Cuộc cách mạng xanh là gì năm 2024

ND - Những con người gầy còm, đen đủi, làm việc cật lực trên thửa ruộng khô cằn, từng là hình ảnh đặc trưng của người nông dân đói nghèo Ấn Ðộ đang lùi vào quá khứ. Những đồng lúa xanh tươi, ruộng bông trắng xóa, vườn xanh đầy hoa trái là kết quả của cuộc Cách mạng xanh lần thứ nhất và thứ hai ở Ấn Ðộ.

Nằm ở Nam Á, Ấn Ðộ có diện tích tự nhiên gần 3,3 triệu km2, trong đó, diện tích đất nông nghiệp 48,83%, với dân số 1,1 tỷ người, Ấn Ðộ có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời và thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Có đồng bằng rộng lớn mà không một quốc gia nào trên thế giới có được. Chỉ riêng đồng bằng Ấn Hằng, diện tích khoảng 775 nghìn km2 với điều kiện tự nhiên thuận lợi đã tạo nên vùng nông nghiệp trù phú, là nơi trồng các loại cây lương thực chủ yếu và nuôi sống cả dân tộc Ấn Ðộ từ ngàn đời nay.

Hệ thống sông ngòi của Ấn Ðộ có lưu lượng nước rất lớn, đủ nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh và phát triển thủy điện. Ngay từ khi giành được độc lập ngày 15-8-1947, Ấn Ðộ luôn chú trọng phát triển nông nghiệp.

Năm 1963, cuộc Cách mạng xanh lần thứ nhất được Ấn Ðộ tiến hành với mục tiêu tăng lượng lương thực cứu dân bị đói. Hàng loạt giống lúa mới năng suất cao được đưa vào sản xuất với các chương trình: khai hoang, phục hóa, tăng diện tích trồng cây lương thực, xây dựng hệ thống thủy nông. Cuộc cách mạng xanh đầu tiên của Ấn Ðộ đã tạo bước phát triển đột phá tăng sản lượng lương thực của nước này từ 120 triệu tấn (những năm 60) lên 210 triệu tấn hiện nay. Năm 1984, Ấn Ðộ công bố sản xuất đủ lương thực cho nhu cầu trong nước và từ 1995 đã trở thành nước xuất khẩu gạo. Diện tích trồng cây lương thực của Ấn Ðộ tăng từ 116 triệu ha năm 1960 lên 170 triệu ha năm 1990 và 190 triệu ha năm 1995. Nạn đói trong những năm 1950, 1956, 1965-1967 và 1975-1977 chỉ còn là "hình ảnh của quá khứ".

Cùng với cuộc Cách mạng xanh trong trồng trọt, trong những năm 70 của thế kỷ trước, Ấn Ðộ tiến hành cuộc Cách mạng trắng (sản xuất sữa), tạo ra sự thay đổi lớn trong chăn nuôi, cung cấp sữa, chất đạm cho người dân.

Mô hình sản xuất sữa đặc thù của Ấn Ðộ được nhiều nước đang phát triển học tập. Với điều kiện sản xuất nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, sản lượng sữa tăng hằng năm 6%, đưa Ấn Ðộ đã trở thành một trong những nước sản xuất và xuất khẩu sữa hàng đầu trên thế giới (từ 17 triệu tấn năm 1951, lên 81 triệu tấn năm 2000, 91 triệu tấn năm 2005 và 96,1 triệu tấn năm 2006). Ngành nông nghiệp của Ấn Ðộ phát triển nhanh, hiện đóng góp 22% vào GDP và gần 16% vào doanh thu xuất khẩu. Những thành tựu về cải cách nông nghiệp đã giúp Ấn Ðộ ổn định kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho nông dân, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Từ năm 1983, Ấn Ðộ phát động Cách mạng xanh lần thứ hai, với mục tiêu "thay đổi về chất" trong sản xuất nông nghiệp, tiếp tục nghiên cứu, tạo ra các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu dịch bệnh; áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, nhằm tạo ra năng suất, sản lượng lương thực cao hơn; mở rộng việc cung cấp các yếu tố đầu vào và dịch vụ cho nông dân.

Năm 1991, khi Ấn Ðộ bắt đầu công cuộc cải cách toàn diện nền kinh tế, nông nghiệp được coi là lĩnh vực trọng tâm. Xuất phát từ nhận thức sâu sắc rằng, cải cách nông nghiệp một cách toàn diện có thể làm cho kinh tế tăng trưởng bền vững, xã hội ổn định thật sự. Hàng loạt những biện pháp được Chính phủ áp dụng, trong đó tập trung vào ba điểm chính: áp dụng công nghệ và kỹ thuật canh tác mới; Quản lý, điều phối nguồn nước tưới tiêu và bảo đảm thu nhập tăng và đời sống tốt hơn cho nông dân. Công nghệ và kỹ thuật canh tác mới đối với nông nghiệp là yếu tố hàng đầu, có vai trò quan trọng trong việc tăng sản lượng lương thực.

