet road

as if they would rather be motorboats

Slowly, a light breeze

sweeps away the rain

and the sky again

becomes as clear blue as before.

Lily Le

MƯA RƠI

Trờ đang mưa

Từng giọt rơi trên mái ngói

âm vang nốt nhạc tươi vui

tiếng mứ dào dạt như một bài ca

êm ái

Mưa làm lá cuốn tả tơi

rơi xuống rãnh mương

Rồi trở về chiều

trời đất bắt đầu tươi mát

và những con chim bắt đầu vui hưởng

cái tiện nghi của tổ ấm trên cành

Những người bộ hành tay cầm ô

vội vã bước về nhà trên những vỉa hè Vài đứa trẻ con vầy nước

trong những vũng mưa còn đọng lại

làm áo lấm lem

Vài chiếc xe đua vụt chạy qua

xẻ nước trtên mặt đường trơn ướt

như những chiếc thuyền máy chạy trên sông

Một cơn gió nhẹ thổi qua

cuốn đi hết những giọt mưa

và trời trở lại bắt đầu

xanh trong như hồi trước đó..

Thy Vũ

dịch

LỤC BÁT BỐN MÙA

Mùa Xuân em mặc áo hồng

Cùng me đi lễ chùa trong nắng vàng

Trên đường bướm trắng tung tăng

Vờn trên những cánh hoa vàng xinh xinh

*

Hạ sang em khoác áo xanh

Xa thầy - xa thảm cỏ xanh sân trường

Chợt nghe một thoáng tơ vương

Nhớ thương một thuở sân trường bướm tan

*

Thu sang em mặc áo vàng

Chân nai nhẹ bước dưới hàng cây sao

Gió ru lá ngủ trên cao

Như lời mẹ hát năm nào - võng đưa

*

Đông về chợt nhớ ngày xưa

Em thay áo tím, tóc vừa ngang vai

Dịu dàng cắp sách trên tay

Em đi gió bỗng thôi bay - thẫn thờ.

Từ Lệ Dung

* * *

CÁI TA MÂU THUẪN

Bài thơ này của một CVA khiêm nhường

muốn được gọi là Khuyết Danh

*

Ta chẳng nghĩ đến ta

Nhưng vẫn muốn có cái ta

Suốt đời chỉ thích ba hoa

Nên chẳng làm gì được cho ta

Đến khi gần sắp ra ma

Mới tự hỏi ta có phải là ta hay là ma

Không, ta vẫn là ta

Ta phải sống cho ta

Ta phải trả tiền nhà

Vì cái nhà không phải của ông cố ông cha

Nên nó cứ đòi ta

Thôi đành hết ba hoa

Chỉ còn biết kêu ca

Không đứa nào thèm nghĩ đến ta

Còn ta, ta nghĩ không ra

Suốt đời ta không mua nổi một mái nhà!

* * *

LTS: Bài thơ dưới đây của cháu Phạm Tú Kim, con gái út của CVA Phạm Nguyên Khôi.

Color Poem

Phạm tú Kim, 5th grade

I am the color of the morning rainbow

My father is the color of the winter snow

My mother is the color of a red rose

My brother is the color of a yellow glow

My friend Nancie is the color of my colorful clothes.

Bản dịch của Trần Minh Phương:

Thi sắc

Em là màu cầu vồng buổi sáng,

Cha là màu tuyết trắng mùa đông,

Mẹ là màu rực rỡ hoa hồng,

Anh là màu ánh vàng lóng lánh,

Còn nhiều lắm những sắc màu óng ánh

Như rực rỡ màu quần áo em là hình ảnh bạn Nancie.

* * *

Internet là gì ?

Lương Anh Dũng

Xử dụng Internet, David, một thầy giáo ở Hoa Kỳ thu thập được các bài vở trong việc soạn giáo án giảng dạy. Một người cha ở Gia Nã Đại dùng nó để liên lạc với cô con gái ở Nga. Loma, người vợ nội trợ, dùng nó để tham khảo trong một nghiên cứu khoa học về thời kỳ nguyên khai của vũ trụ. Người nông dân dựa vào Internet để tìm kiếm các phương pháp canh tác. Các cơ sở thương mại bắt đầu tận dụng nó để quảng cáo các sản phẩm và dịch vụ tới hàng triệu khách hàng. Dân chúng ở khắp thế giới đọc các bản tin quốc gia và quốc tế mới mẻ nhất nhờ vào Internet.

Internet hoặc Net là gì? Bạn có thật sự cần đến nó? Trước khi bạn quyết định “đi vào” Internet, bạn cần phải biết một số điều về nó. Bất chấp các lời quảng cáo, các tiện nghi do nó đem lại, ngoài ra cũng có một số điều cần phải lưu ý.

Internet là chữ viết tắt của International Network (mạng lưới quốc tế). Internet là mạng lưới các computer kết hợp lại với nhau. Internet cho phép bất cứ người nào đó ngồi tại máy computer và trao đổi tin tức với máy computer và người sử dụng máy computer khác ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Một số người so sánh Internet như là siêu xa lộ về thông tin. Giống như là một con đường cho phép đi lại khắp mọi nơi trong một quốc gia, Internet cho phép tin tức truyền đi đến nhiều mạng lưới computer có liên hệ với nhau.

Internet được khởi đầu như là một thử nghiệm của bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ (The U.S. Department of Defense) vào thập niên 1960 để giúp cho các khoa học gia và các nhà nghiên cứu từ các nơi khác nhau nhưng cùng làm chung một đề án có thể chia xẻ các hồ sơ, tài liệu, đồng thời cũng tiết kiệm tiền bạc vì computer vào thời này rất mắc mỏ. Để làm được điều này cần phải thiết lập một mạng lưới computer.

Chiến tranh lạnh đã dẫn đến sự chú ý đến một mạng lưới “chống bom nổ” (bombproof) có nghĩa là nếu như một phần của mạng lưới bị phá hủy, các dữ kiện vẫn có thể di chuyển đến phần khác của mạng lưới. Nói tóm lại, các dữ kiện trong hệ thống Internet không chỉ tập trung tại một chỗ mà nó sẽ phân phát đi khắp nơi trong hệ thống.

Hai mươi năm trôi qua, một cải tiến mới trong hệ thống Internet đã được ra đời. Đó là một dụng cụ nhu liệu (software tool) làm đơn giản cách sử dụng và cho phép người sử dụng Internet “thăm viếng” bất cứ phần nào trong hệ thống.

Mỗi một mạng lưới (network) có thể “nói” với các mạng lưới kế bên bằng cách theo các điều lệ được lập ra bởi những người thiết kế Internet. Toàn thế giới, có bao nhiêu mạng lưới được móc nối với nhau? Một số phỏng đoán cho rằng có trên 30,000. Theo như các thăm dò mới đây, những mạng lưới này móc nối hơn 10 triệu máy computer và có khoảng 30 triệu người sử dụng trên khắp thế giới. Có sự tiên đoán rằng con số các máy computer được móc nối sẽ tăng lên gấp đôi mỗi năm.

Người ta sẽ tìm được gì trong Internet? Hầu như các dữ kiện, kiến thức về y học, khoa học và kỹ thuật sẽ được tìm thấy trong Internet. Nó là nguồn cung cấp tài liệu cho các học sinh muốn tham khảo về một vấn đề nào đó. Internet cũng có đầy đủ các chi tiết về giải trí, thể thao, văn nghệ, mua sắm, và việc làm. Nó cũng tạo dễ dàng trong việc tham khảo các từ điển, bách khoa từ điển, các niên lịch, và bản đồ.

Tuy vậy có một số điều cần phải xem xét. Tất cả mọi thứ trong Internet là lành mạnh? Các dịch vụ và sự đa dạng của Internet mang lại? Cần phải đề phòng? Những câu hỏi này sẽ được trả lời sau đây:

Dịch vụ và sự đa dạng của Internet

Sự đa dạng đầu tiên của Internet là hệ thống nhận và gởi thơ từ điện tử (electronic mail), gọi tắt là E-mail trên khắp thế giới. Thật ra, E-mail tiêu biểu cho phần lớn các sự truyền thông trong Internet. Sự truyền thông này diễn tiến ra sao? Để trả lời câu hỏi này, hãy xem xét hệ thống phân phát thơ từ ở bưu điện.

Thử tưởng tượng bạn sống ở Gia Nã Đại và muốn gởi một lá thơ đến cho cô con gái bạn ở Mạc Tư Khoa. Sau khi viết đầy đủ địa chỉ, bạn gởi thơ đi, bắt đầu cuộc hành trình của lá thơ. Tại một trạm bưu điện, lá thơ được chuyển đi đến địa điểm kế tiếp, có thể là trung tâm phát thơ từ, và rồi thì lá thơ sẽ đến một bưu điện gần chỗ con gái bạn sống.

Cũng tương tự cho E-mail. Sau khi lá thơ bạn đã viết xong trong máy computer, bạn phải xác định rõ địa chỉ E-mail của cô con gái bạn. Một khi bạn gởi lá thơ điện tử này, nó sẽ truyền đi từ máy computer của bạn qua trung gian của modem [mo(dulator) + dem (odulator)] là dụng cụ để phát đi các dữ kiện trong máy computer bằng đường dây điện thoại. Khi nó di chuyển, sẽ đi qua nhiều computer khác giống như các bưu điện địa phương và cô con gái của bạn có thể nhận được ở máy computer của cô ta.

