Quan điểm của Đảng về phát triển nông nghiệp bền vững

. Sau hơn 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn định, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Phát triển nông nghiệp (PTNN) không chỉ đi liền với việc khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn gắn với giải quyết các vấn đề xã hội như việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; một số mặt hàng xuất khẩu chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện, tỷ lệ nghèo nông thôn giảm nhanh.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2017, trong mức tăng 6,81% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2,90% (cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016); giá trị sản xuất tăng 3,16% so với năm 20161.

Nhiều mô hình sản xuất rau, hoa, quả ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ đã đem lại thu nhập cao gấp 4 5 lần so với sản xuất lúa. Giá trị sản xuất trồng trọt tăng khoảng 2,23%, cao hơn mục tiêu đề ra (2%) Thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng, xuất khẩu tăng mạnh, nhờ đó, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm lên 36,37 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 13% so với năm 2016; thặng dư thương mại đạt 8,55 tỷ USD, tăng khoảng 1,1 tỷ USD so với năm 2016. Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao: rau quả tăng 40,5%; gạo tăng 23,2%, tôm tăng 22,3%, đồ gỗ và lâm sản tăng 9,2%2.

Quý I/2018, tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp đạt 3,76%, cao nhất so với cùng kỳ trong 7 năm qua (tốc độ tăng trưởng quý I của ngành Nông nghiệp lần lượt là: năm 2011 tăng 3,65%; năm 2012 tăng 2,66%; năm 2013 tăng 2,01%; năm 2014 tăng 2,03%; năm 2015 tăng 1,58%; năm 2016 giảm 2,69%; năm 2017 tăng 1,38%)3.

Điều này cho thấy xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn bộc lộ không ít hạn chế, bất cập: sản xuất nhỏ lẻ, năng suất và khả năng cạnh tranh chưa cao, chưa bền vững. Thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, chưa đa dạng và lệ thuộc vào một vài thị trường truyền thống, xuất khẩu trực tiếp qua con đường tiểu ngạch nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm. Nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội còn yếu kém. Ứng dụng khoa học và công nghệ, cơ giới hóa trong nông nghiệp còn khiêm tốn. Mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân triển khai chậm, chưa thật hiệu quả và bền vững. Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận người dân nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo giảm chưa bền vững, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

. Trước những áp lực mới trong bối cảnh biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và hội nhập quốc tế, mục tiêu đặt ra là PTNN, nông thôn toàn diện, theo hướng bền vững. Nhận thức rõ điều này, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện cả về nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân4.

Như vậy, PTNN theo hướng bền vững theo tinh thần Đại hội XII của Đảng chính là quá trình nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giải quyết tốt các vấn đề xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Mục đích PTNN theo hướng bền vững được Đại hội XII xác định chính là kiến tạo một nền sản xuất nông nghiệp bền vững cả về mặt lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; có tốc độ tăng trưởng, năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng cao một cách vững chắc; có mô hình sản xuất kinh doanh bền vững, đáp ứng ổn định lương thực, thực phẩm, nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng trong nước, xuất khẩu cả trước mắt và lâu dài.

Theo đó, đối tượng của PTNN theo hướng bền vững là toàn bộ cấu trúc của ngành Nông nghiệp theo nghĩa rộng (bao gồm cả nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp). Nội dung PTNN theo hướng bền vững mà Đại hội XII đưa ra bao gồm các vấn đề cơ bản như:

Một là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững. Đây là quá trình chuyển dịch hợp lý, phù hợp với điều kiện của vùng, phát huy được lợi thế so sánh, bảo đảm nền nông nghiệp tăng trưởng nhanh và ổn định trong thời gian dài. Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển dịch bền vững không làm ảnh hưởng tới các yếu tố môi trường và xã hội, giúp đạt được hiệu quả nâng cao đời sống nhân dân nói chung.

Hai là, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Đây là quá trình bảo đảm tăng trưởng ổn định lâu dài, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tăng năng suất lao động, gia tăng giá trị và chất lượng sản phẩm, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế của quốc gia.

Ba là, tăng trưởng nông nghiệp toàn diện gắn với bảo đảm công bằng xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Mục tiêu PTNN theo hướng bền vững là làm cho cuộc sống ngày càng tốt hơn. Vì vậy, quá trình phát triển cần gắn liền với các yếu tố xã hội như: giải quyết việc làm, sử dụng lao động hợp lý, có chính sách gia tăng sản lượng và giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn. Giảm khoảng cách giàu nghèo, ổn định xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Bốn là, tăng trưởng nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường bền vững; giảm thiểu tác hại ô nhiễm môi trường do quá trình sản xuất nông nghiệp gây ra. Có kế hoạch khai thác, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên, duy trì độ màu mỡ của đất, giảm thiểu ô nhiễm không khí và nguồn nước

. Để thực hiện tốt những nội dung trên, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII cũng chỉ rõ định hướng: Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới5; đồng thời, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu6.

Toàn ngành Nông nghiệp cần tập trung thực hiện mạnh mẽ việc cơ cấu lại, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn hơn và phù hợp hơn với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, kết nối chặt chẽ với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu; coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác

Như vậy, cải cách chuyển đổi nền nông nghiệp, làm cho nông nghiệp trở nên hiệu quả và bền vững chính là chìa khóa để nâng cao tăng trưởng GDP cho Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao. Sự chuyển đổi nông nghiệp theo hướng này đòi hỏi đổi mới chính sách như thúc đẩy sản xuất chế biến phân phối sản phẩm nông nghiệp trên nền tảng áp dụng công nghệ, thúc đẩy cạnh tranh trong chuỗi cung ứng nông nghiệp để giúp người nông dân đạt thu nhập cao hơn Theo đó, cần tập trung vào một số nhóm giải pháp lớn sau:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật đồng bộ để tạo môi trường, tạo động lực cho PTNN và nông thôn. Trong đó, tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân, doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn lực một cách bình đẳng, minh bạch, như đất đai, tài nguyên, nguồn vốn, khoa học công nghệ Đây là giải pháp rất quan trọng nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp, tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công và dịch vụ công trong nông nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho hình thành có hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương; nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sản xuất và chế biến nông sản.