Ðối với một nước đông dân như Ấn Ðộ, việc bảo đảm an ninh lương thực là vấn đề lớn của quốc gia. Theo dự báo, đến năm 2020, dân số của Ấn Ðộ sẽ tăng lên 1,4 tỷ người. Ấn Ðộ cần 300 triệu tấn lương thực một năm, phải duy trì mức tăng sản lượng lương thực liên tục ở mức 6% mỗi năm. Nước là yếu tố hàng đầu trong nông nghiệp, đặc biệt trong trồng lúa nước.

Ấn Ðộ có hai lưu vực sông lớn, phía bắc, có lưu vực sông Hằng cùng với sông Jamuna và một số con sông khác, dẫn nước mưa và tuyết tan vào mùa hè từ dãy Himalaya vào vịnh Bengal. Lượng nước dư thừa ở phía bắc tới 34%, đây là hệ thống tưới tiêu chính và cũng là nguồn gây ra lụt lội vào mùa mưa.

Một hệ thống năm sông lớn khác bắt nguồn từ Himalaya chảy qua bang Punjab đổ ra biển Ả-rập. Lưu vực sông miền nam bảo đảm nước sinh hoạt và tưới cho bán đảo Ấn Ðộ. Dù có bốn con sông lớn chảy xuống bán đảo Ấn Ðộ, hằng năm khu vực này vẫn thiếu khoảng 20% lượng nước cần thiết. Trong 50 năm qua, ít nhất đã ba lần Ấn Ðộ có ý định thực hiện dự án sông nhân tạo với chi phí khoảng 200 tỷ USD, nhưng phải dừng lại do nhiều lý do.

Ấn Ðộ đang thực hiện dự án nhỏ hơn, chuyển lượng nước dư thừa ở miền bắc sang hướng tây. Theo đó nối 14 con sông lớn ở vùng núi Himalaya của Ấn Ðộ với 17 con sông lớn nhỏ ở miền nam; một con kênh dài khoảng 2.500 km dẫn nước từ miền bắc cung cấp khoảng 1.000 tỷ m3 nước hằng năm cho từ 25 đến 30 triệu ha lúa ở miền tây và tây-nam, góp phần làm tăng sản lượng lương thực của Ấn Ðộ hằng năm thêm 50-60 triệu tấn. Ðiều quan trọng hơn là Ấn Ðộ sẽ chế ngự được các dòng sông thường gây lụt vào mùa mưa. Tổng chi phí cho dự án này khoảng 40 tỷ USD thực hiện trong vòng 15 năm. Khi dự án hoàn thành, Ấn Ðộ có thể sản xuất khoảng 450 triệu tấn lương thực (trị giá 60 tỷ USD) hằng năm vào năm 2050, bảo đảm lương thực cho khoảng 1,5 tỷ dân và xuất khẩu.

Thu nhập của nông dân Ấn Ðộ còn có cách biệt lớn. Những người sở hữu nhiều ruộng đất giàu có, được hưởng sự trợ giúp tốt hơn, tiếp cận với nhiều nguồn vốn và nhiều khả năng tiếp thu, áp dụng thành tựu của khoa học và công nghệ. Những người sở hữu ít ruộng đất chiếm đa số, còn rất nghèo. Ðể bảo đảm thu nhập tốt hơn cho những nông dân nghèo, Chính phủ Ấn Ðộ thực hiện nhiều chính sách, biện pháp, phát triển hạ tầng nông thôn, cơ cấu giá cả, bảo đảm thu nhập công bằng cho nông dân, nâng cao năng suất nông nghiệp, cải thiện mức sống cho nông dân.

Cuộc cách mạng xanh có ý nghĩa gì?

Cách mạng Xanh là cuộc cách mạng nhằm tăng trưởng sản lượng nông nghiệp bằng việc tạo ra những giống cây trồng có năng suất cao. Có thể thấy, Cách mạng Xanh đã tạo ra những thành tựu lớn trong sản xuất lương thực của thế giới.

Cuộc cách mạng xanh trong nông nghiệp ở Ấn Độ có ý nghĩa như thế nào?

Cuộc “Cách mạng Xanh” vào những năm 1960 dựa trên nền tảng công nghệ đã làm tăng sản lượng lương thực của Ấn Độ nhờ tạo ra các giống cây trồng mới năng suất cao, sử dụng rộng rãi phân bón và máy móc, cải cách ruộng đất và hệ thống thuỷ nông.

Cuộc cách mạng nông nghiệp là gì?

Cách mạng nông nghiệp (tiếng Anh: Agricultural Revolution) là thời kì sản lượng nông nghiệp gia tăng mạnh mẽ do có những tiến bộ trong tổ chức và kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi.

Cuộc cách mạng xanh thế giới đã giải quyết được vấn đề gì?

Nhờ cuộc “Cách mạng xanh”, từ năm 1960 đến năm 1990, sản lượng nông nghiệp trên toàn thế giới đã tăng gấp đôi và đã cứu sống khoảng 1 tỷ người ở những nước đang phát triển khỏi nguy cơ chết đói. Năm 2006, một cuốn sách viết về Norman Borlaug đã được xuất bản với tiêu đề “Người nuôi sống cả thế giới”.