Không giống như thơ từ thường, E-mail luôn luôn đến địa điểm phân phát, ngay cả ở lục địa khác, trong vài phút đồng hồ hoặc ít hơn trừ khi một phần nào đó của hệ thống bị bận hoặc tạm thời bị trục trặc kỹ thuật. Khi cô con gái của bạn xem xét thùng thơ điện tử, cô ta sẽ nhận ra E-mail của bạn. Tốc độ của E-mail và sự dễ dàng để gởi đến nhiều người nhận khắp nơi trên thế giới làm cho E-mail trở thành một loại truyền tin nổi tiếng.

Tổ hợp tin tức

Dịch vụ nổi tiếng khác là Usenet. Usenet có thể nhận được các buổi tranh luận về một số đề tài nào đó. Một số các tổ hợp tin tức tập trung về sự mua bán nhiều vật dụng hàng ngày. Có hàng ngàn các tổ tin tức và miễn phí cho người sử dụng.

Thử tưởng tượng người nào đó gia nhập một tổ tin tức có liên hệ đến sưu tầm tem. Khi mà một tin tức về môn sưu tầm này được gởi đến bởi người khác, tin tức này sẽ trở thành hữu ích cho tất cả các hội viên. Mỗi hội viên không những chỉ xem những gì mà người nào đó đã gởi tới cho tổ tin tức mà còn cả những câu trả lời nữa.

Dịch vụ khác nữa là Bulletin Board System (BBS). BBS tương tự như Usenet, ngoại trừ các hồ sơ lưu trữ tại một máy computer, thường bảo trì bởi một người hay một nhóm. Các tiết mục của tổ tin tức phản ảnh nhiều quan điểm và giá trị tinh thần của những người sử dụng nó.

Chia sẻ hồ sơ

Một trong những mục tiêu nguyên thủy của Internet là chia sẻ các tin tức thế giới. Thầy giáo nói ở phần trước của bài báo này tìm được nhà giáo dục khác trong Internet sẵn sàng chia sẻ các giáo án chỉ trong vòng vài phút đồng hồ, bất chấp khoảng cách 2,000 dặm Anh.

Sự giúp đỡ nào có sẵn khi người nào đó không biết ở đâu đề tài có thể tìm thấy trong Internet? Giống như chúng ta tìm số điện thoại trong cuốn điện giám, người sử dụng có thể tìm địa điểm đáng quan tâm trong Internet bằng cách đi vào địa điểm tìm kiếm. Người sử dụng chỉ việc cung cấp một chữ hay một câu, rồi thì địa điểm tìm kiếm sẽ trả lời với danh sách các địa điểm mà tin tức có thể tìm ra. Thông thường, việc tìm kiếm miễn phí và chỉ mất vài giây đồng hồ!

Người nông dân đề cập trước đây trong bài này nghe nói kỹ thuật canh tác mới qua sự sử dụng máy computer và các bản đồ do vệ tinh cung cấp. Qua sự sử dụng Internet, ông ta tìm ra tên của những nông dân khác cũng sử dụng phương pháp canh tác mới và đầy đủ chi tiết về nó.

Di chuyển trong Internet

Bằng cách sử dụng nhu liệu Web, một người nào đó có thể dễ dàng và nhanh chóng nhìn thấy các tin tức và các hình ảnh đầy màu sắc được lưu trữ ở các máy computer tại nhiều quốc gia khác. Sử dụng nhu liệu Web giống như là thật sự đi du lịch.

Các cơ sở thương mại và nhiều tổ chức hội đoàn trở nên lưu ý đến Web như là phương tiện để quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ cũng như cung cấp nhiều loại tin tức khác. Họ lập ra các trang Web, một loại bảng quảng cáo điện tử. Một khi trang Web của một cơ sở nào đó được biết đến, các khách hàng có thể đặt mua hoặc xem qua các tin tức. Tuy nhiên cũng giống như các thương trường khác, các sản phẩm dịch vụ hoặc tin tức được cung cấp trong Internet đều không phải là hoàn toàn lành mạnh.

Các nhà nghiên cứu đang tìm cách làm Internet đủ đảm bảo an toàn cho sự kín đáo và các giao dịch thương mại. Một hệ thống Internet quốc tế khác - Internet II - đang được xúc tiến bởi vì sự gia tăng các giao dịch thương mại ngày càng nhiều.

Mục trò chuyện trong Internet

Một dịch vụ khác trong Internet là Internet Relay Chat, gọi tắt là Chat. Chat cho phép một nhóm người, sử dụng tên tuổi giả mạo, để gởi các lời nhắn tin đến các người khác ngay lập tức. Được sử dụng bởi nhiều hạng tuổi khác nhau, nhưng phổ biến nhất là trong các giới trẻ. Một khi được nối tiếp, người sử dụng có thể nói chuyện được với nhiều người khác từ khắp nơi trên thế giới.

Cái gọi là chat room (phòng trò chuyện) hoặc chat channel (băng tần trò chuyện) được lập ra bao gồm các tiết mục chính chẳng hạn như khoa học giả tưởng, phim ảnh, thể thao, hoặc chuyện lãng mạn. Tất cả các lời nhắn tin được đánh vào chat room sẽ xuất hiện hầu như cùng một lúc trên màn ảnh máy computer của các người tham dự trong chat room.

Chat room gần giống như là buổi tiệc họp mặt nhau lại để trò chuyện cùng một lúc, ngoại trừ tất cả phải đánh máy những lời nhắn tin ngắn gọn. Chat room hoạt động liên tục 24 giờ trong ngày.

Ai trả lệ phí Internet ?

Bạn tự hỏi :”Ai trả lệ phí cho những truyền tin trên Internet?” Tốn phí được chia sẻ bởi những người sử dụng, cơ sở và cá nhân. Tuy nhiên, người sử dụng không nhất thiết phải nhận được hóa đơn điện thoại viễn liên, ngay cả trường hợp người đó tìm kiếm các địa điểm trên thế giới.

Hầu như các người sử dụng đều có một trương mục với người cung cấp dịch vụ Internet ở địa phương nơi họ ở, và người này sẽ gởi hóa đơn tính tiền lệ phí cố định hàng tháng đến khách hàng. Các người cung cấp dịch vụ thường cung cấp số điện thoại địa phương để tránh những lệ phí phụ trội. Lệ phí hàng tháng cho dịch vụ Internet là $20 Mỹ kim.

Như bạn thấy, sự đa dạng của Internet thật là to lớn. Nhưng bạn có nên sử dụng siêu xa lộ thông tin này?

Bạn thật sự cần Internet ?

Bạn có nên sử dụng Internet? Dĩ nhiên, đây là vấn đề riêng tư mà bạn phải cân nhắc kỹ lưỡng. Động cơ nào có thể gây ảnh hưởng đến quyết định của bạn?

Hầu như sự tăng trưởng của Internet là do sự quảng cáo của giới thương nghiệp trên thế giới. Rõ ràng, động cơ thúc đẩy họ là tạo ra sự cần thiết. Một khi điều cảm nhận cần thiết này được phát triển, một số các cơ sở đoì hỏi thẻ hội viên hoặc tiền đặt mua cho cả năm về tin tức và dịch vụ mà lúc khởi đầu hoàn toàn miễn phí. Lệ phí này là phần thêm vào tiền bạn phải trả cho dịch vụ Internet hàng tháng.

Bạn có thử tính toán phí tổn của dụng cụ và nhu liệu đối chọi với sự cần thiết thật sự của bạn? Các thư viện công cộng hoặc trường học có phương tiện để đi vào Internet? Sử dụng những nguồn tài lực này trước hết có thể giúp bạn lượng định được sự cần thiết của bạn mà không phải bỏ tiền ra để mua máy computer và các trang bị khác. Có thể là các Internet công cộng có thể sử dụng được, nếu cần thiết, cho tới khi rõ ràng là những nhu cầu này thực sự là cần. Nên nhớ rằng, Internet tồn tại cách đây 20 năm trước khi dân chúng biết đến nó.

An toàn - Điều riêng tư của bạn được bảo vệ ?

Điều quan tâm khác là sự riêng tư. Thí dụ, lời nhắn tin E-mail của bạn chỉ được thấy bởi người nhận. Trong khi lá thơ di chuyển, dầu sao đi nữa, một người nào đó có thể sẽ đọc thơ của bạn. Để bảo vệ các lời nhắn tin, một số người sử dụng các nhu liệu E-mail để làm rối loạn các phần trong những lời nhắn tin trước khi gởi đi. Ở phía bên kia, người nhận chỉ cần một nhu liệu tương tự để phá bỏ sự rối loạn.

Mấy lúc gần đây, nhiều cuộc tranh luận đã tập trung về sự trao đổi các thẻ tín dụng và nhiều tin tức riêng tư dùng vào thương mại trong Internet. Mặc dù có nhiều cải tiến đáng kể có thể làm gia tăng sự an toàn, nhưng nhà phân tích về an ninh của computer cho biết :”Một hệ thống computer tuyệt đối an toàn là điều hiếm có, nhưng sự rủi ro có thể giảm xuống đáng kể, có thể ở mức độ đủ để đảm bảo cho trị giá của các tin tức dự trữ trong hệ thống và là mối đe dọa cho những kẻ bất lương.”. Tuyệt đối an toàn là điều ảo tưởng trong bất cứ hệ thống computer nào ngay cả khi chúng được móc nối hoặc không móc nối trong Internet.