Sử dụng tiêu chí cụ thể để đánh giá hiệu quả sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bao gồm: tăng chất lượng cây trồng, vật nuôi; chất lượng cây trồng, vật nuôi ổn định; tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm; tăng thu nhập ròng từ sản xuất nông nghiệp. Tập trung phát triển sản phẩm có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ; đa dạng hóa thị trường, cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thứ hai, tổ chức lại sản xuất, cơ chế hóa và hiện đại hóa nền sản xuất lớn, đưa kỹ thuật số, tự động hóa, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, gắn kết sản xuất và tiêu thụ giữa người sản xuất với người tiêu dùng. Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo động lực sản xuất cho các vùng chuyên canh lớn.

Mở rộng và đẩy mạnh liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học. Trong đó lấy doanh nghiệp hợp tác xã, chủ trang trại là trung tâm, là động lực cho quá trình phát triển, là người tổ chức sản xuất, là người cung cấp dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm trong một chuỗi giá trị; người nông dân đóng vai trò là người sản xuất và được hưởng lợi ích phân phối từ lao động của mình cũng như từ việc góp vốn của mình. Có chính sách điều tiết, hỗ trợ những người nông dân còn khó khăn về đời sống.

Thứ ba, rà soát, điều chỉnh lại chiến lược quy hoạch, kế hoạch ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của quốc gia, của vùng, của địa phương. Thực hiện quy hoạch nông nghiệp theo hướng dựa vào thị trường mở, quy hoạch PTNN cả trong mục tiêu trung hạn và dài hạn (50 hoặc 100 năm) để có chiến lược bảo tồn và sử dụng đất nông nghiệp trước khi thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp và đô thị.

Đối với loại đất nông nghiệp, cần tạo điều kiện cho người sử dụng đất quyết định phương thức sử dụng từng loại đất phù hợp theo tín hiệu thị trường hơn là cố định phương thức sử dụng cho từng loại đất. Gắn quy hoạch với nhu cầu và diễn biến của thị trường, coi trọng thị trường trong nước nhưng phải lấy thị trường khu vực và quốc tế làm mục tiêu để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn quy hoạch với thích ứng biến đối khí hậu

Thứ tư, kế hoạch hóa đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phân định rõ các nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng. Nguồn vốn của Nhà nước sử dụng đầu tư hạ tầng chính, nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư cho hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phục vụ cho nông nghiệp, chế biến, các khu công nghệ cao. Vốn của người dân tham gia vào quá trình sản xuất.

Tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Giảm bớt các khâu trung gian để hạ giá thành sản phẩm, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, đặc biệt là các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ hữu cơ Xây dựng nền nông nghiệp có hệ thống các cơ sở sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường.

Thứ năm, tăng cường xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Chương trình Thương hiệu quốc gia ngoài việc lựa chọn các thương hiệu dẫn đầu như hiện nay, cần lựa chọn, khai thác sản phẩm độc đáo, có chỉ dẫn địa lý ở các địa phương, tích hợp các giá trị, tri thức bản địa và thương mại hóa. Mỗi ngành hàng nông sản cần đề ra một chiến lược phát triển thương hiệu của mình

Dựa vào mô hình giá trị thương hiệu được đề xuất, các đơn vị/cá nhân một mặt đặt tên thương hiệu phù hợp cho sản phẩm, mặt khác đẩy mạnh quảng bá thương hiệu để tăng sự liên tưởng tích cực và tăng chất lượng cảm nhận về thương hiệu. Xác định rõ nhóm khách hàng mục tiêu, khảo sát nhu cầu thật sự của nhóm này đối với nông sản, từ đó định vị thương hiệu dựa vào khách hàng và xây dựng thông điệp truyền thông phù hợp để nâng cao hiệu quả xây dựng thương hiệu.

Tổ chức tốt thị trường, hệ thống và các kênh phân phối nông sản. Việc tổ chức tốt lưu thông hàng hóa cần tập trung tạo ra những tiền đề bên trong cho sản xuất và phân công lao động trong nông nghiệp theo hướng mở rộng các ngành nghề chế biến dịch vụ bên cạnh sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo ra các tiền đề bên ngoài (nhất là mở rộng thị trường xuất khẩu) để đưa sản xuất hàng hoá ở nông thôn lên quy mô lớn, tiếp cận với thị trường thế giới.

Thứ sáu, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đầu tư vào kinh tế nông nghiệp, nông thôn thường có nhiều rủi ro nên thiếu sự hấp dẫn và khó thu hút đầu tư FDI. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách kết hợp với các doanh nghiệp cung cấp quy trình sản xuất ổn định, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ thuật tay nghề cho nông dân.

Doanh nghiệp cần dẫn đầu giúp nông dân cập nhật khoa học kỹ thuật, nhất là tìm ra giống cây, con mới năng suất cao để dần khẳng định thị trường đầu ra của sản phẩm nông nghiệp. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lực ngành nông nghiệp nói chung, đặc biệt là đào tạo, trang bị kiến thức cho người dân để người dân có đủ kiến thức, thông tin, nắm bắt được thị trường và tạo ra những sản phẩm có năng suất, chất lượng, hiệu quả và tiêu thụ được./.