Bạn có đủ thời gian ?

Điều quan trọng khác là thời giờ của bạn. Mất bao lâu để cài đặt và học cách điều khiển Internet? Một nhà dạy Internet kinh nghiệm chỉ rõ, sử dụng Internet “có thể là một trong những sự nghiện ngập và lãng phí thời giờ cho người mới bắt đầu sử dụng Internet” Tại sao như vậy?

Bởi vì có nhiều đề tài hấp dẫn và vô số những điều mới lạ để khám phá. Thật ra, Internet là sự kết hợp khổng lồ các thư viện với nhiều tài liệu dễ tìm thấy. Duyệt xem qua dù chỉ là một phần nhỏ có thể lãng phí dần dần những thời giờ vào buổi tối trước khi bạn đi ngủ.

Với sự khôn khéo đặt để thời giờ và giới hạn các mục tìm kiếm trong Web sẽ giúp cho bạn có đủ thời giờ dành cho gia đình và các hoạt động khác.

Internet, tại sao phải lưu ý ?

Internet chắc chắn có sự tiềm tàng về giáo dục và truyền thông. Dẹp bỏ những điểm sáng chói về mặt kỹ thuật, Internet bị xoay quanh với cùng một số các trở ngại giống như máy truyền hình, điện thoại, báo chí, và thư viện. Do vậy, một câu hỏi đã được đặt ra: Các tiết mục của Internet thích hợp cho gia đình tôi và tôi?

Nhiều bản báo cáo bắt đầu phê phán về sự hiện hữu của các tài liệu khiêu dâm trong Internet. Điều này cho thấy Internet là hố sâu vực thẳm đầy ắp những lệch lạc về tình dục? Một số người cho rằng đây là điều quá đáng. Họ lý luận rằng bất cứ người nào đó cần phải có sự chọn lựa những tiết mục bổ ích.

Vấn đề các hình ảnh khiêu dâm có sẵn trong Internet đang là đề tài tranh luận nóng bỏng. Một số người cảm thấy rằng các bản báo cáo là quá đáng. Nếu bạn biết rằng có chừng 100 con rắn độc ở phía sau nhà bạn nhưng thật ra chỉ có vài con, bạn có bớt quan tâm đến sự an toàn của gia đình bạn? Những ai có thể đi vào Internet sẽ khôn ngoan lưu ý và dè dặt.

Cẩn thận về những dụ dỗ trẻ con !

Trung tâm quốc gia tìm kiếm các trẻ em mất tích và bị bóc lột [The National Center for Missing and Exploited Children (NCMEC)] đã ghi vào hồ sơ lưu trữ những hành vi lợi dụng trẻ em. Thí dụ, vào năm 1996, cảnh sát tìm thấy 2 thiếu nữ vị thành niên ở tiểu bang South Carolina, 13 tuổi và 15 tuổi, bị mất tích trong một tuần lễ: chúng di chuyển qua tiểu bang khác với một thanh niên 18 tuổi mà chúng làm quen qua Internet. Một người đàn ông 35 tuổi bị buộc tội dụ dỗ đứa bé trai 14 tuổi vào các hành động tình dục khi cha mẹ đứa bé không có ở nhà. Cả 2 trường hợp này bắt đầu với cuộc đàm thoại ở Internet chat room. Một người lớn khác, vào năm 1995, gặp đứa bé trai 15 tuổi trong Internet và xồng xộc đi đến trường học để gặp em. Tất cả những đứa bé này đã vô tình tiết lộ danh tánh của chúng.

Cần sự chỉ dẫn của cha mẹ

Trong khi các trường hợp kể trên rất ít thường xảy ra, cha mẹ phải xem xét vấn đề này kỹ lưỡng. Những nguồn tài nguyên nào có sẵn cho cha mẹ để bảo vệ con cái họ khỏi trở thành những mục tiêu của tội phạm và bóc lột?

Các công ty bắt đầu cung cấp các dụng cụ tương tự như những dụng cụ dùng cho phim ảnh, loại bỏ những tiết mục không thích, v.v.. Tuy nhiên những dụng cụ này không hữu hiệu, có thể bị phá rối bởi nhiều phương pháp khác nhau. Nên nhớ rằng, sự thiết kế nguyên thủy của Internet là chống lại các sự ngăn cản, do đó kiểm duyệt rất khó khăn.

Một trung sĩ cảnh sát đặc trách điều tra về bóc lột trẻ em tại tiểu bang California đã khuyên :”Không có gì có thể thay thế sự chỉ dẫn của cha mẹ. Tôi có đứa con trai 12 tuổi. Vợ tôi và tôi cho phép nó sử dụng Internet, nhưng chúng tôi coi đó như là vấn đề chung của cả gia đình và lưu ý thời gian chúng tôi sẽ sử dụng Internet.” Người cha này đặc biệt lưu tâm đến chat room và ông ta rất khắt khe trong việc sử dụng nó. Ông ta nói thêm :”Máy computer không ở trong phòng của con trai tôi, nó ở phòng khách”

Cha mẹ cần phải tỏ ra có quan tâm đến việc quyết định phải sử dụng Internet như thế nào. Điều quan tâm nào phải lưu ý tới?

Ký giả David Plotnikoff của tờ báo San Jose Mercury News đưa ra một số lời khuyên đến cha mẹ trong việc sử dụng Internet ở nhà.

- Con cái bạn sẽ có hữu ích khi mà nó làm việc chung với bạn, nó sẽ học hỏi được bài học về xét đoán. David Plotnikoff lưu ý “tất cả các tin tức trong Internet giống như là nước không ở trong ly” Luật lệ bạn phải noi theo là bám vào những điều bạn luôn khuyên con cái. Thí dụ như bạn luôn nhắc nhở con cái đừng nói chuyện với người lạ mặt.

- Internet không thể coi như là dịch vụ trông coi trẻ em “bạn không chỉ bỏ đứa con 10 tuổi ở một thành phố lớn và nói nó đi tìm các thú vui tiêu khiển trong vài giờ đồng hồ?”

- Phải phân biệt sự khác biệt giữa việc sử dụng Internet để chơi game hoặc trò chuyện và tìm sự giúp đỡ trong việc làm bài vở từ nhà trường.

The National Center for Missing and Exploited Children (NCMEC) đưa ra một số chỉ dẫn đến trẻ em trong cuốn sách chỉ dẫn Child Safety on the Information Highway:

- Đừng tiết lộ các chi tiết cá nhân chẳng hạn như địa chỉ, số điện thoại, hoặc tên và địa điểm trường học của bạn. Đừng gởi hình ảnh của bạn mà không được phép của cha mẹ.

- Thông báo cho cha mẹ của bạn ngay lập tức nếu bạn nhận được các bản tin làm cho bạn áy náy. Đừng bao giờ trả lời các lời nhắn tin thô lỗ. Nói cho cha mẹ bạn biết để họ liên lạc với các dịch vụ Internet.

- Hợp tác với cha mẹ bạn trong việc thiết lập quy tắc đi vào Internet, bao gồm giờ giấc và các tiết mục trong Internet sẽ xem xét.

Một số người lớn đã bị sa bẫy vào những mối liên hệ lăng nhăng và những rắc rối bởi vì sự lơ đãng của họ. Sự phức tạp của chat room - thiếu cái nhìn thấy mặt nhau và danh tánh giả mạo đã làm cho người sử dụng nó không được an toàn cho lắm.

Có cái nhìn đúng đắn về Internet

Một số các tài liệu và nhiều dịch vụ trong Internet có giá trị về giáo dục và cũng có nhiều điểm hữu ích. Anh hưởng của Internet thật là sâu rộng và nó sẽ tiếp tục là một môi giới trung gian quan trọng để chia xẻ tin tức, điều hành dịch vụ thương mại và thông tin.

Giống như các dịch vụ khác, Internet có lợi và không có lợi. Một số người đã khám phá được những điểm tốt đẹp của Internet, trong khi số người khác lại không làm được điều này.

Sử dụng Internet có thể giống như là đi du lịch một quốc gia mới, với nhiều điều mới lạ để thấy và nghe. Sự du lịch này đòi hỏi rằng bạn phải có thái độ đúng đắn và lưu ý cẩn thận.

Các địa chỉ trong Internet. Chúng là gì

Thử tưởng tượng bạn muốn gởi E-mail đến một người bạn mà địa chỉ E-mail là This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.." style="color:

000080;">This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.. Trong thí dụ này lai lịch của người nhận là “drg”. Người ta thường dùng chữ tắt của tên lót hoặc nguyên cả tên họ để đi vào Internet.

Theo sau dấu hiệu “@” có thể là nơi làm việc, cơ sở thương mại, hoặc người cung cấp dịch vụ E-mail cho họ. Trong trường hợp này, “tekwriting” xác nhận là cơ sở thương mại. Phần chót của địa chỉ chứng tỏ loại cơ sở mà người bạn của bạn làm.

Trong trường hợp này, “com” liên hệ đến cơ sở thương mại. Các tổ chức giáo dục có một lối đặt tên theo tiền lệ tận cùng với “edu” và các tổ chức bất vụ lợi tận cùng với “org”. Thí dụ, địa chỉ This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. chỉ rõ người nhận là “lvg” có liên hệ với cơ sở tên “spicyfoods” tại ar (Á Căn Đình).

Giả thử các tin tức về nghiên cứu các cơn mưa rừng có thể tìm thấy trong tài liệu Web ở:

http://www.ecosystems.com/research/forests/rf. Chữ “http” (Hypertext Transfer Protocol) chỉ rõ bản thảo về cách điều hành tài liệu Web, và “www.ecosystems.com” chỉ rõ tên của Web computer -- trong trường hợp này một công ty thương mại tên “ecosystems”. Tài liệu cần phải tìm là phần cuối của địa chỉ “/research/forests/rf”. Địa chỉ của Web thường được gọi Uniform Resource Locators, hoặc URLs cho ngắn.

* * *

MAGGIE

Lan Uyên

Mùa hè thứ hai nơi quê người, chàng gặp người con gái xinh xắn dễ thương đó.

Nàng thật trẻ, thật nhỏ bé đối với một cô gái phương Tây. Nàng có cặp mắt to, mái tóc nâu bồng bềnh, đôi môi gợi cảm, và đôi tay mềm trắng thật xinh. Nhưng có lẽ điều làm chàng chú ý và yêu mến nhất là tâm tình cởi mở, tiếng nói hồn nhiên của nàng.

Margaret gốc Ái nhĩ Lan, theo Thiên Chúa Giáo, sống ở một tỉnh nhỏ bang Massachusetts, theo học một trường nữ nổi danh. Nàng đến trường chàng theo học mấy môn về Nghệ Thuật.

Nàng vô cùng bình dị, khiêm nhường. Trong buổi học đầu, chàng còn không ý thức có nàng trong lớp nữa. Nàng hòa vào trong đám đông, nhỏ bé đơn sơ. Một cô gái tỉnh lẻ.

Những ngày đầu trôi qua bận rộn. Tân say mê với công việc sáng tạo. Chàng theo học bốn lớp cùng một lúc. Hết vẽ. đến ấn họa, đến đồ gốm, đến sơn dầu. Lần đầu tiên trong đời, chàng bước vào thế giới chói chang diệu kỳ của nghệ thuật. Làm việc không biết mệt. Những bức tốc họa, những bức tranh sơn dầu, những mộc bản, những bình hoa, những bản thủy mặc trên đất nung tới tấp chào đời dưới bàn tay linh hoạt của chàng. Và mọi người ca ngợi. Chàng sảng khoái vô cùng.

Rồi người con gái đó bắt đầu rõ nét. Nàng nhẹ nhàng, mau mắn. Chàng nhận ra nàng một hôm đến xưởng và nàng đang ra về. Những lời chào hỏi đơn sơ. Nàng đang bận việc, phải trở về nhà. Gặp nhau sau nhé.

Và chàng bắt đầu thích nàng. Cũng lần đầu tiên trong đời, chàng thật sự giao tiếp với một người khác phái. Mà nàng lại quá hợp ý chàng, Vui biết mấy.

Có lẽ Tân quấn quít với Margaret hơi nhiều, và cô bạn cùng phòng nàng để ý. Cô ta lớn tuổi hơn cả Tân và Margaret, ra vẻ một bậc đàn chị. Cô đề nghị với Margaret mời Tân đến nhà ăn cơm chiều. Margaret cứ ngại chàng lạc đường, nên cho địa chỉ và hướng dẫn thật kỹ lưỡng, làm chàng bật cười: " Đi qua cầu, thấy một căn nhà bốn tầng bằng gạch ở góc dường. Lên lầu ba, đi dọc hành lang đến căn phòng thứ hai bên trái, ghi số 304 ". Nàng cẩn thận nhét tờ giấy ghi vào túi áo chàng.

Buổi chiều hôm đó, trời mát. Tân đi chầm chậm, nhìn thấy bóng mình trải dài trên đường nhựa. Những tia nắng cuối cùng thoi thóp nơi rặng cây phía xa. Tân cố tình đi chậm, làm ra vẻ bình thản. Nhưng thật ra tim chàng đã đập rội nhanh hơn một chút. Chàng vui lạ lùng, tưởng tượng ở nơi nào đó trong căn nhà, có người con gái dễ thương đang đợi mình.

Maggie và cô bạn đã sẵn sàng đợi chàng khi Tân gõ cửa. Và nàng đem ngay cho chàng một ly sữa tươi mát rượi. " Cứ lo anh tìm không ra nhà ".

Bên ngoài, trời ngả tối thật mau. Qua tấm cửa kính, chỉ còn lại một màu xanh đen và những ô cửa sổ sáng ánh đèn của những căn nhà đối diện. Và bữa ăn bắt đầu. Tân ngồi vào ghế bàn ăn nghiêm chỉnh, ngay ngắn, cúi đầu và lặng nghe hai cô nhỏ nhẹ đọc kinh cảm tạ. Chàng cũng cảm thấy cần cảm tạ như hai cô gái về bữa ăn chiều ấm cúng và đầy mầu sắc gia đình này. Chàng xa nhà đã lâu, và ăn một mình cũng đã khá nhiều.

Sau phút trang nghiêm giản dị, câu chuyện nổ như pháo ran. Margaret hỏi Tân về đủ mọi thứ ở quê hương chàng. Anh có bao nhiêu anh em, có em gái không ? bao nhiêu tuổi ? Anh có nhớ họ không ? Họ có viết thư đều cho anh không ? Nơi anh ở thành phố lớn không ? Có nhiều trẻ con không ? Ở xứ anh, có ... bò không ?

Tân bật cười vì câu hỏi ngây thơ. Trong óc thoáng nảy ra một câu pha trò rẻ tiền, chàng nghiêm trang đáp: " Ở nước tôi không có bò trắng, chỉ có bò ... sô cô la thôi! ". Hai cô phá lên cười, và Margaret đỏ mặt, ngượng nghịu.

Chuyện trò đến khá khuya mới về, tuy Tân muốn thời gian kéo dài mãi. Những giây phút đơn sơ mà quả ấm lòng. Tân còn trẻ, còn mải ngạc nhiên trước mọi hình ảnh mới luôn luôn hiện bày trước mắt chàng trong suốt một năm nơi xứ lạ, nên ít khi chàng cảm thấy cô đơn buồn rầu. Nhưng những phút vui cũng vẫn làm cho chàng xúc động, và tình người chân thật làm chàng cảm thấy yêu mến đất nước bạn khôn xiết.

Từ đó Tân càng quí mến Maggie. Có lẽ chàng đã mê nàng lúc nào không hay. Chàng tìm mọi dịp để gần nàng, và chắc cũng đã có những lúc làm nàng bực mình vì sự săn sóc quá đáng của mình. Tình chàng trai trẻ sao mà ngô nghê và dễ thương đến thế.

Bà giáo lớp ấn họa dường như cũng thấy rõ tình cảm chàng, và bà thường tạo dịp cho hai đứa làm việc chung với nhau. Những lúc đó, Tân như mở cờ trong bụng và thầm cám ơn bà giáo tốt bụng và ý tứ. Những lúc ngồi cạnh nàng, nghe hơi thở, cảm thấy mùi hương tóc nàng nhè nhẹ tỏa ra, và thỉnh thoảng giả bộ đụng vào những ngón tay xinh xắn cuả nàng, sao Tân cảm thấy sung sướng thế.

Nhưng thời gian qua mau, và lớp hè thì rất ngắn. Những lúc chợt ý thức rằng ngày vui đang đi qua và không bao giờ trở lại, Tân buồn đến thẫn thờ. Lần đầu tiên trong đời, Tân cảm nhận đầy đủ cái mong manh của hạnh phúc. Hạnh phúc đang có đây, nhưng nó cũng đang mất đi. Bước chân thời gian sao khắc nghiệt. Một nỗi đau đớn dị kỳ, rưng rưng, tê tái cứ thấm nhập vào hồn chàng và lan ra từng thớ thịt, từng tế bào, và chàng như đang sống lại nỗi buồn của tiền kiếp. Không gian giá lạnh. Có cái gì vô cùng đẹp đang trôi theo dòng sông quá khứ, trước cái nhìn tuyệt vọng đờ đẫn của chàng.

Và nàng đã ra đi, về lại nơi căn nhà thân thiết của nàng nơi bang Massachusetts. Chàng đã viết ngay một lá thư và gửi cùng một lúc với buổi nàng ra đi.

Một tuần sau chàng nhận được một bức thư thơm mùi nước hoa. Chàng sung sướng cảm động, cẩn thận bóc khéo cho đừng nát phong bì. " Bức thư của anh đến trước khi Margaret về đến nhà. 'It was a pleasant surprise'. Tình cảm anh chân thật làm Margaret cảm động. Ở đây trời mới sang thu, lá vàng ngả màu thật đẹp. Nhưng trời chưa lạnh lắm, ra ngoài chỉ cần cái áo sweater. Đi ra đường nhớ đến anh,đến những ngày học ở thủ đô. Chắc chỉ hai tuần lễ nữa là trường khai giảng. Sẽ lại túi bụi học hành. Chắc anh cũng vậy. Dù sao anh cũng tài hoa lắm, và anh sẽ còn tiến xa." You'd surely 'go places', as we usually say here. "

Cuối cùng nàng viết: 'Love, Margaret'.

Cái chữ 'love' là chữ đã giết chàng. Sao thế, Maggie. Em không thấy anh yêu em đến thế nào rồi sao ? Mà còn bồi thêm nhát dao oan nghiệt. 'Killing me softly with your word'. Phải không, Roberta?

Tân đã ốm tương tư thật sự. Chàng như người mất hồn. Một năm trời đối với chàng đằng đẵng. Chàng chỉ mong lại đến mùa hè để cùng được học lại với nàng. Margaret cũng đã gửi cho chàng những lá thư thắm thiết, đượm nước hoa. " Tối qua đi dự một party. Gặp một sinh viên Ấn Độ. Không thích anh ta. Tự nhiên hình ảnh anh lại đến. Có bao giờ anh cảm thấy tương tự như thế không ?"

Xuân viết ngay thư trả lời. Chàng viết rất nhiều, rất chi chút. " Dài thoòng ", nàng phê bình. Chàng không biết chàng viết gì nữa. Hình như cả bầu tình cảm tràn đầy của chàng tuôn ra trên những dòng chữ trong lá thư chi chút ấy. " Ngạc nhiên sao hỏi anh câu ấy. Hình ảnh em bao giờ chẳng đầy ắp trong anh..." Chàng quả đã là một kẻ si tình hiện rõ trong tất cả cái dại ngây nực cười của kinh nghiệm ban đầu.

Mùa hè đến, và nàng không đến. Tân giờ này đã là con người ngẩn ngơ. Không có gì còn ý nghĩa với chàng nữa. Lúc nào trong tim chàng cũng là vết thương ứa máu. Margaret đến New York thăm bà chị. Tân mua vé xe lửa lên tìm đến mà không gặp. Nàng đã về nhà. Mà chàng thì không thể đường đột đến nhà nàng.

Mùa Đông năm, đó, vào dịp Giáng sinh, chàng thật sự cô đơn. Ba Mẹ nàng gửi cho chàng một gói quà lớn, đầy đủ mọi đồ ăn thức uống cho một cái Tết ly hương. Ông bà tỏ ra rất có cảm tình với chàng và săn sóc như với một người con ruột thịt. Suốt một dịp nghỉ mười mấy ngày, chàng đóng cửa phòng nghe tuyết rơi ngập đường ngoài song cửa, nằm lặng người sau lớp chăn và nghe thấm vào từng huyết quản những giọt buồn của bản Woodwind Serenade. Hỡi Mozart, người hiểu được tôi đến thế sao?

Tân viết một lá thư dài, như bị lôi cuốn theo cơn say của tâm hồn và gửi cho Margaret. Một tuần sau chàng nhận được hồi âm.

" Nhận được lá thư dài của anh. Nước mắt em ràn rụa khi biết anh đã phải đau khổ đến như thế. Không biết nói lời gì để có thể an ủi được anh. Em rất muốn giúp anh nhưng đành bất lực. Chúng mình không thể tiếp tục như thế này nữa đâu. Có điều muốn nói với anh mà mãi đến bây giờ mới có thể thổ lộ được...Mùa hè năm ngoái em gặp Jack. Anh ấy cũng người Thiên Chúa Giáo và có rất nhiều điểm giống anh. Chúng em rất yêu nhau và có lẽ đến cuối năm nay sẽ làm lễ cưới. Em muốn chia sẻ với anh nỗi vui sướng như sóng trào của em trong giờ phút này, nhưng chắc khó lắm, phải không Tân?

Nhưng hãy để em nói về anh trước khi hết lá thư này... Anh là người rất đáng mến. Em chưa gặp một người ngoại quốc nào như anh. Anh thật đã xứng đáng đại diện cho quê hương anh nơi đất này. Nhưng em không muốn tiếp tục làm anh khổ. Em không muốn như nhiều cô gái khác, kiêu hãnh vì tình cảm mình nhận được và làm tình làm tội người yêu mình để tỏ ra hơn người. Em muốn anh sung sướng, và em tin chắc rằng anh sẽ gập được người lý tưởng của anh sau này. Em tin chắc anh sẽ có người vợ hiền, xứng đáng với những tài năng và đức tính của anh... Còn bây giờ thì chúng mình không nên viết thư cho nhau nữa. Cám ơn anh đã cho em những kỷ niệm đẹp. Nhưng hãy quên em đi. Yours, Margaret."

Một năm sau, Tân nhận được phong thư với mảnh giấy cắt từ tờ báo địa phương báo tin Margaret đã lấy chồng.

***

KHÁM BỆNH BÁC SĨ

Một bệnh nhân đến phòng mạch bác sĩ để xin khám bệnh yếu sinh lý. Sau khi khám xong, vbác sĩ đưa cho bệnh nhân một cái chai và dặn: “ Anh mang cái chai này về, lấy cho tôi một ít tinh dịch, đem lại dây cho tôi lấy mẫu làm thử nghiệm”.

Ngày hôm sau, bệnh nhân trở lại phòng mạch, mang theo cái chai vẫn trống không. Ngạc nhiên, bác sĩ hỏi:

- Anh không lây được mẫu cho tôi sao?

Bệnh nhân trả lời:

- Khổ quá, tôi về nhà đã thử rồi. Lúc đầu tôi dùng tay trái, về sau tôi dùng tay phải cũng không được. Sau đó bà vợ vào phụ giúp tôi. Bà ấy dùng cả hai tay một lúc mà cũng không được. Thế rồi tôi phải nhờ cô hàng xóm sang giúp. Cô ấy thử đủ mọi cách mà cũng vẫn không được luôn!

Bác sĩ hốt hoảng hỏi:

- Ong nhờ cả tới cô hàng xóm nữa sao?

- Chứ sao. Thật đến khổ. Tụi tôi làm đủ mọi cách mà vẫn không sao mở được cái NẮP CHAI này ra mới khổ chứ !

***

VỀ KON TUM

(Tiếp theo trận Tân Cảnh, kẽm gai bọc thây anh hùng)

Lúc 1700G ngày 23/4/72 tức là sau ba gìơ căn cứ Tân Cảnh thất thủ tính từ lúc ĐT/TLSĐ22BB tử trận, chúng tôi bay trên vùng trời Tân Cảnh và được phòng không địch dàn chào đạn nổ như hoa nở trên không, đây là loại phòng không 14.5 Ly (Tiểu Đoàn 2 Nhẩy DÙ chiến thắng trận Delta II ngay mồng 3 tháng 4 năm 1972 đã tịch thu được loại vũ khí phong không tối tân này tại chiến trường miền Nam. Lần thứ nhất chúng tôi gặp địch khai hỏa phòng không 14.5 ly tại nam Lào, lần thứ hai tai Delta và đây là trận thứ ba. Lúc này CNC (máy bay chỉ huy) của chúng tôi là mục tiêu duy nhất cho nên tất cả phòng không trong vùng đều tập trung vào CNC. Tôi cố gắng quan sát chung quanh vùng nhưng hôm nay Tân Cảnh là vùng đất hoang vu cô quạnh, không một bóng người, ngay cả chim muông cũng lánh xa vùng đất tang tóc này. Trong doanh trại không một dấu hiệu nào là có sự hiện diện của địch quân, trung tâm hành quân im lìm nhưng vẫn còn làn khói bay ra. Khu ở của Cố vấn Mỹ hình như có bị hư hại. Hàng rào nơi Đại tá TL/SĐ22BB và Hưng tử thương có nhiều dấu vết mới do bom đạn để lại. Tôi chưa hề gặp mặt Hưng nhưng anh là một sĩ quan rất giỏi trong những khi liên lạc phối hợp lúc nào cũng nghiêm túc và bình tĩnh. Nghĩ tới những người anh, người em đang nằm gục tại đây, gia đình làm sao có thể biết rằng họ đã không may mắn ra đi trong điều kiện bất hạnh này. Tôi nghĩ tới Tr/T Triển Chỉ huy trưởng Pháo binh Sư Đoàn khi ông là Tiểu Đoàn phó TĐ2PB tại Đà Nẵng, tôi là Pháo Đội trưởng dưới quyền ông năm 1961, Tr/T Kế Tiểu Đoàn Trưởng Công Binh lúc nào cũng giúp đỡ chúng tôi trong công tác phòng thủ, rồi Đ/U Lân, Tr/U Hồng. Hình ảnh những người thân thương hiện về trước mặt tôi với nét mặt căm hờn nhạt nhòa trong giòng lệ u buồn. Máy bay chao đảo. Có lẽ phi công tránh đạn phòng không làm tôi giật mình. Bính, Phi Đoàn Trưởng phi đoàn Bạch Tượng, cùng học chung với tôi tại trường Chu Văn An năm 1957, là phi công chính của CNC (hiện nay Bính vẫn còn được hành nghề cũ, lái trực thăng cho một cho một hãng dầu tại Houston, Texas) vội vàng kéo cần lái cho máy bay lên cao. Hai xạ thủ đại liên tay lăm lăm cầm cây hỏa châu sẵn sàng khai hỏa chống hỏa tiễn, may mắn địch không xử dụng hỏa tiễn phòng không.

Khi đáp xuống đón Đại Tá LĐT và chúng tôi, Bính mang theo một công điện của Quân Đoàn; cho lệnh LĐND có nhiệm vụ chỉ huy và hướng dẫn những quân nhân thất tán tập trung lại một chỗ rồi phối hợp với trực thăng bốc ra Kon Tum. T/T Bính có nhiệm vụ phối hợp với chúng tôi và chỉ huy hai phi đoàn trực thăng và hai phi đội Chinoock (một chinoock có thể chở 1 khẩu đại bác 155 ly hoặc một trung đội Bộ Binh), sau khi bốc xong LĐ2ND sẽ nhận nhiệm vụ mới. Đồng thời Pháo Đội A1 đang đóng tại Mạnh Mẽ (khoảng giũa Kon Tum và Võ Định) do TĐ…BĐQ bảo vệ đang bị áp lực rất nặng của địch, được lệnh của Quân Đoàn phá hủy súng vào đêm 23 tháng 4 năm 1972 rồi trong đêm di chuyển băng rừng rút ra Kon Tum.

Dù ngu ngơ cách nào chăng nữa thì cũng phải biết rằng địch sẽ dứt điểm chúng tôi nay mai, niềm xúc động chứa chan nhìn anh em ngoài tuyến đang bảo trì vũ khí, họ thật bình tĩnh huýt sáo những điệu nhạc tình tứ, tôi cảm thấy yên tâm. ĐĐ2TS do Đại Uy Trương văn Ut chỉ huy hoạt động từng toán nhỏ chung quanh căn cứ Võ Định, chu vi từ 2 cho đến 5 cây số, liên tiếp tiêu diệt hoặc bắt sống các toán tiền thám cũng như Tiền sát viên pháo binh của sư đoàn 320 của địch. Tù binh cho biết sư đoàn 320 có nhiệm vụ tấn công căn cứ Võ Định (gồm có BCH/LĐ2ND, BCH/TĐ1PB/ND, ĐĐ2CB/ND, ĐĐ2TS/ND) sau đó hướng về Kon Tum. Hàng ngày chúng tôi vẫn bị pháo nặng, nhất là trong ngày chúng đánh chiếm Charlie và Tân Cảnh, nhưng chúng pháo không được trúng đích cho lắm. Đó chính là công đầu của ĐĐ2TS/ND.

Người mang máy ĐT/LĐT/LĐ2ND cố gắng liên lạc với toán quân dưới đất nhưng vô hiệu, ngoại trừ các đơn vị thuộc TĐ9ND. ĐT/LĐT cho lệnh TĐ9ND cánh quân alpha do Tr/T Phú Tiểu Đoàn Trưởng chỉ huy gồm BCH/TĐ và hai ĐĐ đang hoạt động phía bắc và tây bắc Tân Cảnh, di chuyển băng rừng về căn cứ Võ Định. Cánh quân Bravo do T/T Đồng Tiểu đoàn phó chỉ huy gồm 2 Đại đội do Đ/U Lê mạnh Đường và Tr/U Nguyễn văn Phiếu làm Đại đội trưởngchuẩn bị bãi đáp để ngày 24/4/72 bốc về Võ Định, cánh quân này được ưu tiên bốc ngay trong ngày 24/4/72, (lúc đó T/T Đồng bị thương nặng, T/U Phiếu tử thương) nên Đ/U Đường chỉ huy cánh quân Bravo.

Ngày 24/4/72 lúc 0730G chúng tôi lên vùng sau khi phải chịu gần 15 phút pháo kích tại bãi bốc ngay tại Võ Định tức nơi đóng quân của BCH/LĐ2ND; CNC vừa lấy được cao độ tôi nhận diện được ngay vị trí hỏa tiễn của chúng. Tôi lập tức cho các pháo đội khóa họng chúng lại ngay. Chúng tôi vào vùng cánh quân Bravo của TĐ9ND. Bính từ chối bốc cánh quân này vì lý do bãi bốc không an toàn. Quả đúng như vậy, khi chúng tôi bay còn còn cách xa bãi bốc khoảng 5 cây số, phòng không và súng cá nhân của địch khai hỏa vô cùng mạnh mẽ. Bính cho biết toàn vùng bị chúng làm chủ tình hình, không thể nào có bãi bốc an toàn được. ĐT/LĐT, lo ngại cho cánh quân Bravo, sang hệ thống nội bo nói với tôi:”Anh là bạn với Bính ráng phối hợp để bốc Đường ra nếu không là bị kẹt đấy”. Tôi hiểu đây là một lệnh vô cùng khó khăn cho tôi, tình hình không còn sáng sủa nữa, đồng thời D0T/LĐT cho lệnh Đường theo lệnh tôi. Nhìn xuống bãi bốc của cánh quân Bravo làn khói mầu vàng đánh dấu sẵn sàng. Họ đâu có biết việc bốc họ ra đã bị từ chối. Dưới đó hai đại đội với 20 thương binh và gần 10 anh em trong áo mưa, đạn dược không còn nhiều nếu không bốc họ ra trong ngày thì quả là một tai họa cho họ. Người mang máy của ĐT/LĐT cố gắng liên lạc với những anh em thất lạc thuộc SĐ22BB nhưng vẫn chưa có kết quả. Khói mầu và một vài cây hỏa châu bắn lên trời xin cầu cứu rải rác phiá đông và đông nam của Tân Cảnh. Mãi tới 0800G mới liên lạc được sĩ quan tiền trạm TĐ9ND . Toán này nằm trong căn cứ Tân Cảnh. Khi Tân Cảnh thất thủ, sĩ quan tiền trạm đã dẫn nguyên toán với với súng đạn và hai máy truyền tin thoát ra khỏi căn cứ. Hiện thời toán này đang ở hướng đông nam của Tân Cảnh, cách căn cứ khoảng 6 cây số nằm về phía tây của sông Pôkơ. Sĩ quan tiền trạm báo cáo hiện đang có khoảng 200 quân nhân đủ mọi thành phần, thấy anh có máy liên lạc nên tháp tùng theo. Tôi cho Tango (chỉ danh của sĩ quan tiền trạm TĐ9ND )biết là tôi sẽ có trực thăng để bốc tất cả 200 người ra, nhưng phải có bãi đáp tốt và phải có kỷ luật. Mỗi toán lên máy bay tối đa là 6 người, nặng quá máy bay không cất cánh được, sẽ gây tai nạn cho máy bay. Hơn nữa trong vùng có địch, nếu nặng qúa khó lấy cao độ và chậm chạp, sẽ là mục tiêu cho địch. Tôi dặn dò không được chen lấn lên máy bay, nếu làm được những chuyện đó thì sẽ được bốc ra. Tôi kiếm bãi đáp cho toán này, hướng dẫn Tango ra bãi đáp, vùng mà ĐT/LĐT cùng tôi và Bính đều đồng ý là tương đối an toàn. Tôi có nhiệm vụ mới là phối hợp và chỉ huy cuộc bốc quân ra Kontum, nên được xử dụng máy chỉ huy của ĐT/LĐT để liên lạc, đồng thời chúng tôi cũng nhận được lệnh của Quân Đoàn là bốc PĐB1 đang ở Võ Định ra KonTum, PĐD1 đang ở Yankee ra KonTum, PĐC1 và PĐ155 đã được bốc ra KonTum ngày 23/4/72; 1130G các đơn vị pháo binh trực thăng vận ra KonTum xong, riêng PĐA1 van còn đang di chuyển băng rừng ra KonTum.

Chiếc CNC cô độc vẫn bay quanh vùng Tân Cảnh, Bính vẫn nhất mực là không thể bốc cánh quân Bravo của TĐ9ND vì lý do bãi bốc quá "Hot" tôi đành phải nói dối Bính, câu chuyện này bây giờ nếu Bính có thư thả đọc những giõng này xin đừng trách tôi, tôi phải lừa gạt Bính để cứu các chiến sĩ Mũ Đỏ đang lâm nạn. Tôi buộc lòng phải nói láo với Bính cuộc đàm thoại giữa tôi và Bính trên hệ thống intercom:

- Bính ơi Đ/U Đường, đang chỉ huy cánh quân Bravo hắn cũng học Chu Văn An với mình đó.

-Thật hả, hắn học lớp nào vậy ( Đường đang ở San Jose và không bao giờ là học sinh Chu Văn An cả).

- Hắn học dưới tụi mình khảng 2 lớp ( nếu tôi nói nó học ngang hay dưới một lớp sợ Bính biết, mà sự thật thì Đường đương nhiên phải học dưới chúng tôi ít lớp )

- Này Lạc ơi, vậy tụi mình phải cố gắng cứu hắn ấy mới được, bỏ đàn em tội nghiệp nó.

- Thế này nhé: Mình nắm vững tình hình, mình lại ở trên cao mình kiếm bãi bốc dễ hơn, sau khi kiếm được sẽ hướng dẫn hắn ấy theo mình.

- Phải đó! Chúng mình cùng kiếm vậy.

- Đồng ý, Bính đi hướng tây bắc của Phượng Hoàng. Coi bộ tụi nó không kiểm soát, dân chúng thấy còn đi lại .

- Đúng đó; khu làng Thượng bên kia sông, Lạc hướng dẫn tụi nó tới đó đi .

- Phải làng Dakmoklop đó không?

- Đúng rồi đó! Khi nào tụi nó sang đến đó sẵn sàng, tao sẽ điều động hai phi đoàn trực thăng vào bốc một lần. Nói với Đường là mỗi trực thăng chỉ chở tối đa 6 quân nhân.

- Được rồi, để tao liên lạc, đơn vị nhẩy dù mày khỏi lo chuyện đó. Đường nó lo được mà .

Tôi ra dấu với Đ/T Lịch mọi chuyện êm đẹp. Tôi trình sơ qua việc bốc quân, ông rất hài lòng. Tôi về hệ thống chỉ huy cho lệnh Bravo phải thi hành như trên. Đường là một sĩ quan nhanh nhẹn, anh đã cho mang theo đầy đủ xác và thương binh, CNC bay ra xa vùng bãi bốc nhưng tôi cũng cố gắng theo dõi cuộc chuyển quân lận đận này. Đúng 0900G tiền quân băng qua cầu khỉ không một tiến súng, và đúng 0930G trên 40 trực thăng vào vùng bốc toàn bộ cánh quân Bravo của TĐ9ND ra khỏi vùng chết về thẳng Kon Tum. Địch không kịp trở tay để bắn ngăn chặn, những chiếc trực thăng cuối bị địch khai hoả bằng súng cá nhân nhưng ta hoàn toàn vô sự.

Chúng tôi cùng reo hò như vui mừng chiến thắng, nhưng trên khung trời Tân Cảnh trời như cảm cảnh đau thương với anh em SĐ22BB. Những áng mây xám lững lờ trôi, tôi cảm thấy nhẹ nhõm như trút được một gánh nặng. Lúc này toán của Tango cũng báo cáo sẵn sàng và quân số lên khoảng 400. Tôi biết toán này rất ô hợp, chắc chắn sẽ có những hành vi vô kỷ luật. Nếu chuyện này xẩy ra, vì an toàn, máy bay sẽ không xuống nữa. Bính cũng đã nói với tôi như vậy thành ra đây cũng là một vấn đề.

Tôi nói vơi Bính toán Tango sẵn sàng. Bính cho biết dùng cả hai phi đoàn để bốc ra và nếu cần dùng cả chinook nữa, nhưng quan trọng là phải tôn trọng kỷ luật. Tôi nhắc lại để Tango cho lênh lại: Mỗi trực thăng chỉ chở 6 người, mỗi chinook chỉ chở 36 ngưỡi, phải chia thành từng toán gọi tới toán nào thì toán đó mới được lên. Coi xem có ai nhanh nhẹn lấy họ ra để phụ làm, tất cả mọi người đều được bốc ra không bỏ lại ai nên phải tuyệt đối kỷ luật. Tôi đề nghị với Bính là hãy thử cho hai trực thăng xuống trước, những phi cơ còn lại hãy cover ở xa, nếu lên quá sáu người không cất cánh, để tôi chỉnh đốn lại. Khi hai trực thăng vừa đáp xuống thì quả nhiên không còn tôn trọng toán đã chia, ào ra đầy hai máy bay . Tôi hỏi Tango và được biết máy PRC25 của Tango có loa, tôi nói Tango mở loa để mọi người cùng nghe lệnh tôi; Tôi nói lên máy: Thứ nhất, những thành phần nào vô kỷ luật áp dụng hình phạt của nhẩy dù tức là anh được quyền bắn tại chỗ; Thứ hai, mỗi toán tối đa là sáu người, qúa một người bắn một người, quá hai người bắn hai người; Thứ ba, sẽ có dư máy bay để bốc tất cả anh em, vì vậy phải giữ kỷ luật để tất cả mọi người cùng ra an toàn. Hai trực thăng lúc đó mới cất cánh được đúng mỗi chiếc sáu người. nhưng khi hai chiếc khác xuống thì cảnh hỗn loạn lại xẩy ra. Tôi bảo Tango tắt loa để một mình Tango nghe tôi nói. Tango đáp nhận hiểu, sau đó Tango cho kéo một anh sừng sỏ nhất ra khuất xa và nổ súng. Lúc đó mọi người mới sợ nếu vô kỷ luật sẽ bị bắn và hai phi đoàn mới bốc quân được.

Nhưng bãi bốc mỗi lúc một đông hơn mà địch quân không thấy xuất hiện để tấn công lúc hỗn loạn này. Đó chính là mối lo của chúng tôi, không hiểu sao không bị địch tấn công. Sau này chúng tôi mới biết chúng sợ như Charlie, B52 sẽ làm thịt chúng nên chúng tránh xa. Về sau phải dùng cả chinook mà 1500G mới bốc xong, và anh chàng bị kéo ra bià rừng nổ súng được lên chiếc máy bay sau chót cùng với tiền trạm TĐ9ND, điểm đặc biệt là không một tai nạn nào xẩy ra.

Ngày 25/04/72 sau chót là màn trực thăng vận các quân nhân tại căn cứ Võ Định ra KonTum. Lần này không còn dễ dàng nữa. Chúng pháo liên tục bằng đủ loại pháo và hoả tiễn. Cuối cùng thì chúng tôi cũng ra KonTum trong ngày.

Tại KonTum BTLSĐ23BB của ĐT Lý Tòng Bá và một số đơn vị cơ hữu của SĐ23BB đã có mặt, LĐ2ND được lệnh phòng thủ mặt Tây và Bắc của thành phố. Pháo của địch lại dồn dập xuống KonTum, đa số là hoả tiễn 122 ly.

Ngày 25/04/72, mãi tới 1800G pháo đội A1 mới đi bằng đưỡng bộ tới KonTum. Chúng tôi chờ địch đến KonTum, nhưng ngày 27/04/72 LĐ2ND nhận được công điện thượng khẩn: toàn bộ LĐ phải ra Quảng Trị ngay để ngăn chặn địch, không cho tràn về Hue, đồng thời phản công tái chiếm Quảng Trị. Nhưng LĐ2ND không ra đi dễ dàng, mặc dầu ra đi để tìm một trận địa khốc liệt hơn, chúng tôi tiên đoán như vậy. QĐII đã xử dụng chúng tôi phải khai thông trục giao thông KonTum-Pleiku mà cứ điểm phải dứt điểm là đèo ChuPao, xong xuôi mới được đi Quảng Trị. Tại sao lại đối xử với chúng tôi như vậy, chúng tôi đâu có ra Quảng Trị dữơng quân đâu? QĐII vắt chúng tôi đến giọt nước cuối cùng...

Bài sau của tập hồi ký này là Đường về Pleiku gồm trận nhổ chốt ChuPao và trận đặc công vào căn cứ 46 Pleiku.

Viết xong cuối tháng 11 năm 1997

Bùi Đức Lạc

* * *

SINH HOẠT CHU VĂN AN CÁC NƠI

PHÁP

Câu Lạc Bộ Bưởi- Chu Văn An và Thân Hữu (Pháp)

1.- Như thông lệ mỗi năm, buổi họp mặt của Câu Lạc Bộ Bưởi Chu Văn An và Thân Hữu nhân dịp tân niên Ddinh Sửu 1997 đã được tổ chức trọng thể tại nhà hàng Chinagora, Alforville, vào hồi 11 giờ 30 trưa ngày Chủ Nhật 02/03/97 với sự tham dự của hơn 350 hội viên và thân hữu. Trong dịp này, anh Võ thế Hào, Chủ tịch Câu Lạc Bộ đã báo cáo công tác trong năm qua, và tường trình những nét chính của Câu lạc bộ trong chiều hướng hội nhập chung vào các sinh hoạt của cộng đồng người Việt trên đất Pháp. Ong Lê đình Chung , thay mặt ban tổ chức, đã cám ơn các hội viên và thân hữu tham dự đông đảo buổi họp mặt. Chương trình buổi họp mặt được nối tiếp với các phần văn nghệ hào hứng, gồm các tiết mục hợp ca, đơn ca, kịch vui,và nhạc dân ca với sự góp mặt của các nam nữ nghệ sĩ chuyên nghiệp và tài tử trong không khí vui vẻ ,thân ái. Cũng trong dịp họp mặt tân niên này, tam cá nguyệt san Thân Hữu, số Xuân Đinh Sửu đã được phát hành. Buổi họp mặt kết thúc vào hồi 17giờ30 cùng ngày .

2.-Câu lạc bộ Bưởi Chu Văn An và Thân Hữu tổ chức Đại Hội Thường trong tháng 11/97 để bầu cử tân Ban Quản Trị 1998-2000 . Tin tức về kết qủa cuộc bầu cử đựợc phổ biến trong Tin Thư Chu Văn An.

CANADA

Hội Ai Hữu Cựu Học Sinh Bưởi Chu Văn An Canada vùng Montreal đã tổ chức Buổi Họp Mặt Truyền Thống Bưởi-Chu văn An 95-96 “Kỷ niệm 90 năm thành lập trường Bưởi- Chu Văn An” và “Năm năm thành lập Hội” vào hồi 17 giờ ngày 02/11/96 tại khách sạn Fuarama, Montréal với hơn 300 người tham dự trong một không khí vui tươi, đầy tình thân ái . Đặc san Bưởi - Chu Văn An “ Số kỷ niệm 90 năm thành lập trường Bưởi” với rất nhiều bài vở, hình ảnh đặc sắc, đã được phát hành trong dịp này .

MIỀN ĐÔNG HOA KỲ

Các cựu học sinh Chu văn An miền đông Hoa Kỳ và cựu nữ sinh Trưng Vương vùng Hoa Thịnh Đốn đã tổ chức đại hội anh đào vào ngày 13-4-96 tại Falls Church, Virginia với sự tham dự của rất đông các cựu học sinh từ các nơi về tham dự trong khung cảnh thân mật, ấm cúng. Đặc san Trưng Vương-Chu Văn An năm Bính Tý 1996 đã được phát hành trong dịp này . Đặc san được trình bầy rất đẹp với nhiều bài vở phong phú.

NAM CALIFORNIA

Hội Ái Hữu Bưởi/Chu Văn An Nam California đã tổ chức đêm Họp Mặt Tất Niên Bính Tý vào ngày 10/1/97 tại nhà hàng Seafood World trong một khung cảnh thân mật, ấm cúng.

TÓM LƯỢC SINH HOẠT CHU VĂN AN BẮC CALIFORNIA

1.- Buổi họp mặt Tết Đinh Sửu đã được tổ chức vào ngày 19-1-97 tại Võ Đường Hùng Vương , San Jose , từ 2 đến 7 giờ chiều với hơn 350 người tham dự trong một khung cảnh thật là ấm cúng và thoải mái.

2.- Tin Thư Chu Văn An Bắc California đã phát hành đựoc 6 số trong thời gian 1 năm qua. Đây là sợi dây nối chặt tình ái hữu CVA giữa các đồng môn. Đặc San được dự trù phát hành trong kỳ họp mặt tết Mậu Dần

3.- Nhóm tìm hiểu computer với hai khóa hướng dẫn vễ máy tính điện toán đã được tổ chức, lớp đầu tại trụ sở Hội, lớp sau tại Trụ Sở TTCVA . Sau các buổi trao đổi, các tham dự viên đã đánh chữ Việt trên computer, trao đổi điện thư cũng bằng chữ Việt và phiêu lưu vào lưới liên mạng toàn cầu.

4.- Nhóm CVA/BC-Email đã được thành lập gồm các anh chị em và thân hữu có địa chỉ điện thư để liên lạc với nhau cho nhanh. Phần đông anh em đã dùng Email hoàn toàn miễn phí .

5.- Những buổi họp mặt, sinh hoạt nho nhỏ đã được tổ chức luân phiên tại nhiều điạ điểm khác nhau của “Câu Lạc Bộ Chu Văn An Lưu Động” và đã giúp cho tình ái hữu, cho sinh hoạt Hội phát triển.

6.- Hội đã yểm trợ tài chính cho sinh hoạt văn hóa, giáo dục như phát thưởng cho học sinh suất sắc, ra mắt sách.

7.- Chương trình tương trợ, giúp đỡ nhau vẫn tiếp tục với kết qủa rất là ... khiêm tốn.

MỤC LỤC

BÀI TRANG

Lá thư tòa soạn 1

Sớ Táo Quân Táo Quân CVA 2 - 7

Đường xưa lối cũ Nguyễn Đình Hòa 8 - 11

Nhớ lại Chu văn An Đăng Lương Mô 12 - 18

Lửa Chu Văn An Nguyễn Quốc Long 19 - 20

Chu Văn An nguyên thủy Vũ Thế Trụ 21 - 33

Gà tre tâm sự Đình Phương 34 - 37

40 năm kỷ niệm Đặng Tường Ngữ 38 - 40

Đoàn lữ hành Trần Minh Phương 41 - 44

Sinh hoạt văn hóa Hoàng Cơ Định 45-48

Con người văn hóa Việt Nam (thơ) Đinh bá Hoàn 49

Tình xuân (thơ) Minh Viên 50

Ở biển vào ngòi (thơ) Lưu văn Vịnh 51

Mưa xuân tạnh (thơ dịch) Cao bá Vũ 52

Xuân sơn nguyệt dạ (thơ dịch) Tâm Minh 53

Một buổi sinh hoạt Phạm Huy Thịnh 54 – 61

Chu Văn An trên đỉnh Phú Sĩ Sơn Phạm Phúc Hưng 62 - 68

Tùy bút Phạm Nguyên Khôi 69-74

Chu Văn An trước ngày rời HN Đặng khắc Khánh 75-77

Cướp biển ngọt ngào Nguyễn Thanh Giản 78-95

Lượm lặt đó đây Đàm Túc 96

Dưới mái trường CVA (nhạc) Vũ Đức Nghiêm 97

Nếu (thơ) Kim Vũ 98-99

Nhớ hay quên (thơ) Nguyễn thị Ngọc Dung 100-01

Giác Ngộ (thơ) Vũ Hưng 102

Vô cùng (thơ) Phạm Quân Khanh 103

Sương mù buổi sáng Tạ Tốn 104-06

Buồn vui học đường Từ Trì 107-13

Đệ Nhất “C” Chu Văn An Trần Khánh 114-18

Sonnet D’Arvers (Thơ dịch) Phạm Hữu Thuật 119-20

Linh Tinh 121

Các chị nữ sinh Chu Văn An Từ Uyên 122-29

Nói bằng tay Vương Tứ Cảnh 130-32

Phiếm luận về xưng hô Nguyên Đán 133-40

Cánh bướm ngẩn ngơ Anh Như 141-45

Rainfall (thơ) Lily Lê 146-47

Lục bát bốn mùa (thơ) Từ Lệ Dung 148

Cái ta mâu thuẫn (thơ) Khuyết Danh 149

Color poem (thơ) Phạm Tú Kim 150

Internet Lương Anh Dũng 151-63

Sải cánh (tranh) Thy Vũ 164

Maggie Lan Uyên 164-69

Về Kontum Bùi Đức Lạc 170-76

Sinh hoạt Chu Văn An các nơi Phạm Huy Thịnh 177-79

Truyện vui cười (sưu tầm) Hà Nam

Danh sách hội viên 177-95

Danh sách Email 196

Danh sách yểm trợ Tin thư và Đặc san 197-98

Địa chỉ liên lạc Tin thư 199

Mục lục 200-01

Phụ trương hình màu

  1. Hình ảnh một buổi sinh hoạt câu lạc bộ lưu động CVA
  2. Hình ảnh buổi họp mặt Xuân Đinh Sửu
  3. Hình ảnh sinh hoạt nhóm Computer

ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC

Chi phiếu yểm trợ xin đề:

HỘI ÁI HỮU CHU VĂN AN

Thư từ bài vở xin gởi về:

TIN THƯ CHU VĂN AN

646 E. Santa Clara Street.

San Jose, CA 95112

Tel/ Fax: (408) 280-5004

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Lời cảm tạ

Hội Ai Hữu Cựu Học Sinh Chu Văn An chân thành cảm tạ Quý

Thầy, Quý Thân Hữu và Quý Bạn đã yểm trợ tài chính cho Tin Thư Chu Văn An trong năm qua và cho Đặc San Xuân Mậu Dần 1998, và đã đóng góp bài vở và hình ảnh trong Đặc San này.

Tất cả các bài viết trong Đặc san này không nhất thiết phản ảnh đường lối và lập trường của Hội Ai Hữu Chu Văn An Miền Bắc California.

CHU VĂN AN

Đặc San Xuân Mậu Dần

(1998)

Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Chu Văn An

Bắc California, Hoa Kỳ

với các bài viết của

Vương Tứ Cảnh - Nguyễn thị Ngọc Dung - Từ Lệ Dung Lương Anh Dũng - Hoàng Cơ Định - Nguyễn Thanh Giản Ngô Tằng Giao - Nguyễn Đình Hòa - Đinh Bá Hoàn - Phạm Phúc Hưng - Vũ Thế Hưng - Phạm Quân Khanh - Đặng Khắc Khánh - Trần Khánh - Phạm Nguyên Khôi – Phạm Tú Kim - Lily Lê - Nguyễn quốc Long - Đỗ Đình Lợi – Đặng Lương Mô - Vũ Đức Nghiêm - Đặng Tường Ngữ - Đỗ Thị Nhuận - Nguyễn Đình Phương – Trần Minh Phương - Đặng Vũ Thám - Phạm Huy Thịnh – Phạm Hữu Thuật Từ Trì - Vũ Thế Trụ - Từ Uyên Minh Viên - Lưu Văn Vịnh - Cao Bá Vũ - Kim Vũ

Ban Biên Tập

Phạm Phúc Hưng - Phạm Nguyên Khôi – Đỗ Đình Lợi - Đặng Tường Ngữ - Vũ Mạnh Phát - Nguyễn Đình Phương - Trần Minh Phương - Phạm Huy Thịnh

Trình Bày - Layout

Phạm Nguyên Khôi

Hình Ảnh

Vũ Thế Bắc- Nguyên Đình Phương- Vũ Mạnh Phát

Bìa Sau: Uất Kim Hương, tranh của chị Phạm Phúc Hưng

* * *

BAN CHẤP HÀNH

HỘI ÁI HỮU CỰU HỌC SINH

CHU VĂN AN MIỀN BẮC CALIFORNIA

( NHIỆM KỲ 1996-1998 )

CHỦ TỊCH

PHẠM HUY THỊNH

PHÓ CHỦ TỊCH

HOÀNG UÔNG LỄ - NGUYỄN LÊ TIẾN

TỔNG THƯ KÝ

TRẦN MINH PHƯƠNG

PHÓ TỔNG THƯ KÝ

PHẠM PHÚC HƯNG

THỦ QUỸ

NGUYỄN ĐÌNH PHƯƠNG

TRƯỞNG BAN VĂN NGHỆ

LÊ QUỐC TẤN

TRƯỞNG BAN BÁO CHÍ

VŨ MẠNH PHÁT

BAN CỐ VẤN

LẠI QUỐC ẤN - PHẠM HỮU ĐỘ - NGUYỄN THANH GIẢN NGUYỄN HOÀNG HẢI - HOÀNG DUY HIỆU - LÊ DUY SAN LƯU VĂN VỊNH